Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
13 Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. 14 Nhưng Đức Giê-su nói : “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những ai giống như chúng.” 15 Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
Trẻ em là chủ nhân tương lai của đất nước, là những người nắm trong tay quyền thừa kế vận mệnh của dân tộc. Thế nhưng, để đào tạo những “mầm non” ấy đúng cách quả thật không phải chuyện đơn giản. Các bậc cha mẹ thường hay phân trần rằng “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, điều đó đúng nhưng không phải chính xác hoàn toàn, vì tính cách của con cái cũng phụ thuộc một phần vào cách dạy dỗ của cha mẹ. Chẳng hạn, Mạnh Tử – một nhà tư tưởng của Trung Quốc thời cổ đại – đã từng đưa ra học thuyết “Nhân chi sơ, tính bản thiện” (con người khi sinh ra đều mang bản tính lương thiện).
Có thể nói, những đứa trẻ khi mới sinh ra đều như tờ giấy trắng. Do đó, những việc làm của các bậc cha mẹ chính là những nét bút đầu tiên vẽ nên tính cách của con mình; và tất nhiên, việc đó không phụ thuộc quá nhiều vào “trời”. Đôi khi, quá trình “vẽ” ấy cũng gặp một số “trục trặc kỹ thuật”, khiến cho người lớn lộ ra những nét “ngộ nghĩnh” mà ngay cả bản thân họ cũng khó nhận ra.
Người lớn thật “ngộ nghĩnh” khi không cho phép trẻ em làm những việc mà chính họ đã từng muốn làm. Là con người, ai cũng phải trải qua thời thơ ấu, ngay cả Đức Giêsu khi nhập thể cũng không ngoại lệ. Có thể nói, trẻ em là “chúa tò mò”, mọi thứ trên thế giới này đều là những bí mật thú vị đối với chúng, chính sự tò mò ấy thôi thúc chúng ham mê học hỏi, không ngừng tìm hiểu về thế giới xung quanh, chắc hẳn vị phụ huynh nào nào cũng đã từng mang tính cách đó.
Vậy mà, thay vì khuyến khích, họ lại thường cấm cản trẻ em làm những việc đó với lý do vô cùng hợp lí: Họ có kinh nghiệm. Quả thật, điều đó không hề sai, không phải kinh nghiệm nào cũng mang màu hồng, có những thứ phải đánh đổi bằng cả xương máu mới có thể rút được kinh nghiệm. Vì thế, là bậc cha mẹ, đương nhiên họ sẽ không muốn con cái đi theo “vết xe đổ” của mình, nên cấm cản là chuyện thường tình. Nhưng xin nhớ rằng, kinh nghiệm là thứ để chia sẻ, không phải để áp đặt. Như chúng ta đều biết, thánh Tôma đi theo Chúa Giêsu, sống cùng anh em tông đồ suốt ba năm ròng rã.
Ấy vậy mà, mà khi Người sống lại, ông chẳng tin lời bất cứ ai và chỉ thực sự tin khi đã tận mắt chứng kiến. Qua đó, chúng ta có thể thấy, thánh Tôma là tông đồ của Chúa mà còn cứng tin, huống chi là lũ “chúa tò mò”. Liệu chúng có thực sự tiếp thu những gì chúng ta nói không? Điều đó khó chắc chắn, nếu có cũng chỉ là do các em vâng phục mà thôi. Vì thế, để trẻ em tự do học hỏi, tự do làm điều mình muốn (đương nhiên vẫn phải theo khuôn khổ) là điều đáng khuyến khích.
Người lớn thật “ngộ nghĩnh” khi đặt mục tiêu cho con cái quá cao, đôi khi còn quá sức của chúng, để rồi khi chúng không đạt được mục tiêu đó, họ lại thất vọng. Quả thật, là cha mẹ, ai chẳng muốn con cái của mình tài giỏi hơn người. Thế nhưng, việc họ kì vọng vào một mục tiêu xa tầm với liệu có hợp lí chăng? Tập cho con cái khả năng chịu áp lực là tốt, nhưng có bao giờ chúng ta nghĩ áp lực đó vượt quá ngưỡng giới hạn của chúng chưa? Những trường hợp trẻ em học nhiều đến nỗi khù khờ, phản ứng chậm, ngại giao tiếp vì học quá nhiều không hề hiếm, hầu như lớp học nào cũng có ít nhất một trường hợp như thế.
Liệu có phải do tự bản thân chúng muốn như vậy không, hay chúng buộc phải làm vậy vì không còn lựa chọn nào khác? Liệu điều đó có thực sự giúp ích cho các em, hay nó lại gây ra hiệu ứng ngược? Đó là câu hỏi mà người lớn chúng ta cần phải tự suy ngẫm và tự trả lời. Để từ đó, chúng ta biết cân nhắc về việc đặt mục tiêu cho con cái sao cho cân xứng với khả năng của chúng.
Người lớn thật “ngộ nghĩnh” khi rất thích so sánh con mình với những đứa trẻ khác, khiến chúng ngày càng tự ti, mất niềm tin vào bản thân, để rồi lại trách mắng chúng. Câu thành ngữ “Đứng núi này trông núi nọ” có lẽ chưa bao giờ lỗi thời trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh. Liệu họ có nhận ra rằng nhân vật “con nhà người ta” là nỗi ám ảnh đối với những đứa trẻ mới lớn?
Vốn mang tính hiếu thắng, trẻ em thường khó chấp nhận việc bị chính cha mẹ mình khẳng định mình yếu kém hơn người khác. “Nhân vô thập toàn”, sống trên đời chẳng ai hoàn hảo cả; cá có thể không biết leo cây, nhưng làm sao có loài động vật nào bơi giỏi hơn cá. Việc đánh giá khả năng của con cá qua khả năng leo cây chẳng phải quá vô lí sao? Ấy thế mà, các bậc phụ huynh có vẻ chưa nhận ra được điều đó khi suốt ngày cứ lấy nhân vật “con nhà người ta” để so sánh và trách mắng con cái của mình, khiến các em nản chí vì nghĩ rằng mình quá vô dụng.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các tông đồ cũng rất “ngộ nghĩnh” khi quở trách những đứa trẻ vì chúng đến với Đức Giêsu. Có thể vì các ông không thích sự “tăng động” của bọn trẻ, nhưng cũng có thể do các ông sợ gây phiền phức cho Chúa. Hiểu được ý của môn đệ mình, đức Giêsu liền bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng” (c 14). Khác với vẻ “người lớn khắt khe” của các tông đồ, Người rất yêu quý trẻ em, Người không chỉ không quan tâm đến sự quấy rầy của bọn trẻ mà còn cảm thông cho sự “tăng động” của chúng. Cái mà Đức Giêsu quan tâm chính là sự đơn sơ, thơ ngây của các em – một đức tính rất hiếm gặp ở người lớn.
Người đã đề cao đức tính đó khi bảo rằng: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời” (Mt 18, 2-4). Qua đó, ta có thể thấy rằng, chúng ta không thể vào được Nước Trời với những tính cách của người lớn (nhỏ nhen, ích kỷ, tính toán, nham hiểm, mưu mô, vô ơn, phản trác… – những đức tính khó có thể bắt gặp ở trẻ thơ) mà phải biết học tập ở con cái những đức tính tốt của chúng.
Dù là người lớn, chúng ta vẫn là những con người yếu đuối; thế nên, đôi lúc chúng ta “ngộ nghĩnh” là điều khó tránh khỏi. Vấn đề là, chúng ta biết nhận thức được điều đó và cố gắng sửa đổi. Đặc biệt, trẻ em như những tờ giấy trắng, vì thế, chúng ta không nên để những thói xấu của người lớn làm vấy bẩn tâm hồn trong sáng của chúng. Đức Giêsu đã nói rằng: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp phạm, thà cột cối đá vào cổ nó mà xô xuống biển còn hơn” (Lc 17,2). Giáo dục và bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của người lớn. Bên cạnh đó, đôi khi chúng ta còn phải học hỏi những đức tính tốt đẹp từ chúng, để có thể xứng đáng bước chân vào Thiên quốc.
Lạy Chúa, Ngài đã dạy chúng con phải biết trở nên như trẻ thơ, Ngài muốn chúng con đơn sơ, khiêm nhường, vâng phục như chúng. Xin ban cho chúng con sự kiên nhẫn cần thiết để có thể chịu đựng sự “tăng động” của chúng, biết cố gắng trở nên những tấm gương đạo đức con các em noi theo, hầu có thể giáo dục chúng theo ý Ngài. Đồng thời, xin Chúa cho chúng con biết khiêm nhường, để có thể nhìn vào những đức tính tốt của các em mà học tập; từ đó xây dựng Giáo hội của Ngài mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Amen.
Sơn Còi