Đêm đã về khuya, đường phố im lìm. Thỉnh thoảng mới nghe những tiếng xe từ đâu vọng tới, gầm rú rồi tan dần trong không trung. Quân vẫn trằn trọc không sao chợp mắt. Trời trở lạnh, những cơn gió tràn vào mang theo cái lạnh cuối thu, mảnh chăn mỏng dính không ngăn nổi những cơn gió ào ào luồn vào da thịt. Suốt cả tuần nay, mưa lúc nào cũng rả rích, nước đọng thành từng vũng trên mảnh sân loang lổ rêu phong, càng làm cho khu trại đã ẩm thấp lại càng ẩm thấp thêm. Quân cuộn tấm chăn mỏng vào người co tròn lại như con sâu, hai mắt vẫn nhắm tịt cố ý dỗ giấc ngủ.
Ở phía cuối cùng của phòng trại, chú Minh vẫn ngồi nghiêm chỉnh trên giường, tay vân vê những sợi dây thắt lại từng nút tròn, miệng lâm râm cái gì đó, không rõ. Nhưng từng cử động của Quân chú đều nghe thấy, biết Quân lạnh nên không ngủ được, chú lặng lẽ cầm chiếc mền mỏng của mình qua đắp cho Quân. Thấy có người đụng vào mình, Quân mở mắt ra nhìn, bóng chú Minh đã đi đến cuối phòng. Có thêm chiếc mền nữa Quân thấy ấm hẳn lên, lẽ ra Quân phải ngủ ngon hơn mới phải. Nhưng không hiểu sao, từ lúc có thêm tấm mền của chú Minh, Quân càng tỉnh táo hơn. Không ngủ được, Quân nằm suy nghĩ mông lung. Những cử chỉ và thái độ của chú Minh làm cho Quân phải suy nghĩ và chú ý.
– Chú ấy là ai mà sao khác người thế? Càng cố tình hành hạ, chú càng đối xử tốt với mình? Lạ, sao lại có người khác thường thế không biết.
Nhớ cái đêm chú được dẫn vào trại, chưa gì Quân đã tặng cho chú một trận đòn nhừ tử như thể cảnh cáo “đừng đụng vào ông kẻo nhừ đòn”. Những ngày kế tiếp, Quân càng tỏ ra hách dịch: hạch sách cái này, chê bai cái nọ. Nếu Minh làm không đúng ý sẽ được thưởng những trận đòn vô cớ. Bữa cơm đạm bạc trong tù ăn không đủ no, những lính mới như chú đương nhiên sẽ bị giành giật. Những ngày đầu, phần ăn của chú thường chỉ để cầm hơi. Chú thường xuyên phải đi xách nước rửa nhà vệ sinh. Vào trong tù, Minh không những bị cai tù hạch sách, bắt bẻ đủ chuyện mà ngay cả những bạn tù với nhau cũng làm khó Minh. Nhưng có một điều làm cho Quân và các bạn tù phải thắc mắc: sao chú không phản kháng lại như những người tù khác mà cứ âm thầm chịu nhục và làm các công việc hèn hạ ấy như thể đấy là bổn phận của mình vậy. Không những thế, chú còn tỏ ra rất vui vẻ, ai cần gì chú vẫn tận tình giúp đỡ. Có hôm thằng Hân lên cơn sốt, chú thức cả đêm để chườm cho nó. Nhất là, mỗi lần gia đình đến thăm nuôi, chú phát hết quà cáp cho mọi người, chẳng giữ lại gì. Giờ có mảnh chăn mỏng chú cũng nhường cho mình. Tự nhiên Quân thấy khóe mắt cay cay và tự trách mình “tại sao cùng tù với nhau mà mình không thương nhau, còn làm khổ nhau”.
Quân chợt nhớ đến cái đêm đầu tiên khi chú bị Quân và đồng bọn đánh, có một vật gì trong túi áo văng ra, chú vội vàng cúi xuống nhặt thì bị chiếc giầy của thằng Hân giẫm lên. Chú thà để cho chiếc giày của nó nện lên bàn tay mình chứ nhất định không để cho nó đạp lên tấm hình ấy. Mãi đến lúc những ngón tay của chú bầm tím, hắn mới chịu nhấc chân ra. Thấy lạ, Quân liếc nhìn xem tấm hình đó là gì, có phải người yêu không mà chú bảo vệ dữ thế, thà chịu đau chứ không để cho tấm hình bị chà đạp dơ bẩn. Nhưng không, chỉ là một bức tượng của một phụ nữ nào đó bị cụt tay được chụp lại, phía dưới có một dòng chữ viết nắn nót “con phải trở thành đôi tay cho Mẹ bằng cách nào”?
– Tấm hình ấy là gì mà sao chú trân trọng thế? Cả cái câu này hình như mình đã nghe ở đâu rồi thì phải? Quân vẫn nằm, hai tay vắt lên trán lẩm bẩm.
Hình ảnh của bức tượng bị cụt tay mà Quân đã gặp trong cái đêm bị bắt tự nhiên xuất hiện, nhất là câu nói “hãy cho Ta mượn đôi tay của con, để thay Ta trao ban tình thương cho mọi người” vang lên trong lòng. Quân giật mình nhớ lại: Hôm đó, Quân được giao nhiệm vụ đóng giả làm người lỡ đường xin tá túc qua đêm tại một nhà xứ ở Kon Plong để tiện thăm dò. Trong khi đó, đồng bọn sẽ phục kích ở ngoài, nếu thành công Quân sẽ báo cho tụi nó đột nhập. Dù đơn giản nhưng Quân vẫn thấy sợ khi đụng chạm đến những nơi linh thánh. Bí quá tụi Quân mới phải mò vào những nơi như vậy vì ở làng ai cũng cảnh giác, không thể làm ăn gì được mà cơn nghiện mỗi ngày lại mau hơn. Không có thuốc, tụi Quân không chịu nổi. Vì là người lương dân nên Quân được giao cho nhiệm vụ này để cha sở và ông từ khỏi biết mặt. Nhưng Quân vẫn sợ bị bà con giáo dân phát hiện, nên không dám đi trong làng mà phải vòng qua bìa rừng. Không hiểu sao đang đi, vấp phải hòn đá to bên đường, bò dậy Quân chửi đổng:
– Đồ chó chết, có mắt không mà không tránh ông? Có biết ông là ai không hả?
Cú ngã mạnh làm cho hai đầu gối bầm tím. Quân ngồi lên cục đá vừa vấp để xoa bóp chân. Bỗng một tiếng nói từ đâu vọng lại: “Hãy cho Ta mượn đôi tay của con”. Giọng nói thật ấm áp, ngọt ngào. Giật mình, Quân đứng bật dậy nhìn bốn phía, không thấy ai. “Kỳ, không có người mà lại có tiếng”. Quân vừa nói, vừa ngồi xuống tiếp tục xoa bóp chân. Được một lúc, đang định đứng dậy đi thì một lần nữa, giọng nói hồi nãy lại vang lên:
– Hãy cho Ta mượn đôi tay của con.
– Ai, là ai đang nói?
Xung quanh yên ắng, không có động tĩnh gì, Quân bắt đầu thấy run “Người hay ma”? Quân chưa bao giờ gặp ma, nhưng nghe người ta nói, hôm nay tự nhiên thấy da gà bắt đầu nổi. “À, hay là bà già? Lẽ nào bà biết được âm mưu của tụi mình”? Hai mắt đỏ ngầu, Quân nhìn chằm chằm về phía sau quát “Bà muốn gì? Bà không mau cút về đừng có trách tôi”. Tưởng là mẹ mình nên Quân dọa nạt, nhưng lần thứ ba, vẫn cái giọng trong trẻo, ngọt ngào ấy vang lên, lại còn gọi đích danh nữa:
– Quân! Hãy cho Ta mượn đôi tay của con, Ta cần con, hãy là đôi tay của Ta để thay Ta trao ban tình thương cho mọi người.
Lần này thì Quân thấy run thật, “chắc chắn đây không phải bà già, giọng bà già đâu có ấm áp, ngọt ngào như thế. Nhưng ai mà lại gọi đích danh mình”? Nhìn xung quanh vẫn không thấy một bóng người. “Hay là ma thật”? Định co giò chạy, nhưng không hiểu sao Quân lấy hết can đảm, mạnh dạn hỏi:
– Bà là ai? Nếu thật là người gọi tôi thì ra đây cho tôi xem mặt.
– Ta là Maria, con quay lại năm bước nữa, Ta đang ở đây.- Quân làm theo như lời bà nói mà vẫn không nhìn thấy bóng dáng người đang nói với mình ở đâu.
– Tôi đến rồi đây.
– Con quay mặt sang bên phải.- Quân làm theo bà, tự nhiên gai ốc nổi lên khi nhìn thấy một bức tượng bị cụt tay.
– Bà là người vừa nói với tôi?
– Đúng, là Ta.
– Bà muốn gì?
– Còn nhiều người đang đói, không phải đói cơm bánh mà đói tình thương, con hãy cho Ta mượn đôi tay của con và thay Ta trao ban tình thương cho họ.
– Không, bà là ai mà tôi phải làm việc cho bà, bà tính trả lương cho tôi bao nhiêu? Liệu bà có cung cấp cho tôi hút chích thoải mái không?
– Ta sẽ ban cho con những ơn cần thiết để con có thể thi hành công việc Ta sẽ trao cho con.
– Sao bà không nhờ người khác, lại nhờ tôi?
– Bởi vì Ta tin tưởng con.
– Bà nhầm rồi, tôi có gì bảo đảm mà tin tôi, đến mẹ ruột tôi còn không tin tôi nữa là, một thằng trộm cắp, nghiện ngập như tôi. Giao tiền cho tôi, bà không sợ tôi chạy trốn sao?
– Con ở đâu Ta cũng tìm được, vì đôi mắt Ta luôn dõi theo con. Ta tin vào thiện chí của con.
– Bà đừng mơ, chỉ là một bức tượng cụt tay mà dám ra oai, làm cho ông sợ muốn chết. Mẹ kiếp, hôm nay là ngày gì mà toàn gặp xui xẻo.
Quân hậm hực bỏ đi. Đêm đó, nhóm Quân thực hiện cuộc đột kích ở nhà xứ, nhưng ông từ phát hiện kịp thời. Ông luống cuống chạy ra kéo chuông. Nghe tiếng chuông lạ, bà con giáo xứ ùn ùn kéo đến, họ đã vây bắt và tóm gọn cả nhóm. Sau đó giao cho công an, những vụ mất cắp trước kia được phanh phui hết, những ai cung cấp thuốc và cả những nơi chứa chấp đều được khai báo. Sau khi bắt giữ, họ nghi ngờ vụ “cướp của giết người” ở căn biệt thự mới xảy ra cũng do nhóm này, nên tội của Quân và nhóm càng nặng hơn.
– Bà này là người bên Công giáo hay đi khấn vái. Bà ấy và bà trong bức hình của chú Minh có giống nhau không? Lẽ nào bà ấy giúp chú Minh trở thành người khác thường như thế?
Không chờ đến sáng, Quân đi tới giường chú Minh. Minh vẫn còn thức, đang ngồi nghiêm trang trên giường, tay vẫn còn vân vê sợi dây được thắt lại từng nút tròn. Lần này Quân không tỏ ra hách dịch như mọi ngày, giọng nói đầy kính trọng, Quân hỏi:
– Chú cho cháu xem bức hình của chú chút được không?
– Cậu chưa ngủ hả? Hình nào?
– Bức hình gì mà hôm bữa rớt xuống, thằng Hân giẫm lên đó chú.
– À, bức ảnh Đức Mẹ. Cậu cũng là người có đạo hả?
– Dạ không, nhưng trước khi bị bắt, có một bức tượng cụt tay ở ngoài bìa rừng nói với cháu câu “hãy cho Ta mượn đôi tay của con để thay Ta trao ban tình thương cho những ai đang thiếu tình thương”. Cháu thấy hơi giống câu chú viết sau bức ảnh.
– Có phải bức tượng Đức Mẹ Măng Đen ở Đắc Long không?
– Cháu không biết tên bức tượng ấy, trời tối cháu cũng không nhìn kỹ, chỉ nhìn thấy bức tượng cụt tay đứng chơ vơ giữa rừng của xã Đắc Long.
Minh vội vàng rút bức ảnh Đức Mẹ Măng Đen ra khỏi túi áo đưa cho Quân, vừa nhìn Quân giật thót tim.
– Có phải bức này không?
– Đúng là bà cụt tay này rồi, bà ấy cũng nói với chú câu ấy?
– Không, chỉ là cảm nhận từ tâm hồn tôi, lúc ấy bị công an truy bắt, tôi đã tìm đến mảnh đất Kon Tum này ẩn trú. Không ngờ gặp tượng Đức Mẹ Măng Đen với đôi tay cụt, đứng lặng lẽ ở nơi rừng rú một mình, không hiểu sao tôi thấy xúc động. Hình ảnh tuổi thơ ùa về, những ngày đầu tháng hoa, bọn thiếu nhi chúng tôi, cả trai cả gái đều được dâng hoa kính Đức Mẹ. Các anh chị giáo lý viên còn phát động phong trào “đội nào dâng hoa đều, đẹp sẽ được thưởng một chuyến hành hương Đức Mẹ La Mã ở Bến Tre”. Được nghe nhiều kỳ tích về bức ảnh ấy nên chúng tôi náo nức, đứa nào cũng cố gắng đi tập đều đặn. Ấy thế mà khi lớn lên tôi lại bỏ Chúa, bỏ Mẹ… Minh nghẹn ngào, một lúc sau mới nói tiếp. Những ngày ẩn núp, tôi thường ngồi bên tượng Mẹ và tự hỏi “tại sao Mẹ bị cụt tay? Rồi tôi lại nghe như Mẹ đang nói với mình “con hãy là đôi tay cho Mẹ, hãy thay Mẹ trao ban tình thương cho những ai đang thiếu tình thương”. Tôi cũng không hiểu động lực nào thúc đẩy để tôi quyết định ra đầu thú tất cả những lầm lỗi của mình. Trước tiên, tôi thú tội với Chúa qua vị linh mục, và ngay ngày hôm đó tôi cũng thú tội trước pháp luật. Cậu biết ngày hôm đó là ngày gì không? Ngày 13/10. Hôm đó, gia đình tôi vui tràn nước mắt. Mẹ tôi bảo “con cứ an tâm, vì con tự nguyện ra đầu thú chắc chắn tội sẽ giảm đi”. Tôi không dám nghĩ tội của mình trước pháp luật có được giảm không. Nhưng chắc chắn trước mặt Chúa, tôi đã sạch tội, vì lòng thương xót của Ngài lớn hơn tội lỗi của con người. Nên tâm hồn tôi đã thấy bình an trở lại, những cơn ác mộng không còn đeo đuổi và rình rập tôi như trước kia. Tôi cũng tự hứa với lòng mình: từ nay tôi sẽ trở thành đôi tay cho Mẹ, bất kể tôi sống ở môi trường nào. Nhưng mỗi lần gặp những khó khăn, thử thách: bị đánh đập, bị hành hạ, bị tước mất những quyền căn bản của con người tôi lại tự hỏi “Con sẽ trở thành đôi tay cho Mẹ bằng cách nào”. Những lúc đó, tôi thường nghe tiếng nói từ trong tâm hồn vang lên qua lời kinh hòa bình: xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người, xin hãy dạy con tìm an ủi người hơn được người ủi an…xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con gieo yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm…Và tôi đã cố gắng thực hiện những điều này vì tôi nghĩ đó là điều Mẹ mong muốn nhất.
– Chú nói ngày 13/10 là ngày gì mà nó quan trọng thế ạ?
– À, ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối cho ba em ở làng Fatima thuộc nước Bồ Đào Nha, đối với niềm tin của chúng tôi, ngày đó là ngày đặc biệt và có nhiều ý nghĩa lắm. Tôi nghe kể: vào ngày 13/10/1917 Mẹ hiện ra lần cuối cùng và trao cho con cái Mẹ ba nhiệm vụ quan trọng: ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và siêng năng lần hạt Mân Côi. Chuẩn bị kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra rồi, hy vọng ngày đó tôi và cậu được về bên tượng Mẹ Măng Đen để tạ ơn Mẹ. Vì bức tượng đó nguyên mẫu cũng là Mẹ Fatiam, cái tên Măng Đen là tên bản thượng của dân tộc thiểu số.
– Hi hi, mấy vụ này cháu dốt lắm. Có phải vì hưởng ứng lời mời gọi hoán cải của Mẹ mà chú đang cố gắng đền tội bằng cách làm việc thiện và siêng năng lần hạt?
– Minh cươi hiền, rút trong túi áo một sợi dây mà Minh vẫn mân mê từng đêm ra khoe với Quân: đây là sợi dây tôi bện thành cỗ chuỗi Mân Côi, mỗi khi rảnh rỗi, tôi thường mang ra lần hạt và thấy gần gũi Đức Mẹ lắm cậu ạ, tôi cảm nhận như Mẹ cùng đồng hành với tôi trong mọi công việc tôi làm, nên những công việc tưởng nặng nề đều trở nên nhẹ nhàng. Tôi nghĩ chắc là Đức Mẹ đã giúp tôi cải đổi đời sống để quay về với Chúa.
– Hjj, và Đức Mẹ muốn chú trở thành đôi tay cho Đức Mẹ nữa, đúng không? Chú làm cho cháu một dây giống chú nhé.
– Ok, nhưng phải để tôi kiếm sợi dây dù thắt lại mới đẹp. Vừa nói, Minh vừa chỉ cho Quân xem: cứ mười nốt như thế này thì tôi lại thắt một nút to hơn để đánh dấu đó là mười kinh. Trong cỗ chuỗi này cả thảy có năm mươi kinh và phía đưới tôi bện thành cây thánh giá.
– Nó có ý nghĩa gì không chú?
– Tôi không có hiểu lắm, nhưng một điều chắc chắn là: dù mình đọc kinh ca tụng Đức Mẹ nhưng sự ca tụng ấy phải được quy về Chúa Kitô qua hình cây thánh giá ở mỗi cỗ chuỗi.
– Ồ, nhìn dễ thương lắm chú ạ. Chú khéo tay ghê. Nhưng mà chú nhớ dậy cho cháu đọc kinh với nhé.
– Tôi chỉ nhớ lần chuỗi thôi, nếu cậu muốn lần chuỗi với tôi thì từ ngày mai cậu ra ngoài gốc cây me mình lần chuỗi chung.
– Vâng, cháu cảm ơn chú nhiều lắm.
Quân trở về giường, lập lại câu hỏi trong bức hình chú Minh đưa: “con sẽ trở thành đôi tay cho Mẹ bằng cách nào”? Và Quân nghe như có tiếng trả lời, “hãy thể hiện tình thương cho những ai đang thiếu tình thương, như chú Minh đã thể hiện với con”. Quân nhắm mắt lại, nhưng đôi môi vẫn mỉm cười hạnh phúc.
Mã số: 17-167 – vanthoconggiao.net