Hãy đi rao giảng và chữa lành (03.10.2024 – Thứ Năm Tuần XXVI Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Nkm 8,1-4a.5-6.7b-12 (năm lẻ), Lc 10,1-12

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

1 Khi ấy, Chúa Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. 2 Người bảo các ông :

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về. 3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. 4 Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường. 5 Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói : ‘Bình an cho nhà này !’ 6 Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy ; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em. 7 Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. 8 Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ : ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’ 10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói : 11 ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này : Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.’ 12 Thầy nói cho anh em hay : trong ngày ấy, thành Xơ-đôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

 

Hãy đi rao giảng và chữa lành (03.10.2024)

“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.”

Trình thuật của thánh Luca hôm nay nói về việc Chúa Giêsu sai bảy mươi hai môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi mang tính “thực tập” trước biến cố phục sinh, mục đích để các ông chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau phục sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,18-20)

Hai lần sai đi này – trước và sau Phục Sinh – rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ nhất thì người ta dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng những môn đệ của Chúa Giêsu “rảnh rỗi sinh nông nổi”, tự thành lập cộng đoàn Giáo Hội do sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu. Đây cũng là ý kiến được ông Ga-ma-li-ên người Pharisêu đề cập trước Thượng Hội Đồng khi các Tông Đồ bị bắt giữ (Cv 5,34-39). Và ngược lại, nếu có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai thì người ta cũng dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa, cho rằng Chúa Giêsu đã thất bại trong công cuộc của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các tác giả sách Tin Mừng đã ghi lại cho chúng ta những lần sai đi này, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu. Vượt qua giới hạn của thời gian, Chúa đã kêu gọi, huấn luyện và sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian nhờ những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.

Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa và do ý Chúa muốn, chứ không do ý riêng của con người. Hơn nữa, trong Tin Mừng thánh Luca mô tả sứ mệnh của các môn đệ được sai đi bằng hai cụm từ “rao giảng” và “chữa lành bệnh tật”, chúng ta thấy rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn con người cả xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau.

Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những môn đệ của Chúa vẫn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sai sót lỗi lầm nhưng những môn đệ chân thật của Chúa vẫn khiêm nhường, không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và quyết tâm thực hiện việc tốt đẹp hơn trong tương lai.

Lạy Chúa, xin thương ban cho chúng con dồi dào ân sủng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho chúng con trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi. Amen.

Joston

Ra đi loan báo tin mừng (05.10.2023)

“Bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy.”

Để loan báo Tin Mừng Cứu Độ đến cho muôn dân, Chúa Giêsu cần đến chúng ta trong việc truyền giáo, cũng giống như Chúa đã cần đến các môn đệ cộng tác cùng với Người mà chúng ta nghe đọc trong Phúc Âm hôm nay.

Chúa sai các ông ra đi từng hai người một cho việc loan báo Tin Mừng. Con số bảy mươi hai là con số lớn lao, cho thấy viễn kiến về một cánh đồng bao la cần tới những thợ gặt lành nghề là chính các môn đệ. Cánh đồng ấy ngày hôm nay vẫn còn tiếp tục được mở rộng, tuy nhiên số người ra đi làm thợ gặt vẫn ít ỏi trước một nhu cầu quá rộng lớn. Xã hội cần Tin Mừng, thế giới cần Phúc Âm hoá, cả Giáo Hội kỳ cựu cũng cần được tái truyền giảng Tin Mừng.

Nhưng người môn đệ lại không được trang bị nhiều: không túi tiền, không bao bị, không giày dép, dù đó là những điều bình thường thiết yếu cho một cuộc hành trình. Chính vì thế họ buộc lòng phải cậy dựa vào người khác. Mà không phải ai cũng có lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận. Như thế là chấp nhận sự bấp bênh, liên tục cậy dựa vào sự quan phòng của Thiên Chúa.

Nhà của các tín hữu là nơi hoạt động của người môn đệ. Căn nhà là nơi các môn đệ được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn. Họ sống gần gũi như người trong nhà, như người thợ làm việc. Nếp sống giản dị và siêu thoát của họ phải được bày tỏ qua việc chấp nhận mọi đồ ăn thức uống người ta dọn cho, cũng như việc không đi tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn. Ngoài ra các thành phố cũng là điểm đến của họ. Nhưng dù là vào một căn nhà hay vào một thành phố, thái độ của người môn đệ đều rất tích cực và thân thiện. Họ chúc bình an, chữa bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần. Họ cũng khiêm tốn chấp nhận bị từ chối, khi ơn bình an không được đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.

Những lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày xưa đến bây giờ vẫn còn giá trị, chúng ta vẫn tiếp tục được sai đến tận cùng nơi chân trời góc bể. Có biết bao người cần được chữa lành về thân xác, tinh thần, với những thứ bệnh mới của thời đại được coi là văn minh. Có bao người cần được nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.

Giữa nhiều nhiệm vụ cấp thiết mà ngày nay Giáo Hội phải đối diện, có lẽ truyền giáo vẫn là nhiệm vụ căn bản. Tuy gặp nhiều khó khăn trong việc loan báo Tin Mừng đến cho mọi môi trường, nhưng nhiệm vụ ấy vẫn không ngừng được lời Chúa khơi dậy và nhiều người đáp lại hầu trở thành thợ gặt trong cánh đồng truyền giáo. Đâu đó vẫn có người ra đi, dù âm thầm và dù mỗi ngày nhiều khi phải trả giá bằng những hy sinh, có khi bằng cả mạng sống. Hội Thánh vẫn thực hiện lời thỉnh cầu của Chúa Giêsu, xin Chúa Cha sai những thợ gặt lành nghề đến; và quả thực có như vậy.

Mệnh lệnh của Chúa Giêsu ‘Hãy đi loan báo Tin Mừng’ vẫn mang giá trị trường tồn và mang tính cấp bách. Với tình trạng hiện nay của thế giới, đòi hỏi tuyệt đối phải thực thi mệnh lệnh của Chúa một cách khẩn trương và quảng đại hơn. Một người môn đệ đích thực của Chúa Kitô, dù là già hay trẻ, không có quyền từ chối nhiệm vụ mà Chúa đã trao phó này: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).

Lạy Chúa, xin Chúa khởi động lại nơi chúng con tinh thần truyền giáo mà Chúa đã khơi lên nơi các môn đệ xưa, để chúng con sẵn sàng trở thành những người thực sự có Chúa và mang Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Amen.

Joston

Dự phần loan báo Tin Mừng (30.09.2021)

Ngày 30.09: Lễ Nhớ Thánh Giê-rô-ni-mô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh

 

Trong căn phòng nhỏ, thoáng mát có khoảng mười bé chưa đến một tuổi, tất cả đều chung hoàn cảnh là bị bỏ rơi và các souer nhặt về nuôi, các bé thật dễ thương và vui mừng khi được ai đó bồng trên tay. Ở lứa tuổi này các bé rất cần sự ôm ấp, vỗ về của người mẹ nên khi chúng tôi đến là mỗi anh chị đều bế một bé như thói quen của người thân gửi gấm một chút tình thương ấm áp. Nơi ấy là mái ấm tình thương ở Lagi Bình Thuận do các souer Dòng Mến Thánh Giá quản lý, Cha giáo Vinh Sơn đặc trách Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh TGP SG và nhóm học tập Docat đến thăm trong chuyến tĩnh tâm ở Bình Thuận. Bài giảng về đề tài “NHÂN VỊ TRONG ĐẠO ĐỨC SINH HỌC” rất sống động với nội dung:“Thiên Chúa, chủ của sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo vệ sự sống theo cách xứng hợp với con người.….” Công đồng Vaticanô II, GS 51.

Cách đây 2000 năm Chúa Giê-su đã từng sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, hôm nay trong sứ điệp Tin Mừng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”.. Giáo Hội vẫn tiếp tục sứ vụ loan báo Nước Chúa, nhiều giáo điểm mới được hình thành trong những năm qua theo kế hoạch phát triển của Giáo Hội Việt Nam, sự nổ lực không ngừng của các nhà Dòng, tu viện và giáo xứ tại các giáo phận. Có phải chỉ có các linh mục, tu sĩ mới gánh trách nhiệm truyền giáo, còn giáo dân chúng ta có bổn phận nào trong công cuộc truyền giáo? Nơi chúng ta đang sinh sống, có phải mọi người xung quanh đều được giới thiệu về một Chúa uy quyền và nhân từ, đang mở rộng vòng tay chờ đón?

Ngày nay việc loan báo Tin Mừng vẫn có những khó khăn nhất định, làm sao để được sự tiếp nhận của mọi người, không thể bằng lời giảng suông, xin Chúa soi sáng để chúng con biết phải làm gì? Thánh Ambrôsiô chia sẻ: “ Xem việc làm dễ tin phục hơn là lời răn dạy nghe ở ngoài tai”, trong gian giãn cách vì dịch bệnh Sar Covid-19, tại các giáo xứ bằng nhiều hình thức cứu trợ cho những hộ nghèo không phân biệt tôn giáo, là cách tiếp cận và cũng như giới thiệu hoạt động cộng đoàn dân Chúa. Ở khu nhà tôi, khi không thể đến nhà nhau, chúng tôi vẫn thường gửi trên group Zalo của tổ dân phố, lời chúc bình an trong Chúa, xin Chúa chúc lành, cùng cầu nguyện cho mọi người, mỗi khi biết tin gia đình ai đó có chuyện không vui, dù không cùng tôn giáo, mọi người cũng nhắn tin, cùng an ủi, cùng động viên nhau, cầu mong cho đại dịch chóng qua để cuộc sống được bình an trở lại.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến và làm vinh danh Chúa trong  phục vụ mọi người, theo kinh nghiệm của thánh Augustinô: “Bạn đừng làm điều lành để được vinh danh, nhưng hãy làm vì vinh quang của Đấng cho bạn  làm tốt điều đó”.  

Anna Anh

Để truyền giáo hữu hiệu (03.10.2019)

Vào lúc 6 giờ chiều thứ Hai, ngày 1/10 vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự giờ Kinh Chiều trọng thể tại đền thờ thánh Phêrô để khai mạc Tháng Truyền giáo đặc biệt. Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi Giáo Hội hoàn vũ, cầu nguyện và dấn thân cho việc truyền giáo.

Với chủ đề của Sứ điệp Truyền giáo năm nay – Được rửa tội và được sai đi – Người tín hữu Chúa Kitô tham gia sứ mạng loan báo Tin Mừng”, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu ý thức mình đã được Rửa Tội thì cũng được mời gọi ra đi loan báo Tin Mừng, theo lệnh truyền của Chúa Giê-su:“Các con hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loại thọ tạo” (Mc 16,15).

Trong sứ vụ truyền giáo, Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói: “Cha muốn mọi người ra đi! Cha muốn Giáo Hội ra ngoài đường phố! Cha muốn chúng ta tự bảo vệ chống lại những gì là thế gian, là định lập, là thoải mái, là giáo sĩ trị, là khép kín vào chính mình…”

Tin Mừng hôm nay cũng cho chúng ta thấy sự khẩn thiết trong việc ra đi truyền giáo, khi Đức Giê-su chỉ định bảy mươi hai môn đệ ra đi loan báo Tin Mừng. Ngài cho chúng ta biết lí do: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”

Khi sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng, điều đầu tiên Chúa muốn nơi họ là lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Bảy mươi hai môn đệ được sai đi tay không: không túi tiền, bao bị, giày dép. Chúa cũng không ra lệnh cho họ đến các hội đường hay các ngã ba đường để rao giảng, nhưng là đến từng nhà và hội nhập vào đó, hiện diện như một phần tử trong gia đình, ăn những gì người ta dọn cho. Nhờ đó, Tin mừng sẽ được đón nhận dễ dàng hơn, bởi vì Tin Mừng không còn là sức mạnh áp đặt từ bên ngoài, mà là một sức sống từ người rao giảng truyền sang những người khác và đâm rễ sâu trong lòng họ.

Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã từng dạy “Con người ngày nay họ cần chứng nhân hơn thầy dạy, và nếu họ tin vào lời thầy dạy thì chính thầy dạy đó là chứng nhân.” Trong thời đại hôm nay, việc loan báo Tin Mừng là một thách đố lớn đối với chúng ta, bởi đòi buộc chúng ta phải trở thành những chứng nhân đích thực của Tin Mừng, như Chúa đã dạy “hãy đi vào từng nhà và ở cùng và ăn uống với họ.

Quả thế, trong mỗi thời đại việc rao giảng Tin Mừng đều có những thách đố khác nhau. Nhưng trong một thời đại mà công nghệ phát triển như hôm nay, việc loan báo Tin Mừng lại đòi hỏi nhiều hơn nữa nơi người rao giảng. Đặc biệt, chính chúng ta phải là nhân chứng cho những lời minh nói, phải phản chiếu được hình bóng của Đức Kitô, Đấng mà chúng ta loan truyền. Vì thế, người loan báo Tin Mừng trước hết, phải là mẫu mực như Thầy Chí Thánh của mình.

Ước gì chúng ta luôn ý thức sứ mạng rao giảng đó, không những bằng lời nói, mà nhất là bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ. Amen.

 

Bình Minh

Được sai đi loan báo Tin Mừng (05.10.2017)

 

“Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10, 1-2).

Đức Giêsu chỉ định và sai đi các ông đi trước, vào “những nơi mà chính Người sẽ đến”. Chi tiết này chứng tỏ Người sẽ ở đó mà đồng hành với các ông dù đó là nơi nao. Con số bảy mươi hai diễn tả tầm rộng lớn của nhóm truyền giáo, tương ứng với danh sách bảy mươi hai dân tộc trên mặt đất (St 10,2-31). Không phải là tình cờ mà Người sai các ông cứ từng hai người một, bởi vì mọi lời nói phải căn cứ theo hai hoặc ba nhân chứng trong trường hợp có tranh chấp (Đnl 19,15).

Người chỉ thị cho các ông: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”.  Đây là những thứ cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Làm thợ thì đáng lĩnh công, lo lắng quá nhiều về phương tiện sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng. Chúa coi nghèo khó và thanh thoát là nét chính yếu của người  tông đồ. “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”. Người chỉ muốn cho các ông biết tính khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng, không đắn đo, trò chuyện dọc đường sẽ mất thời gian, khó hoàn thành sứ vụ quan trọng này. Người môn đệ cũng “đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn, nhưng phải tín thác hoàn toàn vào sự quan phòng của Chúa.

Từ khi được lãnh Bí tích Rửa tội, mỗi tín hữu chúng ta cũng được Chúa Kitô mời gọi thi hành một sứ vụ. Chúa sai tôi đi vào ngay chỗ tôi đang đứng, trong hoàn cảnh địa vị mỗi người. Tôi làm mọi việc theo khả năng, chức vụ, bổn phận cùng với lòng nhiệt thành của mình. Có khi chỉ đơn giản như ngồi đó tĩnh lặng mà suy niệm, gõ vào máy tính rồi gửi email, post lên facebook…  là Tin Mừng được “thổi loa” khắp nơi, góp phần cho “Lời” được vang xa. Người tông đồ được sai đi, dọn đường mở lối cho Chúa, đem Chúa đến cho người mình gặp gỡ. Không thể cho ai điều mình không có, cho nên lòng tôi phải có Chúa đầy tràn, lúc đó tôi mới có thể từ từ đem Chúa cho người khác bằng lời, bằng hành động và chính cuộc sống của tôi.

Chúng con sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng, vì giá trị này đi ngược lại với những giá trị của thế gian. Nhưng với niềm phó thác, có Chúa cùng đi với con trên mọi nẻo đường, con sẽ gặt mùa vàng.

Lạy Chúa! Xin cho con biết nhìn lại và ý thức hơn nhiệm vụ cao cả Chúa trao, mà đáp lời mời gọi của Chúa. Xin giúp con hăng hái nhiệt thành ra đi loan báo, đem Chúa đến cho mọi người, ở mọi nơi, trong mọi lúc bằng mọi phương tiện Chúa cho và bằng chính cuộc sống hằng ngày của con.

Én Nhỏ

Loan báo Nước Thiên Chúa dù không thuận tiện

“Vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra trước quảng trường mà nói: Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin trả lại. Tuy nhiên, các ông phải biết điều này: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 10,10-11)

Suy niệm: Một cuộc đánh bom tự sát tại một nhà thờ Anh Giáo ở Peshawa, Pakistan đã khiến trên 80 tín hữu bị chết khi họ vừa ra khỏi nhà thờ sau khi dự lễ Chúa Nhật 22/09 vừa qua. Lý do “đơn giản” là, đại diện nhóm Taliban tổ chức cuộc tấn công đó tuyên bố, vì sự thù địch với Kitô giáo, họ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi không còn người ngoài Hồi giáo nào trên đất Pakistan. Các Kitô hữu vẫn tiếp tục bị thù ghét dưới nhiều hình thức: từ việc bị bách hại, bị xua đuổi “từ thành này sang thành khác” (x. Mt 10,23) đến việc người ta bịt tai trước lời rao giảng. Chúa Giêsu dạy chúng ta phản ứng lại một cách nhẹ nhàng là “phủi bụi chân lại” nhưng vẫn phải kiên quyết loan báo Tin Mừng mà không sợ hãi rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần.”

Mời Bạn: Nhiều kitô hữu “ngại” nói đến hai tiếng “truyền giáo” hoặc cho rằng việc truyền giáo ngày nay là không phù hợp. Bạn nhớ, bản chất của Giáo hội là truyền giáo (AG 2). Thánh Phaolô cũng đã khuyên Timothê “hãy rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như không thuận tiện” (2Tm 4,2).

Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và làm một việc bác ái cho một bạn lương dân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho các Kitô hữu đang bị bách hại được ơn sức mạnh để tiếp tục loan báo Tin Mừng Tình Yêu Chúa; xin cũng cho những ai đang bách hại đạo Chúa, được ơn hoán cải và nhận biết Chúa là Tình Yêu.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *