Nghỉ ngơi bổ sức… (08.02.2020 – Thứ Bảy Tuần IV Thường Niên)

Tin Mừng: Mc 6,30-34

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô

30 Khi ấy, các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. 31 Người bảo các ông : “Anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. 32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. 34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

Nghỉ ngơi bổ sức… (08.02.2020 – Thứ Bảy Tuần IV Thường Niên)

Theo số liệu năm 2016 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế  (OECD) thì Hàn Quốc hiện đang có thời gian làm việc dài hơn bất cứ quốc gia phát triển nào: trung bình 2.069 giờ mỗi năm cho mỗi nhân viên. Và qua khảo sát phân tích được tiến hành trên 38 quốc gia cho thấy duy chỉ có người Mexico (2.225 giờ/năm) và Costa Rica (2.212 giờ/năm) là làm việc nhiều giờ hơn người Hàn Quốc nữa. Thời gian làm việc nhiều và dài đã đưa đến hệ lụy người lao động tử vong do những chứng bệnh liên quan đến căng thẳng ngày càng nhiều (đau tim, đột quỵ) hoặc đi đến tự sát do áp lực công việc.

Nhật báo Thanh Niên Trung Quốc thì cho biết khoảng 600.000 người Trung Quốc chết vì làm việc quá sức mỗi năm. Cứ mỗi ngày trôi qua, chừng 1.600 người ở quốc gia đông dân nhất thế giới lìa đời vì công việc.

Tin Mừng hôm nay thuật lại việc các tông đồ vui mừng tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết những việc các ông làm (chữa bệnh, trừ quỷ…) và mọi điều các ông giảng dạy. Tuy nhiên đi kèm với sự rạng rỡ, phấn khởi trên từng gương mặt các tông đồ thì có lẽ thầy Giê-su cũng nhận thấy sự bơ phờ, mệt mỏi nơi khuôn mặt các học trò của mình; vì các ông làm việc cả ngày với cường độ cao, không có thời giờ ăn uống vì bởi quá đông bệnh nhân, người bất hạnh kẻ lui người tới quá đông (x. Mc 6, 30-31).

Vì thế, Chúa bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra, đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút”. Lời dạy bảo này cho thấy Chúa Giê-su đã chú trọng quan tâm đến sự nghỉ ngơi thân xác lẫn tinh thần đối với các môn đệ.

Tục ngữ cũng có câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”. Đúng vậy, khi ta khỏe mạnh thì ta cảm thấy sảng khoái, hăng say làm việc và yêu đời – Và nếu biết kết hợp giữa sự vận động về thể xác với tinh thần thì cuộc sống sẽ trở nên hài hoà và thoải mái hơn. Về phần thiêng liêng, thì khi ta nghỉ ngơi, tâm thân lắng đọng, tâm hồn thanh thoát dễ dàng gặp gỡ Chúa trong tĩnh lặng, thanh vắng; dễ dàng xét mình qua những việc đã làm trong ngày giúp quân bình tâm lý ổn định hơn.

Lạy Chúa, xin cho con biết chạy đến bên Chúa để nghỉ ngơi, bổ sức lại cho thân xác cũng như tâm hồn; để con được kiên tâm bền chí, tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của con sẽ không trở nên vô ích (x. 1Cr 15,58). 

CÁT BIỂN

Lòng Thương (09.02.2019)

Các cố vấn xã hội và các bác sĩ trị liệu được dạy rằng khi đối xử với bệnh nhân, lúc nào họ cũng phải làm chủ cảm xúc của mình. Họ phải duy trì một khoảng cách nào đó. Lời khuyên này rất ý nghĩa. Mặt khác họ có thể không kiên định giữ một quan điểm cần thiết. Họ có thể bị bệnh nhân hoặc đối tượng lôi kéo và nguy cơ bị “đốt cháy”. Vì thế, lúc nào họ cũng phải giữ sự lãnh đạm nghề nghiệp.

Vì thế sự lãnh đạm và cách biệt ấy có thể được đẩy quá xa. Phẩm chất của mối quan hệ giữa bác sĩ trị liệu và bệnh nhân có thể còn quan trọng hơn các phương pháp và kỹ thuật. Thái độ lạnh lùng, cách biệt, không thiện cảm của người trị bệnh không có lợi cho việc chữa lành. Bệnh nhân phải cảm nghiệm sự ấm cúng, thiện cảm và sự chăm sóc mà khi đã lành bệnh, sẽ được thay thế bằng sự biến đổi và trưởng thành.

Những nhà tâm lý trị liệu thành công nhất là những người có khả năng bày tỏ sự ấm cúng và thấu cảm. Việc trị liệu tiến hành tốt nhất khi nhà trị liệu xúc động. Vì hoàn cảnh của bệnh nhân, và không ngần ngại cho bệnh nhân thấy điều đó. Nhà phân tâm học nổi tiếng Carl Jung nói “Tôi biết rằng chỉ những bác sĩ cảm nhận sâu xa nỗi xúc động do bệnh nhân gây ra mới có thể chữa lành”. Và Scott Peck, tác giả cuốn The Road Less Travelled, còn đi xa hơn khi nói rằng điều chủ yếu đối với nhà trị liệu là yêu thương bệnh nhân để việc trị liệu thành công.

Nếu bạn là bệnh nhân, khi bạn gặp một người dường như hiểu rõ bạn mà không cần phân tích bạn hoặc phán đoán về bạn, bạn thấy mình dễ dàng cởi mở hơn. Khi bạn biết rằng người mà bạn tin cậy cảm nhận nỗi đau của bạn, điều ấy làm bạn muốn mình khỏe lại.

Vẫn còn những nhà chuyên môn luôn đi qua với thái độ lạnh lùng với những người rất dễ bị tổn thương. Nhiều người không có khả năng ứng xử với sự đau khổ. Hẳn bạn từng nghe có người nói “Tôi sẽ không bao giờ làm bác sĩ hay y tá – Thấy người ta đau đớn tôi không chịu được”. Nhưng bác sĩ và y tá tốt nhất rõ ràng là những người không thể cam lòng nhìn người khác đau khổ, vì thế mà họ cố hết sức làm vơi nhẹ nỗi đau. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có những giới hạn.

Trong khi các nhà chuyên môn cố giữ khoảng cách thì những người làm công việc chăm sóc nghiệp dư thường quan tâm đến bệnh nhân nhiều hơn. Nhà chuyên môn hay coi thường người làm nghiệp dư, tuy vậy người làm nghiệp dư đôi khi lại làm được việc nhiều hơn. Điều này không làm bạn ngạc nhiên nhận ra rằng trong từ “nghiệp dư” (amateur) có ngữ căn của tiếng Latinh amare, có nghĩa là “yêu thương”. Xét về lâu dài, tình yêu thương là vật chữa lành.

Đức Giêsu không cách biệt với người bệnh. Người bày tỏ sự chăm sóc và lòng thương xót đối với những người đau khổ. Và Người không ngần ngại cho người bệnh thấy Người chăm sóc lo lắng cho họ. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta một tấm gương về điều đó. Khi ra khỏi thuyền lên bờ, Đức Giêsu đã nhìn thấy một đám người rất đông, nhưng như một tập hợp những cá nhân. Mỗi người có những vấn đề và những nỗi lo âu. Đức Giêsu thương xót họ, chỉ vì họ mang thương tích và cần đến Người.
Việc chăm sóc chủ yếu là vấn đề của trái tim. Ngày nay những sự quan tâm, tận tụy ít làm người ta kiệt sức hơn nỗ lực tạo ra những rào chắn bảo vệ mình, vì rằng người ta biết làm thế nào để làm đầy lại nguồn năng lực dự trữ. Những người ban tặng chính mình đồng thời cũng tích chứa lại cho mình một cách nào đó.

Người lãnh đạo (03.02.2018)

Trong lịch sử nhân loại, mỗi đất nước, mỗi bộ tộc đều phải có sự lãnh đạo của người đứng đầu. Đó có thể là vua, là tộc trưởng, là tổng thống, thủ tướng… nhưng dù mang tước hiệu gì, họ đều phải gánh vác trên vai một trách nhiệm nặng nề – lãnh  và xây dựng  đất nước hay bộ tộc của họ. Người lãnh đạo mang một trọng trách vô cùng lớn lao mà không phải ai cũng có thể làm được.

Từ xa xưa, vai trò của người lãnh đạo luôn được coi trọng, nếu thiếu vắng sự lãnh đạo, một đất nước sẽ như rắn mất đầu, không thể phát triển được. Dù được tin tưởng, tín nhiệm hay không, trách nhiệm của họ vẫn không hề nhẹ, những quyết định được đưa ra từ họ có thể gây ảnh hưởng to lớn đến sự tồn vong của những người chịu sự lãnh đạo của họ.

Trong lịch sử nhân loại, rất nhiều dân tộc vươn lên, phát triển vượt bậc nhờ tài lãnh đạo của nhà cầm quyền. Tuy nhiên, vẫn có không ít những nhà lãnh đạo đã đưa đất nước lên đà suy vong. Chẳng hạn, ở Việt Nam, quyết định nhượng bộ của triều đình nhà Nguyễn vào những năm Pháp bắt đầu lăm le bờ cõi đã khiến đất nước từng bước một rơi vào tay giặc. Đó không phải là sự đốn mạt của triều đình phong kiến mà là sự lạc hậu, kém phát triển của đất nước so với các quốc gia phát triển ở châu Âu mà đại diện ở đây là Pháp. Tuy nhà vua không bán nước cho Pháp nhưng chính sự lãnh đạo non kém đã khiến ta mất nước.

Hay như nhà lãnh đạo độc tài của Đức là Adolf Hitler – tên trùm phát xít, kẻ đã gây ra Đệ nhị thế chiến đẫm máu. Không thể phủ nhận tài năng của hắn, chính sự lãnh đạo tài tình của Hitler đã vực dậy nền kinh tế trì trệ của Đức sau Đệ nhất thế chiến, khiến hắn có uy tín cao trong lĩnh vực chính trị. Thế nhưng, cũng chính sự lãnh đạo của hắn đã khiến nước Đức rơi vào cảnh khốn cung sau thất bại ở Thế chiến thứ hai. Qua đó, ta có thể thấy được sự ảnh hưởng sâu sắc của quyết định bởi nhà lãnh đạo đối với sự tồn vong của cả dân tộc.

Vào thời của Chúa Giêsu, dân Do Thái phải sống trong cảnh làm thuộc địa của đế quốc La Mã. Họ khát khao một Đấng lãnh đạo đưa dân thoát khỏi ách nô lệ ấy. Do đó, sự xuất hiện cùng quyền phép cao siêu của Đức Kitô đã khiến họ say mê, sùng kính. Họ tìm đến Người cũng chỉ mong rằng Người sẽ chữa lành và ban của ăn nuôi dưỡng họ. Nhìn đoàn người đông đảo, Người không thể bỏ mặc họ mà chạnh lòng thương, Người thương họ vì họ như đoàn chiên không người chăn dắt, là dân tộc thiéu vắng người lãnh đạo tận tình.

Trong xã hội ngày nay, tuy chúng ta có những người lãnh đạo, nhưng có vẻ họ chưa hoàn thành tốt trách nhiệm của mình, bất công vẫn tràn ngập trên đất nước chúng ta. Là những người Kitô hữu, chúng ta phải vừa biết tỉnh táo để nhận ra sự yếu kém của họ, nhưng cũng vừa phải biết cầu nguyện cho họ. Để từ đó, họ có thể hiàn thành tốt trách nhiệm của mình đối với đất nước.

Lạy Chúa, tuy chúng con đang sống dưới sự lãnh đạo của các nhà cầm quyền, thế nhưng có vẻ khả năng họ chưa đủ để có thể đưa đất đước tiến đến đà phát triển. Xin Ngài soi sáng cho họ, để họ biết tỉnh thức, không còn lầm đường lạc bước, biết thực hiện tốt trách nhiệm của một nhà lãnh đạo. Để đất nước chúng con không cần trở thành “con hổ” trong tưởng tượng của họ mà chỉ cần thoát khỏi sự khinh thường, chế nhạo của bè bạn năm châu là quá đủ. Xin Ngài cũng cho chúng con biết tỉnh táo, để chúng con có thể nhận ra điều gì là thật, điều gì là giả dối, để chúng con trở nên những công dân sáng suốt, không bị dắt mũi bởi bọn gian trá bất nhân. Amen.

Petrus Sơn

Làm việc và nghỉ ngơi (06.02.2016)

SUY NIỆM

Trình thuật Tin Mừng hôm nay thuật lại chỉ thị của Đức Giêsu cho các môn đệ khi các ông được chia sẻ sứ vụ rao giảng Tin Mừng với Người.

Sau khi các môn đệ vâng lời Đức Giêsu ra đi rao giảng về Nước Trời và giáo lý của Người cho các thành, các làng mạc trong miền Ga-li-lê trở về; các ông quây quần bên Đức Giêsu và tỉ mỉ tường trình với Người các hoạt động của mình. Các ông hân hoan vì đã hoàn tất sứ vụ được trao.

Trong khi đó, dân chúng tiếp tục tìm đến với Đức Giêsu để nghe người giảng dạy; và dĩ nhiên các môn đệ sẽ lại tất bật đón tiếp họ và giúp Đức Giêsu thi hành sứ vụ của Người. Nhưng  Đức Giêsu bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.”

Rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối là điều cấp bách, cần thiết phải làm và làm ngay nhưng việc nghỉ ngơi cũng là một nhu cầu thiết yếu trong hoạt động của các môn đệ; vì thế, Đức Giêsu muốn các ông “nghỉ ngơi đôi chút”. Việc nghỉ ngơi Đức Giêsu đề nghị với các môn đệ bao gồm ba yếu tố: – Ngưng những việc đang làm; chọn một địa điểm thanh vắng yên tĩnh; dành đôi chút thời gian cho riêng mình.

  • Ngưng những việc đang làm

Sau chuyến công tác do Đức Giêsu sai đi, các môn đệ đang phấn khởi bởi những kết quả thâu lượm được; bầu nhiệt huyết đang bùng cháy khiến các ông quên hết mệt nhọc chỉ muốn lăn xả vào việc loan báo Tin Mừng cùng với Đức Giêsu; nhưng Người nói với các ông tạm ngưng, để khỏi phải bận tâm đến công việc mà nhớ lại, ngắm nhìn lại những kết quả đã gặt hái được, để thấy những điều tốt lành mà tạ ơn Thiên Chúa; thấy những điều còn thiếu sót mà bổ sung chấn chỉnh và thấy những điều sai lệch mà tránh, mà loại trừ. Những trang đầu sách Sáng Thế Ký đã đề cao phương thức này khi nói về hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa: “Khi làm xong mọi công việc của Người, ngày thứ bảy, Thiên Chúa nghỉ ngơi. Thiên Chúa ban phúc lành cho ngày thứ bảy và thánh hoá ngày đó, vì ngày đó Người đã nghỉ, ngưng làm mọi công việc sáng tạo của Người” (St 2, 1-3).

  • Tìm nơi thanh vắng

Thói quen của Đức Giêsu sau một ngày vất vả rao giảng, Người hay tìm đến nơi thanh vắng. Ở đó Người gặp gỡ, tâm sự với Thiên Chúa Cha và xin chỉ thị của Ngài. Bầu khí thinh lặng, thanh vắng sẽ là cơ hội thuận tiện để các môn đệ gặp lại chính con người yếu đuối và nhận ra các ân sủng Thiên Chúa đã ban cho mà tạ ơn đồng thời chuẩn bị cho các hoạt động sắp tới của mình.

  • Nghỉ ngơi đôi chút

Là khoảng thời gian để cho thân xác và tâm trí được thư thái, thanh thản. Thời gian nghỉ ngơi mặc dù “đôi chút, ít ỏi” nhưng đủ bù đắp những hao tổn sức lực và tinh thần các môn đệ đã dành cho sứ vụ mà các ông được chia sẻ với Đức Giêsu

Trình thuật Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy niềm khao khát được nghe Đức Giêsu giảng dạy của dân Do Thái, họ biểu lộ mạnh mẽ qua nỗ lực tìm kiếm và gặp gỡ Người: “Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài”. Thế nên, hành trình trên con thuyền vượt biển hồ, trong khung cảnh tĩnh lặng của mặt hồ, trong bầu khí ấm cúng, thân mật bên Đức Giêsu, các môn đệ đã thực hiện một cuộc nghỉ ngơi trọn vẹn ý nghĩa bên Người; và khi cho thuyền vào bờ, thấy dông đảo dân chúng đã chờ sẵn thì Người lại bắt đầu giảng dạy cho họ.

Hoạt động của người tín hữu hôm nay bao gồm cả hai lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên: vừa phải vất vả lao động tay chân, trí óc, để đáp ứng nhu cầu của đời sống trần thế; vừa phải nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc đích thật cho đời sống siêu nhiên; lẽ thường tình phải đầu tư, phải tiêu hao sức lực, tâm huyết. Do đó, cần phải được bù đắp, phục hồi những hao tổn mất mát đó bằng cách nghỉ ngơi phù hợp: Tận hưởng những ngày nghỉ cuối tuần với niềm vui và hạnh phúc trong bầu khí thánh thiện với gia đình hoặc bạn bè. Đặc biệt, hãy nắm bắt những cơ hội thuận tiện để thực hiện cuộc “nghỉ ngơi đôi chút” trong hành trình Kitô hữu: “Thánh hóa bản thân và loan báo Tin Mừng cho tha nhân” bằng cách tích cực:

– Tham dự các buổi tĩnh tâm do đoàn thể, giáo xứ hoặc tu hội tổ chức;

– Sống tinh thần Năm Thánh được giáo hội khai mở.

Đó là những cơ hội thuận tiện và hữu hiệu để phục hồi những hao tổn, bù đắp thêm ân sủng để tiếp tục hành trình của mình.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay: Mời gọi các môn đệ của Đức Giêsu nói chung và riêng mỗi người chúng ta hãy chú tâm đến việc dành thời giờ để: nghỉ ngơi, kiểm điểm và tài bồi thêm sức mạnh thiêng liêng nhờ đó kiên vững hơn trong sứ vụ đã lãnh nhận

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin cho con ý thức được giá trị đích thực của việc nghỉ ngơi trong hoạt động tông đồ và biết tận dụng những cơ hợi thuận tiện trong đời sống Kitô hữu (những thời gian quý báu là các buổi tĩnh tâm, các năm thánh được Giáo hội khai mở) để chúng con kín múc ân sủng của Chúa.

SỐNG TIN MỪNG

Dành thời gian để duyệt xét những việc tông đồ, bác ái đã làm; cầu nguyện và nỗ lực cộng tác với ân sủng của Chúa sống ơn gọi nơi bí tích Thanh tẩy.

Đốm Lửa

Về lại bên Chúa

Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (Mc 6,30).

Suy niệm: Cơ thể con người cần theo một nhịp điệu cố định: lao động miệt mài rồi nghỉ ngơi, thư giãn. Mải mê làm việc mà không nghỉ ngơi sẽ sớm bị kiệt sức: đã có những người Nhật gục chết trên bàn giấy vì làm việc quá độ. Trái lại, chỉ biết thư giãn, rong chơi mà không làm việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đời mình trở nên vô nghĩa. Trong đời sống thiêng liêng, người môn đệ Chúa Ki-tô cũng có một nhịp điệu nền tảng: ở với Chúa va được sai đi, rồi về lại bên Chúa và nghỉ ngơi. Nhịp điệu ấy được chính Thầy Giêsu truyền lại cho các môn đệ khi các ông qui tụ quanh Ngài để tường trình chuyến thực tập truyền giáo thành công. Đó cũng là một nhịp điệu theo vòng tròn đồng tâm, vì trung tâm và động lực của mọi sinh hoạt đời sống Ki-tô hữu là Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Dầu bạn là ai, đang ở trong bậc sống nào, về lại bên Chúa là nhịp điệu cần thiết để duyệt xét lại đời sống, quy chiếu mọi hoạt động đời mình về Chúa, cả những thành công và thất bại, để có định hướng mới tốt hơn và hiệu quả hơn trong việc phụng thờ Chúa. Về lại bên Chúa cũng là lúc bạn được Chúa cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng tâm hồn bằng ân sủng của Ngài.

Sống Lời Chúa: Cuối một ngày, cuối một tháng, ngày cuối năm là cơ hội thuận tiện tôi dành ít thời gian nhìn lại, lượng giá hoạt động của mình và rút kinh nghiệm cho thời gian sắp đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm về lại bên Chúa những lúc vui hay buồn, thành công hay thất bại, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh giúp con bước tiếp hành trình sứ mạng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *