1. Các giám mục Công Giáo kêu gọi người dân Phi Luật Tân đừng bỏ phiếu cho những người bóp méo sự thật về những năm thiết quân luật
Vào dịp kỷ niệm cuộc cách mạng hòa bình dẫn đến sự sụp đổ của Marcos năm 1986, Đức Cha David, chủ tịch Hội đồng Giám mục, đã công bố một bức thư mục vụ trước cuộc bầu cử ngày 9 tháng 5, trong đó con trai của nhà cựu độc tài sẽ tranh cử tổng thống. Bức thư nhấn mạnh rằng “Không thể có công lý nếu không có sự thật”.
Hội đồng Giám mục Công Giáo Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, đã ban hành một lá thư mục vụ có tiêu đề “Sự thật sẽ giải thoát chúng ta” (Ga 8:32), do Chủ tịch CBCP là Đức Cha Pablo Virgilio David của giáo phận Kalookan ký.
Trong thư đó, các giám mục cảnh báo rằng “những nhóm lừa lọc gieo mầm bệnh dối trá” đang chiếm ưu thế trong cuộc bầu cử tổng thống hiện tại, và nhấn mạnh rằng “Không thể có công lý nếu không có sự thật”.
Bức thư được công bố hôm 25 tháng 2, không phải là ngẫu nhiên. Vào ngày này năm 1986, cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân EDSA [*] bất bạo động đã diễn ra, lật đổ nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Con trai của cựu độc tài, Ferdinando Marcos Jr., và người đồng hành của ông, Sara Duterte, con gái của tổng thống sắp mãn nhiệm, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử tổng thống ngày 9 tháng 5 nhờ một quảng cáo rầm rộ hạ thấp những vết sẹo gây ra khi Phi Luật Tân nằm dưới quả đấm sắt của thiết quân luật.
Trong khi “nhận thức được sự phức tạp của mọi thứ”, các giám mục nhấn mạnh sự cần thiết phải giúp một quốc gia bị chia rẽ sâu sắc tái khám phá công ích.
“Chúng tôi không có tham vọng chiếm đoạt cho mình vai trò đặc thù của người giáo dân trong trật tự công bằng xã hội, chúng tôi cũng không có ý định chiếm đoạt vai trò của chính phủ. Chúng tôi ở đây để cung cấp sự hướng dẫn về mặt đạo đức và tâm linh, phù hợp với sứ mệnh công bố sự thật từ đức tin của chúng tôi”.
“Nhưng chúng tôi kinh hoàng trước sự xuyên tạc, thao túng, che đậy, đàn áp và lạm dụng sự thật một cách trắng trợn và tinh vi, như: chủ nghĩa xét lại lịch sử – sự xuyên tạc hoặc phủ nhận lịch sử; sự gia tăng của các tin tức giả và những câu chuyện sai sự thật; thông tin sai lệch – gieo rắc thông tin và tường thuật sai sự thật nhằm tác động đến ý kiến của người dân, che giấu sự thật, ác ý và mua chuộc mọi người”.
Trích dẫn “vi-rút của sự dối trá” làm tê liệt khả năng “nhận ra Chúa và tôn trọng sự thật cũng như lòng tốt” của người Phi Luật Tân, các giám mục lưu ý rằng “những xuyên tạc căn bản trong lịch sử của Thiết quân luật và Cách mạng Quyền lực Nhân dân EDSA” là trọng tâm của vấn đề.
“Chúng tôi đã ban hành ‘Tuyên bố sau bầu cử’, ngày 13 tháng 2 năm 1986, liên quan đến việc tước đoạt một cách có hệ thống quyền của cử tri, mua phiếu bầu rộng rãi và ồ ạt, cố ý giả mạo kết quả bầu cử, đe dọa, sách nhiễu, khủng bố và giết người.”
“Trong cùng một Tuyên bố, chúng tôi đã nói: ‘một chính phủ đảm nhận hoặc duy trì quyền lực thông qua các phương tiện gian lận là không có cơ sở đạo đức.’ Vì vậy, chúng tôi yêu cầu anh chị em nhìn nhận, đánh giá và hành động, rõ ràng không phải bằng bạo lực, mà bằng các biện pháp hòa bình. Và đó là những gì đã xảy ra”.
“Cách mạng hòa bình không phải là phát minh của một người, một đảng. Đó là một chiến thắng của toàn thể Nhân dân Phi Luật Tân”.
“Nhiều người trong chúng tôi, các Giám mục, là nhân chứng của sự bất công và tàn ác của Thiết quân luật. Và cho đến nay, những vi phạm nhân quyền, những nạn nhân, tham nhũng, nợ nần chồng chất và sự suy thoái kinh tế của đất nước do chế độ độc tài đều được ghi chép đầy đủ”.
Quên điều này “là nguy hiểm, vì nó đầu độc ý thức tập thể của chúng ta và phá hủy nền tảng đạo đức của các thể chế của chúng ta.” Thật vậy, “Liệu chúng ta có đủ khả năng để biến những lời nói dối trở thành cơ sở của luật pháp của chúng ta và việc thực thi chúng không? Điều gì xảy ra với một gia đình hoặc một xã hội không được xây dựng trên sự thật? “
Cuối cùng, “Không thể có công lý nếu không có sự thật. Ngay cả lòng bác ái, nếu không có chân lý, chỉ là chủ nghĩa cảm tính. Một cuộc bầu cử hay bất kỳ quá trình nào không dựa trên sự thật thì đó chỉ là sự lừa dối và không thể tin cậy được”.
Vì lý do này, các giám mục kêu gọi người Phi Luật Tân, “đặc biệt là giới trẻ, hãy xem xét cẩn thận những gì đang xảy ra trong hành trình tìm kiếm một xã hội chân chính và công bằng của chúng ta. Tham gia vào đối thoại và phân định. Hãy lắng nghe lương tâm của anh chị em. Hãy là những người quyết định “.
Cuối cùng, “Chúng tôi tin tưởng vào khả năng phân định đâu là thật và đâu là tốt của anh chị em. Tất cả chúng ta đều tìm kiếm lợi ích chung. Và, dưới ánh sáng của Phúc Âm của Chúa Giêsu, chúng ta hãy đi theo con đường của chân, thiện, mỹ và hòa bình – chứ không phải con đường bạo lực, báo thù hay xấu xa”.
Source:Asia News
2. Cuộc xâm lược Ukraine: Bắc Kinh giúp đỡ Mạc Tư Khoa chống loạt trừng phạt đầu tiên của thế giới. Nguy cơ hình thành trục Nam Bắc
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, tố cáo Trung Quốc sẵn sàng mua lúa mì của Nga mà không có các hạn chế về kiểm dịch thực vật. Họ đang tiếp tục giúp Nga nhiều hơn nữa để giảm thiểu tác động của các biện pháp hạn chế tài chính mang tính trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc tiếp tục tránh mô tả hành động gây hấn của Nga là một “cuộc xâm lược”. Đối với Úc Đại Lợi, lập trường của Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”.
Trung Quốc đang ra tay giải cứu Vladimir Putin với những động thái đầu tiên nhằm giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga về cuộc xâm lược Ukraine.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Năm sau khi Nga bắt đầu cuộc tấn công quân sự vào Ukraine, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tuyên bố mở cửa thị trường nội địa cho hoạt động bán lúa mì không hạn chế của Nga.
Do lo ngại về kiểm dịch thực vật, cho đến nay, Bắc Kinh đã hạn chế nhập khẩu ngũ cốc của Nga. Các hạn chế này đã được dỡ bỏ ngay lập tức sau khi Nga xâm lược Ukraine. Tưởng cũng nên nói thêm, trước đó Putin đã tới Bắc Kinh dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa đông.
Những thỏa thuận như vậy phản ánh việc tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Trung Quốc và Nga để đối phó với các áp lực địa chính trị của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Bằng cách cho phép việc nhập khẩu lúa mì Nga không hạn chế, Trung Quốc muốn tăng cường an ninh lương thực của họ, trong khi đối với người Nga, xuất khẩu lương thực nhiều hơn là một cách để đa dạng hóa thương mại của họ với Trung Quốc, khi việc xuất khẩu nguyên liệu thô đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, Trung Quốc sẽ cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp Điện Cẩm Linh chống lại các lệnh trừng phạt tài chính của phương Tây, bao gồm việc ngăn chặn Nga tiếp cận thị trường vốn Âu Châu và Mỹ, đồng thời ngăn chặn việc sử dụng đồng đô la, đồng euro và đồng yên.
Trước khi Nga gây hấn với Ukraine, Đại sứ Trung Quốc tại Nga Trương Hán Huy (Zhang Hanhui, 张汉晖) đã kêu gọi hai nước sử dụng nhiều hơn đồng tiền của nhau trong thương mại, đặc biệt là năng lượng, cho đến nay phần lớn được mệnh giá bằng đô la và euro.
Trong khi đó, khi xe tăng Nga tiến đến ngoại ô Kiev, Trung Quốc tiếp tục bày tỏ sự phản đối các biện pháp trừng phạt “đơn phương” của phương Tây, thúc giục “đối thoại” và tránh các hành vi “cực đoan” để giải quyết cuộc khủng hoảng.
Một lần nữa, tại cuộc họp báo hôm nay, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã từ chối sử dụng từ “xâm lược” để mô tả các hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine.
Về phần mình, Thủ tướng Úc Đại Lợi Scott Morrison đã chỉ trích quyết định của Trung Quốc nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Về thỏa thuận lúa mì của Nga, Thủ tướng Morrison gọi đây là một động thái “không thể chấp nhận được” của Trung Quốc.
Canberra cũng công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga với sự phối hợp của Hoa Kỳ và các nước châu Âu.
Tương tự như vậy, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói rằng Nhật Bản sẽ chặn xuất khẩu chất bán dẫn cho kẻ xâm lược Nga. Đài Loan đang cân nhắc việc ngừng bán chip cho Nga.
Source:Asia News
3. Cuộc xâm lược của Nga ‘có thể sẽ dẫn đến các trường hợp tử đạo’, nhà lãnh đạo người Công Giáo Ukraine ở Mỹ cảnh báo
Người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine tại Hoa Kỳ nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine “có thể sẽ dẫn đến các trường hợp tử đạo”.
Phản ứng với tốc độ nhanh chóng của diễn biến trong ngày đầu tiên của cuộc tấn công của Nga, Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak, Tổng Giám Mục Công Giáo Ukraine ở Philadelphia, nói với CNA vào ngày 24 tháng 2 rằng điều “không thể tưởng tượng được đã xảy ra” đối với Giáo Hội ở Ukraine. Ngài gọi là Tổng thống Vladimir Putin là một “kẻ chống xã hội điên cuồng”, là người đang “dẫn đất nước của mình và các nước láng giềng vào vực thẳm.”
Sinh ra ở New York trong gia đình những người nhập cư Ukraine, Đức Tổng Giám Mục Gudziak đã lãnh đạo một số tổ chức Giáo Hội ở Ukraine trước khi được bổ nhiệm làm lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ở Mỹ vào năm 2019. Ngài cũng là hiệu trưởng của Đại học Công Giáo Ukraine ở Lviv, Ukraine, và phục vụ với tư cách là thành viên của Thượng hội đồng thường trực của Giáo Hội Công Giáo Ukraine và là người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Giáo hội.
Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa luôn giữ một thái độ thù địch chống lại Giáo Hội Công Giáo Ukraine, trước khi xảy ra vụ Đức Thượng Phụ Đại Kết Bácthôlômêô trao Tomos cho Giáo Hội Chính Thống Giáo tân lập Ukraine, Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã thường xuyên lên tiếng đòi hỏi rằng các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo toàn thế giới phải đưa ra thảo luận tình trạng của các Giáo Hội Đông Phương hiệp thông với Tòa Thánh. Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa coi đó là điều kiện tiên quyết, miễn bàn cãi, nếu muốn tòa này tham dự các cuộc họp Liên Chính Thống Giáo.
Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa đã phàn nàn rằng trong nhiều năm qua từ sau khi chế độ cộng sản bị sụp đổ tại Đông Âu, Giáo Hội Công Giáo Đông phương ở Ukraine, đã tăng gấp đôi dân số. Tòa Thượng Phụ Chính Thống Mạc Tư Khoa cáo buộc rằng Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk đã dùng tình cảm dân tộc và thái độ bài Nga để kích động tâm tình thù địch đối với Chính Thống Giáo Hội Ukraine liên minh với Mạc Tư Khoa.
Tuyên bố từ Mạc Tư Khoa ám chỉ một tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói rằng “Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa thường được sử dụng như một công cụ trong tay của kẻ xâm lược”. Đức Tổng Giám Mục thường lên án sự hỗ trợ mà Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa dành cho cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine.
Source:Catholic News Agency
Đại sứ Ukraine tại Hoa Kỳ kêu gọi các thành viên Quốc hội Hoa Kỳ hỗ trợ nhiều hơn khi đất nước của bà chống lại “cuộc chiến tàn khốc” từ Nga, và nói rằng Nga đã sử dụng một quả bom chân không vào hôm thứ Hai trong cuộc xâm lược Ukraine.
Bom chân không sử dụng oxy từ không khí xung quanh để tạo ra một vụ nổ ở nhiệt độ cao, thường tạo ra một làn sóng xung động có thời gian dài hơn đáng kể so với một vụ nổ thông thường.
Đại sứ Oksana Markarova cho biết: “Ngày hôm nay họ đã sử dụng bom chân không, thứ thực sự bị cấm bởi công ước Geneva,” Đại sứ Oksana Markarova cho biết sau cuộc họp với các nhà lập pháp. “Sự tàn phá mà Nga đang cố gắng gây ra cho Ukraine là rất lớn.”
Bà cho biết Ukraine đang làm việc tích cực với chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Quốc hội để có thêm vũ khí và các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
“Họ phải trả giá, họ phải trả một giá đắt,” bà nói với các phóng viên sau khi rời cuộc họp.
Báo cáo của Reuters cho biết Dân biểu Dân chủ Brad Sherman, người tham dự cuộc họp, tiết lộ rằng Ukraine đã yêu cầu một khu vực cấm bay do Mỹ thiết lập trên bầu trời Ukraine nhưng ông cảm thấy điều đó quá nguy hiểm vì nó có thể kích động xung đột với Nga.
5. Putin bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong bối cảnh có các tuyên bố cho rằng bom chùm được sử dụng
Tờ Financial Review có bài tường trình nhan đề “Putin accused of war crimes amid claims cluster bombs used”, nghĩa là “Putin bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong bối cảnh có các tuyên bố cho rằng bom chùm được sử dụng”. Xin kính mời quý vị và anh
Hôm thứ Hai, Vladimir Putin đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh sau vụ pháo kích bừa bãi vào các thành phố của Ukraine, giết chết hàng chục thường dân, trong đó có 3 trẻ em bị “thiêu sống”.
Một bác sĩ đã cố gắng trong tuyệt vọng để cứu sống một bé gái sáu tuổi, thiệt mạng khi ngôi nhà của gia đình cô bị đánh bom, đã dùng máy quay phim ghi lại cảnh tượng sau khi cô bé chết và tuyên bố: “Hãy cho Putin xem. Đôi mắt của đứa trẻ này, và các bác sĩ đang khóc”.
Các quan chức Ukraine cho biết 16 trẻ em đã thiệt mạng trong 4 ngày giao tranh đầu tiên. Con số đó có thể sẽ tăng lên đáng kể sau các cuộc tấn công đẫm máu nhất nhằm vào dân thường kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược. Trong số những người thiệt mạng có một nữ sinh tên Polina, khoảng 10 tuổi và được vẽ với một vệt màu hồng trên tóc. Theo các quan chức, cô bé đã bị giết bởi những kẻ phá hoại người Nga ở Kiev cùng với cha mẹ và anh trai của cô ấy.
Vào ngày thứ năm của cuộc chiến, Điện Cẩm Linh đã ra lệnh bắn phá Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, và có những tuyên bố rằng họ đã triển khai bom, đạn chùm ở các khu vực đô thị dày đặc, làm tăng thương vong tối đa cho dân thường. Nga trước đây đã bị cáo buộc sử dụng bom chùm ở Syria.
Karim Khan, công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế, cho biết ông sẽ sớm bắt đầu cuộc điều tra tội ác chiến tranh đối với cuộc xâm lược của Nga.
Bộ Nội vụ Ukraine hôm qua cho biết: “Kharkiv vừa bị tấn công ồ ạt bởi Grads, tức là các hỏa tiễn. Hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương”.
Ihor Terekhov, thị trưởng thành phố, nói rằng những người thiệt mạng bao gồm một gia đình 5 người, trong đó có 3 trẻ em, bị “thiêu sống” khi một quả hỏa tiễn của Nga bắn trúng xe của họ. “Đó không chỉ là một cuộc chiến, mà còn là vụ giết người,” anh nói. Một trường học trong thành phố cũng bị phá hủy.
Oleg Sinegubov, thống đốc Kharkiv, cho biết: “Kẻ thù Nga đang ném bom vào các khu dân cư của Kharkiv, nơi không có cơ sở hạ tầng trọng yếu, nơi không có các vị trí của lực lượng vũ trang”.
Ở thành phố Chernihiv, tên lửa đã được bắn vào một trung tâm mua sắm trong cảnh được một giáo viên địa phương mô tả là “giống như trong một bộ phim kinh dị nào đó”.
Bé gái sáu tuổi đã bị giết trong một vụ tấn công khác ở thành phố cảng Mariupol, sau khi khu căn hộ của cô bé bị bắn trúng đạn. Theo Bộ Nội vụ Ukraine, hàng chục người đã thiệt mạng trong các cuộc không kích. Các quan chức địa phương đưa ra con số thiệt hại là 11 người, nhưng nói rằng nó chắc chắn sẽ tăng lên.
Vào một ngày mà các cuộc đàm phán hòa bình được tổ chức mà không có đột phá nào ở nước láng giềng Belarus, Nga tiếp tục tấn công dữ dội. Một đoàn xe quân sự dài 17 dặm đã đến ngoại ô Kiev hôm qua với báo cáo về các vụ nổ gần thủ đô.
Hôm nay, Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss nói trong một bài phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc rằng Tổng thống Nga có “máu trên tay”, đồng thời nói thêm: “Putin đang vi phạm luật pháp quốc tế… Hắn ta đang vi phạm nhân quyền trên một quy mô công nghiệp và thế giới sẽ không ủng hộ điều đó”.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết Vương quốc Anh sẽ “tiếp tục gây áp lực tối đa” đối với Nga và cam kết rằng ông Putin sẽ “cảm nhận được hậu quả” khi xâm lược Ukraine.
Putin phải thất bại
Trước chuyến công du hôm nay tới Ba Lan và Estonia để gặp gỡ các đồng minh và quân đội Anh, Thủ tướng nói rằng Tổng thống Nga “chắc chắn phải thất bại”.
Ông nói với nội các của mình: “Mỗi ngày một rõ ràng hơn rằng Putin đã mắc một sai lầm to lớn khi tin rằng những khẩu súng xe tăng của hắn ta sẽ được kết bằng hoa hồng vì thay vào đó người dân Ukraine kháng chiến quyết liệt để bảo vệ tổ quốc của họ”.
Quân đội đêm qua đã đưa ra cảnh báo binh lính Anh không được tới Ukraine riêng lẻ để chiến đấu.
Nga không phải là một bên ký kết công ước về bom, đạn chùm trong đó cấm sử dụng vũ khí này bừa bãi, nhưng Công ước Geneva đã cấm sử dụng đối với dân thường.
Tiếp tục thể hiện sự thách thức khi đối mặt với sự tấn công dữ dội, tổng thống Volodymyr Zelensky, của Ukraine, nói: “Mỗi tội ác mà những người chiếm đóng gây ra đều khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn. Nga chưa bao giờ tưởng tượng rằng mình sẽ phải đối mặt với sự đoàn kết như vậy”.
Các cuộc đàm phán được tổ chức tại Belarus chỉ kết thúc với một thỏa thuận cho các cuộc đàm phán tiếp theo. Điện Kremlin bác bỏ thông tin cho rằng quân đội Nga đang nhắm vào các khu vực đông dân cư. Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Nga, thậm chí còn tuyên bố rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đang sử dụng dân thường làm lá chắn con người và đưa thiết bị quân sự vào các khu vực đông dân cư.
Cũng có thông tin cho rằng Vladimir Medinsky, trưởng đoàn đàm phán của Điện Cẩm Linh và là cố vấn cực kỳ bảo thủ của Putin, cách đây chưa đầy một tuần đã mô tả Ukraine như một “bóng ma lịch sử”, phủ nhận một cách hiệu quả sự tồn tại của nó.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết Putin đã xác nhận với ông trong một cuộc điện đàm rằng ông ta sẽ “ngừng mọi cuộc không kích và tấn công vào dân thường và các khu dân cư”.
Theo hãng thông tấn Interfax, các lực lượng Nga đã chiếm giữ hai thành phố nhỏ ở đông nam Ukraine và khu vực xung quanh một nhà máy điện hạt nhân.
Ngân hàng trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất lên 20% để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế hôm thứ Hai sau khi đồng rúp giảm 30% xuống mức thấp kỷ lục so với đồng đô la trước các lệnh trừng phạt từ phương Tây, trong khi thị trường chứng khoán Mạc Tư Khoa không mở cửa để ngăn chặn một thị trường suy thoái. Các công dân Nga đã tự mình chạy trốn khỏi đất nước ngày hôm qua, lo sợ sự đàn áp mới và số tiền tiết kiệm của họ bị xóa sổ.
6. Tòa Bạch Ốc phản đối việc tham gia vào vùng cấm bay đối với Nga ở Ukraine
Tòa Bạch Ốc đã phản ứng lạnh lùng trước đề xuất của Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskyy về khu vực cấm bay đối với các chuyến bay của Nga qua Ukraine, cho rằng sự tham gia của Mỹ vào động thái như vậy sẽ tương đương với một cuộc xung đột trực tiếp với Mạc Tư Khoa, là điều mà Washington không muốn.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói với các phóng viên rằng việc thực hiện vùng cấm bay sẽ là một bước tiến nhằm đưa quân đội Mỹ đến chiến đấu với Nga.
“Một khu vực cấm bay sẽ cần được triển khai,” và nói thêm rằng nó sẽ yêu cầu “triển khai quân đội Mỹ để thực thi, điều này sẽ… có khả năng xảy ra xung đột trực tiếp và có khả năng xảy ra chiến tranh với Nga, đó là điều mà chúng tôi không có kế hoạch dự phần.”
Khi được hỏi riêng về khu vực cấm bay đối với các chuyến bay của Nga qua Hoa Kỳ, bà Psaki cho biết không có gì đáng bàn, nhưng bà lưu ý rằng nhiều hãng hàng không Hoa Kỳ bay qua Nga để đến Á Châu và các khu vực khác trên thế giới, có thể là một lý do khác cho sự miễn cưỡng của Hoa Kỳ.
“Không có lựa chọn nào là miễn bàn cãi. Chúng tôi tính đến một loạt các yếu tố.”
Theo Reuters, trong một diễn văn video, tổng thống Zelenskyy không nêu rõ vùng cấm bay sẽ được thực thi như thế nào và bởi ai.
7. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chuẩn bị cô lập Nga vì cuộc xâm lược Ukraine
Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên đã bắt đầu nhóm họp về cuộc khủng hoảng ở Ukraine vào hôm thứ Hai trước cuộc bỏ phiếu trong tuần này nhằm cô lập Nga vì đã thể hiện “sự gây hấn chống lại Ukraine” và yêu cầu quân đội Nga ngừng chiến và rút quân.
Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu trong tuần này về một dự thảo nghị quyết tương tự như một văn bản đã bị Nga phủ quyết trong Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên vào hôm thứ Sáu. Không quốc gia nào có quyền phủ quyết trong Đại hội đồng và các nhà ngoại giao phương Tây mong đợi nghị quyết được thông qua. Nghị quyết này cần 2/3 các quốc gia ủng hộ để được thông qua.
Mặc dù các nghị quyết của Đại hội đồng không có giá trị ràng buộc, nhưng chúng mang trọng lượng chính trị. Mỹ và các đồng minh coi hành động tại Liên Hợp Quốc là cơ hội cho thấy Nga đang bị cô lập vì xâm lược nước láng giềng Ukraine.
Các nhà ngoại giao cho biết hôm thứ Hai rằng dự thảo nghị quyết đã có ít nhất 80 nhà đồng bảo trợ. Hơn 100 quốc gia sẽ phát biểu trước khi Đại hội đồng biểu quyết.
“Không ai ngoảnh mặt làm ngơ, bỏ phiếu trắng không phải là một lựa chọn,” Đại sứ Pháp tại Liên Hiệp Quốc Nicolas de Riviere nói.
Các cuộc đàm phán ngừng bắn giữa các quan chức Nga và Ukraine đã không đạt được bước đột phá nào vào hôm thứ Hai. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông hy vọng các cuộc đàm phán sẽ “không chỉ giúp đình chiến ngay lập tức mà còn là một con đường hướng tới một giải pháp ngoại giao”.
Ông mô tả quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm Chúa Nhật đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động cao là một “diễn biến đáng sợ”, và nói với Đại hội đồng rằng xung đột hạt nhân là “không thể tưởng tượng được.”
Đại sứ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Sergiy Kyslytsya mô tả lệnh của Putin đặt các lực lượng hạt nhân của Nga trong tình trạng báo động là “sự điên rồ”.
“Nếu anh ta muốn tự sát, anh ta không cần phải sử dụng kho vũ khí hạt nhân, anh ta phải làm những gì mà gã ở Berlin đã làm trong một boongke vào năm 1945,” ông Kyslytsya nói trước Đại hội đồng, ám chỉ vụ tự sát của Adolf Hitler.
Ông Guterres cũng cảnh báo về tác động của cuộc xung đột đối với dân thường và cho rằng nó có thể trở thành cuộc khủng hoảng nhân đạo và làn sóng tị nạn tồi tệ nhất Âu Châu trong nhiều thập kỷ.
Ông nói: “Mặc dù các cuộc tấn công của Nga được cho là chủ yếu nhắm vào các cơ sở quân sự của Ukraine, nhưng chúng tôi có các tường trình đáng tin cậy về các tòa nhà dân cư, cơ sở hạ tầng dân sự quan trọng và các mục tiêu phi quân sự khác đang chịu thiệt hại nặng nề”.
Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cho biết các hành động của Nga ở Ukraine đang bị “bóp méo”. Ông nói với Đại hội đồng: “Quân đội Nga không gây ra mối đe dọa nào cho dân thường của Ukraine, không pháo kích vào các khu vực dân sự.”
Báo cáo của Reuters tường trình Nga gọi các hành động của mình ở Ukraine là một “cuộc hành quân đặc biệt” mà họ nói không phải nhằm chiếm đóng lãnh thổ mà nhằm phá hủy khả năng quân sự của nước láng giềng phía nam và bắt những người mà nước này coi là những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc nguy hiểm.
Các tòa nhà dân cư bị pháo kích ở thành phố lớn thứ hai của Ukraine, trong bối cảnh lo ngại người Nga có kế hoạch bao vây thủ đô
Một tên lửa Grad chưa phát nổ được đặt dưới đất tại một sân chơi mẫu giáo ở Kharkiv vào Chúa Nhật. (Reuters)
Pháo binh Nga đã bắn phá các khu dân cư của thành phố lớn thứ hai của Ukraine, Kharkiv, khi các lực lượng xâm lược của Mạc Tư Khoa gặp phải sự kháng cự quyết liệt trong ngày thứ năm của cuộc xung đột.
Lính Nga đã giết một linh mục Chính thống giáo khi ngài cố gắng rời khỏi một ngôi làng ở vùng Kiev. Họ không cho phép mang thi thể của linh mục đi chôn cất.
Báo cáo của RISU, thông tấn xã của Kitô Giáo Ukraine cho biết vào ngày 27 tháng 2, tại khu vực Kiev, quân xâm lược Nga đã bắn chết một tuyên úy của Giáo Hội Chính thống Ukraine, là Cha Maksym Kozakyn.
Nhà thần học Andriy Smirnov đã chia sẻ những điều sau trên Facebook:
Linh mục Chính thống giáo bị sát hại Maksym Anatolyovych Kozachyn sinh năm 1979 tại Novomoskovsk, vùng Dnipropetrovsk. Năm 1996, ngài tốt nghiệp trung học và vào chủng viện Kiev của Giáo hội Chính thống Ukraine thuộc Tòa Thượng phụ Kiev, không được Chính thống Nga công nhận. Ngài đã được thụ phong linh mục năm 2000.
Kể từ khi được thụ phong vào năm 2000, Cha Kozachyn giữ chức vụ quản xứ của Nhà thờ Chúa Giáng Sinh, và nhà thờ Đức Trinh nữ Maria ở Rozvazhiv, nằm trong quận Ivano-Frankivsk thuộc vùng Kiev của Ukraine. Vị linh mục Chính thống giáo đã bị giết bởi những người lính Nga đang tiến quân khi ngài đang rời thị trấn bằng xe hơi. Lính Nga không cho phép người dân địa phương chuyển xác ngài.
Source:Aleteia
9. Đức sẽ tiếp nhận tất cả những người tị nạn Ukraine.
Đức đã tuyên bố sẽ tiếp nhận tất cả những người tị nạn Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga vào đất nước của họ.
“Chúng tôi sẽ tiếp nhận tất cả những người Ukraine đang bỏ trốn,” Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Slovenia Anze Logar hôm thứ Hai. “Chúng tôi đang giúp đỡ những người chạy trốn khỏi Ukraine. Chúng tôi đang đứng ở biên giới để giúp đỡ người dân và đưa mọi người đến tất cả các nước châu Âu. “
Baerbock cũng hứa sẽ giúp đỡ nhân đạo nhiều hơn cho Ukraine. Trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York trong tuần này, Baerbock đã yêu cầu tất cả các quốc gia “tin tưởng vào Charta của Liên Hợp Quốc” cô lập giới lãnh đạo Nga vì cuộc xâm lược Ukraine.
“Hôm nay đã là ngày thứ năm trong cuộc chiến của Putin chống lại Ukraine và những người dân vô tội ở Ukraine. Anh ấy đã mang lại những đau khổ đáng kinh ngạc cho Ukraine. Hàng trăm nghìn người đang chạy trốn, hàng triệu người lo sợ cho cuộc sống và tương lai của họ. Những bức ảnh này thật tàn bạo, chúng khiến chúng ta trở nên quyết đoán hơn! Ukraine không đứng một mình, Âu Châu, Liên minh phương Tây kiên quyết đứng về phía những người Ukraine dũng cảm”,
Trong một sự thay đổi chính sách lớn, Đức đã hứa cung cấp vũ khí cho Ukraine vào thứ Bảy. “Cuộc chiến của Putin đã ném chúng ta vào một kỷ nguyên khác. Chúng tôi sẽ đánh giá lại những điều chắc chắn trước đây và do đó chúng tôi sẽ giúp người Ukraine có vũ khí và các thiết bị khác.”
Source:ABC News
10. Cuộc đàm phán Ukraine-Nga bắt đầu.
Một phái đoàn Ukraine đã đến gần biên giới với Belarus để hội đàm với các quan chức Nga.
Các lực lượng vũ trang của Ukraine tiếp tục ngăn chặn quân đội Nga, bảo vệ và giữ quyền kiểm soát các thành phố quan trọng, đồng thời làm chậm bước tiến của Nga vào Kyiv.
Trong khi đó, ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất cơ bản vào thứ Hai, do đồng rúp giảm mạnh sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề đối với Moscow.
Ukraine cho biết vấn đề quan trọng của cuộc đàm phán là ngừng bắn ngay lập tức và rút quân của Nga. Nga đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn thảo luận về việc Ukraine áp dụng “quy chế trung lập.”
Cuộc hội đàm là lần đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động cuộc xâm lược vào thứ Năm, nhưng tổng thống Zelenskyy, trong một bài phát biểu trên truyền hình, nói rằng ông có rất ít hy vọng về một bước đột phá.
Source:ABC News
11. Người Ukraine ồ ạt trở về từ nước ngoài để chống lại sự xâm lược của Nga.
Trong khi hàng trăm nghìn người Ukraine chạy trốn khỏi đất nước Ukraine, một số người Ukraine đang trở về nhà từ khắp Âu Châu để giúp bảo vệ quê hương của họ trước sự xâm lược của Nga.
Lực lượng Biên phòng Ba Lan hôm Chúa Nhật cho biết khoảng 22,000 người đã sang Ukraine kể từ thứ Năm, khi Nga xâm lược đất nước.
Tại trạm kiểm soát ở Medyka, phía đông nam Ba Lan, nhiều người đã đứng xếp hàng vào sáng sớm Chúa Nhật để sang Ukraine.
“Chúng tôi phải bảo vệ quê hương của mình. Còn ai khác nếu không phải chúng tôi?” cho biết một người đàn ông mặc quân phục đi trước một nhóm khoảng 20 tài xế xe tải Ukraine đang đi bộ đến trạm kiểm soát để vào Ukraine. Họ từ khắp Âu Châu để trở về Ukraine.
Một người đàn ông khác trong nhóm nói: “Người Nga nên sợ hãi. Chúng tôi không sợ hãi “. Các thành viên của nhóm từ chối cho biết tên của họ, hoặc chỉ cho biết tên của họ, với lý do bảo mật cho họ và gia đình.
Source:ABC News
12. Chỉ huy Ukraine ở Kharkiv cho biết hàng chục quân lính Nga đã đầu hàng.
Chỉ huy các lực lượng Ukraine ở Kharkiv, Oleg Synegubov, tuyên bố rằng hàng chục binh sĩ Nga đã đầu hàng trong bối cảnh chiến sự tiếp tục diễn ra tại thành phố, cách biên giới Nga khoảng 20 km.
Ông cũng tuyên bố rằng những người lính bị bắt đã phàn nàn về sự mất tinh thần và không hiểu nhiệm vụ, cũng như thiếu nhiên liệu. Ông Synegubov đã đăng các bức ảnh của một số binh sĩ Nga được cho là bị bắt trên tài khoản Facebook của mình.
Ông cảnh báo thường dân ở trong nhà và nói rằng “Một số chiến binh Nga đào ngũ đang cố gắng ẩn nấp trong đám dân thường, yêu cầu mọi người cho quần áo và thức ăn.”
Các video trên mạng xã hội hôm Chúa Nhật cho thấy một số xe tải quân sự của Nga bị bỏ rơi và đang bị các binh sĩ Ukraine bao vây ở Kharkiv, khi giao tranh được cho là vẫn tiếp tục sau một cuộc bắn phá thâu đêm của pháo binh Nga.
Ông Vadym Denysenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, nói rằng các lực lượng Nga đã cố gắng “đột nhập vào các thành phố của chúng tôi. Nhưng thành phố Kyiv, thành phố Chernihiv, thành phố Mariupol, thành phố Kharkiv, hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của Ukraine. Mặc dù thực tế là người Nga đang gửi các nhóm phá hoại của họ và chúng bao vây cơ sở hạ tầng quan trọng, chúng tôi đã bảo vệ tất cả các thành phố của mình”.
Source:ABC News
Các cuộc tấn công diễn ra vào thứ Hai theo giờ địa phương trong khi các quan chức Nga và Ukraine gặp nhau ở biên giới Belarus.
Kharkiv, ở đông bắc Ukraine, đã trở thành một chiến trường lớn.
Video trên mạng xã hội cho thấy các khu dân cư bị pháo kích, với các tòa nhà chung cư bị rung chuyển bởi những vụ nổ dữ dội liên tiếp nhau.
5. Hãng thông tấn Nga tại Berlin đối diện với làn sóng bỏ việc của nhân viên vì cuộc xâm lược Ukraine
Ruptly, một hãng thông tấn nhà nước của Nga có trụ sở tại Berlin, đang phải đối mặt với tình trạng nhân viên ra đi sau cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin. Đây là một phần trong sự co cụm rộng lớn hơn của đế chế tin tức toàn cầu của Nga.
Theo bản ghi âm cuộc họp toàn nhân viên được nghe bởi Reuters, trong số những phản đối khác của các biên tập viên, có các phàn nàn rằng họ đã bị ngăn cản không được mô tả cuộc xâm lược như nó là.
Nga cho biết việc triển khai quân sự của họ ở Ukraine là một “cuộc hành quân đặc biệt” và đã bắt các phương tiện truyền thông địa phương phải sử dụng thuật ngữ đó.
Giám đốc Nội dung Ekaterina Mavrenkova kêu gọi nhân viên đừng quá bận tâm về các từ ngữ chính xác.
“Tất cả những từ chúng ta đang sử dụng, dù sao cũng không làm sai lệch thực tế,” cô nói trong đoạn ghi âm mà Reuters nghe được. “Với tất cả sự tinh tế về ngôn ngữ này, có nhiều cách để trình bày bức tranh một cách khách quan mà không bị nghiêng về phía nào”.
Một e-mail yêu cầu bình luận đến các địa chỉ liên hệ báo chí được liệt kê trên trang web chỉ nhận được một trả lời tự động.
“Kể từ ngày 25 tháng 2 năm 2022, tôi không còn làm Giám đốc Tiếp thị tại Ruptly nữa,” câu trả lời tự động của Sean Lynn cho biết.
Được thành lập vào năm 2013 để cung cấp tin tức cho đài truyền hình quốc tế RT thuộc sở hữu nhà nước của Nga và các khách hàng khác, Ruptly cung cấp video và nguồn cấp dữ liệu trực tiếp từ khắp nơi trên thế giới.
Cơ quan này, cạnh tranh với các dịch vụ do Reuters cung cấp, là một phần của đế chế tin tức của Margarita Simonyan, đồng minh của Putin, được cho là đã làm trầm trọng thêm căng thẳng xã hội ở các nước phương Tây do tập trung vào những cảnh bất hòa ở đó.
Cô ấy và các mạng của cô ấy nói rằng chúng cung cấp sự đa dạng rất cần thiết để tương phản với những gì cô ta mô tả là tính đồng nhất của phương tiện truyền thông phương Tây.
Russia-Ukraine war live updates: UN set to isolate Russia as White House resists no-fly zone request that could draw US into conflict
https://www.abc.net.au/news/2022-03-01/ukraine-russia-invasion-war-kyiv-kharkiv/100870192