Cám dỗ quyền lực … (09.08.2016 – Thứ Ba sau Chúa Nhật XIX Thường Niên năm C)

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

1 Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” 2 Đức Giê-su liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông 3 và nói : “Thầy bảo thật anh em : nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời.
5 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.
10 “Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này ; quả thật, Thầy nói cho anh em biết : các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
12 “Anh em nghĩ sao ? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? 13 Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. 14 Cũng vậy, Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”

 

Xã hội ngày càng phát triển, làm cho cuộc sống con người ngày càng an nhàn thoải mái. Nhưng đi kèm theo đó là những thử thách và muôn vàn cám dỗ. Một trong những cám dỗ ngọt ngào, kinh điển, và nguy hiểm nhất đó chính là cám dỗ về quyền lực; chính nguyên tổ loài người đã mắc phải trước tiên.

Cám dỗ về quyền lực là cám dỗ về danh vọng, địa vị, và chức quyền; để cá nhân mình được người khác trọng vọng, kính nể trong uy quyền nắm giữ. Đâu đâu người ta cũng thấy sự cạnh tranh, hơn thua, đến nỗi ai cũng muốn mình phải hơn người khác, và bắt buộc mình phải thắng người khác thì mới chịu.

Theo lẽ thường tình thì có ai lại không thích mình trở thành một “ai đó” khiến cho người khác phải kính trọng, và ngưỡng mộ chứ ?

Nhưng Chúa Giêsu đã cho các môn đệ hiểu rằng tiêu chuẩn và giá trị của thế gian thì khác với tiêu chuẩn và giá trị của Nước Trời; trật tự và địa vị ở trần thế khác xa với trật tự và địa vị trong Nước Trời. Đồng thời Người cũng dạy cho các môn đệ một bài học khiêm nhu tự hạ. Bởi chưng, điều khó khăn nhất không phải là chiến thắng người khác, mà là chiến thắng chính bản thân mình: thắng được tính ích kỷ, kiêu căng của mình; thắng được cái tôi và những dục vọng bất chính của mình… như thế mới thật là người bản lĩnh và “lớn nhất” vậy.

Thế gian muốn có địa vị và quyền hành để bắt người khác phục vụ. Ngược lại, Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải khiêm hạ và phục vụ nguời khác. Không chỉ phục vụ người có quyền cao chức trọng, mà còn phải phục vụ cả những nguời bé mọn thấp kém trong tinh thần trọng kính yêu thương thì mới có thể vào Nước Trời (x. Mt 18,10.12-14). Khi phục vụ mọi người trong tình yêu mến và tôn trọng phẩm giá của họ, thì mọi sự đều có thể. Tình thương yêu trong khiêm nhu phục vụ đã đảo lộn mọi biểu thức tự nhiên; từ nay bé mọn được trở nên cao trọng; tuy “một” vẫn quý và đáng giá y như “chín mươi chín”; ít ỏi được nhận chân như đa phần (x. Mt 18, 4.12-14).

Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết mặc lấy tâm tình của trẻ thơ; biết khiêm tốn thấy mình rất yếu đuối để cần đến ơn Chúa và biết phó thác đời mình trong sự quan phòng định đặt của Chúa. Amen.

 

CÁT BIỂN