Vâng lời chịu lụy (29.12 – Ngày V trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Thánh Tô-ma Béc-két, giám mục, tử đạo

Lời Chúa: 1 Ga 2,3-11, Lc 2,22-35

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 2,22-35)

22 Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23 như đã chép trong Luật Chúa rằng : “Mọi con trai đầu lòng phải được thánh hiến, dành riêng cho Chúa”. 24 Ông bà cũng lên để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. 25 Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. 26 Ông đã được Thánh Thần linh báo là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. 27 Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để làm điều người ta quen làm theo luật dạy, 28 thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng :

29“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

33 Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người ta nói về Người. 34 Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi : “Cháu bé này được đặt làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. 35 Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà. Như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.”

Vâng lời chịu lụy (29.12.2023)

Chúng ta đang sống trong những ngày Bát nhật Giáng Sinh. Niềm vui đón Chúa đến còn đang rộn ràng trong tâm hồn mọi người. Trong tâm tình ấy hôm nay chúng ta chiêm ngắm việc Đức Mẹ Maria và Thánh Giuse mang Hài nhi Giêsu lên đền thờ Giêrusalem để chu toàn hai bổn phận theo lề luật: Thanh tẩy cho Mẹ Maria sau khi sinh con và dâng Đức Giêsu là con trai đầu lòng cho Thiên Chúa.

Ý nghĩa của việc dâng con trai đầu lòng cho Chúa đã được chính Thiên Chúa xác định là để dân Do Thái nhớ đến việc Thiên Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ mà đưa dân ra khỏi Ai Câp, để dân nhớ đến cuộc Vượt qua (x. Xh 13,11-16).

Dù biết rằng mình đang mang những trọng trách cao cả là mẹ và cha nuôi của Đấng Cứu thế, nhưng Thánh Giuse và Mẹ Maria vẫn tuân giữ và chu toàn tất cả những luật lệ. Khiêm nhường và vâng lời Thiên Chúa rõ ràng là thuộc tính của những người đạo đức hết lòng tin tưởng và phó thác mọi sự vào Thiên Chúa. Sau này khi Chúa Giêsu đi rao giảng Người chẳng những đã tuân giữ các lề luật mà còn hoàn thiện nâng lề luật lên một giá trị mới.

Trong bài dọc I trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ, Thánh nhân dã khẳng định những ai biết Chúa thì tuân giữ giới răn của Người. Còn những ai biết Chúa mà không giữ giới răn của người thì kẻ đó là người nói dối. Mẹ Maria và Thánh Giuse là những người biết Chúa nên các Ngài luôn tuân giữ các giới răn của Ngài. (Lưu ý từ “biết” trong Thánh Kinh không đơn giản chỉ biết như những kiến thức, ý niệm tiếp súc, nhưng là hiểu tường tận, sâu sắc, sống với, thực hành điều biết ấy.)

Lễ vật hai ông bà dâng lên Chúa là “một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con”, tức là lễ vật đơn giản nhất theo Luật, cũng có nghĩa là hai người đều nghèo.

Khi hai ông bà dâng Chúa Hài nhi trong đền thờ thì có cụ già Simêon, một người công chính, đã được Thánh Thần mách bảo ông sẽ không chết trước khi thấy Ơn Cứu Độ. Được Thánh Thần thúc đầy, cụ đã tới Đền Thờ đúng lúc cha mẹ Hài nhi đang làm các nghi lễ dâng cho con trẻ cho Chúa. Cụ đã đã nhận ra con trẻ chính là Đấng Cứu thế. Cụ đã vui sướng được ẵm Chúa Hài nhi trên tay mà ca tụng Thiên Chúa, đồng thời cụ rất vui sướng loan báo cho những người khác về tin vui Đấng Cứu Độ đã viếng thăm dân Người.

Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu lên Thiên Chúa là khởi đầu thực hiện cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu.

Cụ già Simêon đã mãn nguyện khi được ẵm Chúa Hài Đồng trên tay và cụ xin Chúa cho cụ được ra đi bình an.

Mừng đại lễ kỷ niệm Chúa Giáng Sinh, mỗi Kitô hữu chiêm ngắm Mầu Nhiệm Ngôi Hai giáng trần để học từ những mẫu gương của các vị Thánh trong sự kiện này.

Trước hết là gương khiêm cung và vâng lời của Mẹ Maria và Thánh Giuse. Hai vị đã không vì mình được Thiên Chúa ban tràn đầy ân sủng mà sao nhãng việc tuân giữ Lề Luật. Nhờ cầu nguyện với Chúa Giêsu, Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, người Kitô hữu biết từ bỏ ý riêng mà vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Biết khiêm tốn nhìn nhận những thiết sót của mình trong sinh hoạt cộng đoàn để cùng nhau tham gia cách nhiệt tình qua sứ vụ được mời gọi, cùng nhau bước đi trong tình thần Hiệp Thông, Hiệp Hành của Giáo hội.

Đối với những bậc Kitô hữu đang ở bậc cha mẹ, phải ý thức con cái là quà tặng vô giá Thiên Chúa đã ban, vì vậy hãy dâng chúng cho Chúa và hết lòng hướng dẫn, giáo dục chúng thành những đứa con ngoan của Chúa và người tốt của xã hội.

Người Kitô hữu phải cảm nhận được mình hạnh phúc hơn cụ Simêon xưa. Cụ chỉ được bồng ẵm Chúa Hài nhi trên tay mà đã mãn nguyện để chết bình an, nhưng Kitô hữu còn được hơn thế nữa vì đã được ăn uống chính Máu Thịt của Chúa. Vì vậy Kitô hữu phải đi loan báo Tin Mừng Nước Trời cho những người mình gặp gỡ.

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin Chúa cho chúng con biết theo gương Mẹ Maria mà vâng lời chịu lụy, là biết giữ trọn lề luật trong đức tin và tình mến. Từ đó, chúng con không còn sống theo ý riêng mình mà biết vâng nghe tiếng Chúa mỗi ngày để chúng con hiến dâng đời mình làm của lễ đẹp lòng Chúa.

Xin cho trong cuộc sống chúng con luôn tỉnh thức và sẵn sàng đón ngày Chúa đến, để mỗi người chúng con được như cụ Simêon vào giây phút cuối đời mình cũng được thưa với Chúa: “Lạy Chúa, xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an” trong Tình yêu của Chúa.

Jos. NM Tưởng 

Trung tín với lề luật (29.12.2022)

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thánh tẩy Đức Trinh Nữ đã được thánh sử Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong sách Lê-vi Lv 12,8 và Xuất Hành 13,2. Trung tín với lề luật, Mẹ Maria và thánh Giuse đã đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Trong biến cố trọng đại này, làm nổi bật lên hai đặc điểm sau đây:

– Chu toàn lề luật.

– Cộng tác trong chương trình cứu độ.

  1. Chu toàn lề luật.

Biến cố Mẹ và thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền thánh để dâng cho Thiên Chúa được Tin Mừng Luca lồng ghép hai nghi thức thánh tẩy cho Mẹ sau khi sinh và dâng Đức Giêsu (Con đầu lòng) cho Thiên Chúa thành một. Có người cho rằng đây là một cách Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Luca muốn diễn tả biến cố này là một sự thánh tẩy đền thờ hơn là Mẹ được thanh tẩy. Thật vậy, cách trích dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy Luca chú ý đến tính thần học hơn là về phương diện lịch sử.

Có lẽ thánh ký Luca không quan tâm lắm đến việc Mẹ cần tẩy uế, vì Người không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587), đền thờ đã trở nên trống rỗng và xem như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền thờ lại được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế.

Cách kể chuyện của Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đến thánh như là một cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu ước với Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước). Trong khi Matthêu cố minh chứng Đức Giêsu chính là Môisê mới, thì có vẻ như Luca lại thích áp dụng Đức Giêsu như là vị ngôn sứ Samuel mới. Thực ra Luca thấm nhuần hình ảnh của Samuel từ bài ca của bà mẹ hiếm muộn Anna, cho đến việc Samuel được bà Anna dâng vào đền thờ để phục vụ Thiên Chúa (x. 1Sm 1, 22-28); còn “cha mẹ Đức Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người” (Lc 2, 27). Điều này cho thấy Giuse và Maria tuân giữ lề luật rất kỹ càng, làm cho việc “sống dưới lề luật” của Đức Giêsu càng nổi bật.

  1. Cộng tác trong chương trình cứu độ.

Lời tiên báo của ông Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn hồn Bà” (Lc 2, 35) là một mặc khải về viễn tương đau khổ của Đức Giêsu cũng như của chính Mẹ Maria, và từ đó cùng với Con mình, Mẹ Maria bước vào cách mãnh liệt sự hiệp thông cứu chuộc, để tâm hồn nhiều người được tỏ lộ, Mẹ đồng hành với công cuộc truyền giáo của Con và kết hiệp với hy tế của Con (sosio passionis) hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho con người. Lời của ông Simeon như một cuộc truyền tin thứ hai cho Mẹ; vì đã cho Mẹ thấy chiều kích cụ thể trong lịch sử, trong đó Con của Mẹ sẽ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự cứng tin và trong đau khổ. Một mặt, nếu lời loan báo này xác nhận niềm tin của Mẹ vào việc Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa, thì mặt khác cũng cho thấy Mẹ phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu Độ khổ đau; chức năng Từ Mẫu của Mẹ sẽ nằm trong bóng tối và sự đau xót. Đặc biệt, dưới chân thánh giá, nhờ lòng tin, Mẹ chia sẻ vào mầu hiệm kinh hoàng của sự tự hạ. Có lẽ đó là sự tự hạ (kénosis) sâu xa nhất của đức tin trong lịch sử loài người. Nhờ đức tin, Mẹ Maria tham dự vào cái chết cứu độ của Con mình; nhưng khác với đức tin của các môn đệ đang chạy trốn, đức tin của Mẹ thật chói ngời. Qua thập giá, Đức Giêsu đã chứng thực cách dứt khoát trên đồi Calvê rằng Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng” như ông Simeon đã báo trước. Đồng thời, ở nơi đó những lời nói về Mẹ cũng thành tựu: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà”.

Cũng như Đức Kitô đã chấp nhận chịu thử thách đau khổ không phải do tội của Người, mà là vì gánh lấy tội thế gian, Mẹ thánh thiện đã chịu đau khổ nhiều khi dâng lên Chúa Cha sự đau khổ của Đức Kitô và sự đau khổ của chính mình như Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ thông hiệp đầy đủ vào hy tế của Con trong giai đoạn có tính cách lịch sử của nó. Sự đau khổ của Con Thiên Chúa thì vô cùng và sự đau khổ của Mẹ cũng thật lớn lao.

 Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Xin cũng giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria mà cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân trần. Amen.

Ánh sáng Tin Mừng bình an (29.12.2021)

“Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân” (Lc 2, 32).

Thánh Giuse và Mẹ Maria đem Hài Nhi Giê-su lên đền thờ dâng cho Thiên Chúa theo đúng Luật Môi-sê. Cụ Simêon được nhìn tận mắt, ẵm tận tay Đấng Cứu Thế, thì hạnh phúc mãn nguyện cất lên bài thánh ca tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa: “Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa”. Vâng, Hài Nhi Giê-su là Ánh Sáng chiếu soi các lương dân, những con người có lòng khát khao sống hiền lành lương thiện. Cụ còn nói tiên tri về Đức Giê-su và Mẹ Người: “Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.

Cho đến nay, lời tiên tri của cụ Simêon vẫn còn ứng nghiệm trong mỗi gia đình chúng ta. Ai có lòng khát khao điều công chính, lương thiện, sẽ được ánh sáng Tin Mừng chiếu soi, hướng dẫn đến đích trọn hảo. Gia đình nào đón nhận Lời Chúa và Thánh Thể Chúa Giê-su với lòng tin cậy mến sẽ khôi phục lại hạnh phúc bình an sau những ngày bi đát đau thương, và vợ chồng sẽ giữ vững được giao ước hôn phối thánh thiện trước những thách đố cuộc đời. Cùng với Mẹ Maria, những người làm vợ, làm mẹ trong gia đình luôn vững lòng dâng hiến, luôn hết lòng hy sinh lớn lao cho gia đình được êm ấm, an vui. Đau khổ vì yêu của các bà mẹ, là vinh dự, là hạnh phúc lớn lao cho chồng, cho con, và cho cả gia đình, dòng tộc.

 Lạy Chúa, xin cho ánh sáng Tin Mừng Bình An chiếu soi các tâm hồn trong mỗi gia đình chúng con. Amen.

BCT

Chính mắt con được thấy ơn cứu độ (29.12.2020)

Tin Mừng hôm nay ta thấy niềm vui tột độ của một cụ già, khi  được gặp một trẻ thơ trong đền thờ Giêrusalem, cụ nhận ra đó là Chúa Cứu Thế.

Là Thiên Chúa, Chúa Giêsu đến trần gian mang thân phận con người cứu chuộc nhân loại, Người cũng đã tuân giữ lề luật tôn giáo thời ấy. Hôm nay “Bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem để tiến dâng cho Thiên Chúa” cùng với những lễ vật. Hôm nay sứ mệnh Chúa Cứu Thế bắt đầu được tỏ bày qua môi miệng cụ già Simêon. Cụ là “người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ítraen, và Thánh Thần hằng ngự trong ông”. Ông chính là số những người sống mẫu mực của dân Ítraen, âm thầm chờ mong, tin tưởng, cầu xin Chúa Cứu Thế ngự đến. Vì vậy ông đã được “Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa”.

Hạnh phúc thay, lòng khát khao, lòng tin tưởng và yêu mến lời Chúa của ông đã được đáp trả: “Được Thần Khí thúc đẩy ông lên đền thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi đem con tới… Ông ẵm lấy Hai Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây, theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.”.

Bài chúc tụng Thiên Chúa của ông tỏ lộ niềm vui thỏa mãn trọn vẹn khát vọng mong chờ cả cuộc đời ông. Ông như đã bước vào thiên đàng, một niềm vui sướng tràn trề khi được thấy và bồng ẵm Chúa Cứu thế. Ông chẳng còn thiết tha sự gì ở thế gian này, chẳng có niềm vui nào có thể đánh đổi được hạnh phúc ông đang có nữa. Ông không phải chỉ nhìn thấy ơn cứu độ, hạnh phúc sung mãn Chúa ban cho ông mà thôi, nhưng còn cho cả nhân loại cho đến ngày tận thế.

“Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Itraen Dân Ngài”.

Cuối cùng ông già Simêon đã chúc phúc cho cha mẹ Hài Nhi. Ông còn tiên báo những điều nghiệt ngã sẽ đến với Hài Nhi. Đó là con đường khổ giá mà Chúa Giêsu sẽ phải gánh lấy mà chuộc tội nhân loại. Ông cũng tiên báo vì Hài Nhi mà nhiều người sẽ được vươn dậy hay bị án phạt xuống vực thẳm: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ítraen ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng… còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”.

Lạy Chúa! Con không được phúc bế ẵm Chúa như cụ già Simêon xưa, nhưng được phúc ẵm Chúa trong đức tin và lòng mến của con. Xin cho con theo gương ông già Simêon mà bền bỉ trông đợi Chúa đêm ngày. Để đến ngày Chúa trở lại, con được hưởng vinh quang cùng Chúa muôn đời. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Sống khiêm tốn, chân thành, đơn sơ (29.12.2018)

Ngày nay, những gia đình Công Giáo thường mang con mình đến nhà thờ xin cho bé được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, để gia nhập Giáo Hội, tham dự vào đoàn dân những người tin Chúa.

Khi xưa, thời Đức Giêsu cũng vậy, khi được tám ngày, cha mẹ Ngài bồng Hài Nhi Giêsu đến đền thờ để dâng cho Thiên Chúa.

Đức Giêsu là Thiên Chúa tối cao. Tuy nhiên, trong ngày trọng đại này, chúng ta không thấy có những người sang giàu, quyền chức, nhưng chỉ có những người bé mọn hiện diện. Kinh Thánh cho hay, những người đón chào và diễm phúc được gặp Đức Giêsu trong ngày này không ai khác ngoài ông Simêon và bà Anna. Họ là những người bình thường, đơn sơ, nghèo khó… là những người nghèo của Giavê, nhưng tâm hồn thánh thoát, nên đã được gặp Chúa của bình an.

Mặt khác, chúng ta còn nhận thấy nơi Đức Maria và thánh Giuse một tấm gương, khiêm tốn, trung thành với luật. Thật vậy, các ngài thừa biết được Hài Nhi Giêsu này là Con Thiên Chúa, và các ngài đang được đặc ân lớn lao là chăm sóc Đấng Cứu Độ trần gian. Như vậy, xét theo lẽ thường, các ngài có quyền từ trối việc giữ luật này, bởi vì Đức Giêsu chính là trọng tâm của luật. Nhưng không, các ngài đã khiêm tốn, tuân hành lề luật của Thiên Chúa cách yêu mến, không tìm đặc lợi cho mình chỉ vì có uy thế…

Ngày nay, nhiều người hay nhân danh chức quyền, công trạng hay giàu có để xin miễn chuẩn cho mình những việc bổn phận với Giáo Hội, xã hội…Tuy nhiên, khi làm như thế, chúng ta quên mất một điều là phần thưởng mai hậu của chúng ta đã bị đóng lại, vì hẳn nhiên chúng ta đã được nguồn lợi rồi! Tệ hơn nữa là khi chúng ta muốn được miễn chuẩn việc bổn phận mà không được đáp ứng, nhiều người đã có những lời lẽ tiêu cực, chỉ trích trong sự kiêu ngạo… và như thế, những sự quảng đại chia sẻ cách này hay cách khác trước đó của chúng ta đã đứng lên tố cáo và như bản án vạch trần hình thức vụ lợi của chúng ta thuần túy chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa!

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: trước tiên, nhìn vào Đức Mẹ và thánh Giuse, không tìm những đặc ân miễn chuẩn cho mình, nhưng các ngài đã thi hành, chu toàn bổn phận cách yêu mến. Thứ đến, noi gương ông Simêon và bà Anna, sống khiêm tốn, chân thành, đơn sơ để được Thiên Chúa mặc khải những điều kín nhiệm.

Cuối cùng, khi được diễm phúc gặp Chúa, chúng ta hãy có tâm tình tạ ơn, chúc tụng Thiên Chúa như những người nghèo của Thiên Chúa trong đền thờ khi xưa.

Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria và thánh Giuse trong việc yêu mến và tuân giữ luật Chúa. Xin cho đời sống của cụ già Simêon và Anna là nguồn gợi hứng cho chúng con trong việc thờ phượng Chúa. Amen.

Người là ánh sáng soi đường cho muôn dân (29.12.2016)

Ngay khi vừa lọt lòng mẹ, Chúa Hài Nhi đã được các Thiên Thần tung hô, các mục đồng đến viếng thăm, các nhà Đạo Sĩ đã đến tôn thờ và dâng lễ vật. Theo luật Môsê cũng là tục lệ của người Do thái, những người con trai được sinh ra, nhất là con đầu lòng, sau 40 ngày, bà mẹ phải đưa đến Đền thờ, trước là dâng con cho Chúa, sau là chính mình làm lễ tẩy uế. “Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa”Dù Đức Maria và Thánh Giuse biết rằng trẻ Giêsu là Con Thiên Chúa.

Các ngài vẫn chu toàn mọi lề luật như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa”. Dâng con trong đền thờ là để thánh hiến người con cho Thiên Chúa. Cuộc đời Ðức Giêsu đã chứng tỏ Ngài hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài đã tự hiến dâng, để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng trên Ngài.

Trong dịp đem Trẻ Giêsu dâng trong Đền thờ, Thánh Gia đã gặp được cụ Simêon, cụ sống trong Đền Thánh, chuyên tâm cầu nguyện và mong chờ ơn cứu độ. Hôm đó, cụ đã đại diện cho toàn dân chứng kiến giây phút lịch sử Thiên Chúa viếng thăm Dân Người và Đấng Thánh đã tiến bước vào Cung Thánh. Cụ ẵm lấy Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa rằng: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là Ánh Sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài”.

Chúa là sự sáng trần gian

Đẩy lui bóng tối, xua tan đêm dài

Đem niềm hạnh phúc mãi hoài

Cho nhân loại hưởng miệt mài phúc ân

*

Chúa là sự sáng muôn phần

Tỏa lan khắp chốn thế trần muôn nơi

Yêu thương tất cả mọi người

Hy sinh cứu chuộc cao vời biết bao

*

Chúa là sự sáng dạt dào

Khắp cùng bờ cõi tràn vào ánh thiêng

Lan đi soi chiếu bao miền

Tràn đầy vũ trụ triền miên mọi thời

Cụ già Simêon đã trông mong cả một đời mới được nhìn thấy Đấng Cứu Thế. Đó cũng là mẫu gương cậy trông và trung tín. Ai trung thành cậy trông như cụ Simêon không bao giờ uổng công. Cụ đã ẵm bế Hài Nhi, ẵm bế “Ánh Sáng muôn dân”, ẵm bế “Vinh quang Israen”, là nắm chắc ơn cứu rỗi của mình. Cụ biết chắc như thế nên đã thưa: “Lạy Chúa giờ đây xin cho tôi tớ Chúa ra đi bình an” .

Tin Mừng hôm nay khơi lên trong chúng ta tâm tình biết ơn và cảm tạ. Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được trở nên những người con trong đại gia đình của Thiên Chúa. Không dừng lại ở đó, qua bí tích Thánh Thể, không những chúng ta được chiêm ngắm, đụng chạm đến Chúa như tiên tri Simêon xưa, mà còn được diễm phúc rước chính Đấng Cứu Độ vào tâm hồn mình.

Chúa là ánh sáng thế gian

Ai tin vào Chúa đầy tràn sáng trong

Niềm vui phấn khởi trong lòng

Hồng ân đón nhận, ước mong đạt thành

*

Cuộc sống luôn mãi an lành

Đức tin sống động như cành trổ hoa

Đồng tâm ý hiệp hoan ca

Chúc tụng Danh Chúa mãi là hiển vinh

*

Yêu thương hiệp nhất chân tình

Dựng xây Nước Chúa an bình muôn nơi

Chúa là ánh sáng soi đời

Đoàn con tiến bước : Quê Trời vinh quang

 

Lạy Chúa! Chúa là ánh sáng đã đến soi chiếu cho muôn dân. Xin Chúa cho chúng con biết tuyên xưng Chúa qua việc thực thi loan báo Tin Mừng của Chúa và tin nhận Chúa làm chủ cuộc đời của chúng con. Amen. 

                                                                             HOÀI THANH

Ánh sáng soi cho dân ngoại (29.12.2015)

Tin Mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh gia đem con trẻ Giêsu vào đền thờ để tiến dâng cho Thiên Chúa. Bởi theo luật Môsê, mọi con trai đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa và phải tiến dâng cho Ngài. Thánh gia đã khiêm nhường tuân giữ lề luật, dù trẻ Giêsu là Thiên Chúa thật. Lễ vật nhà nghèo của thánh gia chỉ với cặp bồ câu non.

Việc thánh gia dâng Con vào đền thờ mang ý nghĩa lớn lao: Đấng Cứu Thế lần đầu tiên đi vào thành thánh. Nhưng hiếm có ai nhận ra vai trò của con trẻ Giêsu hôm ấy. Nhưng cụ già Simêon được Thần Khí thúc đẩy, ông biết sẽ được nhìn thấy Đấng Kitô trước khi chết.

Ông lên đền thờ đúng lúc cha mẹ Hài Nhi đem con tới, ông đón và ẵm lấy Hài Nhi trên tay, mãn nguyện ông chúc tụng Đức Chúa: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ítraen Dân Ngài.”

Ông là người công chính và sùng đạo, hằng mong đợi Đấng Cứu Thế. Vì ông được nghĩa với Chúa nên Thánh Thần hằng ngự trị nơi ông, giúp ông nhận ra và tuyên xưng Đấng Cứu Thế khi Người còn là Hài Nhi bé bỏng trong ngày được hiến dâng. Cả đời ông mòn mỏi khát vọng, kiên nhẫn và trung tín để rồi được đáp lại bằng cuộc gặp gỡ hôm nay. Với lòng mến yêu Thiên Chúa, ông hạnh phúc sung sướng đến nỗi sẵn sàng chết ngay lúc này. Những lời ông nói hôm nay làm cha mẹ Hài Nhi rất đỗi ngạc nhiên.

Nhất là lời ông nói với Đức Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” Người mẹ nào nghe những lời tiên tri về con và cho mình như vậy mà không bị sốc đứng tim, vì thất vọng quá chừng? Nhưng Mẹ Ma-ri-a thì vẫn bình thản ẵm Hài Nhi đứng đó, chỉ lặng lẽ gẫm suy về lời tiên báo kỳ bí ấy, sau này khi mọi sự xảy đến, cho tới phút cuối cuộc đời cứu chuộc của Con Mẹ.

Cụ già thượng thọ Simêon đến lúc cuối đời được nhìn thấy Đấng Kitô mà hạnh phúc mãn nguyện như vậy. Còn chúng con hôm nay thì sao? Ngay từ lúc ẵm ngửa chúng con đã được cha mẹ đem đến nhà thờ để lãnh Bí tích Rửa tội, để được thanh tẩy và hiến dâng, được thánh hiến, được trao ánh sáng Chúa Kitô.

Nhưng cả cuộc đời chúng con mải miết với cuộc sống trần thế, ít dành thời gian tĩnh lặng mà ý thức và cảm mến hồng ân được có Chúa ở cùng, hiện diện đồng hành trong mỗi phút giây. Xin Chúa cho chúng con biết ý thức lại mỗi khi lãnh nhận Bí tích, khi rước Thánh Thể Chúa, để chúng con nhận ra và cảm nghiệm được hạnh phúc có Chúa trong lòng, mà cảm mến chúc tụng và được lớn lên trong ân sủng Chúa.

Én Nhỏ

Si-mê-on, con người của niềm tin và mong đợi ơn cứu độ

Ông Si-mê-on ẵm lấy Hài Nhi trên tay và chúc tụng Thiên Chúa: “Xin để tôi tớ này được an bình ra đi….” (Lc 2,27-32)

Suy niệm: Tuân thủ Luật Mô-sê, Giu-se và Ma-ri-a đem Con lên Đền Thờ dâng lên Thiên Chúa. Trong Đền Thờ hôm ấy, chắc hẳn cũng có đông dân chúng; và cả những tư tế, những người Pha-ri-sêu, những thầy thông luật… nữa. Họ cũng đã nhìn thấy Hài Nhi Giê-su trong tay Mẹ Ma-ri-a, nhưng đã chẳng có ai trong số họ nhận ra Giê-su Bé Thơ đó là Ai! Bởi họ sống trong bóng tối! Cần phải có ánh sáng Đức Tin mới có thể phá tan bóng tối này. Cụ Si-mê-on vì tin nên đã mong đợi, và cụ đã không mong đợi luống công. Hôm nay, cũng nhờ tin mà niềm mong đợi trở thành cuộc gặp gỡ kỳ diệu: cụ nhận ra Hài Nhi chính là Giê-su, Đấng Cứu Thế. Cụ bồng ẵm Hài Nhi trên tay và vui mừng tuyên xưng Đức Tin: “Xin cho tôi tớ được an bình ra đi. Vì chính mắt tôi đã được thấy ơn Cứu Độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân”.

Mời Bạn: Chúng ta hãy cùng với cụ Si-mê-on vào Đền Thờ để gặp Đức Giê-su Thánh Thể. Chúng ta đón chào và rước Người ngự vào trong tâm hồn chúng ta. Cũng như Si-mê-on, hãy ẵm bế Giê-su vào lòng và thân thưa cùng Thiên Chúa: “Xin cho tôi tớ Ngài được an bình ra đi…” Đối với chúng ta, ra đi còn có nghĩa là được thoát khỏi vòng kiềm toả của tội lỗi và được an bình tránh xa vương quốc của sự Dữ và hân hoan ra đi để loan báo Tin Mừng.

Sống Lời Chúa: Tôi sống lại tâm tình của ông Si-mê-on mỗi khi rước Chúa Giê-su Thánh Thể.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con được an bình ra đi. Vì chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ.”

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *