Bài 31 : Bí tích Hôn Phối (Sự sống Thiên Chúa trong chúng ta)

BÀI 31
BÍ TÍCH HÔN PHỐI

Lời Kinh Thánh

“Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó cới vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. (Mc 10,6-9)

Chúa Kitô thiết lập Bí tích Hôn phối để kết hợp và thánh hóa hai người nam và nữ, và để tình yêu hôn nhân được Thiên Chúa xác nhận.

lecuoi.JPG

1.Nguồn gốc và ý nghĩa

a.Nguồn gốc

Hôn nhân trong ý định của Thiên Chúa

– Ngay từ khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa đã tạo dựng họ có nam có nữ, và đặt giữa hai người một sức hấp dẫn lạ lùng, để họ tìm đến, liên kết với nhau thành vợ chồng (St 1,26-28; 2,18-24).

– Nhưng khi con người từ chối tình thương Thiên Chúa, hôn nhân không còn như ngày Thiên Chúa mới tác thành. Khi dứt tình với Thiên Chúa, mối dây trung tính giữa hai người bị đe dọa. Sự thân tình giữa vợ chồng không còn êm đẹp; việc sinh dưỡng con cái, lo lắng cho gia đình pha lẫn mồ hôi cay đắng … Tình yêu và hôn nhân đã bị tội lỗi làm cho lệch lạc, sự cao cả của hôn nhân đã bị lu mờ đi bởi nhiều tệ nạn: Đa thê, tự do luyến ái, ngoại tình, lạc thú chủ nghĩa…

Khi Chúa Kitô đến tiệc cưới Ca-na, ngươi không chỉ cứu vớt tình yêu của cả nhân loại, nhưng còn nâng hôn phối tự nhiên lên thành Bí tích, trả lại cho nó sự cao cả như thưở ban đầu, và muốn dùng hôn nhân như là dấu hiệu nói lên sự gắn bó mật thiết giữa Thiên Chúa và Giáo hội (Mt 19,3-9; 5,31-32; Ep 5, 21-23)

b.Ý nghĩa

Thiên Chúa đã lập thể chế hôn nhân tự nhiên bằng những luật lệ riêng để bảo vệ hạnh phúc và mục đích của hôn nhân: “Đơn hôn và bất khả phân ly”, để hai người nam nữ yêu thương nhau, giúp nhau phát triển tâm linh cũng như thể xác, sinh sản và giáo dục con cái. Ngay cả trong trường hợp không có con, hôn nhân vẫn tồn tại như cuộc sống chung và vẫn giữ được giá trị cao đẹp cùng đặc tính bất khả phân ly của mình. (Hc Vui mừng và Hy vọng số 50)

2.Đặc điểm hôn nhân Kitô giáo

Hôn nhân Kitô giáo có những đặc tính sau đây:

– Một vợ, một chồng: Không chấp nhận đa thê, đa phu.

– Bất khả phân ly: Không được ly dị

3.Hiệu quả

Bí tích hôn nhân làm gia tăng ơn thánh, nghĩa là gia tăng sự sống thần linh trong tâm hồn người tín hữu.

Ngoài ơn thánh được gia tăng, đôi bạn còn được những ơn riêng phù hợp với chủ đích và nhu cầu của hôn nhân:

– Giúp cho đôi bạn sống trọn vẹn đời sống vợ chồng trong tình yêu với nhau, sinh sản và giáo dục con cái.

– Trước mỗi hoàn cảnh, mỗi nhu cầu, lại được những ơn thích hợp để đời sống hôn nhân phản chiếu sự kết hợp của Chúa Kitô và Giáo hội.

Vì là một bí tích, nên hôn nhân thánh thiện và mời gọi những ai sống trong bậc này nên Thánh, một sự thánh thiện đích thực có kèm theo ân sủng tương ứng để có thể đạt tới.

Như vậy, Bí tích Hôn phối làm gia tăng ơn thánh, và ban những ơn riêng biệt giúp đôi bạn chu toàn trách nhiệm của người làm chồng, làm vợ, làm cha mẹ và trở nên thánh thiện trong cuộc sống.

4.Điều hiện lãnh nhận

Không mắc ngăn trở hôn phối. Hiểu đời sống hôn nhân và hoàn toàn tự do ưng thuận kết hôn, không bị ép buộc, lường gạt, sợ hãi.

Công khai nói lên sự ưng thuận theo nghi thức của Giáo hội hoặc bày tỏ bằng cử chỉ ưng thuận khác.

5.Nghi thức Bí tích Hôn phối

a.Thừa tác viên

Trong nghi lễ hôn phối, chính hai người nam nữ là thừa tác viên cử hành, còn linh mục hay phó tế chỉ là người chứng hôn. Vì thế trong những hoàn cảnh xa xôi không có linh mục, vẫn có thể cử hành Bí tích Hôn phối trước mặt hai nhân chứng (một cho nam và một cho nữ).

b.Nghi thức hôn phối

Nghi thức hôn phối được tiến hành trong Thánh lễ sau bài diễn giảng, trước sự chứng kiến của hai nhân chứng và cộng đoàn:

– Linh mục hỏi ý kiến hai đương sự lần chót về sự tự do, việc chung suống suốt đời, việc đón nhận và nuôi dạy con cái.

– Sau đó, hai người cầm tay nhau nói lên lời cam kết nhận nhau làm vợ chồng suốt đời.

– Kế tiếp, đôi tân hôn trao nhẫn cho nhau làm bảo chứng tình yêu và lòng chung thủy. Thánh lễ tiếp tục. Sau kinh Lạy Cha, linh mục đọc lời nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho gia đình mới.

6.Sứ mạng của hôn nhân Kitô giáo

a.Ơn gọi sống thánh thiện

Qua Bí tích hôn phối, đôi tân hôn nhận lãnh một sứ mạng Thiên Chúa trao ban bằng chính lời cam kết của họ trong ngày thành hôn.

Làm chứng cho tình yêu của Chúa Kitô đối với Giáo hội, vì gia đình Kitô hữu là một Giáo hội thu hẹp, chính nơi đó phải là một kiểu mẫu của “hội những người thánh”. Và họ kết hợp với nhau là để cùng nhau và nhờ nhau nên thánh.

b.Đem Tin Mừng đến cho mọi người

Rao giảng Tin Mừng là trách nhiệm của mỗi Kitô hữu.Trong đời sống hôn nhân, đôi tân hôn rao giảng Tin Mừng theo cách thế riêng của mình trong đời sống gia đình khi họ chứng tỏ cho người chung quanh về niềm tin, tình yêu, lòng trung thành và niềm vui lãnh nhận từ Thiên Chúa.

Kết luận

“Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Chúa Kitô là đầu của Hội thánh, chính Người là Đấng cứu chuộc Hội thánh, thân thể của Người. Và như Hội thánh tùng phục Đức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy.

Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội thánh và hiến mình vì Hội thánh; cũng thế, chồng phải yêu vợ như chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Vậy mỗi người trong anh em hãy yêu vợ như chính mình, còn vợ thì hãy kính sợ chồng.” (Ep 5,21-25; 28, 30-33)

Câu hỏi

  1. Nguồn gốc và ý nghĩa Bí tích hôn phối ?
  2. Đặc điểm hôn nhân Kitô giáo ?
  3. Hiệu quả Bí tích Hôn phối ?
  4. Điều kiện lãnh nhận ?
  5. Sứ mạng của hôn nhân Kitô giáo ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *