Bài 06 – Sách Sáng Thế (phần II)

Phần II – Các Tổ Phụ

I. DẪN NHẬP

Trong bài học trước chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Phần I của sách Sáng Thế (St. 1-11). Sau khi trình bày cho chúng ta các bài học về nguồn gốc vũ trụ và con người, sách Sáng Thế nhanh chóng tập trung vào lịch sử của một gia tộc sống ở phía bắc vùng Lưỡng Hà. Điều này dẫn chúng ta đến Phần II của sách Sáng Thế từ chương 12 đến chương 50. Nội dung chính của phần này phác họa cho chúng ta hình ảnh các tổ phụ, những vị anh hùng của Ít-ra-en như: Áp-ra-ham (St 12-25), I-xa-ác (St 24-27), Gia-cóp (St 27-36) và Giu-se (37-50).

Giờ đây, chúng ta đến với nội dung chi tiết.

II. NỘI DUNG

1. Áp-ra-ham

Trước hết, chúng ta khởi đi từ Áp-ra-ham. Các trình thuật về Áp-ra-ham dẫn chúng ta đi từ Sáng Thế chương 12 đến giữa chương 25 với một chuỗi những sự kiện. Sau khi A-đam phạm tội, loài người trở nên xa lạ đối với Thiên Chúa; loài người sống trong tình trạng chia rẽ và phân tán (St 11). Để quy tụ loại người đang tản mác về một mối, Thiên Chúa gọi Áp-ram và bắt đầu một kế hoạch mới của mình. Chúa phán với Áp-ram, khi ông đang sống với người là Tê-rác, và với vợ là Xa-ra: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi” (St 12,1). Với việc chọn Áp-ram, Thiên Chúa đổi mới mối tương quan với loài người. Áp-ram không chỉ là tôi tớ mà còn là bạn hữu của Thiên Chúa. Thiên Chúa cho ông trở thành cha của mọi dân tộc. Điều này được diễn tả qua lời hứa và lời chúc phúc say đây: “Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; Ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St. 12,2-3).

Áp-ram được Thiên Chúa đổi tên thành Áp-ra-ham, nghĩa là cha của mọi dân tộc, cha của những kẻ tin. Đức tin của Áp-ra-ham đạt tới đỉnh điểm khi ông đem người con một là I-xa-ác đi hiến tế cho Đức Chúa. Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy. (Dt 11,17-19)

2. I-xa-ác

Sau Áp-ra-ham, lịch sử Ít-ra-en chuyên qua câu chuyện của I-xa-ác. Chúng ta biết ít về I-xa-ác hơn là về cha ông là Áp-ra-ham và con ông là Gia-cóp. Tuy nhiên, ông là mối liên kết quan trọng giữa họ. Đức tin của ông được nhìn thấy trong việc ông chấp nhận sự lựa chọn của Thiên Chúa về một người vợ, ở lại xứ Ca-na-an khi nạn đói xảy ra và để lại đất cho con trai ông mặc dù ông không sở hữu nó trên thực tế, chỉ trong lời hứa. I-xa-ác lấy vợ là Rê-bê-ca và sinh hai người con là E-xau và Gia-cóp. Từ hai người con hình thành hai dân tộc Ê-đôm và Ít-ra-en.

3. Gia-cóp

Tiếp đến là tổ phụ Gia-cóp. Gia-cóp có lẽ được trình bày một cách sinh động nhất trong ba tổ phụ. Ngay khi ông được sinh ra, ông đã nắm lấy gót chân của người anh sinh đôi Ê-xau. Gia-cóp tỏ ra rất khôn ngoan, và đôi khi dùng những thủ đoạn không hay để đạt mục đích. Tại sao Thiên Chúa chọn Gia-cóp hơn Ê-xau? Thiên Chúa không theo tiêu chuẩn người đời, nhưng để thực hiện ý định và lời hứa. Thiên Chúa chọn Gia-cóp để thực hiện lời hứa chứ không phải vì Gia-cóp có công gì. Thiên Chúa đã đổi tên Gia-cóp thành Ít-ra-en. Điều này cho thấy Thiên Chúa đã ban cho ông một căn tính mới. Gia-cóp đã dành cả một đêm dài tìm kiếm Thiên Chúa. Ông đã vật lộn để biết tên và khuôn mặt của Chúa. Ông đã kiên trì xin Chúa ban cho một phúc lành và một tên mới, một thực tại mới đến từ sự hoán cải và tha thứ. Từ nay, ông thuộc về Chúa và luôn tìm kiếm thực thi ý Người.

4. Giu-se

Sau cùng là Giu-se. Câu chuyện Giu-se diễn tả chủ đề chính yếu của toàn bộ lịch sử các tổ phụ. Qua những thăng trầm, thành công và thất bại, Thiên Chúa vẫn luôn hướng dẫn dòng chảy của các sự kiện để hoàn thành lời hứa của Người. Người vượt qua tất cả những chướng ngại, dù đó là quyền lực vua chúa, những mối đe dọa từ các dân tộc láng giềng, lời nguyền vô sinh, những sai lầm của Áp-ra-ham hay mưu kế loài người của Gia-cóp. Thiên Chúa vẫn luôn là một Thiên Chúa duy nhất của Ít-ra-en.

Giu-se là một mẫu gương về lời đáp trả của Thiên Chúa đối với đức tin nơi ông. Câu chuyện của ông cho thấy Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành. Như chính Giu-se đã chứng thực khi nói: “Nhưng Đức Chúa Trời đã sai tôi đi trước các ngươi để bảo tồn cho các ngươi một phần còn sót lại trên trái đất và để cứu mạng sống của các ngươi bằng một sự giải thoát vĩ đại.”

III. KẾT LUẬN

Các tổ phụ, mặc dù, đã kết thúc cuộc lữ hành trần thế, nhưng thực chất các ngài vẫn còn sống giữa chúng ta, bởi đức tin của các ngài. Các ngài là những chứng nhân của đức tin và niềm hy vọng. Mặc dù các tổ phụ nhận mình là lữ khách trên mặt đất, nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài (Dt 11,16). Giờ đây, các ngài vẫn còn sống trong Thiên Chúa. Chúa Giê-su nhắc lại điều Chúa nói với Mô-sê rằng Thiên Chúa là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của người chết: Người là Thiên Chúa của kẻ sống (Mc 12,16-27).

Như cuộc đời các tổ phụ, đời sống người Ki-tô hữu là một hành trình đức tin, một hành trình trong tối tăm và thử thách của thế gian. Chỉ đức tin mạnh mẽ, đức mến nồng nàn và đức cậy vững vàng vào Thiên Chúa mới giúp chúng ta bền vững trên con đường lữ hành về miền Đất Hứa là chính Thiên đàng hạnh phúc.

Ban Biên soạn Giáo lý Kinh Thánh
Tổng Giáo phận Hà Nội

https://www.tonggiaophanhanoi.org

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *