Căn bệnh của đức tin (12.08.2017 – Thứ Bảy tuần XVIII Mùa Thường Niên năm A) 08/08/2017

Lời Chúa: Mt 17,14-20

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu 

14 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su 15 và nói : “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm : nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước. 16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài, nhưng các ông không chữa được.” 17 Đức Giê-su đáp : “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà ! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa ? Đem cháu lại đây cho tôi.” 18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.

19 Bấy giờ các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy ?” 20 Người nói với các ông : “Tại anh em kém tin ! Thầy bảo thật anh em : nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này : ‘Rời khỏi đây, qua bên kia !’ nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được.”

Đức tin là một đặc ân cao quý mà Thiên Chúa đã dành cho con người. Nhờ đó, những kẻ “người trần mắt thịt” như chúng ta mới có thể nhận ra sự hiện hữu của Người. Phải chăng Thiên Chúa là một “lập trình viên tay mơ”? Vì nếu chuyên nghiệp, ắt hẳn Người đã đặt chúng ta vào khuôn khổ đức tin một cách rập khuôn, máy móc để dễ dàng quản lí. Nhưng xin thưa, “robot” là sản phẩm do con người tạo ra, không phải của Thiên Chúa, thứ Người muốn dựng nên là một loài thọ tạo có “sự tự do”. Tuy nhiên, ngay cả khi đó là một đặc ân, Người vẫn không bắt buộc chúng ta phải nhận lãnh nó.

Trước tiên, chúng ta cần nhận thức được tầm quan trọng của đức tin – món quà cao quý mà Thiên Chúa ban cho con người. Như đã nêu trên, nhờ đức tin, con người mới có thể nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa. Từ đó, chúng ta sẽ tin tưởng và làm theo những lời Người dạy. Bên cạnh đó, tội lỗi lại như satan, luôn đợi thời cơ để đẩy con người vào hỏa ngục – nơi ngọn lửa không bao giờ tắt. Chính vì thế, đức tin còn giúp chúng ta biết ý thức mà tránh xa tội lỗi. Thế nhưng, có lẽ vì con người quá yếu đuối nên thể xác, linh hồn, tình yêu, lý trí… thậm chí, ngay cả đặc ân Người ban là đức tin cũng yếu đuối không kém (tương tự như vấn đề có sẵn tài nguyên thiên nhiên, chỉ việc lấy ra sử dụng và kinh doanh mà vẫn thâm hụt ngân sách). Có thể nói, đức tin cũng mang nhiều căn bệnh trầm kha, không thể dễ dàng chữa khỏi trong thời gian ngắn, một trong số đó là “bệnh kém tin”.

Nếu “bệnh cứng tin” khiến con người ngờ vực những dấu chỉ của Thiên Chúa (điển hình là thánh Tôma), hay thậm chí chối bỏ sự hiện diện của Người (những người vô thần, những “nhà khoa học nửa mùa”…) thì “bệnh kém tin” lại làm niềm tin của con người bé lại, dĩ nhiên, niềm tin cỏn con ấy chẳng thể nào giúp ích được cho con người. Dù vậy, “bệnh cứng tin” vẫn dễ chữa lành hơn, vì trên lý thuyết, người cứng tin một khi đã chấp nhận tin tưởng thì niềm tin ấy sẽ “vững như kiềng ba chân”, khó có thể lung lay được. Còn “bệnh kém tin” thì lại khác, những người này như hạt rơi trên đá trong “Dụ ngôn người gieo giống”, tuy dễ tin nhưng niềm tin ấy chẳng đáng là bao, nó “suy dinh dưỡng” đến nỗi một con gió thoảng qua cũng có thể dễ dàng thổi nó bay mất.

Trong cuộc sống ngày nay, những người mắc phải “bệnh kém tin” chẳng phải hiếm. Họ dễ dàng tin tưởng vào Thiên Chúa khi cuộc sống an bình. Thế nhưng, chỉ cần vài biến cố nhỏ trong cuộc đời, niềm tin ấy lại lung lay, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chính những lúc sóng gió ấy, họ sẽ lại chất vất Người rằng: “Lạy Chúa trên cao, Chúa ngự nơi nào?”. Niềm tin của họ như những đám mây lững lờ trôi trên bầu trời, vừa mới bắt gặp đó nhưng trong chốc lát lại chẳng thấy đâu nữa. Quả thật, không loại thọ tạo nào thay đổi chóng mặt như con người.

Trở lại bài bài Tin Mừng, hôm nay, Đức Giêsu lại đưa ra một điều mới nghe qua có vẻ khá nghịch lí khi trả lời câu hỏi của các tông đồ: “Vì các con yếu lòng tin! Thầy bảo thật các con: Nếu các con có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì các con có khiến núi này rằng: ‘Hãy rời khỏi đây mà sang nơi kia’, thì nó liền đi sang, và chẳng có gì các con không làm được” (c 20). Chẳng phải Người đã từng bảo rằng “nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất” (Mc 4, 31) ư? Có thể Chúa muốn trách các tông đồ đi theo Người bấy lâu mà vẫn còn mắc “bệnh kém tin”, một niềm tin nhỏ bé như hạt cải còn có thể dời được núi, ấy vậy mà các ông lại chẳng làm được. Cũng có thể Chúa muốn đặt mục tiêu cho các ông, Người chẳng bắt buộc niềm tin ấy phải to lớn như núi non hùng vĩ mà chỉ cần nhỏ bằng hạt cải là đủ. Với sự giúp sức của Người, không có gì có thể làm khó các ông, Người chỉ muốn các ông thực hiện điều quan trọng này thôi, đó là phải tin; cứ tin trước đã, mọi thứ còn lại Người sẽ cho thêm.

Mỗi người chúng ta hãy thử làm bác sĩ, tự kiểm tra xem đức tin của mình có mắc phải những căn bệnh trầm kha nêu trên không. Hãy ngẫm xem, chúng ta có từng nghi ngờ sự hiện diện của Thiên Chúa, nghi ngờ những dấu chỉ của Người trong cuộc sống hằng ngày không? Khi gặp những biến cố khó khăn trong cuộc sống, chúng ta nói gì với Người? “Xin ban cho con sự không ngoan và sức mạnh để con có thể vượt qua khó khăn này”? Hay lại ngân nga câu ca quen thuộc “Lạy Chúa trên cao, Chúa ngự nơi nào”? Mỗi người chúng ta hãy tự ngẫm lại mục tiêu đức tin của mình, liệu nó có vượt quá khả năng thực hiện của mình không? Hay nó còn nhỏ hơn cả “hạt cải” mà Chúa đã nhắc đến? Người đã từng nói “không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15, 5). Vì thế, mỗi khi cảm thấy niềm tin bị lung lay, đừng ngần ngại, Người vẫn chờ ta, hãy chạy đến với Người mà thỏ thẻ  rằng “Lạy Chúa, con tin, nhưng xin Ngài giúp lòng tin yếu kém của con”.

Lạy Chúa Giêsu Kitô, là phận người yếu đuối, chúng con chẳng thể dễ dàng bảo vệ đức tin non yếu của mình, khiến cho nó dễ mắc những căn bệnh “khó chữa”. Xin cho chúng con biết rèn luyện đức tin của mình mỗi ngày, bằng việc tham dự Thánh lễ – liều thuốc thần kỳ chữa được mọi căn bệnh phi thể xác – và siêng năng cầu nguyện, biết chạy đến tâm sự cùng Ngài – vị huynh trưởng tối cao; xin đoái thương chúng con là những thân phận mong manh, yếu đuối mà nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con. Amen.

Sơn Còi

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *