Công giáo Ấn Độ chào mừng chính phủ chống hôn nhân đồng phái

Hội đồng Giám mục toàn Ấn Độ chào mừng lập trường của chính phủ Liên bang nước này chống hôn nhân đồng phái.


G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Ngày 12 tháng Ba vừa qua, những nhóm cổ võ và bênh vực hôn nhân đồng phái đã đệ đơn thỉnh cầu tối cao pháp viện Ấn Độ định nghĩa lại hôn nhân và hợp thức hóa hôn nhân dân sự đồng phái.

Chính phủ Liên bang Ấn tuyên bố chống lại việc công nhận hôn nhân đồng phái: “Bộ tư pháp tin rằng trong khi có thể có nhiều hình thức quan hệ trong xã hội, nhưng chỉ có việc nhìn nhận hôn nhân về pháp luật đối với hôn nhân giữa người khác phái và chính phủ muốn duy trì điều này”.

Ông Kiren Rijiju, Bộ trưởng tư pháp của Ấn cũng nói với tờ “Ấn Độ Thời báo” (Hindustan Times), hôm 14 tháng Ba rằng: Việc chính phủ Ấn Độ chống công nhận hôn nhân đồng phái dựa trên truyền thống và luân lý đạo đức của Ấn Độ. Một người thuộc bất kỳ phái tính nào đều có thể chọn một đời sống tư, nhưng khi bạn nói về hôn nhân, thì đó là một định chế được các quy định và luật pháp hướng dẫn”.

Một Ủy ban gồm năm thành viên đã được tối cao pháp viện Ấn Độ thành lập để thảo luận về vấn đề này và ngày 18 tháng Tư sắp tới, cuộc thảo luận sẽ được truyền hình trên toàn quốc.

Phản ứng về lập trường của chính phủ, Đức cha Felix Antony Machado, Tổng giám mục Giáo phận Vasai, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ấn Độ, tuyên bố rằng: “Chúng tôi vui mừng vì chính phủ đã cảm nhận được tâm trạng của người dân và có lập trường rõ ràng đối với yêu cầu hợp pháp hóa hôn nhân đồng phái. Yêu cầu công nhận hôn nhân đồng phái là một vấn đề được du nhập vào Ấn Độ. Cách đây 15 năm, người ta không hề nghe thấy yêu cầu đó”.

Đức Tổng giám mục Machado đã từng sống hơn 35 năm tại Mỹ và Âu châu, cũng như đã làm Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Hiệp nhất các tín hữu Kitô và Đối thoại liên tôn.

Cha John Kurruvelil, Giáo sư thần học luân lý tại Học viện Thần học ở thành phố Puna, nói rằng: “Điều mà chính phủ Ấn Độ nói với Tối cao Pháp viện nước này hoàn toàn phù hợp với giáo huấn Kitô giáo về hôn nhân. Mục đích của tính dục con người không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, và sự hoàn thiện con người cho nhau chỉ có thể thực hiện trong tính nhị nguyên (duality) và tính bổ sung cho nhau. Mối bận tâm về sự thỏa mãn cá nhân thường là kết quả của sự đảo ngược con người trong ích kỷ và tự cho mình là trung tâm. Chỉ có quan hệ khác phái mới có thể bảo đảm thể chế và sự thánh thiêng của hôn nhân, những thiện ích của hôn nhân và sự triển nở đời sống gia đình, mưu ích chung cho xã hội”.

(nregister.com 6-4-2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *