Nhìn lại Giáo Hội Hoàn Cầu năm 2016

 

Ký giả Inés San Martín của tờ Crux tiếp tục loạt bài của cô về Giáo Hội Công Giáo trong năm 2016. Lần này, cô đề cập tới các biến cố thế giới dưới cái nhìn của người Công Giáo. Các biến cố này bao gồm hiệp ước hòa bình tại Colombia, Ủy Ban Tòa Thánh Bảo Vệ Vị Thành Niên, chiến tranh Syria, việc Anh rút chân khỏi Liên Hiệp Âu Châu (Brexit), việc bách hại các Kitô hữu gia tăng, và các tai tiếng giáo sĩ lạm dụng tình dục vẫn tiếp tục.

Brexit và nói “không” với hoà ước Colombia

Biến cố chính trị gây ngỡ ngàng hơn hết của năm 2016, tức cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Sáu tại Vương Quốc Thống Nhất (Anh Quốc) ủng hộ việc nước này rút chân ra khỏi Liên Hiệp Âu Châu, được mọi người coi như thất bại của Đạo Công Giáo ở Âu Châu, là định chế từ lâu vốn cổ vũ sự thống nhất của lục địa này.

Chỉ cần nghĩ tới chính khách người Đức, Robert Schuman, một trong các cha đẻ của Liên Hiệp Âu Châu cũng đã đủ. Ông đang trên đường được phong thánh trong Đạo Công Giáo.

Mấy tháng trước cuộc bỏ phiếu, Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định đứng ngoài cuộc tranh luận; ngài nhấn mạnh tầm quan trọng phải tôn trọng chủ quyền của mỗi quốc gia.

Ấy thế nhưng, khi thấy ngài hết sức nhấn mạnh tới một xã hội biết xây những cây cầu liên kết và một Âu Châu biết chào đón di dân, thì cuộc đầu phiếu trên, một cuộc đầu phiếu bị thúc đẩy một phần bởi tâm thức không sẵn sàng chào đón người Tỵ Nạn phát xuất từ Châu Phi và Trung Đông, đối với nhiều người, quả là một thất bại cho Vatican.

Trên chuyến bay trở về Rôma từ Armenia hồi cuối tháng Sáu, sau cuộc đầu phiếu Brexit, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng: “một điều gì đó không ổn tại liên hiệp khổng lồ này” và kêu gọi phải dành “nhiều độc lập và tự do hơn cho mỗi quốc gia” của Liên Hiệp Âu Châu.

Ngài nói với các ký giả tháp tùng rằng “qúy bạn hãy nghĩ tới một hình thức liên hiệp khác, có tính sáng tạo”, nhưng ngài bác bỏ khả thể kết thúc liên hiệp này. Vì theo ngài, cuộc khủng hoảng ở Liên Hiệp Âu Châu không có nghĩa “ta phải liệng bỏ cả bé thơ lẫn nước đã tắm”.

Mấy ngày sau, khi mực trên ly thư giữa Vương Quốc Thống Nhất và Liên Hiệp Âu Châu chưa khô, Đức Phanxicô đã cho công bố một video, lên tiếng cảnh cáo rằng Âu Châu ngày nay hình như đang xây “những bức tường chính trị và kinh tế ích kỷ, không còn kính trọng sự sống và phẩm giá mọi con người”.

Tuy không đích danh nhắc tới Brexit, Đức Giáo Hoàng nói rằng tinh thần thống nhất tại Âu Châu ngày nay “cần thiết hơn bao giờ hết”.

Nói đến tương lai của lục địa, vào một thời điểm trong đó, nhiều quốc gia như Đức và Pháp, đang lo sợ hậu quả domino sau lá phiếu tại Vương Quốc Thống Nhất, Đức Phanxicô cho rằng để Âu Châu có thể trở thành “một gia đình các dân tộc”, nó cần đặt con người nhân bản “trở lại vị trí trung tâm”.

Ngài nói: “Nó phải là một lục địa cởi mở, biết chào đón, và liên tiếp thiết lập ra các phương thức làm việc với nhau không chỉ về phương diện kinh tế mà cả về phương diện xã hội và văn hóa”.

Nhiều vị trong hàng giáo phẩm Công Giáo nắm lấy cơ hội này đã trực diện đề cập tới vấn đề Brexit.

Đức Hồng Y Vincent Nichols, Tổng Giám Mục Westminster, lên tiếng ngay sau cuộc đầu phiếu để trả lời một số biến cố biểu lộ rõ khuynh hướng bài ngoại. Ngài nói: “Sự bộc phát của chủ nghĩa kỳ thị và căm thù chủng tộc này là một điều ta không nên dung túng. Ta phải nói rằng điều này đơn giản là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội nhân ái và ta không bao giờ nên kích thích hoặc cổ vũ nó”.

Đức Hồng Y cũng cho rằng “mọi nhà lãnh đạo cần phải suy tư về sự thất bại của chúng ta trong việc lắng nghe và dành tiếng nói cho những người cảm thấy không có tiếng nói’. Ngài nói thêm “mục đích của chúng ta phải là ích chung, ích lợi của mọi người không trừ ai”.

Đức Hồng Y Reinhard Marx, Chủ Tịch Ủy Ban các Hội Đồng Giám Mục của Cộng Đồng Âu Châu, mô tả kết quả Brexit là điều “đáng tiếc”. Ghi nhận rằng Liên Hiệp Âu Châu là “một dự án cộng đồng và liên đới”, vị giáo phẩm người Đức này cho rằng “việc một thành viên cố ý rút chân ra là một điều đau lòng và gây hậu quả cho mọi thành viên khác”.

Ngài nói thêm: “chủ nghĩa duy quốc gia đang gia tăng tại nhiều nước, một lần nữa, không nên trở thành ngòi súng cho việc phân ranh, thù nghịch và bất hòa có tính ý thức hệ. Là Giáo Hội, chúng ta sẽ hết sức dấn thân cho điều này”.

Nhìn từ xa, cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Mười ở Colombia về hòa ước đã ký giữa Tổng Thống Juan Manuel Santos và Các Lực Lượng Cách Mạng Vũ Trang Colombia (FARC) xem ra ít có ý nghĩa. Tuy nhiên, đáng lẽ ra nó đã có thể kết thúc cuộc chiến tranh kéo dài 6 thập niên qua, làm thiệt hại 220,000 sinh mạng.

Trong số các nạn nhân, người ta thấy có 2 giám mục Công Giáo, 85 linh mục, 8 tu sĩ nam nữ và 2 chủng sinh, tất cả đã bị sát hại từ 1984 đến nay. Trong nhiều năm qua, Colombia vốn được coi là nước nguy hiểm nhất để làm linh mục.

Giáo Hội Công Giáo ở Colombia đóng một vai trò chủ yếu trong việc xây dựng lại lòng tin giữa các cựu thù, ấy thế nhưng khi hoà ước được loan báo, nó đã bị chào đón một cách dè dặt. Như Đức Tổng Giám Mục Luis Augusto Castro, ở Tunja, đã nói lúc ấy, “ngưng chiến tranh là một chuyện… còn xây dựng hòa bình lại là một chuyện khác”.

Cả Đức Phanxicô cũng thế, ngài cũng đã và đang đóng một vai trò quan yếu trong vấn đề hòa ước và tiếp tục hành động trong phạm vi này sau khi đa số dân chúng nói “không” đối với bản hòa ước nguyên thủy hồi tháng Mười.

Chiến dịch nói “không” góp một số yếu tố vào sự thất bại, nhưng phe đối lập với Tổng Thống Santos được lãnh đạo bởi cựu Tổng Thống Alvaro Uribe. Như một món quà Giáng Sinh sớm sủa gửi nhân dân Colombia, những người đang hết sức mong chờ việc công bố chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng vào năm 2017, Đức Phanxicô đã thành công trong việc sắp xếp để đôi bên gặp nhau vào ngày 16 tháng Mười Hai trong vòng 25 phút.

Bạo lực chống Kitô hữu

Dù đây là một vấn đề đã xẩy ra trước tháng Giêng năm 2016, và chắc chắn sẽ còn kéo dài sau tháng Mười Hai, năm 2016, vẫn đã có những vụ bạo động chống người Kitô hữu đáng ghi nhớ.

Bắt đầu với vụ bách hại mới đây nhất, xẩy ra ngày 11 tháng Mười Hai, tức vụ đặt bom tại một nhà nguyện cạnh Nhà Thờ Chính Tòa Coptic của Ai Cập sát hại 25 người và làm bị thương 49 người khác đang khi họ dâng Thánh Lễ, trong một cuộc tấn công gây nhiều tử vong nhất trong lịch sử của nhóm tôn giáo thiểu số này.

Ở Trung Đông, nhất là ở Syria và Iraq, con số tử vong cao hơn, và hầu như không thể uớc lượng được. Tuy nhiên, một vài chính phủ, trong đó, có Hoa Kỳ, đã nhìn nhận rằng Nhà Nước Duy Hồi Giáo (ISIS) phạm tội diệt chủng chống người Kitô hữu và các thiểu số tôn giáo khác như Yazidi.

Dù không châm ngòi cho các thay đổi tức khắc trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ cũng như không thay đổi gì trong việc chấp nhận người tỵ nạn hoặc tầm trú, việc trên vẫn quan trọng ở chỗ cả luật quốc nội lẫn luật quốc tế đều đòi phải điều tra các hành vi diệt chủng và lên án cùng truy tố những kẻ có trách nhiệm.

Bạo lực do tôn giáo thúc đẩy cũng là chuyện thường ngày ở một số nước ở Châu Phi.

Hồi tháng Tám, tân lãnh tụ của Boko Haram ở Nigeria thề sẽ giết hết mọi Kitô hữu trong nước. Nhóm Hồi Giáo quá khích này sát hại hàng ngàn người, cả Kitô hữu lẫn người Hồi Giáo, và đã tấn công nhiều nhà thờ Kitô Giáo, đền thờ Hồi Giáo, và cả chợ búa nữa. Trong cuộc tấn công mới nhất, ngày 11 tháng Mười Hai, hai bé gái 7 và 8 tuổi đã banh thây, gây tử thương cho một người khác và làm bị thương 17 người.

Tệ hơn nữa, nhóm này trước đây chỉ quanh quẩn ở Nigeria, nay đã tràn qua một số lân bang như Niger và Chad.

Tại Ấn Độ, dù kém hiển thị hơn, nhưng cũng đã có một số vụ bạo động chống Kitô hữu. Suốt một thập niên qua, người ta đã ghi nhận rằng trung bình cứ cách một ngày lại có một biến cố bạo động chống lại người Kitô hữu.

Cuối năm 2016, các nhóm Kitô hữu làm việc bác ái đã tố cáo nhiều vụ sách nhiễu do chính phủ của Thủ Tướng Narendra Modi gây ra.

Năm 2008, khu vực Kandhamal thuộc vùng phía đông Ấn Độ đã chứng kiến vụ sát hại Kitô hữu dã man nhất vào đầu thế kỷ 21; vụ sát hại này diễn ra suốt nhiều ngày khiến cho hơn 100 Kitô hữu nghèo khổ, mù chữ chết và 50,000 người phải lánh nạn vào những cánh rừng lân cận.

Điều cũng đáng lưu ý là việc sách nhiễu các Kitô hữu không chỉ xẩy ra tại các nước họ chỉ là thiểu số hay không là đa số cách rõ rệt.

Hồi tháng Bẩy, vị linh mục già nua Jacques Hamel đã bị sát hại tại phía bắc Nước Pháp trong khi đang cử hành Thánh Lễ, sau khi bị bắt làm con tin cùng với nhiều người khác, trong đó có hai nữ tu.

Cha Hamel không phải chỉ là linh mục Công Giáo duy nhất bị sát hại một cách dã man vào năm nay. Ít nhất có 5 vị khác cũng đã bị sát hại trong các hoàn cảnh bạo động, và Cha Tom Uzhunnalil, một linh mục dòng Salêdiêng người Ấn Độ bị các nhóm quá khích bắt cóc ở Yemen hồi tháng Ba, hiện vẫn còn mất tích, không ai biết tình thế của ngài ra sao.

Hồi tháng Chín, một nữ tu 81 tuổi bị bắt cóc và cưỡng hiếp ở Bolivia, nói là bởi bọn cướp muốn chiếm đất đai của Giáo Hội Công Giáo.

Thêm vào đó, ít nhất có 5 nữ tu và hai nhân viên của cơ quan Caritas đã bị giết khiến Á Châu trở thành lục địa nguy hiểm nhất. Một giáo dân bị giết ở Syria, một nữ tu bị giết ở Phi Luật Tân và 4 nữ tu bị giết ở Yemen, trong vụ tấn công trong đó Cha Uzhnunnlil bị bắt cóc.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi 4 nữ tu thuộc Dòng của Mẹ Têrêxa là “các tử đạo vì sự dửng dưng”; ngài nói rằng các nữ tu này “là các vị tử đạo thời nay… họ hiến máu mình cho Giáo Hội, (ấy thế nhưng) không được đăng tin trên báo chí, họ không phải là tin tức”.

Theo Phúc Trình Tự Do Tôn Giáo năm 2016 của cơ quan Trợ Giúp Các Giáo Hội Túng Thiếu, tần số và cường độ của các vụ tàn bạo chống lại người Yazidi, người Kitô hữu, người Bahai’i, người Do Thái và người Hồi Giáo Ahmaddiyya đang gia tăng, và được phản ảnh trong khối lượng các tường trình về bạo lực cực đoan chống các nhóm thiểu số tôn giáo.

Giáo sĩ lạm dụng tình dục

Một câu truyện khác vẫn còn đang tiếp diễn đối với Giáo Hội Công Giáo trong năm 2016 đó là tai tiếng về việc xử lý hay xử lý sai lầm các lời tố cáo giáo sĩ lạm dụng tình dục với một vài vụ mới được khám phá, nhất là ở thế giới đang phát triển.

Dù có nhiều vụ khác nhau, nhưng vụ có tiếng vang hơn cả là vụ ở Guam, trong đó Đức Tổng Giám Mục Anthony Apuron, 71 tuổi, bị tố cáo đã lạm dụng ít nhất 5 cậu giúp lễ trong hai thập niên 1960 và 1970. Ngài đã bị Tòa Thánh ngưng chức hồi tháng Sáu, chỉ vài tháng sau khi bị tố cáo.

Hồi tháng Mười, Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm giám mục phụ tá của Detroit, Đức Cha Michael Jude Byrnes, đứng đầu Giáo Hội tại Guam. Một tháng sau, Đức Cha Byrnes loan báo rằng hiện đang có cuộc xử án vị tiền nhiệm của ngài theo giáo luật, người từng lãnh đạo Giáo Hội tại hòn đảo này hơn 3 thập niên qua.

Tin tức mới về các vụ giáo sĩ lạm dụng tình dục cũng đã xuất hiện tại Châu Mỹ La Tinh. Trong một vụ vẫn còn đang khai diễn tại Mendoza, thuộc Á Căn Đình, quê hương của Đức Phanxicô, 2 linh mục bị tố cáo lạm dụng ít nhất 22 trẻ em dưới sự chăm sóc của họ tại một trường dành cho các thiếu niên khuyết tật.

Trước đó, hồi tháng Tư, các giám mục Uruguay đã lập một đường dây điện thoại để các nạn nhân bị giáo sĩ lạm dụng tình dục mạnh dạn tố giác. Trong phiên họp toàn thể của các ngài hồi tháng Mười Một, các giám mục đã loan báo rằng kết quả có hàng tá vụ đã được đem ra ánh sáng.

Tại Pháp, Đức Hồng Y Philippine Barbarin bị tố cáo là che đậy việc lạm dụng tình dục các hướng đạo sinh, nhưng vụ này bị công tố viên loại bỏ hồi tháng Tám.

Trong khi các lời tố cáo tiếp tục xuất hiện khắp thế giới, tại Vatican, Ủy Ban Bảo Vệ Vị Thành Niên của Đức Phanxicô vẫn đang cố gắng hành động.

Hồi tháng Hai, một trong các thành viên của nó, tức Peter Saunders, người sống thoát việc bị lạm dụng, đã rời khỏi Ủy Ban. Trong một lá thư được tờ Catholic Herald công bố, ông ta quả quyết rằng dù được khuyến khích từ chức, nhưng thực ra ông chỉ nghỉ vắng mặt mà thôi.

Bất chấp việc thay đổi nhân sự đầu năm nay, Ủy Ban tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp cụ thể hướng tới việc ngăn ngừa các giáo sĩ lạm dụng tình dục, đạt được một chiến thắng vào hồi tháng Chín, khi được yêu cầu tham gia việc huấn luyện các tân giám mục trên thế giới tụ tập về Rôma để dự cái gọi là “trại huấn luyện các giám mục bé thơ”.

Đầu tháng Mười Hai, Ủy Ban này phát động trang mạng của mình trong đó có mẫu hướng dẫn việc chống lạm dụng mà mọi giáo phận đều được yêu cầu phải đưa ra từ hồi năm 2011.

 

Vietcatholic

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *