Lá Thư Tháng 06 / 2019 : Thánh vịnh trường dạy đức tin

Lá Thư Đặc Trách Tháng 06 / 2019

Thánh vịnh trường dạy đức tin

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Cầu nguyện là một trong bốn trụ cột đời sống gia đình Đa Minh. Sau nhiều thập niên, Huynh đoàn Đa Minh Việt Nam đã hình thành được truyền thống tốt đẹp là cùng nhau nguyện kinh sáng và kinh chiều, là lời kinh phụng vụ chính thức của hội thánh. Chúng ta sẽ chia sẻ về đề tài này trong nhiều bài, khởi sự từ “thánh vịnh là trường dạy đức tin”.

Dòng Ba với truyền thống nguyện giờ

Suốt nhiều thế kỷ, dòng Ba Đa Minh Việt Nam đã có truyền thống nguyện giờ. Mỗi ngày có 7 giờ nguyện, suy niệm cuộc thương khó Chúa Giêsu. Đó là : giờ tý : Chúa bị bắt; giờ dần : Chúa bị đòn đánh; giờ mão : Chúa vác thánh giá; giờ thìn : Chúa chịu đóng đinh; giờ ngọ : Chúa chịu chết; giờ mùi : việc tháo đinh; và giờ thân : Chúa được an táng.

Có thể thấy cấu trúc kinh nguyện Dòng Ba qua bao thế hệ khá giống với kinh phụng vụ hiện nay. Xưa khởi sự bằng : Xin Chúa mở miệng tôi ra, nay là Lạy Chúa Trời xin mở miệng con. Xưa : Miệng tôi sẽ ngợi khen Chúa tôi, nay là Cho con vang tiếng ngợi khen Ngài. Xưa : Xin Chúa thương lấy tôi cùng, nay là Lạy Chúa Trời xin đến giúp con. Xưa : Xin Chúa phù hộ tôi cho kíp, nay là Muôn lạy Chúa xin mau phù trợ. Xưa kết thúc bằng : Chúng ta hãy chúc tụng Chúa – tạ ơn Chúa, nay là Nào ta chúc tụng Chúa, Tạ ơn Chúa.

Giáo hội cổ võ tín hữu đọc kinh phụng vụ

Theo Vaticanô II, phụng vụ các giờ kinh không dành riêng cho linh mục và tu sĩ. Cùng với chỉ thị phiên dịch và phổ biến các giờ kinh bằng tiếng địa phương, công đồng thiết tha cổ võ mọi thành phần dân Chúa cùng tham gia cử hành.

Hiến chế Phụng vụ thánh số 84 xác định : “Theo truyền thống xa xưa của kitô giáo, kinh nhật tụng được lập ra để thánh hiến trọn ngày đêm bằng lời ngợi khen Thiên Chúa. Khi các kitô hữu hợp cùng các linh mục cầu nguyện theo thể thức đã được chuẩn nhận, thì thực là tiếng của chính hiền thê nói với Đấng Phu Quân, và là lời cầu nguyện của Chúa Kitô cùng hội thánh dâng lên Thiên Chúa Cha” (Hc Phụng vụ, số 84).

Vì thế, kinh phụng vụ là lời cầu nguyện chung của toàn giáo hội, của mọi thành phần dân Chúa. Dĩ nhiên, kinh phụng vụ bổ túc chứ không thay thế phụng vụ Thánh Thể. Mục đích các giờ kinh phụng vụ nhằm thánh hóa các thời khắc của những ngày sống, kết hợp hành động với lời cầu nguyện liên lỉ theo chỉ thị của Đức Kitô : “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21, 36).

Thánh vịnh chính là Lời Chúa

Sách Thánh Vịnh là một cuốn trong Thánh Kinh, gồm 150 bài thơ, bài vịnh; là các lời thi nguyện được dân Chúa tụng niệm, suy gẫm và truyền tụng qua bao thế hệ, được vua Đa vít tổng hợp và phổ biến. Thánh vịnh là kho tàng kinh nguyện bất hủ, được Dân Chúa trân trọng bảo tồn để làm lời cầu nguyện riêng tư hay tập thể… Các kitô hữu kế thừa di sản của Cựu Ước, ngay từ đầu cũng đã ngâm nga và hát lên các thánh vịnh khi cầu nguyện. Như ta thấy trong lời kêu mời của thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô : “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5,19).

Với ơn linh hứng, chúng ta xác tín Thiên Chúa chính là tác giả các thánh vịnh. Chính Ngài lên tiếng phán dạy, ngỏ lời, và gợi hứng cho con người biết cách thưa chuyện với Ngài. Nên nội dung thánh vịnh, ngoài yếu tố văn học còn thấm đẫm niềm tin tôn giáo, hàm chứa những tâm tình sâu sắc, thành kính, cao cả và nội tâm của cộng đoàn dân Chúa.

Thánh vịnh trường dạy đức tin

Đặc biệt, thánh vịnh không dạy giáo lý bằng các từ ngữ triết học khó hiểu mà bằng ngôn ngữ của thi ca : tràn ngập các hình ảnh sống động với âm điệu trầm bổng dễ đi sâu vào lòng người. Như ta thấy, thánh vịnh 18 và 23 đã viết về Thiên Chúa tạo thành vũ trụ vạn vật :

“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa,
không trung loan báo việc tay Người làm” (Tv 18, 2).

“Chúa làm chủ trái đất cùng muôn vật muôn loài,
làm chủ hoàn cầu với toàn thể dân cư” (Tv 23, -2).

Trong thánh vịnh 49, chính Đức Chúa xác định Ngài sáng tạo và bảo vệ muôn vật muôn loài :

“Vì thú rừng là của Ta hết thảy,
cả ngàn muôn loài vật núi đồi.
Mọi thứ chim trời, Ta đều biết rõ,
động vật nơi hoang dã thuộc về Ta” (Tv 49, 10-11).

Vì thế cùng với tác giả thánh vịnh 148, nhân loại kêu mời toàn thể tạo thành cất lời ca tụng Thiên Chúa.

“Ca tụng Chúa đi, này vầng ô bóng nguyệt,
ca tụng Người, muôn tinh tú rạng soi.
Ca tụng Chúa đi, hỡi cửu trùng cao vút,
cả khối nước phía trên bầu trời.
Núi với đồi trùng trùng điệp điệp,
cây ăn trái và đủ loại bá hương,
thú vật rừng hoang cùng là gia súc,
loài bò sát và mọi giống chim trời” 148 (cc 4-10).

Từ tin tưởng đến phó thác

Nếu thánh vịnh 138 tuyên xưng niềm tin mỗi cá nhân được sống trong sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa : “Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa… Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì Chúa đã am tường hết”.

“Dù chắp cánh bay từ phía hừng đông xuất hiện,
đến ở nơi chân trời góc biển phương tây,
tại đó cũng tay Ngài đưa dẫn,
cánh tay hùng mạnh giữ lấy con” (Tv 138, 9-10).

Thì thánh vịnh 144 khẳng định nhờ Chúa mà muôn loài tồn tại :

“Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê…

Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm” (cc 15-17).

Vì vậy, hãy đặt trọn niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, để cùng dâng lên lời kinh phó thác đơn sơ của thánh vịnh 130  :

“Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào Chúa ơi !
Đường cao vọng chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức chẳng cầu ;
hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng giữ sao thanh bình
.

Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm” (Tv 130, 1-3).

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *