Mới và cũ (02.07.2016 – Thứ Bảy sau Chúa Nhật XIII Thường Niên năm C)

Lời Chúa:  Mt 9,14-17


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu

14 Khi ấy, các môn đệ ông Gio-an tiến lại hỏi Đức Giê-su rằng : “Tại sao chúng tôi và các người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay ?” 15 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, đang khi chàng rể còn ở với họ ? Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ, bấy giờ họ mới ăn chay. 16 Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá sẽ co lại, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. 17 Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, bầu sẽ bị nứt : rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu mới : thế là giữ được cả hai.”

SUY NIỆM

Bài Tin Mừng hôm nay trình bày sự đối lập giữa cái cũ và mới; đồng thời chỉ ra phương thế để không những vẫn bảo toàn được chúng mà còn nâng cao giá trị và đem lại lợi ích nhiều hơn. Theo trình thuật, những môn đệ của ông Gio-an Tiền hô là những người có đời sống khắc khổ, nhiệm nhặt, họ chú tâm thực hiện việc sám hối, cầu nguyện để trông mong chờ đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát dân tộc. Cũng như những người Pha-ri-sêu nhiệt thành, họ tự nguyện ăn chay nhiều ngày trong tuần để thực hiện lý tưởng của mình. Khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu không mấy quan tâm đến việc ăn chay; họ đến gặp Đức Giêsu và đặt vấn đề: “Tại sao môn đệ của ông lại không ăn chay”; ý họ muốn nói đến việc giữ chay “tự nguyện” mà không do luật buộc.

Theo Do Thái giáo, chay tịnh là một điều luật bắt buộc mà  bất cứ người Do Thái nào cũng phải tuân thủ để giữ cho tâm hồn thanh khiết, nhờ đó dễ dàng quy hướng về Thiên Chúa mà đền tội, cầu xin ơn tha thứ và nhất là chờ đón Đấng Cứu Thế. Tuy nhiên, luật Mô-sê chỉ buộc mỗi năm phải ăn chay một lần vào ngày “Xá tội” (Lê-vi 16, 19-31). Lâu ngày việc giữ chay trở nên như một hình thức: Thời gian ăn chay  nhiều hơn (những người Pha-ri-siêu chính thống giữ chay 2 ngày trong tuần); khi ăn chay phải làm ra vẻ mặt ủ dột, nhịn ăn, bớt uống và để cho mọi người biết mà kính nể; những người này có xu hướng yêu thích hình thức bên ngoài. Một số người khác thì sống khắc khổ, ăn uống nhiệm nhặt như ông Gioan Tiền hô và các môn đệ (ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và uống mật ong rừng) để chiêm niệm, sám hối và đợi chờ Đức Chúa ngự đến. Thấy các môn đệ của Đức Giêsu không ăn chay như họ, họ có ý chê trách.

Đọc được suy nghĩ của những người này, Đức Giêsu đã mượn hình ảnh của chú rể và bạn bè trong ngày cưới để mặc khải về chính Người và các môn đệ; qua đó Người trả lời cho họ lý do tại sao các môn đệ của Người không ăn chay. Đức Giêsu không phủ nhận việc ăn chay, nhưng Người chú trọng đến ý nghĩa và tinh thần tuân giữ lề luật.

Hình ảnh chú rể trong ngày cưới mang đậm nét hân hoan vui mừng, không chỉ riêng tân lang – tân nương mà cả bạn bè cùng mọi người thân thuộc cũng như láng giềng. Vì thế trong những ngày này chay tịnh không thể làm mất đi niềm vui mừng vì chú rể và bầu khí của ngày cưới còn đó. Câu trả lời của Đức Giêsu đã mặc cho việc chay tịnh một tinh thần mới, một cái nhìn rộng hơn, không còn gò bó và vụ hình thức vì lề luật. Hình ảnh chú rể còn ám chỉ về Đức Giêsu, Đấng Mê-si-a đã đến và đám cưới là một bữa tiệc vui ơn cứu độ mà Người cùng các môn đệ và nhân loại đang cử hành; Đức Giêsu đến thổi vào thế gian một luồng thần khí mới để thay đổi não trạng của người Do Thái, Người đem Tin Mừng đến để giải thoát và cứu độ It-ra-en, và Người mong muốn họ đón nhận trong tinh thần và sự thật.

Thực tế, giữa giáo lý của Đức Giêsu và lề luật Mô-sê có nhiều điểm khác biệt, tương phản. Đức Giêsu đã dùng hình ảnh “lấy vải mới để vá những chỗ thủng, rách” của chiếc áo cũ cho thấy đã đến lúc lề luật Môsê, luật của Giao ước Si-nai phải nhường chỗ cho cho Giao ước mới mà Người thiết lập sau này. Người còn nói thêm rượu mới không thể đựng trong bầu da cũ vì tinh chất rượu mới sẽ làm hỏng bầu da đã mục nát; vì thế, rượu mới phải chứa trong bầu da mới. Tin Mừng Cứu độ mà Đức Giêsu đem đến cho nhân loại phải được đón nhận với một tinh thần mới, một nghị lực mới, nghĩa là phải canh tân đời sống một cách triệt để theo Thần khí và Tin Mừng của Người.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

-Trong hành trình tìm kiếm Nước Trời; cần chú trọng đến tinh thần, nội tâm hơn là hình thức giả tạo bề ngoài.

– Phải thay đổi, loại trừ những quan niệm hẹp hòi, ích kỷ, lỗi thời; để có thể hòa hợp, đáp ứng được những nhu cầu của Tin Mừng trong thời đại mới.

– Tin Mừng Cứu độ của Đức Giêsu phải được đón nhận bằng một thái độ chân thành, một tinh thần mới đó là khiêm tốn, sám hối và nhiệt thành yêu mến.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã đến thế gian và đem Tin Mừng cho chúng con; xin cho con biết cộng tác với ơn Chúa để biến đổi cuộc đời mình thành áo mới, bầu da mới; nhờ đó con có thể lưu giữ Chúa và ân sủng của Ngài mà trở nên một con người hoàn hảo hơn.

SỐNG TIN MỪNG

Quảng đại, hy sinh, khiêm tốn, chân thành tuân giữ lề luật và thực thi tinh thần Tin Mừng.