Lời chứng về Chúa Giêsu (14.03.2024 – Thứ Năm Tuần IV Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Xh 32,7-14, Ga 5,31-47

Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Gio-an (Ga 5,31-47)

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. 32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết : lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. 33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. 34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. 35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. 36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an : đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. 37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. 38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. 39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. 40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.

41 “Tôi không cần người đời tôn vinh. 42 Nhưng tôi biết : các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. 43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. 44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?

45 “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. 46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. 47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói ?”

Lời chứng về Chúa Giêsu (14.03.2024)

“Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.”

Được ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần, thánh Gioan đã viết: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta, chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật (Ga 1,14).

Thế nhưng người Do-thái, nhất là các vị lãnh đạo tôn giáo của họ đã không nhận ra Chúa Giêsu, mặc dầu các việc Chúa làm đều làm chứng Ngài là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật. Bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh chủ đề lời chứng. Chúa Giêsu khẳng định Ngài không cần làm chứng về mình, nhưng có lời chứng từ Chúa Cha và những gì ghi trong Thánh Kinh cũng như các ngôn sứ làm chứng cho Ngài.

Nói đến lời chứng từ Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gặp thấy ít nhất hai lần là khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Gio-đan và lúc Ngài biến hình trên núi. Nhưng trong Tin Mừng Gioan có lẽ chỉ nói tới một lần nhãn tiền Chúa Cha phán vọng xuống rằng: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!” (Ga 12,28). Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu giải thích lời chứng của Chúa Cha tức là việc Chúa Cha sai phái Chúa Con thực thi việc cứu độ, và việc đó đã được chứng nhận qua bao dấu lạ Ngài làm. Chính sự việc được xảy ra theo lời Chúa Giêsu là do Ngài thực hiện theo ý Chúa Cha và Chúa Cha đã làm cho việc đó xảy ra.

Cũng trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến Mô-sê, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh đều viết về Ngài, dù Chúa không cần đến những chứng cớ ấy, nhưng đó lại chính là cái mà người Do-thái tìm kiếm Đấng Mê-si-a. Tiếc là sự tìm kiếm của họ chỉ nhằm thỏa mãn theo ý họ, họ tìm những gì Thánh Kinh nói đến một Đức Kitô hiển hách theo kiểu người phàm; còn nếu có tìm kiếm một Đấng Mê-si-a như Thánh Kinh loan báo, thì họ cũng chỉ dừng lại ở những gì nói đến sự hiển thắng mà không quan tâm đến con đường khổ giá để đạt đến sự hiển thắng. Chính vì vậy mà họ không thể chấp nhận và không thể tin vào Đấng đã đến và đang nói với họ.

Một số người cho rằng bởi vì Thánh Kinh là Lời Chúa rồi nên họ đâu cần gì khác để hướng dẫn họ. Thế nhưng, cũng như Thiên Chúa đã nói qua các biến cố và qua các ngôn sứ, thì Người cũng sẽ tiếp tục nói với chúng ta qua các biến cố thời sự và qua các vị hướng dẫn trong Giáo Hội nhờ Thần Khí. Vì thế, Chúa Giêsu tố giác những ai nghĩ họ đã nắm toàn bộ chân lý chỉ vì họ có cuốn Thánh Kinh, chứ không tin vào Ngài là Đấng Chúa Cha sai đến vẫn hằng ngày ở với họ.

Nhưng làm sao để phân biệt đâu là lời chứng thật? Chúa Giêsu dạy muốn nhận ra ai là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta không được giống như kẻ tự tôn vinh mình hay tôn vinh lẫn nhau, vì làm thế là trở thành nô lệ cho những giá trị hữu danh vô thực; người sứ giả của Thiên Chúa không nhằm tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm tôn vinh Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc, và xin cũng cho chúng con chỉ biết tìm vinh quang cho Chúa chứ đừng tự tôn vinh mình. Xin soi sáng dẫn đưa những ai đang lầm đường lạc lối, xa rời Giáo Hội để tìm vinh quang hư ảo cho bản thân biết quay trở về hiệp nhất với Giáo Hội. Amen. 

Joston

Đừng sống để bị lên án (23.03.2023)

Trong những ngày gần Tam Nhật Vượt Qua của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thấy được sự căng thẳng trong từng trình thuật Tin Mừng mỗi ngày. Những câu nói có sức nặng để lên án những người Biện Phái và người Pharisêu được Người nói ra. Phe đối lập cũng càng ngày càng ghen ghét những việc Người làm. Những đố kị tăng cao và nuốt chửng họ. Mọi người chỉ muốn giết Chúa Giêsu đi cho rồi, vì kẻ này gây chia rẽ giữa dân chúng và các thầy Tư Tế Đền Thờ.

“Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa, thì làm sao các ông có thể tin được?”

Người ta thường nói “phép vua thì thua lệ làng”. Những biện phái và nhà thông luật tự tôn mình lên trên hết mọi người. Họ đặt ra những luật lệ hà khắc. Công lý nằm trong tay họ, nếu đã nói là sai thì không ai có thể cãi là đúng. Người nào bị tuyên án là có tội thì kẻ đó trong sạch đến đâu cũng phải bị xử tử.

Chúa Giê su đến đem lại công lý từ vinh quang của Thiên Chúa. Rõ ràng điều đó chống lại “Lệ làng” này. Họ không tin vào Chúa Giêsu nhưng thật ra là vì lòng thù hận đã che lấp mất lý trí.

Hôm nay, chúng ta cũng nằm trong tình trạng như thế nếu không tỉnh táo. Coi bộ, chúng ta thích nghe những lời có cánh hơn là những lời góp ý chân thành. Ai chỉnh sửa giúp ta thì ta càng thêm ganh ghét họ. Hóa ra ta cũng có những “Bộ Luật” riêng, và chúng ta tin vào quyền năng của Bản thân hơn là quyền năng của Thiên Chúa. Ai dám phá luật, hay ai đó muốn góp ý ta thì phải loại trừ người đó ngay. Đấy chính là sự bảo thủ, chai đá mà ta trở nên hình ảnh của một người Pharisêu.

Đức tin mà chúng ta có được hôm nay. Công giáo hôm nay đang phát triển ở Việt Nam đều là nhờ máu của những vị tử đạo năm xưa đã đổ ra để ươm mần cho hạt cải Nước Trời. Rồi đạo đức bình dân của ông bà ta để lại, đã chăm bón cho Giáo Hội Việt Nam. Là thế hệ nối tiếp, chúng ta hãy sống sao để đừng bị chính các Thánh Tử Đạo và ông cha ta lên án khi ra trình diện trước mặt Thiên Chúa.

Ngọn cỏ ven đường.

Chúa Cha đã sai tôi (31.03.2022)

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy một loạt điều về chính mình với người Do Thái, cách riêng là với những người Pharisêu chưa nhận ra sứ mệnh của Người.

Trước hết Chúa khẳng định, Chúa không cần làm chứng, nói hay nói tốt về mình, thế thì “ lời chứng của tôi không thật”. Nhưng có Đấng khác, làm chứng về mình. Họ tưởng Chúa nói đến thánh Gioan vì có lần họ đã cử người đến hỏi thánh Gioan về Đấng Cứu Thế mà ông đã trả lời: “Tôi không phải là Đấng cứu thế…Đấng cứu Thế đến sau tôi, tôi không đáng cởi dây đép cho Người”. Rồi một lần ông đã chỉ Chúa Giêsu cho các người: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian”(Ga 1,6-34).

Hôm nay dù khen Gioan là người “làm chứng cho sự thật…là ngọn đèn cháy sáng và các ông đã vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian”. Nhưng Người không cần đến chứng của “một phàm nhân”. Chúa có lời chứng trọng đại hơn Gioan vô cùng: “ đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha đã sai tôi chính Ngài đã làm chứng cho tôi”.

Chúa Giêsu dạy các ông Pharisêu, vạch rõ từ tâm can. Dù họ được mang danh bậc thầy, được học hỏi Sách Thánh mà dạy dân mình. Lời trong Sách Thánh ấy là lời của Thiên Chúa. Do thiếu lòng khiêm nhường, đọc Sách Thánh không chủ ý làm vinh danh Thiên Chúa mà chỉ muốn để tôn vinh mình nên họ không hiểu, không để lại trong lòng  điều gì nên Chúa trách: “Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người”.

Chúa gợi mở cho các ông nhận ra Người: “Chính các ông đã không tin vào Đấng Người sai đến…các ông nghiên cứu Kinh Thánh, mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống”.Rồi Chúa đã trực diện nói về mình cho họ:“Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận, các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang xuất phát từ Thiên Chúa”.

Chúa Giêsu kết luận:“các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa”. Thế thì cũng chẳng yêu tha nhân, chẳng nhận ra Chúa Cứu Thế đang ở bên mình, chối từ Chúa Cứu Thế. Người tố cáo các ông trước tiên“chính là ông Môse, người mà các ông tin cậy…đã viết về tôi”. Vậy là lớp người  “cứng đầu cứng cổ” xưa thời Môse quở trách, vẫn còn tồn tại đến thời Chúa Giêsu.

Giờ đây, ta có nhận ra mình cũng được Thiên Chúa sai đến thế gian để làm bổn phận mà Chúa đã trao phó? Ta đã nhận biết Thiên Chúa và tình yêu của Người như thế nào? Khi làm việc có muốn để Thiên Chúa tôn vinh hay chỉ thích cho người đời ca ngợi? Khi bị hiểu lầm oan trái có vững tin cậy dựa vào Chúa, người là Đấng thấu suốt minh xét cho ta, hay thích lắm lời đôi co phân trần?

Người Pharisêu, được Chúa Cứu Thế đến với mà họ đã không nhận ra. Còn Chúng ta hôm nay có vui mừng mà tạ ơn Chúa vì đã được nhận biết Người qua đức tin trong Hội Thánh? Ta có dung nạp được nhiều năng lượng tình yêu của Chúa ban để đem đến cho tha nhân không?

Lạy Chúa Giêsu! xin giúp con luôn nhận ra tình yêu thương của Thiên Chúa hằng trải khắp thế giới này, để con yêu Chúa nhiều. Xin biến con trở nên “tình yêu” để con có thể thông tỏ điều gì về Chúa cho tha nhân- Amen.

Giuse Ngọc Năng

Phủ nhận lời chứng (18.03.2021)

Có lần tôi theo các bạn về Sóc Trăng, đến giáo xứ Rạch Vọp, khác lạ ở giáo xứ này là lễ sáng chủ nhật cha chánh xứ dành riêng cho lương dân, có hơn ba trăm lương dân sống gần đó, nói là gần chứ thật ra cũng có người ở xa trên 15 km. Phương tiện dùng để chở mọi người gồm ba chiếc thuyền và các chuyến xe lui tới đưa người đến dự lễ lúc 7g00 tại nhà thờ. Những lương dân được mời gọi đến với Thiên Chúa từ 10 năm nay và số người nhận Bí tích Rửa Tội được trên 80 người, số dự tòng khoảng 40 người. Sau thánh lễ tất cả mọi người đều ở lại học giáo lý, có 10 lớp học với các tên gọi rất lạ như: Đến mà xem, Xem mới biết, Khai tâm, Dự tòng, Thiếu nhi…. Theo thánh Tôma Aquinô “ Dạy dỗ người khác để đưa họ đến đức tin là nhiệm vụ của mỗi vị giảng thuyết và cả mỗi tín hữu”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay là các điều minh chứng về Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến, rất nhiều sự kiện từ lúc Chúa sinh ra: ngôi sao dẫn đường các nhà chiêm tinh gia phương đôngbái kiến, khi cha mẹ ngài dâng Ngài vào đền thờ Giêrusalem, khi Chúa Giêsu từ Nagiarét xứ Galilêa đến và chịu phép rửa bởi Gioan ở sông Gióoc Đăng và chính trong lúc này Thiên Chúa đã xác nhận:  Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con”( Mc 1, 11).Sự mạc khải của Thiên Chúa đạt đến đỉnh cao nhất nơi Đức Giêsu Kitô. Tình yêu của Thiên Chúa tỏ hiện một cách siêu việt và tuyệt đối nơi Con Người- vừa là người thật, vừa là Thiên Chúa thật” Docat 22, 13.

Trong suốt thời gian đi loan báo Tin Mừng từ miền này sang miền khác, Chúa Giêsu với lòng nhân từ đã làm nhiều phép lạ để cứu chữa những người bệnh tật, người bệnh phong hủi, quỷ ám, thậm chí kẻ đã chết nhưng ngài vẫn dủ lòng thương xót… tất cả được ghi nhận trong Tin Mừng Mc 1, 40, Mc 3,10-12, Mc 7, 29-30, Lc 11, 14-23…, Ga 5, 17-30. ..Người đã khẳng định  “Những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành”.

Kinh Thánh cũng ghi chép: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”  Gioan 3,16. Vì sao người Pharisêu, Biệt phái không muốn công nhận Chúa Giêsu?  Người Pharisêu thông làu Kinh Thánh nhưng với suy nghĩ của con người hẹp hòi, thiển cận, họ vẫn nghĩ Đấng Cứu Thế không thể là một người quá tầm thường, nên họ không chấp nhận sự thật là Con Thiên Chúa lại rất đổi bình dị và hiền hòa, nhân ái khác với suy nghĩ của mọi người. Có phải chúng ta cũng sẽ như người Kinh sư chỉ cần Chúa khi mình muốn van xin điều gì đó lợi ích cho bản thân ? Con người đã không nhìn thấy sự thánh thiện ở Chúa, phải chăng chúng ta chỉ muốn Người thỏa mãn nhu cầu vật chất của cá nhân? Thật ra, nếu đã không muốn tin thì dù có đưa bao nhiêu bằng chứng trước mắt cũng sẽ không tin.

Mùa Chay Thánh là dịp cho mỗi tín hữu suy ngẫm về con người mình, những hành động, suy nghĩ có hướng đến Thiên Chúa chưa? Chúng ta vốn mỏng manh dễ ngã lòng trước sự dữ, xin Chúa thương xót và cứu vớt chúng con.

Anna Anh

Nhận biết Thiên Chúa để được sự sống đời đời (26.03.2020)

Trong Tin mừng ngày hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ ra nhược điểm của người Do Thái và Ngài nói với họ: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sống” (Ga 5, 39-40).

Các nhà lãnh đạo Do Thái, đã cảm nhận được trong Kinh Thánh, họ có thể tìm được sự sống đời đời ở trong đó. Nhưng vì quá lệ thuộc vào ý muốn của mình, cố bám hiểu vào nghĩa đen của mặt chữ mà không thấy được tinh thần và Thánh ý Thiên Chúa muốn nói với họ qua những Lời được ghi trong Kinh Thánh. Chính vì thế mà họ đã không nhận biết Lời Chúa, Lời Hằng Sống, là Đức Giêsu đang ở ngay bên họ. Tương tự như vậy, nếu khi chúng ta đọc Kinh Thánh, chúng ta chỉ giữ nguyên và cố bám vào nghĩa đen của Kinh Thánh, thì chúng ta không thể hiểu biết được Thánh Ý của Thiên Chúa, chúng ta sẽ không đón nhận được sự sống đời đời.

Lời Chúa giống như một số bức thư tình được Thiên Chúa và Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Nếu ai đó viết thư cho chúng ta và mỗi khi chúng ta nhận được những bức thư này, chúng ta chỉ cần đọc kỹ nội dung của bức thư, nghiên cứu ngữ pháp của nó, khám phá cấu trúc của nó, v.v., nhưng không bao giờ dành thời gian cho người đó, không bào giờ gặp gỡ và bước vào mối tương quan thật sự…, vậy thì thử hỏi chúng ta có thực sự thấu hiểu được người đó không? Chúng ta có dám nói rằng mình thật lòng yêu thương người ấy không?…

Người Do Thái chỉ nghiên cứu và khảo sát Kinh Thánh nhưng lại không muốn đến với Chúa Giêsu, vì vậy Ngài đã nói thẳng với họ: “Tôi biết các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.” Họ không có lòng yêu mến Thiên Chúa và khi không có tình yêu Thiên Chúa trong lòng, họ lại tìm kiếm vinh quang của nhau, không phải là vinh quang của Thiên Chúa, vì thế Chúa mới tiếp tục lên án họ: “Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?”

Hôm nay chúng ta hãy tự hỏi: Có tình yêu của Chúa trong tôi không? Trong tất cả những việc tôi làm, cho dù là cho nhà thờ, gia đình, xã hội, trường học, công ty, v.v., tôi đang tìm kiếm vinh quang cho ai: vinh quang của con người hay vinh quang của Thiên Chúa? Chúa Giêsu rất rõ ràng ở đây: “Tôi không cần người đời tôn vinh.” Bởi vì cả cuộc đời của Ngài là tình yêu vô điều kiện bắt nguồn từ Thiên Chúa, tất cả những gì Ngài làm và nói đều là để vinh danh Thiên Chúa. Còn chúng ta thì sao? Toàn bộ cuộc sống của chúng ta bắt nguồn từ đâu?

Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy đến gần Chúa Giêsu, dành một chút thời gian với Ngài và thiết lập mối tương quan mật thiết với Ngài. Chúng ta hãy theo sát Ngài và học hỏi từ Ngài cách tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa trong mọi việc.

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy giúp con  biết tìm kiếm vinh quang của Thiên Chúa, chứ không phải vinh quang của con người. Amen.

Bình Minh

Nhạy bén trước ơn cứu độ của Thiên Chúa (04.04.2019)

Ghi nhớ:

Chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi”. (Ga 5, 36).

Suy niệm:

Ngay sau khi  Stephen Hawking qua đời, một câu bé thần đồng ở Mỹ (11 tuổi, đã tốt nghiệp đại học) làm cho thế giới khoa học sửng sốt. Cậu tuyên bố rằng lý thuyết của Hawking về vũ trụ hình thành tự phát là sai, và Thiên Chúa thực sự hiện hữu. Câu bé đó tên là: William Maillis sinh năm 2007, sống tại Penn Township. Pennsylvania, một sinh viên đại học đam mê nghiên cứu vật lý thiên văn…

Mặc dầu còn nhỏ tuổi nhưng cậu đã có định hướng rõ ràng cho cuộc sống của mình đó là: Chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa thông qua khoa học. Cậu nói:

  • Em muốn trở thành một nhà vật lý thiên văn, để làm sao có thể chứng minh cho thế giới khoa học rằng Thiên Chúa thực sự tồn tại. Nơi khác Maillis nói;
  • Tôi muốn chứng minh với mọi người rằng Thiên Chúa thực sự hiện hữu, bằng cách chỉ ra rằng phải có một sức mạnh bên ngoài vũ trụ mới có khả năng tạo ra vũ trụ.
  • Khoa học và thần học không tách biệt nhau…Tri thức khoa học là một quà tặng từ Chúa, giống như mọi quà tặng khác. Chúng ta phải học hỏi thêm về đức tin của chúng ta và về việc chúng ta đang ở đâu trong vũ trụ…Chúng ta cần trau dồi tài năng của chúng ta quà tặng mà chúng ta đã nhận từ Chúa, chứ đừng chôn vùi nó.

Bài Tin Mừng hôm nay. Trước thái độ cứng lòng của người Do Thái. Chúa Giê-su đã nêu ra những chứng từ để minh chứng về bản thân Ngài ; Chứng thực từ Thiên Chúa Cha: “ Này là Con Ta yêu dấu , hãy nghe lời Người” Lời chứng của ông Gio-an: “ Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn”( Ga 1,4). Lời chứng trong Kinh Thánh và chứng từ qua những việc chính Người đã thực hiện.

Chúa Giê-su đến thế gian để thực hiện công trình cứu độ theo ý của Đức Chúa Cha. Sau khi loài người mà cụ thể là nguyên tổ Adam, Eva phạm tội làm đổ vỡ chương trình xây dựng hạnh phúc của  Thiên Chúa cho con người, Thiên Chúa đã không bỏ mặc mà Ngài lại  lên kế hoạch để cứu độ con người và phục hồi giá trị ban đầu để họ được trở lại làm con Thiên Chúa. Thế nhưng, khi đến trần gian rao giảng Tin Mừng  và thực hiện công trình Cứu Độ Nhân loại, thì con người, mà ở đây điển hình là người Do Thái đã cứng lòng không chịu tin, không chịu đón nhận Chúa Giê-su là Đấng được Chúa Cha sai đến để Cứu Độ họ. Vì thế, Chúa Giê-su đã phải giảng giải hết lời để  cho người Do Thái hiểu biết và chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa, được Chúa Cha sai đến để cứu chuộc họ. Hầu cho họ tin vào Người  để được sự sống đời đời.

Qua bài Phúc Âm hôm nay, Chúa muốn củng cố cho đức tin của mỗi người chúng ta được thêm vững mạnh hơn, hầu đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối vào Ngài. Để rồi phải sống sao cho được trở thành một nhân chứng cho Chúa mà dẫn đưa những kẻ chưa biết Chúa cũng được nhận biết Người để cùng nhận được ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa. Khi chúng con ngắm nhìn trời cao biển rộng và những trật tự lạ lùng trong vũ trụ chúng con đã nhận biết Chúa là Đấng tạo thành và an bài mọi sự. Xin cho những người chưa nhận biết Chúa cũng biết mở lòng ra mà đón nhận Chúa là Cha nhân từ hằng yêu thương và muốn cho mọi người được  nhận lãnh ơn Cứu Độ Chúa thương ban. Để ngày sau tất cả chúng con được hưởng sự sống đời đời. Amen.

Sống Lời Chúa:

Luôn sống xứng đáng là một người có Chúa ở cùng.

Đaminh Trần văn Chính

Cố chấp, cứng lòng (15.03.2018)

1. Ghi Nhớ:

“Chúa Cha, Đấng đã sai tôi chính Người cũng đã làm chứng cho tôi.”

2. Suy niệm:

Chuyện kể rằng: Một người cha nọ có cậu con trai. Ông hứa với cậu là sau này nếu đậu vào được đại học thì muốn gì ông cũng cho. Cậu bèn xin một chiếc xe.

Vào kỳ thi năm đó. Cậu  đậu vào trường đại học với điểm số cao.

Giữ lời đã hứa,  ngay sau khi biết kết quả kỳ thi. Ông bố đưa vào phòng con trai và đặt món quà trên bàn rồi nói với cậu trong khi cậu đang tắm.

  • Quà bố cho con,  để ở trên bàn đấy nhé!

Sau khi tắm xong, cậu ra và nhìn thấy ở trên bàn học của mình chỉ là một quyển Kinh Thánh rất dày và to. Cậu giận lắm vì thầm nghĩ trong lòng rằng: Cha mình chỉ là một người keo kiệt, đã không giữ đúng như lời đã hứa! Xe đâu chẳng thấy mà chỉ thấy có quyển Thánh Kinh!

Thế rồi vì chán nản, bất mãn, cậu phản ứng bằng cách bỏ nhà đi ra  ở bên ngoài…

Mẹ cậu tìm đến khuyên bảo cậu và khẳng định với cậu rằng bố luôn yêu thương và lo lắng cho con, nhưng mọi lời mẹ nói cậu đều bỏ ngoài tai, rồi sau đó thậm chí khi  ông nội cậu đến khuyên bảo, cậu vẫn không nghe và luôn nghĩ rằng bố minh chỉ là một con người keo kiệt, hà tiện Thái độ của cậu vẫn là cố chấp.

Cho đến khi cậu hay tin bố bị bệnh nặng thì  mới chịu trở về nhà…

Tối hôm đó cậu  về phòng của mình, thấy mọi vật dụng vẫn còn y  nguyên như trước. Quyển Kinh Thánh vẫn còn để  đó. Bất giác cậu lại và cầm quyển sách lên, thì từ trong quyển Kinh Thánh rơi ra chiếc chìa khóa và những tờ giấy… thì ra đây là chìa khóa chiếc xe, giấy chứng nhận quyền sở hữu xe và cả tờ di chúc tài sản mang tên mình…

Lúc này cậu chạy như bay sang giường bệnh bố đang nằm, cậu ôm lấy bố  khóc lóc  nức nở, thảm thiết…

***

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su khiển trách những người Do Thái đã cố chấp, cứng lòng không tin nhận Chúa. Mặc dù họ đã được rất nhiều dấu chỉ chứng minh cho họ biết về Ngài.

Ngay trước khi bắt đầu  cuộc đời công khai rao giảng Tin Mừng, thì Thánh Gioan Tiền hô đã đi trước để dọn đường, loan báo  Đấng cứu Thế sẽ đên.

Có thể nói; cả cuộc đời của mình thánh Gioan chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất đó là Làm Chứng cho Đức Giê-su Ki-tô: “Ngài đến sau tôi, nhưng có trước tôi.” 

Kinh Thánh  ghi lại sau khi Gioan làm phép rửa cho Chúa Giê-su tại sông Jordan thì các tầng trời mở ra và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” (Mt.3,17). Đây là lời minh chứng của Thiên Chúa Cha cho nhân loại biết về Người Con yêu dấu của Ngài.

Phần Chúa Giê-su khi đến thế gian Ngài đã mặc khải cho loài người biết họ có một Người Cha nhân từ giàu lòng xót thương. Đã yêu thương họ vô cùng và đã sẵn lòng ban Người Con Một đến thế gian để cứu độ muôn người. Và Người Con đó đến thế gian là để chu toàn bổn phận là thi hành ý Chúa Cha.

Người Do Thái cứng lòng, bởi thế họ đã bị luận phạt. Từ sự việc trên chúng ta rút ra được một bài học sẽ rất bổ ích cho chính mình là; Đừng cứng lòng, đừng cố chấp mà hãy mở rộng tâm hồn ra để đón nhận, tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh, đây uy quyền, đầy lòng thương xót và luôn muốn cho chúng ta những điều tốt đẹp và hạnh phúc mà thôi.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin tha thứ cho chúng con vì bao lần chúng con khước từ tình yêu không nhìn nhận sự hiện diện của Chúa bằng nhiều cách. Dù vậy Chúa vẫn trung thành yêu thương chúng con. Xin giúp chúng con mạnh sức thoát khỏi những ràng buộc của đam mê, tội lỗi. Để chúng con luôn đặt trọn vẹn niềm tin vào Chúa. Amen.

Sống lời Chúa:

Trong cuộc sống luôn tìm đến với Chúa để có được niềm vui, vì Chúa là gia nghiệp và là hạnh phúc của đời con.

Đaminh Trần văn Chính.

Lời chứng của tôi (30.03.2017)

Đức Giêsu đến trần gian rao giảng Tin Mừng cứu độ, dân chúng tin và lũ lượt đi theo người, còn những người Do Thái thì lại cứng lòng không chấp nhận tin Người là Đấng Chúa Cha sai đến. Người luận lý với họ rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ… Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người” (Ga 5,31-34.36-37).

Quả vậy, biết bao nhiêu việc Người đã làm cho dân chúng như lời Kinh Thánh đã báo trước: người điếc được nghe, kẻ câm nói được, người què đi được, kẻ chết sống lại… Đó là “lời chứng” của Người trong sứ mệnh cứu thế, thấy đó mà họ vẫn cứng lòng không chịu tin. Người đã hoàn thành những công việc Chúa Cha trao phó, chính những công việc đó đã làm chứng Người là Đấng Thiên Sai, được Cha sai đến. Nhưng lúc này họ còn “chưa biết” chính Người, huống là Chúa Cha, Đấng mà họ không nghe tiếng, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan, nên họ mãi cứng lòng không tin.

Thật đáng buồn ở đây người không tin lại chính là người “đạo gốc” Do Thái. Còn trong bài đọc I thì chính dân Israel (dân riêng của Thiên Chúa) đã phản bội Đức Chúa mà thờ bò vàng, nên Ngài phán với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ” (Xh 32,9).

Ngày nay nhiều người trong chúng con cũng tin Người là Đấng Cứu Thế đã đến cứu độ chúng con, nhưng đức tin và lòng mến ra sao thì chỉ Chúa mới biết rõ. Có những người “tin” đến độ hiếu kỳ, phải tìm đến tận nơi những địa chỉ nổi tiếng dù xa lơ xa lắc để xin ơn mới mong toại nguyện. Nhiều người ao ước đi hành hương thánh địa Đức Mẹ thật xa, đến khấn nơi mộ Cha Diệp, đến khấn xin Lòng Thương Xót mãi tận Nhà Bè (Sài Gòn), vì tin rằng phải đến tận nơi cầu khấn sẽ được nhận lời, được khỏi bệnh. Nhiều khi chúng con ngồi trong nhà thờ, trước Thánh Thể Chúa mà tâm tư đầu óc ở tận đâu, Chúa ở mãi nơi nao, cặp mắt thì chia trí theo những bộ cánh thời trang người ta diện đi lên đi xuống ở trong nhà thờ ngay khi chúng con vừa rước Chúa. Chúa đang ở trong lòng mình mà lại như chẳng thấy chi, tâm hồn lạc lõng, hoang vu xa vắng.

Tôi không cần người đời tôn vinh. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?” (Ga 5,41.44). Đường lối cứu độ của Chúa khác xa với cái nhìn của người đời. Người đời tôn vinh lẫn nhau bằng cách ca tụng khen lao, đề cao đối phương, có khi là xu nịnh, cầu lợi. Còn Đức Giêsu thì ngược lại, lúc sắp đi chịu chết đớn đau nhục nhã lại nói “đã đến giờ Con Người được tôn vinh”, nên các ông càng khó để tin Người. Vinh quang của Người là treo trên thập giá, cái chết thảm khốc trên đồi vắng là lời vọng của Tình Yêu vang đến tận cùng trái đất.

Lạy Chúa! Đời sống đức tin của chúng con hôm nay nhờ tình yêu Chúa Cha, nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động, chúng con tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ chúng con đã được Chúa Cha sai đến. Nếu mỗi ngày chúng con sống mối tương quan đậm đà với Chúa, chúng con sẽ cảm nhận niềm vui và hạnh phúc có Chúa ở cùng. Với lòng tin mến, chúng con xin làm chứng cho một Tình Yêu, ngay trong hoàn cảnh nhỏ bé và giới hạn của mình hôm nay.

 Én Nhỏ

Lời chứng và cáo trạng (10.03.2016)

1- Ghi nhớ:

 “Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.” (Ga 5, 37)

2- Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu lên án thái độ kiêu ngạo của dân chúng khi họ không tin Ngài là Thiên Chúa và không đón nhận Thiên Chúa.

Những người Pha-ri-sêu và những nhà lãnh đạo trong dân Do Thái cần phép lạ, Chúa Giê-su đã thực hiện nhiều phép lạ. Họ cần dấu chỉ, Chúa Giê-su cũng đã cho họ thấy các dấu chỉ để họ hiểu hơn về Ngài. Họ lại đòi nhân chứng, Chúa Giê-su đã dẫn chứng ra tất cả các ngôn sứ đều nói và minh chứng về Ngài, trong đó nhân chứng rõ ràng và cụ thể nhất là Gio-an Tẩy Giả. Sau cùng Chúa Giê-su nêu dẫn chứng cao trọng nhất đó chính là Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài và xác nhận Ngài là Con Yêu Dấu tại sông Gio-đan, nơi Ngài chịu phép rửa của Gio-an. Nhưng rồi họ vẫn cứng lòng không  chịu tin.

Dường như bản tính kiêu ngạo luôn tiềm ẩn trong con người. Sự kiêu ngạo ấy thể hiện qua việc tự cho mình là đúng và làm những gì mình muốn để rồi từ đó đi đến việc chối bỏ Thiên Chúa và không đón nhận tha nhân.

Lời Chúa hôm nay vẫn còn đang nói với chúng ta. Chúa cũng đang chất vấn và quở trách chúng ta về cách sống của mình. Rất nhiều khi chúng ta khước từ Chúa để chạy theo những danh vọng những đam mê làm chúng ta càng xa dần Thiên Chúa, xa nguồn hạnh phúc đích thực.

Phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Chay, không chỉ là những lời mời gọi chúng ta sám hối trở về với Chúa, mà còn là những lời huấn giáo giúp chúng ta nhận ra Chúa, tin tưởng nơi Chúa và đừng cứng lòng nữa.

3- Cầu nguyện :

 Lạy Chúa, xin cho chúng con biết khiêm tốn đón nhận Thánh ý của Chúa gởi đến cho mỗi người chúng con, để chúng con biết dấn thân thực hiện theo Thánh ý của Chúa và nhất là cho chúng con luôn thuộc về Chúa trong mọi nơi, mọi lúc của cuộc đời chúng con. Amen.

4- Sống Lời Chúa :

Ngày nay chúng ta không còn được thấy Chúa diện đối diện trực tiếp với mỗi người chúng ta nữa, nhưng Chúa đã dùng cách này cách khác để chúng ta gặp được Thiên Chúa qua các chủ chăn trong Giáo Hội, các Bí Tích, các dấu chỉ của thời đại … Chúng ta hãy thực hiện tốt các giáo huấn của Giáo Hội và năng lãnh nhận các Bí tích để được kết hợp với Chúa một cách mật thiết hơn.

Hoài Thanh

“Hương ngược gió”

“Phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.” (Ga 5,36)

Suy niệm: Trong bài Hương ngược gió, tác giả, một Phật tử, kể chuyện bố chồng cô bị bệnh tim, hay ngất xỉu. Mỗi lần như thế, các giáo dân một xóm đạo ở Thốt Nốt (Cần Thơ) luôn giúp đỡ gia đình cô. Chứng kiến người Ki-tô hữu sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, người Phật tử ấy rất cảm kích và muốn kể lại như một lời chứng (Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 10/1/1999). Thật vậy, dân chúng thời nào cũng đòi hỏi cuộc sống chứng tá của các Ki-tô hữu. Đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, người Ki-tô trở nên người môn đệ-nhà truyền giáo được Chúa chọn và sai đi loan báo Tin Mừng. Chứng tá cao đẹp và đáng tin cậy nhất là khi đời sống hằng ngày sóng đôi với việc tuyên xưng niềm tin. “Hương thơm của các loài hoa không bay ngược gió. Chỉ có hương người đức hạnh mới ngược gió tung bay.”

Mời Bạn: Bạn được Thiên Chúa chọn và giao phó sứ mạng làm chứng cho Chúa. Vậy lời bạn nói, việc bạn làm, suy nghĩ của bạn có phản ánh Tin Mừng của Chúa Giê-su? Đâu là cách bạn thể hiện đức tin đáng cho kẻ khác tin?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cố gắng tỏa hương thơm Tin Mừng qua cách hành xử thông cảm, quảng đại, yêu thương…

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn mượn đôi tay, đôi chân, con tim và khối óc của con để đến với con người hôm nay, diễn tả lòng Chúa yêu thương cứu độ. Xin cho con biết ra sức Phúc âm hóa bản thân, và làm lan tỏa hương thơm niềm tin qua đời sống chứng tá của con mỗi ngày. Amen.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *