Niềm hy vọng cuối năm

 

Trời đã hửng nắng sau những ngày mưa nồm ướt át. Cái nắng không chói chang cũng không gay gắt hòa với những làn gió cuối đông se se lạnh khiến ta có cảm giác dễ chịu đến lạ thường. Kéo chiếc ghế ngồi vào bàn học như mọi khi mà như làm trong vô thức, bởi tâm trí tôi đang mải nghĩ về cái thời tiết vừa gần gũi lại vừa thân quen ấy. Chợt tôi nghe có tiếng hát phát ra từ chiếc máy tính của người ngồi bên cạnh: “Mừng tết đến vạn lộc đến nhà nhà / Cánh mai vàng cành đào hồng thắm tươi.” Tôi mới giật mình, thì ra đây là không khí của những ngày giáp Tết Cổ Truyền của dân tộc. Hôm nay đã là 23 – Ông Công, ông Táo. Xưa nay, các cụ nhà đạo ta thường có câu:

Sinh nhật, Đặt tên
Ba Vua, Lễ nến
Tết đến sau lưng
Trẻ con thì mừng
Cha mẹ thì lo.

Lạ vậy, vẫn biết rằng: “Đông tận, xuân về” mà lòng vẫn cứ bâng khuâng khi thấy cuốn lịch mỗi ngày một mỏng dần. Vẫn hay “Xuân đến, xuân đi” mà ta vẫn cứ ngóng trông khi thấy những cánh mai, cánh đào bừng nở.

Mở cuốn sách ra trước mắt để đọc mà tâm trí tôi bị cuốn theo những suy nghĩ về cái ngày Tết lúc nào không ai hay. Một năm trôi thật là nhanh, mới đây thôi mà nay đã đến những ngày cuối năm Tân Sửu. Cảm giác như mới ăn tết hôm nào mà chớp mắt một cái là cái tết nữa đã lại đến. Đúng như người ta thường nói: “Thời gian đi không bảo ai bao giờ”. Nhưng kì thực, trong cái chớp mắt ấy đã có biết bao những chuyện thăng trầm xảy ra. Đặc biệt, với đất nước Việt Nam chúng ta, năm 2021 vừa qua có thể nói là năm của cái “Dằm Covid-19”. Nó tuy nhỏ bé nhưng lại lộng hành hết mọi ngóc ngách của cuộc sống, làm cho những gì là trật tự bị đảo lộn và gây ra nhiều mất mát trong lòng. Ta không thể biết hết được, đã có biết bao người mất đi người thân trong cơn đại dịch; biết bao đứa trẻ qua một đêm đã phải mồ côi cha mẹ khi chúng còn quá nhỏ; biết bao người vội vàng chia tay người thân đi cách ly nhưng khi quay về chỉ còn là một hũ tro cốt lạnh lẽo; và những bữa cơm gia đình cũng ngày càng thưa dần;…

Nhớ lại những thời điểm xã hội bị giãn cách, những con phố nhộn nhịp hằng ngày bỗng trở nên trống vắng đến lạ thường. Toàn xã hội như chết đói, không những đói về lương thực nhưng đau lòng hơn cả là đói tình yêu thương. Nhiều người đã tự tử hoặc mắc bệnh trầm cảm chỉ vì cách ly, phải sống tách biệt khỏi cộng đồng. Họ bị giam trong phòng suốt ngày và không thể ra ngoài. Họ khao khát những buổi dự lễ cùng cộng đoàn; những buổi sinh hoạt hội đoàn như trước kia; những trò vui của thời học sinh trên ghế giảng đường;…nhưng tất cả chỉ là dự lễ trực tuyến; hội họp qua zoom; thi cử, học hành online… Và ngay cả khi hiện tại xã hội đã trở nên ổn định hơn với cái ‘bình thường mới’ nhờ tiêm vắcxin thì hàng loạt những hệ lụy kéo theo sau nó vẫn đang là điều đáng lo ngại.

Có lần, tôi đọc trên trang mạng có kể câu chuyện về một giáo viên Mầm non, hằng ngày vào mỗi tối, chị thường trở đứa con 3 tuổi đi lượm ve chai để kiếm tiền sinh sống. Có những giáo viên chia sẻ rằng, có ngày chị chỉ ăn cơm trắng bởi trường vẫn phải đóng cửa thì làm gì có tiền mua đồ ăn. Và đã từ lâu nay, tôi cũng thấy một chị trong cộng đoàn ngày ngày mang những xuất cơm cho một đôi vợ chồng già từ miền cao xuống thành phố thuê nhà để chữa bệnh. Vì nghèo nên cậu con trai phải ở nhà làm việc để kiếm tiền nhưng dịch bệnh nên buổi có việc buổi không. Nghe nói, cụ ông bị bệnh thận, phải thường xuyên vào bệnh viện chạy thận nên có chút tiền chỉ đủ để dành chữa bệnh cho ông cụ thôi. Vì thế mà hằng ngày cụ bà phải lóc cóc đi xin ăn từng bữa,… Và còn biết bao những cảnh đời khác phải chịu hậu quả của dịch bệnh nữa. Chỉ tưởng tượng thôi ta cũng thấy nhói lòng.

Nhìn những cảnh đời đó ngoài xã hội vào những ngày cuối năm mà thấy lòng sao trống vắngThử thách và đau thương trong năm vừa qua có thể chưa phải là một sự kết thúc mà đơn giản nó chỉ là nốt ngân trong bản nhạc cuộc đời. Năm mới Nhâm Dần sắp tới rồi nhưng dường như lại sắp thêm một năm nữa với biết bao sóng gió bủa vây vì dịch bệnh Covid. Chúng ta không biết chắc rằng, sẽ còn những biến chủng nào xuất hiện nữa. Tương lai tưởng chừng như những lớp sương mờ buổi sớm, không có gì đáng để hy vọng… Nhưng tôi thiết nghĩ, chúng ta đừng để mình luẩn quẩn trong cái vòng xoáy của những bóng tối; đừng loay hoay với những câu hỏi: Tại sao? Tại sao? Cũng đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng đêm nhưng hãy thắp lên những ngọn nến cho ta và cho những người xung quanh ta nữa. Chắc bạn còn nhớ câu chuyện cảm động: “Chiếc lá cuối cùng” của nhà văn nổi tiếng trong trường phái văn học hiện thực Mỹ hiện đại – Ông Henri: “Mùa đông năm ấy, Johnsy bị bệnh sưng phổi rất nặng. Bệnh tật khiến cô tuyệt vọng và nghĩ rằng khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống sẽ là lúc cô lìa đời…Cụ Behrman biết được ý nghĩ điên rồ đó của Johnsy nên đã âm thầm thức suốt đêm mưa gió bão để vẽ chiếc lá thường xuân. Chiếc lá cuối cùng giống như thật, nó đã không rụng trong đêm bão lớn khiến Johnsy suy nghĩ lại, cô hi vọng và muốn được sống”. Chính cụ Behrman đã giúp cho niềm hy vọng sống của Johnsy không bị tắt…

“Hãy luôn thắp sáng ngọn lửa của khát khao hy vọng”. Đó là thông điệp mà tác giả dành cho mỗi chúng ta trong lúc này. Hãy ngước nhìn những cánh én chao liệng trên bầu trời, những tia nắng ấm ló rạng xiên qua cành cây, những mầm xanh căng tràn nhựa sống của mùa xuân để thấy một sức sống mới đang vẫy gọi, một niềm hy vọng đang đón chờ. Những đêm dài lạnh lẽo của mùa đông rồi cũng sẽ qua đi mà thay vào đó là hơi ấm của nàng xuân sẽ làm cho vạn vật bừng tỉnh sau những ngày giá rét. Thật vậy, dịch bệnh rồi cũng sẽ qua đi nhưng điều quan trọng trong lúc này là hãy nhẹ nhàng đón nhận những điều nó phải là như thế. Nhìn lại và bước tiếp chính là điều mà mỗi chúng ta cần phải có trong những ngày cuối năm này. Năm Nhâm Dần đang ở phía trước, dịch Covid với chủng mới vẫn đang hiển hiện trước mắt. Chúng ta dễ bi quan nhưng chúng ta cũng có quyền hy vọng. Một năm mới với những khởi đầu mới, chúng ta có quyền tin vào những thành công đang ở phía trước.

Là những người Kitô hữu, chúng ta xác tín rằng, Chúa luôn luôn ở bên chúng ta dù thế nào đi nữa. Tuy nhiên, Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy tin vào Người và ‘đừng sợ’ bởi Người biết và làm chủ mọi sự. Người luôn yêu thương chúng ta bằng một tình yêu muôn thuở vì chính “Người là TÌNH YÊU” (1Ga 4, 16). Người biết chúng ta chỉ là cát bụi…

Têrêxa nhỏ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *