Chúa là núi đá cho tôi trú ẩn (05.02.2024 – Thứ Hai tuần V Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa:  1 V 8,1-7.9-13 (năm chẵn), St 1,1-19 (năm lẻ), Mc 6,53-56

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 6,53-56)

53 Khi ấy, qua biển rồi, Đức Giê-su và các môn đệ ghé vào đất liền tại Ghen-nê-xa-rét và lên bờ. 54 Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su. 55 Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. 56 Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người ; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.

Chúa là núi đá cho tôi trú ẩn (05.02.2024)

Ngày 05.02: Lễ Nhớ Thánh A-ga-ta, Trinh nữ, Tử đạo

Ghi nhớ: 

“Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm nào, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ và xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người; và tất cả ai chạm đến, thì đều được khỏi ”. (Mc 6, 56) . 

Suy niệm:

June là một em bé lên 5 tuổi, xinh đẹp và lanh lợi. Một hôm em theo mẹ vào bưu điện, lúc đó có một ông lão nhìn thấy em liền mở miệng hỏi rằng:

Này em bé, ai đã cho em mái tóc đẹp như thế?

Chúa cho em đó.

Trả lời xong em bé nhìn vào người đàn ông mà dặt câu hỏi phản hồi.

Thế ông có được Chúa cho gì không?

Ông già thoáng bối rối trước câu hỏi đơn sơ đó. Ông thẫn thờ đáp.

Không, không bé ạ.

Nếu ông muốn Chúa cho thì ông phải đến với Chúa ngay đi, rồi Chúa sẽ cho ông thành một người thật đẹp!

Nói xong em bé chào ông và chạy theo mẹ…

Ít lâu sau, ông già tìm đến Nhà Thờ để xin học Đạo. Ông tâm sự rằng: Câu hỏi của em bé luôn vang lên trong đầu óc ông và cuối cùng ông đã quyết định theo Chúa.

Nhân loại hay nói chi tiết hơn là mỗi cá nhân con người ta từ cổ chí kim đều cần đến Thiên Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng thương xót và luôn muốn tha tội và ban ơn cứu độ cho con người. Nếu con người không màng đến Thiên Chúa thì cuộc sống của họ trở nên uổng phí vậy. Xưa kia Đức Giê-su đến trần gian này trước hết là để dạy dỗ, khai mở tâm trí, xua tan bóng tối u mê khỏi tâm hồn nhân thế và sau nữa là ban ơn cứu độ cho nhân loại.

Ngày nay cũng vậy, thế giới nay đang rất cần Đức Giê-su đến với họ, hay nói khác đi là những lời dạy dỗ của Đức Giê-su rất cần được mọi người tôn trọng và đem ra áp dụng trong đời sống của mình. Thật vây. Nếu như ai ai cũng biết sống theo lời Chúa dạy thì đâu có chiên tranh, đâu có giết người, hãm hiếp cướp giật! Và con người sẽ được sống trong bình an, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Đức Giê-su là Hiện thân cho yêu thương, cho chữa lành cho ân sủng tràn trề, nhưng con người có chịu mở lòng mình ra để cho Ngài được “đụng chạm” vào thân thể của chúng ta hay không.

Xưa nay chưa từng có ai chạy đến với Đúc Giê-su mà bị chối từ bao giờ, điều quan trọng và cần thiết là con người có chịu tìm đến Ngài hay không mà thôi! Nói một cách hình dung cho dễ hiểu là cánh tay Thiên Chúa bao giờ cũng mở rộng ra để đợi chờ, điều còn lại là bạn và tôi có chịu đặt bàn tay của mình vào lòng bàn tay Chúa để Ngài nắm lấy và kéo chúng ta lên khỏi vực thẳm tối tăm và sự chết hay không mà thôi? Sự quyết định nằm ở bản thân của mỗi người mà thôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giê-su, tâm hồn của chúng con đầy rẫy những bệnh hoạn, tật nguyền. Dẫu rằng chúng con xấu xa đê tiện nhưng chúng con tin thật Chúa vẫn luôn yêu thương chúng con. Chúa cảm thương sự yếu hèn của chúng con và Chúa sẽ chữa lành cho chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết thành tâm, tin tưởng vào Chúa như dân thành Ghê-nê-xa-rét xưa. Chúng con mau mắn đến trình Chúa những đui mù, què quặt của mình, để một khi có Chúa chúng con được chữa lành và tìm được bình an, hạnh phúc. Amen.

Sống Lời Chúa:

Hàng ngày đến với Chúa qua giờ chầu hay giờ kinh, nhất là thánh lễ Misa.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Lòng nhân ái bao la (06.02.2023)

Ngày 06.02: Lễ Nhớ Thánh Phao-lô Mi-ki và các bạn, tử đạo

Bất cứ ai chạm đến Người, thì đều được khỏi.

Trong số các vị được phong thánh trong những năm gần đây, nổi bật lên về lòng nhân ái không thể không kể đến thánh Têrêsa Calcutta – mẹ thánh nổi tiếng trên khắp thế giới không phải vì là một người giỏi giang, cũng không phải nơi mẹ có những điểm hấp dẫn về nhan sắc; tuy nhiên, mẹ trở nên một người vĩ đại và có thể làm đảo lộn thế giới chỉ vì tình yêu rất lớn của mẹ dành cho người nghèo, người đau yếu bệnh tật, đến nỗi có những ngày các nữ tu trong dòng của mẹ phải nấu thức ăn cho khoảng bảy ngàn người, và cả những người phải cung cấp lương thực, có lúc lên đến chín ngàn người. Ngày mẹ về nhà Cha, nhiều nguyên thủ quốc gia đã tuyên bố quốc tang, nhiều bài phát biểu bày tỏ sự ngưỡng mộ được phát đi với những lời lẽ hết sức xúc động như: “Từ nay, thế giới bớt tình thương hơn”, hay “Hôm nay, người nghèo mất đi một người mẹ yêu thương, người bạn đồng hành”,… Tất nhiên, những gì mẹ làm đều noi gương Thầy Giêsu đáng kính.

Bài Tin Mừng hôm nay được thánh Mác-cô phác họa lại cho thấy Chúa Giêsu dành hầu hết thời gian cho những người ốm đau và tật nguyền. Họ đã được người thân hay những người khỏe mạnh đưa từ khắp các thôn làng và thị thành về vây kín xung quanh Chúa Giêsu và các môn đệ với niềm tin tưởng được Người chữa lành. Quả vậy, tất cả những ai chạm vào Người đều được khỏi bệnh. Có thể nói biết bao nhiêu bệnh nhân hôm đó thuộc mọi lứa tuổi và với đủ các loại đều gặp thầy gặp thuốc nơi Đấng muốn mang nơi mình tất cả những tật nguyền của nhân loại đáng thương. Chúa Giêsu đã đem lại tình trạng khỏe mạnh cách toàn diện cả về thể xác lẫn tâm hồn cùng với niềm hy vọng dạt dào nơi những con người vất vưởng vây quanh kia.

Đối tượng Chúa Giêsu muốn nói đến qua lời rao giảng của Người và những việc làm tốt đẹp đều hướng tới những người nghèo khó, đau khổ, bất hạnh bị người đời hắt hủi, bỏ rơi bên lề xã hội. Vì vậy, Chúa Giêsu sẵn sàng đón tiếp và chấp nhận sự quấy rầy của họ. Người chấp nhận vì cảm mến lòng tin và nỗi khát khao tìm kiếm con đường giải thoát, tìm kiếm con đường cứu độ mà họ hằng mong đợi cho cuộc sống hiện tại và mai sau. Với Chúa Giêsu, đó là việc thực thi ý muốn của Chúa Cha trong việc gắn bó với sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ của mình nơi cuộc sống trần thế này.

Ngày nay, tất cả mọi tín hữu đều thực thi sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo trước mọi biến cố trong cuộc sống. Người tín hữu được mời gọi thi hành sứ vụ truyền giáo bằng việc đón nhận những anh chị em nghèo khổ, đói khát, nghèo nàn không nơi nương tựa ngay bên cạnh mình. Họ là những người không phân biệt tôn giáo đang sinh hoạt và cư ngụ trong giáo xứ, giáo khu, xóm giềng và xã hội chúng ta đang sống. Họ là những người thiếu vắng tình thương, đói khát về đời sống tâm linh, tinh thần, vật chất, và đang cần chúng ta trợ giúp. Chúng ta hãy thể hiện tình thương, liên đới, yêu thương, bác ái, quảng đại và đón nhận họ là người anh em với mình. Chúng ta nâng đỡ, yêu thương họ với tinh thần cấp bách của đời sống Kitô giáo một cách vô vị lợi, không so đo tính toán. Nhờ đó, chúng ta trở nên điểm tựa tinh thần và niềm hy vọng cho những ai đang cần mình giúp đỡ. Đó mới là bản chất truyền giáo của Giáo Hội nơi đời sống đạo của chúng ta.

Lạy Chúa, những người bệnh hoạn tật nguyền đã đến cùng Chúa và đã được chữa lành. Nay con đến với Chúa mang theo mọi tật nguyền của đời con. Xin Chúa cứu chữa con. Xin làm cho con nên mạnh mẽ nhất là về đàng thiêng liêng. Xin cho con cảm mến được sự thích thú khi dừng chân ngồi bên Chúa để nghe Chúa nói và để được chữa lành. Xin cho con hằng biết về bên Chúa để được Chúa gia tăng lòng mến Chúa mỗi ngày một nhiều hơn. Amen.

Joston

No thỏa Lời Chúa là lẽ sống (07.02.2022)

Con người không chỉ có một thứ đói mà có hàng trăm thứ đói. Ngoài cơm bánh ra chúng ta còn đói rất nhiều thứ : đói tình yêu, đói chữ, đói nghệ thuật . . . Con vật chỉ cần ăn cho no, nhưng con người còn khao khát tự do, hạnh phúc, tình yêu . . . Và còn một thứ đói nằm trong sâu thẳm lòng người đó là đói sự sống đời đời, nghĩa là đói Thiên Chúa.

Năm xưa những người dân Do Thái nghe tin Chúa Giê-su ở đâu họ liền tới để được no thỏa  phần hồn và phần xác, nhất là được no thỏa Lời Chúa là lẽ sống cho con người. Xin cho các gia đình khi gặp khó khăn về kinh tế, về sức khỏe, về cuộc sống chung luôn biết chạy đến với Chúa để được Ngài nâng đỡ ùi an.

Lạy Chúa, những người bệnh tật năm xưa chỉ ao ước được chạm vào thân thể Chúa để được chữa lành. Chúng con cũng xác tín vào quyền năng của Chúa có thể bảo vệ và chữa lành bệnh tật hồn xác của chúng con. Chúng con xin trao vào tay Chúa con người mỏng dòn đầy yếu đuối của chúng con. Xin chữa lành những tật nguyền trong linh hồn chúng con là những thói hư tật xấu, những đam mê lầm lạc, những thói lười biếng và tham lam đã làm mất đi vẻ đẹp của tâm hồn chúng con. Xin nâng đỡ ơn phần xác để chúng con luôn có một tinh thần vui tươi trong một thân xác khỏe mạnh. Amen.

Phục vụ (08.02.2021)

Suy niệm:

“Khiêng người bệnh trên chõng” (Mc 6, 55)

Phục vụ, hai tiếng nói lên việc làm được xuất phát từ tận trong tâm hồn kết hợp với ý chí và các nhân đức tạo nên hành động. Đó là phục vụ với lòng yêu mến tha nhân.

Có nhiều cách phục vụ: phục vụ để trao đổi (phục vụ qua lại), phục vụ để nhận công, phục vụ tư lợi (nịnh bợ), phục vụ vì danh vọng (làm thể hiện mình), và phục vụ cho đi vì lòng yêu mến.

“Khiêng người bệnh trên chõng” (Mc 6, 55), là một hành động bác ái yêu thương phục vụ được hoà quyện bởi tâm trí – lời nói – tấm lòng và thể xác dẫn đến phục vụ tha nhân. Phục vụ chân thành.

Những người trong Tin Mừng khi nghe nói về tha nhân thì tâm trí đã nghĩ về họ, khi nhìn thấy nỗi đau của tha nhân thì đã chạnh lòng thương, khi biết nhu cầu của tha nhân thì sẵn sàng dấn thân phục vụ. Đó là con người có tâm hồn hướng thiện, đó là con người có tấm lòng yêu thương bác ái, đó là con người cho đi quên mình để phục vụ. Chính họ yêu thương tha nhân hơn cả chính mình, khi biết Chúa Giêsu đi nơi này nơi kia, thì họ đã vội vã đưa tha nhân lên cáng mà khiêng đi, chỉ mong người bệnh được khỏi, được khoẻ mạnh như họ.

Sự phục vụ của họ chính là tha nhân, hạnh phúc của họ chính là hạnh phúc của tha nhân, niềm vui của họ chính là niềm vui của tha nhân, sức khoẻ của họ chính là sức khỏe của tha nhân. Họ phục vụ vì niềm tin Thiên Chúa ở trong tha nhân. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: ‘Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Bấy giờ Vua sẽ phán với những người bên hữu rằng: “Hãy đến, hỡi những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy lãnh lấy phần gia nghiệp là Nước Trời đã chuẩn bị cho các ngươi từ khi tạo dựng vũ trụ. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta mình trần, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù đày, các ngươi đã đến với Ta” (Mt 25, 34-36).

Đó là phần thưởng cho những người phục vụ, và cũng là hồng phúc của tha nhân, của những người bệnh tật. Những ai chạm đến gấu áo Người, chạm đến Người đều được khỏi. Những bệnh nhân còn được khỏi bệnh thì tất nhiên những người phục vụ sẽ được trả công bội hậu trong Nước Trời.

Bệnh tật phần xác sẽ làm cho thân thể đau đớn, nhưng có thể chữa khỏi bằng thuốc, bằng phương pháp trị liệu, trừ cái chết không thể chữa khỏi. Nhưng bệnh tật phần hồn không thấy đau đớn, không thể chữa bằng thuốc, nhưng phải chữa bằng lời, bằng tình yêu thương bác ái, bằng gương sáng đạo đức, bằng những việc lành phúc đức, và trên hết là bằng Niềm Tin. Trong Tin Mừng thánh Mác- cô (6, 53-56) cho thấy, những ai được khiêng đến bên Chúa và chạm vào áo Người thì đều được chữa lành và khỏi bệnh. Đó chính là Niềm Tin đã chữa họ.

Thế giới hôm nay rất nhiều người vô cảm, rất nhiều người không phục vụ đích thực, xa lìa anh em, xa rời cộng đoàn, lãng quên trách nhiệm, bỏ mặc tình thương để chạy theo thú vui, thoả mãn đam mê, mưu cầu danh vọng, chủ nghĩa cá nhân, vô tâm vô thức, loại trừ Thiên Chúa, sống cho chính cái tôi của mình, làm cho xã hội đảo điên, hận thù, tranh giành, chém giết lẫn nhau. Một thế giới đầy bất hạnh, bất hạnh từ trong lương tâm mỗi con người.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết quên mình để phục vụ tha nhân bằng chính đời sống hằng ngày của con. Amen./.

Hư Vô

 Chạm vào Chúa Giê-su (10.02.2020)

Ngày 10.02: Lễ Nhớ Thánh Cô-lát-ti-ca, trinh nữ

“Ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh” (Mc 6, 56).

Có  quá  nhiều  thứ  bệnh  phần  xác  trong  chúng  ta  hôm nay. Kinh hoàng nhất trong thế giới hiện tại cả tháng nay là ôn dịch virus Corona, nó vẫn đang hoành hành cướp đi quá nhiều sinh mạng con người tại vùng tâm điểm Vũ Hán, Trung Quốc, và lan rộng qua các nước khác, cụ thể tại Việt Nam chúng ta cũng có vài trường hợp bị lây nhiễm và đang phải cách ly điều trị…, dịch bệnh quá đột ngột chưa có thuốc chữa này, đã làm cho cả thế giới bị rúng động, khủng hoảng…, người công giáo đang ngày đêm sám hối và cầu nguyện thiết tha xin lòng Chúa thương xót cứu nguy…

Bệnh nào cũng dày vò đay nghiến con người đau đớn và dẫn tới cái chết. Ai bệnh phần xác cũng lo chạy chữa ở bệnh viện này, bác sĩ nọ. Chuyện dĩ nhiên rồi. Còn nước còn tát. Nhưng,  còn những thứ  bệnh  tâm linh.

Bệnh mà  không biết mình bệnh. Sống trong tội  mà tưởng như mình không có tội. Mất cảm thức về tội. Chẳng hạn, có người mất quá nhiều thời  gian  đoán  xét  phê  phán,  đấm  ngực  người  khác,  kết  án người khác, đến nổi, không còn thời gian xét mình, nhận ra tội lỗi  của  mình  và  đấm  ngực  mình…

Không  phải  là  loại  bệnh nguy hiểm cho chính đương sự, mà còn gây thảm họa bất nhất trong cộng đoàn đó  sao?   Bệnh  ghiền danh,  lợi,  dục thời  nào cũng  thế, có miễn trừ một ai đâu! Hãy luôn cảnh giác, cấp cứu. Chúa muốn chúng ta nhận ra  mình đang tội lỗi, những thứ bệnh tâm linh giết chết linh hồn mình. Hãy mau chạm vào Chúa Giê-su nơi tòa giải tội, nơi lòng xót thương, nơi Lời và Thánh Thể Người để xin Người cứu chữa.

Đừng chỉ chạm cho có chuyện chạm, nhưng hãy thành tâm thiện chí khát khao nên tinh tuyền, lành mạnh. Có ai trong chúng ta mong bệnh phần xác  tái  phát?  Một  lần  bệnh  là  hoảng  kinh  tới  già!  Tại  sao  ta không thể dứt khoát với bệnh phần hồn, dứt khoát với tội lỗi, lại mở cửa cho tội tái xâm nhập? Có vô lý không?

Lạy  Chúa,  xin  cho  con  khát  khao  sống  trong  ân  tình Chúa, và thành tâm chạm vào Chúa nơi tòa hòa giải. Xin  cứu nguy cho nhân loại chúng con thoát được dịch bệnh Corona khủng khiếp này, cho mọi người biết sám hối ăn năn trong nguyện cầu theo ý chỉ đặc biệt của Đức Thánh Cha Phanxico, của Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn và các  Giáo Phận từ Bắc vào Nam. Xin Chúa thương xót chúng con. Amen.

Quyền năng Thiên Chúa (05.02.2018)

Ngày 05.02.2018: Lễ Nhớ Thánh A-ga-ta, Trinh nữ, Tử đạo

Ghi nhớ: “Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm tới tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (Mc 6, 56).

Suy niệm:

“Bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi”. Chúa Giêsu là Đấng Cứu chuộc nhân loại, Chúa rất yêu thương người đau khổ, tật nguyền, cứu chữa mọi người và mang an bình cho chúng ta. Người đi tới đâu dù thành thị hay thôn xóm, dù bất cứ ai có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, khi mọi người biết chạy đến kêu cầu Thiên Chúa xin thoát khỏi đáy nước mênh mông bệnh tật khổ ải đều được Người nhận lời kêu xin. Đồng thời khi Chúa Giêsu luôn đồng cảm, cứu chữa những người đau khổ về tinh thần cũng như thể xác, Người luôn hiện diện nơi mỗi người thì đó là một ơn bảo đảm về sự che chở và ơn giải thoát của Thiên Chúa

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ rao giảng rất hoàn hảo. Người rao giảng Tin Mừng bằng lời nói việc làm, Đấng đã đến để loại trừ cảnh lầm than, nghèo đói, xua đuổi bóng tối tội lỗi, mang lại cho mọi người ơn che chở và phúc lành. Quyền năng của Chúa Giêsu được thể hiện qua lời nói và việc làm, Người đã ban cho chúng ta sự sống và giúp mọi người chiến thắng tử thần.Thế nên, khi chúng ta tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa, là không đón nhận cho riêng bản thân mình, từ những người nghèo, người đau khổ đến người bệnh tật, nghèo túng hoặc bị người đời khinh rẻ …

Vậy Người Kitô hữu hay người đoàn viên Đa Minh hãy học cùng Chúa, qua tinh thần phục vụ bằng cách biết chia sẻ, yêu mến người xấu số, nâng đỡ người tàn tật khổ đau, hay những người thiệt thòi trong cuộc sống, bằng lời lời cầu nguyện ủi an, thăm hỏi, hay san sẻ vật chất khi có thể. Chỉ khi nào tôi có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mới có thể chữa trị tâm hồn đầy kiêu ngạo hay  tội lỗi, bất ổn, thương đau. Qua đó chúng ta hãy nhìn lại con người mình, thái độ khiêm nhu hay hối lỗi đã phạm mất lòng Thiên Chúa. Đứng trước quyền năng và niềm tin son sắt hãy cậy trông phó thác vào Người và tin tưởng rằng: “Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc 11,14)   .

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin soi sáng khai mở tâm hồn, giúp chúng con có một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, để mọi người vững bước trên đường đời, với biết bao cám dỗ cạm bẫy, bóng tối che mờ, bao phủ luôn ngăn cách con đến với Chúa, xin Người chữa lành tâm hồn và thể xác chúng con. Amen.

Lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa (06.02.2017)

6 Tháng Hai Thánh Phaolô Miki và Các Bạn (c.1597) – Lễ Nhớ

1. Ghi nhớ:

“Người đi tới đâu, vào làng mạc, thành thị hay thôn xóm, người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường ngoài chợ, và xin Người cho họ ít là được chạm tới tua áo choàng của Người; và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi” (Mc 6, 56)

2. Suy niệm:

“Bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi”. Chúa rất yêu thương người đau khổ, tật nguyền, Người đi tới đâu dù thành thị hay thôn xóm, dù bất cứ ai có lòng tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, khi mọi người biết chạy đến kêu cầu Thiên Chúa xin thoát khỏi đáy nước mênh mông bệnh tật khổ ải đều được Ngài nhận lời kêu xin. Đồng thời khi Chúa Giêsu đến hiện diện nơi mỗi người thì đó là một ơn bảo đảm về sự che chở và ơn giải thoát của Thiên Chúa

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã thi hành sứ vụ rao giảng rất hoàn hảo. Người rao giảng Tin Mừng bằng lời nói việc làm, Đấng đã đến để loại trừ cảnh lầm than, nghèo đói, xua đuổi bóng tối tội lỗi, mang lại cho mọi người ơn che chở và phúc lành. Ngài chính là Đấng đã ban cho chúng ta sự sống và giúp mọi người chiến thắng tử thần. Đối tượng phục vụ của Chúa là đủ mọi loại người trong cuộc sống, từ những người nghèo, người đau khổ đến người bệnh tật… Vậy Người Kitô hữu hay người đoàn viên Đa Minh hãy học cùng Chúa, qua tinh thần phục vụ bằng cách biết chia sẻ, yêu mến người xấu số, nâng đỡ người tàn tật khổ đau, hay những người thiệt thòi trong cuộc sống, bằng lời lời cầu nguyện ủi an, thăm hỏi, hay san sẻ vật chất khi có thể.

Trong niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, có bao giờ tôi nao núng hay ý thức  với  hành vi tội lỗi bất ổn với thân phận mỏng dòn của tôi rất dễ dàng vấp phạm, đứng trước những cám dỗ danh vọng, tiền tài, sắc đẹp, với những sân si của tôi không? Hay tôi chỉ cậy vào công danh sự nghiệp, giàu sang do tôi tự tạo lên, mà quên đi rằng lời nhắc nhớ: “Tôi trồng, anh A-pô-lô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên” (1Cr 3,6). Thế nên, chỉ khi nào tôi có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mới có thể chữa trị tâm hồn đầy kiêu ngạo hay  tội lỗi, bất ổn, thương đau. Qua đó chúng ta hãy nhìn lại con người mình, thái độ khiêm nhu hay hối lỗi đã phạm mất lòng Thiên Chúa. Đứng trước quyền năng và niềm tin son sắt hãy cậy trông phó thác vào Người và tin tưởng rằng:

“Lành dữ, sống chết, giàu nghèo, tất cả đều do Đức Chúa” (Hc 11,14).

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin soi sáng khai mở tâm hồn, giúp chúng con có một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa, để mọi người vững bước trên đường đời, với biết bao cám dỗ cạm bẫy, bóng tối che mờ, bao phủ luôn ngăn cách con đến với Chúa, xin Người chữa lành tâm hồn và thể xác chúng con. Amen.

M.Liên

Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân

Thầy trò vừa ra khỏi thuyền, thì lập tức người ta nhận ra Đức Giê-su.
Họ rảo khắp vùng ấy và nghe tin Người ở đâu, thì bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó. (Mc 6,54-55)

Suy niệm: Nhìn vào những công việc bề bộn của Đức Giêsu, khó có ai nhận ra chương trình sống từng ngày của Ngài. Đức Giêsu không lên kế hoạch cho một ngày này hay ngày khác. Ở nơi Ngài chỉ có một chương trình duy nhất cho mọi ngày, là rao giảng Tin Mừng và làm cho lời ấy sinh hoa trái nơi tâm hồn người nghe. Như một tác giả đã viết, đề tài Nước Thiên Chúa đâu phải để bàn bạc trong một số giờ nhất định, nhưng đó là một thực tại phải diễn ra trong đời sống hằng ngày từng giây từng phút. Vì thế, Đức Giêsu không chỉ sống mầu nhiệm Nước Trời ở một chỗ hay một ngày nhất định. Vả lại, đối tượng rao giảng của Ngài là người nghèo; Ngài sống nghèo với người nghèo, chấp nhận bị họ quấy rầy, vì Ngài biết, những nhu cầu của họ đều mang tính cấp thiết.

Mời Bạn: Cách phục vụ của Đức Giêsu nên mẫu gương cho các thành phần trong Hội Thánh, một tinh thần phục vụ xả thân cho người khát khao. Nếu bạn có lên kế hoạch phục vụ hằng ngày, thì cũng cốt để cho việc phục vụ hiệu quả hơn.

Sống Lời Chúa: Trong chương trình sống thường ngày, bạn nhớ dành chỗ quan tâm đến những người nghèo và những ai khao khát đi tìm chân lý.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tận dụng thời giờ cách trầm tĩnh, thanh thản. Xin cho con đổ đầy thời gian đó tới miệng bình để tiến dâng Chúa. Xin Chúa biến đổi thứ nước vô vị đó thành rượu quý như Chúa đã làm tại Cana.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *