Bài đọc, bài hát, và suy niệm trong thánh lễ Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm C


20-12: CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG

 Mk 5, 2-5a; Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19; Dt 10, 5-10; Lc 1, 39-45.

BÀI ĐỌC I: Mk 5, 2-5a

“Nơi ngươi sẽ xuất hiện Ðấng thống trị Israel”.

Bài trích sách Tiên tri Mikha.

Ðây lời Chúa phán: “Hỡi Bêlem Ephrata, ngươi nhỏ nhất trong trăm ngàn phần đất Giuđa, nhưng nơi ngươi sẽ xuất hiện một Ðấng thống trị Israel, và nguồn gốc Người có từ nguyên thuỷ, từ muôn đời. Vì thế, Người sẽ bỏ dân Người cho đến khi một người nữ phải sinh, sẽ sinh con. Số còn lại trong anh em Người, sẽ trở về với con cái Israel. Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người. Và họ sẽ trở về, vì bấy giờ Người sẽ nên cao trọng cho đến tận cùng trái đất. Vì vậy, Người sẽ là chính sự bình an”.

Ðó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 79, 2ac và 3b. 15-16. 18-19

Ðáp: Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống (c. 4).

1) Lạy Ðấng chăn dắt Israel, xin hãy lắng tai nghe! Chúa ngự trên Vệ Binh Thần, xin hiện ra trong sáng láng. Xin thức tỉnh quyền năng của Chúa, và ngự tới để cứu độ chúng con.

2) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại, từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành mà Ngài đã củng cố cho mình.

3) Xin Chúa ra tay bang trợ người ở bên tay hữu Chúa, con người mà Chúa đã củng cố cho mình. Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Người.

BÀI ĐỌC II: Hr 10, 5-10

“Này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”.

Bài trích thư gởi tín hữu Híp-ri.

Anh em thân mến, khi đến trong thế gian, Chúa Giêsu phán: “Chúa đã không muốn của hy tế và của lễ hiến dâng, nhưng đã tạo nên cho tôi một thể xác. Chúa không nhận của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội. Nên tôi nói: ‘Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa, như đã nói về con ở đoạn đầu cuốn sách'”. Sách ấy bắt đầu như thế này: “Của lễ hy tế, của lễ hiến dâng, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội, Chúa không muốn cũng không nhận, mặc dầu được hiến dâng theo lề luật. Ðoạn Người nói tiếp: Lạy Chúa, này đây con đến để thi hành thánh ý Chúa”. Như thế đã bãi bỏ điều trước để thiết lập điều sau. Chính bởi thánh ý đó mà chúng ta được thánh hoá nhờ việc hiến dâng Mình Chúa Giêsu Kitô một lần là đủ.

Ðó là lời Chúa.

ALLELUIA: Lc 1, 38

All. All. – “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền”. – All.

PHÚC ÂM: Lc 1, 39-45

“Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Ðó là lời Chúa.

MỤC LỤC

  1. Đường lối Chúa
  2. Mẹ Maria
  3. Niềm vui trong Thánh Thần
  4. Vội vã lên đường
  5. Thân mẫu Chúa đến với tôi
  6. Phước lành Thiên Chúa
  1. Đường lối Chúa

Trong Kinh Thánh, có lần qua môi miệng các tiên tri, Chúa đã phán: Tư tưởng và đường nẻo của Ta không phải tư tưởng và đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng và đường lối của Ta cũng sẽ cao hơn tư tưởng và đường lối của các ngươi bấy nhiêu.

Trải qua dòng lịch sử, Ngài đã thực hiện đúng như thế. Đọc lại Cựu Ước chúng ta thấy, Đavít chỉ là một trẻ nhỏ đi chăn chiên tại Bêlem, thế nhưng Chúa đã chọn và đặt Đavít lên làm vua, chiến thắng được đạo quân hùng mạnh của Goliat và dẫn đưa dân Do Thái tới một thời đại hoàng kim.

Trường hợp của tiên tri Giêrêmia cũng vậy. Lúc bấy giờ ông mới chỉ là một em nhỏ còn nói cà lăm, thế nhưng Chúa đã chọn ông làm tiên tri để chuyển đạt thánh ý của Ngài cho toàn dân Do Thái.

Qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Chúa cũng đã hành động như vậy. Trước mặt người đời thì Đức Maria và bà Isave là hai người không có hy vọng sinh con. Đức Maria thì khấn giữ mình đồng trinh. Còn bà Isave thì vừa son sẻ, lại vừa cao niên. Quan niệm dân Do Thái cũng giống như quan niệm của người Việt Nam ngày xưa, coi sự kiện đông con nhiều cháu là một phúc lành do trời trao ban vì thế trong những dịp đầu xuân năm mới, chúng ta thường cầu chúc cho nhau: đa tử đa tôn đa phú quý, đông con nhiều cháu và giàu sang. Bởi đó son sẻ và đồng trinh sẽ bị người đời cười chê, vì phải chăng đó là dấu bị Chúa chúc dữ? Phải chăng đó là dấu chỉ tương đường với sự chết bởi vì nếu chết là hết sống, thì son sẻ và đồng trinh là hết chuyển thông dòng sự sống.

Thế nhưng Thiên Chúa đã chọn những người bất hạnh và yếu kém như thế để làm những việc trọng đại. Đức Maria thì được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế. Còn bà Elisabeth thì được chọn làm mẹ Gioan, vị tiền hô dọn đường và giới thiệu Đấng Cứu Thế cho muôn người.

Tuy nhiên đường lối của Chúa là một chuyện, sự kêu mời của Chúa là một chuyện, điều quan trọng là chúng ta có biết cộng tác với Chúa hay không. Trong chiều hướng này, thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài.

Bởi đó mặc dù chúng ta là những kẻ hèn kém và yếu đuối, nhưng nếu chúng ta biết xin vâng như Mẹ Maria và biết cộng tác với ơn Chúa như và Isave, Chúa cũng sẽ làm cho chúng ta những việc kỳ diện, đó là biến chúng ta trở nên người đem Chúa đến cho muôn dân.

  1. Mẹ Maria

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại: Ngày kia, mẹ đến thăm một nhà thương rất tối tân tại Anh quốc. Mọi căn phòng đều khang trang, sáng sủa và được trang bị đủ mọi thứ máy móc cùng với những tiện nghi, cân xứng với số tiền phải trả. Ngoài ra các y tá, nhân viên làm việc rất nhã nhặn và lịch sự.

Nhưng mẹ nhận thấy một điều kỳ lạ và hỏi vị bác sĩ đang hướng dẫn mẹ đi thăm:

– Thưa bác sĩ, tại sao các bệnh nhân, cứ mỗi lần thấy ai vào là họ cùng đồng loạt quay nhìn về phía cửa vậy?

Câu trả lời của ông bác sĩ rất đơn sơ nhưng đượm vẻ buồn buồn:

– Thưa mẹ, vì họ luôn chờ đợi một ai đó trong số bà con thân thuộc đến thăm, nhưng chẳng có ai đến thăm họ bao giờ.

Từ câu chuyện này, chúng ta đi vào nỗi chờ mong của nhân loại. Thực vậy, sau khi nguyên tổ phản bội, Thiên Chúa đã hứa ban cho con người một Đấng Cứu thế qua lời tuyên phán với Eva: Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa ngươi và người phụ nữ, giữa dòng dõi ngươi và dòng dõi người phụ nữ. Người phụ nữ sẽ đạp dập đầu ngươi, còn ngươi chỉ rình cắn trộm gót chân người.

Trải qua dòng thời gian, Thiên Chúa đã chọn dân Do Thái để duy trì lời hứa thuở ban đầu. Và hình ảnh Đấng Cứu thế mỗi ngày một thêm rõ nét.

Chẳng hạn tiên tri Isaia đã xác định: Một trinh nữ sẽ thụ thai sinh hạ một con trai và tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Suốt dọc thời gian, nhân loại đã mò mẫm tìm kiếm Thiên Chúa. Và nhất là dân Do Thái, họ khắc khoải chờ mong Đấng Cứu thế sẽ đến để giải thoát họ, mỗi khi đất nước họ gặp phải tai ương hoạn nạn. Nỗi khắc khoải chờ mong ấy đã kết tinh thành những lời nguyện cầu tha thiết: Trời cao hãy đổ sương xuống và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời.

Và khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã thực hiện lời phán hứa thuở xưa bằng cách sai Con Một Ngài xuống trần để cứu độ chúng ta. Tuy nhiên, để Ngôi Lời có thể mặc lấy xác phàm và ở giữa chúng ta, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria để cộng tác với Ngài trong việc thực hiện chương trình cứu độ mà Ngài đã ươm mơ từ muôn ngàn thuở trước.

Với lời xin vâng của Mẹ trong hoạt cảnh truyền tin, lời hứa thuở ban đầu đã trở thành sự thật. Thiên Chúa đã đến với con người để giải thoát họ khỏi án phạt của tội lỗi. Thế nhưng, trước khi đem Chúa đến cho nhân loại, thì ngày hôm nay bằng hành động thăm viếng, Mẹ Maria đã đem Chúa đến cho nhà bà Êlisabéth, khiến cho Gioan được nhảy mừng.

Mẹ đã trở thành mẫu gương lý tưởng cho người Kitô hữu, bởi vì Mẹ không phải chỉ có Chúa trong tâm hồn, mà còn đem Chúa đến cho người khác.

Noi gương Mẹ Maria, bằng những hành động bác ái yêu thương, chúng ta cũng hãy đem Chúa đến cho những người chung quanh. Đó cũng chính là sứ điệp chúng ta cần phải thực hiện trong Mùa Giáng sinh này.

  1. Niềm vui trong Thánh Thần

(Suy niệm của ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

Bài Tin Mừng hôm nay chứa chan niềm vui. Bà Elizabeth vui mừng vì được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm. Đức Maria vui mừng vì được Thiên Chúa đoái thương. Thánh Gioan Baotixita vui mừng vì được tha tội ngay từ khi còn trong lòng mẹ. Những niềm vui ấy hoà chung, biến buổi gặp gỡ thành một lễ hội vui mừng tạ ơn Thiên Chúa. Nguồn gốc của những niềm vui ấy là ơn Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã giúp chuẩn bị các tâm hồn đón nhận niềm vui ơn cứu chuộc. Ta thấy được ơn Chúa Thánh Thần qua những dấu hiệu sau đây.

Dấu hiệu thứ nhất: ơn khiêm nhường.

Tâm hồn có Chúa Thánh Thần sẽ trở nên khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết thân phận mình hèn yếu, bé nhỏ, tội lỗi. Khiêm nhường vì biết tất cả những ơn nhận được không phải do công trạng của mình nhưng là do lòng thương xót của Chúa. Vì thế, khi nhận được tin làm mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”. Bà Elizabeth khiêm nhường tự hỏi: “Bởi đâu tôi được phúc đón tiếp Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi”. Và Đức Maria đã trả lời bằng một bài ca khiêm nhường ngợi khen Thiên Chúa vì tình yêu thương đã đoái thương đến phận hèn nữ tỳ của Chúa.

Dấu hiệu thứ hai: ơn bác ái.

Thánh Thần là tình yêu. Đến đâu là đốt lên lửa bác ái ở đấy, Ngài đã rợp bóng trên Đức Maria và lập tức Đức Maria được tràn đầy lòng bác ái, đã nghĩ đến bà chị họ. Đức Maria không nghĩ phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và chuẩn bị cho bản thân trong thời kỳ sinh nở sắp tới, nhưng đã nghĩ phải ra đi giúp bà chị họ neo đơn, yếu mệt. Đây là một lòng bác ái mạnh mẽ, nên Đức Maria vội vã lên đường ngay, không chần chừ, không tính toán. Lòng bác ái không chỉ hướng về những người thân trong gia tộc mà còn mở rộng ra cho cả dân tộc, cả đồng loại. Nên trong bài Magnificat, Đức Maria đã nhớ đến công ơn tổ tiên và nhớ đến cả dân tộc.

Dấu hiệu thứ ba: ơn quên mình.

Được ơn Chúa Thánh Thần tác động, tâm hồn sẽ quên bản thân mình. Trước hết quên mình để hoàn toàn vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn quên mình khi thưa với thiên thần: “Này tôi là nữ tỳ của Thiên Chúa, tôi xin vâng như lời thiên sứ truyền”. Không những quên mình cho thánh ý Chúa, Đức Maria còn quên mình vì tha nhân. Ngài quên mình cũng đang mang thai, cần được nghỉ ngơi, cần được chuẩn bị, chỉ nghĩ đến bà chị họ thai nghén ốm yếu, nên đã bỏ nhà ra đi thăm viếng. Ngài quên mình là khách mời trong tiệc cưới Cana, nên đã xuống bếp giúp đỡ việc bếp núc, và hoà vào cả nỗi lo của chủ nhà thiếu rượu. Ngài quên mình nên đã theo Đức Giêsu và can đảm đứng dưới chân thập giá, cùng chịu đau đớn nhục nhã với Con.

Dấu hiệu thứ tư: ơn phục vụ.

Lòng bác ái, sự khiêm nhường và sự quên mình được kết tinh ở cao điểm phục vụ. Tâm hồn được Chúa Thánh Thần tác động sẽ tìm phục vụ như tìm niềm vui, niềm hạnh phúc. Vì thế Đức Maria không quản thân phận là Mẹ Thiên Chúa đã đến phục vụ cho bà Elizabeth. Đức Maria cũng không nề hà mình đang thời kỳ thai nghén đã vui vẻ phục vụ người họ hàng cần sự giúp đỡ. Là Mẹ Thiên Chúa, Đức Maria đã tự nguyện trở nên tôi tớ để phục vụ con người. Đó chính là kết tinh của ơn Chúa Thánh Thần.

Với tất cả những đặc điểm của ơn Chúa Thánh Thần, cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth, cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và Thánh Gioan Baotixita còn trong bào thai đã trở thành cuộc gặp gỡ của niềm vui: niềm vui ơn cứu độ. Nhờ những chuẩn bị của Chúa Thánh Thần, hai người mẹ và hai bào thai đã họp thành cộng đoàn biết đón nhận và trao tặng ơn cứu độ. Đã tập họp thành Nước Thiên Chúa, đã là cộng đoàn đầu tiên đón nhận được ơn cứu độ, tiên báo cho Giáo Hội và Nước Thiên Chúa.

Chỉ còn vỏn vẹn mấy ngày nữa là đến lễ Giáng Sinh, ta hãy noi gương Đức Maria, nài xin Chúa Thánh Thần biến đổi tâm hồn ta nên xứng đáng đón nhận Chúa Cứu Thế. Ta hãy xin Đức Maria dạy ta biết sống theo ơn Chúa Thánh Thần trong khiêm nhường, bác ái, quên mình và phục vụ, để ta được niềm vui đón nhận ơn cứu độ.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Có những dấu chỉ nào cho thấy ơn Chúa Thánh Thần?
  2. Nhờ đâu cuộc gặp gỡ giữa Đức Maria và bà Elizabeth tràn đầy niềm vui?
  3. Những cuộc viếng thăm gặp gỡ của bạn có đem lại niềm vui cho người khác và cho chính bạn không?
  4. Vội vã lên đường

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Bài Tin Mừng hôm nay cho ta gặp hai phụ nữ. Cả hai đang mang thai lần đầu cách diệu kỳ. Cả hai đều được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn.

Theo lời sứ thần, Đức Maria đi thăm bà Êlisabét. Hai bà mẹ gặp nhau tạo điều kiện cho hai thai nhi gặp nhau. Đấng Cứu độ nhân loại đi thăm vị Tiền hô của mình. Cuộc gặp gỡ thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần.

Thánh Thần vẫn luôn tác động trên Đức Maria, và làm cho thai nhi Giêsu lớn lên từng ngày. Thánh Thần đã đầy tràn Gioan từ trong lòng mẹ khiến ông nhận ra Đức Kitô và nhảy mừng chào đón. Thánh Thần bỗng chốc đến với bà Êlisabét làm bà nhận ra điều mắt thường không thấy được, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế.

Maria đem đến cho Êlisabét niềm vui và sự phục vụ, nhưng chính Mẹ cũng nhận được sự đỡ nâng. Mẹ xác tín hơn về lời thiên sứ loan báo cho mình, khi Mẹ thấy quả thật bà chị hiếm muộn đã có thai. Mẹ ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận trong lòng tin, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà đã khiến Mẹ cất lời ngợi khen Thiên Chúa (x. Lc 1,46-55).

Cuộc đi thăm nào cũng làm tôi hiểu hơn về mình, và ý thức sâu hơn về những ơn tôi đã lãnh nhận. Maria biết mình có phúc hơn mọi phụ nữ vì Mẹ được chọn để cưu mang Đấng Mêsia. Maria biết mình diễm phúc, vì dám tin vào Lời Chúa. Cuộc gặp gỡ với bà Êlisabét giúp Maria vững tin hơn vào tính khách quan của kinh nghiệm mình được gặp Chúa.

Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm Ngôi Lời được cưu mang. Khi chấp nhận làm người, Con Thiên Chúa cần một người mẹ. Ngài được thụ thai cách lạ lùng trong lòng một trinh nữ, và Ngài đã lớn lên bình thường trong dạ mẹ. Dạ mẹ là mái nhà êm ấm đầu tiên, là Đền Thánh trước khi Con bước vào thế giới.

Khi được nuôi bằng sự sống của Mẹ Maria, Con đã thánh hóa tất cả những gì thuộc về Mẹ.

Tất cả những gì nằm trong tiến trình làm người như thụ thai, mang thai, sinh đẻ, dưỡng nuôi bú mớm… đều trở nên thánh thiêng, vì được Con Thiên Chúa đảm nhận.

Con Thiên Chúa đã từng là thai nhi trước khi chào đời, nên mỗi thai nhi đều là hình ảnh Chúa cần trân trọng. Như Gioan nhảy mừng lúc còn trong dạ mẹ, mỗi thai nhi đã biết diễn tả buồn vui, đã cần được yêu mến. Lễ Giáng Sinh đòi ta quan tâm đến các bà mẹ và thai nhi.

Hàng năm có cả triệu vụ phá thai trong nước… Kính trọng thân xác phụ nữ, tôn trọng sự sống thai nhi: đó là Tin Mừng Giáng Sinh cho khắp thế giới.

Gợi Ý Chia Sẻ

Các nhà nghiên cứu xã hội phỏng đoán có tối thiểu khoảng 2 triệu người phá thai mỗi năm trong cả nước. Bạn có biết những nguy hiểm về thể xác và tinh thần cho các bà mẹ phá thai không?

Các tệ nạn xã hội gia tăng dẫn đến đại dịch AIDS. Bạn nghĩ gì về chuyện buôn bán thân xác phụ nữ? Có cách nào giải quyết không?

Cầu Nguyện

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền. Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông. Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác. Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt. Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

  1. Thân mẫu Chúa đến với tôi

(Trích trong ‘Manna’)

Suy Niệm

Trong Chúa Nhật cuối cùng của mùa Vọng, Hội Thánh mời gọi chúng ta suy niệm về cuộc gặp gỡ giữa hai người mẹ: Chị Maria và bà Êlisabét, giữa hai thai nhi: Đức Giêsu và Gioan Tẩy Giả.

Một cuộc gặp gỡ chan chứa niềm vui. Niềm vui của chị Maria với bước chân vội vã băng qua những vùng đồi núi trập trùng xứ Giuđê. Chị không đi một mình trên đường xa, vì chị tin có một mầm sống đang lớn lên trong chị. Chị chỉ mong cho mau đến nhà bà Êlisabét để phục vụ bà trong những ngày gần sinh nở. Niềm vui bất ngờ của bà chị họ sau lời chào của Maria. Bà ngây ngất trước hồng ân mà cô em mình đã nhận được. Bà tràn ngập hạnh phúc vì được Thân Mẫu Chúa đến thăm. Êlisabét cảm thấy đứa con trong dạ cũng nhảy mừng. Dường như bà quên cả niềm vui riêng tư, để chỉ còn nhớ đến niềm vui cứu độ cho cả dân tộc.

Cuộc gặp gỡ diễn ra trong bầu khí của Thánh Thần. Thánh Thần vẫn tác động trên chị Maria. Thánh Thần tràn đầy bà Êlisabét. Thánh Thần đã hoạt động nơi thai nhi Gioan (Lc 1,15).

Chị Maria đem đến niềm vui cho nhà ông Dacaria vì chị mang lại Đấng ban Tin Mừng cứu độ. Chị đem đến sự phục vụ khiêm hạ và chị cưu mang Đấng đến để phục vụ.

Khi được trở nên nữ tỳ của Thiên Chúa, chị Maria đã sống như nữ tỳ của con người. Chị có phúc vì chị được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, chị còn có phúc vì chị đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với chị.

Chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu đang lớn dần trong lòng mẹ. Ngài tăng trưởng như mọi người. Những nhịp đập đầu tiên của trái tim nhỏ bé, những nét riêng tư đầu tiên của khuôn mặt. Con Thiên Chúa đã mang quả tim và khuôn mặt người phàm.

Từ khi Ngôi Lời được cưu mang trong dạ mẹ, không ai có quyền khinh rẻ một thai nhi, vì mỗi thai nhi đều mang khuôn mặt của Con Thiên Chúa; không ai được coi thường người phụ nữ, vì Thiên Chúa đã muốn Con mình được một trinh nữ sinh ra.

Gợi Ý Chia Sẻ

Đức Maria đi phục vụ bà Êlisabét, theo ý bạn, đâu là những đặc tính của một người phục vụ tốt?

Nhiều quốc gia chấp nhận cho phá thai. Bạn nghĩ gì về sự kiện đó?

Cầu Nguyện

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền. Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông. Một quả tim trung thành và quảng đại. không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn. yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác. Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt. Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

  1. Phước lành Thiên Chúa

(Trích trong ‘Suy Niệm Lời Chúa’ – Radio Veritas Asia)

Mẹ Têrêxa Calcutta kể lại: “Một hôm, Mẹ đến thăm một nhà thương Anh quốc rất tối tân. Mẹ tả phong cảnh và các phòng ốc của nhà thương rất khang trang, sáng sủa và trang bị đủ mọi thứ máy móc cùng tiện nghi vô cùng tối tân, cân xứng với số tiền phải trả. Ngoài ra, các y tá, nhân viên làm việc trong nhà thương đều rất nhã nhặn và lịch sự. Nhưng Mẹ nhận thấy một điều lạ kỳ và hỏi một vị bác sĩ đang hướng dẫn Mẹ đi thăm nhà thương. “Thưa bác sĩ, tại sao các người bệnh cứ mỗi lần thấy ai vào là họ cùng đồng loạt quay nhìn về phía cửa vậy?”. Câu trả lời của viên giám đốc nhà thương rất đơn sơ nhưng đượm vẻ buồn: “Thưa, vì họ luôn luôn chờ đợi một ai đó trong số bà con thân thuộc đến thăm họ, nhưng chẳng có ai đến thăm họ bao giờ hết”.

Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội bao giờ cũng luôn luôn khuyến khích các tín hữu thăm những người già cả, bệnh tật, ốm yếu, tù nhân, nghèo khó và tất cả những ai cần trợ giúp, ủi an nâng đỡ. Nghĩa là Giáo Hội hối thúc tín hữu thực thi Tin Mừng yêu thương của Chúa Giêsu và nhìn ra khuôn mặt của Ngài nơi các anh chị em đau khổ và bị bỏ rơi này.

Các bài đọc Chúa nhật này cũng mời gọi chúng ta suy tư về con đường nghèo hèn, tầm thường bé nhỏ, mà Thiên Chúa đã dùng để đến với loài người chúng ta và các hệ lụy của sự lựa chọn ấy. Chương 5,1-4, sách tiên tri Mikêa là một lời sấm thuộc một lời sấm cứu thế được thánh sử Matthêu dùng lại và áp dụng cho Chúa Giêsu trong bối cảnh này. Lời sấm này của tiên tri Mikêa diễn tả các trái nghịch giữa sứ mạng Thiên Chúa giao phó cho Giêrusalem trong dòng lịch sử cứu độ và cái bất lực của nó. Sở dĩ Giêrusalem đã không chu toàn được sứ mạng này vì tội lỗi và bất trung nó đã vấp phạm, khiến cho nó không còn khả năng thực hiện những nhiệm vụ ấy. Do đó, Thiên Chúa đã chọn lựa một nơi chốn khác xa xôi, bé nhỏ và hẻo lánh không ai ngờ tới. Đó là làng quê Bêlem, trước đây gọi là Ephrata.

Đấng Cứu Thế và dòng tộc của Ngài sẽ bắt nguồn từ đó chớ không phải tại thủ đô Giêrusalem hay một thành phố danh tiếng nào khác vùng Trung Đông cổ. Và trong làng quê Bêlem, Thiên Chúa chọn gia đình ông Giêsê, cha của vua Đavít và là ông tổ của thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria, người được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Đức Giêsu, Đấng Cứu Thế. Như thế, Chúa Giêsu Kitô xuất hiện trong dòng lịch sử nhân loại tại làng quê bé nhỏ Bêlem này, cách xa khung cảnh huy hoàng vĩ đại của các thành phố lớn thuộc các đế quốc vùng Trung Đông. Ngài đã bước vào gia đình nhân loại như một trẻ bé bỏng, yếu đuối, trong một gia đình bình thường như hàng ngàn vạn gia đình bình thường khác. Tuy nhiên, trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa không có gì là tình cờ cả. Các lựa chọn ngược đời ấy của Thiên Chúa, là quê Bêlem khiêm tốn, điều kiện bé bỏng yếu đuối của con người đều tham dự vào sự cao cả và quyền năng vô cùng của Thiên Chúa. Bởi vì Đấng xuất thân từ đó sẽ thống trị mọi dân nước và cai trị với chính uy quyền của Thiên Chúa toàn năng và sẽ đem lại an bình cho nhân loại.

Kiểu cách lựa chọn ngược đời và các nẻo đường lạ lùng Thiên Chúa dùng để hiện thực chương trình cứu độ, càng nổi bật hơn theo bài Phúc Âm thánh Luca, 1,39-48. Maria, một thiếu nữ vô danh, con của một gia đình làng quê Nazareth được Thiên Chúa lựa chọn làm người cưu mang Đấng Cứu Thế Con của Ngài. Phước lành Thiên Chúa đổ tràn đầy trên Trinh Nữ Maria cũng là phước lành Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại trong dòng lịch sử thế giới, lịch sử loài người. Thiên Chúa đã ban cho con người không biết bao nhiêu là phước lành, nhưng phước lành vĩnh viễn và cao quí trọng đại nhất là chính Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế. Lời chào của bà Isave khi thấy Trinh Nữ Maria đến thăm mình và lời kinh chúc tụng của Trinh Nữ Maria đều ngợi khen kểu cách Thiên Chúa lựa chọn con đường dẫn Ngài đến cuộc gặp gỡ cứu độ loài người, con đường bé nhỏ tầm thường khiêm tốn nghèo hèn. Nhiều người không chịu được ý tưởng Con Thiên Chúa nhập thể làm người trong lòng một phụ nữ và mở mắt chào đời từ lòng của một bà mẹ. Do đó, câu chào của bà Isave: “Em ơi, em thật có phúc hơn mọi phụ nữ và Giêsu người con của cung lòng em cũng thật là có phúc”. Nhưng đây là một sự thật, một sự thật lịch sử minh chứng cho thấy, tất cả những biến cố của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã nhập thể làm người và sinh ra từ cung lòng của người đàn bà trong gia đình nhân loại, hoa trái ngọt dịu ấy, người con ấy do hoạt động và quyền năng của Đức Chúa Thánh Thần nên được cưu mang trong cung lòng của Trinh Nữ Maria. Nhưng cũng y như bất cứ bào thai nào khác của con người trần gian, nó được gắn liền thịt xác của bà mẹ và sẽ nhập thể. Con Thiên Chúa đã cần đến cung lòng của một bà mẹ. Trinh Nữ Maria đã không tiếp nhận Ngôi Lời trong linh hồn mình, mà đã tiếp nhận Ngài trong chính thân xác mình, trong cung lòng phụ nữ của mình. Và Chúa Giêsu đã chấp nhận một luật lệ tâm, sinh, vật lý của một bào thai thành hình lớn lên trong 9 tháng 10 ngày, được mẹ nuôi bằng chính máu mẹ như mọi thai nhi khác. Sự kiện lớn lên dần dần ấy tỏ ra qua hình thể tròn trịa của bụng mẹ ngày càng lớn lên. Sự kiện Giêsu là hoa trái, là bào thai lớn lên trong bụng mẹ, chứng minh Thiên Chúa không phải là một lý thuyết, một giả thuyết, mà Ngài là một hoa trái để dưỡng nuôi cứu độ thế giới này.

Mẹ Maria chỉ im lặng sống cuộc đời bé nhỏ thầm lặng ẩn dật, cưu mang Giêsu, hoa trái cứu độ rồi dâng hiến Ngài cho chúng ta. Ánh sáng không cần lời nói, sự sống hơi thở của con tim chính là sứ điệp. Khi lòng càng trống rỗng bao nhiêu thì con người càng gây nhiều tiếng động tình yêu. Kitô hữu là người cưu mang Chúa Kitô trong tâm lòng nhưng có thể mang Chúa Kitô phong phú và hữu hiệu như Mẹ Maria, khi ta biết sống khiêm tốn bé nhỏ và yêu thích con đường kiểu sống bé nhỏ của Thiên Chúa như một tôi tớ khiêm hạ.

Như đã nêu lên trong thư Do Thái diễn từ về chức linh mục của Chúa Giêsu, biến cố Chúa Giêsu nhập thể làm người là một biến cố lịch sử và là trung tâm điểm của lịch sử cứu độ. Bởi vì nó mở ra một kỷ nguyên mới, nó vượt xa quan niệm cũ của Do Thái về liên hệ giữa Thiên Chúa và thế giới, giữa con người và Thiên Chúa. Do Thái giáo đóng khung các nghi lễ này trong đền thánh, trong việc dâng cúng các lễ vật và việc tuân giữ luật lệ. Mặc dầu các sinh hoạt đã có nhiệm vụ và vai trò rất quan trọng trong lịch sử cuộc sống tinh thần của Israel, chúng cũng không thể trao ban ơn cứu độ do con người. Nếu muốn được ơn cứu độ, con người cần phải trở về với chương trình mà Thiên Chúa đã có đối với nó ngay từ thời tạo dựng. Nghĩa là trước khi con người phạm tội, cần phải nhận biết Thiên Chúa và thánh ý Ngài và lấy đó làm trung tâm lịch sử đời mình và lịch sử thế giới, cần phải quy hướng cuộc sống của mình theo chương trình và ý muốn của Thiên Chúa và hoán cải trở về với Ngài. Thái độ sống này đòi buộc chúng ta không được tách rời cuộc sống lòng tin khỏi các sinh hoạt thường ngày, bởi vì chúng ta không phải chỉ là Kitô hữu khi cử hành các lễ nghi phượng tự mà thôi, nhưng là suốt ngày, trong mọi công việc khác nhau. Tách rời cuộc sống lòng tin khỏi sinh hoạt trong cách hành sử thường ngày là chúng ta khước từ tin nhận biến cố nhập thể của Chúa Giêsu. Bởi vì khi nhập thể, Chúa Giêsu quy hướng toàn cuộc sống của Ngài theo thánh ý của Thiên Chúa Cha: “Này con xin đến để làm theo thánh ý Cha”. Và Chúa Giêsu đã sống mọi giây phút đời mình dưới ánh sáng chương trình của Thiên Chúa. Như vậy, khi biết noi gương Chúa Giêsu, sống tinh thần nhập thể trọn vẹn, ấy là chúng ta đón nhận sứ điệp Giáng sinh đúng đắn và trọn vẹn nhất.