176 trẻ em mất cha mẹ sau vụ khủng bố Chúa nhật Phục sinh ở Sri Lanka; Báo động về nạn buôn người đang gia tăng tại Venezuela; Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của ĐGH tròn 175 năm

1. 176 trẻ em mất cha mẹ sau vụ khủng bố Chúa nhật Phục sinh ở Sri Lanka

ĐHY Malcolm Ranjith của Sri Lanka cho biết, sau các vụ tấn công khủng bố xảy ra vào Chúa nhật Phục sinh ở Sri Lanka, 176 trẻ em đã bị mất cha hoặc mẹ hoặc cả hai.
ĐHY Malcolm Ranjith

Hôm Chúa nhật Phục sinh 21/04, 7 vụ nổ bom tự sát đã đồng loạt xảy ra tại 3 nhà thờ và các khách sạn hạng sang ở Sri Lanka. Có hơn 500 người bị thương và 258 người thiệt mạng.

Giáo hội chăm sóc cho các em

ĐHY Ranjith chia sẻ với phóng viên báo Daily Mirror tại Roma rằng Giáo hội đang nhắm giúp cho các em phục hồi và trở lại đời sống bình thường. Ngài nói rằng Giáo hội không tập trung vào việc tái thiết các nhà thờ bị hư hát vì các vụ nổ vì chính quyền đảm nhận công việc này. Chính quyền Sri Lanka đã tuyên bố rằng mọi nhà thờ bị thiệt hại sẽ hoàn toàn được chính quyền sửa chữa.

Trong chuyến viếng thăm Roma, ĐHY Ranjith cũng đã yết kiến ĐTC Phanxicô và thuật lại cho ĐTC về những điều đã xảy ra và những điều Giáo hội đang làm để xây dựng lại cuộc sống cho những người bị ảnh hưởng vì thảm kịch này.

2. Báo động về nạn buôn người đang gia tăng tại Venezuela

Phần lớn những người mất tích là phụ nữ. Họ tiếp xúc với những người lạ và được giới thiệu đi làm việc nơi có điều kiện sống tốt hơn. Nhưng khi rời khỏi gia đình, họ mất tích.

Báo động về nạn buôn người đang gia tăng tại Venezuela

Trước tình trạng nạn buôn người gia tăng, đặc biệt đối với các phụ nữ trẻ, ngày 18 tháng 6 vừa qua, Đức cha Roberto Lückert, Nguyên Tổng Giám mục của Coro, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Venezuela đã ra một thông cáo, cùng với chữ ký của cha Saúl Ron Braasch, Tổng Đại diện của Ủy ban.

Nội dung thông cáo ghi: “Ủy ban Công lý Hòa bình và Caritas thúc giục các cơ quan Công quyền Quốc gia điều tra, truy tố và kết án những người liên quan đến tội buôn người; để đảm bảo cho gia đình của các nạn nhân có thể tiếp cận trực tiếp các cơ quan an ninh nhà nước và các cơ quan tư pháp mà không gặp cản trở, để họ có thể nộp đơn kiện và tìm thấy công lý mà không bị trì hoãn, theo đòi hỏi của Hiến pháp và các công cụ bảo vệ nhân quyền quốc tế khác nhau, được ký kết và phê chuẩn bởi Cộng hòa Bolivar Venezuela”.

Trong cuộc gặp gỡ với người thân của 28 người mất tích ở Güiria, thuộc bang Sucre, khi họ đang đi thuyền trên đảo Trinidad và Tobago, rời bến ngày 23 tháng 4, những người đứng đầu Ủy ban Công lý và Hòa bình xác định rằng “phần lớn những người mất tích lần này là phụ nữ. Họ được liên lạc và được giới thiệu đi làm việc nơi có điều kiện sống tốt hơn”. Hồi tháng Năm, một chiếc thuyền khác cũng đã mất tích, với số người khá đông như trên.

Các thành viên gia đình kêu cứu, mặc dù họ được thông báo rằng người thân của họ, chủ yếu là phụ nữ trẻ, đã chết trong vụ đắm tàu, nhưng các thi thể vẫn chưa được tìm thấy và những người hữu trách trong cuộc điều tra đã không phản ứng kịp thời.

Ủy ban quan sát lo ngại rằng sự gia tăng các thảm kịch này không chỉ ở khu vực phía đông đất nước, mà còn ở các khu vực biên giới của Falcón, Brazil và Colombia, nơi những nhóm tội phạm này gây nguy hiểm đến tính mạng, thể chất và phẩm giá của phụ nữ – đặc biệt là những phụ nữ trẻ và vị thành niên, gây ra lo lắng và ngay cả tuyệt vọng cho các gia đình của họ, đặc biệt là cho các cháu nhỏ ở lại trong tình trạng bị bỏ rơi.

Ủy ban Công lý Hoà bình và Caritas nhắc lại trong kết luận của thông cáo rằng “họ sẽ tiếp tục theo dõi các trường hợp này và đi cùng với các thành viên gia đình của họ, để tìm ra công lý, các thông tin và làm rõ các vấn đề”. (Agenzia Fides, 19/6/2019).

 

3. Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của ĐGH tròn 175 năm

Năm nay, Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo Hoàng, cũng được biết với tên “Hội Tông đồ cầu nguyện” sẽ kỷ niệm 175 năm thành lập và 10 năm tái lập, được ĐTC Phanxicô phê chuẩn năm 2014.
Hình đại diện video ý cầu nguyện tháng 5/2018

Mạng lưới cầu nguyện được cha Francesco Saverio Gautrelet thành lập ngày 03/12/1844 tại một chủng viện ở Pháp và năm 2009 được tái lập. Nhân dịp kỷ niệm kép này, vào ngày 28/06 tới đây, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, 6000 người từ châu Âu, châu Phi, châu Á và châu Đại dương sẽ tham dự lễ kỷ niệm tại Vatican với sự tham dự của ĐTC.

Ngọn lửa bắt đầu từ 175 năm trước, làm bùng cháy lên trong con tim của hàng triệu người sẵn sàng cầu nguyện và dâng chính cuộc sống mình để thực hiện thánh ý Chúa vì nhu cầu của Giáo hội, đã bắt đầu từ một chủng viện của dòng Tên ở Pháp. Cha Frédéric Fornos, giám đốc Mạng lưới cầu nguyện toàn cầu của Đức Giáo hoàng, giải thích: “Tại đây, một nhóm chủng sinh bày tỏ ước nguyện đi đến Ấn Độ để loan báo Tin Mừng với tư cách là những người truyền giáo. Để làm điều này thì họ sẽ phải ngưng việc học hành. Khi đó, vị đào tạo nói với họ rằng họ cũng có thể là tông đồ bằng lời cầu nguyện và dâng chính bản thân mình cho Chúa để nâng đỡ những người hiện đã đến tất cả các châu lục để làm cho Chúa Kitô được biết đến”. Kinh nghiệm nhỏ bé và đơn lẻ này nhanh chóng lan rộng, đặc biệt là có sự tham dự của những giáo dân không thể trở thành nhà truyền giáo. Với con số 900 người tham gia Hội Tông đồ cầu nguyện vào lúc khởi đầu, hiện nay số thành viên đã lên 35 triệu và có mặt ở mọi nơi trên hành tinh.

Cách đây 10 năm, với sự ủng hộ và đồng thuận của Đức Thánh Cha, Hội tông đồ cầu nguyện bắt đầu hành trình canh tân. Cha Fornos giải thích rằng đây là hành trình trở về với nguồn thiêng liêng. Cha nói: “Chúng ta phải khám phá lại điều mà ngay từ ban đầu đã giúp chúng ta gần với Thánh Tâm Chúa Giêsu, đã giúp chúng ta sẵn sàng vì sứ vụ của Giáo Hội.” Cha cũng giải thích thêm: “vì thời đại thay đổi nên không cho phép chúng ta làm những điều như khi mới được thành lập. Về điều này, hiện nay mỗi tháng Đức Thánh Cha cho chúng ta một ý cầu nguyện để định hướng hành trình của chúng ta.”

Theo cha Fornos, tuy Hội có hàng triệu thành viên nhưng vẫn “vô hình”, họ cầu nguyện và dâng hiến cuộc đời của họ trong thinh lặng, không phô trương, không khuấy động trên sân khấu truyền thông. Nhưng cha tin chắc rằng nếu không có những người này, sứ mạng của Giáo hội sẽ không có được kết quả.

Vatican

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *