Dấu ấn Dòng Đa Minh trên quê hương Việt Nam (5/6)

VI. Một Truyền Thống để khắc ghi…

Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu, op

Trong tinh thần về nguồn, chúng ta cùng nhau quan tâm đến một số nét đặc biệt của các thừa sai và các vị tiền bối, đặc biệt là các vị tử đạo, để góp phần khám phá ra truyền thống các vị để lại, hầu rút ra bài học cho hôm nay.

6.1. Truyền thống các thừa sai

a. Những chứng nhân anh dũng

Trong diễn văn ngày thành lập Tỉnh Dòng Việt Nam năm 1967, cha giám tỉnh Gayo đã nói : “Tỉnh dòng Mân Côi đã được thành lập từ 280 năm nay, do nguyện vọng thiết tha và mối nhiệt tâm của các vị sáng lập muốn đi truyền giáo tại Viễn Đông Các tu sĩ chúng tôi đã lấy gương sáng cổ võ đời sống Đa Minh hơn là lời nói… Máu các vị tử đạo của chúng tôi đã chảy lai láng, là hạt giống chọn lọc phát sinh những ơn thiên triệu Đa Minh”. (23)

Điều này lịch sử đã chứng minh. Các thừa sai được gửi tới Việt Nam không chọn theo tiêu chuẩn trí thức cho bằng lòng nhiệt thành, tinh thần hăng say, khả năng thích nghi hòa mình và lòng cam đảm lấy máu đào minh chứng niềm tin.

Vì lời réo gọi của Tin Mừng, các vị đã từ bỏ quê hương và người thân, để lặn lội dấn thân trên mảnh đất này. Vì sứ vụ, các vị không quản chi cực nhọc nơi tha phương xa lạ, khí hậu nóng như thiêu, ngôn ngữ thì bất đồng, tiện nghi thì thiếu thốn. Làm thế để được điều gì ? Lịch sử Giáo hội Việt Nam còn ghi rõ nhiều cảnh đối xử tệ bạc, cảnh trốn chui trốn nhủi, cảnh gông cùm lao ngục, cho đến cảnh đầu rơi chốn pháp trường để làm chứng cho niềm tin.

Thế nhưng, không có gì cản được bước chân những người loan báo Tin Mừng. Trên 240 nhân chứng đã liên tiếp hiện diện: nghe tin có người chết, liền cử người bổ sung; khi phải trốn tránh vì bách hại, luôn tìm cách trở về nhiệm sở. Lối sống của các vị làm chúng ta liên tưởng đến hình ảnh thánh Phụ Đa Minh, gậy trên tay, bị trên vai, ra đi truyền giảng Chân lý. Khi phái 16 anh em tiên khởi đi hoạt động năm 1217, ngài xác định “Hạt giống có gieo xuống, mới sinh hoa kết trái, chứ để trong bao sẽ hư mục hết”

Ra đi và loan báo, thành này không tiếp nhận thì đến thành khác và tiếp tục rao giảng. Ở đây, xin ghi lại hình ảnh Cha Antonio Beriain (1693-95). Khi bị quan quân rượt, liền bỏ Kẻ Đô vào Thanh Hóa, rồi đi sâu vào rừng thăm các tín hữu, rửa tội được trên 2.000 tân tòng. Lúc đến biên giới Ai Lao, có người đến tìm và mời, cha hăng hái đi giữa mùa hè nóng bức, trèo suối lội sông vô cùng mệt nhọc… Đến khi uống nhầm phải nước suối độc và qua đời. (24)

Có lẽ sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không biết đến cảnh sống của vị được mệnh danh là “Tổ phụ Miền Truyền giáo Đa Minh”, cha Juan de Santa Cruz Thập. Đây là lá thư của cha đề ngày 9.12.1706:

“Chúng tôi vừa nhận 40 làng ở Tỉnh Đông và Tỉnh Nam. Đất rộng, ít bổn đạo lại rất nghèo, chẳng làng nào đủ sức dựng cho chúng tôi một căn nhà. Mấy năm nay chúng tôi phải ở dưới thuyền. Trên thuyền, chúng tôi dâng lễ, rửa tội và giải tội. Nhờ có nhiều sông ngòi, chúng tôi có thể đi khắp miền của mình trong tám ngày. Sống kiểu này nguy hiểm lắm, vì xứ này trộm cướp thường uy hiếp các thuyền đậu gần bờ ban đêm” (25)

Trong thời bách hại, cuộc sống của các vị còn khó khăn hơn nhiều, ba chìm bảy nổi, nay ở nhà này, mai ở nhà khác. Khi phải trốn trong đống rạ, khi phải nằm suốt đêm ngoài bờ ruộng. Đức cha Valentino Vinh, được gọi là giám mục hầm trú, vì hầu như suốt ba năm ngài phải ẩn dưới hầm ngột ngạt, chật chội và thiếu thốn. Thế nhưng, ngay khi nào có thể, các vị lại đi thăm dân chúng để khích lệ, rao giảng và trao ban bí tích.

P9140112.jpg

b. Đến với quần chúng bình dân

Lịch sử truyền giáo Đa Minh tại Việt Nam không đi vào hoàng cung, không có Mai Hoa công chúa; không đến với vua chúa trong lễ phục đại triều, với nghi thức quân vương và các tặng phẩm quý giá. Các thừa sai Đa Minh đã đến đây với hai bàn tay trắng và một tấm lòng. Các vị đã đi thẳng vào thôn làng Việt Nam sau lũy tre xanh, và nhờ đó mà các vị đã thành công.

Đến Việt Nam, các vị để ra bốn, năm tháng để học ngôn ngữ và phong tục  (26). Các ngài sống như mọi người, chia sẻ nếp sống bình dân ở địa phương. Ngoài áo Dòng, chúng ta sẽ thấy các ngài trong áo bà ba, áo khẩu, đội nón lá. Sống giữa dân nghèo, có vị suốt 15 năm không uống một ngụm rượu.

Mẩu chuyện sau cho ta thấy tâm tình của các ngài. Được Quan Huyện đón rước long trọng, cha chính Bombín Tòng liền nói: “Quan làm tôi ngượng quá, đuộc đón rước thế này dành cho các quan văn võ, chứ như tôi chỉ là một thừa sai, có nhiệm vụ giảng sự hiền lành và khiêm nhu thôi”. (27)

Quả thật, các vị không hề có dự định tham gia việc triều chính. Cha chính Alonso Phê thẳng thắn nói với chúa Trịnh Bồng: “Chúng tôi sang đây có ý giảng đạo chứ không muốn nhúng tay vào chính trị, chúng tôi hằng cầu xin Thiên Chúa cho nước Nam sớm được hòa bình thống nhất”. (28)

Công việc tuy âm thầm, nhưng ảnh hưởng sâu đậm với Giáo Hội Việt Nam, là tổ chức giáo xứ tại những giáo phận Dòng, mà đức Pio IX (+1878) không ngần ngại gọi là những giáo phận gương mẫu (29). Các xứ Dòng được tổ chức theo tinh thần dân Việt, liên đới với nhau như một đại gia đình: Mỗi xứ như một thôn làng, với hương chức là ban phục vụ giáo xứ. Họ chủ động trong nhiều tổ chức lễ hội “á phụng vụ” vừa long trọng, vừa trang nghiêm dễ đi vào lòng người. Các tín hữu những giáo phận Dòng vốn nổi bật về lòng yêu mến hàng giáo phẩm, siêng năng tham dự phụng vụ. Cha mẹ ý thức trách nhiệm tôn giáo với con cái, và tín hữu hăng hái tình nguyện gánh vác việc chung.

c. Tin tưởng lạc quan, sáng tạo

Cũng như Giáo Hội Việt Nam, những trang sử đậm nét nhất của Dòng Đa Minh trên đất Việt là bản trường ca viết lên bằng máu đào của những con người hào hùng, sẵn sàng hiến dâng mạng sống mình cho Thiên Chúa và tha nhân.

Tin vào tình yêu Chúa, các vị phó thác hoàn toàn cho Đấng Quan Phòng, hay nói theo kiểu đức thày Hermosilla Liêm : “Dù mà lá cây nhỏ mọn mặc lòng, nếu Đức Chúa Blời chẳng cho nó động thì nó chẳng động được đâu” (30). Các vị không bao giờ chùn bước, nhưng biết vận dụng hoàn cảnh cho phép để thực thi sứ mạng.

Thánh linh mục Federich Tế, suốt 7 năm rưỡi trong tù đã khéo léo quan hệ với cai ngục để tự do thăm viếng phục vụ giáo hữu tại Thăng Long. Bảy tháng cuối, cùng với thánh linh mục bạn là Liciniana Đậu, hai cha đã rửa tội được trên 100 người (31). Hai linh mục Castaneda GiaPhạm Hiếu Liêm, có cơ hội may mắn khác, tham gia Hội Đồng Tứ Giáo, trao đổi ba đề tài lớn của cõi nhân sinh: Người ta bởi đâu mà có ? Sống để làm gì ? Chết rồi đi đâu ? (32). Còn đức thày Liêm bị giam trong cũi 10 ngày, đứng không nổi mà nằm cũng chẳng được, vẫn rao giảng Tin Mừng và rửa tội cho con trai viên đội Bái. (33)

Khó khăn nào cũng phải vượt qua, vì sứ mạng cần hoàn thành :

– Để đến Vĩnh Trị thụ phong giám mục, đức cha Hermosilla Liêm đã may túi bọc râu, đôi nón, xắn quần, trát bùn khắp người, nắm đuôi ngựa chạy theo viên phó tổng như một tên gia đinh.

– Trong hoàn cảnh khó khăn, không nên quá câu nệ hình thức. Đức cha Valentino Vinh, tự tay may lấy khăn áo cho lễ tấn phong tại nhà ông trùm Chi. Ngoài hai linh mục phụ phong, không có ai tham dự, không ca đoàn, không bao tay giầy vớ, gậy vàng là cây nứa đầu quấn rơm phủ giấy tráng kim, còn mũ ngọc làm bằng bìa cứng cũng phủ giấy tráng kim.

Cũng chính đức cha Valentino Vinh, ba năm ở hầm trú, vẫn tiếp tục đào tạo vài chủng sinh, và tìm cách học thêm khi gửi thư về Macao xin sách Giáo luật và bộ Contra Gentiles. Hung tín về các cuộc bắt bớ đến mỗi ngày, nhưng ngay giữa gian khổ như thế, ngài vẫn không một lời rên rỉ thở than, trái lại, vẫn dòn vang tiếng cười lạc quan như ta thấy trong thơ của ngài gửi cho mẫu thân tháng 8-1860.

“Mẹ chí yêu của lòng con, Mẹ hỏi con sống thế nào, ăn uống làm sao? Mẹ quí mến của con ơi ! Con sống tươi lắm, con làm giám mục cơ mà ! Còn thức ăn ngày nào cũng có. Đừng lo mẹ ạ, chúng con chẳng đói đâu …

 “Ồ có lẽ mẹ bảo: Vinh nhỏ của mẹ ơi, sống thế xìu lắm! Không, chả buồn chả xìu chút nào. Ở đây người ta sống mạnh, sống tươi, nhanh nhẹn lắm. Chúa cũng an ủi con trong lao nhọc. Coi tuy là “giai già” mà vẫn nhảy qua vũng lội lẹ như sóc ấy. Mẹ ạ, Vinh trước đã là đứa con nhảy nhót qua núi đổi, thì nay bộ mặt đầy râu của nó, cũng sẽ làm những tên quỷ già nhất trong hỏa ngục phải run sợ…” (34)

Ghi chú :

  1. Xc. Công vụ Tỉnh dòng (CVTD) 1969,tr 73
  2. Bùi Đức Sinh, ĐMTĐV, q I, tr 53
  3. Bùi Đức Sinh, ĐMTĐV, I, tr.38. 40-42
  4. Bùi Đức Sinh, Sđd, I, tr. 53-55
  5. Bùi Đức Sinh, Sđd, I, tr. 162
  6. ĐMTĐV I, tr. 119
  7. Anton Carrion: Sagrada Orden de Praedicadore, Salamanca 1930, tr.64; Bách Chu Niên Bốn chân phước tử đạo Hải Dương tr.51
  8. Chân phước Giêrônimô Liêm, Chân Lý 1961, tr.72
  9. ĐMTĐV I, tr. 106-108
  10. ĐMTĐV I, tr. 328
  11. Chân phước Giêrônimô Liêm, Chân Lý 1961, tr.35-37
  12. Giám Mục Hầm Trú, Nguồn sống 1958, tr. 89-90. (Thư 116).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *