Hồng Y bưng bê phục vụ người nghèo như hầu bàn lại bị điều tra. Diễn biến đáng kinh ngạc ở Thụy Sĩ

1. Đức Thánh Cha Phanxicô ra lệnh thanh tra tông tòa Tổng Giáo Phận Köln của Đức Hồng Y Woelki

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ra lệnh khởi động một cuộc thanh tra tông tòa tại Tổng Giáo Phận Köln của Đức trong bối cảnh có những chỉ trích về việc giải quyết các trường hợp lạm dụng.

Diễn biến này khiến nhiều người lo ngại. Từ lâu, Đức Hồng Y Woelki đã là cái gai trong mắt nhiều người vì ngài cản trở Tiến Trình Công Nghị tại Đức. Chiêu bài “giải quyết các trường hợp lạm dụng tính dục” đã được dùng để đánh gục Đức Hồng Y.

Tổng giáo phận cho biết trong một tuyên bố ngày 28 tháng 5 rằng các vị thanh tra tông tòa của Đức Giáo Hoàng sẽ đánh giá “những sai lầm có thể xảy ra” của Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki.

Các vị khách thanh tra sẽ là Đức Hồng Y Anders Arborelius của Stockholm và Đức Giám Mục Johannes van den Hende của Rotterdam, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hà Lan.

“Trong nửa đầu tháng 6, các đặc phái viên của Tòa thánh sẽ đến thăm tổng giáo phận để có được bức tranh toàn cảnh về tình hình mục vụ phức tạp trong tổng giáo phận,” tuyên bố cho biết.

Tuyên bố nói thêm rằng các vị thanh tra cũng sẽ kiểm tra những sai sót có thể xảy ra của Đức Tổng Giám Mục Stefan Heße của Hamburg, người đã là Tổng đại diện của Tổng giáo phận Köln từ năm 2012 đến năm 2015, và các phụ tá của Köln là Đức Cha Dominikus Schwaderlapp và Đức Cha Ansgar Puff.

Đức Tổng Giám Mục Heße cho biết vào tháng 3 rằng ngài đã đệ đơn từ chức lên Đức Thánh Cha Phanxicô và yêu cầu được “ngưng ngay lập tức” mọi nhiệm vụ.

Hoan nghênh chuyến thăm của các vị thanh tra, Đức Hồng Y Woelki nói: “Vào tháng Hai, tôi đã thông báo một cách toàn diện cho Đức Thánh Cha ở Rôma về tình hình trong tổng giáo phận của chúng ta.”

“Tôi hoan nghênh thực tế là với chuyến viếng thăm tông tòa, Đức Giáo Hoàng muốn có được bức tranh của riêng mình về cuộc điều tra độc lập và hậu quả của nó.”

“Tôi sẽ hỗ trợ Đức Hồng Y Arborelius và Đức Cha van den Hende trong công việc của các ngài với niềm tin tưởng hoàn toàn. Tôi hoan nghênh mọi biện pháp sẽ giúp bảo đảm trách nhiệm giải trình”.

Vị Hồng Y 64 tuổi tuyên bố vào tháng 12 năm 2020 rằng chính ngài đã yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô xem xét lại các quyết định mà ngài đã đưa ra liên quan đến một linh mục bị buộc tội vào trong năm 2015.


Source:Catholic News Agency

2. Bảy nhà thờ Công Giáo Hương Cảng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn

Hôm 24 tháng 5, Ủy ban Công lý và Hòa bình của giáo phận Hương Cảng thông báo rằng 7 nhà thờ Công Giáo tại Hương Cảng cầu nguyện cho các nạn nhân Thiên An Môn vào này 4 tháng 6, đồng thời nói thêm rằng: “Vì nhiều lý do, có lẽ chúng ta không thể nói công khai, nhưng chúng ta không được quên lịch sử. Chúng ta hãy dâng thánh lễ xin Chúa, là Chủ của lịch sử, đoái nhìn những người đã chết trong mùa xuân và mùa hè năm 1989, trong khi theo đuổi sự thật”.

Theo một điện văn của đại sứ Anh quốc ở Trung Quốc hồi đó, có ít nhất 10,000 người bị giết trong biến cố Thiên An Môn, trong khi nhà nước Bắc Kinh nói là chỉ có 241 người chết và 7,000 người bị thương.

Năm nay là lần thứ hai chính quyền Hương Cảng cấm cử hành buổi canh thức cầu nguyện tưởng niệm biến cố thảm sát tại Thiên An Môn, Bắc Kinh, ngày 4 tháng 6 năm 1989.

Năm ngoái, dù có lệnh cấm, hàng chục ngàn người Hương Cảng đã tham dự buổi canh thức ở Công viên Victoria. Từ tháng Bảy năm ngoái, bắt đầu có đạo luật đặc biệt do nhà nước Bắc Kinh đề ra để đàn áp phong trào dân chủ. Từ đó, dưới chiêu bài an ninh quốc gia, hàng trăm người đối lập ở Hương Cảng đã bị bắt, bị cáo buộc và kết án tù. Tự do ngôn luận tại Hương Cảng ngày càng bị giới hạn. Giáo Hội Công Giáo tại Hương Cảng vốn giữ vai trò tích cực trong các buổi lễ tưởng niệm tại Hương Cảng.

Đức Giám Mục tân cử của Hương Cảng, Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan), trong quá khứ vẫn thường dự các buổi canh thức tưởng niệm Thiên An Môn, hôm 18 tháng 5 vừa qua, đã nói rằng có nhiều cách thức tưởng niệm và ngài sẽ cầu nguyện cho các nạn nhân và cho Trung Quốc.


Source:Catholic News Agency

3. Diễn biến đáng kinh ngạc: Giám mục Công Giáo Thụy Sĩ bổ nhiệm giáo dân làm đại diện cho giám mục

Một giám mục Công Giáo Thụy Sĩ đã thông báo rằng ngài sẽ bổ nhiệm anh chị em giáo dân làm đại diện cho ngài trong giáo phận của mình.

Đức Cha Charles Morerod, thuộc dòng Đa Minh, đã lãnh đạo Giáo phận Lausanne, Geneva, và Fribourg kể từ năm 2011, đã tiết lộ quyết định này trong một cuộc phỏng vấn ngày 25 tháng 5 với trang web của Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ kath.ch.

Ngài nói rằng ngài đã chọn hai giáo dân và một phó tế trong vai trò “giáo dân đại diện”, thay thế ba “linh mục đại diện” cho ngài.

“Nhờ phép rửa, giáo dân có một vai trò tích cực trong đời sống của Giáo Hội và không nên chỉ được giao phó cho việc chăm sóc các vấn đề hành chính, mà còn phải được trao các nhiệm vụ tích cực trong vấn đề chăm sóc mục vụ”, ngài nói.

“Sự hợp tác này là một điều tích cực. Nó đã tồn tại, nhưng chúng ta có thể phát triển nó một cách tích cực hơn nữa”.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng ba vị đại diện này giờ đây sẽ được gọi là “các đại diện giáo phận”.

Theo vị giám mục, các đại diện của ngài sẽ giải quyết “các vấn đề chuyên biệt” và thảo luận với ngài ở cấp giáo phận.

Bộ Giáo luật Giáo hội Latinh cho biết “Trong mỗi giáo phận, giám mục bản quyền phải bổ nhiệm một tổng đại diện để giúp ngài quản trị toàn giáo phận”.

Thay vì bổ nhiệm một tổng đại diện, vị Giám mục cũng có thể bổ nhiệm nhiều đại diện giám mục, mỗi người có thẩm quyền “được giới hạn trong một phần xác định của giáo phận, hoặc một loại hoạt động cụ thể, hoặc dành cho các tín hữu của một nghi lễ cụ thể, hoặc cho một số nhóm người nhất định”.

Đức Cha Morerod từng là hiệu trưởng của Đại Học Angelicum ở Rôma và tổng thư ký của Ủy ban Thần học Quốc tế. Ngài nói với kath.ch rằng ngài đã tham khảo ý kiến với Bộ Giáo sĩ của Vatican về những thay đổi này.

Ngài nói: “ Tôi đã nói chuyện với Bộ Giáo Sĩ chủ yếu về các vấn đề thuật ngữ. Chúng ta hãy cẩn thận để tránh ấn tượng rằng chúng ta chỉ đơn giản là thay thế một linh mục đại diện cho giám mục bằng một giáo dân đại diện”.

“Điều quan trọng là không gây ra bất kỳ sự nhầm lẫn nào có thể ảnh hưởng đến những vấn đề khác. Do đó, điều quan trọng là phải tham khảo ý kiến của Hội Thánh”.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 26 tháng 5 với kath.ch, vị giám mục 59 tuổi đã bác bỏ những gợi ý rằng những thay đổi nhằm tập trung quyền lực vào tay ngài, làm suy yếu nguyên tắc tản quyền được ưa chuộng trong Giáo Hội Công Giáo Thụy Sĩ.

“Bất cứ ai nói theo cách này có những giả định sai về giáo dân ở các vị trí lãnh đạo,” ngài nói.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *