Nhân Dịp Năm Mới Đinh Dậu, Tản Mạn Về Chú Gà 

 

Trông  ngoại hình thì con Gà rất đẹp, đặc biệt là chú Gà Trống, với bộ nông nhiều mầu sắc rực rỡ,với cái mào đỏ chót, dáng đứng vững chãi, nhất là khi chú vỗ cánh chuẩn bị cất tiếng gáy thì mới thấy họ nhà Gà oai vệ làm sao! Đấy là vẻ đẹp bên ngoài.

Còn hành vi của “gia đình nhà Gà” thì cũng đáng cho chúng ta và nhất là cho các bạn trẻ sắp bước vào đời sống hôn nhân gia đình suy ngẫm. Chú Gà trống luôn tỏ ra “ga lăng”, chú rất cao thượng, bằng chứng là khi kiếm được một con mồi cho dầu mồi đó rất bổ béo và ngon lành: như con nhộng, con giun chú liền gọi “cục cục” cho cô Gà mái đến để nhường cho cô xơi! Cũng vậy quan sát cô Gà mái dẫn theo đàn con đi kiếm ăn trong vườn. Gà mẹ cật lực bứi chãi nơi bãi rác, khi thấy xuất hiện con mồi nó liền dùng mỏ gắp ra nhường cho các con ăn, còn đàn con thì luôn đi theo sát bên mẹ và kêu chim chíp.

Khi có sự cố bất an, như lúc có quạ đen bay đến thi ngay lập tức Gà mẹ kêu lên báo động đồng thời xòe đôi cánh ra để đàn con chui vào ẩn núp. Như vậy Gà mẹ sẵn sàng dùng thân thể mình mà che chắn bảo vệ cho đàn con!

https://www.youtube.com/watch?v=ljAGtbCaJC0

Có lẽ chính vì thế mà hình ảnh con Gà đã đi vào văn hóa nước ta, khiến nó có mặt khắp nơi: trong tranh ảnh, trong tục ngữ, ca dao và cả trong âm nhạc. Bài hát “mùa xuân đầu tiên” của nhạc sỹ Văn Cao là một điển hình, trong đó có lời “tiếng Gà gáy trưa bên sông…” tự tiếng gáy của chú Gà nó làm toát lên một quê hương yên vui, đầm ấm và thanh bình.

Trong ca dao tục ngữ thì có rất nhiều câu nói đến con Gà. Nhưng ở đây chỉ xin nêu vài câu có ý nghĩa trong dịp mừng xuân:

“Bút sa, Gà chết”: Ngày xưa trong xã hội đa phần mù chữ, nên muốn viết văn tự, đơn từ người ta thường phải nhờ đến thầy đồ đến nhà viết cho nên ngoài tiền công ra gia chủ phải giết Gà đãi khách ;

“Khôn ngoan đối đáp người ngoài,Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”: Xét cho cùng thì chúng ta cùng chung một mẹ Việt Nam nên người Việt chúng ta sẽ mãi yêu thương đùm bọc lẫn nhau như Gà cùng một mẹ và tất nhiên chúng ta sẽ nhường nhịn yêu thương “chín bỏ là mười không hơn thua vi mọi người đều là anh em mà!;

“Con Gà cục tác lá chanh”: Câu này nói lên tính tự hiến của chú Gà, nó sẵn sàng hiến thân để phục vụ con người để trở thành một món ăn ngon miệng, bổ dưỡng cho loài người hưởng dùng! Ôi cao cả và đẹp đẽ làm sao!;

“Lao xao gà gáy rạng ngày,Vai vác cái cày tay dắt con trâu” : Ngày xưa khi chiếc đồng hồ còn khan hiếm, mắc mỏ, người ta thường không có đủ tiền để mua về dùng và người ở vùng nông thôn sẽ căn cứ vào tiếng gáy của Gà để xác định thời gian, giờ giấc, nhất là trong cảnh màn đêm. Thế mới thấy con Gà gần gũi,thiết thực và thân thương với đời sống con người biết bao!

Bước sang lãnh vực Kinh Thánh thì con Gà được nhắc đến rất nhiều lần. Đặc biệt là ở trong Phúc âm:

  • “Đã bao lần Ta muốn tâp họp các ngươi lại như Gà mẹ tập hợp Gà con dưới cánh.” (Mt 23, 37; Lc 13, 34). Chính Thiên Chúa cũng đã dùng hình ảnh của Gà mẹ che chở, bảo vệ Gà con dưới cánh để diễn tả tình yêu của Ngài đối với nhân loại! Ôi một hình ảnh đẹp đẽ và thân thương làm sao!’ ;
  • “Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc Gà gáy hay tảng sáng” (Mc 13, 35);
  • Đức Giê-su nói với Phê-rô “Thầy bảo thật cho anh biết:nội đêm nay, Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần.” (Mt 26, 34; Lc 22, 34; Ga 13, 38; Mc 14,30);
  • “Lúc đó có tiếng Gà gáy. Ông Phê-rô sực nhớ lại lời Chúa nói, Ông liền ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Mt 26, 74; Mc 14, 72 ; Lc 22, 60; Ga 18, 27).

Như vậy căn cứ theo Kinh thánh thì nhờ tiếng gáy của chú Gà đã khiến ông Phê-rô nhớ lại lời của Thầy nói trước đó mà giục lòng sám hối ăn năn. Thật là may mắn cho vị Tông đồ Cả, cũng là vị Giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo. Tiếng Gà gáy như một lời nhắc nhở khiến Ngài thống hối ăn năn từ đó biết sống trong khiêm tốn không còn dám cậy dựa vào sức riêng mình nữa mà luôn sống gắn bó chặt chẽ với Thầy, để loan truyền Tin Mừng của Chúa khắp nơi và sau cùng đã dùng chính mạng sống mình làm chứng cho Thầy Giê-su.

Trong năm mới này, chúng ta những thành viên của gia đình Đa-minh sẽ sống trong tâm tình của chú Gà: Sống cao thượng, trung thực, vì mọi người và cho mọi người, đồng thời sẽ luôn biết cất lên tiếng gáy để mang lại niềm vui, hạnh phúc trước là nhắc nhở cho chính bản thân mình sau là như một lời mời gọi mọi người chung quanh: Tiếng gáy đó là: “Hãy canh tân đời sống và hãy đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương.”

 

                                                                            Đaminh Trần Văn Chính.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *