Chân phước Gio-an Giu-se Lataste (1832 – 1866)

Chân phước Alcide Lataste ra đời tại miền Cadillac, Gironde, nước Pháp, vào ngày 4 tháng 9 năm 1832. Sau khi tốt nghiệp cấp II, Người làm nhân viên kiểm tra thuế trong  thời gian vài năm tại nhiều thị trấn ở miền nam nước Pháp, như Privas, Pau và Nérac.  Những năm tháng đó là dịp may giúp cho Người, với vai trò là thành viên các Hiệp Hội Thánh Vinh Sơn Phao-lô do Chân Phước Frédéric  Ozanam thành lập, khám phá ra một đời sống huynh đệ dồn hết quan tâm cho những người nghèo khó nhứt, với đặc điểm là cùng nhau cầu nguyện và tôn sùng Thánh Thể.năm 25 tuổi, do ngưỡng mộ cha Lacordaire, Người xin vào tập viện Dòng Đa Minh tại Flavigny ngày 4 tháng 11 năm 1857.

Vào những năm đầu sống trong nhà dòng, Người đau yếu thường xuyên nên không thể tham gia các sinh hoạt của công đoàn.  Năm 1860, tại tu viện Thánh Maximin, trong nghi lễ chuyển dời thánh tích của Thánh Maria Ma-đa-lê-na, Người nhận được ơn cảm nghiệm tâm linh rất thâm sâu. Người tự nhủ: “Khi hôn lên hộp sọ của một con người từng sống thân phận xác phàm đầy tai tiếng, tội lỗi, nhưng giờ đã trở thành thánh thiêng, tôi nghĩ chắc chắn trong các tội nhân khét tiếng phải có một điều kỳ diệu tàng ẩn, để rồi một ngày kia, chính điều kỳ diệu tàng ẩn đó sẽ biến đổi họ thành những thánh nhân vĩ đại.”

Sau khi mãn khóa học viện, Người được thụ phong linh mục ngày 8 tháng 2 năm 1863 và được bổ nhiệm vào tu viện Dòng ở Bordeaux.

Tháng 9 năm 1864, Người được sai đến giảng tĩnh tâm cho tù nhân tại nhà lao Cadillac, ở thị trấn quê nhà của Người.  Mặc dù từ khi còn trẻ, Người từng nghe không biết bao nhiêu là những chuyện xấu xa, tiêu cực và các tội ác của các nữ phạm nhân bị giam giữ tại đây, Người vẫn trân trọng ngỏ lời với họ ngay từ buổi gặp gỡ đầu tiên: “Thưa quý chị thân yêu của tôi”.  Người nhấn mạnh đến mối giây liên đới huynh đệ trong Chúa Ki-tô luôn liên kết vị linh mục nầy với những chị phụ nữ bất hạnh kia.

Vị giảng thuyết kinh ngạc khi khám phá ra có nhiều nữ tù nhân thường xuyên cầu nguyện và ước mong được dâng đời mình cho Thiên Chúa.  Khi cùng với các chị tù nhân cầu nguyện trước Thánh Thể Chúa, Người cảm thấy – hay nói cho chính xác hơn bằng ngôn từ của Người – được Thiên Chúa ban ơn khai mở cho họ cánh cửa bước vào đời sống tu sĩ Đa Minh chiêm niệm.

Trước lúc đảm nhận vai trò giám sư sinh viên, Người được phái đến giảng tĩnh tâm tại Cadillac lần thứ hai vào tháng 9 năm 1865.  Người gặp lại những chị tù nhân vẫn tiếp tục kiên trì sống theo đường hướng tâm linh như Người đã chỉ dẫn trước kia: họ dâng kính Thiên Chúa cuộc sống thường nhựt, giống như cách sống của các nữ đan sĩ, mặc dầu họ đang bị giam giữ trong ngục tù.  Vào lúc kết thúc cuộc tĩnh tâm, người đầy phấn chấn giãi bày với họ: “Tôi đã được chứng kiến những điều kỳ diệu tại chốn nầy!”  Rồi Người phác họa những nét tương đồng với cách mô tả của Thánh Catarina Siena khi Thánh nữ đạt đến tận điểm của ơn xuất thần.  Chỉ có một khác biệt là thay vì được chiêm ngưỡng các ơn phước lạ lùng của Thiên Chúa trong cơn xuất thần, thì Người lại nhìn thấy những ơn phước đó trong chốn ngục tù: Người ban Bí Tích Hòa Giải cho các nữ tù và cùng cầu nguyện với họ.

Kể từ đó, Người càng trực tiếp bắt tay vào việc thực hiện những ý tưởng đã nẩy mầm nhiều năm trước.  Tháng 3 năm 1866, Người xuất bản tập san “Những Chị Em Hồi Thiện” để đặc biệt phổ biến cho các chính khách và báo giới, nhắm thay đổi thành kiến xã hội đối với các nữ phạm nhân đã mãn hạn tù.  Dự án thành lập “Quỹ Nhà Bê-ta-ni” được giới thiệu với đại chúng để nâng cao nhận thức mọi người.

Nhờ phần tiếp tay của Mẹ Henri Đa Minh, một phụ nữ nhanh chóng bị lôi cuốn vào dự án không tưởng của Người, Cha Lataste đã xây được ngôi Nhà Bê-ta-ni vào ngày 14 tháng 8 năm 1866.  Cộng đoàn non trẻ nầy ngay lập tức gánh chịu trăm ngàn trận phong ba bão tố, phản ứng chống đối, dè bỉu, bất tín nhiệm, phần lớn lại xuất phát từ các tu sĩ kỳ cựu.  Cha Lataste toàn tâm toàn lực lao vào công cuộc phục vụ “các chị em yêu quý” của mình, trong lúc vẫn tiếp tục sứ vụ giảng thuyết.  Nhưng rồi nỗ lực của Người phải sớm bị đình trệ khi Người mắc phải bịnh lao phổi vào Mùa Chay năm 1868.

Người qua đời ngày 10 tháng 3 năm 1869 tại Nhà Bê-ta-ni ở Frasnes-le-Château (Haute-Saône). Năm sau đó, thi hài Người được chuyển về tu viện các nữ tu Bê-ta-ni tại Montferrand-le-Château.  Ngay từ đầu, phần mộ của Người đã thu hút lòng tôn kính đặc biệt. Tại đây, lời nguyện xin Người chuyển cầu và thư từ gởi cho Người hiện nay vẫn còn lưu trữ.

Trong số những dấu chỉ công đức từ gương đời sống và việc giảng dạy do Chân Phước Gio-an Giu-se Lataste để lại, chúng ta cần đề cập tới hiện diện của các Huynh đoàn giáo dân Đa Minh được kết hợp giữa các anh chị em tù nhân và những anh chị em bên ngoài. Đứng đầu mô hình Huynh đoàn này là Huynh Đoàn Đức Bà Giàu Lòng Thương Xót thành lập năm 1998, tại nhà tù Norfolk, Tiểu Bang MA, Hoa Kỳ.

Tiến trình tuyên thánh theo giáo luật đã khai mở từ năm 1937 và đạt tới bước tuyên phong chân phước cho Cha Lataste vào năm 2012.  Một ơn chữa lành bịnh ngoài khả năng biện giải của con người đang được Thánh Bộ Duyệt Xét Chứng Cứ Tuyên Thánh nghiên cứu để hướng đến việc tuyên thánh cho Cha.  

(Trích từ quyển “Các Chị Em Yêu Dấu— tiểu sử Chân Phước Lataste, Tông Đồ Các Tù Nhân”, tác giả J.M. Gueullette, O.P.)

Lm. Phanxicô X. Nguyễn Văn Nhứt, OP, chuyển dịch   

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *