Không thể làm tôi hai chủ … (11.11.2023 – Thứ Bảy Tuần XXXI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Pl 4,10-19 (năm chẵn), Rm 16,3-9.16.22-27 (năm lẻ), Lc 16,9-15
 
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 16,9-15)

9 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn ; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. 11 Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? 12 Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em ?

13 “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”

14 Người Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe các điều ấy, thì cười nhạo Đức Giê-su. 15 Người bảo họ : “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trước mặt Thiên Chúa.”

Không thể làm tôi hai chủ … (11.11.2023)

Lễ Nhớ Thánh Mác-ti-nô, giám mục (11.11)

Bài Tin Mừng hôm nay là phần kết luận và cũng là bài học rút ra từ dụ ngôn người quản lý bất lương.  “Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.

Tại sao tiền của lại gian dối? Dù đó là đồng tiền kiếm được bằng sức lao động lương thiện ?

Theo các nhà chú giải Thánh Kinh thì có thể hiểu theo hai nghĩa :

– Thiên Chúa làm chủ tất cả vũ trụ và mọi loài (Tv 24,1), của cải cũng do Thiên Chúa làm chủ. Nhưng con người thường quy chiếu quyền sở hữu tuyệt đối về mình. Họ nghĩ của cải là của họ. Nhận cái không phải của mình về cho mình là gian dối, là bất chính.

– Tiếng Hy lạp gọi tiền của là Mam-mông. Ðây là một từ có nguồn gốc từ tiếng a-ram hoặc tiếng sy-ri, hàm những nghĩa sau : đồng tiền, kho tàng, sự giàu có (được hiểu như là một thứ  thần đối nghịch với Thiên Chúa); nó còn gợi đến tên của thần Phutus, vị thần tài, một vị thần của những người giàu có. Vì tiền của được tôn lên như một vị thần đối nghịch với Thiên Chúa nên tiền của trở thành bất chính.

Như vậy Chúa Giêsu muốn nói tiền của con người ta có được không phải là của chính con người, mà con người chỉ sớ hữu tạm bợ và Ngài khuyên con người hãy dùng cái tạm bợ ấy mà mua những thứ làm cho mình có được sự sống đời đời. Đó là làm những việc phúc đức, để khi đến giờ phán xét Chúa lấy đi hết những thứ trên đời, thì những phúc lành mình đã tạo ra sẽ giúp mình vào Nước Trời.

Tiền của gian dối luôn đối nghịch với những sự tốt lành của Thiên Chúa vì nó thuộc thế gian. “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham thích tiền bạc” (1Tm 6,10) nên phải coi nó chỉ là phương tiện để phục vụ mình, đừng để nó biến thành ông chủ điều khiển mình.

Thực tế trong đời sống hiện nay người ta rất cần tiền để lo nhiều chuyện, từ những cái thiết yếu như cái ăn cái mặc, nhà cửa, học hành, chữa bệnh… đến những nhu cầu cao hơn như giải trí, du lịch v.v… Có tiền giúp người ta tổ chức đời sống tốt hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng không phải vì thế mà người ta có thể kiếm tiền bằng đủ mọi cách, bất chấp đạo lý và coi trên đời này chỉ có tiền, tiền là trên hết, vì như vậy tiền đã trở thành ông chủ, là vị thần và con người thành nô lệ, thành tín đồ của nó.

Đối với tiền của thế gian, Chúa Giêsu đã xác định nó là thứ không tốt, là thứ cản trở người Kitô hữu trên đường theo Chúa nên phải biết từ bỏ và dùng nó như phương tiện để thể hiện tình yêu với tha nhân bằng chia sẻ và những việc làm bác ái. Như thế là dùng tiền của đúng theo ý của Chúa.

Chúa Giêsu nói : “Vì ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn. Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con. Với tiền của thế gian là thứ tạm bợ mà còn không trung thực thì làm sao được Thiên Chúa trao hồng ân Nước Trời vĩnh cửu ?

Bi kịch của môt số Kitô hữu chủ trương “đạo tại tâm”, không chịu học hỏi Lời Chúa, không đi nhà thờ, không dự lễ Chúa Nhật, xa cách cộng đoàn, thiếu vắng sự hiệp thông với Chúa nên rơi vào bẫy “bắt cá hai tay” của ma quỷ. Họ thoả hiệp với việc làm mọi cách để kiếm tiền lo cho cuộc sống sung túc thoải mái với lý luận rằng do Chúa thương nên mới được vậy. Họ lừa dối lương tâm bằng cách đi làm những việc có hình thức “đạo đức bác ái” như lâu lâu bỏ ra một số tiền bao cả xóm đi hành hương. Những người này có ảo tưởng họ có thể vừa có tiền vừa có Chúa một cách tốt đẹp mà quên rằng họ đang làm tôi tiền bạc. Với việc thoả hiệp những điều bất chính để kiếm tiền thì họ đã bỏ Chúa ra ngoài cuộc sống của họ mà tôn thờ tiền của, vì làm gì có chuyện vừa làm tôi tiền của vừa làm tôi Chúa được.

Xưa tiên tri Êlia trách cứ dân Do Thái khi họ vừa muốn có Chúa phù hộ lại vừa chấp nhận thỏa hiệp thờ thần Ba-an : “Các ngươi nhảy khập khiễng hai chân cho đến bao giờ ?” (1 V 18, 21), thì ngày nay Chúa Giêsu đã xác quyết với môn đệ : Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”Ngài muốn người môn đệ phải dứt khoát từ bỏ tiền của nếu theo Ngài.

Dứt khoát từ bỏ tiền bạc của cải để theo Chúa, Thánh Phanxicô Assisi đã từ chối thừa kế gia tài kêch xù của người cha, và cởi bỏ ngay cả bộ quần áo đang mặc để được trọn vẹn sống nghèo mà theo Chúa.

Ngày nay nhiều nhà tỷ phú trên thế giới như Bill Gates, Warren Buffett, Mark Zuckerberg,  v.v… đã hiến gần hết tài sản không lồ của họ cho các quỹ từ thiện để giúp những nơi còn thiếu thốn, đói kém, lạc hậu về giáo dục, y tế, môi trường. Đặc biệt ông Chuck Feeney đã hiến toàn bộ tài sản gồm 8 tỷ đô la Mỹ để làm việc thiện. Ông mới qua đời ngày 09-10-2023, thọ 92 tuồi.

Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con xác quyết Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất và chỉ tôn thờ mình Ngài. Xin cho chúng con biết dùng những của cải đời này do Chúa ban để tạo phúc đức cho đời sau để ngày Chúa gọi về chúng con sẽ được Chúa cho vào nơi hạnh phúc đời đời. Amen

Jos. NM Tưởng

Chìa khoá để mở cửa Nước Trời (05.11.2022)

Ghi nhớ:

“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu ”. (Lc 16, 9).

Suy niệm:

Có một người phụ nữ ăn mặc sang trọng, trả giá, kèo nài để mua ba bó rau muống của một bà cụ già bán hàng rong.

Chị trả cho tôi 12.000 đồng, giá mỗi bó giá 4.000

Thôi cháu mua nhiều, ba bó bà lấy cháu chẵn mười ngàn thôi.

Nói xong chị lẳng lặng bỏ đi.

Chị ơi, trở lại đây, tôi bán cho.

Cũng chị này, ngay chiều hôm ấy người ta thấy chị dẫn ba cô bạn khác đi bao ăn uống trong một nhà hàng sang trọng. Sau khi dùng xong, chị đưa chu thu ngân tờ tiền mệnh giá 500.000 và nói không cần thồi lại, mặc dù tờ hoá đơn thanh toán chỉ ghi số tiền phải trả là 480.000!!!

Mạnh Thường Quân là một người giầu có, ông cho người ta vay nợ rất nhiều. Một hôm ông sai người nhà của mình là Phùng Nguyên sang đất Tiết để đòi nợ. Trước khi đi, Phùng Nguyên hỏi:

Ngài có muốn mua gì ở đất Tiết về không?

Ngươi xem, thứ gì nhà ta chưa có thì mua về.

Khi đến nơi. Phùng Nguyên cho gọi tất cả mọi con nợ đến và nói:

Các bạn nợ chủ ta bao nhiêu! Mạnh Thường Quân xí xoá tất cả.

