Đức Mẹ sầu bi (15.09.2015)

Thứ Ba sau Chúa nhật XXIV thường niên

Đức Mẹ sầu bi

Lời Chúa: Hr 5,7-9; Lc 2, 33-35


 Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.


33 Khi ấy, cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

 

Ngày Đức Ma-ri-a cùng với thánh Giu-se dâng Con trong Đền Thánh, Cha và Mẹ Hài Nhi vô cùng ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn nói về Người. Khi chúc phúc cho hai ông bà, ông nói với Mẹ Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng;  và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

Người mẹ nào nghe những lời tiên tri về con và cho mình như vậy mà không bị sốc đứng tim, vì thất vọng quá chừng? Nhưng Mẹ Ma-ri-a thì vẫn bình thản ẵm Hài Nhi đứng đó, chỉ lặng lẽ gẫm suy về lời tiên báo kỳ bí ấy. Chúng con cũng lắng tâm mà ngẫm nghĩ về “dấu hiệu chống báng” và “lưỡi gươm” dọc dài cuộc đời của Mẹ.

Ngày trước khi hai ông bà về chung sống với nhau, Mẹ Ma-ri-a đã mang thai Đấng Cứu Thế được mấy tháng. Mặc dù được Sứ thần thanh minh qua thánh Giu-se, Mẹ không bị ném đá chết, nhưng làm sao thoát khỏi những ánh mắt nghi ngờ, lời qua tiếng lại, nói bóng gió xa xôi của bàn dân thiên hạ trong cuộc đời Mẹ. Mặc dù nhói đau trong lòng nhưng Mẹ nhẫn nhục làm thinh.

Biến cố lạc mất Con lúc mười hai tuổi làm Mẹ khổ sở tìm kiếm ba ngày trong tuyệt vọng. Trong ba năm Đức Giê-su đi rao giảng, dân chúng thì hâm một như siêu sao. Nhưng các Kinh sư thì coi Người như một kẻ phá đạo và tìm đủ cách chống báng. Con mà mắc tiếng, bị ngược đãi như vậy thì Mẹ cũng bị coi khinh và nhục nhã.

Tai tiếng ảnh hưởng đến cả dòng họ, nên có lần cả người nhà cũng bực tức  bảo rằng Người đã bị “mất trí” và sai thân nhân đi bắt Người về. Những lúc ấy mẹ nào mà không đau đầu, nhục nhã vì con? Khi Đức Giê-su về quê, Người vào nguyện đường, được mời đọc sách thánh, Người đề cao người ngoại và bị đả đảo chống đối.

Nhiều người còn đòi giết, xô xuống vực cho chết, Người phải bỏ đi. Khi ấy ở quê thử hỏi Mẹ phải đắng lòng ra sao khi nghe những lời nhục mạ? Nhưng Mẹ chỉ suy đi nghĩ lại trong lòng và vẫn nhẫn nhục “xin vâng”.

Trên đường thánh giá, Mẹ nhìn Con của mình thân bầm giập nát tan, máu loang lổ từ đầu tới chân vì mão gai và những trận đòn, đang khập khễnh những bước nặng nhọc vì thập giá đè nặng trên vai.

Qua chặng đường khốn khổ lên tới núi Sọ, Con Mẹ bị đóng đinh treo lên. Dưới chân thập giá Mẹ nhìn lên, đau khổ hơn dao cắt ruột, hơn bị gươm đâm thấu tim. Cả đoàn người thi nhau đả đảo, nhạo báng cho đã. Con đau chừng nào, Mẹ đau chừng đó.

Khi Con Mẹ đã tắt thở, lính còn nỡ lấy giáo đâm thấu tim Con, thì biết Mẹ đau đớn là dường nào! Người ta tháo đinh, hạ xác Con xuống mà trao cho Mẹ, Mẹ ôm xác Con vào lòng, Giê-su của Mẹ đã chết, ôi đớn đau nhường nào, còn hơn bị gươm đâm nát tim người Mẹ! Trong đau đớn và nước mắt, Mẹ vẫn can đảm mạnh mẽ, một niềm “xin vâng”.

Mẹ ơi! Cả cuộc đời Mẹ từng chặng đường, từng bước theo Con để đồng công cứu chuộc loài người. Chúng con tạ ơn Mẹ, xin Mẹ đỡ nâng chúng con trong mọi biến cố hay đau khổ trong đời, cho chúng con biết thưa xin vâng, lẳng lặng gẫm suy và thực thi Ý Chúa.

                                                                    Én Nhỏ