Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 2 Sm 5,1-7.10 (năm chẵn), Mc 3,22-30
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 3,22-30)
22 Khi ấy, các kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống, nói về Đức Giê-su rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. 23 Đức Giê-su liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ : “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được ? 24 Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền ; 25 nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. 26 Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. 27 Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
28 “Tôi bảo thật các ông : mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. 29 Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời.” 30 Đó là vì họ đã nói : “Ông ấy bị thần ô uế ám.”
Luôn biết phục thiện (22.01.2024)
Ghi nhớ:
“Tôi bảo thật anh em: Mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời ”. (Mc 3, 28-29).
Suy niệm:
Người ta kể câu chuyện như sau: Một hôm có anh chàng thanh niên kia đến gặp cha Placido Vicardi, dòng Biển Đức ở I-ta-ly-a để xin được xưng tội. Chàng thanh niên này quỳ xuống và thưa với cha Vicardi rằng:
Thưa cha, con là kẻ tội lỗi khốn nạn nhất, vì con đã phạm đủ mọi thứ tội.
Cha Vicardi đáp:
Đúng là con đã phạm đủ mọi thứ tội, nhưng con không phải là kẻ khốn nạn nhất, bởi vì có một tội khốn nạn nhất mà con đã không phạm!
Chàng thanh niên ngẩng đầu lên nhìn cha Vicardi ngạc nhiên hỏi lại.
Thưa cha, làm sao cha biết? Tội đó là tội gì vậy?
Cha Vicardi trả lời:
Tội nặng nhất mà con đã không phạm, đó là con đã không nghi ngờ và thất vọng về lòng từ bi của Chúa. Sở dĩ cha biết thế, là vì nếu không thì con đã không đến đây để gặp cha mà xin lãnh nhận Bí Tích Giải Tội. Vậy, nhân danh Đấng giầu lòng thương xót mà con vẫn hằng tin tưởng cậy trông, cha tha thứ hết mọi tội lỗi cho con. Con hãy về và cố gắng sống đền đáp lòng yêu thương tha thứ của Chúa nhé.
Một trong các thói xấu mà người ta thường hay vướng vào nhất: Đó là tính ghen tỵ, thật vậy, lẽ thường khi thấy một ai đó làm ăn thành đạt, có tài năng hơn mình, thì thay vì mừng vui với người ta vì họ được như vậy, đàng này lại vì ghen tỵ, đó kỵ mà ta lại tỏ ra “ghen ăn tức ở” với họ rồi tìm cách phá rối, bôi nhọ hoặc làm giảm thanh danh hay sự thành công của họ xuống.
Bài sách Thánh mà chúng ta mới được nghe cách nay mấy hôm (thứ Năm tuần II x I Sm 18, 6-12) đã chứng minh điều ấy. Vua Saul vì thấy Đa-vit được ca ngợi vì đã hạ được gã khổng lồ Gô-li-át nên đem lòng tức giận và toan tính giết hại Đa-vít.
Bài Tin Mùng hôm nay phản ảnh điều đó: Khi chứng kiến Đức Giê-su xua đuổi ma quỷ ra khỏi những bệnh nhân, thì các kinh sư giải thích rằng chính Đức Giê-su đã nhờ bàn tay của tướng quỷ là Bê-en-dê-bul mà trục xuất các quỷ con ra khỏi người bị quỷ ám. Có lẽ không có lời giải thích nào trơ trẽn và vô lý hơn lời giải thích này. Đức Giê-su đến để giải thoát cho con người ta thoát khỏi sự khống chế của quỷ dữ, đáng lý ra các kinh sư phải hơn ai hết vui mừng vì sự việc trọng đại này, nhưng vì đố kỵ, ghen tỵ họ bóp méo sự thật.
Chúa biết trong thâm tâm của họ là tuy biết Chúa là Đấng Cứu Độ đó nhưng vì nhiều lý do khác nhau, nhưng lý do lớn nhất đó là lòng ghen tỵ mà họ không chịu thừa nhận Đức Giê-su là Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian để giải thoát nhân loại.
Chính vì thế cho nên Đức Giê-su đã nói: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì sẽ chẳng bao giờ được tha” Có nghĩa là Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sáng, soi lòng mở trí cho chúng ta tìm về lẽ phải, tim về Chân Lý, Song khi chúng ta lại cố tình không chấp nhận lời chỉ dẫn của Ngài mà cứ ngoan cố theo ý riêng của mình và không bao giờ tỏ ra ăn năn hối cải thì mặc dầu Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ bao dung nhưng Ngài cũng chẳng thể tha thứ cho ta được.
Trong đời sống thường ngày, chúng ta sẽ là những người bất hạnh khi phải chung sống với những kẻ ngoan cố, lỗi lầm đã sai rành rành ra đấy nhưng họ vẫn ngoan cố cho rằng mình không sai, bởi vậy cho nên chúng ta sẽ không thể hoán cải họ được. Những người không biết phục thiện thì trong xã hội hay trong gia đình họ sẽ là mầm mống gây ra những xáo trộn, những bất an và những tội ác mà thôi.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su xin ban Thánh Thần của Chúa đến trên chúng con để Ngài soi sáng, chỉ đường dẫn lối chúng con tìm đến Chân-Thiên-Mỹ và đừng để chúng con làm phiền lòng Ngài bao giờ. Amen.
Sống Lời Chúa:
Bắt đầu buổi sáng chúng ta cầu nguyện bằng: Kinh Đức Chúa Thánh Thần.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ Nhân Loại (24.01.2022)
Trên con đường tâm linh, con người phải luôn để tâm hồn tự do rộng mở, suy xét cẩn thận, và theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần là nguồn mạch của mọi sự thật.
Điều làm cho con người lo âu và sợ hãi, là cố tình ngoan cố trong sự sai trái của mình vì kiêu ngạo, đố kị và ghen ghét… Đây chính là những mối tội đầu của con người thường vướng phải. Những nguyên do này dễ đưa người ta tới việc nói xấu, nói hành, hay tố cáo người công chính.
Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta biết, chính vì sự hận thù, đố kị, ghen ghét và muốn loại trừ người công chính mà các kinh sư đã tố cáo Chúa Giêsu “bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
Trước những lời tố cáo gian vì sự hận thù, ghen ghét của nhóm người Pharisêu, Chúa Giêsu đã vạch rõ sự vô lý và sai trái của họ bằng một dụ ngôn rất thực tế: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số.”
Với lời dạy ấy, Chúa Giêsu đã cho họ biết rằng: Ngài không thể bị đồng hóa với Xa-tan, cũng như những việc xấu xa xuất phát từ chúng. Trái lại, trước những phép lạ, hay những việc tốt lành Ngài đã làm cho dân chúng, thì minh chứng cho mọi người biết rằng Ngài là Thiên Chúa, là Đấng hằng sống và chân thật, Ngài đến để tiêu diệt sự xáu xa của ma quỷ và giải thoát con người khỏi mọi tội lỗi do chúng gây ra.
Qua Tin Mừng hôm nay, với việc tố gian vì sự ghen ghét và hận thù của nhóm Pharisêu, Thiên Chúa cũng muốn dạy chúng ta rằng: trước một điều gì đó, nhất là trước một việc tốt lành của người khác, chúng ta đừng vội phát xét một ai vì sự hận thù và ghen ghét, nhưng phải suy xét cẩn thận khi đánh giá người khác, để tránh những mâu thuẫn và quy kết không có cơ sở.
Phải tránh xa những xét đoán hay phán xét vì lòng hận thù, ghen ghét và sợ người khác hơn mình, nhưng hãy cùng nhau xây dựng cuộc sống tốt hơn bằng những suy nghĩ, lời nói và việc làm tốt đẹp cho nhau.
Sống hận thù, ghen ghét luôn làm xáo trộn, gây ra sự bất an và đổ nát trong tương quan giữa mình với mình, và giữa mình với người khác. Để sống đúng với Thánh ý Thiên Chúa và được an vui trong từng giây phút hiện tại, chúng ta phải luôn biết mở rộng tâm hồn, nối kết và sống những giá trị của Thiên Chúa đã dạy, đó là sống vị tha, liên đới, khiêm nhường và chân thật.
Xin chúa Thánh Thần là Thần Khí sự thật soi sáng và hướng dẫn chúng ta lắng nghe, đi theo đường chân lý mà Thiên Chúa đã dạy cho chúng ta và nhất là ban cho chúng ta có một đức tin vững mạnh vào Thiên Chúa. Amen.
Bình Minh
Sự ăn năn sám hối (22.01.2018)
1. Ghi nhớ:
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều lần đi mấy nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai phạm tội đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29)
2. Suy niệm:
Đức Chúa Giêsu gọi “những ai phạm đến Thánh Thần” là phạm tội ngoan cố. Qua bài Tin Mừng hôm nay, các kinh sư nói Đức Giêsu bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và dựa vào thế quỷ vương đó để trừ quỷ. Theo Đức Giêsu lời tố cáo đó là tội vu khống vì “thật sự satan không thể chống satan, satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại”. Chúa Giêsu chống lại quỷ: quỷ là loại mạnh nhưng Thiên Chúa còn cao và vững vàng, mạnh mẽ hơn tất cả loại quỷ dữ.
Những việc Chúa Giêsu đã làm đối với con người trong suốt chiều dài lịch sử là nhờ quyền năng của Thiên Chúa vô cùng thánh thiện. Đối với các kinh sư, thái độ ngoan cố chống lại Thiên Chúa là đi ngược với sự ăn năn sám hối, vì cố tình đó được xem là tội phạm đến Thánh Thần, là tội không được tha. Tại sao vậy? Chúa Thánh Thần là Đấng hằng dẫn đường chỉ lối, soi sáng tận tâm can, giúp mỗi người nhìn nhận ra chân lý và sự thật, ngõ hầu nhận ra tội lỗi, quyết tâm từ bỏ cái sai sót của chính mình để sám hối và nhận được ơn tha tội. Nếu chúng ta cố tình không ăn năn sám hối và biết sống trở lại con đường ngay chính, thì chúng ta không thể nào lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thế nên, sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại đã hiện ra với các môn đệ, Người thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Chúa ban Thánh Thần giúp họ thấu hiểu lời Chúa, thực thi và rao giảng Tin Mừng. Đồng thời Đức Giêsu sống lại đem lại bình an, niềm vui, hạnh phúc cho các môn đệ và loài người chúng ta.
Vậy trong đời sống hằng ngày của chúng ta, mỗi sáng thức dậy hãy hướng tâm hồn lên Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, bằng cách chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí, để Ngài thánh hóa từ lời nói và việc làm trong ngày, luôn có Chúa Thánh Thần hiện diện, hướng dẫn quan phòng, để chúng ta nhận ra những tội lỗi vấp phạm, biết nhìn nhận xin ơn tha thứ trong bí tích hòa giải, hầu luôn tìm sự an vui và bình an trong tâm hồn.
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hướng dẫn thần trí chúng con, để chúng con nhận ra tội lỗi mình, biết sám hối và tin vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và luôn nghe tiếng Chúa mời gọi để thức tỉnh tâm hồn chúng con. Amen.
M.Liên
Tội phạm đến Thánh Thần (23.01.2017)
1. Ghi nhớ:
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều lần đi mấy nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai phạm tội đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29).
2. Suy niệm:
Đức Chúa Giêsu gọi “những ai phạm đến Thánh Thần” là phạm tội ngoan cố. Qua bài Tin Mừng hôm nay, các kinh sư nói Đức Giêsu bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và dựa vào thế quỷ vương đó để trừ quỷ. Theo Đức Giêsu lời tố cáo đó là tội vu khống vì “thật sự satan không thể chống satan, satan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại”. Chúa Giêsu chống lại quỷ: quỷ là loại mạnh nhưng Thiên Chúa còn cao và vững vàng, mạnh mẽ hơn tất cả loại quỷ dữ.
Những việc Chúa Giêsu đã làm đối với con người trong suốt chiều dài lịch sử là nhờ quyền năng của Thiên Chúa vô cùng thánh thiện. Đối với các kinh sư, thái độ ngoan cố chống lại Thiên Chúa là đi ngược với sự ăn năn sám hối, vì cố tình đó được xem là tội phạm đến Thánh Thần, là tội không được tha. Tại sao vậy?
Vì Chúa Thánh Thần là Đấng hằng dẫn đường chỉ lối, soi sáng tận tâm can của mỗi người, để chúng ta nhìn nhận ra chân lý và sự thật, ngõ hầu từ bỏ nhận ra tội lỗi của chính mình để sám hối và nhận được ơn tha tội. Nếu chúng ta cố tình không ăn năn sám hối và biết sống trở lại con đường ngay chính, thì chúng ta không thể nào lãnh nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa. Thế nên, sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại đã hiện ra với các môn đệ, Người thổi hơi và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20, 22). Chúa ban Thánh Thần để giúp họ thấu hiểu lời Chúa, thực thi và rao giảng Tin Mừng. Đồng thời Đức Giêsu sống lại đem lại bình an, niềm vui, hạnh phúc cho các Môn đệ và loài người chúng ta.
Vậy trong đời sống hằng ngày, mỗi sáng thức dậy chúng ta hãy hướng tâm hồn lên Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, bằng cách chúng ta hãy cầu xin ơn Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí để từ lời nói và việc làm trong ngày luôn có Chúa Thánh Thần hướng dẫn quan phòng, để tôi nhận ra những tội lỗi vấp phạm, để biết nhìn nhận xin ơn tha thứ trong bí tích hòa giải, hầu luôn tìm sự an vui và bình an trong tâm hồn.
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần! Xin hướng dẫn thần trí chúng con, để chúng con nhận ra tội lỗi mình, biết sám hối và tin vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa, và luôn nghe tiếng Chúa thức tỉnh tâm hồn chúng con. Amen.
M.Liên