Hãy sống trong sự thật (11.06.2022 – Thứ Bảy tuần X Mùa Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 V 19,19-21, Mt 5,33-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,33-37)

33 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. 34 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. 35 Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. 36 Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. 37 Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không thì phải nói ‘không’ ; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

Hãy sống trong sự thật (11.06.2022)

11.06: Lễ Nhớ Thánh Ba-na-ba tông đồ

Sở dĩ người ta gian dối là để được một mối lợi, để tránh một cái hại. Thế nhưng “được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình” (Lc 9,25), thử hỏi đàng nào hại hơn, đàng nào lợi hơn? Chấp nhận chịu thiệt để sống theo sự thật, đó là chọn lựa của những người làm chứng nhân cho Đức Ki-tô. Thánh Phao-lô cho thấy cái lợi của sự lựa chọn này: “Một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời” (2Cr 4,17).

Chúa Giêsu nói:“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,33-37).

Chúa Giêsu muốn trong tinh thần mới hãy mặc lấy Thiên Chúa là Đấng Chân Thật để sống trung thực, đối nghịch với mưu mô lọc lừa của ma quỷ là cha đẻ của sự gian dối. Đừng lợi dùng “lời thề” để che dấu sự gian dối của mình và làm hại đến tha nhân.

Sở dĩ có chuyện thề thốt trong xã hội, là vì có sự thiếu chân thành giữa người với người. Sự thề thốt, tự nó, đã là một bằng chứng rõ ràng của sự trục trặc trong tương quan giữa người với người. Các kinh sư và các người Pharisêu phận biệt hai loại thề: thề nhân danh Đức Chúa và lấy sự vật mà thề. Họ cho rằng loại thứ nhất có tính ràng buộc, còn loại thứ hai thì không, tức là người ta có thể rút lại lời thế.

Thề là đưa Thiên Chúa ra để làm chứng cho điều mình nói là đúng. Nhưng nếu người thề không giữ điều mình thề hay thề gian thề dối, thì chính họ làm cho Danh Thánh Thiên Chúa bị xúc phạm và phủ nhận tiếng nói của lương tâm mình. Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học về “nói sự thật” mà thánh Gia-cô-bê sau này còn nhắc lại: “Hễ ‘có’ thì phải nói có, ‘không’ thì phải nói ‘không’, như thế, anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5,12). Nếu tôi sống ngay chính trước mặt Thiên Chúa và trước lương tâm thì tôi không cần phải thề thốt gì cả. Lời nói của tôi là đúng, là thật, là chắc chắn thì đã đáng được mọi người tin cậy. Ngược lại, nếu thêm thắt điều gì, thì lời nói bấy giờ là lời bị thúc đẩy bởi ác quỷ.

Sự thật luôn là yếu tố cần thiết trong cuộc sống của con người. Sống giữa cuộc đời thật hư lẫn lộn, con người không còn biết đâu là chân lý và ai đáng để mình tin. Đức Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta hãy tin vào Ngài vì Ngài “chính là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Nơi Đức Giêsu, ta sẽ không bị phản bội, không bị thất tín, dù ta đã bao lần phản bội và thất tín với Người. Nơi Ngài ta không con thấy nghi nan, nhưng là cả nguồn chân lý đích thực để ta kín múc mà bước vào cuộc đời.

Chính sự giả dối đã làm cho người ta mất đi niềm tin nơi nhau, làm cho cuộc sống phập phồng lo sợ và gây bao thiệt hại cho người khác. Nhiều người đã vì lợi ích cá nhân mà bất chấp thủ đoạn gian lận,lừa dối nhau, gây ra bao hậu quảđau đớn cho tha nhân.Chính vì sợ lòng người nay thay mai đổi mà con người ngày nay luôn cần có những bản hợp đồng, giấy tờ chứng thực… Do đó, việc sống thành thật trong thế giới hôm nay dường như trở nên hiếm hoi, ngu ngơ và dại dột trước mắt người đời.

Khi con người đẩy Thiên Chúa là Chân Lý và Sự thật ra khỏi cuộc đời họ thì lương tâm nay thay mai đổi của con người sẽ làm chủ và gây bao thảm họa cho nhân loại. Xuyên suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, noi gương Đức Giêsu, đã có biết bao con người dám sống, làm chứng và chết cho sự thật. Họ là những người đã can đảm làm chứng cho niềm tin vào Đấng Chân Thật dầu phải trả giá bằng đau khổ, hiểu lầm, chống đối và thậm chí hy sinh chính mạng sống mình. Tuy nhiên, khi sống theo Sự Thật ta chẳng cần phải thề thốt, ta tìm thấy bình an, không chỉ cho bản thân mình mà còn cho những người sống chung quanh chúng ta.

Trong Nước Thiên Chúa, sự chân thật là quy luật sống và “phúc thay ai tinh sạch trong lòng”. Vì thế, sự thề thốt hoàn toàn không còn giá trị. Và Đức Giêsu dạy: “Đừng thề chi cả”.

Điều mà chúng ta phải để tâm suy ngẫm, xác định lại lối sống của mình theo Tin mừng hầu có thể là người ‘ đứng về phía Đức Ki-tô – về phía sự thật’.

Mahatma Gandhi thủ lĩnh Ấn Độ khi còn nhỏ phạm lỗi nói dối mẹ. Bà mẹ đã tuyệt thực và nói: thà để mẹ chết còn hơn thấy con hèn nhát nói dối vì không muốn nhận lỗi. Cậu Gandhi đã khóc lóc xin mẹ nhưng mẹ không chịu, nên cậu đã lấy than hồng bỏ lên tay thề với mẹ tuyệt đối sẽ không bao giờ nói dối nữa.

Khi ấy bà mẹ mới ôm con vào lòng và tha thứ cho cậu. Vết thẹo trong lòng bàn tay Gandhi là một dấu chứng, và cả thế giới đều có thể tin tưởng vào lời nói trung thực của ông. Mahatma Gandhi đã thề, và có lẽ là lời thề quyết liệt duy nhất trước người mẹ mà ông kính yêu. Ông đã không bao giờ phản bội lời thề đó. Trong Giáo hội cũng có những lời thề nguyện khấn hứa những điều tốt lành của Linh mục, tu sĩ, huynh đoàn, hội tận hiến…. Đó là những lời thề nguyện mang tính tích cực, hướng đến sự trọn lành thánh thiện. Giáo hội khuyến khích, nâng đỡ và mời gọi con cái mình thực hành những việc như thế. Tuy nhiên, có rất nhiều kẻ gian dối lại hay dùng lời thề để biện minh cho mình, để làm chứng là mình nói thật. Thực tế cho thấy, người thật thà là người thường rất ít khi dùng đến lời thề, vì lời nói của họ luôn đáng tin đối với mọi người.

Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hôm nay, một cách nào đó nền giáo dục chạy theo thành tích đã đào tạo ra cả một thế hệ  mang não trạng gian dối – từ giáo viên cho đến học sinh. Chuyện có thật kể rằng: Ở một trường tiểu học X nọ, trong tiết thi kiểm tra học kỳ môn toán của học sinh lớp 5, giáo viên coi thi đã giải đề thi toán trên bảng rồi bảo học sinh chép và sửa vào bài thi, cô giáo nói: “Chuyện này chỉ có cô cháu mình biết với nhau thôi nhé.” Còn các em học sinh hầu hết đa số đi thi đều không tự tin, dù các em đã có học bài. Các em luôn có các tài  liệu, câu trả lời đề cương thi được photo rất nhỏ mang theo bên mình để ‘quay phim’. Và cũng hầu hết các em coi đó là chuyện bình thường tự nhiên ‘ai cũng làm’ – Ai mà không làm là dại! Tội gì mà phải hao hơi tốn sức học cho nhọc công(?) Một nền giáo dục đậm màu gian dối mà các em học sinh hấp thụ ngay từ tấm bé, thì thử hỏi thế hệ tương lai của xã hội, đất nước, Giáo hội Việt Nam sẽ như thế nào? Đúng là một thực tại đau lòng! Trong một bối cảnh như thế thì sự thật, chân lý chỉ còn là những thuật ngữ xa vời. Ở khắp nơi đâu người ta cũng thấy đồ ‘Zỏm’ (người dỏm, văn bằng dỏm, hàng hóa dỏm…), không tinh ý, ham rẻ, ham vẻ bề ngoài sẽ dễ dàng bị mắc lừa.

Thánh Tôma Aquinô nói: Người ta không thể sống với người khác nếu không có sự tin cậy với nhau đến nỗi họ trở nên thành thật với nhau… (Trong sự công bình) như vấn đề kính trọng, người này mắc nợ điều đó với người kia để bày tỏ sự thật. Bạn có thành thật – đối với Thiên Chúa, với bản thân, và với người khác không? Và bạn có để cho lời chân lý của Thiên Chúa thấm nhập vào tâm trí mình và uốn đúc lương tâm của mình – cách bạn suy nghĩ, phán đoán, hành xử, và nói năng không?

Khi bảo “đừng thề chi cả”, Chúa Giêsu muốn rằng các môn đệ của Ngài phải sống thành thật, đến nỗi không cần một lời thề để bảo đảm cho lời nói của mình. Vì lời nói phải luôn đi đôi với sự thật. Để tạo tín nhiệm nơi người khác, chúng ta “có thì nói có, không thì nói không” nghĩa là nói đúng sự thật khách quan, bụng nghĩ sao miệng nói vậy… không cần phải dựa vào thế giá của Thiên Chúa để bảo đảm cho sự thật. Như vậy, khi bảo chúng ta không được thề, Chúa Giêsu muốn trả lại cho con người giá trị đích thực của lời nói là thành thật, đáng được tôn trọng.

Trong xã hội nhiều khi sự dối trá lấn lướt sự thật. Những lời thề thốt có khi làm người ta lầm lạc, đặt niềm tin nơi những sự dối trá. Nguy hiểm hơn, có những lời nói “có cánh” làm người ta chấp nhận “sự dối trá ngọt ngào”. Nhưng tự nhiên ai cũng thích sự chân thật. Hơn nữa, chúng ta có Đức Giêsu là chính Sự Thật, Người dạy về sự thật. Và sự thật sẽ giải phóng chúng ta (x. Ga 8,32). Cuối cùng, sự thật sẽ được phơi bày và người nói sự thật sẽ được chân lý bênh vực.

Sỏi đá ven đường

Thệ (13.06.2020)

Ngày 13.06: Lễ Nhớ Thánh An-tôn Pa-đô-va, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

Trong Hán văn, khi chiết tự chữ Thệ ( – thề hứa) thuộc bộ Ngôn ( – lời nói); ta nhận thấy phía bên trên là bộ Thủ (扌- bộ tự) và bộ Cân ( – trọng lượng). Vậy Thệ (thề hứa) muốn ám chỉ lời nói có trọng lượng không thay không đổi; lời nói đáng tin không sai không trật.

Việc thề hứa tồn tại trong các nền văn hóa nhân loại rất lâu. Vì thế, cũng không loại trừ văn hóa Trung Đông vào thời của Chúa Giê-su thi hành sự vụ tại thế. Để cho người khác tin lời nói của mình hơn, thì người nói thường hay phát thệ (tuyên thề, tuyên hứa) và thường hay dùng trời, đất, núi non, biển cả, hoặc chính mạng sống của mình mà thề thốt, để nhằm minh chứng cho lời nói của mình là trung thực; lời nói của mình có giá trị, có trọng lượng; cũng như để cho lời nói của mình được nặng ký.

Thế nhưng trong thực tế, lời thề hứa không phải lúc nào cũng đúng đắn, trung thực y như vậy. Người ta thường lạm dụng lời thề để khỏa lấp sự sai trái, lỗi lầm của mình. Hoặc  người ta thích thề dối hứa láo, thề để phô trương, khoe mẽ, lọc lừa nhau… Vì thế, Chúa Giê-su đã dạy các môn đệ của Ngài chớ bội thề; có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt là do ác thần, ma quỉ (x. Mt 5,33-37)

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống trong ánh sáng sự thật chính là đường dẫn tới quê Trời vĩnh cửu. Amen.

CÁT BIỂN

Sống chân thật (15.06.2019)

Thiên Chúa là sự thật, Thiên Chúa muốn con người cũng phải sống trong sự thật. Bởi vì, sự thật sẽ giải thoát con người. Thế nhưng, ngày nay trong một thế giới thực dụng và hưởng thụ, thì sống thật là một thách đố cho người Kitô hữu. Giữa vòng xoáy của cuộc đời với những nhu cầu kinh tế và vật chất, dường như người sống thật lại là người gặp nhiều bất lợi, nhiều thiệt hại… như người ta nói với nhau: “Thật thà thẳng thắn thường thua thiệt, lắt léo lươn lẹo lại lên lương”.

Lời Chúa hôm nay như là một lời cảnh báo, là người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa thì phải sống trong sự thật, còn khi sống gian dối là theo “ác quỷ”.

Chúa Giêsu đã từng dạy cho chúng ta biết rằng: Chúa chính là đường, là sự thật và là sự sống. Chúa đã sống thật, nói thật, cho dù sự thật đó dẫn Chúa đến cái chết đau thương trên thập giá. Lời nói việc làm của Chúa từng lên án sự giả dối, Chúa đã từng vạch trần những thái độ giả hình, Chúa không thỏa hiệp với cách sống lươn lẹo của trần gian. Chính Chúa đã nêu gương và dạy chúng ta phải sống chân thật.

Thế nhưng, chúng ta hay bị cám dỗ sống gian dối. Bởi vì, gian dối có thể đưa đến cho chúng ta một mối lợi nào đó, gian dối có thể làm cho chúng ta tránh một hiểm họa nào đó, hay có thể làm cho người khác nể sợ chúng ta hơn. Nhưng khi sống gian dối, là một cách nào đó chúng ta đang bán mình cho Satan, không còn là con cái Chúa nữa. Chúng ta cần luôn xác tín rằng: làm con cái Chúa là một mối lợi vĩnh cửu; làm con cái Chúa giúp chúng ta tránh được cái họa đời đời; và Chúa chỉ coi trọng chúng ta khi chúng ta biết sống chân thật.

Xin cho mỗi người chúng ta đây can đảm dấn thân trong cuộc sống mỗi ngày với bổn phận của người con Chúa. Nhất là sống chứng nhân bằng một đời sống trung thực trong lời nói và việc làm. Chúng ta cũng nguyện xin cho mình luôn biết tôn trọng và bảo vệ sự thật, luôn trung thành với những điều mà chúng ta đã hứa với Chúa và với nhau. Amen.

Tôn trọng sự thật (16.06.2018)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy ta phải biết tôn trọng sự thật. Sự thật quan trọng đến mức nào mà cần được tôn trọng? Có lẽ điều này không cần phải giải thích nhiều vì Người đã phán “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Do đó, Thiên Chúa chính là Sự Thật, ai tôn trọng sự thật là tôn trọng chính Người, ai yêu thích sự dối trá là đã theo con đường của ma quỷ. Dù biết vậy, nhưng con người có lẽ thích dối trá hơn sự thật vì sự thật thường gây mất lòng. Con người thích những lời dói trá đường mật hơn sự thật cay đắng, phũ phàng. Thử nhìn lại xã hội chúng ta đang sống, chúng ta sẽ thấy nó đúng đến mức nào.

Trước tiên, các chính trị gia, những người lãnh đạo là những kẻ dối trá số một. Dường như ai bước chân vào chính trường đều phải lấy dối trá làm “bùa hộ thân”. Họ đã đạt đến cảnh giới rất cao của sự dối trá, khiến họ có thể nói dối như thật, nói dối nhưng ai cũng tin, họ khiến những người dân nhẹ dạ cả tin bị mụ mị và nghe theo những lời nói dối đường mật của họ. Chính vì thế, chúng ta là con cái của Sự Thật, khi chống lại lũ dối trá, chúnh ta thường bị vấp phải sự phản đối của những anh chị em bị chúng làm cho mụ mị.

Tiếp theo là tầng lớp thượng lưu hay những người nổi tiếng, tuy không phải là tất cả nhưng rất nhiều người thuộc tầng lớp ấy thích đánh bóng tên tuổi của mình bằng sự dối trá. Ẩn sau hào quang của họ là những lời nói dối hoa mĩ, cốt là để giữ vững hình tượng và sự nổi tiếng của mình. Họ cũng ít dám đứng về phía Sự Thật, vì nếu làm thế, họ có nguy cơ bị “sờ gáy” và mất trắng.

Đến tầng lớp trung lưu và những người bị vùi dưới đáy xã hội cũng thế. Họ thì ngược lại, vì muốn trở nên giàu có mà họ lựa chọn sự dối trá. Từ những người nhân viên phải xu nịnh để lấy lòng sếp, những con buôn thích nâng giá để chặt chém khách vãng lai đến những người giả vờ nghèo khổ, bệnh tật để làm giàu trên lòng trắc ẩn của người khác… Nói chung, rất nhiều người đã đi theo con đường của dối trá để làm lợi cho mình.

Tuy vậy, chúng ta đừng vội phán xét họ vì biết đâu, đôi khi chúng ta cũng như họ. Là con cái của Sự Thật nhưng có lẽ, không ít lần chúng ta chọn ma quỷ khi đi theo sự dối trá. Thế nên, thay vì lên án nhau, chúng ta hãy cùng lôi kéo nhau bước về con đường của Sự Thật là chính Thiên Chúa. Người là Đấng đầy lòng thương xót, sẽ tha thứ nếu ta biết thật lòng thống hối ăn năn.

Là người Công giáo, chúng ta càng phải biết tôn trọng Sự Thật và xa lánh sự dối trá. Không chỉ vậy, chúng ta còn phải biết dũng cảm lên tiếng bảo vệ Sự Thật vì nó đang bị đe dọa nghiêm trọng. Chúng ta phải biết đứng lên chống lại bọn tà quyền đã là vấy bẩn và chà đạp Sự Thật hòng thu lợi cho bản thân một cách bất chính. Có như vậy, chúng ta mới xứng đáng làm con cái của Sự Thật là chính Chúa.

Lạy Chúa, tuy là con cái Chúa nhưng không ít lần chúng con đã chối bỏ Ngài khi bước theo sự dối trá. Xin đoái thương chúng con là những phận người mỏng manh, yếu đuối, dễ nghe theo dục vọng bản thân mà xa rời Ngài. Xin thứ tha những lầm lỗi và cho chúng con được trở về là con cái Ngài. Đặc biệt, xin cho chúng con biết tôn trọng Sự Thật vì chính Ngài là Sự Thật. Amen.

Petrus Sơn

Tôn trọng sự thật (16.06.2017)

Giới răn thứ hai trong Thập Điều cấm việc lấy danh Chúa mà thề hay nhân danh Người mà làm điều trái; giới răn thứ tám cấm làm chứng gian hại đồng loại. Còn Chúa Giêsu kiện toàn những điều luật này khi dạy rằng, đừng thề chi cả, cứ có thì nói có và không thì nói không, còn gian dối là bởi ma quỷ:

Ý nghĩa giới răn II và VIII trong Thập Điều

Giới răn II: 

Theo Cựu Ước: Giới răn thứ hai này dạy ta phải tôn kính tên Chúa.Và bởi vì tên của Chúa cũng thánh như chính Ngài cho nên tôn kính tên Chúa đòi ta phải thánh hoá tên Ngài. Cấm dùng tên Chúa để làm những việc không xứng đáng và những việc xấu : Không được dùng tên Chúa để làm những trò ma thuật (như trong 1 số tôn giáo khác). Không được dùng tên Chúa để thề gian dối hoặc dùng tên Chúa một cách vô cớ.

Giới răn VIII: 

Tuy giới răn VIII nguyên thuỷ chỉ cấm làm chứng dối trước toà, nhưng bản chất của lời chứng dối chính là nói dối, nên ta cũng có thể hiểu rộng giới răn này cấm những hình thức gian dối khác như nói dối, tung tin đồn sai sự thật, vu khống, hối lộ vv. 

Xét theo phương diện tích cực, giới răn này không chỉ cấm làm chứng gian mà còn buộc phải bênh vực sự thật. Tôn trọng sự thật cũng là tôn trọng chính Thiên Chúa vì Thiên Chúa chính là nguồn sự thật, Luật của Ngài là sự thật (2Sm 7,28 Tv 119,142).

Chúa Giêsu kiện toàn

Còn Chúa Giêsu thì bảo: “Đừng thề chi cả… Những lời của các con phải là Có thì nói Có Không thì nói Không” Mt 5,33-37). Đây không phải là cấm thề nhưng là dạy phải sống chân thật và tìm lại đúng ý nghĩa của việc thề : nếu đáng chuyện thì mới thề và thề theo sự thật (chính Đức Giêsu cũng đáp lại lời thề của vị Thượng Tế – Mt 26,63).
Khi nói điều này, Chúa Giêsu muốn trong tinh thần mới hãy mặc lấy Thiên Chúa là Đấng Chân Thật để sống trung thực, đối nghịch với mưu mô lọc lừa của ma quỷ là cha đẻ của sự gian dối. Đừng lợi dùng “lời thề” để che dấu sự gian dối của mình và làm hại đến tha nhân.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con đang phải sống giữa thế giới ngày hôm nay đầy bon chen lọc lừa, xin giúp chúng con biết sống và làm chứng cho sự thật; giữa những mưu mô của Satan đang dùng những nhóm này phe kia để xuyên tạc về Giáo Hội của Chúa, xin giúp chúng con biết cảnh tỉnh và biện phân cùng bảo vệ cho sự thật về đức tin và căn tính của Giáo Hội. Amen.

Hiền Lâm

Không cần thề!

“Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’; thêm thắt điều gì là do ác quỷ.” (Mt 5,37)

Suy niệm: Thề là đưa Thiên Chúa ra để làm chứng cho điều mình nói là đúng. Nhưng nếu người thề không giữ điều mình thề hay thề gian thề dối, thì chính họ làm cho Danh Thánh Thiên Chúa bị xúc phạm và phủ nhận tiếng nói của lương tâm mình. Chúa Giê-su dạy chúng ta bài học về “nói sự thật” mà thánh Gia-cô-bê sau này còn nhắc lại: “Hễ ‘có’ thì phải nói có, ‘không’ thì phải nói ‘không’, như thế, anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5,12). Nếu tôi sống ngay chính trước mặt Thiên Chúa và trước lương tâm thì tôi không cần phải thề thốt gì cả. Lời nói của tôi là đúng, là thật, là chắc chắn thì đã đáng được mọi người tin cậy. Ngược lại, nếu thêm thắt điều gì, thì lời nói bấy giờ là lời bị thúc đẩy bởi ác quỷ.

Mời Bạn: Trong xã hội nhiều khi sự dối trá lấn lướt sự thật. Những lời thề thốt có khi làm người ta lầm lạc, đặt niềm tin nơi những sự dối trá. Nguy hiểm hơn, có những lời nói “có cánh” làm người ta chấp nhận “sự dối trá ngọt ngào”. Nhưng tự nhiên ai cũng thích sự chân thật. Hơn nữa, chúng ta có Đức Giê-su là chính Sự Thật, Người dạy về sự thật. Và sự thật sẽ giải phóng chúng ta (x. Ga 8,32). Cuối cùng, sự thật sẽ được phơi bày và người nói sự thật sẽ được chân lý bênh vực.

Sống Lời Chúa: Luôn can đảm nói sự thật, sống theo sự thật vì Chúa chúng ta thờ là Sự Thật.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng chân thật, và Chúa thấu suốt tâm can con người. Chúng con đang sống trong một môi trường thiếu sự thật và dư sự dối trá. Xin ban cho chúng con lòng can đảm dám nói thật và bênh vực sự thật.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *