Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Rm 11,29-36 (năm chẵn), Pl 2,1-4 (năm chẵn), Lc 14,12-14
Bài đọc 1: Rm 11,29-36
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, một khi Thiên Chúa đã ban ơn và kêu gọi, thì Người không hề đổi ý.
Thật vậy, trước kia anh em đã không vâng phục Thiên Chúa, nhưng nay anh em đã được thương xót, vì con dân Ít-ra-en không vâng phục ; họ cũng thế : nay họ không vâng phục Thiên Chúa, vì Người thương xót anh em, nhưng đó là để chính họ cũng được thương xót. Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người.
Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào ! Quyết định của Người, ai dò cho thấu ! Đường lối của Người ai theo dõi được ! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa ? Ai đã làm cố vấn cho Người ? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau ? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời ! A-men.
Bài đọc 1 (năm chẵn): Pl 2,1-4
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Phi-líp-phê.
Thưa anh em, nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 14,12-14)
12 Một ngày sa-bát kia, Đức Giê-su đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dùng bữa. Người nói với ông rằng : “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. 13 Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. 14 Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc : vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Cho đi cách vô vị lợi (04.11.2024)
Lễ Nhớ Thánh Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
Ghi nhớ:
“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” (Lc 14, 13-14)
Suy niệm:
Hàn Tín thuở còn nhỏ, vì cha mẹ mất sớm, nên phải làm nghề câu cá kiếm ăn. Vào những ngày mùa đông lạnh giá, không câu được cá, Hàn Tín phải ăn chực cơm của Phiếu Mẫu.
Sau này khi đã danh thành công toại, nhớ đến ân nghĩa của Phiếu Mẫu. Hàn Tín đích thân đến gặp bà và hỏi:
Bà còn nhớ tôi không?
Bà cụ trả lời:
Không. Hàn Tin nói.
Tôi chính là đứa trẻ mà bà đã cho ăn lúc tôi cơ nhỡ.
Tôi cho rất nhiều em bé đói ăn nên không thể nhớ hết được.
Hàn Tín trả công bà bằng một ngàn lượng vàng.
Đúng là làm ơn thì không cần nhớ, và thọ ân thì chẳng thể quên!
Lẽ thường tình thì người đời chẳng tự nhiên cho không ai cái gì! Nếu có cho đi cái này thì cũng mong được nhận lại cái kia. Vì thế mới có các câu tục ngữ như: “Bánh sáp đi, thì bánh quy lại” hay “hòn đất ném đi thì hòn chì ném lại”.
Nhưng bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su muốn cho chúng ta hành xử vượt lên trên cái chuẩn mục bình thường kia để hướng đến cái nghĩa cử cao đẹp hơn là: Cho đi nhưng không cần nhận lại.
Nhưng, thật ra khi chúng ta cho đi cũng là chính lúc chúng ta nhận lại, nhưng nhận lại từ Thiên Chúa, những gì có giá trị cao cả hơn.
Muốn thực thi được đòi hỏi này chúng ta phải có lòng tin tưởng và phó thác hoàn toàn trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Đồng thời phải có lòng kính mến Chúa và yêu thương tha nhân hết lòng. Có như vậy chúng ta mới có thể thực thi được lời mời gọi này.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, chúng con luôn sống với nhau trong toan tính, so đo, cân nhắc lợi hại, thua thiệt…Cách sống ấy đi ngược lại lời Chúa dạy hôm nay. Xin cho chúng con biết sống quảng đai, cho đi nhưng không cần báo đáp để rồi chúng con sẽ nhận lại từ Chúa ân sủng dồi dào gấp trăm, gấp ngàn. Amen.
Sống lời Chúa:
Sẵn sàng giúp đỡ người khác cách vô vị lợi.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Cho đi nhưng không (06.11.2023)
Ghi nhớ:
“Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” (Lc 14, 13).
Suy niệm:
Thánh nữ Tê-rê-sa Calcutta đã thiết lập một căn nhà để đón tiếp tất cả những người hấp hối không có nơi nương tựa. Vì Mẹ muốn tạo điều kiện để những người nghèo khổ này được có một cái chết xứng đáng với phẩm giá của con người. Như có lần Mẹ đã nói: “Họ đã phải sống như những con vật, thì xin cho họ được chết như những con người”.
Vào một buổi tối nọ, người ta đưa đến một người phụ nữ đã kiệt sức vì đói khát và bệnh tật. Mẹ Tê-rê-sa đã đích thân săn sóc người đàn bà đó với tất cả tấm lòng ưu ái và sự dịu hiền như là của một người mẹ. Sau khi hồi sức lại, người đàn bà mở tròn đôi mắt đẵm lệ và thì thào hỏi Mẹ Tê-rê-sa rằng: “Thưa bà, tại sao bà lại săn sóc tôi như thế?”
Giọng nhẹ nhàng. Mẹ Tê-rê-sa trả lời: “Bởi vì tôi muốn cho chị được hạnh phúc!” Trên khuôn mặt nhợt nhạt của người bệnh bỗng bừng sáng lên một niềm vui. Bà ta cố gắng nói với Mẹ: “Xin bà hãy lập lại câu nói đó một lần nữa đi!”
Mẹ Tê-rê-sa mỉm cười nói: “Phải, tôi muốn cho chị được hạnh phúc”. Và như một điệp khúc không bao giờ ngừng, người đàn bà tiếp tục thều thào: “Xin bà hãy lập lại một lần nữa đi”.
Cuối cùng bà ấy cố nắm lấy tay Mẹ Tê-rê-sa đặt lên ngực mình, như muốn níu kéo cái hơi ấm của tình người, tình mẹ và hơi ấm của hạnh phúc mà chỉ có lòng quảng đại, hy sinh vô vị lợi mới ban phát cho bà được.
Bài Tin Mừng hôm nay. Đức Giê-su nói với người đã mời Ngài đến dự tiệc rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè, anh em hay bà con, hoặc láng giềng giầu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi”. Ở đây Đức Giê-su kêu gọi ông chủ bữa tiệc cũng như tất cả chúng ta: Hãy cho đi cách vô vị lợi, đừng làm việc cho đi với sự toan tính và vụ lợi là người ta trả lại cho mình cái gì đó sau này. Lời mời gọi của Đức Giê-su xem ra khó thực hiện. Bởi lẽ trên cõi đời này người ta thường vị lợi. Nay tôi đãi anh, mai anh lại mời tôi! Tôi giúp anh cái này thì ngược lại anh phải làm cho tôi cái kia: “Hòn đá ném đi, thì thỏi chì quang lại. Hay: “Bánh ít đi thì bánh quy lại”. Người ta chẳng cho không ai cái gì bao giờ.
Theo Chúa là phải lội ngược dòng đời, cái mà người ta thường ham muốn, người ta thường dùng thủ đoạn để chiếm hữu; thì Chúa lại bảo không: Chẳng hạn như tiền bạc… Cụ thể như lời Chúa dạy hôm nay vậy. Có khó đó! Nhưng không phải là không thể thực thi được. Gương sáng của biết bao vị thánh đã xả thân vì tha nhân, hy sinh phục vụ không cần báo đáp, không cần ghi công, thậm chí vì hành động phục vụ, các vị còn phải rước hoạ vào thân, nhưng các ngài đã không quản ngại, vẫn một lòng thi hành ý Chúa cách kiên cường. Nếu chúng ta ý thức được rằng: Mọi điều mình có; Sức khoẻ, tài năng, tiền bạc và thời gian là đều do Chúa ban cho mới có mà thôi (x. 1 Cr 15, 10) thì nếu nhận thức được như vậy chúng ta sẽ sẵn sàng nghe lời Chúa mà phục vụ, mà cho đi cách vô vị lợi. Vì chưng chúng ta đã nhận nhưng không thì cũng phải cho đi nhưng không.
Lời Chúa là lời đem đến sự sống đời đời, vì vậy chúng ta phải kiên chí thực hành thì sẽ mang lại ích lợi cho bản thân mình. Niềm vui và nhất hạnh phúc lớn lao nhất đó là Nước Trời sẽ là phần thưởng cho những ai thi hành ý Chúa.
Theo kinh nghiệm sống của các bậc tiền nhân thì khi chúng ta làm việc giúp đỡ một ai đó với tâm hồn vô vị lời thì bản thân chúng ta sau này khi gặp khó khăn sẽ có người khác giúp đỡ lại, có khi chính chúng ta không nhận được sự giúp đỡ của kẻ khác mà con cháu của chúng ta lại được thừa hưởng những phúc đức do chúng ta đã thực hiện cho tha nhân. Ông bà xưa có câu: “Con ăn thì hết, người ta ăn thì còn”. Câu này nói lên kinh nghiệm khi giúp đỡ người khác thì ân đức của chúng ta vẫn sẽ mãi tồn tại trong cuộc sống và nhất là; chính Đấng sáng tạo vũ trụ và quan phòng nó sẽ trả công bội hậu cho những kẻ vâng nghe và thực thi ý muốn của Ngài. Như vậy những công việc bác ái, từ thiện mà chúng ta làm cách vô vị lợi sẽ trở nên tài sản mà chúng ta tích luỹ để ngày sau chính những việc làm tốt đẹp này sẽ làm bảo chứng để chúng ta nhận được phần thưởng Nước Trời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, theo tính cách tự nhiên thì khi cho ai cái gì con luôn nghĩ rằng mình cho đi rồi thì sẽ được cái gì từ người mà mình cho? Xin Chúa hãy lấy khỏi lòng con sự suy nghĩ vị lợi và ích kỷ này, mà đưa tâm hồn con lên cao hơn là con làm việc bác ái cách vô vị lợi vì vâng nghe lời Chúa. Và chúng con biết rằng khi thì hành lời Chúa thì chính Chúa sẽ trả lại cho con gất trăm, gấp ngàn mà thậm chí là chúng con không thể đong đếm được; đó là phần thưởng Nước Chúa. Amen.
Sống Lời Chúa:
Thực thi lời Chúa dạy: Giúp đỡ người khác cách vô vị lợi.
Đaminh. Trần Văn Chính.
Quảng đại, bác ái – lời hứa cho sự sống mai hậu (31.10.2022)
“Đừng mời bạn bè, nhưng hãy mời những người nghèo khó, tàn tật.”
Một trong những khó khăn lớn của đời sống chung là sống bác ái với nhau. Trong một cộng đoàn, nếu ai cũng sống ích kỷ, thì cộng đoàn ấy không thể hiệp nhất và làm chứng nhân tình yêu, sẽ thành phản chứng hơn là gương sáng. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn gia chủ tránh lối sống “có qua có lại”, sòng phẳng và ích kỷ, nhưng hướng tới cách sống quảng đại vị tha. Qua đó, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta can đảm sống cho nhau, sống bác ái trong cộng đoàn.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu có một đề nghị lạ lùng với gia chủ: “ông đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông.” Phải chăng Chúa Giêsu biết gia chủ có những anh em, bà con, láng giềng khác, nhưng vì nghèo khổ hoặc thiếu may mắn thể lý hay tâm lý, nên quên mời họ chăng? Vậy nên phần lớn khách mời là những người giàu có, quyền quý và thế giá. Chúa Giêsu không muốn gia chủ chỉ sống bằng tương quan lợi lộc, có qua có lại cách ích kỷ và lợi dụng lẫn nhau như vậy. Chúa đề nghị mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.” Có vẻ như họ là những người bị xã hội ruồng bỏ, khinh chê. Xã hội ruồng bỏ vì xem họ là người không được Thiên Chúa chúc lành; xã hội khinh chê vì họ thiếu may mắn về thể lý hoặc tinh thần. Về thể lý họ nghèo khổ, bị tật, bị què, bị mù; về tinh thần họ không có vị thế xã hội, thấp cổ bé miệng. Ở đời, ít ai mời những người này vì thật vô ích và phiền lụy. Nhưng Chúa Giêsu muốn gia chủ bác ái, tương giao với họ, mở lòng quảng đại mà không mong được đáp lại. Làm như vậy, ông sẽ có ích lợi thật vào ngày sau hết, vì Chúa đã nói: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
Nếu hiểu mở tiệc là thiết lập những mối tương giao huynh đệ nhằm chia sẻ niềm vui và hiệp thông, thì Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chia sẻ với hết thảy anh chị em xung quanh chứ không phải chỉ với một số người, bác ái quảng đại là không loại trừ một ai. Đây là đòi hỏi khó, vì cách nào đó mỗi chúng ta cũng là những người nghèo về vật chất và tinh thần, “tàn tật” vì thiếu hành xử nhân bản, “què quặt” vì những thói xấu và “đui mù” vì sự trái tính khó nết. Thiết tưởng, lời giáo huấn của thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô sẽ rất hữu ích để soi sáng và hướng dẫn cách sống bác ái vị tha: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1Cr 13,4-7)
Bên bàn tiệc xã hội hôm qua cũng như hôm nay, kẻ giàu sang được đãi ngộ biết bao của ngon vật lạ, còn người nghèo chỉ đứng xa nhìn thèm thuồng! Các cơ hội để thăng tiến không mở ra cách bình đẳng cho tất cả mọi người. Người nghèo là nạn nhân của những đối xử bất công. Ngay cả những gì họ được quyền hưởng cách chính đáng (như nước sạch, không khí trong lành, …) cũng bị lấy mất đi. Người ta đối xử nhau với thái độ loại trừ, kỳ thị dưới nhiều hình thức. Yêu thương người nghèo trước tiên là tôn trọng quyền lợi, và trên hết là tôn trọng phẩm giá của họ. Qua bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta thực thi bác ái và quan tâm đến những người bất hạnh, những người bị lãng quên. Những của cải làm phúc cho người nghèo sẽ không bị rơi vào quên lãng, nhưng được Thiên Chúa ghi nhận và Ngài sẽ thưởng công cho người nào rộng rãi đối với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn chúng con sống bác ái vô vị lợi vì phần thưởng dành cho người công chính vào ngày sau hết. Chúng con cầu xin Chúa ban ơn trợ lực, để chúng con đủ can đảm chọn lựa lối sống quảng đại vị tha, hầu góp phần xây dựng cộng đoàn ngày càng hiệp nhất yêu thương để ngày một đẹp lòng Chúa hơn. Amen.
Joston
Đón tiếp những người khốn khổ (04.11.2019)
Ngày 04.11: Lễ Nhớ Thánh Ca-rô-lô Bo-rô-mê-ô, giám mục
“Ông chớ mời các bạn hữu, nhưng hãy mời những người nghèo khó và tàn tật” (Lc 14, 12, 13)
Chuyện đón tiếp những người khốn khổ, nghèo hèn, bần cùng và cả những người bất đồng, bất mãn… luôn là chuyện không dễ với bất kỳ người nào. Ngay cả những người có sứ vụ kèm theo bổn phận đón tiếp, đôi khi cũng không muốn đón tiếp nhưng kẻ thấp mọn, bần cùng, lại chỉ ưa thích giao du, đón tiếp, thăm viếng kẻ giàu có, sang trọng, vị vọng mà thôi. Bệnh gì kỳ lạ thế? Bệnh kiêu căng, xem mình trọng hơn kẻ khác? Bệnh ngại sẻ chia? Bệnh trục lợi, mà người nghèo khổ chẳng có gì để trục lợi? Bệnh sợ mất danh giá mình? Các thứ bệnh ấy hình như vẫn còn và còn trầm trọng hơn, nan trị hơn trong mỗi chúng ta, giữa thời đại mà người ta suy tôn các giá trị vật chất lên trên.
Điển hình như câu chuyện này: Một ông hành khất đến nhà. Bà kia cho ông ta mười ngàn và mời đi gấp. Đến trưa, bà phát hiện mất cái điện thoại. Không tìm đâu cho ra, bà nghi ngờ ông hành khất kia lấy cắp. Thế là, từ đó, bà không tiếp bất kỳ một hành khất nào.Thậm chí còn nặng lời và vác chổi đuổi đi. Hơn một năm sau, việc mới rõ là con trai bà đã lấy cái điện thoại bán đi vì thua độ bóng đá.
Biết bao hoàn cảnh, biết bao con người thật đáng được xót thương, nhưng chúng ta đã không ban chút tình thương xót. Vô cảm, không có lòng thương xót là cách sống vô thần của người mang danh là có đạo, bất kể thành phần nào. Hay đúng hơn, người vô cảm, không có lòng xót thương người, là người chối Chúa, chối đạo trước mắt thế gian này. Mặt khác, người cho đi, người làm việc thiện, mà không làm vì danh Chúa, vì yêu Chúa, vì để đền ơn Chúa, lại làm vì danh lợi dục cho mình, hình thức bề ngoài mà nội tâm không có thì cũng chẳng còn ý nghĩa và không được hưởng công phúc gì hết.
Lạy Chúa, xin giúp cho con có được lòng khiêm nhường, thấu cảm, biết luôn xót thương những hoàn cảnh đớn đau…như Chúa đã từng cứu con, xin cho con luôn biết chia sẻ và vui sống với hết mọi người nhất là những ai nghèo đói khốn cùng. Amen.
BCT
Tinh Thần Phục Vụ (05.11.2018)
Ghi nhớ:
Rồi Đức Giêsu nói với kẻ đã mời Người rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con, hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.”
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã dùng dụ ngôn dự tiệc với bài học xã giao trong cuộc sống, nhưng đối với Thiên Chúa đây lại là hình ảnh mang ý nghĩa dự tiệc trong tinh thần phục vụ vô vị lợi chứ không như một phép xã giao thông thường. Khi chúng ta được mời dự tiệc mà theo nguyên tắc đạo lý người đời, tiệc mời là cách đáp lễ hay trong cư xử mang tính cách thân thiện, kết nối tình thâm giao. Từ ngàn xưa, ông bà ta đã có câu: “có qua có lại mới toại lòng nhau” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”.
Đối với con người, bữa tiệc luôn là cách thức để giúp mọi người xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin cậy hơn mang tính chất hợp tác lâu bền, để dễ dàng có tầm ảnh hưởng lớn đối với mọi người trong xã hội. Nhưng đối với Thiên Chúa, Ngài đưa ra lối nhìn trái chiều, với sự sâu sắc mới mẻ, hình ảnh mời dự tiệc đây tức là chúng ta phải biết cho đi, và cho cho mọi người hành xử với nhau một cách nhưng không, Người chọn những người tật nguyền, bất hạnh, nghèo túng để yêu thương, không cần sự đền ơn đáp nghĩa. Con người sợ đau khổ, sợ nghèo hèn đói rách, nhưng Thiên Chúa luôn vỗ về nâng đỡ, che chở kẻ khó khăn, khi bệnh tật khốn cùng. Đồng thời Người luôn yêu mến những ai có tinh thần phục vụ, hy sinh vì mọi người.
Lời Chúa mời gọi mỗi người hãy tập sống cho đi, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu rằng dù sống lành hay dữ, mọi người đều sẽ sống lại trong ngày sau hết, thế nên Ngài không muốn để mất một ai trong trong chúng ta phải hư đi, nên đã nhắn nhủ: “Thế là họ sẽ ra đi, bọn này sẽ chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính, để hưởng sự sống muôn đời” (Mt 26, 46). Vì thế, khi chúng ta được mời gọi tham dự tiệc Thánh Thể, là chúng ta được no thỏa phần hồn, cũng mang ý nghĩa đón nhận biết trao đi và chia sẻ cho mọi người. Chúa Giêsu đặc biệt quan tâm hướng mọi người về bữa tiệc Nước Trời, nơi đó là những ân huệ của con người mà Thiên Chúa luôn dành cho những ai, được ưu tiên mời vào là những người hèn kém, nghèo khó, lầm than cơ cực những người bị xã hội ruồng bỏ, đó là hình ảnh những người công chính mới đạt tới cuộc sống là quê hương vĩnh cửu đời đời.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho chúng con luôn nhận ra hình ảnh Thiên Chúa qua những người anh em của chúng con, để chúng con biết yêu mến mọi người trong tinh thần khiêm nhường và phục vụ hy sinh quên mình. Amen.
Sống tinh thần phục vụ vô vị lợi (06.11.2017)
M.Liên
Bác ái vô vị lợi (31.10.2016 – Thứ Hai sau Chúa Nhật XXXI Thường Niên)
1. Ghi nhớ:
Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế mới thật có phúc: “vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” ( Lc 14, 13-14)
2.Suy niệm:
Ông bà ta thường nói: “có qua, có lại mới toại lòng nhau” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Thật vậy, trong cuộc sống có mấy ai cho đi mà không cần lấy lại. Lẽ thường con người ta luôn luôn muốn nhận lại những gì mình đã cho đi. Hôm nay tôi giúp anh việc này, để phòng khi lúc cần anh sang mà giúp lại. Tôi hãnh diện khi được vinh danh là ân nhân cho một chương trình nào đấy.
Chương trình từ thiện của tôi ắt hẳn là vì cộng đồng nhưng buộc phải vang danh, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, để nâng cao uy tín cho bản thân tôi, cho doanh nghiệp của tôi chằng hạn… Tất cả những ý muốn đó dù có được thể hiện qua cách này hay cách khác, một cách lộ liễu hay thầm kín tinh vi nhưng cũng không ngoài mục đích tìm mối lợi cho chính mình.
Còn ngược lại, Chúa Giêsu dạy rằng: thi ân mà không cần đáp trả. Chúng ta sống với nhau, không tính toán chi cả mà bằng tình yêu cho đi nhưng không với mọi người. Đó mới thật là cho đi hết lòng, cho thật tình mà không vị lợi. Đồng thời Chúa Giêsu cũng cảnh giác nhắc cho mọi người hiểu rõ rằng: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, thì đừng kêu bạn bè anh em, hay bà con láng giềng giàu có, kẻo họ lại mời lại ông, và như thế ông được đáp lễ rồi”. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hướng chúng ta về một cái nhìn rất khác, đó là bác ái vô vị lợi. Gương bác ái vô vị lợi mà chúng ta tìm thấy đầu tiên chính là hình ảnh của Chúa Giêsu.
Vì yêu thương nhân loại vô bờ, Chúa Giêsu đã khiêm hạ đến trần gian trong mầu nhiệm nhập thể với thân phận nhỏ bé thấp hèn. Tình thương của Ngài trao ban đi mà không cần chi đáp trả, Chúa quan tâm đến những người nghèo khó, bệnh tật … và mời gọi tất cả cùng dự bàn tiệc nước trời với Ngài.
“Vì quyền năng của Đức Chúa thì lớn lao,
Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường”
Đối với Thiên Chúa, Ngài rất yêu quí, những người sống khiêm nhường vì họ là những người biết chạnh lòng thương tha nhân, biết sống theo tiếng gọi con tim rộng mở, để đón nhận đem ích lợi cho tha nhân, không quản ngại khó khăn gian khổ, họ không mong đền đáp, biết cho đi thật nhiều, nhưng chẳng nhận bao nhiêu với người đời… nhưng thực giản đơn, Thiên Chúa luôn bù đắp những tấm lòng không so đo tính toán, không kiêu căng hay vụ lợi, khi họ cho đi là đã nhận rất nhiều hơn thế, đó là niềm vui vô hình họ không chạm vào được. Vì với Thiên Chúa: “cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta noi gương sống bác ái của Chúa. Ngài đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu bao la và nhưng không; do đó, chúng ta cũng có bổn phận phải cho đi một cách rộng rãi và vô vị lợi những ân huệ mà Ngài đã ban cho chúng ta. Ðược như thế chắc chắn chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và xứng đáng thông dự bàn tiệc vĩnh cửu trong Nước Chúa. Điều quan trọng là có bao giờ bạn biết mở rộng lòng mình, để đón nhận và trao ban Tình yêu Thiên Chúa đến với mọi người hay không?
3. Cầu nguyện:
Lạy Chúa! Xin cho chúng con có một tâm hồn biết khiêm nhường, biết sống quảng đại yêu thương, một trái tim biết cho đi không mong nhận lại, để phục vụ tha nhân qua hình ảnh của Ngài luôn sống mãi nơi chúng con trong tinh thần Thánh phụ. Amen.
M.Liên
Mời người không nên mời
“Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc; vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Khi mời “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” chủ tiệc không những không được đáp lễ sau này, mà lúc này phải chấp nhận bao nhiêu phiền phức với những thực khách “không nên mời” như thế; không chừng bữa tiệc sẽ dở đi vì sự hiện diện của họ! Sự thường “bánh ít trao đi, bánh chì trao lại”. Chúa Giê-su đề nghị một cách tính toán khác, hay đúng hơn, đừng tính toán chi cả khi cho đi. Hãy ban phát theo tiếng gọi của một con tim rộng mở, nhằm đến phúc lợi của tha nhân. Không ngại gian nan, không chờ đáp trả. Vì Thiên Chúa giàu lòng thương xót, bao giờ Ngài cũng bù đắp lại bằng những tấm “bánh chì” đầy đặn.
Mời Bạn: Nhiều khi vì quá so đo tính toán, kiêu căng, vụ lợi, tôi xếp hạng rất nhiều anh em vào hạng “nghèo khó, đui mù, què quặt” để tôi không giúp đỡ, không mời cộng tác, không đối thọai, không giao tiếp. Cũng có thể do óc bè phái, suy nghĩ hẹp hòi, thiếu khách quan và vô tư. Trong công tác truyền giáo rất cần có tinh thần cởi mở, đối thoại.
Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe những ý kiến của những kẻ khác mình, xác tín rằng họ cũng có rất nhiều cái để mình học hỏi, để cho lại mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, […] xin cho con một tâm hồn đơn sơ, không biết đến phức tạp của ích kỷ, và tìm hiến dâng mà không đòi lại. Một tâm hồn lặng lẽ, hạnh phúc khi thấy sự quảng đại của mình không được người khác biết đến […]”. (Cha Galot)