Thế rồi ông lặng lẽ đem các giấy nợ ra đốt sạch.

Lúc trở về Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:

Nhà ngài chẳng thiếu thứ gì cả! Có chăng chỉ thiếu có ân tình, ân nghĩa. Thế nên tôi đã trộm phép mua những thứ ấy ở đất Tiết về cho ngài rồi. Tôi nghĩ chắc việc này hợp ý ngài.

Về sau, khi Mạnh Thường Quân bị bãi quan đến ở đất Tiết. Dân chúng ở đây nhớ lại ân nghĩa xưa của ông nên ra đón rước đầy đường. Thấy vậy Mạnh Thường Quân quay lại nói với Phùng Nguyên rằng:

Đây chắc hẳn là ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đưa ra lời khuyên để mọi người cảnh giác về vấn đề kiếm tiền cũng như tiêu tiền. Trong cuộc sống thực tại trên trần gian này thì ai ai cũng phải làm việc, trước hết là  để có của nuôi thân rồi đến con cái cũng như những người mà ta có trách nhiệm. Trước hết ý Chúa muốn những của cải hay tiền bạc chúng ta làm ra là phải những của cải và tiền bạc lương thiện. Kế đến, chúng ta phải biết sử dụng chúng cách tốt đẹp; đó là phải biết giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh, thiếu thốn đang sống bên cạnh chúng ta.

Nhìn vào xã hội hôm nay, chúng ta thấy nhiều quan chức làm giầu một cách bất chính, nhất là họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm bất chấp hậu quả tai hại cho những người khác, chỉ cốt vơ vết cho đầy túi tham mà thôi. Điển hình là trong đại dịch Covid-19 vừa qua, trong ngành y tế, thay vì giúp dân chống dịch thì những người làm công tác chữa bệnh ấy lại lợi dụng thời cơ làm giầu bất chính bằng cách nâng khống giá dụng cụ xét nghiệm lên nhiều lần! Tương tự như thế, khi những công dân ở nước ngoài cần về nước để tránh dịch thì thay vì tạo điều kiện thuận lợi cho họ, đàng này những người có trách nhiệm giải cứu công dân đang ở nước ngoài lại toa rập với nhau nâng giá máy bay lên cao để làm giầu. Thật là tàn nhẫn, vô lương tâm!

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”, câu nói này tuy khó nghe một chút nhưng nó lại rất đúng. Một đồng bạc, một chén nước lã mà ta giúp đỡ cho tha nhân vì lòng mến Chúa và yêu thương họ, thì trước mặt Chúa việc làm ấy có giá trị và người mà ta giúp đỡ đó sẽ chẳng thể quên được ân tình mà ta đã dành cho họ. Và những việc làm ấy có thể nói;  đó chính là chìa khoá để mở cửa Nước Trời.

Tóm lại, Đức Giê-su muốn chúng ta khi theo Ngài thì phải một lòng trung tín với Ngài. Trung tín ở đây có thể hiểu là tuân giữ mọi điều mà Ngài đã dạy: Cụ thể là không để cho của cải làm chủ mình, biến mình thành nô lệ cho nó, mà trái lại phải biết làm chủ đồng tiền, sử dùng nó vào những việc hữu ích.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa. Xin cho chúng con chỉ một lòng bước đi theo Chúa và trong cuộc sống luôn ý thức rằng mọi sự mình có đều do Chúa ban, để từ đó biết sử dụng đồng tiền, của cải hay khả năng của mình vào những việc mưu cầu hạnh phúc và niềm vui cho tha nhân. Amen.

Sống Lời Chúa:

Hạn chế chi tiêu để dùng vào việc giúp đỡ những người nghèo, với ý chỉ cầu nguyện cho các Đẳng linh hồn.

Đaminh Trần Văn Chính.

Khôn ngoan sống… (06.11.2021)

Lời cầu nguyện của ông Mô-sê, người của Thiên Chúa…“Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (x.TV. 90,1;12).

Thật vậy, Tin Mừng hôm nay cho ta biết Chúa Giê-su mời gọi mọi người hãy khôn ngoan lo cho đời sau chứ không phải lo sống lo chết cho đời này, không nô lệ cho tiền của đời này, nhưng biết khôn ngoan chọn Chúa là chủ đời mình.

Lời cầu nguyện của ông Mô-sê trong Chương Thánh Vịnh nói trên đã nài xin Chúa cho tâm trí ông được khôn ngoan, để ông biết lo đếm ngày sống của đời mình. Qua đó, ông sẽ nhìn rõ cái hữu hạn chóng vánh đời của một con người, từ đó bản thân biết phải dùng những gì mình Chúa đang ban cho, Chúa đang cho có… mà tỉnh thức chuẩn bị thật tốt cho ngày cuối cùng của đời mình, vì dù cho có được cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng có ích gì. Người khôn ngoan là người biết làm giàu ân sủng của Chúa ban cho, trước mặt Ngài. Khôn ngoan cũng là tinh thần sống tỉnh thức trong tháng Các Linh Hồn vậy.

Lạy Chúa, xin ban cho con dư dật những nhu cầu thiêng liêng của linh hồn con theo sự phú túc vinh quang của Ngài (x. Pl.4,19). Amen.

CÁT BIỂN

Tham nhũng (07.11.2020)

Ngày 07.11: Lễ Kính Các Thánh Dòng Anh Em Thuyết Giáo

Tham nhũng là cám dỗ xưa như cõi lòng tội lỗi của con người. Người tham nhũng là người chỉ nghỉ đến mình, bất chấp thiệt  hại có thể gây ra cho người khác. Xúc phạm đến con người, tham nhũng rốt cuộc cũng là một xúc phạm đến Thiên Chúa.

Chính vì tính cách trầm trọng của tham nhũng, nên Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay đưa ra một đòi hỏi: “Hãy chọn lựa giữa Thiên Chúa và tiền của”, bởi vì không ai có thể làm tôi hai chủ được. Tiền của tự nó không phải là điều xấu, nó chỉ xấu khi con người tôn thờ nó như cùng đích cuộc sống. Thật ra, không có tiền của xấu, mà chỉ có cách tìm kiếm, sử dụng xấu của con người mà thôi. Cách tìm kiếm, sử dụng trở thành xấu là khi con người bóp nghẹt tiếng nói lương tâm, chối bỏ chính mình, khước từ người anh em, chối bỏ Thiên Chúa. Kẻ tham lam là người ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình, nhưng thực ra, họ cũng là kẻ đang tự hủy, chối bỏ cùng đích của cuộc sống.

Tham nhũng và lừa đảo ở mọi qui mô trong xã hội chúng ta, đó là một kết luận hiển nhiên. Thế nhưng “thà đốt lên một ngọn nến, hơn là ngồi đó nguyền rủa bóng tối”. Chúng ta hãy bắt đầu chống tham nhũng, lừa đảo, ích kỷ ngay trong con người của chúng ta. Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Nếu các con không trung tín trong việc sử dụng tiền của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm và giao phó của cải chân thật cho các con?”. Nếu chúng ta chưa loại được tham lam, lừa đảo trong những sinh hoạt hàng ngày, liệu chúng ta có thể chống lại tham nhũng ở qui mô lớn hơn không?

Tham nhũng đối với mỗi người chúng ta có thể mang nhiều tên gọi: ích kỷ, khước từ chia sẻ, liên đới, cảm thông. Xét cho cùng, của cải là để mọi người cùng hưởng dùng; nếu tham nhũng, lừa đảo là chỉ muốn lấy của người để dành riêng cho mình, thì bất cứ hành động ích kỷ nào, bất cứ khước từ san sẻ nào cũng là một hình thức tham nhũng. “Không ai có thể làm tôi hai chủ” của cải vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta thờ phượng người chủ duy nhất và đích thực là Thiên Chúa.

Trong khi mưu cầu cho cuộc sống, xin Chúa cho chúng  ta biết tìm kiếm và xây dựng giá trị Nước Trời. Xin cho chúng ta biết nhìn xa hơn về của cải vật chất, biết ra khỏi chính  mình để gặp Chúa qua những chia sẻ, cảm thông đối với tha  nhân.

Đạo đức giả – căn bệnh của tâm hồn (11.11.2017)

Khi con người đã đạt được sự no đủ về vật chất chính là lúc họ chú trọng đến những khía cạnh của tâm hồn. Chẳng hạn, Người ta thường muốn được mọi người kính phục, tôn trọng mình, họ không muốn bị người khác xem thường hay chê bai, khiển trách. Để đạt được điều đó, họ phải nỗ lực hết mình. Tuy nhiên, có nhiều người muốn đi “lối tắt”, muốn “đốt cháy giai đoạn” để đạt được những mục đích ấy. Chính vì lẽ đó, thói đạo đức giả đã xuất hiện.

Trong xã hội ngày nay, thói xấu ấy đã trở thành căn bệnh khó chữa của con người. Trước tiên, chúng ta cần phải nhận thức được đạo đức giả cũng là một cách gian dối, lừa gạt người khác. Thói xấu ấy khiến con người thoái hóa về nhân cách, nó làm cho người ta không còn quan tâm đến các giá trị thực sự của lòng đạo đức mà chỉ chú trọng đến vẻ bên ngoài, đến những gì người khác nghĩ về họ. Bên cạnh đó, thói đạo đức giả còn khiến con người ngày càng kiêu căng, ngạo mạn bởi nó mang lại cho người ta những vinh quang mà họ chưa xứng đáng để nhận được điều đó.

Nếu con người cứ mãi đắm chìm trong thứ hư danh ảo ấy, một ngày nào đó, những giá trị đạo đức thuần túy sẽ bị diệt vong. Không chỉ vậy, thói đạo đức giả khiến người khác ỷ lại, không muốn nỗ lực vươn lên để xứng đáng với những lời khen ngợi ấy mà chỉ cần tỏ vẻ đạo đức ở bên ngoài là đủ. Dần dần, con người sẽ bị sự giả dối bao trùm và khiến chúng ta ngày càng xa cách Thiên Chúa.

Căn bệnh này không chừa bất cứ ai, tất cả mọi người đều có thể là đối tượng của nó. Đặc biệt, những người có sức ảnh hưởng đến người khác dễ mắc phải nhất. Vì sao ư? Thưa, vì họ là trung tâm của dư luận, họ là đối tượng được mọi người chú ý. Chính vì thế, họ cần phải có một vỏ bọc hoàn hảo nhất có thể, mà cách nhanh nhất để đạt được điều đó mà không cần tốn nhiều công sức chính là trở thành những kẻ đạo đức giả.

Nói như vậy không có nghĩa là những người bình thường sẽ tránh được căn bệnh ấy. Đã là con người, ai cũng có mong muốn được người khác tôn trọng, nó trở thành nhu cầu không thể thiếu của họ. Đó chính là lí do khiến căn bệnh đạo đức giả phát triển không ngừng trong xã hội hiện đại. Nó là một cơn cám dỗ có sức hút khó cưỡng, khiến những người tham muốn thanh danh tìm mọi cách để đạt được. Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh rằng, đó là căn bệnh chết người.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phê phán những người Pharisêu rằng; “Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời, nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông, bởi vì điều cao trọng đối với người đời lại là điều ghê tởm trươc mặt Thiên Chúa”. Quả thật, Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự, Người hiểu rõ tâm can các ông; người đời xem các ông là người công chính vì họ không thể biết, nhưng Thiên Chúa thì khác, Người biết rõ các ông nghĩ gì. Do đó, nếu cứ mãi cố chấp bước theo con đường danh lợi hão ấy, các ông sẽ phải lãnh những trừng phạt thích đáng.

Lời Chúa trách mắng những Người Pharisêu hôm nay cũng chính là bài học Người muốn dạy chúng ta: Đừng trở nên những kẻ đạo đức giả, nó là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, bất chấp tất cả vì nó sẽ khiến chúng ta phải chết. Mỗi người chúng ta hãy tự ngẫm lại, liệu có bao giờ ta vô tình trở thành những kẻ đạo đức giả hay chưa? Một khi chúng ta hành động chỉ vì mong muốn nhận được sự đánh giá tích cực của người khác, không quan tâm liệu điều đó có đi ngược lại với những giá trị đạo đức truyền thống hay không. Khi đó, chúng ta đã trở thành một trong những người Pharisêu bị Chúa trách mắng hôm nay. Ước mong sao mỗi người chúng ta biết tự nhìn nhận lại những thiếu sót của bản thân, biết ước ao những điều thuộc về Thiên Chúa, đừng vì vinh hoa của thế gian làm cớ khiến chính mình bị vấp phạm.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng đạo đức giả là căn bệnh nguy hiểm của tâm hồn, Thế nhưng, vốn mỏng giòn, yếu đuối, chúng con khó có thể vượt qua những cám dỗ ấy. Xin Ngài ban cho chúng con sức mạnh để chống lại nó; đồng thời, cho chúng con biết cùng nhau chung tay đẩy lùi căn bệnh ấy, đặt biệt là trong xã hội ngày nay. Amen.

 Petrus Sơn

Khôn ngoan sử dụng tiền của (05.11.2016)

1. SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày giáo huấn của Đức Giêsu về việc sử dụng của cải chóng qua ở đời này.

Tiền của được ví như người cộng sự, người đầy tớ tốt lành; nhưng nó cũng có thể trở thành kẻ phản trắc, quay lưng gieo tai họa, khổ đau cho những ai ngu muội để nó chi phối, điều khiển. Ngay sau dụ ngôn người quản lý bất trung, Đức Giêsu khen sự khôn ngoan, ma mãnh của tên quản lý đã biết lợi dụng thời điểm, quyền hành và của cải bất chính hắn chiếm dụng của chủ, mà giảm nợ cho các con nợ, để sau này khi bị đuổi việc, hắn sẽ có người đền đáp, tiếp đón.

Đức Giêsu không khuyến khích hành động gian xảo, bất lương của tên gia nhân trong việc quản lý tài sản của chủ, nhưng Người muốn nhấn mạnh đến việc sử dụng của cải vất chất như thế nào để đem lại hạnh phúc đích thực không những ở đời này, mà còn ở đời sau nữa. Hạnh phúc đó là được phụng sự Thiên Chúa và phục vụ anh em, làm cho tình thương của Thiên Chúa lan tỏa đến với mọi người; nhất là đối với người nghèo khổ, cơ nhỡ, tật nguyền.

Của cải vật chất là phương tiện đem lại nhiều tiện ích cho cuộc sống, “có tiền mua tiên cũng được”. Biết sử dụng tiền của, vật chất vào các việc tốt lành hữu ích cho bản thân, cho gia đình và những việc công ích cho xã hội, đó là điều đáng trân trọng. Ngược lại, “ném tiền qua cửa sổ”, hoang phí như người con trai thứ trong dụ ngôn “đứa con hoang đàng”; hoặc keo kiệt “đóng cửa lòng lại” như người phú hộ giàu có trước nỗi khốn cùng, nghèo đói của La-da-rô bên ngoài cửa nhà ông ta, đều có một chung cuộc đó là phải “đau khổ và nghiến răng khóc lóc” ở nơi dành sẵn cho những kẻ như thế. Khi đó, tiền của đã hóa thân thành ông chủ độc ác sai khiến, điều khiển họ đi vào cõi chết.

Người con trai hoang đàng và ông phú hộ đã bị tiền của che khuất tầm nhìn đến “hạnh phúc mai sau”, khiến họ trở nên ích kỷ, thực dụng. Cả hai: một phung phí tiền bạc vào các việc vô bổ như cờ bạc, gái gú, ăn nhậu vô độ với đám bạn bè xấu nết, cốt thỏa mãn những dục vọng thấp hèn, lòng tham và hư danh hảo huyền; một tôn sùng tiền của, vật chất, đã giầu có còn muốn tích cóp nhiều hơn, khiến ông trở nên vô cảm, vô tâm trước La-da-rô đang khốn khổ, van xin lòng thương hại

Còn Giu-đa It-ca-ri-ot, cũng đã bị ba mươi đồng bạc sai khiến để phạm sai lầm “bán thầy”; chỉ vì lòng tham ông ta đã mê muội để các thượng tế, kỳ lão Do Thái dùng số bạc nhỏ nhoi (trị giá bằng giá mua một tên nô lệ) sai khiến và ông ta đã vâng phục mà chỉ điểm cho họ bắt bớ, giết hại thầy mình.

Tiền bạc, của cải là phúc lộc Thiên Chúa tặng ban con người, thông qua đôi bàn tay lao động và sự khôn khéo của mỗi người để sinh tiện ích cho bản thân, cho gia đình và cuộc sống tươi đẹp của xã hội. Mỗi người trở thành người quản lý một số tài sản của Thiên Chúa và được mời gọi làm cho sinh lời. Trình thuật Tin Mừng nhấn mạnh đến vai trò người quản lý ân huệ của Thiên Chúa: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn”.

Thực tế trong cuộc sống, vì ham hố của cải vật chất, nhiều người đã bất chấp thủ đoạn, mánh khóe để chiếm hữu, làm giàu bất chính; họ coi thường pháp luật, coi thường mạng sống và sự an nguy của người khác: buôn bán ma túy, chất cấm; cướp của, giết người, gian lận trong việc làm hoặc vô cảm, thờ ơ trước nỗi đau khổ của tha nhân. nhiều người đã phung phí tiền của vào những việc vô ích…

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

Hãy là người quản lý trung tín của Thiên Chúa, khôn ngoan sử dụng những phúc lộc Thiên Chúa trao ban là sức khỏe, thời giờ, tiền của mà sắm sẵn hạnh phúc Nước Trời qua những việc làm cụ thể gồm tóm trong kinh “thương người có mười bốn mối”

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con ý thức giá trị đích thực của tiền bạc và của cải; là vật chất chóng qua nhưng lại là ân huệ Chúa tặng ban để giúp con đạt được hạnh phúc ở đời này và chuẩn bị, sắm sẵn hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau. Xin cho con biết dùng tiền của cách hợp lý mà sinh ích cho phần rỗi bản thân và cho các lnh hồn.

3. SỐNG TIN MỪNG

Nỗ lực thực thi đức ái trong cuộc sống thường ngày, nhất là với những người đau khổ, túng nghèo.

Tiền của hay Nước Trời?

“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu.” (Lc 16,9).

Suy niệm: Người ta nói đùa rằng: “Tiền không quan trọng nhưng những vấn đề quan trọng đều giải quyết bằng tiền.” Rõ ràng tiền là một trong những thứ cần thiết nhất trong cuộc sống con người. Tiền tự nó không xấu, không tốt: Tốt hay xấu là tùy ở nhận thức, thái độ và cách sử dụng của con người. Cho nên, trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su không lên án tiền của, cũng chẳng bác bỏ sự giàu sang. Ngài chỉ nhắc nhở chúng ta về cách sử dụng tiền bạc: đừng coi trọng tiền bạc hơn Chúa, đừng ảo tưởng có thể vừa thờ Chúa vừa gắn bó với tiền của. Trái lại, hãy dùng tiền của “mua” lấy tình bằng hữu trong đời sống hôm nay, để rồi mai ngày ta sẽ được đón rước vào nơi hạnh phúc vĩnh cửu.

Mời Bạn: Tiền của thật sự cần thiết cho cuộc sống. Thế nhưng, nó cũng là nguyên nhân làm đổ vỡ bao tình nghĩa cha mẹ, anh em, bạn bè, cũng như làm hư hỏng bao con người.  Trong tinh thần năm Phúc Âm Hóa Gia Đình, mời bạn và các thành viên gia đình tập sống siêu thoát với của cải vật chất, sử dụng tiền của như phương thế tạo tình bằng hữu với những người lân cận, đó chính là một cách để Phúc Âm Hóa mình.

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ tập chia sẻ, giúp đỡ một gia đình nghèo với số tiền hợp khả năng của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, mọi sự trên đời này đều bởi Chúa mà ra, và những gì con có được hôm nay cũng là của Chúa ban. Xin Chúa cho con biết dùng những của cải Chúa ban để phục vụ việc xây dựng Nước Chúa, sinh ích cho anh chị em chung quanh con, đặc biệt là gia đình con. Amen.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *