Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha:
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Thứ Hai sau Lễ Phục Sinh còn được gọi là Thứ Hai Thiên Thần, vì chúng ta nhớ đến cuộc gặp gỡ của thiên thần với những phụ nữ đến viếng mộ Chúa Giêsu (x. Mt 28,1-15). Thiên thần nói với họ: “Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống lại” (câu 5-6). Câu nói “Người đã sống lại” này vượt quá khả năng của con người. Ngay cả những phụ nữ đã đi vào ngôi mộ và thấy mộ trống, cũng không thể nói: “Người đã sống lại”, mà chỉ nói là ngôi mộ trống. “Người đã sống lại” là một sứ điệp. Chỉ một thiên thần, với quyền năng của đấng loan tin từ trời, với quyền năng được Thiên Chúa ban cho, mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại, cũng như một thiên thần có thể nói với Mẹ Maria: “Bà sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai […] và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,31). Do đó, chúng ta gọi là Thứ Hai thiên thần bởi vì chỉ có thiên thần, với sức mạnh của Chúa, mới có thể nói rằng Chúa Giêsu đã sống lại.
Thánh sử Matthêu thuật lại rằng sáng sớm Phục sinh ấy “đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên” (x. Câu 2). Tảng đá lớn đó, lẽ ra là phong ấn của sự chiến thắng sự ác và cái chết, lại được đặt dưới chân, nó trở thành bệ ngồi của thiên thần của Chúa. Tất cả các kế hoạch và sự phòng thủ của kẻ thù và những kẻ bắt bớ Chúa Giê-su đều bị hư vong. Tất cả những phong ấn này đã bị sụp đổ. Hình ảnh thiên thần ngồi trên tảng đá của ngôi mộ là biểu hiện cụ thể, biểu hiện trực quan về chiến thắng của Thiên Chúa trên sự dữ, về chiến thắng của Chúa Kitô trên quyền lực của thế giới này, biểu hiện chiến thắng của ánh sáng trên bóng tối. Ngôi mộ của Chúa Giê-su không được khám phát nhờ một hiện tượng vật lý, mà là nhờ sự can thiệp của Chúa. Thánh Matthêu cho biết thêm, diện mạo của thiên thần “như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.” (câu 3). Những chi tiết này là dấu chỉ khẳng định sự can thiệp của chính Thiên Chúa, Đấng mang đến thời đại mới, thời kỳ cuối cùng của lịch sử; bởi vì với sự phục sinh của Chúa Giêsu, thời kỳ cuối cùng của lịch sử bắt đầu, có thể kéo dài hàng ngàn năm, nhưng là thời kỳ cuối cùng.
Đối diện với sự can thiệp này của Thiên Chúa, có hai phản ứng đã xảy ra. (1) Những lính canh không thể đối diện với sức mạnh không thể chống lại của Thiên Chúa và bị sốc bởi sự chao đảo nội tâm: họ run rẩy (x. câu 4). Quyền năng của Sự Phục Sinh đánh đổ những kẻ đã được sử dụng cho chiến thắng rõ ràng của cái chết. Những lính canh này phải làm gì? Chạy đến với người ra lệnh canh giữ và nói sự thật. Phía trước có những chọn lựa: hoặc nói sự thật, hoặc để mình bị thuyết phục bởi những người đã giao nhiệm vụ canh gác. Và cách duy nhất để thuyết phục họ là tiền, và thật tội nghiệp những người này, họ đã bán đứng sự thật và với số tiền trong túi, họ đi nói: “Không, các môn đệ đến và lấy trộm xác”. Ông “chúa” tiền bạc, ngay cả ở đây, trong sự phục sinh của Đức Kitô cũng có uy quyền để phủ nhận sự thật. (2) Còn phản ứng của phụ nữ lại khác, bởi vì họ được thiên thần của Chúa mời gọi một cách rõ ràng rằng đừng sợ hãi và cuối cùng họ không sợ hãi: “Này các bà, các bà đừng sợ” (câu 5) và đừng tìm Chúa Giê-su trong mộ.
Từ những lời của thiên thần, chúng ta có thể nhận được một giáo huấn quý báu: chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi tìm kiếm Đức Kitô Phục sinh, Đấng ban sự sống dồi dào cho những ai gặp Người. Tìm kiếm Đức Kitô có nghĩa là khám phá sự bình an trong con tim. Chính những phụ nữ trong Tin Mừng, sau những hoảng sợ ban đầu, mà người ta có thể hiểu, họ cảm thấy hết sức vui mừng khi biết Thầy còn sống (x. cc 8-9). Trong mùa Phục sinh này, tôi ước mong mọi người cũng có được cảm nghiệm thiêng liêng như vậy, đón nhận trong tâm hồn, nơi nhà và gia đình Tin Mừng Phục sinh: “Chúa Kitô Phục sinh không còn chết nữa, cái chết không còn quyền trên Người” (Ca Hiệp Lễ). Lời loan báo Phục sinh, Chúa Kitô đang sống, Chúa Kitô đồng hành với cuộc sống của tôi, Chúa Kitô ở bên cạnh tôi. Chúa Kitô gõ cửa trái tim tôi, để cho Người vào, Chúa Kitô đang sống. Trong những ngày Phục sinh này, sẽ rất hay nếu chúng ta lặp lại điều này: Chúa đang sống.
Sự chắc chắn này dẫn chúng ta đến lời cầu nguyện, hôm nay và trong suốt Mùa Phục Sinh: “Regina Caeli, laetare – Nữ Vương Thiên Đàng, hãy vui mừng”. Sứ thần Gabriel đã chào Mẹ như thế lần đầu tiên: “Hãy vui mừng, hỡi Đấng đầy ân sủng!” (Lc 1, 28). Giờ đây niềm vui của Mẹ Maria đã trọn vẹn: Chúa Giêsu sống, Tình yêu đã chiến thắng. Ước gì đó cũng là niềm vui của chúng ta!
Sau bài huấn dụ, ĐTC đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng và ban phép lành.
Trong lời chào sau Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, ĐTC gởi lời chào đến các tín hữu cùng cầu nguyện với ngài qua các phương tiện truyền thông xã hội. Đặc biệt, ngài nhớ những người già, những người bệnh ở nhà riêng hoặc ở nhà hưu dưỡng. Ngài gởi lời động viên và ghi nhận những chứng tá của họ, và ngài diễn tả sự gần gũi với họ.
Văn Yên, SJ – Vatican News