QUA VIỆC HIỆN RA VỚI ĐỨC MARIA, ĐỨC KITÔ PHỤC SINH ĐÃ THIẾT LẬP GIÁO HỘI CỦA NGÀI

Đầu đề bài viết, như thấy trên đây, biểu trình một trong những chủ đề chính của giáo hội học và thánh mẫu học theo thánh Inhã Loyola.[2] Theo thiển ý, không dành riêng cho một môi trường hoạtđộng hạn hẹp nào, biểu đề kia nhằm tới chỗ trở thành sở hữu chung của đức tin và thần học công giáo. Đó là điều bài viết muốn thử xác minh, tất nhiên là không quên nêu rõ ý nghĩa của điều Inhã xác quyết.

Hai lần trong cuốn Linh Thao,[3] thánh Inhã nói đến cuộc Đức Kitô sống lại hiện ra với Mẹ Người: ở đầu tuần IV (x. Lt 218-225)[4] và nơi phần ghi “các Mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô, Chúa chúng ta” (op. cit. 299-312). Đó là những đoạn văn làm nền móng cho suy tư khai triển trong bài viết.

 

I. TRÌNH TỰ CÁC CUỘC CHIÊM NIỆM TRONG TUẦN THỨ TƯ

1. “Nguyên lý thánh mẫu” và “nguyên lý Phêrô”[5] của Giáo hội

Hẳn là cần lưu ý đặc biết đến trình tự các cuộc chiêm niệm Inhã đề nghị thực hành trong tuần IVcủa Linh Thao – tức là tuần dành để suy chiêm về “biến cố sống lại của Đức Kitô, Chúa chúng ta” – cũng như đến cách thức thánh nhân lựa chọn những yếu tố có sức thu hút chú ý của người thực hành Linh thao (cấm phòng).

Trình tự ấy gồm 14 chủ đề chiêm niệm – mỗi ngày hai chủ đề nếu người cấm phòng muốn dành 7ngày cho tuần thứ tư này (x. op. cit. 4), cũng như cho tuần thứ ba (x. op. cit. 208 và 226) – trong số có 13 cuộc Đức Kitô “hiện ra”, được gọi theo số thứ tự từ “thứ nhất” cho tới “thứ mười ba” (x.op. cit. 299-311), cọng với “biến cố lên trời” (x. op. cit. 312).

Trước tiên, thánh Inhã đề nghị chiêm niệm về ba lần hiện ra với các phụ nữ: mở đầu là với Đức Nữ Trinh Maria, rồi đến bà Maria Mácđala, và sau hết là với các bà Maria (khác). Qua trung gian các phụ nữ, người cấm phòng tiến dần vào trong mầu nhiệm phục sinh. Tiến hành như thế là Inhã dựa theo các dữ kiện Kinh Thánh. Cũng chính Kinh Thánh đã đưa Inhã tới chỗ hiểu cuộc hiện ra với Đức Mẹ là lần “hiện ra thứ nhất” (x. op. cit. 299,1): “Thứ nhất. Ngài đã hiện ra với Đức Nữ Trinh Maria; dù không thấy nói đến trong Kinh Thánh, thì đó cũng là điều được coi như hiểu ngầm do sự việc Kinh Thánh kể lại cho biết Ngài đã hiện ra với nhiều người khác. Bởi vì Kinh Thánh cho là chúng ta thông minh đủ để hiểu, như có lần đã viết: ‘Cả anh em nữa, đến bây giờ mà anh em vẫn còn ngu tối sao?’[6]” (x. op. cit. 299).[7]

Sau đó là các lần hiện ra với các ông; đi đầu là cuộc hiện ra với Phêrô (x. op. cit. 302); rồi tiếp đếnlà các cuộc hiện ra với các môn đồ đi Emmau, với các môn đồ khi Tôma vắng mặt, với các môn đồlúc Tôma có mặt, và cuộc hiện ra bên bờ hồ, trong dịp “Đức Giêsu ủy thác đoàn chiên cho thánh Phêrô sau khi vị tông đồ trả lời xong ba câu hỏi về tình mến. Ngài nói với ông: ‘Hãy chăm sóc chiên của Thầy’” (op. cit. 306).

Trình tự như thấy trên đây biểu hiện một chủ tâm. Tự cơ bản, Giáo hội là một thực tại nữ tính: Giáo hội là “Hiền thê của Đức Kitô, Chúa chúng ta” (op. cit. 353; x. 365); là “Mẹ chúng ta” (ibid.). Trong tư thế đó, Giáo hội cũng là “Giáo hội phẩm trật” (hiérarchique: ibid.). Và Inhã nêu rõ “nguyên lý thánh mẫu” và “nguyên lý Phêrô” của Giáo hội ấy; nhưng cơ bản hơn cả là “nguyên lý thánh mẫu”.[8]

 

 2. Lòng rộng lượng của Đấng Phục Sinh

 “Trên núi Tabo”, khi phái gửi các môn đồ đi “rao giảng trong khắp thế giới, Đức Kitô đã chỉ thị rằng: ‘Hãy đi và giảng dạy cho hết mọi dân tộc, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần’” (op. cit. 307). Viễn cảnh phổ cập bao gồm toàn bộ thế giới như thế là rất hợp để giới thiệu “cuộc hiện ra thứ mười” với “hơn năm trăm anh em cùng một lúc”, như được nói đến trong “thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrintô” (op. cit. 308). Nhưng phổ quát tính của Đấng Phục Sinh và việcNgài hướng lòng tới hết mọi dân tộc không gây trở ngại đến mối thân tình cá nhân Ngài có trong quan hệ với bất cứ ai. Mối thân tình ấy làm như lộ rõ qua các cuộc hiện ra – được gợi lại một cách vắn gọn, không chi tiết rườm rà – với hai nhân vật rất được các người trong vòng thân cận như Kinh Thánh nhắc tới, biết đến là Giacôbê và Giuse Arimathia (x. op. cit. 309 và 310). Dù saothì các cuộc hiện ra kia cũng “cho thấy rõ (…) lòng rộng lượng của Đấng Phục Sinh.”[9]

 

3. Cuộc hiện ra với Phaolô

“Ngài hiện ra với thánh Phaolô, sau biến cố Lên Trời: ‘Sau hết, Ngài cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non’” (op. cit. 311,2).

Cuộc “hiện ra thứ mười ba” (op. cit. 311,1) là lần hiện ra với Phaolô, thường được gọi là “tông đồ thứ mười ba”. Inhã lưu ý cuộc hiện ra này xảy ra “sau biến cố Lên Trời”; như thế là ngài đảo ngược thứ tự thời gian của hai lần hiện ra cuối cùng được giới thiệu trong tuần thứ tư Linh thao, để đặt cuộc hiện ra với Phaolô liền sau mười hai cuộc hiện ra trước đó, là – như sẽ thấy – những cuộc hiện ra mang tính chất thiết lập đối với mầu nhiệm Giáo hội, bởi nhiều lý do. Mười hai cuộc hiệnra kia không thể không làm cho liên tưởng tới mười hai tông đồ, những nền móng của Giáo hội, chodù Inhã quen gọi các ngài bằng danh xưng “môn đồ” và dù thánh nhân có kể các cuộc hiện ra với các phụ nữ vào giữa mười hai cuộc hiện ra kia. Số 12 cũng muốn chỉ về 12 chi tộc Ítraen.

Các từ ghi chú “sau hết” (op. cit. 311,2) nhấn mạnh đến chủ tâm nối kết vừa nói trên đây, và đồng thời – theo thiển ý – cho thấy rõ cuộc hiện ra với Phaolô là thuộc một trật tự hay dạng loại khác với những lần Đấng Phục Sinh hiện ra với không biết bao nhiêu vị thánh khác, cả với Inhã nữa, suốt trong dòng lịch sử Giáo hội.[10] Theo Inhã, cuộc hiện ra với Phaolô, vị “Tông đồ lương dân”,nằm trong loại các hành động sáng lập Giáo hội.

Các người được gặp thấy Chúa trong mười hai lần đầu hiện ra đều thuộc dân Ítraen. Phaolô cũng là người Do thái, nhưng trong tư thế là người được đặc biệt phái gửi đến với lương dân – như ngài thường tự giới thiệu qua các thư của mình – ngài làm chứng cho thấy sự hiệp nhất của Giáo hội trong thực trạng khác biệt giữa Do thái và lương dân, là thành tố của chính cấu trúc và bản chất Giáo hội.

Đoạn cuối của trình thuật về “cuộc hiện ra thứ mười ba” củng cố nhận định trên đây. Có điều khá ngạc nhiên là trong cuộc hiện ra này, Inhã thuật lại rằng Đức Kitô “cũng hiện ra – bằng linh hồn của Ngài – với các tổ phụ trong Lâmbô (ngục tổ tông)” (op. cit. 311, 3).[11] Như thế, cuộc hiện ra với các tổ phụ được đặt trong thế song đối với cuộc hiện ra với Phaolô, cũng như trước đó đã được đối chiếu với cuộc hiện ra gặp Đức Mẹ (x. op. cit. 219). Tổ chức và trình bày theo cách thức như thế làm cho nghĩ rằng kết thúc phần giới thiệu các cuộc Đấng Phục Sinh hiện ra, Inhã đã muốn nêu bật tính phổ quát trong hành động cứu thế của Ngài: hành động ấy đi ngược lên đếntận quá khứ xa xăm nhất (ngục tổ tông), và qua Tông đồ các lương dân, hướng tới một tương lai thăm thẳm nhất, tức tới hồi Chúa quang lâm. Qua hành động gợi lại cuộc hiện ra với các tổ phụ, việc nối kết mầu nhiệm Đức Maria với mầu nhiệm Phaolô làm cho phải suy nghĩ. Con người Đức Maria và con người Phaolô, cả hai đều được liên kết chặt chẽ với phổ quát tính của ơn cứu độ và của Giáo hội. Cuộc hiện ra đầu tiên và cuộc hiện ra thứ mười ba làm nên một bộ kết hợp bao hàm (inclusion).

 

4. Lên Trời

Trình tự chiêm niệm trong tuần thứ tư kết thúc với mầu nhiệm Lên Trời. Cuộc chiêm niệm này gồm ba điểm. “Thứ nhất. Sau khi hiện ra với các Tông đồ trong bốn mươi ngày, cho thấy nhiều bằng chứng cùng dấu lạ, và nói về Nước Thiên Chúa, Ngài truyền bảo họ phải đợi Thánh Thần như đã hứa ban cho, tại Giêrusalem” (op. cit. 312,2).

Điểm thứ hai: Chúa được “cất lên”, trong “một đám mây” (op. cit. 312,3), về với Chúa Cha. Như vậy, người thực hành Linh thao (cấm phòng) được đưa dẫn vào trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.

Trong điểm thứ ba, người cấm phòng nghe những lời các thiên thần nói: “Đức Giêsu, Đấng đượcmang đi khỏi tầm nhìn các ông và đưa về trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (op. cit. 312,4). Toàn bộ thời gian lịch sử Giáo hội đã được trải dài ra trong tuần thứ tư củaLinh thao, cho tới chân trời tối hậu: biến cố Chúa quang lâm chung cục.

 

 II. HÀNH ĐỘNG CỦA ĐẤNG PHỤC SINH: HÀNH ĐỘNG SÁNG LẬP VÀ CẤU THÀNH GIÁO HỘI

Các tuần thứ ba và thứ tư (Linh thao) cho thấy tình trạng thành toàn của những gì “Vua đời đời và là Chúa vũ trụ” (Đấng đã sống lại) đề ra qua lần đầu tiên nêu rõ cương lĩnh hành động của Ngài,như thấy trong phần chiêm niệm về Nước Trời: “Ý tôi là muốn chinh phục cả thế giới và mọi kẻ thù địch, và nhờ thế mà vào trong vinh quang của Cha tôi; bởi vậy, ai muốn theo tôi, tất phải lao nhọc cùng tôi, để khi đã theo tôi trong gian khổ, thì cũng được theo tôi trong vinh quang” (op. cit. 95,4 và 5).[12]

Đối với Đức Kitô, sống lại là “đi vào trong vinh quang của Cha Ngài,” và vinh quang này không khácgì “vinh quang của Ngài” (x. op. cit. 303,3), đó là về với Cha. Thánh Inhã đề nghị nguyện ngắm vềNgài và để tuần IV kết thúc với cuộc chiêm niệm về mầu nhiệm Lên trời, đồng thời cũng yêu cầu người làm Linh thao đọc kinh “Lạy Cha” (x. op. cit. 225) vào cuối “cuộc tâm sự” của mỗi buổi chiêm niệm. Tuy nhiên, trong Linh thao – trong phần nội dung chủ yếu của tuần IV (x. op. cit. 218-225),cũng như trong phần các “Mầu nhiệm” (op. cit. 299-312) – điều đã được đặt lên hàng đầu không phải là mối quan hệ giữa Đấng Sống Lại với Cha Ngài, mà đúng hơn là giữa Đấng Phục Sinh vớiGiáo Hội, qua việc hiện ra cùng chuyển thông các hoa trái công trình cứu độ làm phát sinh.

Sự kiện sau đây thường được nêu bật, là qua các cuộc chiêm niệm trong tuần thứ tư, Inhã muốncho thấy rằng chính Đấng Sống Lại làm nên đức tin và nội dung cơ bản Tin mừng của Giáo hội (x.op. cit. 300,3; 301,2; 302,4; 303,3; 305,4; 307, 4); và rằng Ngài khai tâm cho các môn đồ hiểu về ý nghĩa của Kinh Thánh (x. op. cit. 303,3, Ngài thiết lập cho Giáo hội cấu trúc phẩm trật (x. ibid. 302;306,4) và các bí tích (phép rửa: op. cit. 307,4; Thánh Thể: op. cit. 303,4; cáo giải: op. cit. 304,4),Ngài vén mở cho Giáo hội thấy sứ mạng của mình (x. op. cit. 301,4; 307,4). Tóm lại, qua các sự việc đó, Đức Kitô Phục Sinh quả đã sáng lập, cấu thành, thiết đặt một cách chung quyết Giáo hội của Ngài.

Vấn đề được đặt ra là tìm xem cho biết việc Đấng Sống Lại hiện ra với Đức Maria có phải là một hành động mang tích chất cấu thành trong tiến trình sáng lập Giáo hội của Ngài hay không; và nếu có, thì bằng cách nào. Đó là điểm bài viết cố làm sáng tỏ.

Nhiều tác giả trình giải cuộc Đức Kitô Phục Sinh hiện ra với Đức Mẹ như chỉ đơn thuần liên quan đến một mình Đức Maria, như chỉ là chuyện nằm trong vòng thân mật giữa mẹ và con; và không coi đó là một biến cố có tầm kích giáo hội.[13] Đây là một dẫn dụ tiêu biểu về quan điểm của các tác giả này: “Cuộc gặp gỡ hoàn toàn thầm kín: không một người nào nhìn thấu được ‘mầu nhiệm’của cuộc gặp gỡ ấy; không phúc âm gia nào đã nói đến. Tại sao? Cách riêng là vì những lý do sau đây: cuộc hiện ra ấy nhằm một mục đích hoàn toàn khác với việc gầy dựng đức tin chung; hơnnữa, những tâm sự trào dâng của một Người Con và một Người Mẹ [cao cả] như thế thì không thể nào đại chúng hiểu nổi, cũng như không thể nào trình tả cho được với chỉ một số ngôn từ hạn hẹp.”[14] Thực ra là ngược lại, cuộc hiện ra với Đức Maria đóng vai cấu tố trong tiến trình xây dựng Giáo hội, và trong việc “gầy dựng đức tin chung” (theo nghĩa cốt lõi nhất của từ “gầy dựng”). Coi cuộc hiện ra ấy như chỉ có tính cách “riêng tư” – và đó là điều thường thấy – cũng không giúp cho việc nhận thức đi đúng hướng.

 

III. “NGÀI HIỆN RA VỚI ĐỨC NỮ TRINH MARIA” (OP. CIT. 299,2)

1. Hiện ra và vinh quang

 “Ơn xin”[15] đặc biệt của tuần IV là “ơn được cảm nhận niềm hân hoan và vui mừng khôn lườngtrước cảnh vinh quang và niềm vui lớn lao của Đức Kitô, Chúa chúng ta” (op. cit. 221).

Niềm vui và vinh quang đi liền với nhau. Xem ra niềm vui tuôn trào từ vinh quang: “hướng trí nhớ và tâm tư vào nhưng điều có thể gây sung sướng, hoan lạc và vui mừng thiêng liêng, chẳng hạn như là cảnh vinh quang” (op. cit. 229, 3).

Có thể vắn gọn gọi thần học của tuần IV là ‘thần học về vinh quang’ và vì thế, là thần học về “hiện ra”. Vinh quang được minh bạch định nghĩa nơi số 223: “Bản tính Thiên Chúa… lộ diện và tỏ hiệncách lạ lùng… qua những hiệu quả đích thực và cực thánh của biến cố phục sinh,” tức là qua việc chuyển thông ơn cứu độ, đưa nhân loại tội lỗi đi từ cõi chết đến sự sống. Vinh quang của Đấng Sống Lại là vinh quang – có thể nói – không những do bởi sự việc là Thiên Chúa, mà còn do bởi sự việc đã cứu độ chúng ta và đã có thể truyền ban cho chúng ta ơn cứu độ có được nhờ thánh giá. Trong tuần IV, linh hồn “vui mừng trong Đấng Tạo dựng và Cứu chuộc mình” (op. cit. 229,4).

   Xem ra “sống lại” đi trước “hiện ra”, bởi vì chính Đấng Sống Lại hiện ra. Tuy nhiên, Inhã có một ý niệm rất rộng về hành động hiện ra. Chính vì thế mà – như đã thấy trên kia – Đức Kitô “hiện ra với các tổ phụ trong ngục tổ tông” ngay cả trước khi Ngài sống lại (x. op. cit. 311,3), nhưng như bản văn nói rõ, là chỉ “bằng linh hồn của Ngài” mà thôi; còn khi hiện ra với Đức Maria thì “bằng cả xác cả hồn” (op. cit. 219, 2). Sống lại là mức toàn hảo của việc hiện ra. Cuối cùng, làm như có một sự đồng hóa giữa “sống lại” và “hiện ra”. Đó là điều đọc thấy ngay được nơi tựa đề tuần IV trong phần các Mầu nhiệm của cuốn Linh thao: “Sự phục sinh của Đức Kitô Chúa chúng ta. Cuộc hiện ra đầu tiên” (op. cit. 299,1). Tất cả các lần chiêm niệm về biến cố sống lại đều được gọi là các“cuộc hiện ra” (x. op. cit. 199 đến 311).

Trong nhãn quan Inhã, đối với Đức Kitô, sống lại có nghĩa là lên với Cha cả hồn cả xác, nhưng cũng có nghĩa là hiện ra cả hồn cả xác với Giáo hội và trong Giáo hội. Không nên hiểu việc hiện ra ấy theo nghĩa hẹp, như là một đối tượng không hơn không kém của tri thức, bởi bao giờ hiện tượng hiện ra ấy cũng bao hàm và nói lên việc thông truyền (và do đó, cả việc đón nhận) ơn cứu độ và niềm vui mà ơn ấy mang lại.

  “Hiện ra” là một hành vi liên chủ thể. Hiện ra là hiện ra với một người nào đó. Một trạng thái “vinh quang” đóng kín trong chính mình thì chẳng có nghĩa lý gì. Vinh quang chỉ thực sự hiện hữu khi được thông truyền và đón nhận. Chính việc thông truyền vinh quang ấy đã được thuật lại nhiều lần qua các cuộc hiện ra.

Điều cần lưu ý ở đây là vinh quang Thiên Chúa – theo cách hiểu của Inhã – không phải là một thực tại tĩnh, một tầm kích xác định một lần cho tất cả. Làm cho vinh quang ấy gia tăng lên hoặc giảm thiểu đi là việc tùy thuộc vào con người.[16] Theo quan niệm thần học của Inhã về vinh quang, Đấng Sống Lại thông chuyển vinh quang nhiều hay ít là tùy ở trạng thái tâm hồn của những người được thấy Ngài hiện ra. Inhã ám chỉ về những khác biệt như thế khi nhận định: các phụ nữ đã tin ngaylập tức (x. op. cit. 300; 301); Đức Kitô đã hiện ra với Phêrô sau khi ông nghe các bà nói, thấy trong mồ chỉ còn khăn liệm và “suy nghĩ về những điều ấy” (op. cit. 302); sau khi nghi ngờ, các môn đệđi Emmau nhận ra Ngài “khi rước lễ”; Tôma chỉ tin sau khi “đặt ngón tay” vào các vết thương của Đức Kitô (x. op. cit. 305); bên bờ hồ, Gioan đã nhận ra Chúa trước Phêrô (x. op. cit. 306,3).

 

2. Đức Nữ Trinh Maria

Để chỉ về Đức Maria, danh tước được cuốn Linh Thao dùng nhiều hơn cả là “Đức Bà” (27 lần). Sau đó là danh hiệu “Mẹ” (13 lần). Tên gọi “Maria” chỉ đọc thấy có 4 lần, trong các đoạn trích Phúc âm Luca (kinh Kính mừng được nhắc tới 9 lần). Danh xưng “Nữ Trinh Maria” xuất hiện có một lần duy nhất nơi số 299. Inhã luôn luôn dùng các danh xưng thánh nhân thường dùng, trừ khi cần nêu bật mối liên hệ đặc biệt của một khía cạnh trong mầu nhiệm suy chiêm, với tên riêng“Maria” hoặc với đức đồng trinh của Mẹ. Qua việc dùng danh xưng “Nữ Trinh Maria”, tác giả Linh Thao làm cho liên tưởng đến mầu nhiệm Truyền tin, qua đó, thể hiện mầu nhiệm Nhập thể.

Giữa các “Mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Kitô Chúa chúng ta” (op. cit. 261-312), mầu nhiệm đầutiên Inhã giới thiệu là “Việc báo tin cho Đức Bà, theo những gì thánh Luca viết ở chương một, c.26-38” (op. cit. 362,1). Quả vậy, trong chương ấy ghi là: “Trinh Nữ ấy tên là Maria” (Lc 1: 27). Trong điểm thứ ba của bài suy niệm, Inhã nhắc lại câu Đức Bà trả lời cho sứ thần Gabrien: “Này tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin cứ thể hiện nơi tôi như lời ngài đã nói (chịu thai và sinh hạ Đức Kitô Chúa chúng ta: op. cit. 262,2 và 3).” Nhận ra cách thức Thiên Chúa muốn “sử dụng con ngườimình” (op. cit. 5,2), Đức Maria tận hiến bản thân mình như là “nữ tỳ của Chúa” và của sứ mạng Ngài trao phó; “đầy ân phúc” (op. cit. 262,3), với tất cả lòng tin, người thuận nhận sứ mạng: Trinh khiết, người trở thành mẹ (sinh con) do tác động can thiệp của Thần Khí Thiên Chúa.

“Sự hiểu biết bên trong” về tiếng đáp “xin vâng” của Đức Maria được triển khai tột mức sâu rộng trong cuộc chiêm niệm thứ nhất của tuần II, về mầu nhiệm Nhập Thể (op. cit. 101-109). Viễn ảnh quả là hùng vĩ. Một đàng là vũ trụ toàn bộ, nhìn từ trên cao, từ “ngai tòa” Thiên Chúa: “khắp mặt địa cầu đầy người” (op. cit. 102,2), “mặt địa cầu mênh mông, trên đó có biết bao dân tộc rất khác biệt nhau” (op. cit. 103,1), “mặt địa cầu” (op. cit. 106,3; 107,1; 108,1), “mọi dân tộc đang ở trong cảnh mù quáng” (op. cit. 106,3); và đàng khác là “Ba Ngôi Thiên Chúa đang nhìn xem khắp mặt địa cầu” ấy, và “thấy mọi người đang sa xuống hỏa ngục, Ba Ngôi quyết định trong sự vĩnh hằng của mình rằng Ngôi Hai sẽ làm người để cứu độ nhân loại” (op. cit. 102,2) cho khỏi phận mệnh trầm luân ấy. Làm sao để hai thế giới đối ngược nhau như thế – một bên là Thiên Chúa Ba Ngôi, và bên kia là thế giới tội lỗi – gặp được nhau? Làm sao để kế hoạch của Thiên Chúa: “Chúng ta hãy cứu chuộc nhân loại” (op. cit. 107,2) trở thành hiện thực? Chắc hẳn không phải là không cần đến sự hợp tác tự do của con người: toàn bộ truyền thống kinh thánh mà Inhã lấy lại, xác nhận điều đó.[17] Để thực hiện cuộc “Nhập Thể rất thánh” (op. cit. 102,2), thì cần có sự hợp tác của “sứ thần Gabrien” và “Đức Bà” (op. cit. 102,3). “Nơi” gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người, giữa trời và đất, chính là “ngôi nhà” hoặc để nói cho rõ hơn, “căn phòng” (op. cit. 103,2) của Đức Bà.

Bằng thái độ vâng phục, Đức Maria đã nên cơ hội để ý định cứu độ của Thiên Chúa thành hiện thực. Cách Inhã bố trí cuộc chiêm niệm về biến cố Nhập Thể quả đã làm cho nổi bật hẳn viễn cảnh tầm cỡ vũ trụ tiềm ẩn trong lời xin vâng của Đức Maria. Lời xin vâng ấy vang vọng lên trong toàn cõi vũ trụ, nơi mỗi một người trong nhân loại. Chính vì vậy mà trong lời tâm sự cuối buổi chiêm niệm (x. op. cit. 109,1), Inhã gọi Đức Maria là “Mẹ” (cũng như trong op. cit. 199,4; 276,3; 297,3). Người đã nhận làm mẹ của “Chúa muôn loài” (op. cit. 97), lẽ tất cũng trở thành mẹ của hết mọi người, mẹ của toàn thể nhân loại.[18]Inhã đã không thể xác quyết người là “Mẹ”,[19] nếulời xin vâng của người đã không được nói lên nhân danh toàn thể nhân loại, và nếu mẫu tính của Đức Maria đối với Chúa Kitô đã không đưa người đến chỗ hành sử mẫu tính đối với hết thảy mọi người.[20]

Inhã coi vai trò làm trung gian ấy (giữa Thiên Chúa và vũ trụ) của Đức Bà là chủ yếu.[21] Vai trò làm trung gian của Đức Maria biểu hiện rõ nơi các cuộc tâm sự ‘ba chiều’ trong Linh Thao (từ số 63 trở đi): người cấm phòng nhờ đến lời cầu bầu của Đức Maria, rồi của Chúa Con, trước khi ngỏ lời thưa lên với Chúa Cha.[22]

Dùng đến danh xưng “Nữ Trinh Maria”[23] vào lúc ngài đề nghị chiêm niệm cuộc Đức Kitô sống lại hiện ra với Đức Bà (x. op. cit. 299), là Inhã có ý ám chỉ đến những nét tương ứng tinh tế và khôn lường. Lúc Truyền tin, đức trinh khiết của Đức Maria là dấu chỉ của một thái độ hoàn toàn sẵn sàng, cả xác lẫn hồn, sẵn sàng đối với tác động của Chúa Thánh Linh; thái độ sẵn sàng ấy – biểu hiện rõ qua lòng tin tuyệt hảo của “nữ tỳ” vào “Lời” – đã mở rộng đường để Đức Nữ Trinh trở thành mẹ, mẹ của Con Thiên Chúa, không có sự can thiệp của người bạn trăm năm là Giuse; người đã thụ thai Con Một của Thiên Chúa, nhờ tác động của Thánh Linh. Với biến cố Phục Sinh, Đức Maria đã tiếp đón Con mình hiện đến – trong thể xác vinh quang, hoàn toàn thần tính – với một tâm lòng trinh trong toàn vẹn, một tâm lòng cởi mở và sẵn sàng tuyệt đích; người dành sẵn cho Con mình một nơi để hiện ra, một nơi thoáng khoáng, không hề có cản trở, không mảy maykhiếm khuyết, không bị giới hạn bởi tội lỗi;[24] người thưởng lãm tính duy nhất – tức chỉ là một – giữa thân xác người trao cho Ngài xưa kia và thân xác sống lại bây giờ;[25] người “hạ mình khiêm nhường và tạ ơn Thiên Chúa” (op. cit. 108,3) vì thiên chức làm mẹ của người đang thành hiện thực một cách lạ lùng, không thể tưởng tượng nổi. Người đã có thể cho Con mình duy chỉ sự sống hay chết (vie mortelle); và chỉ duy nhất Quyền năng Đấng Tối Cao đã làm cho Người Con ấy sống lại trong sự sống bất diệt; và cuối cùng, người hiểu rõ lời của sứ thần: “Quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà” (Lc 1:35).

Đối với Đức Kitô, sống lại có nghĩa là nhận lấy vinh quang từ Chúa Cha, vinh quang mà Ngài được hưởng bên Cha từ đời đời và cũng là vinh quang Ngài đáng được do công trình cứu chuộc Ngài đã thực hiện; cũng như có nghĩa là có năng quyền thông ban ơn cứu độ ấy cho mọi người. Vậy, vinh quang: Ngài nhận được trước tiên từ Cha. Như đã thấy, theo quan niệm thần học của Inhã,loài người có thể làm cho vinh quang Thiên Chúa tăng thêm. Do đó, Đấng Sống lại cũng nhậnđược vinh quang từ nhân loại mà Ngài cứu chuộc, khi với lòng tin cậy mến, loài người biết đón nhận sự Sống mà Đấng Cứu Độ mình thông ban cho.

Mà, trong mầu nhiệm ấy, Đức Maria đóng giữ một vai trò đặc biệt. Một mặt, như đã bàn đến trên kia, trong tư cách là Vô Nhiễm nguyên tội, Đức Maria đón nhận trọn vẹn, không chút kháng cản,vinh quang và sự sống của Đấng Phục Sinh; mặt khác, hơn bao giờ hết, trong trường hợp này,Đức Maria hành sử vai trò của mình, vai trò làm trung gian giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, toàn thể vũ trụ. Bên cạnh Đấng Phục Sinh, người đại diện cho toàn thể nhân loại-hôn thê, và như thế, nhân danh hết thảy mọi người cùng toàn bộ vũ trụ, người nhận lấy “những hiệu lực cựcthánh của việc Phục Sinh” (op. cit. 223). Vậy, quả thực, có thể nói rằng nếu Đức Maria đã khôngmở lòng đón nhận như thế thì niềm vui và vinh quang của chính Đức Giêsu sống lại đã không được trọn vẹn. Khi nói đến quan hệ giữa Đấng Phục Sinh và những người Ngài hiện ra với, thánh Inhã gợi lên “cách thức mà các bạn hữu thường an ủi nhau” (op. cit. 224): một niềm thân tình qua lại. Đức Kitô an ủi mẹ mình. Đức Maria cũng “an ủi”. Mẹ cấu thành thân xác vinh quang của Ngài. Albert Chapelle không ngần ngại khẳng quyết rằng: “Đức Kitô hiện ra với người (Đức Maria, có khả năng) nhận ra đuợc Ngài. Nhờ Ngài, Mẹ được tái sinh trong sự Sống; Mẹ nhận ra “Vinh quang” (op. cit. 221, 229) của Thân xác Ngài. Trong Mẹ, Ngài tái sinh trong sự Sống, qua việc nhận từ Mẹ Thân xác vinh quang của mình. Do đó, chính ở nơi gốc cội này, mọi cuộc hiện ra và mọi lần nhậnra Đấng Sống Lại, tìm thấy được ý nghĩa và khuôn mẫu nguyên sơ của mình. Bởi vì, sinh Thân xác vinh quang ra có nghĩa là đón nhận và cưu mang trọn vẹn niềm vui mừng và hoan lạc cũng như tình thân (x.  op. cit. 229) và hương vị (x. op. cit. 227) của Thân xác vinh quang ấy. Mọi lời nói, mọi ánh nhìn mà Ngài sẽ mãi mãi khơi dậy, tiếp tục nẩy sinh ra giữa thế gian trong tình thân và xúc cảm (x.op. cit. 227) tâm thần cũng như thể lý của Mẹ Đấng Sống Lại, trong Ngôi Lời Thầm lặng và trong vừng quang của ánh mắt Ngài nhìn, vào lúc ‘tái truyền tin’ ấy cho Đức Maria.”[26]

  Việc Đức Kitô sống lại hiện ra với Đức Maria, là điều kiện để tất cả các cuộc hiện ra khác có thể xảy ra. Chính vì vậy mà Ngài đã phải hiện ra với người trước tiên. Đức Maria không phải là căn nguyên hành động của sự việc Đức Kitô sống lại, nhưng Đấng Sống Lại sẽ không bao giờ hiện ra với bất cứ một ai nếu, trước tiên, Ngài không tìm thấy một ‘nơi’ hoàn toàn trinh trong, ở đó, việchiện ra của Ngài có thể diễn ra trọn vẹn; ở đó, vinh quang và niềm vui của Ngài có thể đượcthông chuyển và thiết cấu trọn vẹn. Theo nghĩa đó, cuộc Đức Maria tiếp đón Đấng Phục Sinh không những là điều kiện cho hết mọi cuộc hiện ra khác, mà còn – theo phần mình – đóng vai cấu tố trong vinh quang và niềm vui của chính Đấng Phục Sinh. Cũng như Ngài chỉ có thể đi vào thế giới này qua việc nhập thể nhờ trung gian của tiếng fiat từ phía Đức Maria, thì cũng thế, Ngài chỉ có thể hiện ra trong vinh quang trọn vẹn của Đấng Cứu Độ nhờ sự tiếp đón hoàn hảo từ phía tâmhồn trinh trong của Đức Bà.

Đức Kitô sống lại chỉ có thể hiện ra với trọn vẹn ý nghĩa và chân lý về bản thân mình – tức trong tư thế là Đấng toàn thắng, toàn thắng cách triệt để và dứt khoát tội lỗi và sự chết – một khi Ngài đã thông chuyển chiến thắng ấy – trọn vẹn và không thể đảo ngược – cho người đại diện – trước mặt Ngài – của toàn thể nhân loại, cho người nữ mà thánh Inhã gọi là “Người Mẹ”, bởi vì, trong Mẹ, mọi người đều hiện diện.[27]

Thân xác vinh quang của Đấng Sống Lại chính là thân xác qua đó, Ngài hiện ra và thông chuyển vinh quang của mình. Như thế, thân xác ấy không xa lạ đối với thực tại được gọi là “thân mìnhmầu nhiệm” (hoặc “nhiệm thể”) của Ngài. Khi hiện ra với Đức Maria, Đức Kitô phục sinh đã dứt khoát tiếp nhận Mẹ vào trong thân xác vinh quang, thân mình mầu nhiệm của Ngài. Ngài làm cho Mẹ nên Thân mình của Ngài. Trước đó, Ngài đã hiện ra với các kẻ lành thánh thời Cựu Ước (op. cit. 219; 311), là những kẻ trong bước quá độ đi vào cõi chết, đã mở lòng đợi trông ơn cứu độ đến, và như thế, đã có thể được muôn đời thu nhận vào trong Thân Mình của Đấng Sống Lại. Còn đối với Đức Maria, tình trạng trinh trong vẹn toàn của người, tức thái độ mở lòng không mảy may giới hạn cho ơn cứu độ, đã làm cho người – cả người nữa, ngay trước khi chết, và do sự tiên phòng của Thiên Chúa – được muôn đời kết hợp với Thân Mình của Đức Kitô. Trong cuộc Đức Kitô hiện ra đầu tiên với người, Đức Maria đã hoàn toàn đồng thuận với sự việc Sống Lại, vàdo thái độ đồng thuận ấy, người “trao tặng” – trong những gì thuộc khả năng của người – cho Đấng Sống Lại, Thân Mình vinh quang của Ngài, tức là người thuận nhận muôn đời làm thành phần của Thân Mình Đấng Sống Lại (thân mình cá nhân cũng như mầu nhiệm). Làm thế là – xin được nhắc lại – theo khả năng của mình và cùng với các người lành thánh Ítraen (cũng như qua trung gian Ítraen, các người lành thánh nơi các dân tộc), Đức Maria tạo nên niềm vui và vinh quang của Đấng Sống Lại.

Sau cuộc hiện ra với Đức Maria, Đức Kitô sống lại có thể hiện ra với các viatores (= đang trênđường dương thế, với các môn đệ chưa được biến đổi dứt khoát) theo toàn diện tính và đích thực tính của Vinh quang Ngài. Còn trước kia, thì Ngài đã không thể làm như thế.

“Ngài đã hiện ra với Đức Nữ Trinh Maria”: lúc hiện ra, Đức Kitô đã “an ủi” (op. cit. 224) mẹ mình. Niềm ủi an ấy tất cùng lúc gồm hàm việc cá biệt hóa (personnalisation) tối đa, việc tỏ lộ về chính con người Mẹ và việc Người Con nêu cao độc đáo tính của con người Mẹ: Đức Maria nhận ra con người mình hệt như căn tính và bản sắc đã được tiền định; mầu nhiệm cuối cùng về chính mình ấy chỉ có thể diễn tả bằng một tên gọi. Từ đời đời, người đã nghe mình được gọi bằng tên “Maria”.

Buổi chiêm niệm về cuộc hiện ra với Đức Nữ Trinh Maria là buổi chiêm ngắm độc nhất trong phần các “Mầu nhiệm”, chỉ gồm có một “điểm” duy nhất (gọi là “Thứ nhất”: x. op. cit. 299). Thông thường, thánh Inhã đề nghị nhiều điểm trong các buổi suy niệm hay chiêm niệm. Từ “thứ nhất” làm cho nghĩ là còn các phần tiếp theo. Tại sao Inhã lại dùng từ “thứ nhất” trong khi chỉ có một điểm duy nhất? Bởi vì, xem ra – theo thiển ý – thánh nhân muốn cho thấy mầu nhiệm cần chiêm niệm chính là mầu nhiệm đầu tiên, theo nghĩa là nguyên gốc. Mầu nhiệm ấy là thứ nhất, cả về mặt thời gian lẫn về mặt hữu thể.

 

IV. ĐỨC MARIA, GIÁO HỘI ĐẦU TIÊN [28]

Như đã trình bày, theo thánh Inhã, Đức Maria làm trung gian giữa Thiên Chúa[29] và toàn bộ vũ trụ. Nhân danh toàn thể nhân loại, Mẹ đã thuận nhận hợp tác vào trong công cuộc Nhập thể cứu độ. Trong tư thế ấy, trước mặt Đức Kitô và bên cạnh Ngài, Mẹ là dung mạo của nhân loại có lòng tin cậy mến. Nói cách khác, Mẹ là dung mạo của Giáo hội.

Lúc hiện ra, Đức Chúa tỏ cho thấy dung mạo ấy như là người “Nữ Trinh”, và điều đó còn được thấy– rõ hơn nữa trong chính giây phút Truyền tin – như là dung mạo của Giáo hội-Hiền thê. Người là mẹ của Đức Giêsu, mẹ trinh trong đến độ có thể biểu hiện dung mạo của Giáo hội-Hiền thê.

Cũng nên ghi nhận rằng tước hiệu mà Linh thao dùng nhiều nhất cho Đức Maria là tước hiệu “Nuestra Señora”, có nghĩa sát là “Đức Chúa Bà chúng ta” hơn là “Đức Bà”, và có thể nói đó là tước hiệu đi song đôi với tước hiệu “Señor Nuestro”, “Đức Chúa chúng ta”, thường dành cho Đức Kitô: bên cạnh “Đức Chúa chúng ta”, thì có Mẹ là “Đức Chúa Bà chúng ta”.

Tất cả những chỉ dẫn trên đây cho thấy rằng theo Inhã, Đức Kitô sống lại hiện ra với Đức Maria theo tư cách Mẹ là người biểu hiện và tóm gồm vào nơi chính mình, toàn thể Giáo hội. Người dành sẵn cho Con mình – xin được nói lại – một nơi trinh trong và ‘vô nhiễm’ trong đó, việc Ngài hiện ra có thể triển dương trọn vẹn, không trở ngại. Ngài tìm thấy nơi Mẹ, Thân xác vinh hiển của Ngài. Ngài chuyển thông cho Mẹ trọn vẹn ơn cứu độ, ân sủng, đến độ – một khi đã cộng tác vào công trình cứu độ từ giây phút Nhập thể, cũng như đã thông dự vào cuộc Tử Nạn của Ngài một cách chặt chẽ nhất – Mẹ có thể trở thành cộng sự viên hoàn hảo trong chính việc phân phát các hoa trái cứu độ. Tắt một lời, Đức Kitô đặt người làm dung mạo của Giáo hội-trung gian mọi ơnthánh. Quả thế, Đức Chúa muốn rằng mình sẽ không làm điều gì mà không có sự phụ trợ, sự trung gian của Hiền thê mình là Giáo hội. Giáo hội can dự vào việc ban phát mọi ơn thánh.

Hành vi đầu tiên trong việc sáng lập Giáo hội chẳng phải là hiến dâng lên Ngài cái “tôi” của mình đó sao? Đức Maria chính là cái “tôi” đó. Đến đây, xin nhường lời cho H.U. von Balthasar: “Đức Chúa không muốn thấy Giáo hội của Ngài đứng trước mặt Ngài như là một sự thất bại tỏ tường, có một không hai, mà như là một hiền thê tráng lệ xứng với Ngài. Ở đây, tất phải có sự can thiệp của nguyên tắc thánh mẫu trong Giáo hội. Đức Maria là chủ thể tính (subjectivité) ấy: chủ thể tính – theo cách thể nữ tính và tiếp nhận – có khả năng ứng đáp hoàn toàn – nhờ ơn Thiên Chúa và nhờ Thần Khí Thiên Chúa đến trên người – chủ thể tính nam tính của Đức Kitô. Nơi Đức Maria, Giáo hội phát sinh từ Đức Kitô, tìm thấy tâm điểm của mình và mức hiện thực trọn vẹn của ý niệm về mình. Nơi tâm lòng nữ tính rộng mở cho lang quân thần linh – là Thiên Chúa và là con người – đức tin đầy mến yêu và hy vọng của Mẹ trải rộng đến chỗ bắt gặp nguyên tắc nam tính mang đặc nét tư tế và bí tích hiện rõ trong Giáo hội, cho dù tư cách nữ tính của Mẹ không bao hàm trọn hết tinh thần chủ thể đang vận hành trong Hội Thánh. Đức Maria không phải là Lời, nhưng là câu trả lời thích đáng, đúng như Thiên Chúa đợi chờ từ thế giới tạo vật, và đúng như ơn và lời Ngài đã gợi dậy ở trong đó.”[30]

Chẳng phải vì thế mà Đức Kitô đã hiện ra với người nữ – Đức Maria – hiện thân của toàn thể Giáo hội, trước khi hiện ra với các người khác?

 

V. KẾT LUẬN 

Cách chung, các bản giải thích Linh thao đều đồng ý để khẳng quyết – ít là trong những gì liên quan đến các cuộc Đấng Sống Lại hiện ra với các người nơi dương thế – rằng thánh Inhã đã giới thiệu các cuộc hiện ra ấy như là những hành vi sáng lập Giáo hội. Một số nhà giải thích không nhận giáo hội tính của “cuộc hiện ra thứ nhất”, tức cuộc hiện ra với Đức Bà. Phần chúng tôi, chúng tôi tự hỏi có cần phải nhận cuộc hiện ra này là một hành vi sáng lập Giáo hội như các cuộc hiện ra khác không. Và chúng tôi hy vọng là đã trình bày cho thấy: chẳng những cần phải nhận là như thế, mà còn phải nhận rằng trong nhãn quan của Inhã, cuộc hiện ra ấy là hành vi tuyệt hảo trong việc sáng lập Giáo hội. Chắc hẳn, một ngày nào đó, cảm thức chung trong Giáo hội rồi sẽ bắt gặp trực giác thiêng liêng của tác giả Linh thao về điểm nhận định trên đây.   

 

                 Nguyễn Thế Minh trình dịch


 

[1] Linh mục Dòng Tên, tác giả bài viết bằng tiếng Pháp, tựa đề “En apparaissant à la Vierge Marie, le Christ ressuscité a fondé sonÉglise,” đăng trong tạp chí Nouvelle Revue Théologique 126 (2004) 33-48, là giáo sư tại Institut d’Études Théologiques ở Bruxelles, Bỉ.

[2] 1491-1556 (chú thích do người trình dịch ghi thêm).

[3] Viết tắt: Lt, tiếp theo là số trong tập sách. (chú thích do người trình dịch ghi thêm).

[4] Tuần là một phần trong tập Linh thao, là một trong bốn giai đoạn của tiến trình cấm phòng theo phương thức Inhã Loyola (x. Lt 4) (chú thích do người trình dịch ghi thêm).

[5] “Principe marial” và “principe pétrinien” (chú thích do người trình dịch ghi thêm)

[6] Mt 15:16.

[7] Bài viết dùng bản dịch Linh Thao của Édouard Gueydan, S.J., Ignace de Loyola, Exercices Spirituels, coll. Christus, 61, Paris, DDB, 1986. Cụm từ “Thứ nhất” (Premier) là để chỉ về “điểm” thứ nhất của bài suy chiêm (x. Lt 2 và 261,3) và ở đây là điểm độc nhất. Trong các phần sau, bài viết sẽ bàn rộng hơn về điều đó.

[8]  Qua bài ngỏ lời trong dịp ban hành Hiến chế tín lý về Giáo hội Lumen gentium, ngày 21 tháng 11 năm 1964, Đức Phaolô VI tuyên bố rằng: “Quả thật, thực chất của Giáo hội không bị cạn dần trong cơ cấu tổ chức phẩm trật, trong phụng vụ, trong các bí tích, trong các pháp lệnh của mình. Bản chất uyên ảo của Giáo hội, nguồn suối nguyên thủy của tính chất hữu hiệu trong khả năng thánh hóa tiềm ẩn ở trong mối kết hiệp thần nghiệm (union mystique ) mà Giáo hội có với Đức Kitô, một mối kết hiệp chúng ta không quan niệm được nếu không để ý gì tới Đấng làm Mẹ Ngôi Lời nhập thể, Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã muốn kết liên với mình một cách mật thiết dường ấy, vì phần rỗi chúng ta” (x. Doc. Cath. [61, 1964] 1543-1544). Tư tưởng ấy cũng được Đức Gioan Phaolô II khai triển như sau: “Xác nhận giáo huấn của toàn bộ truyền thống, công đồng Vaticanô II đã nhắc lại rằng trong trật bậc thánh thiện, ‘người nữ’ – Đức Maria thành Nadarét – chính là ‘hình ảnh’ của Giáo hội. Ngài ‘đi trước’, trổi vượt hơn tất cả mọi người chúng ta trên con đường thánh thiện; nơi bản thân ngài, ‘Giáo hội quả đã đạt tới mức hoàn thiện, để thực sự là không tỳ ố, không vết nhăn (x. Ep 5:27).’ Thế thì, có thể nói rằng Giáo hội mang tính chất ‘thánh mẫu’ (marial ) và cùng lúc cũng mang cả tính chất ‘tông đồ’ và ‘phêrô’” (Tông thư Mulieris dignitatem, về phẩm giá và ơn gọi của phụ nữ, số 27). Trong phần ghi chú, Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Dung dạng thánh mẫu ấy – nếu không nói là hơn thì – cũng cơ bản và đặc thù đối với Giáo hội như dung dạng tông đồ và phêrô, và gắn chặt với dung dạng này […]. Chiều kích thánh mẫu của Giáo hội có trước, đi trước chiều kích phêrô, dù vẫn gắn chặt và bổ túc cho chiều kích này. Đức Maria Vô Nhiễm đi trước bất cứ ai và, dĩ nhiên, trước cả Phêrô và các Tông đồ. Không những vì, xuất thân từ đám đông nhân loại sinh ra trong tội lỗi, Phêrô và các Tông đồ thuộc Giáo hội ‘thánh thiện hình thành từ những người tội lỗi’ (sancta ex peccatoribus ), mà còn vì tác vụ ba chiều kích của các vị không nhằm tới một mục tiêu nào khác ngoài việc tạo lập Giáo hội theo lý tưởng thánh thiện ấy, lý tưởng đã được tiên tạo (préformé ) và tiên trưng (préfiguré ) nơi Đức Maria. Như một nhà thần học hiện đại đã nhận định rất chí lý ‘Đức Maria’ là ‘Nữ Vương các Tông Đồ’ dù không dành cho ngài quyền hạn tông đồ. Ngài có những điều khác và hơn thế nhiều.” Nhà thần học được Đức Gioan Phaolô II trưng dẫn chính là H.U. von Balthasar.

[9] Chapelle A., trong tác phẩm sáng tác chung, tựa đề Les Exercices Spirituels d’Ignace de Loyola. Un commentaire littéral et théologique, Bruxelles, éd.. IÉT, 1990, tr. 106.

[10] Xin xem Chapelle A., Les Exercices Spirituels… (trưng dẫn trên kia), tr. 409.

[11] Đấng Phục Sinh “để cho chiêm ngưỡng mình như trong một cuộc Hiện ra vừa duy nhất mà cũng vừa đa dạng (x. op. cit. 311), một cuộc Hiện ra lồng vào trong mọi thời (sau biến cố Lên trời, trước biến cố Phục Sinh, cũng như trong bốn mươi ngày) và trong mọi nơi (trên trời, trong ngục tổ tông và giữa trần gian). Sứ mạng Giáo hội (x. op. cit. 307) trải rộng trong khắp thế giới, trong mọi chiều kích của không gian và lịch sử” (Chapelle A., op. cit., tr. 406).

[12] Xin xem Gervais P., “La grâce des troisième et quatrième semaines”, trong Les Exercices Spirituels … (op. cit .), tt. 411-425.

[13] Ngược lại, Lafontaine R. cho rằng: “Cuộc hiện ra này (với Đức Mẹ) mang tính chất giáo hội” (“Notre-Dame dans les Exercices Spirituels d’Ignace de Loyola,” trong Marianum XLVI [1984] 315).

[14] Pinard de la Boullaye H., Exercices spirituels, cuốn 2, Paris, 1951, tr. 186-187.

[15] Điều muốn đạt được với ơn Chúa trong một buổi chiêm niệm. Trong cuốn Linh Thao, thánh Inhã viết về “ơn xin” như thế này: “… là xin Thiên Chúa, Chúa chúng ta, điều tôi muốn và ước ao… phù hợp với đề tài suy ngắm.” (Lt 48).

[16] “Trước khi là một đối tượng chiêm niệm, (vinh quang) là một tiêu đích cần được cổ vũ để đạt tới. Chỉ biết được nó khi đi vào mầu nhiệm có khả năng vén mở cho chúng ta thấy nó, và mầu nhiệm đó cũng chính là tiến trình hoạt động qua đó, Thiên Chúa cứu độ nhân thế” (Courel F., “Saint Ignace et la gloire plus grande de Dieu,” trong Christus 11 (juillet 1956) 328-348, đoạn trưng: tr 328.

[17] Xem Quy tắc 17 trong phần “Để cảm nghĩ chân chính trong Giáo hội chiến đấu”: “Cũng vậy, không nên nói nhiều và nhấn mạnh quá về ân sủng đến nỗi đưa tới nguy cơ tiêu diệt tự do. Vậy có thể nói về đức tin và ân sủng chừng nào, theo ơn Chúa giúp, để ca ngợi Chúa chí tôn, nhưng không được nói làm thiệt hại cho các việc lành và sự tự do, hoặc khiến người ta không coi (việc lành và tự do) ra gì nữa, nhất là trong thời buổi ngày nay” (Lt 369).

[18] “Trước hết, Đức Maria là “Mẹ” duy nhất “của Con” và do đó, là “Mẹ” của loài người trên khắp mặt đất (Lt 106), vượt quá biên giới của Giáo hội hữu hình” như R. Lafontaine đã viết trong bài “Notre-Dame dans les Exercices Spirituels d’Ignace de Loyola,” trongMarianum XLVI (1985) số 8, tr. 316.

[19] Trong một “ghi chú”, Inhã đã nói rằng: “Có thể làm ba cuộc tâm sự: một với Đức Mẹ, một với Chúa Con, và một với Chúa Cha” (Lt199,4). Như danh xưng Cha thuộc riêng Thiên Chúa Cha, danh xưng Con thuộc riêng Thiên Chúa Con, thì cũng vậy, danh xưng Mẹ cũng thuộc riêng Đức Maria, trong tư cách là mẹ của tất cả và là nguyên mẫu (archétype) của mọi dạng mẫu tính.

[20] Kết luận những nhận định về cuộc chiêm niệm Nhập Thể như Inhã trình bày trong cuốn Linh Thao, M. Giuliani viết: “Vậy, mầu nhiệm về Đức Maria chỉ được xác định trong quan hệ với đại đồng tính của tội lỗi và phổ quát tính của ơn cứu độ, tựa như mầu nhiệm của Giáo hội, tức là của nhân loại có lòng tin và được cứu độ” (“Le mystère de Notre-Dame dans les Exercices,” trong Christus 183 [juillet 1999] 356.

[21] Trong cuốn Nhật ký thiêng liêng của ngài, thánh nhân nhiều lần nhắc đến “các vị trung gian”, tức là Đức Kitô và Đức Bà. 

[22] Cần phải hiểu cho chính xác về các cuộc tâm sự “ba chiều” ấy. Cũng như vai trò trung gian của Con đạt đến đích điểm và mức toàn hảo khi, trong Người, chúng ta được đặt vào trong quan hệ “tiếp cận” (immédiateté) với Cha, thì cũng vậy, vai trò trung gian của Đức Maria đưa chúng ta vào trong mối quan hệ tiếp cận với Con.

[23] Cuốn Cuộc đời tự thuật của Inhã cho thấy thánh nhân có thái độ kính nể đặc biệt đối với mầu nhiệm đức khiết trinh của Đức Maria (xem Cuộc đời… 15 và 16).

[24] Thánh Inhã đã tin vào ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria [dù thời ngài, ơn ấy chưa được minh định thành tín điều] và, như các tín hữu công giáo thời ngài, thánh nhân đã đọc thấy ơn ấy trong lời sứ thần nói lúc Truyền Tin: “đầy ân sủng” (Lt 262,3).

[25] Trong Nhật ký thiêng liêng, Inhã viết ngày 15.02.1544 như thế này: “Lúc truyền phép (trong Thánh Lễ), người (Đức Bà) đã cho tôi hiểu thịt của người ở trong thịt Con của người, với những hiểu biết cao siêu đến độ không thể nào viết ra được” (số 31).

[26] Chapelle A., Séminaire sur les Exercices spirituels donné à l’IÉT en 1975, p. 159, cité par Lafontaine R., “Notre-Dame…”, p. 315.

[27] “Không thể nghi ngờ là cuộc đời ấy (của Đức Maria) đã đạt tới mức độ sung mãn hoàn hảo lúc Đức Kitô Phục Sinh. Có thể nói mà không nghi ngờ là lúc đó, ‘thân xác thiêng liêng’ (corps spirituel) của Đức Maria đã kết thúc tiến trình phát triển. Nếu thân xác ấy đã không để lộ những “biểu hiện lạ thường” như thân xác Con Mẹ, thì chính là vì Đức Maria còn phải tiếp tục thuộc về trật tự tự nhiên và lịch sử của loài người nhằm đảm bảo cho nguồn gốc nhân loại của Đức Kitô và làm chứng trước thế hệ kitô hữu đầu tiên về đích thực tính của việc Nhập Thể” (Fessard G., La dialectique des Exercices spirituels de S. Ignace de Loyola, coll. Théologie, 35, Paris, Aubier, 1956, p. 138)

[28] Xin xem Ratzinger J. et von Balthasar H.U., Marie, première Église, Pris/Montréal, Apost.des éd./Éd. Paulines, 1981.

[29] Phần viết trên kia cũng như các câu và văn đoạn kế tiếp cho thấy tác giả bài viết muốn nói là: trung gian kế cận bên cạnh Đức Kitô (chú thích do người trình dịch ghi thêm).

[30] von Balthasar H.U., Qui est l’Église? do M. Vidal trình dịch, coll. Cahiers de  l’École Cathédrale, 45, Paris, Parole et Silence, 2000, tr. 59.