Đấng Hằng Sống (21.03.2024 – Thứ Năm Tuần V Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: St 17,3-9, Ga 8,51-59

Tin Mừng Chúa Giê- su Ki- tô theo thánh Gio-an (Ga 8,51-59)

Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”“Người Do-thái liền nói : “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’

“Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai ?” Đức Giê-su đáp : “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”

Người Do-thái nói : “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !” Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !”

Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.

Đấng Hằng Sống (21.03.2024)

“Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng  được thấy ngày của tôi.”

Khi Chúa Giêsu nói với người Do-thái về thế giới của Thiên Chúa, họ đã chế nhạo Người, cho rằng Người bị quỷ ám nên mới ăn nói lung tung như thế. Chúa Giêsu vẫn không nản lòng, và vẫn tiếp tục nói về nguồn gốc thần linh của mình, một lần nữa. Người dùng danh xưng Hằng Hữu để khẳng định rằng mình từ Thiên Chúa mà đến. Câu nói ấy đã khiến người Do-thái phẫn nộ và định ném đá Người.

Ðược sống mãi mà không phải chết là ước mơ muôn thuở của con người, thế nhưng khi Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng nếu họ tuân giữ Lời Người dạy bảo thì họ sẽ khỏi phải chết, họ lại chế nhạo Người là bị quỷ ám. Nếu xét thêm mặt ngoài của sự kiện thì quả thật họ là người có lý. Họ lý luận như sau: “Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy. Thế mà ông lại nói: Ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao?” Họ lý luận rất chặt chẽ, nhưng chính cái chặt chẽ ấy lại là một sợi xích cột chặt họ lại khiến họ không thể cất cánh bay cao. Họ có lý nhưng tổ phụ Áp-ra-ham ngày xưa đã chẳng lý luận gì khi nghe theo lời Thiên Chúa kêu gọi mà từ bỏ quê cha đất tổ để ra đi. Những người Do-thái có lý nhưng theo lối lý luận của con người. Thiên Chúa thì không dựa theo lý lẽ của con người để thực hiện công việc của mình, Thiên Chúa làm theo cách của Ngài. Những ai muốn nhận ra chương trình của Thiên Chúa thì cũng phải tập nhìn mọi sự theo cách nhìn của Ngài. Những người Do-thái không muốn nhìn như thế, họ nhìn vào Chúa Giêsu và họ chỉ thấy đó là một con người tuổi chưa được năm mươi mà dám khoác lác nói rằng mình đã thấy tổ phụ Áp-ra-ham, lại còn dám xưng mình ngang hàng với Thiên Chúa nữa. Họ không thể chấp nhận thái độ cao ngạo và phạm thượng ấy, họ phải ném đá kẻ ngông cuồng này.

Chúa Giêsu đến đem lại công lý từ vinh quang của Thiên Chúa. Rõ ràng điều đó chống lại luật lệ do con người đặt ra. Giới lãnh đạo Do-thái không tin vào Chúa Giêsu nhưng thật ra là vì lòng thù hận đã che lấp mất lý trí. Dù họ được mang danh bậc thầy, được học hỏi Sách Thánh mà dạy dân mình. Lời trong Sách Thánh ấy là lời của Thiên Chúa. Do thiếu lòng khiêm nhường, đọc Sách Thánh không chủ ý làm vinh danh Thiên Chúa mà chỉ muốn để tôn vinh mình nên họ không hiểu, không để lại trong lòng điều gì nên Chúa trách: “Các ông không biết Người.”

Ngày nay, chúng ta cũng ở trong tình trạng như thế nếu không tỉnh táo. Coi bộ chúng ta thích nghe những lời có cánh hơn là những lời góp ý chân thành. Ai chỉnh sửa giúp ta thì ta càng thêm ganh ghét họ. Hóa ra ta cũng có những thứ luật riêng, và chúng ta tin vào quyền năng của bản thân hơn là quyền năng của Thiên Chúa. Ai dám phá luật, hay ai đó muốn góp ý ta thì phải loại trừ người đó ngay. Đấy chính là sự bảo thủ, chai đá mà ta trở nên hình ảnh của một người Pha-ri-sêu.

Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa thì sống động, có Chúa trong tâm hồn thì chúng con nên sáng láng, sống động và vui tươi, còn không có Chúa thì chúng con chỉ là cái xác chết tối tăm và bất động. Xin cho chúng con biết mở rộng lòng để Chúa đến ở trong và ở với chúng con, để chúng con thật sự đang sống và sống động trong tình yêu dành cho Chúa và tha nhân. Amen.

Joston

Tôi chối Chúa hay tôi chối tôi (30.03.2023)

“Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông nói: “Ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ chết.” Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai?”

Đối với người Do Thái, thì Abraham chính là cha của cả dân tộc, là một vị tổ phụ đáng kính trọng. Kế đó là các tiên tri, là người được Thiên Chúa tuyển chọn để lắng nghe Lời Người và truyền lại cho người dân. Vì thế trong phạm trù con người, không ai có thể cao cả hơn những vị này. Chưa một ai dám ví mình ngang với Abraham chứ huống chi ví tới Thiên Chúa.

Nhưng Chúa Giê su là Con Thiên Chúa, Ngài đã mạc khải chân lý này cho người Do Thái. Nhưng vì giới hạn lí trí và tin đạo một cách rập khuôn nên họ từ chối Mạc Khải Chân Lý này. Họ nói họ tôn thờ Thiên Chúa nhưng thực chất là tôn thờ chính bản thân mình. Khi Chúa Giê su đến, Sự Thật của Ngài làm lu mờ đi những quyền thế của giới Phariseu và biện phái. Họ từ chối, và họ tìm cách để tiêu diệt Chúa Giê su. Họ muốn ném đá Người đến chết.

Còn phần chúng ta ngày hôm nay thì sao. Chúng ta không chỉ có Mạc Khải của Chúa Giê su năm xưa, mà còn được củng cố bằng giáo lý của Hội Thánh; kèm theo đó là những chứng tá anh dũng đã sẵn sàng hy sinh để bảo vệ cho Đức Tin này. Thế nhưng! Chúng ta vẫn từ chối Chúa Giê su. Ta từ chối qua việc trốn lễ, đi “xem” lễ như đi xem xiếc chứ không hề “Tham dự”. Ta từ chối Mình và Máu Chúa đang hiện diện trong tấm bánh trên Bàn Thờ. Vì nếu ta thật sự tin thì ta đã chạy đến nhà Chầu mỗi ngày rồi. Chúng ta vẫn ném đá Chúa mỗi ngày bằng việc phạm tội và dung túng cho những hành vì xấu xa.

Chỉ còn vài ngày nữa là bước vào Tam Nhật Thánh, xin Thiên Chúa hướng lòng chúng ta về với Người. Để ta sẵn sàng từ chối cái TÔI của mình, mà biết khiêm nhu trong cậy vào lòng Thương Xót của Chúa qua cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Người.

Ngọn cỏ ven đường.

Lòng nhân ái, tính bao dung (07.04.2022)

Hành trình giảng dạy, cứu nhân độ thế của Chúa Giêsu càng đến những ngày cuối càng thấy những tranh luận gay gắt với người Do Thái. Hôm nay đã dẫn đến ẩu đả “Người Do Thái lại lấy đá để ném Đức Giêsu”. Đây là lần thứ hai Tin Mừng Gioan lại nhắc đến họ ném đá Chúa.

Chúa Giêsu đã làm gì họ mà nên cảnh thù nghịch như vậy? Bởi vì Lời Chúa chưa lọt vào tâm hồn họ được, như ánh sáng đến cùng bóng tối, như nước với lửa. Lần trước Chúa bị ném đá vì đã dám công bố: “Ai tuân giữ lời tôi thì sẽ không bao giờ phải chết”. Chúa có đâu nói đến cái chết thể xác, nhưng họ không hiểu được. Người lại nói đến bản tính Thiên Chúa của Người: “trước khi có Áp ra ham, thì tôi hằng hữu”(Ga 8,52-57).  Hôm nay sau khi gọi Thiên Chúa là Cha của mình và công bố “Tôi và Chúa Cha là một”, Người lại bị ném đá… vì đã công bố đúng sự thật. Dù vậy, Người vẫn kiên tâm trong tình thương để dạy dỗ. Người như nài nỉ họ hãy nhìn xem cho kỹ để mà nhận biết nên đã chất vấn họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”. Thật là mù tối và ác độc, họ đã thấy tỏ tường những việc Chúa làm ban ơn phúc đức…thế mà cố tình từ chối, dựa vào lẽ đạo của họ mà khước từ chính Thiên Chúa. Rồi với câu trả lời họ chưa nhận ra Người: “ Chúng tôi ném đã ông không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng; ông là người phàm mà dám cho là Con Thiên Chúa”. Chúa đã bác bỏ lời tố cáo của họ nói rằng Chúa đã nói phạm thượng, vì Chúa chỉ làm những việc làm tốt lành mà Chúa Cha sai. Chúa đã nhắc lại và kết luận chắc chắn: “ vì tôi đã nói: Tôi là Con Thiên Chúa? Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.  Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra hãy tin các việc đó”.

Cuối cùng “ Chúa Giêsu lại ra đi, sang bên kia sông Giodan”. Nơi ấy người ta lại có ơn nhận biết Người:“ Họ bảo nhau: ông Gioan đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng. Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giêsu”.

Giờ đây có còn ai hay kết án hay loại trừ anh em mình chỉ vì họ có nhận thức, có cách làm việc khác ta?

Lòng nhân ái, tính bao dung đề cao con người có khả năng quan hệ, làm việc thân thiện với những ai khác mình. Vì nếu người không có khả năng thân thiện với những người khác tính, khác nết với mình, thì người ấy làm sao mà có khả năng mà yêu thương kẻ thù như Chúa dạy ta được.

Một giáo xứ có cha xứ cao tuổi đã ở lâu năm. Nay một cha trẻ về thay thế. Cách thức làm việc, giao tiếp có những thay đổi. Giáo dân nhất là người già xì xầm phản đối. Một lần nguyệt hội huynh đoàn anh trưởng nhắc nhở: “Cha xứ hôm nay, ngài làm khác với cha cố xưa chứ không phải ngài làm sai lỗi gì với luật Chúa và Hội Thánh. Cha xứ nào cũng có cách riêng của mình hầu muốn cho xứ đạo mình tốt đẹp hơn. Là con chiên mình cứ vâng nghe”. Thế là từ đấy tiếng xì xào về cha xứ hết dần và mọi công việc ở giáo xứ ngày ngày tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa! Xin ánh sáng của Chúa luôn dọi vào tâm trí con, để con mau mắn nhận ra điều hay lẽ phải, nhận ra thánh ý Chúa. Cho con hiểu biết anh em con để mà yêu thương nâng đỡ, chứ không phải để kết án hay “ném đá” cho dù họ là người tốt lành hay tội lỗi. Cho con tránh xa vết xe mù tối tội lỗi tầy đình của người Do Thái xưa đã thù ghét vô cớ Đấng Thánh lại còn đi đến giết Người nữa- Amen.

Giuse Ngọc Năng.

Để được sống đời đời (02.04.2020)

Chúng ta biết rằng, từ cổ chí kim, con người đã luôn nổ lực và gắng sức tìm cho mình một phương thuốc trường sinh để được bất tử, nhưng con người vẫn bất lực trước cái chết của mình.

Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết, muốn được sống đời, chúng ta phải tin tưởng và vâng theo lời Ngài dạy: “Thật, tôi bảo thật các ông: ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”

Hiển nhiên, “không bao giờ phải chết” mà Chúa Giêsu nói ở đây, không phải giới hạn ở sự sống bất tử của thể lý nơi trần gian này, nhưng ở tầm mức lớn lao hơn, liên quan đến cuộc sống vĩnh cửu, là “sự sống đời đời” của chúng ta.

Sự sống đời đời là gì? Như thánh Gioan đã dạy cho chúng ta, sự sống đời đời là việc chúng ta “nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giêsu Kitô” (Ga 17,3).

Việc nhận biết và tuân giữ lời Thiên Chúa có thể đem lại cho chúng ta được sự sống đời. Nhiều lần Chúa Giêsu cũng đã dạy và nêu gương cho chúng ta như thế: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17), và Tôi biết Người và giữ lời Người” (Ga 8,55). Ngài luôn kết hợp với Chúa Cha cách mật thiết, là một và không tách rời nhau. Chính sự kết hợp không tách rời đó mà Ngài đẹp lòng Chúa Cha.

Nhận biết và giữ lời Chúa Cha, Ngài có sức mạnh và hy vọng, nhờ đó Ngài có thể đối mặt với những khó khăn, những “bóng tối” trong cuộc sống mà không bị những thế lực bóng tối đánh bại: Ngài đã bị hiểu lầm, đã bị chính những người thân, những người Ngài yêu mến chống đối, phản bội và thậm chí ra còn đẩy Ngài vào chỗ chết… Vào những lúc này, Ngài luôn kết hợp mật thiết với Chúa Cha qua lời cầu nguyện, và đón nhận nguồn tình yêu từ Cha của Ngài để tiếp tục sứ vụ và yêu thương.

Tương tự như thế, trong cuộc sống chúng ta, có những lúc chúng ta cũng gặp phải nhiều điều bất hạnh, đau đớn và thậm chí có lúc còn gặp phải những sự vô lý trong cuộc đời, làm chúng ta phải đau khổ, khủng hoảng, nghi ngờ và tuyệt vọng. Nỗi đau đớn của cái chết bên trong (thất vọng, tuyệt vọng, sợ hãi, nghi ngờ…) này, có những lúc, chúng có thể vượt quá nỗi đau của cái chết về thể xác. Đây là lý do tại sao có nhiều người chọn tự tử và chấp nhận cái chết về thể xác như một giải thoát cho nỗi đau trong lòng họ.

Chúa Giêsu đã lấy cả cuộc sống và sinh mạng của mình để nói với chúng ta rằng, để có được sự sống đời đời, khi chúng ta đối diện với cái chết trong tâm hồn, điều chúng ta nên làm không phải là trốn chạy mà là vượt qua; nhưng không phải tự sức mình, mà là dựa vào quyền năng của Thiên Chúa để đón nhận sự sống đời đời từ Ngài.

Như Chúa Giêsu đã nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” (Ga 5,17), Ngài luôn dành tất cả thời gian cho Chúa Cha, vì thế, Ngài luôn nhận “biết Chúa Cha và luôn giữ lời Người” (Ga 8,55). Chính điều này mà Ngài luôn đẹp lòng Chúa Cha, như chính Chúa Cha đã xác nhận: “Đây là Con yêu dấu của ta, Ta hài lòng về Người. Các người hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5).

Vậy chúng ta đã dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để nhận biết Chúa Cha, dành bao nhiêu thời gian mỗi ngày để lắng nghe và đón nhận lời của Ngôi Hai Thiên Chúa, là Chúa Giê-su Ki-tô để nếm trải được sự sống đời đời?

Gần đây chúng ta đã và đang phải đối mặt với những khó khăn hay bóng tối nào?

Trong Mùa Chay thánh này, chúng ta hãy để cho Lời của Thiên Chúa soi chiếu, hướng dẫn tâm hồn và lòng trí chúng ta, nhờ đó chúng ta sẽ đón nhận được sự sống đời đời.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tin rằng, trong mọi sự, lắng nghe và làm theo lời Ngài dạy thì sẽ không bao giờ phải chết, nhưng sẽ được sự sống đời đời. Amen.

 Bình Minh

Tin tưởng và hy vọng nơi Chúa (11.04.2019)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi gặp gỡ, tiếp xúc và nói chuyện với những người Do Thái, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho họ biết về thân thế của Ngài và cách sống của những ai tin nhận Ngài: “Ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Trong khi đó, người Do Thái dựa vào kiến thức cũng như kinh nghiệm sống của mình nên không nhìn nhận thực thể của Chúa: “Ông là ai? Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao?”. Từ đó cho thấy họ dễ dàng tin theo những sự thật trần thế hơn là sự thật của Thiên Chúa.

Con thấy Chúa ở cùng nhân thế

Ngày qua ngày nối kế tiếp nhau

Thời gian vùn vụt qua mau

Chúa luôn hiện diện nặng sâu nghĩa tình

*

Con thấy Chúa quang minh ngời sáng

Mãi còn đây năm tháng bình yên

Có Ngài cuộc sống ấm êm

Lòng con cảm thấy êm đềm sướng vui

 

Là những người đã tin và nhận ra Lời của Chúa chính là Lời Hằng Sống. Sự sống của con người trên trần gian này phải trải qua tôi luyện để dẫn bước vào sự sống vĩnh cửu. Chỉ những ai tin và giữ Lời của Chúa Giêsu dạy, mới hiểu biết về Thiên Chúa, bởi vì Ngài là Đấng từ trời mà đến, Ngài là Đấng duy nhất biết về Chúa Cha và vâng lời Chúa Cha. Khi chúng ta nhìn vào cách sống, cách phục vụ của Ngài chúng ta sẽ nhận ra Thánh ý của Thiên Chúa để chúng ta sống và được sống cùng Ngài.

Con thấy Chúa muôn nơi mọi lúc

Cho lòng con rộn khúc hoan ca

Tình Ngài rộng lớn bao la

Yêu thương nhân thế mãi là không thôi

*

Con thấy Chúa với lời tha thiết

Từng phút giây, Ngài biết đoàn con

Ngày đêm sáng tối sớm hôm

Có Chúa trợ giúp trông nom phù trì

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng và hy vọng nơi Chúa, chỉ có Ngài mới tồn tại vĩnh viễn, bởi vì Ngài là Đấng Hằng Hữu. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi sống niềm tin và hy vọng ấy ngay trong những lựa chọn và hành động của mình để được thuộc Chúa và chung hưởng hạnh phúc cùng với những người thuộc về Nước Hằng Sống của Chúa.

Con thấy Chúa cùng đi cùng bước

Giúp đoàn con nguyện ước cầu mong

Ngài cho thỏa chí toại lòng

Được gần bên Chúa mãi không xa rời

*

Con thấy Chúa sáng ngời tâm trí

Nguyện một lòng, ý chí trung kiên

Theo Ngài luôn mãi triền miên

Để được hạnh phúc bình yên cùng Ngài 

 

Lạy Chúa! Chúng con xin tạ ơn tình thương bao la mà Chúa đã dành cho mỗi người chúng con. Cho dù cuộc đời chúng con còn đầy những lầm lỡ và tội lỗi, nhưng Chúa vẫn trao ban cho chúng con biết bao ơn lành hồn  xác. Xin Chúa cho chúng con biết trân trọng những ân huệ Chúa ban  và khiêm hạ đón nhận trong tâm tình cảm mến tri ân. Amen.

 HOÀI THANH

Sống có mục đích (22.03.2018)

1. Ghi nhớ:

“ Thật tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”

2. Suy niệm:

Một người vô thần nói vời một người giữ đạo Thiên Chúa rằng:

  • Bạn ơi, cuộc đời thật là ngắn ngủi, hãy tận dụng thời gian để mà vui chơi hưởng thụ đi, kẻo rồi khi chết đi lại nuối tiếc!

Người kia trả lời:

  • Tôi cũng sẽ nói với anh như thế này,  đúng là kiếp sông trần gian này chóng qua lắm, thế nên anh cũng như tôi, chúng ta phải biết tận dụng thời giờ để thực hiện sống bác ái yêu thương, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho mọi người, nhất là phải biết tôn thờ Đấng tạo hóa đã dựng nên mình, kẻo rồi khi chết  chúng ta sẽ không ân hận vì đã sống một cuộc đời có ý nghĩa

 

Qua mọi thời đại, nỗi sợ hãi mà mọi người trên thế gian này phải đối mặt, khiếp sợ nhất: Đó là cái chết, thế nhưng cho dầu sợ hãi đến đâu và muốn tránh né nó như thế nào đi nữa thì con người cuối cùng cũng phải đối diện với cái chết mà thôi. Định luật bất di bất dịch đó chính là án phạt sau khi nguyên tổ phạm tội chống lại Thiên Chúa: Sinh, lão, bệnh, tử.

Nhưng chết không phải là hết, mà là bắt đầu cho một cuộc sống vĩnh cửu mai sau.

Theo Kinh Thánh thì sau khi chết sẽ là: phán xét, thiên đàng và hỏa ngục. Người ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Vị thẩm phán Tối Cao về những việc làm khi còn sống trên trần gian, căn cứ vào những việc làm lành thánh, đạo đức hay gian tà, bất lương mà thưởng phạt công minh. Kẻ lành lên thiên đàng hưởng hạnh phúc đời, kẻ dữ sa hỏa ngục và chịu hình phạt muôn đời muôn kiếp.

Bài Tin mừng hôm nay Chúa Giê-su mở ra cho chúng ta một con đường sống; Đó là: muốn được hưởng sự sống muôn đời, thì chúng ta phải tuân giữ lời dạy bảo của Ngài, Mà lời dạy bảo đó chỉ tóm gọm là: “Hãy kính thờ Thiên Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn ngươi, và hãy yêu mến anh em như chính mình ngươi vậy.”

Bởi thế cho nên cuộc sống ở trần gian này phải là một cuộc sống để lập công, đó là thực thi những điều Chúa dạy và như vậy thì chắc chắn mai sau chúng ta sẽ được sống mãi cùng Chúa trên thiên đàng vinh phúc.

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành để cuộc đời trần gian này của chúng con sẽ trở nên có mục đích và ý nghĩa, hầu sau này đáng được hưởng hạnh phúc Nước Trời mà Chúa đã hứa ban cho những kẻ tuân giữ lời Ngài. Amen.

4. Sống lời Chúa.

Mỗi ngày đọc hoặc nghe một đoạn Kinh Thánh, ghi nhớ và đem ra thực hành.

Đaminh Trần văn Chính.

Thiên Chúa – con người (06.04.2017)

Tin Mừng hôm nay tiếp tục diễn từ của Đức Giêsu để làm chứng về Người. Người Do Thái đang cứng lòng không tin Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai, lại nghe Người khẳng định rằng ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết, nên họ thấy chướng tai mà nói xúc phạm đến Người rằng: “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Apraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại nói: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”. (Ga 8,52). Là con người, lúc này họ chỉ hiểu chết là tắt hơi thở, là chấm dứt cuộc đời. Nhưng “chết” ở đây là Người nói đến sự chết phần linh hồn, sẽ phải lạc xa mất Chúa nếu không tuân giữ lời Người.

Họ hiểu là chết về thể xác nên không chịu. Cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người Do Thái cứ mãi khác biệt giữa đường lối của Thiên Chúa và cái nhìn của trần gian nên họ không đồng cảm, không chấp nhận và càng chống đối Người. Tin và sống trong sự thật nơi Đức Giêsu là sống trong ân sủng, trong tình nghĩa với Thiên Chúa: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống.” (Ga 14,6).

Các ông không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người” (Ga 8,55). Người tiếp tục quả quyết, minh chứng cho họ thấy rõ Người chính là Đấng được Cha sai đến. “Biết” theo cách của Đức Giêsu là Người từ Cha, được Cha sai đến và tuân giữ lời Ngài bằng việc thi hành trọn vẹn Thánh Ý. Theo cái nhìn ấy, hôm nay tôi đã thực sự “biết” Người chưa? Tôi có sống gắn bó với Người, giữ lời Người như một người con ngoan trong vòng tay Cha?

Cuộc đối thoại càng trở nên gay gắt, thái độ chống đối của họ càng dâng cao. Họ cho rằng Người xúc phạm khi nói Tổ phụ Apraham xưa kia từng hớn hở, hy vọng được thấy ngày của Người. Đứng trước Đấng “bởi Thiên Chúa mà đến”, nhưng họ mù tịt không thể nhận ra, nên càng nghe Đức Giêsu nói, họ càng tự ái lên giọng: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Apraham! Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có ông Apraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!” (Ga 8,57-58).

Phía con người họ không nhận ra Người là Thiên Chúa. Nhưng Đức Giêsu vẫn là Thiên Chúa như Người là, và nói toàn những lời của một vị Thiên Chúa, nên cuộc đối thoại càng gay gắt bởi sự chống đối dâng cao, đến độ đưa đến cái kết thật buồn trong Tin Mừng hôm nay là họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Người lánh họ và ra khỏi Đền Thờ.

Lạy Chúa! Cho đến hôm nay chúng con cũng là con cháu tổ phụ Apraham và cũng được hạnh phúc là con Chúa, là những người con tin vào Cha của mình. Dù là con người hèn mọn, nhưng chúng con tin Chúa là Thiên Chúa đã đến cứu độ và ở với chúng con mãi đến tận thế. Chẳng có vị thần nào lại ở gần, ở với chúng con như Chúa thật của chúng con. Xin cho chúng con luôn cảm nhận niềm hạnh phúc này, để sống như những người con ngoan hiền luôn biết sống trong Lời Cha. Amen.

Én Nhỏ

Tuân giữ và thực hành Lời Chúa (18.03.2016)

1- Ghi nhớ:

“Thật! Tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ Lời Tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”. (Ga 8, 51)

2- Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người Do Thái. Chính Đức Giêsu đã mặc khải về thân thế của Người, Người là con Thiên Chúa. Điều này dường như gặp phải sự phản kháng của người Do Thái, bởi họ còn có những quan niệm hẹp hòi, ích kỷ nên họ không chấp nhận về thân thế của Người. Khi Đức Giêsu giảng giải về Nước Trời thì họ đóng kín con mắt đức tin không chịu nghe theo những giáo huấn của Người. Chính vì thế nên Đức Giêsu đã nói: “Ai tuân giữ Lời Tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết”. Họ còn cho Người là bị quỷ ám. Thực ra Đức Giêsu muốn cho mọi người biết những ai đặt niềm tin vào Chúa và chấp nhận Chúa bằng cách tuân giữ Lời Chúa thì được sự sống vĩnh cửu, đó chính là sự sống của Thiên Chúa.

Niềm tin của người Kitô hữu đó là: Phép Rửa làm cho chúng ta được tháp nhập vào thân thể của Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Đấng đã toàn thắng sự chết và không bao giờ chết nữa. Như thế, người Kitô hữu cũng sống bằng chính sự sống của Đức Giêsu, sự sống muôn đời. Cuộc sống của chúng ta hôm nay chỉ là tam thời để chuẩn bị cho cuộc sống trường sinh mai sau trên Thiên Quốc.

Như vậy, “viên thuốc trường sinh bất tử” mà người Kitô hữu chúng ta cần uống đó là sống và thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta hãy đón nhận Lời Chúa bằng tinh thần nhiệt thành và thái độ khiêm tốn. Chúa vẫn đang hướng dẫn chúng ta qua những người có trách nhiệm như các vị chủ chăn, những người đạo đức. Chúng ta hãy vâng lời và thực thi những gì mà các vị đó hướng dẫn, dạy bảo.

3- Cầu nguyện :

Lạy Chúa! Lời Chúa chính là sức mạnh giúp chúng con vượt qua và chiến thắng những cám dỗ trong cuộc sống hằng ngày. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, giúp chúng con biết trung thành phụng sự Chúa, để chúng con cùng được hưởng vinh phúc trong Nước Chúa đến muôn thuở muôn đời. Amen. 

4- Sống Lời Chúa :

Tuân giữ Lời Chúa chính là thực hành và sống theo Tin Mừng của Người trong cuộc sống, để làm cho cuộc sống mỗi ngày thêm đạo đức tốt đẹp hơn

Sẽ không bao giờ phải chết

“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)

Suy niệm: Đây không phải là lần duy nhất Đức Giê-su cho biết khả năng “không bao giờ phải chết” của những ai tin vào Người, tuân giữ lời Người (x. Ga 11,26). Đã không bắt được ý nghĩa “tự do/nô lệ” trong phần trước của diễn từ này, những người Do-thái tiếp tục bắt hụt ý nghĩa của “sống/chết” mà Đức Giê-su muốn vén mở. Và một lần nữa, chính não trạng tự mãn và ỷ lại đã giam hãm họ trong ngục tù u minh: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là ông bị quỉ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết… Ông tự coi mình là ai?” Họ không thấy được ý nghĩa “chết” nào khác hơn là cái chết thể lý ở cuối đường đời của mỗi người – và vì thế cũng chẳng ý niệm được gì về sự sống tâm linh, về đời sống vĩnh cửu…

Mời Bạn: Hãy để cho sứ điệp Lời Chúa thấm nhập vào đáy lòng bạn: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không bao giờ phải chết.” Không bao giờ phải chết! Nghĩa là từ sống đi đến… sống. Chỉ có một sự sống, nhưng đổi trạng thái, đổi cấp độ mà thôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi trào lưu vô thần thực tiễn, chỉ lo tranh thủ cho cuộc sống đời này; hoặc cũng có thể bị cám dỗ bởi một lối đạo đức lệch lạc, có tính thụ động, yếm thế, chỉ bận tâm đến cuộc sống sau cái chết đến nỗi chẳng thực sự sống trước cái chết gì cả!

Chia sẻ: Nền văn hoá sự chết đang gây những tác hại nào cho sự sống đời đời?

Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn làm một việc cụ thể để “tuân giữ Lời Chúa”, để “không bao giờ phải chết”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời Chúa là sự sống của con. Xin cho con biết chuyên cần lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *