Sống khiêm tốn…

Cách đây chừng 5-6 năm, khi tôi vẫn là một học sinh cấp 3 sắp thi tốt nghiệp, đã lọt tai một câu nhận xét thế này “chuột chạy cùng sào, mới vào sư phạm”, hay sau đó ít lâu khi lựa chọn ngành nghề để thi đại học, thì ngành giáo viên mầm non được gọi là “gõ đầu trẻ”. Lúc ấy, chưa từng trải mà cũng chưa đủ lớn nên nghe gì nghĩ nấy, bỗng dưng trong lòng không chút ý niệm tốt về giá trị của ngành nghề này. Sau 4 năm đại học với một ngành nghề yêu thích, nhưng cuộc sống đưa đẩy thế nào tôi lại làm giáo viên mầm non. Cũng là bất đắc dĩ, nhưng nghiệm mới thấy ôi chao là bài học quý hóa từ thực tế, giúp tôi thay đổi quan điểm bấy lâu về ngành nghề này, biết trân trọng giá trị của nó hơn và biết… cách sống hơn.

Hai tháng thử việc đầu tiên, với một chuyên ngành trái ngoe, khiến tôi mệt nhừ tử với lũ nhóc con 24-36 tháng tuổi. Có vô số những tình huống bất lưc mà tôi phải đối diện mỗi ngày. Con khóc, mếu đòi ba mẹ khi vào lớp. Tập thể dục đầu ngày, con chẳng đung đưa cái tay một chút, cứ đứng trân ra. Giờ ăn như chiến trường, cô dỗ, khen, động viên và tìm mọi cách làm trò để con chịu ăn một miếng. Kế đến là sự tò mò vô giới hạn của lũ trẻ con, chúng chạy ngang dọc khắp mọi ngóc ngách trong lớp học. Tôi la khản cả cổ nhưng rồi cũng chỉ được mấy phút bình yên. Đặc biệt nguyên tắc an toàn luôn được nhắc đi nhắc lại từ Ban Giám Hiệu, dán mắt vào con trẻ không rời một giây. Và những lời bập bẹ của con thật không dễ hiểu chút nào để đáp ứng nhu cầu của chúng. Đó là chưa kể đến giờ học, giờ chơi, cô giáo cần xoay ngang, xoay dọc tương tác, hướng dẫn cho con sao cho đạt được kỹ năng yêu cầu của lứa tuổi.

Tôi đã vượt qua 2 tháng đầu trầy da tróc vảy như thế, thật không dễ chút nào. Trong khi đó, quan sát một chị lớp bên cạnh, cũng tầm 5, 6 năm trong nghề, mọi việc chị làm cứ trôi chảy, nhẹ nhàng đến diệu kỳ. Chị chỉ cần nhếch lông mày một chút là các cô cậu ngồi ngay vào ghế. Giờ ăn, giờ ngủ khi nào cũng nhanh hơn lớp tôi dù lớp chị học sinh đông gấp đôi. Giờ học các con ngồi ngoan răm rắp, và hỏi gì cũng biết, cũng hiểu ít là một nửa lượng kiến thức được dạy. Tôi nhìn chị mà lòng cảm phục đến lạ…! Thế mới thấy, đâu phải muốn làm nghề gì cũng được, kiến thức đại học là dư sức dạy mầm non. Không phải vậy, tôi nhận ra cái giá để làm được một công việc chuyên môn là phải được đào tạo đúng chuyên ngành, có thâm niên thì càng tốt. Tay ngang thì khó đấy.

Thế mới thấy, ngành mầm non đáng trân trọng biết bao, giáo viên mầm non như người nghệ sĩ dìu dắt đàn con trẻ thơ dại, hồn nhiên, tinh nghịch. Thế mới thấy, nghề gì cũng đáng trân trọng vì bỏ công bỏ sức ra học thì mới làm được. Và thế mới nhận ra,  khi chưa hiểu hết một ngành nghề, một con người hay bất cứ điều gì, đừng vội phán xét, tỏ thái độ. Nhận ra điều này chẳng có gì quá mới mẻ, nhưng để sống nó thì còn tùy sự trải nghiệm, mức độ khiêm tốn và lựa chọn của mỗi người. Cái tôi thường muốn chứng minh giá trị của mình với cuộc đời, với người khác, nhưng nó quên mất, khiêm tốn mới trưởng thành. Vì khiêm tốn giúp lắng nghe nhiều hơn, học hỏi nhiều hơn, quan sát nhiều hơn, sửa sai thành đúng nhiều hơn.

Bấy lâu nay tôi thường tỏ ra kênh kiệu với những gì mình biết, có bằng đại học trường top cũng đáng ra oai lắm chứ. Nhưng bước vào thực tế mới thấy, năng lực chưa tới đâu, sai tới sai lui và vẫn tiếp tục sai hoài. Thế mà cái sự ngang bướng muốn cho mình là đúng như ăn sâu trong da thịt khiến tôi rất khó đón nhận góp ý của người khác. Sau chuyến này, quyết tâm rèn luyện khiêm tốn để biết mình, biết đời, biết người hơn, trưởng thành hơn.

Kim Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *