Lối sống với tinh thần mới (06.09.2024 – Thứ Sáu Tuần XXII Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Cr 4,1-5 (năm chẵn), Cl 1,15-20 (năm lẻ), Lc 5,33-39

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 5,33-39)

33 Khi ấy, các người Pha-ri-sêu và các kinh sư nói với Đức Giê-su rằng : “Môn đệ ông Gio-an năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pha-ri-sêu cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống !” 34 Đức Giê-su trả lời : “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ ? 35 Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi ; ngày đó, họ mới ăn chay.”

36 Đức Giê-su còn kể cho họ nghe dụ ngôn này : “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.

37 “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu, sẽ chảy ra và bầu cũng hư. 38 Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. 39 Cũng không ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói : ‘Rượu cũ ngon hơn’.”

Lối sống với tinh thần mới (06.09.2024)

Chuyện xảy ra vào mùa chay ở Mêhicô. Một Linh mục băng qua rừng để tiến vào nhà thờ họ lẻ trong xứ đạo của Ngài. Trên đường thình lình Ngài gặp một băng cướp dữ tợn có mang súng. Chúng xông ra chặn Ngài với lời đe doạ: “Hãy nạp cho chúng ta hoặc là mạng của ngươi, hoặc là cái túi ngươi đang mang”. Nhưng tên đầu đảng thoáng nhận ra đây là một Linh mục bèn lễ phép xin lỗi. Vị Linh mục cũng xin lỗi chúng vì đã không mang theo tiền để trao cho chúng, nhưng Ngài mời anh đầu đảng một điếu xì gà. Tên này trả lời Ngài :
– Xin cám ơn Cha, con không hút thuốc trong mùa Chay, đây là mùa hãm mình sám hối mà !

Người Pha ri sêu thời Chúa Giê-su cũng tuân giứ luật ăn chay rất nghiêm nhặt và cứng nhắc như thế. Họ còn tự nguyện ăn chay mỗi tuần hai lần, để râu và tóc mọc dài, họ còn “nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo” …Mặt mày thì luôn ủ dột đau khổ…để mọi người biết mình ăn chay! Rồi họ cũng dùng những hình thúc đó để đánh giá người khác về phương diện đạo đức.

Vì thế hôm nay, khi Lêvi, người thu thuế, quyết định bỏ cái nghề “phạm tội công khai” để theo Chúa, ông đã tổ chức bữa đại tiệc khoản đãi Chúa và các môn đệ, dĩ nhiên trong đó có các bạn bè của ông.
Thế là các Pha ri sêu và một số môn đệ của Gioan Tẩy Giả, cảm thấy bị xúc phạm vì các môn đệ của Chúa Giêsu không ăn chay nghiêm ngặt như họ, nên đã chất vấn Chúa. Chúa trả lời bằng cách kể dụ ngôn về bầu da và rượu, về mảnh vá áo cũ và mới…

Khi nói dụ ngôn này Chúa Giê-su muốn cắt nghĩa cho mọi người hiểu, “lý do” tại sao Chúa không bắt các môn đệ của Ngài phải giữ chay. Chúa muốn cho các môn đệ khi sống trong thời đại Cứu Thế thì phải sống theo tinh thần mới. Chúa bảo: ”Không nên lấy áo cũ mà vá áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ”.

Nói thế Chúa có ý nói rằng, lối sống với tinh thần mới và lối sống với tinh thần cũ không thể tương hợp với nhau.

Khi lòng chúng ta còn mang đầy những ích kỷ, gian tham trong cuộc sống, mà vẫn tỏ ra đạo mạo, từ bi thì chẳng khác nào chúng ta xé miếng vải mới vá vào áo cũ, như đổ rượu mới vào bầu da cũ… Sự không tương thích đó làm cho đời sống của ta thêm khập khiễng, giả hình.

Để tránh việc phải đổ rượu mới vào bầu da cũ cũng như việc lấy vải mới mà vá vào áo cũ, mỗi người Kitô hữu chúng ta cần từ bỏ lối sống cũ, vụ hình thức bên ngoài để có thể đón nhận những mạc khải của Tin Mừng và lời mời gọi sống theo gương của Đức Giêsu, luôn sống cho và sống vì người khác.

Đằng khác, mình cũng cần thay đổi cách sống đạo và giữ đạo của chính mình hôm nay. Đó không chỉ là việc chăm chỉ đến nhà thờ mỗi ngày mà còn phải là việc không ngừng học hỏi và trau dồi giáo lý, cố gắng sống đạo qua việc làm bằng cách sống ngay thẳng, chân chính trong mọi hoàn cảnh, biết mở lòng đón nhận tha nhân với lòng mến thương chân thật.

Có lẽ Chúa Giêsu rất ghét thói giả hình, Chúa đã sánh ví người giả hình với những mồ mả, bên ngoài thì tô vôi sơn phết đẹp đẽ, nhưng bên trong thì đầy xương cốt hôi hám, xấu xa. Cái cần thiết là ý thức sống đẹp phải phát xuất từ chính trong tâm hồn của mình…

Truyện kể rằng có hai nhà sư, một già một trẻ, cùng nhau đi xuống núi. Dọc đường các ngài gặp một cô thiếu nữ rất đẹp đứng bên bờ một vũng nước sâu. Thiếu nữ muốn đi qua mà nhưng không sao đi được. Thấy vậy, một nhà sư già liền bế thiếu nữ lên và đi qua vũng nước và bỏ cô ở phía bên kia. Rồi hai người tiếp tục cuộc hành trình. Trở về gần đến chùa, nhà sư trẻ trách bạn: “Sao anh lại bế một thiếu nữ như thế?”. Nhà sư già trả lời: “Tôi đã để cô ta lại bên vũng nước, còn anh, sao anh còn mang cô ta về đến tận chùa”

Câu chuyện ý nhị trên đã minh hoạ rõ nét ý hai lối thể hiện cuộc sống của mình: Một lối sống đạo theo hình thức và một lối sống đạo theo nội tâm. Nhà sư trọng hình thức không dám động đến thiếu nữ, nhưng tâm hồn ông lại nặng vấn vương. Thế mà ông vẫn cứ yên tâm cho rằng mình đã giữ trọn luật giới sắc. Ông tự hào về mình và trách móc bạn đã vi phạm luật tu hành.

Chúa Giê-su luôn chống lại những thực hành tôn giáo chỉ có hình thức bên ngoài, hoặc theo thói quen, rập khuôn cách máy móc mà không có ý thức và tâm tình xứng hợp, như Ngài từng dẫn lời ngôn sứ I-sai-a để nói về họ: “dân này thờ Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta”. Vâng, rượu mới thì bầu da cũng phải mới. Tinh thần mới của giao ước mới là làm mọi việc vì lòng yêu mến Chúa và để vinh danh Chúa mà thôi, đúng như lời thánh Phaolô dạy:

“Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài ngưòí và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoang. Giá như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tính đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi đến chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi”.

Lạy Chúa Giêsu, cám ơn Chúa đã mời gọi con trở nên “Bầu da mới” để “Rượu mới” của Ngài rót vào. Xin ban Thần Khí Chúa để Ngài dẫn dắt con luôn biết suy gẫm Lời Chúa dạy, biết thực thi Lời Chúa, sống bác ái và khiêm nhường…để loại bỏ tấm áo cũ và bầu da cũ, và sẵn sàng trở nên bầu da mới. Con biết mình yếu đuối mỏng dòn và cái tôi dễ dàng phồng to khi gặp cơn cám dỗ.. Xin Mình Máu Thánh Chúa con được vinh dự rước hằng ngày, giúp con sống như Chúa muốn. Amen.

Têrêsa Hảo

Không thể lấy vải mới vá áo cũ (02.09.2022)

Anh là phụ trách học tập của Huynh đoàn nhiều năm, anh nhiệt tình trong học tập, là thành viên của lớp Docat từ những ngày đầu tiên, anh từng theo học tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo phận Sài Gòn và Cha Giáo Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, có chủ đề anh thuộc lòng nội dung như Phụng vụ Thánh lễ. Hiện nay anh được giao thêm trọng trách là Phó Nội trong Ban Thường Vụ Hội đồng Mục Vụ nhiệm kỳ mới tại giáo xứ, lòng nhiệt thành của anh vẫn trào dâng, anh yêu thích công việc đang làm, sắp xếp thời gian logic để công việc trôi chảy, dù bận rộn anh vẫn không biết mệt mỏi nhưng có lúc anh chợt nhận ra hình như anh trở nên lẻ loi giữa mọi người. Chúng tôi hiểu anh đang gặp áp lực vì thiếu người chung tay chia sẻ với anh, chúng tôi động viên anh như lời chia sẻ của chân phước Henri Suzon: “ Người làm đẹp lòng Chúa thực sự là người luôn sống theo sự thật, chẳng cần phải chú ý người ta nói gì với mình hay xử đãi với mình thế nào”, chúng tôi vẫn cầu nguyện cho nhau xin Chúa chúc lành, để nhiệm vụ mọi người đang thực hiện được đẹp lòng Chúa.

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay theo thánh Lu-ca: “Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo cũ, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ.” Lc 5,36. Chúa Giêsu đã đến thế gian để mời gọi con người đổi mới theo tinh thần Phúc Âm, chúng ta phải thay đổi lối sống đã cũ kỹ, bắt nguồn từ suy nghĩ cho đến hành động, cần mở rộng tấm lòng để đón nhận và biết lắng nghe nhau, để cách sống mới phù hợp với Tin Mừng. Chúng ta có nhận ra do sự hẹp hòi và theo quan niệm ý riêng của mình mà những người luật sĩ và biệt phái đã làm cản trở và là chướng ngại cho sự hòa hợp và thông cảm trong các mối tương giao với mọi người chăng?. Trong thư thứ nhất của thánh Phaolo tông đồ gửi tín hữu Côrintô: “Giữa anh em, bao lâu có sự ghen tương và cãi cọ, thì vẫn là sống theo xác thịt” 1Cr 1,3.

Chúng ta có cho rằng làm môn đệ Chúa sao mà thiệt thòi quá, khi Chúa dạy chúng ta toàn điều mới kỳ lạ, và kết quả là thua thiệt về mình: “Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.” Lc 6,29 hay: “Anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả.” Lc 6,35, chúng ta phải làm gì với chính mình, để thay đổi đời sống cũ, để trở thành con người mới, thành một Kitô khác giữa đời?  Phải chăng chúng ta cần biến đổi để được lòng khoan dung nhân hậu của một người rất hiền lành, rất thân thiện để cuộc sống trở nên như Chúa đã từng sống với tha nhân. Học các nhân đức của Chúa trong đối nhân xử thế, giữa rất nhiều cạm bẫy xung quanh, làm sao có sự phân định cách khôn ngoan nếu không cậy trông vào Chúa Thánh Thần, xin Người dẫn dắt chúng ta những khi gặp sự khó.

Lạy Chúa, xin hãy biến đổi chúng con thành những con người mới, có trái tim nhân hậu của Ngài với đầy lòng yêu thương để chúng con biết đón nhận và sống luật yêu thương của Ngài. Xin giúp chúng con biết từ bỏ tính hẹp hòi và ý riêng của mình, để cuộc sống chúng con được đổi mới hoàn toàn, và xin Chúa Thánh Thần tác động mạnh mẽ vào trong cuộc sống mới để chúng con được đổ đầy lòng thương xót của Ngài.

Anna Anh

Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi (03.09.2021)

Ngày 03.09: Lễ Nhớ Thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, Giáo hoàng, TSHT

Tin Mừng hôm nay, ngay sau đoạn Tin Mừng Chúa Giêsu chọn gọi ông Matthêu làm tông đồ và Chúa đã ăn cơm ở nhà ông, mà đã bị chê là ăn uống với “quân tội lỗi” (Mt 5,30). Với thái độ bới móc, chê bai, những người Pharisêu đã nói với Đức Giêsu: “Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, con môn đệ ông thì ăn với uống”. Thực ra luật giữ chay thời đó, theo các nhà chú giải Thánh Kinh chỉ buộc giữ chay những ngày quốc tang và ngày lễ Sám Hối. Nhưng phái Pharisêu và những người đạo đức còn giữ thêm mỗi tuần hai ngày nữa là thứ hai và thứ năm.

Có lẽ Chúa đã dùng bữa tại nhà ông thu thuế Matthêu trúng vào một trong hai ngày này, nên đã bị chỉ trích như thế. Họ nghĩ rằng Chúa Giêsu tự xưng là sứ giả của Thiên Chúa, xuất thân hành đạo mà dạy đạo đức cho đời, thế mà Người lại nuông chiều môn đệ, cùng nhau đi ăn uống những ngày nên giữ chay. Kể ra họ cũng có lý, nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa cứu độ Người có đường lối riêng của Người: đặc biệt, cao xa, công minh, thánh thiện, nhân từ, hoàn hảo… mà chẳng có ai hay tổ chức trần thế nào sánh với được.

Để trả lời chất vấn của họ, Chúa đã dùng những ví dụ cho họ dễ hiểu. Người ví mình như một chàng rể đến với thế gian để yêu thương và phối hợp nhân loại trong tình yêu của Người. Các môn đệ Người là những người phù rể. Nay đang lúc tiệc cưới, là lúc Người đang thi hành việc yêu thương cứu chuộc, lẽ nào lại bắt những người phù rể ăn chay? Làm như thế chẳng trái lẽ lắm sao? Đợi đến ngày chàng rể là Chúa Giêsu bỏ thế gian về trời, các môn đệ Người sẽ ăn chay. Sự ví von này Chúa Giêsu đã dùng chính lời thánh Gioan tiền hô đã nói về Người: “Tôi  đây không phải là Đấng Kitô, mà là kẻ được sai đi trước mặt Người. Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng, thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng. Đó là niềm vui của thầy, niềm vui ấy bây giờ đã trọn vẹn. Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi.”(Ga 3,28-29).

Chúa Giêsu còn nói với họ hai dụ ngôn: “Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ…” và “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ”. Những dụ ngôn ấy rất gần gũi với người Do Thái, với nghĩa hẹp thì mọi người đều hiểu. Nhưng Chúa muốn nói với họ nghĩa rộng, đó là cái tinh thần đạo mới mà Người đang ban hành, nó khác xa với tinh thần đạo cũ mà những người Pharisêu đang tuân giữ. Người Do Thái tôn thờ Thiên Chúa như tôi tớ tôn thờ ông chủ. Còn đạo của Người, các tín đồ của Người từ nay về sau sẽ tôn thờ Thiên Chúa như người cha người mẹ của mình tràn trề tình yêu thương với con cái. Vì vậy nếu bắt môn đệ của Người giữ các tục lệ đạo cũ khác nào đem mụn giẻ cũ vá vào áo mới, hay đem rượu mới rót vào những bầu da đã cũ mục ắt sẽ hỏng cả.

Dụ ngôn này Chúa còn nhắc ta phải khéo léo, trong mọi lời nói việc làm. Đối với mình, phải sao cho vừa sức. Phải làm đúng chỗ, đúng lúc, đúng cách để đem lại hiệu quả cao mà vừa vặn, êm đẹp. Đối với tha nhân phải cư xử làm sao để lấy cái ân cái nghĩa, dĩ hòa vi quý làm đầu, phải sao cho phù hợp trình độ, khả năng, đối phương. Điều mà phương ngôn ở đời đã dặn: “nồi nào rế ấy”, “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”,  “lạt mềm buộc chặt”, “ở rộng người cười, ở hẹp người chê”. Còn Chúa Giêsu Người cũng nhắc nhở: “Đừng ném của thánh cho chó, đừng vất ngọc trai cho lợn, kẻo chúng dày đạp dưới chân rồi còn quay lại cắn xé anh em.” (Mt 7,6).

Đến đây, nhớ đến “bát chánh đạo”, giáo lý của Phật dạy về diệt khổ, mà tôi ưa thích vì rất gần với Lời Chúa. Điều 4 là thực hành “chánh nghiệp”: Khi tác nghiệp, trong mọi lãnh vực: ăn uống, ngủ, nghỉ, chơi, làm… phải đúng mức, vừa vặn trung dung, không thừa mà cũng không thiếu, không thái quá mà cũng không được bất cập.

    Lạy Chúa Giêsu! Lời Chúa quả là “ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi”. Không chỉ soi cho con đi trên con đường lớn mà thôi, nhưng còn soi cho cả những lối hẻm ngóc ngách cuộc đời. Xin cho con hằng yêu mến, lắng nghe và thực hành Lời Hằng Sống ấy, hầu mọi việc lớn, việc nhỏ đời mình, con hằng có Chúa ở bên chỉ dạy dẫn đường thì thật là hạnh phúc cho con. Amen.

Giuse Ngọc Năng

Tương quan “ăn chay” và “kết hợp với Chúa” (04.09.2020)

“Ăn chay” là cụm từ không còn xa lạ với hầu hết các tín hữu, nhất là những những ai đang sống đời sống Thánh hiến trong các Hội Dòng. Đối với các tu sĩ Dòng Cát Minh Têrêxa, chúng tôi ăn chay vào ngày thứ sáu hằng tuần, một ngày trước lễ một Lễ Trọng của Giáo Hội hay của Nhà Dòng. Cách đặc biệt hơn, Bộ Luật Nguyên Thủy – tức là bản luật sớm nhất của nhà Dòng mời gọi các tu sĩ ăn chay mỗi ngày, từ sau Lễ Suy Tôn Thánh Giá đến Ngày Lễ Chúa Nhật Phục Sinh.

“Ăn chay” cũng là cụm từ không chỉ có những tín hữu Công Giáo chúng ta thường hay nghe và hiểu ý nghĩa của nó, nhưng các tôn giáo khác và những ai quan tâm đến sức khỏe của mình cách đặc biệt, cũng hiểu biết sâu sắc về cách thực hành của cụm từ này.

Ví dụ, việc “ăn chay” có truyền thống lâu đời tại Ấn Độ, nơi một số nhóm giáo phái chính của Ấn Độ Giáo xem “ăn chay” như là một hành vi đạo đức. Đối với tôn giáo này thì “ăn chay” chủ yếu dựa trên các luật thiên về việc không hành hạ, không gây thương tích hay giết chết các loài vật. Phật giáo nhìn chung không cấm ăn thịt tuy nhiên chỉ được ăn những thứ thịt thỏa mãn điều kiện tam tịnh nhục, và khuyến khích ăn chay để mang lại lợi ích cho sự phát triển của lòng từ bi. Mỗi năm, người Do Thái giáo dành một ngày chính thức để cả nước “ăn chay”. Đó là ngày lễ Xá tội (Lv 23, 29).

Trong thời Chúa Giê-su, “Ăn chay” là một hành động diễn tả sự đau buồn, sự mất mát gì đó hay để chờ đợi một điều tốt đẹp hơn. Đối với tín hữu Công Giáo, “ăn chay” là một trong ba việc diễn tả lòng đạo đức – Ăn Chay, Cầu Nguyện, và Làm Việc Bố Thí – mà Giáo hội khuyên dạy chiếu theo tinh thần Phúc Âm.

Qua đoạn tin mừng Mát-thêu hôm nay, các môn đệ của ông Gioan đã thẩm vấn các môn đệ của Chúa Giê-su về lý do tại sao họ lại không ăn chay.Và chúa Giê-su đã không trả lời họ một cách trực tiếp. Ngài trả lời bắng một câu hỏi khác rằng:“chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ? Nhưng khi tới ngày chàng rể đã bị đem đi, bấy giờ họ mới ăn chay.”

Điều này không chỉ giúp các môn đệ của ông Gioan mà tất cả chúng ta hiểu hơn về mục đích và thời gian của việc ăn chay. Hơn nữa, Chúa Giê-su cũng nhân cơ hội này để nói với họ rằng chính Ngài là mục đích của việc “ăn chay”.

Trong Cựu Ước, hình ảnh chàng rể thường được dùng để chỉ về Thiên Chúa (Is 62: 4-5). Còn ở đây Đức Kitô kín đáo nhận mình là chàng rể. Chàng rể là nhân vật chủ yếu của tiệc cưới. Tiệc cưới ấy chính là Nước Trời được Ngài khai mở (Mt 22, 1-14; 25, 1-13). Chính vì thế, sự hiện diện của Ngài là niềm hy vọng, niềm vui về đấng Mê-si-a mà họ đang mong chờ, nhưng họ đã không nhận ra nên họ vẫn bận tâm về việc giữ chay theo phong tục.

Bản thân Chúa Giêsu cũng đã thực hành việc “ăn chay”. Ngài đã “ăn chay” bốn mươi ngày trước khi bắt đầu sứ vụ (Mt 4, 2). Hội Thánh sơ khai cũng gắn liền việc ăn chay, cầu nguyện và bố thí (Cv 13, 2-3). Thánh Phaolô vẫn ăn chay, dù vất vả với tông vụ (2 Cr 6,5; 11, 27). Để rước lễ, chúng ta phải kiêng ăn uống khoảng một giờ. Ngày thứ sáu vẫn là ngày kiêng thịt theo luật chung của Hội thánh. Đọc Kinh Thánh, chúng ta thấy cả 3 Thánh sử Nhất lãm đều tường thuật lại việc đạo đức này đó là:  Matthêu (Mt 9, 9-13), Marcô (Mc 2, 18 – 22), và Luca (Lc 5, 33 – 39). Như vậy, việc “Ăn chay” đóng vai trò quan trọng trong hành trình đức tin của giáo hội nói chung và mỗi tín hữu nói riêng.

“Nhưng sẽ đến ngày chàng rể bị đem đi khỏi họ…” Đây không phải là một lời tiên báo rõ ràng về cuộc khổ nạn, nhưng là một ám chỉ đến cái chết bất ngờ sắp xảy ra. Chàng rể Giêsu chẳng ở luôn với các môn đệ (Mt 26, 11). Có ngày họ sẽ không còn thấy Thầy nữa, “bấy giờ họ mới ăn chay.”

Chúa Giê-su không còn hiện diện trực tiếp với chúng ta nữa.Chúng ta cũng đang mong đợi chờ Ngài đến lần thứ 2. Chính vì thế, “ăn chay” là việc làm cần thiết và quan trọng. Nhưng chúng ta nên “ăn chay” với tinh thần và mục đích như thề nào để giúp ta gặp được Chúa, gặp được anh chị em và gặp cả chính mình trong mối tương quan thân tình.

Ngày nay, “ăn chay” đối với Kitô hữu còn là thái độ chuẩn bị ngày Chúa Giê-su trở lại. Để sống đúng tinh thần và mục đích của việc “ăn chay”. Thiết nghĩ việc “ăn chay” không nên chỉ dừng lại ở việc kiêng hay hạn chế việc ăn-uống vào những ngày buộc theo luật Giáo Hội, mà còn “Ăn chay” ngay cả trong lời nói và suy nghĩ. “Ăn chay” bằng cách tập bỏ suy nghĩ tiêu cực về người khác, nói xấu người khác, khoe khoang. Theo vào đó, là học sống khiêm nhường, yêu thương và tha thứ để nhờ đó chúng ta lớn lên trong tình liên đới với tha nhân và với Chúa.

Trong Phúc âm Mát-thêu (Mt 15:11), Chúa Giêsu nói: “không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế”, điều tương tự cũng được thấy trong Phúc âm Mác-cô (Mc 7:15); và ngay cả thói quen không tốt như nghiện chơi game, facebook, internet và nhiều hình thức khác.

Hơn nữa, “Ăn chay” còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn là “TỪ BỎ” chính mình, sống theo tinh thần của Chúa Giê-su dạy. Nhờ đó, mục đích của việc “Ăn chay” giúp mối tương quan của ta với tha nhân và nhất là với Chúa mỗi ngày trở nên gần gũi hơn.

Lạy Chúa! Xin Chúa xin giúp con biết cố gắng thực hành những việc đạo đức, và việc “ăn chay” từ bên trong ra bên ngoài, để chúng con biến đổi mình cuộc sống mình và làm cho mối tương quan của chúng con với Chúa mỗi ngày một tốt hơn. Amen.

Bro. Michael Nguyễn Quang Diệu,OCD

Đổi mới để thích nghi với hoàn cảnh hiện tại (07.09.2018)

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến sự hiện diện của Tân Lang trong tiệc cưới: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy chay tịnh làm quy luật cơ bản cho cuộc sống của ông và các môn đệ của ông. Như vậy khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa; thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui mừng và hoan hỷ.

Biệt phái, luật sĩ nói rằng

Môn đồ của họ luôn hằng giữ chay

Còn những đệ tử của Thầy

Vui vẻ ăn uống thế này được không?

*

Chúa liền giải thích thực lòng

Bạn hữu dự tiệc thì không nên buồn

Tâm tư tình cảm vui luôn

Tân Lang còn đó là nguồn hân hoan

Chúa Giêsu còn chỉ cho chúng ta thấy cần phải có một đời sống đạo thích hợp cùng với sự hiểu biết một cách rõ ràng. Chúa Giêsu không chấp nhận một lối sống đạo đức máy móc, thực hành theo thói quen, nhưng Ngài muốn một đời sống đạo phải được xuất phát từ bên trong tâm hồn, được thể hiện qua các hành động bên ngoài, luôn được canh tân, đổi mới cho phù hợp với giáo lý và những đòi hỏi mới của Ngài. “Không ai lấy vải mới để vá vào áo cũ, cũng không ai lấy rượu mới mà đổ vào bầu da cũ. Làm như thế, vải mới có thể làm rách áo cũ, và rượu mới có thể làm hư hỏng bầu da cũ”. Nhưng vải mới chỉ có thể vá vào áo mới và rượu mới đòi hỏi phải có bầu da mới.

Chẳng ai thực hiện việc làm:

“Xé miếng vải mới vá sang áo nhàu

Rượu mới nếu đổ vào bầu

Là bầu da mới, ngõ hầu còn nguyên”

*

Cuộc sống thì phải kết liên

Hài hòa thân thiện nối liền yêu thương

Nghĩa tình chân thật thân thương

Giúp nhau thăng tiến trên đường hoan ca

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay cho chúng ta biết: Chúa Giêsu chính là Đấng Cứu Thế, Ngài đến trần gian để canh tân đổi mới bộ mặt trái đất này, Tin Mừng của Ngài chính là rượu mới, rượu này là rượu của niềm vui, rượu của Thánh Thần. Rượu mới này mang theo nồng độ cao của tình yêu và của sự hy sinh, vì thế cần phải có một tâm hồn mới, một quyết tâm mới khi đón nhận Tin Mừng của Đức Kitô.

 

Đời sống của mỗi chúng ta

Thường xuyên đổi mới chính là canh tân

Thích nghi phù hợp góp phần

Để cho tâm trí, tinh thần vươn cao

Lạy Chúa, xin ban ơn cho chúng con nhận ra giá trị đích thực của những việc đạo đức, nhờ đó chúng con biết cải thiện đời sống, thanh tẩy tâm hồn và biến những việc đạo đức thành một lối sống thiết thực, nhằm xây dựng xã hội và Giáo hội ngày càng tốt đẹp hơn trong khi chúng con đang đón chờ ngày Chúa lại đến. Amen.

HOÀI THANH

Tinh thần đổi mới theo ý Chúa (02.09.2016)

“Rượu mới đổ vào bầu da mới.” (Lc 5,38)

Đức Hồng Y Lustiger, tổng giám mục Paris (+2007), được ca ngợi như là “người của truyền thống và của canh tân… Ngài đã thành công lớn trong việc tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ năm 1997, biểu tượng cho sự đổi mới không mặc cảm trong Giáo Hội…” (x. Vietcatholic 8.8.2007). Những nhận xét trên về Đức Hồng Y Lustiger như một minh hoạ cho sứ điệp Tin Mừng hôm nay. Đổi mới để thích nghi và đáp ứng cho hoàn cảnh mới là qui luật tất yếu của cuộc sống và mọi cơ chế, nếu ta không muốn phá hư cả ‘rượu’ lẫn ‘bầu da’. Đức Giê-su xuất hiện trong tôn giáo và xã hội Do Thái như một nhà canh tân triệt để; và theo cha A. de Mello: “Người đã bị từ khước không phải vì Người mang đến tin mừng mà vì Người mang đến tin mới mẻ”.

Khẩu hiệu “đổi mới” có thể dễ bị lạm dụng và gây ra những xáo trộn không cần thiết. ‘Nhân đức đứng giữa’, tức trung dung, có vai trò quan trọng ở đây, như câu ngạn ngữ La-tinh: “Virtus in medio stat.” Là Ki-tô hữu, ta không đứng bên lề, nhưng trong lòng xã hội. Ta cố gắng thích nghi với những dấu chỉ mới của thời đại, nhưng đồng thời cũng không tối mặt ‘vơ’ hết những trào lưu mà xã hội hôm nay ‘tọng’ cho mình (x. Thư gởi Đi-ô-nhê-tê).

Tinh thần đổi mới trong Chúa của  Huynh Đoàn giáo dân Đa-Minh bé nhỏ nơi góc phố Sài Gòn của tôi là: “Thực thi bác ái và sống tình huynh đệ chân thành theo bước chân Cha Thánh Tổ Phụ Đa Minh”.

Lạy Chúa, xin biến đổi tâm hồn chúng con nên mới đẹp hơn mỗi ngày, để chúng con có thể góp phần biến đổi thế giới xung quanh mình trong Ánh Sáng Tin Mừng của Chúa. Amen.

 BCT

Song hỷ với chàng rể Giê-su (04/09/15)

Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?” (Lc 5,34)

Người ta không ăn chay trong đám cưới, không nhậu nhẹt trong đám tang, không lang thang nơi chiến trận, không hờn giận trong ngày vui, không lui cui khi khẩn cấp, không hấp tấp khi gặp việc hệ trọng… Có những điều thật bình thường trong cuộc sống, theo lẽ thường tình ai cũng cư xử như vậy. Vậy mà lại xảy ra điều trái khoáy là nhiều Ki-tô hữu đang sống với chàng rể là Đức Ki-tô, nhưng với bộ mặt đưa đám!

Do đâu mà cuộc đời bạn u ám như sương mù Đà Lạt? Do mây mù bệnh tật, thất bại trong công ăn việc làm, “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong đời sống vợ chồng con cái ư? Do chán nản buồn phiền vì cuộc sống đơn điệu không lý tưởng ư? Đức Giê-su là chàng rể đem niềm vui bất tận, là người thầy chỉ dạy lý tưởng sống cao đẹp, là người anh sống thân tình với đàn em. Tin vào lời Ngài và chọn sống theo Ngài, mây mù nào cũng sẽ tan, niềm vui sẽ luôn ngự trị trong tâm hồn và gia đình chúng mình.

Chúng ta hãy “giải toả” nỗi buồn đang che phủ tâm hồn chúng ta bằng việc thanh tẩy tâm hồn; – “qui hoạch” tâm hồn bằng lý tưởng cao đẹp của thầy Giê-su; – “trang trí nội thất” tâm hồn bằng mối tình tâm giao với Ngài; và chúng ta còn đợi gì mà không “đưa chàng rể Giê-su về dinh”?

   Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời chúng con bị bao lớp mây mù đau buồn che phủ. Xin Chúa đến và ở lại với chúng con để gia đình chúng con, cộng đoàn giáo xứ chúng con và cả Giáo Hội toàn cầu nữa, luôn được tràn ngập niềm vui của Chúa.

Sống đạo cách phù hợp (05/09/2014)

“Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới, mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” (Lc 5,36)

Suy niệm: Thật điên rồ khi làm hỏng một chiếc áo mới mà không ‘cứu’ được chiếc áo cũ. Mất cả chì lẫn chài! Xem chừng không làm gì cả lại tốt hơn. Chúa dạy về hành động phù hợp, đúng đắn. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang tha thiết mời gọi Hội Thánh phải sống và làm sứ mạng sao cho phù hợp với hoàn cảnh thế giới và con người ngày nay. Ngài kêu gọi một cuộc hoán cải mục vụ và canh tân sứ mạng: “Trên đường lữ hành, Hội Thánh được Chúa Kitô mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Hội Thánh, vì là một định chế nhân trần, bao giờ cũng cần đến” (Niềm Vui Tin Mừng, 26). Ngài nhận định rằng thái độ nhắm mắt lặp lại mọi sự y như cũ là thái độ tự mãn, và ngài “kêu mời mọi người mạnh dạn và sáng tạo trong việc suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp thi hành sứ mạng tại các cộng đoàn của mình” (số 33). Đức Thánh Cha nhấn mạnh nguyên tắc của cuộc canh tân là nêu bật cho được điều cốt yếu, tức tâm điểm của Tin Mừng, qua đó làm “tỏa sáng vẻ đẹp của tình thương cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô” (số 36).

Mời Bạn: xem xét lại tính phù hợp và đúng đắn của cách sống đạo của mình, của vai trò mình đảm nhận trong Giáo Hội. Đời sống của tôi có đang là chứng tá Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô cho con người và xã hội chung quanh mình không? Tôi cần điều chỉnh những gì để trở nên phù hợp và đúng đắn?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết sống sao cho đúng với danh nghĩa do ơn gọi Phép Rửa của mình là men, muối và ánh sáng cho đời. Amen.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *