Giá trị thứ tha (05.03.2024 – Thứ Ba Tuần III Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Đn 3,25.34-43, Mt 18,21-35

Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Mát-thêu (Mt 18,21-35)

21 Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng : “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần ? Có phải bảy lần không ?” 22 Đức Giê-su đáp : “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.

23 “Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. 24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. 25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ. 26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy : ‘Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.’ 27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. 28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo : ‘Trả nợ cho tao !’ 29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ : ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ 30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. 31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. 32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo : ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, 33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao ?’ 34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. 35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Giá trị thứ tha (05.03.2024)

Hàng ngày, khắp nơi trên thế giới ở đâu đó vẫn đang xảy ra chiến tranh và những vụ xung đột lãnh thổ, màu da, sắc tộc, tôn giáo; xã hội đầy bạo lực; nhiều gia đình xáo trộn, các vợ chồng trẻ ly dị ngày càng nhiều… Chung quy vì con người thiếu lòng khoan dung khi cư xử với nhau.

Khi nói về sự tha thứ, ai đó rất dễ khuyên kẻ khác hãy tha thứ, nhưng khi trực tiếp đối diện với kẻ xúc phạm đến mình, thì việc tha thứ cho người đang đứng trước mặt mình quả thật là khó khăn vô cùng.

Thế mới biết, tha thứ cho nhau là điều chẳng dễ dàng chút nào ! Cần phải có sức mạnh của Thiên Chúa, mỗi người mới có thể tha thứ cho nhau được.

Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay cho ta thấy rõ vấn đề, không phải chỉ giữ luật tha thứ như thánh Phê-rô nghĩ là tha thứ đến bảy lần mà thôi (x. Cn. 24,16), nhưng Chúa Giê-su đã trả lời rằng: Không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy, có nghĩa là luôn luôn tha thứ, tha không giới hạn, tha không điều kiện.

Từ đó, Chúa dạy ta cần phải có lòng nhân từ như Chúa, tha thứ như Chúa, không tính toán số lần, số lượng theo luật định, nhưng phải là tha thứ vô hạn định với tâm hồn đã được ơn Chúa biến đổi.

Mùa Chay nhắc nhở các Ki-tô hữu hãy suy niệm về cuộc Khổ Nạn của Chúa Giê-su. Chỉ khi nào ta cảm nghiệm được nỗi đau của Thiên Chúa, cảm nhận được sự nhân từ và lòng khoan dung của Người đã quảng đại thứ tha cho những kẻ đã hành hạ, sỉ nhục và giết mình; thì khi đó ta mới học biết được giá trị thật sự của sự tha thứ.

Lạy Chúa, xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con. Amen.

CÁT BIẺN

Xá… (14.03.2023)

Chữ Xá (– tha) là một từ hội ý được hợp thành bởi bộ xích (– sắc đỏ) và bộ phác (– đánh khẽ; đập bỏ).

Sắc đỏ là màu sắc rực rỡ nhất, cho nên Xích còn ẩn dụ ý nghĩa hết sạch; hết sức; trống không; hết lòng. Chẳng hạn như: năm mất mùa quá gọi là xích địa thiên lý, nghèo không có một cái gì gọi là xích bần; tay không gọi là xích thủ; mình trần truồng gọi là xích thể; con trẻ mới đẻ gọi là xích tử (con đỏ); giết chết hết cả họ tộc gọi là xích tộc; lấy lời xấu xa mà mỉa mai người gọi là xích khẩu hay xích thiệt.

Vì thế, chữ Xá (– tha) trong Hán ngữ qua cách hành văn là động từ ám chỉ sự hết lòng tha thứ, hết sức bỏ qua; bỏ sạch hết không còn gì cả.

Tin Mừng hôm nay (Mt.18,21-35) cho biết, Chúa Giê-su dạy rằng: Nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho anh em. Chúa Giê-su không chỉ dạy riêng cho Phê-rô và riêng cho các tông đồ cách thức tha thứ hết lòng cho người khác; mà Người cũng dạy cho các Ki-tô hữu hôm nay phương thế xử sự thành thật, hết lòng hỉ xả, bỏ qua tất cả những thành kiến, những đố kỵ, những thù hằn, ghen ghét, những bất hòa, lỗi phạm… của người khác đối với mình; nếu mình muốn được dìm sâu, được gột rửa tinh sạch bởi Lòng Thương Xót Chúa !

Có lẽ Chúa muốn các Ki-tô hữu hôm nay phải ý thức việc tha thứ cho anh chị em mình phải xuất phát từ tình yêu vô biên của Thiên Chúa và khởi nguồn từ sự quảng đại của Người; chứ không phải vì đức hạnh cá nhân của chính mình !

Lạy Chúa, xin tỏ lòng nhân hậu và lòng thương xót vô biên của Ngài đối với chúng con; khi chúng con biết tha thứ những xúc phạm của anh em đối với mình. Amen.

CÁT BIỂN

Tha thứ (22.03.2022)

Thiên Chúa là Đấng tha thứ cho con người mọi tội lỗi, do đó, con người cũng phải biết tha thứ lẫn cho nhau.

Qua câu chuyện của Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta thấy được hai thái độ khác nhau của hai chủ nợ. Người chủ nợ thứ nhất tượng trưng cho Thiên Chúa. Còn người đầy tớ mắc nợ mười ngàn nén vàng, tượng trưng cho con người tội lỗi. Mười ngàn vàng là một con số quá lớn, vượt khỏi trí tưởng tượng của người nghe. Ý muốn ám chỉ một món nợ mà con nợ sẽ không bao giờ trả hết. Cam kết trả hết nợ chỉ là một lời hứa liều khi bị dồn vào bước đường cùng, không còn lối thoát nào khác. Biết vậy, nhưng người chủ nợ lại là người nhân ái, đã động lòng thương trước lời van xin của tên đầy tớ. Và người chủ nợ đã một việc hết sức bất ngờ, đó là trả tự do và tha hết nợ cho anh ta trong khi anh ta chỉ dám xin khất nợ mà thôi.

Cũng thế, tội lỗi của con người đối với Thiên Chúa quả thực là một món nợ khổng lồ. Bình thường thì chẳng tài nào xoá đi được. Nhưng Thiên Chúa đã chạnh lòng thương. Ngài đã tha thứ không chỉ bằng một lời phán hết nợ, mà còn bằng cách cho Con Một của Ngài xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng cứu độ và sau cùng đã chịu chết trên thập giá để giải thoát chúng ta.

Nếu như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta một cách nhưng không, thì bây giờ đến lượt chúng ta, chúng ta cũng có bổn phận phải tha thứ một cách nhưng không cho người khác. Món nợ của con người đối với nhau, quả thật là nhỏ bé, là tầm thường, so với món nợ đối với Thiên Chúa. Một nén vàng là mười ngàn đồng bạc. Như thế, một vạn nén vàng vị chi là một trăm triệu đồng. Một trăm triệu đồng mà đem so với một trăm đồng thì quả là một trời một vực.

Nhưng cách cư xử của tên đầy tớ vừa mới được tha hết nợ đối với bạn hắn thì lại hoàn toàn trái ngược với thái độ của người chủ nợ đối với hắn. Cũng một lời van xin, nhưng hắn không hề nhớ tới điều hắn đã được hưởng. Người mắc nợ hắn đã bị tống giam vào ngục cho đến khi trả nợ xong. Chủ nợ của hắn buộc lòng phải đối xử với hắn như hắn đã đối xử với bạn hắn. Có điều một trăm đồng bạc thì còn có khả năng trả được, chứ mười ngàn nén vàng thì vô phương cứu chữa. Người đầy tớ không phải chỉ là một kẻ vụng tính mà còn là một con người độc ác, không có được một chút tình thương đối với người bạn của mình.

Trong kinh Lạy Cha chúng ta vốn đọc hằng ngày: Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Phải chăng đó chính là lời Chúa mời gọi chúng ta hãy biết sống khoan dung và nhân ái đối với những người chung quanh để rồi chúng ta sẽ được hưởng nhờ lòng khoan dung và nhân ái của Chúa.

Tha thứ cho nhau (09.03.2021

Ghi nhớ

Đức Giê-su đáp:“Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng mà đến bảy mươi lần bảy” (Mt 18,22).

Suy niệm

 Sau cách mạng Pháp,  trước cửa nhà thờ tại Paris. Người ta thường thấy một người hành khất với dáng vẻ kỳ lạ, xuyên qua lớp áo rách rưới, ai cũng có thể nhìn thấy trên cổ của hắn ta đeo một cây thánh giá nhỏ bằng vàng.

Vị khách quen thuộc nhất với người xấu số này là một vị linh mục trẻ. Vị linh mục này thường đến đây dâng thánh lễ. Mỗi lần ra khỏi nhà thờ ông hay đến gặp gỡ, hỏi han và giúp đỡ người hành khất này.

Một ngày nọ, vị linh mục không thấy người ăn xin lảng vảng trước cổng nhà thờ nữa. Hỏi thăm thì vị linh mục mới biết đường đến nơi người hành khất ở. Lúc này ông ta đang lên cơn sốt vì bệnh hoạn và đói ăn!

Cảm động trước nghĩa cử của vị linh mục trẻ, ông ta đã thành thật kể cho cha nghe hết cuộc đời đen tối của mình: “ Khi cuộc cách mạng bùng nổ, tôi làm quản gia cho một gia đình giầu có. Hai vợ chồng ông chủ là những người đạo đức và có lòng thương người! Thế mà tôi đã nhẫn tâm phản bội họ. Tôi đã vu khống và tố cáo họ.

Kết cục là gia đình họ bị bắt và bị kết án tử hình! Chỉ duy nhất có người con trai là trốn thoát được”.

Nghe đến đây, vị linh mục như muốn té xỉu! Nhưng ông đã cố gắng trấn tĩnh để nghe nốt câu chuyên của người hành khất. “ Tôi đã chứng kiến họ phải lên đoạn đầu đài, tôi đã nhìn thấy họ vì tôi mà phải chết. Tôi đúng là một con quái vật khát máu…Từ ngày đó tôi không bao giờ có sự bình an trong tâm hồn. Tôi đi lang thang ăn xin khắp các nẻo đường, để quên đi tội ác của mình, tôi vẫn còn giữ tấm ảnh của gia đình họ, cây thánh giá tôi đang treo ở đầu giường kia là của người chồng còn cây thánh giá tôi đang đeo trước ngực đây là của bà vợ…Cầu xin Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi!”

Nghe xong những lời tự thú ấy. Vị linh mục trẻ liền quỳ xuống bên cạnh chiếc giường của người hấp hối và thay cho một công thức giải tội, vị linh mục nói những lời sau: “ Tôi chính là người con trai còn sống sót trong gia đình ấy! Thay mặt cho gia đình và với tư cách là Linh Mục tôi tha thứ cho ông. Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần.

 Nếu chúng ta để ý đến những vụ phạm tội lớn xảy ra trong xã hội, chúng ta thấy rằng; mặc dù con người ta biết là chính mình đã phạm trọng tội rồi đấy, nhưng họ vẫn cứ muốn chối tội; Bằng chứng là các tội phạm thường thuê luật sư giỏi để biện hội trước tòa án cho mình nhằm được thoát tội hay chí ít cũng là để làm cho tội của mình thành ra nhẹ hơn. Chúng ta  lại thấy, con người ta khó  có lòng  để sẵn sàng tha thứ cho nhau. Tội lỗi của mình thì du di, dấu diếm đi, còn tội lỗi của người khác thì lại muốn khui ra cho mọi người được biết.

Bài Tin Mừng hôm nay thánh Matthêu đưa ra một câu chuyện là một người mắc nợ nhà Vua những 10.000 nén vàng, một số tiền khổng lồ! Nhưng vì hoàn cảnh không có gì để trả nên y đã van xin và nhà Vua đã tha nợ cho y. Ngược lại, một người bạn chỉ nợ y có một trăm quan tiền thôi, một món tiền không đáng là bao nếu đem so sánh với món nợ mười ngàn nén vàng kia! Và bạn y cũng gặp hoàn cảnh khó khăn như y nên không thể trả được, do vậy người ấy cũng  sấp mình xuống năn nỉ van xin để  được thư thả sẽ trả nợ cho.Nhưng y lại đối xử với một cách thức là: “truy cùng diệt tận” , “cạn tầu ráo máng” với người anh em. Đọc đến đây, thì không  một ai trong chúng ta có thể chấp nhận được cách hành xử rất bất công, bất nhân và bất nghĩa của tên được Vua tha nợ cho.

Nhưng câu chuyện trên nếu đem áp dụng vào đời sống của chúng ta thì lại rất đúng, chúng ta xúc phạm đến Chúa không biết bao nhiêu lần trong đời, Vậy mà Chúa luôn sẵn sàng tha thứ cho chúng ta, nếu chúng ăn năn hối lỗi, ngược lại, có khi chỉ vì một câu nói mà người anh em vô tình nói đụng chạm đến chúng ta thì chúng ta liền nổi sùng nên, quyết ăn thua đủ với người anh em.

Qua Bài Tin Mừng hôm nay, khiến chúng ta phải nhìn lại bản thân mình để có sự “điều chỉnh”mà cư xử đại lượng, hòa nhã với mọi người, như lời Đức Giê-su đòi hỏi trong Tin Mừng hôm nay. Mỗi khi bị anh em xúc phạm thì  hãy sẵn sàng bỏ qua.

Để thực thi được điều đòi hỏi khó khăn này, chúng ta phải có lòng mến Chúa thật nhiều, bởi chính lòng mến đó sẽ là động lực giúp chúng ta thi hành ý Chúa là.“hãy tha thứ cho anh em không phải là bảy lần nhưng là bảy mươi lần bảy”. Có nghĩa là tha thứ cho anh em không giới hạn, không điều kiện! Sống được như vậy, thì chúng ta mới có thể diễn tả được hình ảnh của một Thiên Chúa rất nhân từ và đầy lòng thương xót nơi chính bản thân của mỗi người chúng ta..

Thiên Chúa chỉ tha thứ tội lỗi cho chúng ta khi chính chúng ta cũng biết thứ tha những lỗi phạm của người anh em đến chúng ta. Đây là một chân lý, đòi buộc mà chúng ta phải luôn ghi nhớ và thực hành.

Cầu nguyện

 Lạy Chúa, khi kiểm điểm lại bản thân, chúng con thấy mình cũng đầy khiếm điểm, tội lỗi. Nhưng vì yêu thương, Chúa luôn sẵn lòng tha thứ hết mọi tội lỗi của chúng con. Xin cho chúng con biết noi theo gương Chúa và thực hành những điều Chúa dạy, để từ đó, chúng con cũng biết bỏ qua những lỗi phạm mà những người anh em đã xúc phạm đến chúng con, không chỉ một lần nhưng là mãi mãi trong đời sống của chúng con. Amen

  Sống Lời Chúa

Cố gắng không nhớ đến những xúc phạm của người khác.

Đaminh Trần Văn Chính.

Tha thứ (17.03.2020)

“Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng không tha thứ cho chúng con”.

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc nói chuyện giữa Đức Giêsu và ông Phêrô. Cuộc nói chuyện được bắt đầu bằng câu hỏi của ông Phêrô: “Thưa Thầy, nếu anh em con xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?“. Đức Giêsu đáp: Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”. Tha như thế là tha luôn mãi, không so đo tính toán thiệt hơn, là đi vào mối tương quan với Thiên Chúa tình yêu, và làm sáng tỏ “đạo yêu thương” mà chính Chúa đã thực hiện và đã làm gương cho chúng ta.

Phê-rô hỏi Chúa Giê-su

Anh em xúc phạm, xử như thế nào?

Thứ tha thực hiện ra sao?

“Bảy lần” được chứ! Lẽ nào chẳng xong

*

Trả lời, Chúa nói rất mong:

“Bảy mươi lần bảy”vui lòng người ơi!

Và đây câu chuyện Nước Trời

Ông chủ tính nợ, gọi mời yêu thương 

*

Người nợ khắp chốn muôn phương

Vội vàng cất bước lên đường về ngay

Đến khi tương đối đủ đầy

Chủ  xem sổ sách nợ vay từng người 

Theo bản tính tự nhiên, mỗi người chúng ta thường hay “để bụng” sự tranh chấp và lòng thù hận với những người làm tổn thương đến chúng ta về tinh thần hay vật chất. Chỉ khi nào con người biết tha thứ cho nhau thì họ mới có thể sống an bình và hạnh phúc thực sự.  Chính chúng ta cũng đã được Thiên Chúa tha cho trước. Nếu chúng ta không sẵn sàng tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã lãnh nhận nơi Chúa. Như Chúa đã nói: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Trước tiên chủ hỏi một người

“Mười ngàn nén bạc” vay thời xa xăm

Người này hiện tại khó khăn

Nên không trả được, nài van xin rằng:

Cho tôi khất lại thời gian

Hứa sẽ  trả hết “mười ngàn nén” trên

*

Chủ thương thông cảm tha liền

Xóa luôn hết nợ, ưu tiên cho về

Vừa ra đến cửa chẳng nề

Gặp người bạn cũ mượn thuê “trăm đồng”

Hắn liền tóm cổ xiết gồng

Trả mau số nợ cho “ông” đi “mày”

*

Người bạn cúi xuống lạy ngay

Xin anh thư thả vài ngày sẽ xong

Nhưng mà hắn vẫn nói không 

Tống giam vào ngục để lòng nhẫn tâm

 

Câu chuyện trong bài Tin Mừng mà Chúa Giêsu kể cho ông Phêrô nghe, chúng ta thấy giữa hai món nợ: “mười ngàn nén vàn” với “một trăm nén bạc”; giữa hai thái độ của nhà vua đối xử với tên đầy tớ và tên đầy tớ cư xử với người bạn. Khi so sánh hai món nợ và hai thái độ đã thể hiện sự khác biệt rất khác nhau: nhà vua thì “nhân từ, độ lượng”, còn tên đầy tớ thì “tham lam độc ác”. Đây cũng chính là lòng nhân từ bao la của Thiên Chúa và sự ích kỷ hẹp hòi của con người. Chúa Giêsu muốn chúng ta tha thứ cho anh em, là vì Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Bạn bè chứng kiến khổ tâm

Thuật lại với chủ lỗi lầm lớn lao

Nổi giận, chủ gọi hắn vào

Ta tha hết nợ, cớ sao ngươi còn!

*

Bạn bè tình nghĩa keo sơn

Thế mà ngươi đã “nổi cơn bất hòa”

Bởi ngươi chẳng biết thứ tha

Lý hinh hành ha cho ra mới đành

*

Bài học: phải sống nhân lành

Tha thứ để được chuyển thành thứ tha

Chớ đừng ích kỷ mình ta

Để rồi thân phận mãi là khổ đau

Thứ tha tình nghĩa nặng sâu

Cùng nhau thực hiện trước sau vẹn toàn

Lạy Chúa! Xin cho chúng con biết học tập nơi Chúa sự quảng đại tha thứ và lòng bao dung nhân hậu, để chúng con có thể luôn sống yêu thương và phục vụ mọi người.  Nhờ đó, chúng con sẽ trở nên con ngoan hiền hiếu thảo của Chúa và là anh chị em của mọi người đang sống chung quanh chúng con. Amen. 

HOÀI THANH

Giá của tha thứ…  (26.03.2019)

Sự vị kỷ; “cái tôi” của bản thân chính là nguyên nhân sinh ra tánh đố kỵ, và lòng thù hận. Và cuối cùng dẫn đến những hậu quả đau lòng trong cuộc sống. Thực tế đã cho thấy rằng, chỉ có tình thương, lòng bao dung, và sự tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù.

Để chứng minh việc tha thứ chẳng những là “có thể”, mà còn là “điều bắt buộc” đối với những ai đi theo Chúa. Chúa Giê-su đã dùng phương pháp so sánh giữa hai con nợ để cho thấy sự chênh lệch mắc nợ hết sức lớn – giữa một và một triệu – thật hết sức ấn tượng trong dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót”.  Qua đó, Chúa Giê-su, đòi buộc nếu mỗi Ki-tô hữu không hết lòng tha thứ cho anh em mình; thì Cha của Người ở trên trời cũng sẽ không tha thứ cho họ như vậy (x. Mt 18,35)

Từ đó cho thấy, giá trị của tha thứ là vô cùng đối với Thiên Chúa. Khi ta biết tha thứ cho tha nhân đến vô cùng, thì chắc chắn ta sẽ nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa đến vô cùng !

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết thương xót tha nhân để con được Chúa xót thương con. Amen.

CÁT BIỂN

Tha mãi… (06.03.2018)

Qua dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót”. Chúa Giê-su đã dạy các Ki-tô hữu hãy sống quảng đại, bao dung, và luôn tha thứ những lỗi lầm cho người khác, cũng như sẵn sàng tha thứ cho những xúc phạm của họ đối với mình.

Bởi chính Thiên Chúa đã yêu thương và tha thứ cho sự bất trung, và những xúc phạm của mỗi người qua việc Ngôi Hai xuống thế làm người, chịu chết để đền tội thay cho nhân loại (x. Rm 5,6-8)

Vì vậy, Chúa Cha ở trên trời cũng sẽ đối xử với người nào đã đối xử với anh em mình như thế, nếu mỗi người không hết lòng tha thứ cho những lỗi phạm của anh em mình như vậy (x. Mt 18,35).

Thiên Chúa đã tha thứ cho tôi trước và luôn sẵn sàng tha mọi lỗi phạm cho tôi qua bí tích Hòa giải. Và Người muốn tôi bắt chước Người  mà tha thứ cho anh chị em tôi như vậy.

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn vào lòng thương xót tha thứ của Chúa để con cũng biết tha thứ cho anh chị em mình. “xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Amen.

CÁT BIỂN

Xá (21.03.2017)

Khi chiết tự chữ Xá ( – tha tội). Ta thấy gồm: bộ Xích ( – trừ bỏ); và bộ Phác ( – đánh khẽ). Nghĩa là: Có tội, có lỗi nhưng được bỏ qua, đánh khẽ tượng trưng thôi; Xá nghĩa là tha tội, tha hình phạt.

Thánh Mát-thêu cũng cho ta “nhận ra” và “hiểu biết” sự tha thứ quan trọng như thế nào. Vì sự tha thứ của Thiên Chúa đối với ai đó luôn đòi hỏi phải có sự tha thứ của họ đối với người khác (x. Mt 6,9-15) .

Muốn có cuộc sống an lạc thì ở nơi tư tưởng phải có sự bình an.

Để tư tuởng được bình an thì phải biết tha thứ. Mà yêu thương chính là một hành vi tha thứ. Và tha thứ chính là thuộc tính của tình yêu thương.

Chính vì vậy, yêu thương đã được mặc nhiên trong tâm lòng con người một khi con người đang sống trong ân sủng của Thiên Chúa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi tôi phải tha thứ cho anh chị em chung quanh mình; tha thứ luôn mãi; tha thứ không có giới hạn.

Tha thứ là một điều cần thiết làm cho đời sống xã hội được vị tha hơn, ôn hòa hơn;

Tha thứ là một điều cần thiết làm cho đời sống gia đình được gắn kết nồng thắm hơn, kính trọng và yêu thương nhau hơn;

Tha thứ là một điều cần thiết làm cho đời sống trong các đoàn thể ngày càng bao dung độ lượng hơn.

Tha thứ không phải là thể hiện sự yếu nhược, mà là minh chứng cho sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình.

Đời sống Kitô hữu là một cuộc lữ hành tiến về Quê Trời. Nếu ai đó cứ để cho vai mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó cần phải biết sống tha thứ, để tâm hồn mình được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.

Lạy Chúa, xin cho con biết tha thứ lỗi lầm của anh chị em mình cũng như Chúa đã tha thứ mọi lỗi lầm của con vậy. Amen.

CÁT BIỂN

Tha thứ (01.03.2016)

Rừng đã cháy và rừng đã héo
Em hãy ngủ đi…
Rừng đã khô và rừng đã tàn
Em hãy ngủ đi…
Ngủ đi em, đôi môi lửa cháy
Ngủ đi em, mi cong cỏ mượt
Ngủ đi em, tay xanh ngà ngọc
Ngủ đi em, tóc gió thôi bay…

Đời đã khép và ngày đã tắt
Em hãy ngủ đi…
Đời mãi đêm và ngày mãi buồn
Em hãy ngủ đi…

Ca từ bài hát “Em hãy ngủ đi” đã cho người nghe nhạc thấy được những cảnh đau khổ, mất mát… đã cháy, đã héo… mà ai đó đã vô tình hoặc cố ý đã gây ra; làm cho đời sống một ai đó phải khốn khổ; đã khép lại, ngày đời của họ chợt tắt…Đối lập với những hình ảnh sự ác, bạo lực, dữ dội, và chết chóc lại là những lời thì thầm bao dung, tha thứ, buông bỏ… cho cái ác và sự dữ vẫn đang còn tồn tại và xảy ra đâu đó trong thế giới này từng giờ, từ ngày. Điệp ngữ “Em hãy ngủ đi… ngủ đi em…” được ví von như lời van xin, hãy buông bỏ hết tất cả mọi hận thù, tha thứ hết tất cả những lỗi lầm cho lòng mình được thanh thản, cho đời mãi  mãi yên bình vậy !

Vậy “Em hãy ngủ đi… ngủ đi em…” có phải đó là lời nguyện xin hãy tha thứ chăng ?

Tha thứ là hành động bỏ qua lỗi lầm của một người nào đó đã vô tình hoặc cố ý gây cho mình hoặc ai đó những tổn thất về tinh thần cũng như vật chất.

Trong Kinh Thánh, từ Hy Lạp được dịch là “tha thứ” có nghĩa là “buông ra”; nghĩa là không cầm giữ, không trói buộc vô điều kiện. Như vậy, tha thứ cho một người nào đó là một hành động buông bỏ sự thù oán, và không đòi hỏi bất cứ khoản bồi thường nào cho những mất mát và tổn thương mà mình đã gánh chịu.

Khi nghe Chúa Giêsu dạy về sự tha thứ, nhiều thắc mắc gợi lên trong lòng các đồ đệ. Phêrô đã nêu thắc mắc: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha thứ cho họ mấy lần ? Dung tha đến bảy lần y như Luật Môi-sê quy định được không ?”

Có lẽ Phêrô nghĩ rằng, tha đến bảy lần là quá từ bi hỷ xả rồi ! Thực tế trong cuộc sống, có mấy ai tha thứ cho người xúc phạm đến mình tới bảy lần đâu.

Thế nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu làm cho các ông phải sửng sốt đến ngạc nhiên: “Thầy không dạy là chỉ tha có bảy lần, nhưng phải tha đến bảy mươi lần bảy” (x. Mt 18,21-22)

Khi đưa ra con rất lớn, không đếm được – số lũy thừa 70 của 7 (770) – Chúa Giêsu muốn dạy các đồ đệ và những ai đi theo Người phải có tấm lòng bao dung, quảng đại… tha thứ mãi, tha thứ không ngừng, tha thứ luôn luôn ! Nghĩa là bao lâu có ai đó kêu xin sự tha thứ, thì ta phải sẵn lòng tha thứ vô điều kiện; tha thứ không giới hạn, tha thứ mãi mãi…

Chúng ta hãy noi gương tha thứ của Chúa trong cách cư xử với nhau. Vì  nếu Thiên Chúa là Đấng không tội lỗi, mà còn yêu thương tha thứ cho chúng ta đến thế, thì lẽ nào chúng ta là người có tội lại không biết hết lòng tha thứ cho nhau hay sao ? Tôi tha thứ cho anh chị em mình khi buông bỏ hết  mọi sự thù oán, và không đòi hỏi bất cứ bồi thường nào cho những mất mát, và tổn thương mà tôi đã gánh chịu. Thánh Phaolô dạy rằng tình yêu thương bất vị kỷ là nền tảng cho lòng tha thứ chân thành, vì tình yêu thương “không bao giờ nuôi hận thù” (x. 1Cr 13,4-5).

Khi biết tha thứ là biết buông bỏ sự giận dữ, và buông bỏ thù oán. Tha thứ có thể giúp ta bình tĩnh, tốt cho sức khỏe, và hạnh phúc hơn (x. Cn 14,30; Mt 5,9). Quan trọng hơn, việc tha thứ cho người khác chính là bí quyết để được Thiên Chúa thứ tha cho những tội lỗi của chính bản thân mình vậy (x. Mt 6,14-15)

Tha thứ là hành động cần kíp, không nên để chậm trễ. Cố gắng tha thứ càng sớm càng tốt, thay vì để cho sự oán giận ngày càng gia tăng (x. Ep 4,26-27). 

Nói tóm lại, Thiên Chúa đã dùng lòng thương xót, và tình yêu thương làm chiếc cân để xem xét, để lượng định giá trị con người. Giá trị nội tại của con người không căn cứ vào phẩm trật, hay quyền bính của họ; mà là ở tấm lòng từ tâm độ lượng, và nhân ái của người đó đối với đồng loại của mình.

Lạy Chúa, “Con người được tạo nên trong giới hạn, con người phải học biết để sống trong giới hạn của mình” (Emmanuel Kant). Xin thương hướng dẫn con biết mỗi ngày được trở nên giống Chúa hơn, để biết thương xót và biết tha thứ cho anh chị em của con luôn mãi. Amen (x. Ep 4,32).

CÁT BIỂN

Tha thứ

“Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” (Mt 18,21-35).

Suy niệm: Liền sau khi chấm dứt Thế Chiến Thứ II, Bà Coritanbun với những vết sẹo trên thân thể, hậu quả của những khổ hình bà phải chịu trong trại tập trung Đức quốc xã, đã đi khắp Châu Âu rao giảng sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình. Thế rồi bất ngờ một ngày kia bà gặp lại chính người đã từng hành hạ bà. Người đàn ông đó tiến lại, khiêm tốn đưa tay muốn bắt tay bà và nói: “Tôi rất cám ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi.” Bà Coritanbun như chết điếng người. Trước đây bà đã cầu nguyện và quyết tha thứ thật sự, nhưng bây giờ đối diện với sự thật, bà không thể nào bắt tay người đến xin bà tha thứ. Về sau, bà kể lại: “Trong giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng thưa với Chúa: ‘Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho người hành khổ con. Xin hãy ban cho con trái tim của Chúa, để con có thể tha thứ như Chúa.’” Và chính trong lúc đó bà hiểu rằng con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi nhìn nhận tình yêu thương và sự tha thứ của Thiên Chúa.

Mời Bạn: Tập sẵn sàng tha thứ bằng cách luôn nhớ rằng mình vẫn thường xuyên cần được thứ tha.

Chia sẻ: Rất nhiều trường hợp thực tế ta thấy dường như tha thứ là điều không thể. Làm sao để điều tưởng chừng không thể ấy trở thành có thể?

Sống Lời Chúa: Chủ động nói lời hoà giải với người xúc phạm đến bạn.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Lạy Cha – đọc chậm rãi, với tất cả ý thức câu: “… và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha cho kẻ có nợ chúng con…”

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *