Gói bánh chưng, bánh tét đã trở thành một tập quán văn hóa cổ truyền của người dân Việt trong mỗi dịp đất trời giao mùa. Không chỉ đơn giản là món ăn, đó còn là nét đẹp tinh thần của một dân tộc.
Chẳng ai biết được thật sự phong tục gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, trong câu chuyện hoàng tử Tiết Liêu (hay còn gọi là Lang Liêu), người con trai thứ 18 của Hùng Vương đời thứ 6, nằm mộng thấy thần linh mách bảo, chỉ dẫn cách làm hai loại bánh để dâng lên vua cha, thì một trong hai bánh đó là bánh chưng hình vuông mang tượng hình Đất (âm).
Từ đó, bánh chưng, bánh tét, bánh dày trở thành một phần không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên, trên mâm cỗ của gia đình người dân Việt Nam những ngày Tết.
Từ tình mẹ cha…
Qua bao đời ngược xuôi, bao cuộc chiến nổi trôi của dân tộc, có những nền văn hóa đã phải lụi tàn, nhưng chiếc bánh chưng của hoàng tử Lang Liêu ngày xưa vẫn được giữ nguyên vẹn hình hài và cách thực hiện. Tất cả vẫn là nguyên liệu từ thiên nhiên như chiếc lá chuối, lá dong bên ngoài. Bên trong là nguyên liệu được chế biến từ gạo nếp, vật quý nhất trong Trời Đất dùng làm bánh; ôm chặt phần lõi phía trong gồm đậu xanh, thịt lợn.
Bánh chưng qua bao đời vẫn là tượng hình cha mẹ sinh thành với hai chiếc lá to, mạnh mẽ, hoàn hảo không “tì vết” dùng để bao bọc bên ngoài. Những chiếc lá nhỏ được che chở bên trong để cùng nhau đủ sức bao bọc phần nhân bánh bên trong.
Từng chiếc lá được lựa chọn và lau, vuốt thật kỹ trước khi cho vào bên trong phần nhân bánh. Những đường gân lá phải thẳng đều để chiếc bánh ra đời được vuông vắn. Nhân bánh cũng phải được chuẩn bị thật kỹ và chu đáo. Gạo, nếp phải ngâm, đãi; đậu xanh phải vừa chín tới.
Có khác nào như đời mẹ cha luôn chuẩn bị mọi điều tốt nhất trước khi mang trong người một sinh linh bé nhỏ?
Gói bánh phải gói chặt tay. Tất cả đậu, thịt và gạo phải nằm gọn, ngay thẳng tầng lớp bên trong bốn phần lá; để khi bỏ vào nồi luộc chín thì không thứ nào bị tuột ra ngoài. Có khác nào tình mẹ tình cha suốt đời bảo bọc cho con dù trải qua bao bể dâu mưa nắng? “Lá chuối xanh mỗi lớp một niềm vui” (Lê Hoàng Trúc). Một trời hạnh phúc của mẹ cha đong đầy trong ngày tháng nhìn con khôn lớn.
Thế rồi, theo cùng năm tháng, chiếc bánh chưng vượt ra khỏi không gian một gia đình để đi xa hơn, mang đậm tình làng nghĩa xóm.
Mỗi độ Xuân về, người Việt Nam lại í ới hỏi nhau: “Ông/bà/cô/chị… gói bánh chưa?” hay “Mai bánh chưng nhé!” hay “Tối qua canh bánh nhé!”
Hay có cả hội bánh chưng, giống như chơi hụi ở vùng quê; rồi bánh chưng đụng, là hình thức vài gia đình chung tay, chung sức, chung “vốn,” người ít kẻ nhiều để cùng gói bánh.
Sau một năm làm lụng vất vả, những ngày cận Tết chính là lúc họ có thời gian ngồi lại với nhau, chia sẻ với nhau trong thâm tình làng xóm.
Chiếc bánh chưng của chàng hoàng tử Lang Liêu ngày xưa để dâng lên vua cha giờ đây đã trở thành sợi dây tình nghĩa kết nối láng giềng. Những đêm ngồi canh bánh bên bếp lửa bập bùng, rồi “chén chú, chén anh,” nghe mùi lá quyện cùng mùi khói củi. Tình quê cứ thế mà vuông đầy như chiếc bánh.
Chiếc bánh chưng khi ra đời đòi hỏi từng công đoạn phải tỉ mỉ, vén khéo. Chỉ cần một bước sai, một bước thiếu, một bước không cẩn thận, chiếc bánh sẽ không được đầy đặn cho dù đặt ở trong khuôn mà thời nay người ta vẫn hay dùng để gói bánh.
Có khác nào người với người phải vuông đầy, trọn vẹn với nhau thì cuộc đời sẽ xanh đẹp như màu bánh, thơm như mùi gạo nếp? Bàn tay người làm bánh đã đặt trọn vào đó những cầu mong cho một năm yên bình, sung túc.
Nhưng một bàn tay thì chỉ có thể làm ra một chiếc bánh. Niềm vui không thể nhân đôi. Hạnh phúc khó được san sẻ. Thế nên, hàng trăm chiếc bánh chưng ngày Tết đã trở thành nhân tố bắc cầu cho tình người lan tỏa.
Những ngày gói bánh, những đêm thức canh nồi bánh chưng ở nhà thờ Phú Trung, phường 11, quận Tân Bình, Sài Gòn, trước ngày đưa ông Táo chầu Trời đã khắc họa rõ cái tình người ấy.
Có một vị linh mục gọi đó là những nồi bánh chưng Lộc Hưng: “Đây là những phần bánh sẽ trao vào tay của người dân oan Lộc Hưng. Nhưng không phải để họ ăn đâu. Trong kế hoạch, họ sẽ làm một món quà Xuân của những người bị mất của, bị bất công nhưng được cộng đồng giúp đỡ, thì đến bây giờ họ chia sẻ chút xíu niềm vui vừa mới được nhen nhóm cho những người nghèo hơn, đau khổ hơn trong những vùng lân cận mà họ tận mắt chứng kiến còn thê thảm hơn họ.”
Người đãi gạo, người lau lá, người gói bánh. Đêm về, họ quay quần bên bếp lửa “canh bánh chưng chờ trời sáng.” Ngay từ lúc ban đầu cùng ngồi gói bánh, họ đã cùng nhau sống một giá trị chung, cho cộng đồng và cho chính cuộc sống của riêng từng cá nhân ấy.
Linh Mục Lê Ngọc Thanh đồng ý điều đó, ông nói: “Từ ngày xưa ông bà ta đã có rồi, tức là khi họ nấu với nhau, họ đến với nhau, chia sẻ với nhau như một công cuộc chung. Vừa làm, vừa nói chuyện, cảm thông với nhau, họ giải quyết được nhiều vấn đề ngăn cản mà trước đây chỉ với thói quen sử dụng công nghệ thôi, họ không thể vượt qua được cảm xúc đó. Khi họ cùng làm với nhau, họ hoá giải được những điều đó và họ vượt nó một cách dễ dàng.”
Khi còn có thể, hãy cùng ngồi với nhau, giữa trời và đất, san sẻ, hóa giải, vượt qua những cảm xúc căng thẳng, sang chấn phức tạp mà vốn dĩ luôn chực chờ bên cạnh cuộc sống con người.
Đó là lời khuyên của vị linh mục trong một đêm ngồi canh bếp lửa nồi bánh chưng Lộc Hưng.
Cho đến tình người xa xứ
Thế rồi, chiếc bánh chưng cùng cô gái lớn lên, tạm biệt mẹ cha theo chồng về xứ lạ. Chiếc bánh chưng theo người Việt vượt muôn trùng biển khơi để đến vùng miền tự do.
“Ngày vu quy tôi theo chồng tá túc
Xa mẹ hiền khuất vạn dặm trời mây
Chiếc mủng tròn ngày cũ vẫn còn đây
Từng hạt nếp thiếu hơi bàn tay mẹ
Mười năm tròn bên đời con lặng lẽ
Cũng tập tành thay mẹ gói bánh chưng
Nếp xứ người rời rạc có… là mừng
Thêm hạt đậu cũng không bùi, không dính…”
(Chiếc Bánh Chưng Xanh, thơ Lê Hoàng Trúc)
Cuộc sống mưu sinh xứ người bộn bề với trăm nỗi lo toan. Nơi đó, mua một chiếc bánh chưng rất dễ dàng, nhưng gói một chiếc bánh lại là chuyện khác. Không thể có những đêm ngồi bên bếp lửa nghe mùi khói củi quyện với mùi quê. Không thể có những sáng, những chiều quây quần chị chị, em em tất bật cho gạo trắng, nếp trong, đậu vàng, thịt đỏ. Hiếm lắm để có những chiếc bánh được làm ra chỉ để làm quà ngày Tết.
Chị Mai, sống ở thành phố Westminster, California, chia sẻ: “Những ngày Tết, cái chuyện mình đi mua bánh chưng tặng người thân là chuyện dễ lắm. chuyện làm mới là quan ngai của nhiều người. Tôi không biết mình còn làm được bao lâu vì tay cũng đau nhiều, nhưng khi nào tôi còn làm được thì tôi vẫn làm. Tôi cũng hy vọng ngày nào các con mình thấy mẹ làm thì cũng muốn làm.”
“Những ngày giáp Tết đón Xuân sang
Lạc bước đường xa dẫu muộn màng
Đất trích lưu vong đời tị nạn
Giọt cà phê đắng chảy miên man
Tôi ngắm nhìn năm cũ ngược dòng
Đóa thời gian ngập nước trôi sông
Quãng đời mưa lũ dài vô tận
Cùng bố phiêu du phiên chợ hoa…”
Vừa gói bánh, chị vừa đọc bài thơ chị viết vào năm Nhâm Tý, 1972.
Chị đã mang trọn vẹn ký ức tuổi thơ ở quê nhà sang nước Mỹ. Trong chuỗi ký ức đó, là những ngày gói bánh chưng cùng cha mẹ. Sau mấy mươi năm, chị vẫn giữ đúng từng thao tác, thực hiện đúng ý nghĩa của từng bước, xếp lá, vuốt lá, đặt nhân, gói bánh…
Lá vẫn phải xanh to, sớ lá vẫn phải thẳng, nhân bánh vẫn phải đủ đầy, gói bánh vẫn phải chặt tay…
Chiếc bánh chưng như đời dân tộc. Dù có qua bao thăng trầm, dù có bôn ba, thì tình người, tình quê hương xứ sở vẫn luôn được giữ mãi trong từng gia đình người Việt Nam xa xứ.
Phải một lần gói bánh, hoặc nhìn, nghe người gói bánh kể chuyện, mới thấy được trọn vẹn ân tình và ý nghĩa của vũ trụ, nhân sinh gói trọn trong chiếc bánh chưng cổ truyền của người Việt Nam.
(Kalynh Ngô – Người Việt)