Giới luật yêu thương (08.03.2024 – Thứ Sáu Tuần III Mùa Chay)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

 Lời Chúa: Hs 14,2-10, Mc 12,28b-34

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mc 12,28b-34)

28b Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng : “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu ?” 29 Đức Giê-su trả lời : “Điều răn đứng hàng đầu là : Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. 30 Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. 31 Điều răn thứ hai là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” 32 Ông kinh sư nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. 33 Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” 34 Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo : “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Giới luật yêu thương (08.03.2024)

Người Do Thái phân luật thành 612 điều khoản khác nhau: có 248 điều phải thi hành và 365 điều cấm (Cha Micae Phàm Quang Hồng còn nói rõ thêm: 248 là tổng số các xương trong cơ thể con người theo quan niệm thời đó, còn 365 thì ai cũng biết, đó là số ngày trong năm). Vì con số những giới luật quá nhiều, nên họ không thể xác định được đâu là điều chính yếu và quan trọng nhất. Ðức Giêsu đã cho họ câu trả lời thật chính đáng và đồng thời chứng tỏ Ngài là Chúa của Lề Luật. Ngài tuyên bố: tất cả các giới luật đều qui về hai điều chính: mến Chúa – yêu người.

Chúa Giêsu kết hợp hai điều răn trong Cựu Ước: Thứ nhất: Điều răn yêu mến Thiên Chúa được lấy trong sách Đệ Nhị Luật: “Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi với tất cả lòng dạ của ngươi, với tất cả linh hồn của ngươi và với tất cả sức lực của ngươi”. Thứ hai: Điều răn yêu thương người thân cận được lấy trong sách Lêvi: “Ngươi yêu thương người thân cận của ngươi như chính ngươi”. Điều mới lạ mà Đức Giêsu làm, là ghép chung hai giới răn này lại với nhau. Từ trước cho đến thời Đức Giêsu chưa có ai nhập chung hai giới răn ấy thành một. Yêu Chúa và yêu tha nhân, hai tình yêu ấy như hai anh em sinh đôi dính liền nhau. Khi tìm được người này, chúng ta sẽ gặp được người kia. Và khi không tìm được người này, chúng ta cũng chẳng thể gặp được người kia…

Cha Giacôbê Phạm Văn Phượng còn giải thích rõ hơn: “Nhưng cần phải phân biệt rõ hai giới răn này. Người ta thường có khuynh hướng hợp nhất hai giới răn này làm một, như thể “yêu Thiên Chúa là đủ” hay “yêu thương anh em” cũng đủ. Giới răn thứ hai không thể thay thế cho giới răn thứ nhất được. Hai giới răn này chỉ là hợp nhất và song hành thôi, chứ giới răn thứ hai không đồng nhất với giới răn thứ nhất được.

Nếu so sánh tình yêu đối với Chúa và anh em thì có nhiều người tưởng rằng yêu mến Thiên Chúa dễ hơn yêu thương anh em. Bởi vì theo họ, anh em là những con người đầy giới hạn, đầy khuyết điểm, trờ trờ trước mắt, nên dễ làm cho chúng ta khó chịu. Còn Thiên Chúa là Đấng hoàn toàn tốt lành, chẳng có gì không đáng yêu. Thiên Chúa ở xa không đụng chạm, còn anh em ở gần thì đụng chạm hoài. Thiên Chúa dễ để cho mình “hối lộ”, cứ dâng lễ, cầu kinh rồi Ngài xí xoá mọi chuyện.

Cũng không phải yêu anh em dễ hơn yêu Chúa, nhưng yêu thương anh em là việc cụ thể nhất mà Thiên Chúa chờ đợi ở nơi chúng ta. Yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ lời Ngài. Không yêu thương anh em là không giữ lời Thiên Chúa, tức là không yêu mến Thiên Chúa. Rút cục, hai điều khó như nhau, vì không thể thiếu một trong hai, không thể tách rời để chỉ giữ một trong hai .”

Có một câu châm ngôn rất phổ biến diễn tả chân lý ấy thật sống động như sau:

Nơi nào không có tình yêu, ta hãy gieo tình yêu và ta sẽ gặt được tình yêu,
Nơi nào không có tình yêu, ta hãy đặt tình yêu vào đấy và ta sẽ tìm thấy tình yêu.
Tôi đi tìm Chúa nhưng tôi không gặp được Ngài,
Tôi đi tìm linh hồn tôi nhưng linh hồn trốn né tôi,
Tôi đi tìm người láng giềng, và tôi gặp được cả ba.

Có một thiếu nữ đã tìm tới Ấn Độ xin gia nhập Dòng Thừa sai Bác ái của mẹ Têrêxa. Dòng có một quy định là ai mới đến đều được mời sang Nhà Hấp hối để săn sóc những kẻ sắp qua đời. Vì thế, mẹ Têrêxa đã nói với thiếu nữ : “Con từng nhìn linh mục dâng thánh lễ, từng thấy ngài cầm Thánh Thể trong tay cách cung kính và mến yêu chừng nào. Con cũng hãy đi và làm như thế nơi Nhà Hấp hối, bởi vì con sẽ gặp được Chúa Giê-su trong thân xác những người anh em khốn khổ”. Thiếu nữ ra đi. Vài giờ sau cô trở lại với một nụ cười rạng rỡ mà mẹ Têrêxa có lẽ chưa bao giờ trông thấy. Cô vui vẻ nói với mẹ : “Thưa mẹ, con đã sờ được thân thể Chúa Ki-tô suốt ba tiếng đồng hồ !” Mẹ mới hỏi cho biết sự thể đã diễn ra như thế nào. Cô đáp : “Con vừa tới Nhà Hấp hối thì thấy người ta mang tới một cụ già vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy ông đầy những thương tích và bùn nhơ hôi hám. Con đã tắm rửa cho ông thật sạch sẽ và băng bó vết thương cho ông. Con biết rằng làm như thế là con đã chạm đến thân thể Chúa”.

Chính Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã dạy các nữ tu thực hành việc yêu thương tha nhân cụ thể như sau:

– Hãy bắt đầu yêu thương các người thân trong gia đình: “Tôi luôn luôn nói rằng, tình yêu phải khởi sự từ gia đình trước đã, rồi sau đó mới đến thành phố hay đô thị. Yêu thương những người ở xa chúng ta thì dễ, nhưng yêu thương những người sống với chúng ta hay ở ngay bên cạnh chúng ta thì lại không dễ chút nào.”

– Đừng xét đoán hay nói xấu tha nhân: “Nếu bạn xét đoán, bạn sẽ không còn giờ để yêu họ”.

– Hãy quảng đại cho đi: “Bạn phải cho đi những gì làm bạn bị thiệt thòi. Như thế, không chỉ cho đi những gì dư thừa, nhưng cho cả những gì bạn không thể sống nếu không có nó, những gì bạn thật sự yêu thích. Như thế, món quà của bạn trở thành lễ hy sinh, có giá trị trước mặt Chúa”.

Trong huynh đoàn Nam Thái của chúng em thường vẫn đọc kinh Phục vụ trong yêu thương như sau:

PHỤC VỤ TRONG YÊU THƯƠNG:

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn sống phục vụ trong yêu thương:

Nơi cộng đoàn, biết tâm đầu ý hợp.

Trong gia đình, biết mặn mà dễ thương.

Ngoài xã hội, biết đối xử tốt và thương xót.

Với mọi người, biết nhân nhượng và tôn kính nhau.

Khi làm việc, biết siêng năng và tận tình.

Trong mọi sự, biết tha thứ, chịu đựng và tin tưởng.

Ở mọi nơi, luôn chiếu tỏa lòng Chúa hiền hậu và khiêm nhường.

Trước cám dỗ, luôn chiến đấu để bền đỗ trong ơn thánh.

Nhờ đó, chúng con trở nên tông đồ được Chúa sai đi,

Mà làm chứng về Chúa cho mọi người. AMEN.

Lạy Chúa, Chúa dạy việc sống yêu thương cần phải là mối bận tâm nhất của một người muốn hoàn thiện mình và muốn được gần Chúa hơn. Tình yêu đối với Chúa thế nào thì lòng thương mến anh chị em cũng như vậy, nó hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh. Cho nên sẽ thâti là thiếu sót nếu con nói con yêu mến Chúa mà lại từ chối thương mến người xung quanh mình, vì họ cũng là con cái của Chúa, cùng được mời gọi hưởng hạnh phúc nước Trời như chúng con. Amen

Têrêsa Trịnh Thị Hảo

Thiên Đàng nơi trần thế (17.03.2023)

Khi đi học, ai cũng đều biết đến những vụ đánh nhau trong lớp. Bạn đánh tôi thì tôi đánh lại bạn, mà đánh không lại thì phải kêu thêm anh lớn đi theo. Bạn thấy đánh không lại anh lớn kia, bạn kêu cả một nhóm các anh đến để “xử lí”, tôi thấy thế liền bảo nhóm anh tôi hãy mang theo gậy thì mới thắng được. Nhóm kia thấy thế liền mang theo dao để phòng thân.

Một ví dụ ngắn thôi, nhưng cho ta thấy rằng: Hận thù nếu không được hòa giải bởi một trong hai bên thì sẽ càng ngày càng dẫn đến hận thù không thể xóa nhòa. Muốn bình an với nhau thì chỉ có tình yêu thương và tôn trọng lẫn nhau.

Hai điều răn trọng nhất là “mến Chúa” và “yêu người” luôn luôn đi chung với nhau. Vì nếu anh em của ta là người mà mắt thấy, tai nghe, có thể ôm ấp, đụng chạm mà không thể yêu thương được nữa thì sao có thể nghĩ đến việc yêu một Đấng vô hình, không lời nói, không đụng chạm? Mà muốn có lòng yêu mến anh em mình như Chúa Giêsu đã dạy thì quan trọng nhất cần phải có đức tính khiêm nhường.

Khiêm nhường rất khó, hầu như chúng ta phải chịu thiệt về bản thân mình. Yêu thương là sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của người khác và nhẫn nhịn những xúc phạm đến với mình. Chính Chúa Giêsu trên cây thập giá khi bị sỉ nhục còn xin tha tội cho họ vì họ không biết. Nào chẳng lẽ chúng ta lại cao sang hơn Chúa hay sao mà lại chấp tội người khác? Phải chăng ta muốn thay Chúa để xét xử nhân loại?

Xin Chúa Thánh Thần ngự xuống trên chúng con, và đốt lên ngọn lửa yêu mến trong tim chúng con. Để nhờ đó, con đạo đức hơn, cậy trông Chúa hơn và siêng năng đến với Người nơi Bí Tích Thánh Thể.

Xin cũng sưởi ấm trái tim băng giá thiếu tình người của chúng con, để rực cháy lên trong lòng chúng con tình yêu tha thiết với anh em xung quanh con. Tình yêu dành cho người nghèo, người khó khăn. Tình yêu dành cho những người cay nghiệt, khó ưa. Tình yêu dành cho tất cả mọi người. Vì thật nếu được như thế, Nước Trời không còn cách chúng con bao xa nữa. Chúng con đã thật được sống trong tình huynh đệ của Thiên Đàng.

Ngọn cỏ ven đường.

Yêu người thân cận như chính mình (12.03.2021)

Tin Mừng hôm nay, qua những người kinh sư, Chúa Giêsu khẳng định cho dân Do Thái nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung một điều luật quan trọng nhất phải tuân giữ đó là: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi… Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Trong mấy trăm điều luật, Chúa Giêsu đã chỉ cho họ rõ điều luật cao trọng trên hết đó  là bổn phận của con người với Thiên Chúa và với tha nhân.

– Đối với Thiên Chúa: Người là “Đấng tạo hóa quyền phép, toàn năng, tạo dựng muôn loài”. Người lại là Cha yêu thương. Thiên Chúa là nguồn sự sống cho muôn loài, muôn vật được sống và tôn tại. Không có Người một giây một phút là mọi sự sẽ  biến ra hư không. Vì vậy “phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” thì quả là chính đáng, công bình và hữu ích cho mọi người chúng con. Vậy mà nhân loại hôm nay vẫn còn biết bao con người chưa nhận ra Đấng quyền phép cao trọng nhân từ ấy.

– Đối với tha nhân: Một khoản luật thứ hai mà Tin Mừng Mt 22,39-40 quả quyết: “Điều răn thứ hai cũng giống điều răn ấy, là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy”. Người “thân cận” của ta là ai? là tất cả mọi người trên mặt đất này ta gặp gỡ không phân biệt mầu da, tôn giáo, giai cấp, người thân hay kẻ thù… (Lc 10,29-37).

    “Phải yêu thương người thân cận như chính mình”. Vì mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng, là anh em với nhau. Vì tất cả đều được “ Đấng ở trên trời khiến mặt trời mọc lên cho kẻ lành người dữ và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương.” (Mt5,45). Vì họ đều là hình ảnh của Thiên Chúa, có linh hồn hằng sống, được Thiên Chúa cứu chuộc bằng máu Con của Người…

Vì yêu thương mà đạo Chúa chưa bao giờ cho phép giết một mạng sống nào để tế lễ Thiên Chúa. Trong khi các tôn giáo khác  bao mạng người đã bị giết để dâng tế cho Thần  của họ. Chúa cho con người cai trị muôn loài muôn vật mà phục vụ nhau. Muôn vật còn ăn thịt nhau mà phát triển nữa. Còn con người thì không được chém giết, đánh đập và còn không được xúc phạm chửi rủa nhau nữa (Mt 5,22). Thiên Chúa quý trọng con người dường bao!

Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, yêu tha nhân như chính mình” là điều răn cốt lõi của đạo Chúa. Hai điều này không thể thực hành điều này mà bỏ điều kia như thánh Gioan đã dạy: “Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”(1 Ga 4,20).

Yêu tha nhân như chính mình là “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,5). Là giữ lời Chúa, giữ giới răn Chúa dạy: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta. (Mt 7,12).

Giữ trọn hai mặt của điều răn, mới đủ hai cánh giúp ta bay lên trời. Như hai thanh thập tự của Chúa, thanh ngang để ta nối kết với tha nhân, thanh dọc cho ta về trời với Chúa.

Lạy Chúa! xin luôn thêm sức cho con  để con thực thi giới răn Chúa dạy, để con yêu mến tha nhân như chính hiện thân của Chúa đến với con. Như có lần Chúa Giêsu đã dạy: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy”(Mc 9,37). Amen.

 Giuse Ngọc Năng

Giới răn trọng nhất: mến Chúa và yêu người (09.03.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi có người luật sĩ hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?”. Chúa Giêsu đã trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Hai điều răn này liên kết chặt chẽ với nhau vì cùng xuất phát từ một tình yêu. Mến Chúa một cách tuyệt đối và yêu thương tha nhân cũng phải tới mức cao độ.

 

Chúa là cùng đích đời con

Cho con sự sống, cho con ơn lành

Với bao ước nguyện hoàn thành

Bến bờ hạnh phúc luôn dành chờ con

Thiên Chúa là tình yêu. Ngài yêu thương tất cả mọi người và vì yêu thương, Ngài đã sai Con Một của Ngài xuống trần để mặc khải cho con người biết về tình yêu của Ngài và mời gọi con người hãy sống yêu thương để được hạnh phúc thật sự. Tất cả mọi giới răn và lề luật của Chúa được tóm gọn trong hai chữ yêu thương ấy, đó chính là:  “Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”.

Con xin ghi dạ sắt son

 Phụng thờ Thiên Chúa, đâu còn gì hơn

Có Chúa vững bước chẳng sờn

Quên đi gian khổ giận hờn thương đau

Thời gian thấm thoát qua mau

Đêm qua, ngày tới, trời màu xanh tươi

*

Yêu thương tất cả mọi người

Tận tâm phục vụ cho đời hoan ca

Ca khen Tình Chúa bao la

Nhân từ thương xót, chan hòa tình thương

Chúa dạy con phải đúng đường

Kính mến Thiên Chúa, yêu thương mọi người

 

Chỉ khi nào sống trong tình yêu của Chúa, chúng ta mới nhận ra mọi người là anh em với nhau. Như vậy tình yêu mến đối với Thiên Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta về với anh chị em của mình, còn tình yêu thương đối với anh chị em lại chính là biểu hiện của lòng yêu mến Chúa. Tóm lại chỉ có một tình yêu mà thôi: “Yêu thương tha nhân trong Chúa và yêu mến Chúa nơi tha nhân”.

 

Tim con rực lửa sáng ngời

Cháy lên lòng mến, vang lời thiết tha

Ngày mai hội ngộ hoan ca

Thiên Đàng hạnh phúc mãi là niềm vui

 

Lạy Chúa, Lời Chúa hôm nay cho chúng con suy nghĩ lại cách sống đạo của mình. Xin Chúa giúp mỗi người trong chúng con biết thay đổi cách sống của mình. Chỉ khi nào chúng con kính mến Chúa thật sự, thì chúng con mới dễ dàng yêu thương, quảng đại và sống chan hòa với anh chị em chúng con. Amen.

 HOÀI THANH

Yêu mến cả con tim, cả lý trí (24.03.2017)

Hai điều răn trọng nhất, đó là:

“Người phải yêu mến Đức Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.”;

và điều răn thứ hai: “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.”

Yêu mến Thiên Chúa là say mê sự thánh thiện trọn lành của Chúa, và luôn muốn thuộc về Chúa, hằng khao khát tìm gặp Chúa, vui tươi làm những điều thiện hảo cho đẹp lòng Chúa.

Khi ta yêu mến Thiên Chúa, là ta muốn quy hướng tất cả mọi suy nghĩ, mọi lời nói, mọi hành động của ta đều là suy nghĩ, lời nói và hành động thuộc về của Chúa, cho Chúa, không còn của mình, nhưng thuộc hoàn toàn vào Chúa. Ta không còn phải là ta nữa, mà là Chúa sống trong ta. Như Thánh Phaolô đã nói : “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gl 2:10).

Người Kitô hữu chẳng những yêu mến Thiên Chúa với trọn con người mình,  mà còn được mời yêu mến Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác, trên mọi của cải, trên cả những người ruột thịt, và trên cả mạng sống.  Kitô hữu là người mang mối tình sâu đậm với Đức Giêsu, “Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20), đến nỗi có thể tuyên xưng như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”

Một lần, khi đang thả lưới trên biển, ông Phêrô nghe người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!” ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước. Ông yêu Chúa đến khờ dại, đang ở trên thuyền lại nhảy xuống sông, chỉ mong gặp được Chúa.

Yêu mến như Phêrô. 15 Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 15). Chúa hỏi Phêrô lần thứ nhất. Chúa đánh động đến tâm trí của Phêrô. Chúa lại hỏi ông lần thứ hai: 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 16). Lần thứ hai, Chúa đánh động đến trái tim ông. Rồi Chúa lại hỏi ông: 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không? ” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không? ” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21, 17). Chúa đã hỏi ông Phêrô đến ba lần, lần thứ nhất Chúa tác động đến tâm trí của ông, lần thứ hai Chúa tác động đến con tim của ông, và lần thứ ba Chúa làm cho tâm trí và con tim của ông hoà quyện cả vào nhau. Cả lý trí, cả tình cảm, cả con người ông yêu mến Chúa Giêsu.

Vì ông biết, Thiên Chúa của ông là duy nhất, là thiện hảo, toàn năng. Đó là điều răn thứ nhất, ta còn phải tuân giữ điều răn thứ hai mới trọn vẹn đó là: “Yêu người thân cận như chính mình”.

Đó là điều răn của Môisê, Chúa còn dạy ta phải yêu thương cả kẻ thù của ta nữa. Tại sao ta phải yêu thương con người như chính mình. Thưa vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa, được Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Người. Thiên Chúa đã phán: “Chúng ta hãy làm nên con người theo hình ảnh chúng ta, tương tự như chúng ta” (Kn 1, 26).

Chúng ta có một Cha chung trên trời là Thiên Chúa, ở trần gian, tất cả chúng ta là anh em với nhau, nên chúng ta phải yêu thương nhau mới đẹp lòng Chúa. Nước Thiên Chúa là Nước Tình Yêu, để được vào Nước Người, chúng ta phải yêu thương anh em như chính mình, và còn yêu thương cả kẻ thù mình nữa. Như dụ ngôn Nước Trời. 34 Bấy giờ Ðức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: Nào những kẻ Cha Ta Chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han (Mt 25, 34-36).

Yêu mến anh em là say mê phục vụ anh em trong tin yêu, sẵn sàng hy sinh quên mình để đem niềm vui và hạnh phúc đến cho tha nhân, và sau này cùng hưởng vinh phúc Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con được lòng yêu mến Chúa như Thánh Phêrô: yêu đến khờ dại và chỉ mong gặp được Chúa. Xin cho con cũng biết yêu mọi người như chính mình con, để trở nên anh em con cùng một Cha, và sau này hưởng hạnh phúc Nước Trời.

Gã Đầu Bạc

Tình yêu tuyệt đối (04.03.2016)

“Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” (Mc 12,30)

Tình yêu không phải là của cải vật chất để con người có thể cân, đo, đong, đếm được. Không ai có thể nói với người mình yêu rằng anh (em) yêu em (anh) như thế là đủ rồi! Khi nhận thấy người mình yêu là đáng yêu thì người ta tìm mọi cách để yêu và yêu hết mức có thể. Chúa là Đấng chân thiện mỹ, Đấng đáng yêu hơn bất cứ thụ tạo nào. Do đó, tình yêu dành cho Chúa là tình yêu tuyệt đối. Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi.” Yêu Chúa tới mức “hết” là yêu bằng tất cả con người của mình và không giới hạn, hay nói như thánh Bê-na-đô: “mức độ của tình yêu Thiên Chúa là tình yêu không mức độ.”

Thiên Chúa đã yêu ta bởi lòng thương xót của Người. Tình yêu của Chúa quá bao la hải hà như nắng, như mưa. Con người nhận được tình yêu của Chúa thì cần tỏ lòng biết ơn, bằng cách yêu lại Chúa. Nhưng trái tim con người quá nhỏ bé, không thể yêu Chúa cho xứng. Để chứng minh tình yêu của mình đối với Thiên Chúa, con người chỉ còn cách yêu Ngài hết lòng, được phơi bày cụ thể qua tình yêu thương tha nhân đồng loại, đặc biệt hơn với những người nghèo khổ, khuyết tật, đau bệnh thể xác hoặc tâm hồn…

Lạy Chúa, mọi sự con có đều do lòng thương xót của Chúa. Con xin dâng tất cả toàn thân con như của lễ toàn thiêu để nói lên lòng yêu mến hết mức độ của con trong tình Chúa, mặc dù thân con phận hèn tro bụi không xứng đáng, nhưng tất cả nhờ vào lòng Chúa xót thương vô bến bờ, Ngài đã ưu ái thân tình trong ngôi vị một người Cha nhân lành, để cho con được làm con của Cha thật hạnh phúc nói sao nên lời…

Mùa chay lắng đọng tâm hồn

Xét mình sám hối…hướng hồn lên Cha

Lòng con yêu mến thiết tha

Thành tâm xin Chúa thứ tha tội tình

Bởi con yếu đuối đầy mình

Hỷ- nộ- ái- ố , bùn sình thế gian

Xin lòng thương xót Chúa ban…

Giúp con vượt thắng thế gian ba thù.

BCT

Cuộc cách mạng lật đổ

“…Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình…” (Mc 12,32-33)

Suy niệm: Số lượng 613 khoản luật của Cựu Ước đã tạo nên cuộc tranh luận gay gắt trong giới luật sĩ Do Thái: điều luật nào quan trọng hơn? Trong câu trả lời, Chúa Giêsu khẳng định điều quan trọng nhất là tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Ngoài Ngài ra, không có Chúa nào khác (tôn giáo độc thần). Tất cả mọi người mọi vật đều là thụ tạo của Thiên Chúa. Ngày nay hơn lúc nào hết, con người đã và đang thực hiện một cuộc cách mạng lật đổ Thiên Chúa. Con người, bằng cách này hay cách khác, nếu không tự xưng mình là “chúa”, thì cũng suy tôn đủ thứ lên làm “chúa”, ngoại trừ chính Thiên Chúa đích thực! Chính vì không tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa đích thực, nên con người cũng không yêu mến tha nhân như chính mình.

Mời Bạn: Vì bạn là “khách hàng”, nên bạn được chào mời và ve vãn như là “thượng đế”. Bạn có nghĩ mình là hoặc sống và cư xử như mình là “thượng đế” không? Nếu không, Chúa hiện tại của bạn là ai? Thiên Chúa Ba Ngôi còn là “thượng đế” của bạn không? Hay bạn đã lật đổ Ngài?

Chia sẻ: Cuộc cách mạng nào cũng đòi hỏi hy sinh lớn lao. Để Thiên Chúa thực sự là “Thượng Đế” của bạn, bạn hãy can đảm thực hiện một cuộc cách mạng “trở về” với Ngài trong chính hoàn cảnh sống hiện tại của mình.

Sống Lời Chúa: Trong mùa Chay này, bạn hãy dành cho Chúa những gì tốt đẹp nhất của bạn, để Ngài là tất cả cuộc sống của bạn.

Cầu nguyện: Đọc Kinh Tin Kính một cách sốt sắng.

Yêu mến với cả trái tim

“Điều răn đứng đầu là ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. (Mc 12,29-32)

Suy niệm: Yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, nghĩa là yêu Chúa với tất cả con người của mình, trong mọi thời gian của ngày sống, ở mọi nơi mình đi qua, với mức độ cao nhất của mình. Chúng ta có giật mình khi nghe Chúa nhắc lại điều răn trọng nhất này không? Phải chăng ta chỉ dành cho Chúa một số thời gian hạn hẹp nào đó: một giờ thánh lễ ngày Chúa nhật hay dịp lễ đặc biệt, một vài việc đạo đức mỗi ngày? Ta cũng thường giới hạn tình yêu dành cho Chúa ở một số nơi nào đó: nhà thờ, nơi làm công tác tông đồ, nơi hội họp…

Ngoài những khoảnh khắc và nơi chốn đó, ta quên Ngài, mà chỉ sống theo thói đời, mà quên mất rằng tình yêu mến ấy phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ cuộc sống ta, chi phối mọi suy nghĩ, mơ ước, ứng xử, và cách làm việc của ta.

Mời Bạn: Xem Chúa còn chỗ đứng thế nào trong con tim của mình, đang chiếm địa vị ưu tiên số một hay đã nhường chỗ cho những bận tâm khác: việc làm ăn, việc học hành, nỗi lo toan về vật chất, đam mê hưởng thụ…?

Sống Lời Chúa: Bạn hãy nán lại, một giây thôi, trước khi bắt đầu công việc hằng ngày, hướng lòng lên Chúa và sốt sắng xin Chúa thánh hoá công việc đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết yêu mến Chúa bằng cả con tim của chúng con, nhờ vậy chúng con có thể hết lòng yêu thương người lân cận như chính bản thân mình như lời Chúa dạy. Amen.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *