Thư tháng 05.2021 : Ngoan hay nổi loạn

Chắc hẳn một số người lớn có thói quen xếp loại các bạn trẻ, người này ngoan và đứa kia hư… Chắc hẳn cũng có một số bạn trẻ thuộc dạng ngoan đã không thể chấp nhận được những thái độ sống của những bạn nổi loạn; và chắc hẳn cũng có nhiều bạn trẻ bị coi như hư hỏng đã coi thường những đứa “ngoan” như là kẻ ù lì hoặc cù lần…

Thật ra, cách nhìn so sánh thường là không đúng, và nguy hiểm hơn, thường sẽ đưa tới những hậu quả không tốt. Thái độ của những người lớn có thói quen xếp hạng sẽ dễ đẩy một số bạn trẻ “hư” vào tình trạng càng không ngóc đầu lên được. Còn các bạn trẻ, nếu tìm cách khẳng định mình bằng lối so sánh, các bạn sẽ dễ rơi vào thái độ hoặc giáo điều, hoặc sẽ càng muốn “nổi loạn” hơn nữa. Tìm “lý do hiện hữu” cho mình bằng cách so sánh với người khác sẽ đưa đến những động lực sống không chân chính và tạo nên những thái độ cư xử quá đáng.

Mặc dù những giá trị đạo đức luôn là những giá trị phổ quát và vững bền, nhưng con người thật sự là một huyền nhiệm, mỗi con người và mỗi hoàn cảnh luôn có những khía cạnh rất tinh tế khó lòng một ai am hiểu thấu đáo. “Ngoan”, nói một cách tổng quát, chắc chắn là điều tốt; và “nổi loạn”, trong một số trường hợp, cũng là điều cần thiết, hoặc ít là biểu lộ một đức tính tốt ngấm ngầm nào đó, chẳng hạn tính cương trực, lòng tự trọng. Ai trong chúng ta lại chẳng từng chứng kiến, hoặc đọc trong tiểu thuyết, về những con người xấu, gian ác…lại bỗng có những hành vi anh hùng, hoặc bỗng lại trở nên một vị thánh hay một vĩ nhân. Trường hợp ngược lại chắc chắn cũng không thiếu.

Về điều này, chúng ta có thể thấy được một quan điểm hết sức độc đáo trong truyền thống Do thái – Kitô giáo : cuộc đời con người là một câu chuyện, một lịch sử, chứ không phải một bài toán.

Nếu xét cuộc đời như một bài toán, người ta sẽ cắt khúc cuộc đời của một con người, mang từng hành vi của con người lên bàn cân luân lý để tìm đáp số… rồi người ta cộng các điểm số của một con người trong mỗi hành vi ấy, để đi đến đáp số chung cuộc của một con người. Còn nếu nhìn cuộc đời con người như một câu chuyện, người ta sẽ nhìn một con người trong hoàn cảnh lịch sử, người ta sẽ thấy mỗi hành vi đều dính dáng sâu xa với những dữ kiện quá khứ và không do người ấy làm ra : hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội, cách thức giáo dục của cha mẹ, những kiến thức và văn hoá nhà trường… Con người có tự do nhưng cũng bị qui định do các yếu tố tâm lý riêng và hoàn cảnh xã hội riêng. Những điều ấy giống như một câu chuyện và điều quan trọng nhất trong câu chuyện đời của một con người là khả năng viết tiếp câu chuyện đời mình thành một kết quả “có hậu”. Câu chuyện của vua quan, câu chuyện của những vĩ nhân, hoặc câu chuyện của những người ở cùng đáy xã hội vẫn có thể trở nên một câu chuyện thú vị và có kết quả tốt, hoặc là một câu chuyện đưa tới kết cục bi thảm.

Như thế, trong cách nhìn cuộc đời con người như một câu chuyện, điều quan trọng nhất là mỗi người có thể “viết tiếp” câu chuyện đời mình, trong thái độ tự do xử lý những dữ kiện đã có của đời mình… Cuộc đời con người không phải là bài toán máy móc, nhưng là một lịch sử nhân văn.

Sách Thánh trong truyền thống Do thái – Kitô giáo là một “lịch sử ơn cứu độ”. Lịch sử tức là câu chuyện, và câu chuyện cứu độ là câu chuyện của những con người đón nhận được sự can dự của Chúa vào lịch sử đời mình, để cho Chúa cùng viết câu chuyện đời mình và để câu chuyện đời mình trở thành “lịch sử ơn cứu độ”, nghĩa là đưa đến kết cục có hậu. Kinh Thánh cho chúng ta chiêm ngắm những câu chuyện cứu độ, chứ không phải trình bày đức độ của những con người ưu tuyển; và Sách Thánh trình bày những câu chuyện ấy như “lời chứng” để mỗi người tín hữu tin tưởng vào Chúa, trông cậy nơi Chúa và yêu mến Chúa, và có khả năng biến đổi chính đời mình trở nên một “câu chuyện cứu độ”.

Trong Kinh Thánh, điều quan trọng nhất không phải là đức độ của con người, nhưng là quyền năng cứu độ của Thiên Chúa, cả với người “ngoan” cũng như với kẻ “nổi loạn”. Trình thuật người Cha nhân hậu cho thấy tấm lòng của Thiên Chúa cả với người “ngoan” cũng như kê “hư” (x. Lc 15,11-31). Hơn nữa, Thiên Chúa lại luôn tỏ bày lòng thương đặc biệt đối với những người bé mọn, người nghèo, người tội lỗi, người bệnh… