Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (20.07.2023 – Thứ Năm Tuần XV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Is 26,7-9.12.16-19 (năm chẵn), Xh 3,13-20 (năm lẻ), Mt 11,28-30

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 11,28-30)

28 Khi ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. 29 Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. 30 Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng (20.07.2023)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi những người vất vả, lao nhọc hãy đến với Chúa để được Chúa nâng đỡ bổ sức, để bớt khó nhọc và gánh nặng, để học sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa và hưởng sự bình an của Ngài. Lời mời gọi thiết tha của Chúa Giêsu thật ngọt ngào và đầy sự an ủi.

Chúa Giêsu không bớt đi gánh nặng ta đang chịu, nhưng mang tình yêu và hy vọng đế để thêm sức mạnh cho ta có thể chịu gánh nặng dễ dàng hơn. Như người cha, người chồng vất vả làm ăn kiếm tiền nuôi sống gia đình, để người vợ đỡ tần tảo, để những đứa con có điều kiện học hành nên người. Tình yêu vợ con và hy vọng vào tương lai đã làm cho người cha, người chồng thêm nghị lực chịu đựng gánh nặng mưu sinh.

Những tình cảm tự nhiên của con người mà còn có sức mạnh nâng đỡ như vậy, thì Tình Yêu cao cả đến mức đã hiến mạng sống mình vì người mình yêu của Chúa Giêsu phải có tác dụng lớn hơn gấp bội, đặc biệt là với những gánh nặng vì tội lỗi.

Nhưng sự an ủi và nâng đỡ ấy ta chỉ nhận được khi người ta có tâm hồn đơn sơ, khiêm nhường và hiền lành, sẵn sàng mở lòng ra để đón lấy và phó thác cho sự dẫn dắt, tác động của Chúa trong mọi công việc. Tính kiêu căng và dữ dằn là đầu mối phát sinh những tội lỗi, như ông bà nguyên tổ đã kiêu ngạo mà phạm tội phản nghịch với Chúa, như Cain vì hung dữ mà giết em.

Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Thầy nhưng đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy ta về sự khiêm nhường. Mẹ Maria, Thánh Giuse là những gưỡng mẫu tuyệt hảo về sự khiêm nhường hiền lành và vâng phục Thánh Ý Thiên Chúa.

Trong Thánh kinh đã thuật lại rất nhiều tấm gương hiền lành và khiêm nhượng. Thời Cựu ước, vua Salomon khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa đã nhận rằng mình chỉ là một thanh niên bé nhỏ không biết cầm quyền trị nước, được Thiên Chúa đặt lên ngai vua Đa-vít để cai trị dân, một dân mà theo Môsê thì là dân nhỏ nhất (Đnl 7,7), nhưng với Salomon thì đây là một dân được Chúa chọn, đông đúc không kể xiết. Salomon thấy mình không chu toàn nổi công việc nếu Chúa không giúp. Vì vậy Salomon đã xin Chúa ban cho những khả năng để ông có thể gánh nổi trọng trách ấy. Thiên Chúa hài lòng vì lời cầu nguyện khiêm tốn của Salomon và đã ban cho ông sự khôn ngoan minh mẫn để ông trị nước, cùng với sự giàu sang tột bực đến nỗi trước và sau  ông không có ai sánh bằng (1V 3,7-13).

Thánh Vianney nói : “Khiêm nhường là cán cân, ta càng hạ mình bao nhiêu thì đức độ càng cao lên ở phía kia bấy nhiêu”.

Ai cũng yêu mến người khiêm tốn, nhưng để trở thành người khiêm tốn rất khó, nhất là trong thời buổi xã hội suy tôn đề cao quá mức cái tôi như hiện nay.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, vị Thánh được thế giới gọi là “Giáo Hoàng nhân hậu”. Trong di chúc thời Ngài làm Giám mục, ngài đã muốn được chôn tại nhà thờ giáo xứ quê nhà Sotto il Monte, nơi hay để quan tài của người nghèo để dâng lễ qui lăng, với bia mộ sát đất, chân mọi người đạp qua, chỉ đề tên với các phận vụ Ngài đã giữ và câu “Oboedientia et pax” (Vâng phục và bình an)”.

Vị linh mục, vị Giám mục Giuseppe Roncalli đầy lòng khiêm nhường và khó nghèo để phục vụ tha nhân, đã đánh dấu triều đại Giáo Hoàng Gioan XXIII của Ngài bằng việc triệu tập Công Đồng Thánh Vaticano II, một bước đi vĩ đại của Hội Thánh trong thời hiện đại.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã mời gọi chúng con đến nhận sự trợ giúp của Chúa và học với Chúa sự hiền lành và khiêm nhường. Quả thực hằng ngày chúng con phải chịu đựng những gánh nặng không chịu nổi, đặc biệt là những áp bức, bất công đến từ những người thân trong gia đình. Nhưng chúng con thường tìm giải quyết theo cách thế của thế gian, quên rằng Chúa mới là nguồn gốc của hạnh phúc, chỉ có ơn của Chúa thì chúng con mới đủ sức gánh những gánh nặng trên đời này.

Xin Chúa cho chúng con biết học hỏi sự khiêm nhường và hiền lành của Chúa, luôn trông cậy phó thác vào Chúa. Xin Chúa thêm sức cho chúng con, giúp chúng con vượt qua những thử thách trên cuộc đời để Sáng Danh Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

Jos, NM Tưởng

Lòng an bên Chúa (14.07.2022)

Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu mời gọi mọi người trước hết là “những ai đang vất vả mang gánh nặng nề” hãy đến với Chúa.

Cũng như mọi tổ chức, thể chế ở trần gian muốn hoạt động trên đời, họ đều phải thâu tập quân binh, đồ đệ để làm cho được mục đích của họ. Ở đây Chúa Giêsu cũng không ngoài cách thức ấy. Người tuyển chọn các tông đồ, rồi Người hướng đến đại chúng là đối tượng mà Người muốn đem đến hạnh phúc cho họ. Trước nhất là đến những người lao động cực nhọc, nghèo khổ lúc bấy giờ, họ cô thân cô thế nên thường bị bóc lột thậm tệ nữa.

Mọi nhà cầm quyền, mọi thể chế của trần gian khi ra đời đều hứa hẹn sẽ đem lại điều tốt lành cho thần dân của họ. Nhưng rồi chẳng có thể chế nào tồn tại lâu dài nơi mặt đất này, vì sao vậy? vì những lời hứa hẹn tốt lành cho dân không còn tồn tại.

Còn Chúa Giêsu, Người là Thiên Chúa đến trần gian mà cứu chuộc nhân loại. Người là Đấng tối cao và trung tín muôn đời, nên Lời của Người không có sai lầm và thay đổi. Người hứa cho những người đang lao động cực nhọc kia bằng thể xác hay đang lo lắng trăn trở bất an nơi tâm hồn, nếu đến với Người sẽ được “nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Lời Chúa không có nghĩa là họ không phải lam lũ lo tính  gì mà cứ nằm há miệng chờ sung là của ăn sẽ đến miệng. Chúa có cách của Người làm cho họ an vui, “nghỉ ngơi, bồi dưỡng” trong những vất vả khổ sở ấy.

Những năm chiến tranh của thập niên 60, 70 ở thế kỷ trước nơi miền Bắc, sự gian khổ thiếu thốn của phần đông người dân thật là kinh khủng. Người Công Giáo ông bà cha mẹ tôi cùng chung sự gian khổ ấy: Ăn thì không bao giờ được đủ no đủ chất, làm thì quần quật cả đêm lẫn ngày… Thế nhưng đức tin và lòng mến Chúa của họ chẳng thời nào sánh kịp. Bà tôi một vị Dòng Ba sốt sắng thường mắng con cháu khi  đến giờ lễ mà chúng chưa đi: “Chúng mày coi thường ngày Chúa thì chúng mày đói, chúng mày khổ”. Mẹ tôi thì khi sáng gọi con mà chúng chưa kịp dậy đi lễ thì lẩm bẩm phàn nàn: “Không biết Chúa thì cũng không biết cha biết mẹ”. Thế mà các cụ già  khổ sở đói khát ấy, tôi chẳng thấy các ngài ốm đau bệnh nạn gì cho đến khi lìa thế đã tám chín mươi tuổi. Suy gẫm về điều đó thật là sự lạ, tôi chỉ có thể giải thích:  “Chúa đã ban cho các ngài”.

Những người yêu mến Chúa ấy, Chúa cho họ nghỉ ngơi bồi dưỡng ngay lúc thi hành bổn phận của họ. Họ luôn bình an hy vọng vui tươi và lòng yêu mến Chúa trong mọi nơi mọi lúc, mà không một gian khổ hy sinh nào có thể làm họ mất đi  những sự ấy.

Một cán bộ cộng sản khi nhìn những nữ tu dòng nữ tử bác ái ngày ngày hết lòng chăm sóc các bệnh nhân đã thốt ra câu hỏi mà chưa có lời giải đáp cho ông: “Không hiểu nhờ cái động lực nào mà suốt ngày vất vả quần quật như vậy mà chúng nó đứa nào cũng cứ tươi hơn hớn?”.

Người con cái Chúa vẫn phải lao động, lam lũ mà lo cho bổn phận của mình, như thập gía Chúa gửi mà vác lên đồi Can vê để cùng được phục sinh với Người. Dù vẫn phải hy sinh vất vả như người đời nhìn thấy nhưng họ tin vào lời Chúa đã quả quyết: “Ách tôi thì êm ái, gánh tôi thì nhẹ nhàng”. Nên họ vác trong tin yêu hy vọng mà chẳng thấy thất vọng hay nhọc nhằn.

Lạy Chúa Giêsu! Con hằng tin tưởng ở Lời Chúa. Xin Chúa luôn ở với con trên mọi bước đường dương thế, để Người nâng đỡ, ủi an ban niềm vui bình an cho con thực thi bổn phận mà được hạnh phúc ngay từ cõi đời này- Amen.

Giuse Ngọc Năng.

Giao phó gánh nặng cho Chúa (15.07.2021)

Ngày 15.07: Lễ Nhớ Thánh Bô-na-ven-tu-ra, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh

Thói quen nguyện Kinh Phụng Vụ như đã đi vào dòng máu, trái tim và trở nên niềm đam mê của các thành viên Huynh đoàn Đa Minh, khi thành phố giãn cách dài ngày hơn, cuộc sống chậm lại, nỗi lo lắng dịch bệnh lây nhiễm gia tăng, sự cậy trông vào Đấng Chí Thánh mạnh mẽ hơn. Làm sao để kết nối với nhau, duy trì sự hiệp thông trong cầu nguyện, các anh chị em trong lớp Docat chia sẻ cách sử dụng mạng truyền thông internet, không gian như gần lại, được cùng nhau nguyện kinh là niềm vui như có Chúa trong lòng mỗi người. Thông điệp ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 47, 2013, Giáo Hoàng Bênêđictô XVI: “Mạng xã hội, được dùng như phương tiện để Phúc Âm hóa, có thể trở nên một yếu tố giúp phát triển con người”. Thế là chỉ thời gian ngắn tập huấn trên Zalo, có anh chị đã tổ chức nhóm nguyện kinh Phụng vụ online tại huynh đoàn mình, lòng nhiệt thành được Chúa giúp sức, nên có nhiều thành viên hưởng ứng.

Tình yêu thương được thể hiện qua hành động thấu hiểu, đồng cảm với nhau, trong Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su nói với chúng ta: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Mỗi người đều chọn cho mình cuộc sống riêng, sống yên ả hay cuộc sống bận rộn… đều có giá trị vì do công sức của mình, ước vọng làm giàu sẽ khác với cuộc sống chấp nhận vừa đủ tiêu dùng… Liệu chúng ta có mong muốn để Chúa an bài cuộc sống của mình như thánh Augustino từng nói: “Phó thác là quả ngọt của tình yêu”. Mỗi gia đình cũng đều phải đối diện với khó khăn và thử thách, từ công việc, nề nếp sinh hoạt, giáo dục con cái, tài chính …, đôi khi xảy ra gây mâu thuẫn, hiểu lầm, tranh cãi…, là điều chúng ta đã biết trước khi quyết định xây dựng hạnh phúc gia đình. “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người thời đại này, đặc biệt của những người nghèo đói và bất cứ ai sầu khổ, cũng chính là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và âu lo của các môn đệ Đức Kitô” Công đồng Vaticanô II, GS 1.

Người Kitô hữu hiểu rằng niềm tin vào Chúa Giê su là sức mạnh để vượt qua đau khổ. “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”. Chúng ta sẽ cầu xin để Chúa giúp cho gánh nặng nhẹ đi hoặc cất đi gánh nặng chăng? Thánh Phanxicô chia sẻ kinh nghiệm: “ Người hiền lành không làm mất lòng ai, kẻ ấy nín nhịn và vui lòng chịu đựng người làm điều xấu cho họ, sau hết họ kiên nhẫn chịu đựng những xúc phạm và không lấy ác báo ác. Tôi đặc biệt khuyến khích anh em có tinh thần hiền lành, vì nó làm vui lòng mọi người và chinh phục được mọi tâm hồn”. Xin Chúa ban ơn thêm sức để chúng ta có thể mang lấy gánh nặng trong tinh thần mới.

Hôm nay lễ thánh Bônaventura Giám mục – Tiến sĩ Hội thánh, chúng ta nhớ lời khuyên của ngài: “Dù đời sống nội tâm chúng ta có tiến bộ như thế nào, điều đó không ích gì cho chúng ta nếu nỗ lực ấy không được sự trợ giúp từ trên cao. Thiên Chúa sẵn sàng cứu giúp những ai tìm kiếm với tâm hồn khiêm tốn và thành khẩn; điều này thực hiện được qua sự chân thành cầu nguyện.” Xin Chúa luôn đồng hành giúp chúng con cảm nhận những vất vả trong cuộc sống được trở nên nhẹ nhàng.                                                                                                                                                                           

Anna Anh

Venite ad me omnes qui laboratis (16.07.2020)

Trên hoặc dưới Nhà Tạm trong một số nhà thờ Công Giáo thường ghi dòng chữ: “VENITE AD ME OMNES QUI LABORATIS”. Đó chính là lời mời gọi của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Người cũng mời gọi mọi người: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

Đến với Chúa để được nâng đỡ bổ sức cho

Có hai thứ gánh nặng: gánh nặng lề luật và gánh nặng cuộc đời:
*Gánh nặng lề luật là thời Chúa Giêsu, Do-thái giáo có bộ luật phải giữ chi li hơn 600 điều mà Biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
*Gánh nặng cuộc đời là: Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai… Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí Tích Giao Hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức cho.

Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi…

Như đã nói ở trên, ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày. Nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giêsu đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời; kết hợp với Ngài để được bổ sức và cùng Ngài vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất. Amen.

Quẳng gánh lo đi… (18.07.2019)

Chuyện kể rằng trong một hội thảo khoa học. Người dẫn chương trình giơ cao một ly nước và hỏi các khán giả:

– Quý vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu ?

Cử tọa nhao nhao:

– Điều đó còn phụ thuộc vào anh cầm nó trong bao lâu chứ.

– Đúng vậy, nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi nhừ. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quý vị sẽ gọi xe cấp cứu cho tôi.

Sau cùng, người dẫn chương trình tóm lược:

– Cùng một khối lượng, nhưng nếu mỗi người chúng ta mang nó càng lâu thì nó ngày càng trở nên nặng hơn. Điều chúng ta cần phải làm trước hết là đặt ly nước xuống, nghỉ tay một lát rồi tiếp tục cầm nó lên.

Qua đó cho thấy trong cuộc sống cũng vậy. Đã là con người thì không ai tránh gánh nặng cuộc đời. Điều quan trọng là ta phải biết quẳng gánh lo đi; phải biết đặt gánh nặng cuộc sống xuống; phải biết buông bỏ những vất vả lo toan không có ích cho linh hồn mình. Ngược lại, nếu ta cứ ráng sức chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng, không sớm thì muộn ta sẽ gục ngã.

Lời Chúa hôm nay mời gọi con cái của Người hãy sống khôn ngoan, biết chọn lựa chắc lọc những gì cần thiết cho cuộc đời. Hãy để Thiên Chúa làm chủ đời mình. Bên Chúa, và trong Ngài những vất vả, nhọc nhằn sẽ được cất đi, và sẽ được nghỉ ngơi, bồi dưỡng. Tình yêu đối với Thiên Chúa sẽ trở nên ách êm ái dễ chịu và giới luật của Ngài sẽ là gánh nhẹ nhàng thoải mái.

Người ta cảm thấy nặng nề khi bị áp lực phải tuân giữ các luật lệ bên ngoài, nhưng lại dễ dàng làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong.

 Lạy Đức Chúa Giê-su hiền lành và khiêm nhường vô cùng, xin chỉ dạy con biết sống như Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Hãy đến với Ngài để được bảo vệ chở che (19.07.2018)

1. Ghi nhớ:

“Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiên hậu và khiêm nhường”. (Mt 11, 29)

2. Suy niệm:

Chuyện kể rằng. Một hôm, khi hay tin thầy của mình là Thường Tung bị lâm bệnh nặng. Lão Tử lập tức lên đường về thăm thầy mình. Đến nơi gặp được thầy thì thấy bịnh tình của thầy rất nặng rồi, chỉ con thoi thóp thở, giờ ra đi đã gần kề. Thấy vậy Lão Tử bèn nói:

  • Bạch thầy, trò muốn trước khi thầy ra đi, xin hãy để lại cho trò một bài học cuối cùng. Lúc này Thường Tung rất mỏi mệt nhưng vẫn cố gắng mở miệng ra, chỉ tay vào và thều thào:
  • Lưỡi của ta còn không? Lão tử thấy kỳ lạ vội hỏi;
  • Phải chăng thầy đã bệnh đến nỗi lẫn rôi hay sao mà lại hỏi câu này, bởi không còn lưỡi thì làm sao mà nói chuyện được. Thường Tung lại hỏi:
  • Răng ta còn không?
  • Thưa, đã rụng hết rồi ạ.
  • Thế ngươi có biết vì sao không?. Ngẫm nghĩ giây lát Lão Tử trả lời.
  • Lưỡi mềm mại nên còn, răng vì cứng nên rụng. Có phải vậy không thầy. Thường Tung khẽ gật đầu rồi nhắm mắt!

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta là những lữ khách trần gian đang phải mang vác vất vả mang nặng trên vai những khổ cực  của cuộc sống, hãy đến với Ngài để được nâng đỡ bổ sức. Đồng thời Chúa còn mời gọi chúng ta đến với Ngài để cùng học nhân đức hiền hậu và khiêm nhường.

Với thân phận làm người, chúng ta không thể tránh khỏi những vất vả, đau thương, như phải lam lũ làm việc mưu sinh, rồi những bệnh tật đau đớn thể xác, những âu lo buồn chán trong cuộc đời, thấu hiểu được những điều đó nên Chúa mời gọi chúng ta hãy đến với Ngài để được nâng đỡ ủi an và bồi dưỡng, thêm sức mạnh cho chúng ta để có thể vượt qua mọi khó khăn trên cuộc đời này. Chúa đã mời gọi chúng ta, phần còn lại thuộc về chúng ta có đáp lại lời mời gọi đó không? Hãy đến với Ngài qua việc cầu nguyện, hãy đễn với Ngài bằng việc siêng năng rước Mình Thánh Chúa, hãy đến với Ngài bằng việc giúp đỡ tha nhân…

Bên cạnh đó, Chúa Giê-su còn muốn cho chúng ta được Thiên Chúa Cha yêu thương và mọi người quý mến, nên Ngài mời gọi chúng ta hãy cùng Ngài học tập sống đời hiền hậu và khiêm nhường. (Vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng và ban ơn cho người hiền lành và khiêm nhường ! )

Chính Chúa đã để lại cho chúng ta một tấm gương rất tuyệt vời về đời sống hiền lành và khiêm nhường. Từ khi sinh ra tại Bethlem cho đến lúc hoàn tất công trình cứu độ về trời. Cả cuộc đời tại thế của Chúa Giê-su toát lên một vẻ đẹp rạng ngời về lòng hiền lành và đức khiêm nhường.

Thiên Chúa Ngôi Hai nhập thể làm người không sinh ra trong nhung lụa giàu sang nhưng lại sinh nơi hang đá cơ hàn, Đấng ấy mặc dù là Thiên Chúa nhưng vẫn hằng vâng phục cha mẹ là thánh Giu-se và  Đức Maria, Ngài đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ và Ngài còn tha thứ, cầu nguyện cho những kẻ làm khốn mình!…

Ngài là Thiên Chúa Ngôi Hai đầy quyền lực và vinh quang mà còn sống hiền lành và khiêm nhường như vậy thì chúng ta là gì?

Thưa: Chỉ là một tạo vật hèn mọn thôi mà dám tự cao tự đại, hay nổi nóng, giận dữ mỗi khi bị người khác xúc phạm coi thường sao?!

3. Cầu Nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con hằng biết kết hợp mật thiết với Ngài để đường đời chúng con đi được ơn nâng đỡ bảo vệ chở che, khi có Ngài mọi nỗi cơ cực khốn khó sẽ trở nên nhẹ nhàng và êm ái vì đã được Ngài cảm thông chia sẻ. Xin cho chúng con biết sống thực hành hai nhân đức hiền lành và khiêm nhường để được Chúa yêu thương và mọi người quý mến. Amen.

4. Sống Lời Chúa:

Quyêt  tâm nên giống Chúa bằng việc sống đời hiền lành và khiêm nhường.

Đaminh Trần văn Chính.

Hãy đến cùng Tôi (20.07.2017)

Người đời khi có hội vui thì mời gọi mọi người đến chia vui chúc mừng. Còn Thầy Giêsu lại mở lòng mời khách thật khác lạ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.  Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11, 28-30). Đức Giêsu mời gọi tất cả những ai đời nhọc nhằn khốn khó hãy đến với Người, để tâm hồn được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Hai nguồn mạch cung cấp sự nghỉ ngơi dưỡng sức này là Lời Chúa và Thánh Thể. Nếu ta biết khát khao tìm đến và “ở lại” sẽ tìm được sự an dưỡng thực sự. Mọi gánh nặng sẽ trở nên nhẹ nhàng vì lòng yêu mến. Khi yêu người ta quên cả đớn đau, không lấy làm khó nhọc, nặng nề nữa dù phải trải qua khó khăn vất vả. Hãy ở lại trong Chúa mà kín múc tình yêu, vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu.

Thầy Giêsu mời gọi “hãy học cùng tôi”, nghe mà thêm lo, lại phải “học” những gì nữa nhỉ? Chúng con đây từng được nghe nói về Thầy rất nhiều, thậm chí còn dám… nói nhiều về Thầy. Nhưng nhiều lúc lại thấy trống rỗng, như Thầy ở nơi nao xa vời, như chưa biết gì về Thầy. Trong Kinh Thánh không thấy Thầy mở lớp đào tạo môn gì, ở đâu cho mấy môn đệ xuất thân từ nghề chài lưới. Nghe bài học “hiền lành và khiêm nhường” Thầy dạy quá ngắn, chỉ vài chữ mà sao khó và lâu thuộc đến thế? Thầy đã thực hành trọn cuộc đời từ hang đá Belem đến đồi Golgôtha. Bao nhiêu cử chỉ, lời nói, tấm lòng của Thầy gói gọn trong một chữ YÊU.

Càng những lúc ồn ào náo nức, hăng hái học hỏi thì càng khó thuộc bài. Thầy Giêsu “mách” cho chị Mácta: “có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,42). Cách học tốt nhất của Maria là ngồi bên Thầy, một Thầy một trò (thầy gia sư riêng) mà nghe, mà thấy, mà học hiểu, ắt là mau thuộc nhớ lâu và càng thấm thía.

Ngày nay chúng con không được gần kề với Thầy Giêsu bằng xương bằng thịt như các môn đệ, như cô Maria năm xưa. Nhưng như thế không phải là Thầy đã khuất, đã đi xa rồi, mà là Thầy đang sống một cách hết sức sống động, đang yêu thương mỗi người chúng ta bằng một tình yêu đằm thắm sâu đậm. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28,20). Nếu chúng con tìm đến, “ở lại”, “một thầy một trò” trong tĩnh lặng mà nghe…, chúng con sẽ được sáng con mắt để thấy và hiểu, thấy ngọt ngào, càng thêm say sưa học tiếp và càng thêm gắn bó tình thân. Nhưng có lúc con “trốn học” vì công việc, vì những ồn ào trần thế lấn át, nên lúc ấy con mệt mỏi nặng nề với cuộc sống. Hãy trở về và học với ông Thầy Giêsu tuyệt vời mà không hao tốn học phí. Giờ học trong Thầy là quan trọng nhất, cần thiết nhất, ích lợi, cao cả, bổ dưỡng, làm cho tâm hồn thật dịu êm, sau giờ học không mệt trí mà đem lại thư thái bình an, hạnh phúc ngọt ngào. Những giờ học ấy giúp con khám phá nhiều điều đến ngỡ ngàng. Trở về cuộc sống sinh hoạt, làm việc, ăn uống hay nghỉ ngơi vẫn nhẹ lòng nhẹ gánh, bởi chính Thầy cùng thực hành, chính Thầy thực hiện những điều kỳ diệu trong con, cho đời nở hoa, như những chứng tá cuốn hút tha nhân hơn bài học lý thuyết trong sách vở.

“Những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy thì Thầy cũng nói cho anh em biết”. Vâng, chính Thầy Giêsu vừa là Thầy, vừa là bạn vô cùng thân mến của mỗi chúng con. Xin cho chúng con biết siêng chăm đến học trường Thánh Tâm Chúa.

 Én Nhỏ

Đến với Chúa để được nghỉ ngơi bồi dưỡng (14.07.2016)

1- Ghi nhớ:

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

2- Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ vỏn vẹn có 3 câu, nhưng mỗi câu nói của Chúa Giêsu đều là nguồn an ủi, vỗ về cho tất cả chúng ta, là những người đang lo âu, vất vả, bon chen trong xã hội hôm nay. Chúng ta đang cần được nghỉ ngơi bổ sức để đi trọn cuộc đời này.  Thấu hiểu được niềm khao khát của con người, hôm nay Chúa Giêsu chính thức lên tiếng mời gọi: “Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi”

Chúa Giêsu không muốn chúng ta phải vất vả gánh nặng thêm mà Ngài muốn chúng ta hãy để cho Ngài cùng chung vai sát cánh với chúng ta, chia sẻ nỗi vất vả của chúng ta. Lời Chúa dạy là những giới răn mới không phải để trói buộc con người trong sự nô lệ của tội lỗi, của lề luật mà là nô lệ trong tình yêu Thiên Chúa, mà nô lệ trong tình yêu thì chính là sống và chết cho tình yêu Thiên Chúa để đáp lại tình Chúa đã chết và sống lại vì chúng ta. Vậy ách của Chúa quả là nhẹ nhàng thực sự vì nó mang lại cho ta sự tự do thực sự, tự do trong tinh thần nghĩa tử. Mang lấy ách của Chúa là để Chúa nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.

Trong cuộc sống con người ai ai cũng sẽ gặp những khốn khó vất vả trong cuộc sống. Vì thế, người ta thường ví đời là bể khổ, đời là vũng nước mắt…. Nhưng làm sao có thể vượt qua những vất vả này. Thưa là hãy cùng Chúa vượt qua và Ngài mời gọi chúng ta. Ngài là vua hoà bình, vua bình an. Ngài sẽ quét sạch mọi đau thương khốn khó, Ngài sẽ làm khô những giọt lệ trên khoé mắt chúng ta. Muốn được như thế mỗi người chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa, để Chúa cùng hành động với Chúa, chẳng những Chúa bằng lòng mà lại vui lòng nữa khi ta biết để cho Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Lời mời gọi của Chúa Giêsu trên đây là lời mời gọi toàn thể nhân loại! Vì nào có ai, trong kiếp sống trần gian này mà thoát khỏi hoàn toàn mọi khổ đau, buồn sầu? Ai mà thoát khỏi gánh nặng của lo âu về sinh kế, về con cái, về tương lai? …Ai lại thoát khỏi ách bệnh tật, tuổi già và sự chết? …Đến với Chúa Giêsu, và chỉ có Chúa Giêsu mới trở thành Nguồn Giải Thoát, đem lại Niềm Vui, Sức Sống, Hy Vọng cho cuộc đời! …Ngoài Chúa Giêsu thì trần gian này, kiếp sống này trở thành u sầu và ảm đạm. Có Chúa Giêsu, thì dù chúng ta có phải đối diện mọi nghịch cảnh thê lương, đau xót nhất, thì chính Chúa Giêsu sẽ biến tất cả khổ đau của kiếp người thành Niềm Hân Hoan Bất Tận!

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta cảm nhận được sức mạnh của Chúa trong cuộc sống để chúng ta biết phó thác cho Chúa cuộc đời chúng ta, để Chúa hướng dẫn chúng ta và để Chúa hoàn thành tất cả những gì là đẹp lòng Chúa.

3- Cầu nguyện :

Lạy Chúa, Chúa không chỉ là Cha của chúng con mà Chúa còn là chính gia nghiệp và là phần phúc của chúng con. Xin cho con biết đến với Ngài với niềm xác tín vào tình thương tròn đầy của Chúa.

4- Sống Lời Chúa :

Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến với Ngài cùng với những gánh nặng của cuộc đời, để Ngài đỡ nâng và xoa dịu cho chúng ta. Gánh nặng đó có thể là những lo lắng; những đổ vỡ, bất hoà trong gia đình hay trong các mối tương quan ngoài xã hội; những khó khăn, bất lợi và thất bại trong cuộc sống… Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu cùng với những gánh nặng ấy, để trong Ngài chúng ta được nghỉ ngơi, đón nhận tình yêu thương của Chúa, để  được tràn đầy sức mạnh của niềm tin và lấy lại sức mạnh cùng niềm hy vọng cho cuộc đời.

HOÀI THANH

Hãy đến cùng Giê-su

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28)

Suy niệm: Chúa Giê-su thật gần gũi và thân tình. Ngài quan tâm đến từng người và từng nhu cầu nhỏ bé của chúng ta. Và sự quan tâm của Ngài được thể hiện thật giản dị, cụ thể và hữu hiệu. Những lời nói ân cần của Ngài “hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” mạc khải cho chúng ta tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu của cha luôn thấu hiểu, biết con cái mình cần gì, và ban cho chúng điều tốt đẹp nhất, là tình yêu của mẹ, âu yếm vỗ về bằng một trái tim đong đầy yêu thương. Chúa đã tỏ lòng yêu thương thân tình như thế, chúng ta còn lý do gì để từ chối đón nhận tình yêu của Ngài nữa không?

Mời Bạn: Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta hãy đến với Ngài cùng với những gánh nặng của cuộc đời, để Ngài đỡ nâng và xoa dịu. Gánh nặng đó là những lắng lo và lầm lỗi của mỗi người; những đổ vỡ, bất hoà trong gia đình hay trong các mối tương quan; những khó khăn, bất lợi và thất bại trong công việc… Chúng ta hãy đến với Giê-su cùng những gánh nặng ấy, để trong Ngài chúng ta được nghỉ ngơi, được đổ đầy yêu thương, đổ đầy sức mạnh của niềm tin để lấy lại sức mạnh và hy vọng  cho cuộc đời.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành ra ít nhất là 5 phút “đến với Chúa Giê-su” để dâng đời sống ta cho Ngài và để cho Ngài đong đầy yêu thương của Ngài bằng Lời Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không chỉ là Cha của chúng con mà Chúa còn là chính gia nghiệp và là phần phúc của chúng con. Xin cho con biết đến với Ngài với niềm xác tín vào tình thương tròn đầy của Chúa.

Hãy sống yêu thương mọi người

Ghi nhớ: “ Anh em hãy mang lấy ách của Tôi và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường ” (Mt 11,29)

Suy niệm: Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mang lấy ách của Ngài. Ách đó chính là Giới răn yêu thương. “ Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em ” . Còn gì dễ chịu và êm ái hơn tình yêu không ? Khi đã có tình yêu thì việc tuân giữ những giới luật của Chúa sẽ trở nên nhẹ nhàng. Tình yêu của Chúa là tình yêu trao hiến. Để có được tình yêu của Chúa trong lòng ta, ta hãy đến với Chúa và hãy học cùng Ngài. Bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta là sự hiền hậu và khiêm nhường. Có hiền hậu và khiêm nhường thì tâm hồn ta mới đạt được sự bình an thư thái. Vậy là người Kitô hữu mang Đức Kitô trong mình có làm cho tôi đủ nghị lực trở nên dịu hiền, nhân lành, khiêm nhường chưa ?

Sống Lời Chúa: Hãy sống yêu thương mọi người.

Cầu nguyện : Lạy Chúa, mọi sự thiện hảo đều là của Chúa và xuất phát từ Chúa. Xin cho con biết yêu mến Luật Chúa truyền và trung thành sống theo Tin mừng của Chúa. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *