Lời Chúa: Ga 20,19-23
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Tin mừng diễn tả Chúa phục sinh đã hiện ra để củng cố lòng tin của các Tông Đồ và để các ông biết Người sẽ về với Chúa Cha của Người. Người sống lại trao ban Thánh Thần và quyền tha tội cho các Tông Đồ, nghĩa là thông ban ơn cứu độ cho chúng ta. Đây là sứ vụ của Hội Thánh, chúng ta, những người con con Hội Thánh, phải gầy dựng lại những hồng ân Chúa ban mà đã bị tội lỗi làm cho hoen mờ. Người ủy thác cho các Tông Đồ sứ mạng tiếp tục sự nghiệp của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em”, và Người thổi hơi trên các ông: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Cũng vào ngày này sách Công vụ Tông Đồ 2, 1-4 kể; “Bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ tập. Rồi họ thấy xuất hiện nhưng hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”.
Những người đoàn viên là chi thể của Chúa, chúng ta hãy sống gắn bó với Chúa, sống hiệp thông tình huynh đệ và thực thi sứ vụ công bố niềm tin yêu cho mọi người, để họ nhận ra Chúa đang hiện diện giữa chúng ta.
Sống lời Chúa:
Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, mỗi đoàn viên chúng ta được mời gọi dấn thân thực hành Giao Ước mới đã được Chúa Giêsu Kitô thực hiện. Xin Chúa Thánh Thần hiện diện trong Huynh đoàn, hướng dẫn chúng ta, đổi mới chúng ta, phù trợ cho cộng đoàn chúng ta.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ban cho mỗi đoàn viên chúng con, đặc biệt ơn biết yêu thương, biết hy sinh vì cộng đoàn, để chúng con loan báo Tin Mừng một cách hữu hiệu bằng chính đời sống yêu thương như Chúa Giê-su đã dạy. Amen.
2. Cuộc sáng tạo mới – Lm. Ignatiô Trần Ngà
3. Ngọn lửa Thánh Linh soi chiếu
4. Quà tặng Thần Khí – Peter Feldmeier
5. Ngũ Tuần – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
***
Sách Tông đồ Công vụ kể lại rằng, khi đến Êphêsô, thánh Phaolô đã gặp gỡ một số tín hữu tiên khởi, ngài hỏi họ về Chúa Thánh Thần, thì họ trả lời: Chúng tôi không hề nghe biết có Chúa Thánh Thần. Còn khi đến Athènes, ngài thấy ở một góc phố, có một bàn thờ với hàng chữ: kính thần vô danh.
Với chúng ta cũng vậy, Chúa Thánh Thần là vị Thiên Chúa vô danh, là vị Thiên Chúa thường bị chúng ta quên lãng hơn cả. Chúng ta nói và hiểu biết nhiều điều về Chúa Cha cũng như Chúa Con, nhưng về Chúa Thánh Thần thì chúng ta lại chẳng hiểu biết chi cả. Thế nhưng Chúa Thánh Thần lại nắm giữ một vai trò quan trọng, đặc biệt trong ngày hôm nay, ngày Ngài hiện xuống, khai mở một giai đoạn mới, giai đoạn của Giáo Hội.
Từ thuở ban đầu, khi tạo dựng vũ trụ thì Thánh Thần Chúa đã bay lượn trên nước. Tiếp đến, Ngài luôn hiện diện và hướng dẫn lịch sử nhân loại. Ngài đã thâm nhập vào các tổ phụ, các tiên tri, các vua chúa, các nhà lãnh đạo để xây dựng dân Chúa, mà cao điểm tuyệt vời nhất chính là Đức Kitô.
Thực vậy, Đức Kitô đã được cưu mang bởi quyền phép Chúa Thánh Thần, trong cung lòng Trinh Nữ Maria, được Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi bờ sông Giócđan. Và hơn thế nữa, luôn được Chúa Thánh Thần cùng bước đi trong mọi giai đoạn của cuộc đời cho đến ngày tử nạn khổ đau và phục sinh vinh quang. Lịch sử cứu rỗi đó còn được tiếp tục qua lịch sử nhân loại, và hôm nay là ngày khai mở một giai đoạn mới, giai đoạn của Giáo Hội, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tông đồ để khai sinh ra Giáo Hội. Chúa Thánh Thần đã thánh hoá các ông bằng lửa, bằng gió và bằng lời.
Thực vậy lửa để soi sáng, gió để thúc đẩy và lời để cảm hoá và chinh phục. Trải qua dòng thời gian, nhìn vào lịch sử Giáo Hội, chúng ta sẽ nhìn thấy tác động của Chúa Thánh Thần. Chẳng hạn như khi Ngài soi sáng cho Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII quyết định khai mở Công đồng Vatican II, vào một thời điểm mà chính Đức Thánh Cha cũng không nghĩ tới. Và theo Đức Thánh Cha diễn tả, thì đó chính là một lễ Hiện Xuống mới.
Tuy nhiên, Chúa Thánh Thần không phải chỉ tác động trên các nhà lãnh đạo Giáo Hội, mà hơn thế nữa, Ngài còn tác động tên mỗi người chúng ta, trên các phần tử của Giáo Hội.
Chuyến tàu khởi hành từ Calcutta bắt đầu lăn bánh trong đêm tối. Giữa đám hành khách đang lắc lư ngủ gật, có một người đàn bà âm thầm lần hạt, đó là Mẹ. Têrêsa. Mẹ kể lại rằng: như có một sức mạnh xâm nhập vào mẹ và thế là mẹ quyết định lập một dòng tu, hiến thân để phục vụ người nghèo. Mẹ khởi công với ba đồng bạc Ấn Độ, thế nhưng hôm nay, dòng Thừa sai bác ái của mẹ đã tràn lan khắp thế giới. Và như vậy Chúa Thánh Thần luôn hoạt động trong mọi thành phần của Giáo Hội.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới mọi sự trong ngoài chúng con.
2. Cuộc sáng tạo mới – Lm. Ignatiô Trần Ngà
Sau khi tạo dựng vũ trụ càn khôn cùng muôn vật diệu kỳ trong hoàn vũ, Thiên Chúa vẫn chưa hài lòng với tác phẩm của mình. Người muốn sáng tạo thêm một kiệt tác trổi vượt tất cả những gì Người đã dựng nên.
Thế là Ba Ngôi Thiên Chúa quyết định tạo dựng con người: “Chúng ta hãy sáng tạo con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để chúng làm chủ cá biển chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26).
Thiên Chúa lấy bùn đất, nắn thành hình một con người, nhưng hình tượng nầy vẫn còn trơ trơ bất động, vô cảm, vô tri…
Thế rồi Thiên Chúa thổi hơi vào lỗ mũi của hình tượng nầy và điều kỳ diệu đã xảy ra: khối đất vô hồn mang hình dạng con người đang nằm im lìm bất động bỗng cựa mình đứng lên trở thành người sống: có tư duy, có tình cảm, có tự do, có óc sáng tạo… mang đậm dấu ấn và bản sắc của Thiên Chúa. Thế là Thiên Chúa đã hoàn thành kiệt tác Ađam là nguyên tổ của loài người.
* * *
Con người cũ bị băng hoại vì tội lỗi.
Nhưng tiếc thay, tội lỗi đã thấm nhập vào thế gian làm băng hoại con người. Kiệt tác của Thiên Chúa đã bị biến chất thảm hại nên Thiên Chúa phải theo đuổi một kế hoạch tạo dựng mới.
Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người khởi đầu công cuộc nầy. Người quy tụ những môn đệ đầu tiên, và dùng những vị nầy làm nhân tố phát sinh một dân mới.
Nhưng sau khi Chúa Giêsu sống lại và lên trời, các môn đệ cảm thấy lạc lõng bơ vơ như đoàn chiên không chủ, như rắn mất đầu. Các ngài sống âm thầm, im hơi lặng tiếng, co cụm trong phòng đóng kín vì sợ người Do-Thái, tựa như Ađam lúc chưa được hơi thở của Thiên Chúa thổi vào.
Con người mới được tác sinh
Thế rồi “vào chiều ngày hôm ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái, Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”
Và như thuở ban đầu Thiên Chúa thổi hơi vào mũi A-đam để ban cho ông sự sống, thì nay Chúa Giêsu “thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”(Ga 20,19. 22)
Theo ngôn ngữ Kinh Thánh (bằng tiếng Hebrew), Chúa Thánh Thần được gọi là Ruah, nghĩa là Hơi Thở hay Thần Khí.
Thổi hơi vào các môn đệ có nghĩa là Chúa Giêsu truyền ban Thần Khí (= Chúa Thánh Thần) cho các ông.
Như hôm xưa Ađam vươn vai chỗi dậy sau khi đón nhận hơi thở của Thiên Chúa, các môn đệ một khi đã lãnh nhận Hơi Thở ban Thần Khí của Chúa Giêsu cũng được tái sinh, cựa mình chỗi dậy, thoát ra khỏi căn phòng đóng kín như mộ địa giam nhốt mình để đi đến với muôn dân, loan truyền Tin Mừng cứu độ cho toàn thế giới, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống vì Nước Trời…
Thế là nhân loại mới đã được tác sinh từ biến cố trọng đại nầy, khởi từ ngày hôm ấy.
* * *
Lạy Chúa Giêsu,
Nếu không có làn hơi của Thiên Chúa thổi vào, A-đam chỉ là một khối đất vô tri bất động và không hề có sự sống.
Nếu không được Chúa Giêsu thổi hơi ban Thần Khí, các tông đồ xưa cũng chỉ là một nhóm người bạc nhược, ươn hèn.
Và hôm nay, nếu không được đón nhận Thần Khí Chúa ban, chúng con cũng chỉ là những kitô hữu nguội lạnh, thiếu nhiệt thành và luôn đứng bên lề Hội Thánh.
Nguyện xin Chúa thổi hơi ban Thần Khí cho chúng con như đã ban cho các môn đệ năm xưa, để chúng con được đón nhận Sự Sống Mới và kiên quyết lên đường thi hành sứ mạng loan Tin Mừng cho muôn dân.
3. Ngọn lửa Thánh Linh soi chiếu
(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)
Vào năm 1976, ngay xóm tôi ở có em gái nghèo chừng mười lăm tuổi đi giúp việc nhà cho một gia đình giàu có. Gia đình nầy vừa mới tậu một bức tranh thêu rất đẹp nên bức hoành phi sơn son thếp vàng cũ kỹ có mấy chữ mạ vàng khá lớn, lâu nay được treo ở gian giữa ngôi nhà, giờ đây bị tháo xuống để nhường chỗ cho bức tranh thêu quý giá. Trong thâm tâm bà chủ nghĩ rằng bức hoành phi nầy có chữ mạ bằng thứ giấy vàng rẻ tiền nên giá trị chẳng là bao.
Bà chủ giao bức hoành cho cô gái giúp việc đem về nhà tuỳ nghi sử dụng. Cô gái đem về cho em chơi. Chơi chán rồi chúng xé vụn phần bằng giấy ra, xé luôn cả những chữ vàng, xả rác đầy nhà, khiến người mẹ phải mất công quét dọn và đổ ra hố rác.
Khi đốt rác vào lúc trời tối, bọn trẻ phát hiện những dòng chữ vàng trên bức hoành phi không bị thiêu rụi mà lại sáng ngời lên trong lửa và kết tụ lại thành những vụn nhỏ ngời sáng ánh vàng. Hoá ra những dòng chữ trên bức hoành là thứ chữ mạ bằng vàng thật chứ không phải là giấy mạ vàng!
Thế là người nhà hăm hở xăm xoi đào bới, sàng sảy đống tro tàn để tìm kiếm và cuối cùng thu lại được năm sáu chỉ vàng!
Cả gia đình vui mừng quá đỗi, vì vào thời đó, kiếm được chừng ấy vàng chẳng khác gì trúng lô độc đắc.
Như thế, nếu không nhờ ngọn lửa, những chữ vàng quý giá kia đã bị xé vụn, quẳng vào đống rác và hoá thành bụi tro. Nhưng may sao nhờ lửa cháy lên, người ta mới nhận ra những dòng chữ bằng vàng rất quý báu!
Hôm nay mỗi người chúng ta cũng được Chúa Giêsu trao tận tay một cuốn sách đáng giá ngàn vàng. Đó là một kho báu không hề vơi cạn, chứa đựng những điều khôn ngoan ngàn đời của Thiên Chúa được Chúa Giêsu từ trời mang xuống ban tặng cho thế gian, một cuốn sách chứa đựng những bí quyết đem lại bình an hạnh phúc cho muôn người, một kiệt tác được kết tinh bằng tình yêu, bằng trí tuệ, bằng tim óc của Chúa Giêsu và được hình thành trong suốt 33 năm dương thế của Ngài.
Nhưng tiếc thay, khi nhận được Tin Mừng trên tay, chúng ta xem đó là thứ quà rẻ mạt, như một cuốn sách tầm thường, như một mớ chữ không hồn. Thế nên số phận cuốn Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu cũng hẩm hiu không kém!
Sở dĩ Kho Tàng Tin Mừng của Chúa Giêsu không được xem là quan trọng và quý giá vì những dòng chữ nầy chưa được ngọn lửa của Chúa Thánh Linh soi chiếu.
Thượng Phụ Athénagoras nhận định rằng: “Nếu Hội Thánh vắng bóng Thánh Linh, thì Thiên Chúa trở nên nghìn trùng xa cách, Đức Giêsu trở thành một huyền thoại và Phúc Âm của Người trở thành một mớ chữ không hồn.”
Quả vậy, nếu không có lửa của Chúa Thánh Thần soi sáng thì lời dạy của Chúa Giêsu như: “những gì các ngươi làm cho các anh em bé mọn của Ta đây là làm cho chính Ta” (Mt 25,40) trở thành những dòng chữ chết, không thể lay động lòng người, nhưng đối với mẹ Tê-rê-xa Calcutta, nhờ ánh sáng Thánh Linh tác động, lời đó trở thành châm ngôn vàng ngọc thúc đẩy mẹ hiến cả đời mình yêu mến và phung sự Chúa Giêsu nơi những con người bất hạnh và đau thương.
Nếu không có lửa của Thánh Linh soi chiếu thì những lời nhắc nhở như: “được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng được ích gì” (Mt 16,26) là những lời vô nghĩa, nhưng đối với thánh Phanxicô Xavie, nhờ ngọn lửa của Thánh Linh soi sáng, lời đó trở thành sức mạnh vạn năng giúp ngài từ bỏ công danh địa vị để dấn thân vào những miền đất xa lạ, đem ơn cứu độ đến cho các dân tộc Á châu.
Không có Chúa Thánh Thần, không ai có thể nhận biết và yêu mến Chúa Giêsu.
Không có Chúa Thánh Thần, những trang Tin Mừng chỉ là những dòng chữ chết.
Không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa trở thành Đấng nghìn trùng xa cách.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần Chúa cho chúng con, để nhờ ánh sáng Thánh Linh soi dẫn, chúng con nhận biết, yêu mến Chúa và tìm được nơi kho tàng Tin Mừng những lời thần thiêng đem lại cho chúng con sức sống mới.
4. Quà tặng Thần Khí – Peter Feldmeier
(Lm. GB. Văn Hào chuyển ngữ)
“Và họ được đầy Thánh Thần” (Cv 2,4)
Lễ Hiện xuống mang một ý nghĩa sâu xa đặc biệt đối với từng người chúng ta, cũng như đối với các tông đồ năm xưa. Chúng ta khởi đầu với lễ Hiện xuống nơi các tông đồ, rồi đến chúng ta ngày hôm nay. Các tông đồ quy tụ lại mừng lễ ngũ tuần của người Do Thái, tưởng nhớ việc Chúa ban bố lề luật cho dân trên núi Sinai. Biến cố gợi nhắc đến việc Thiên Chúa quyền năng đã đưa dân ra khỏi Ai Cập, dùng cột lửa soi sáng ban đêm trong hành trình sa mạc và đã tỏ lộ uy quyền của Ngài trên đỉnh núi Sinai. Lễ ngũ tuần ngày xưa là dịp tưởng niệm việc Thiên Chúa tặng ban lề luật, là quà tặng đặc thù Thiên Chúa gửi trao cho dân. “Chúa bày tỏ Lời Người cho nhà Gia cóp, chiếu chỉ luật điều cho Israel. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những luật điều của Người” (Tv 147,19-20).
Chúng ta cũng gợi nhắc việc Gioan tẩy giả công bố phép rửa “Bằng lửa và Thần khí” (Lc 3,16). Trong lễ Hiện xuống đầu tiên, Thiên Chúa cũng thực hiện lời tiên báo của Thánh Gioan. Ngài cũng đem Thần khí và lửa từ trời xuống trên các tông đồ. Bài đọc trong sách Tông đồ công vụ của phụng vụ hôm nay đã mô tả: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,1.4). Sự việc đó diễn ra, khiến mọi người hiện diện, kể cả các du khách đến từ mọi nơi, thuộc các nền văn hóa và các ngôn ngữ khác nhau, có thể nghe và hiểu những gì các tông đồ nói theo ngôn ngữ riêng của mình. Sự kiện đó biểu thị hành động uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta đừng nên nghĩ rằng các tông đồ lúc ấy đang cầu nguyện bằng tiếng lạ giống như một ơn xuất thần mà Thánh Phaolô đã nhắc tới trong thơ gửi giáo đoàn Côrinthô (1 Cor 14). Nhưng, lễ Hiện xuống đầu tiên là thời điểm Tin mừng được quảng bá rộng khắp cho mọi dân mọi nước. Qùa tặng Thần Khí là động thái cuối cùng của Mầu nhiệm Vượt qua. Cũng như Đức Kitô biến đổi tình trạng tội lỗi nơi Adam, Thần Khí cũng biến đổi tình trạng hủy diệt nơi sự kiện tháp Babel ngày xưa. Khi xây tháp Babel, con người đã tỏ ra kiêu ngạo và cố chấp, nên Thiên Chúa đã phân rẽ họ ra thành nhiều nhóm ngôn ngữ để họ không thể thông tri được với nhau. Ngược lại, khi Thần Khí được ban xuống, Ngài nối kết muôn người thuộc mọi sắc tộc và ngôn ngữ. Điều này cũng biểu thị sứ mạng của Hội thánh, đó là công bố Tin Mừng cho mọi dân mọi nước. Bởi lẽ, tình yêu và ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban tặng cho tất cả mọi người.
Động thái cuối cùng của Mầu nhiệm Vượt qua, mà ngày hôm nay chúng ta mừng kính, là tột đỉnh và tóm kết lễ Phục Sinh. Thiên Chúa thực hiện việc chuẩn miễn thần thiêng sâu xa nhất: Đó là ban Thánh Thần để Thần khí giờ đây thuộc về chúng ta. Đây là điểm nhấn mà Thánh Phaolô nói tới trong bài đọc thứ hai của phụng vụ hôm nay. Thánh Phaolô đã khuyến cáo tín hữu Galat hãy đón nhận tự do thực sự trong Đức Kitô, chứ không phải tự do qua việc tuân thủ luật Moise. Luật lệ cựu ước rất thánh thiêng. Nó giúp tôi luyện và rèn dũa con người đi vào khuôn phép. Nhưng khi Đức Kitô đến, thời đó đã qua (Gal 3,24). Bây giờ là thời của Thần Khí, thời mà chúng ta được thông dự vào chính sự sống của Đức Kitô trong Thánh Thần.
Với suy nghĩ như thế, Thánh Phaolô đưa ra sự đối kháng giữa hoa trái của Thần khí và những công việc của xác thịt. Từ ngữ “xác thịt” (sarx) ở đây không phải chỉ nói về thân xác (soma), nhưng nói về cả tổng thể con người khi sống dưới sự khống chế của những đam mê tội lỗi. Thánh Phaolô liệt kê một loạt những đam mê thuộc về “xác thịt”, từ việc dâm dật đến những hành vi tôn thờ ngẫu tượng đang xảy ra giữa dân. Cụ thể như tội dâm bôn, sự ô uế, phong đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tị, say sưa chè chén… Đối nghịch với những tội lỗi theo xác thịt là hoa trái của Thần khí: Tình yêu, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, quảng đại, trung tín, hiền lành, tiết độ (Gal 5,20-23). Đây là hai phạm trù tương phản và đối kháng nhau mà Thánh Phaolô nhấn mạnh. Thánh Phaolô không nhằm đến việc nêu ra những nhân đức để chúng ta thực thi hầu hoàn thiện chính mình. Ngài muốn nói rằng, nơi một tâm hồn có những phẩm tính cao đẹp này, chính là dấu chỉ có sự hiện diện của Chúa Thánh Thần bên trong. Chúng là dấu chứng cụ thể biểu tỏ sự hiện lộ của Thần Khí.
Thánh Phaolô muốn nói cho chúng ta phương cách nhận ra sự hiện diện năng động của Thánh Thần nơi các tâm hồn. Mọi người đều biết rằng, một con người bề ngoài xem ra có vẻ nghiêm túc về mặt luân lý, nhưng đôi khi đầu óc lại rất u tối, đồng thời trái tim của họ lại quá chật hẹp và sơ cứng. Tôi sợ rằng khi đến trước cổng Thiên đàng, họ sẽ nghe tiếng Chúa nói: “Ta không biết các người là ai, hãy đi cho khuất mắt Ta” (Mt 7,23). Thánh Phaolô nhắc nhở: “Khi anh em được Thần khí hướng dẫn, anh em không còn sống dưới lề luật”. Luật bắt chúng ta phải tuân phục, còn Thần khí thì mời gọi đi vào tình yêu và sự hiệp thông. Những ai sống tràn ngập yêu thương trong Thần khí, đương nhiên sẽ hiển thị hoa trái của sự hiệp thông sâu xa này.
Mỗi lần chúng ta hát thánh thi Veni Sancte Spiritus, chúng ta khẩn nài xin Chúa Thánh Thần đến, nhưng thực sự Ngài đã đến và đã hiện hữu sẵn nơi ta. Tuy nhiên chúng ta cần phải làm hiện lộ sung mãn hoa trái của Ngài. Tất nhiên với tự do, con người có thể cản che hoặc làm suy yếu hoạt động của Thánh Thần nơi họ, nhưng chúng ta không thể chối từ một sự thật, đó là Thần khí đã được ban cho chúng ta và thuộc về chúng ta. Đó là món quà cao quý nhất mà Thiên Chúa đã hiến tặng. Thánh Thần chính là quà tặng được ân ban cách nhưng không, còn chúng ta, chúng ta phải khai mở món quà đó ra và để Thánh thần tác động. Ngay bây giờ và ngay tại nơi đây, chúng ta cần phải thực hiện công việc này.
5. Ngũ Tuần – Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Hơi thở là nguồn sự sống. Thiên Chúa ban sự sống cho tất cả mọi loài thụ tạo. Riêng con người, Thiên Chúa trực tiếp thổi sinh khí ban cho sự sống: Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật (St 2,7). Bao lâu còn hơi thở, bấy lâu chúng ta còn đang sống. Tắt thở là chết. Mọi loài sinh vật cùng chung một nguyên lý sự sống. Tạo Hoá đã an bài một không gian bầu khí vô tận để mọi sinh vật cùng được hưởng nguồn sự sống. Chúa Thánh Thần chính là nguồn ban sự sống. Sách Tông đồ Công vụ diễn tả về ngày Lễ Ngũ Tuần của người Do thái: Khi đến ngày Lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp (Cv 2,1-2). Hôm nay, Giáo Hội mừng Lễ Đức Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sự hiện diện của Thần Linh qua làn gió mạnh bao phủ tất cả khoảng không gian mang lại nguồn sinh lực dồi dào cho các Tông đồ.
Chúng ta tuyên xưng: Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Sách Giáo lý Đạo Công giáo dạy rằng: Tin vào Chúa Thánh Thần là tuyên xưng Ngài là Ngôi Thứ Ba của Ba Ngôi Cực Thánh. Ngài xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Trong Ba Ngôi, không thể phân chia. Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần phân biệt với nhau, nhưng không tách rời. Chúa Thánh Thần là Đấng Vô Hình, nhưng chúng ta nhận ra Ngài qua tác động của Ngài. Ngài mạc khải Ngôi Lời cho chúng ta và Ngài hoạt động trong Hội Thánh. Chúa Thánh Thần xây dựng, linh hoạt và thánh hoá Hội Thánh. Là Thánh Thần tình yêu, Ngài làm cho những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa Tội nhận lại được ơn giống hình ảnh Thiên Chúa đã bị đánh mất vì tội lỗi. Nhờ các Bí tích, Chúa Kitô thông truyền Thánh Thần của Người và ân sủng của Thiên Chúa cho các chi thể trong thân thể Người. Ân sủng này mang lại hoa trái cho đời sống mới theo Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần là Thầy dạy cầu nguyện.
Chúng ta phải rất cẩn thận trong vấn đề tín lý và sống đức tin. Bảy nguồn ơn sủng của Chúa Thánh Thần, đặc biệt là các ơn Khôn Ngoan và ơn Hiểu Biết giúp chúng ta nhận ra chân lý. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa. Chúng ta không nên cụ thể hóa tác động ân sủng của Chúa Thánh Thần. Đôi khi chúng ta bị chìm đắm mải mê tin tưởng qua một số hành động và nghi thức bên ngoài do con người tạo nên. Chúng ta nguyện xin Chúa Thánh Thần phải đến và phải hành động theo cách thế và ước muốn của chúng ta. Một số hiện tượng xảy ra hàng loạt đã được gắn kết cho tác động của Chúa Thánh Thần. Nhớ rằng trong Sách Giáo lý dạy: Đức Chúa Thánh Thần đã hiện ra trong hai dịp quan trọng: Một là khi Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan và hai là trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các thánh Tông đồ đang họp nhau cầu nguyện cùng với Đức Mẹ Maria.
Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông đồ lãnh nhận ơn sủng của Chúa Thánh Thần tràn đổ xuống tâm hồn qua hình lưỡi lửa: Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một (Cv 2,3). Ân sủng của Chúa Thánh Thần tác động sâu thẳm và đổi mới tâm hồn một cách toàn diện: Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho (Cv 2,4). Ơn Chúa Thánh Thần là một ân sủng cao siêu tuyệt vời thấu tận tâm can. Chính Chúa Giêsu thổi hơi ban Thánh Thần cho các tông đồ cùng với sứ mệnh: Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần (Ga 20,22). Chúa ban ân sủng và quyền năng cho các tông đồ làm hành trang sứ vụ trong cuộc lữ hành của Giáo Hội trên trần thế: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ (Ga 20,23).
Trong Giáo Hội hiện nay, có nhiều khuynh hướng hay phong trào muốn lôi kéo thị hiếu của người nhẹ tin vào những hiện tượng cảm tính và xúc động tâm linh như những cảnh người té ngã nằm đó ca hát, nói các thứ tiếng lạ, múa nhảy và ngủ lịm được nhiều người ưa thích. Chúng ta không dừng lại nơi những cảm tính nhất thời đó. Ân sủng của Chúa giúp chúng ta đổi đời, canh tân và sống đạo thực sự. Chúa mời gọi chúng ta ra đi làm nhân chứng cho sự thật. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Đức Chúa Thánh Thần đã ban ơn soi sáng trí khôn, thêm sức mạnh và thánh hoá các Tông đồ để các ngài đi rao giảng Phúc Âm và làm chứng về Chúa Kitô. Dấu chỉ hoa trái của Chúa Thánh Thần chính là sự đổi đời, canh tân cuộc sống và làm nhân chứng cho tình yêu Chúa Kitô. Các Tông đồ trở thành những con người mới đầy lòng can đảm, thấu triệt lẽ khôn ngoan và anh dũng làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh và chịu hiến thân đổ máu đào minh chứng niềm tin.
Niềm tin của tất cả các Kitô hữu đều quy về một mối là Chúa Giêsu Kitô. Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đã chịu đóng đinh, chịu chết và sống lại. Ngài là trung tâm điểm của mọi lời rao giảng. Chúa Kitô Phục Sinh là cốt lõi của mọi niềm tin và niềm hy vọng. Tuy khác biệt về các mối tương quan và cách thế duy trì niềm tin, các tín hữu đều chung kết trong một Chúa Thánh Thần: Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung (1 Cr 12,7). Mọi Kitô hữu cùng quay về một hướng và cùng chung một đích điểm. Thánh Thần ban cho mỗi người một đặc sủng riêng. Tuy các ân sủng khác nhau nhưng cùng phục vụ trong một thân thể. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa (1 Cr 12,5-6).
Chúng ta thấy có nhiều tổ chức xã hội, đảng phái chính trị hay kinh tế thương mại luôn trong tư thế tranh đua và lập thành tích. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy rằng nếu nhiều người quy họp lại trong cùng một băng nhóm hay một đoàn thể chính trị mà xoay lưng lại với nhau để mỗi người nhìn về một hướng thì dễ bề phân rẽ. Khi sự liên đới ràng buộc không còn, thì mỗi người sẽ bung ra chạy theo những khuynh hướng khác nhau. Những chính sách, luật lệ và nguyên tắc của mỗi chế độ chính trị và tổ chức xã hội có thể thay đổi theo tâm thức và thị hiếu của con người từng thời đại. Nhưng đối với các Kitô hữu, xưa cũng như nay, niềm tin vào Chúa Kitô Phục Sinh không thay đổi. Chúng ta có thể thay đổi cách thế thực hành đạo, các phương tiện và cơ cấu tổ chức. Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và mãi mãi luôn hiện hữu.
Mỗi cộng đoàn giáo xứ bao gồm nhiều thành viên. Mỗi thành viên có những ân điển đặc thù về nhiều khía cạnh trong cuộc sống. Mỗi người khác nhau từ dòng dõi, gia cảnh, trình độ học vấn, kiến thức, sự hiểu biết và nơi môi trường văn hoá riêng biệt. Mỗi người có cá tính và bản sắc riêng nhưng chúng ta cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô: Thật vậy, ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy (1 Cr 12,12). Chúng ta cùng sống chung trong một cộng đoàn giáo xứ. Cuộc sống đạo của mỗi thành viên cần được thấm nhuần vào các sinh hoạt chung. Nhưng điều quan trọng là mỗi người phải tự đứng trên đôi chân của mình. Đời sống đạo đức và nhân cách phải tự rèn luyện và vun xới. Chúng ta không thể vay mượn hành động sống đạo và hành đạo.
Khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, Chúa nói: Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em (Ga 20,21). Lạy Chúa, xin ban sự bình an đích thực cho tâm hồn chúng con, để chúng con sẵn sàng ra đi làm nhân chứng cho Chúa trên mọi nẻo đường.
***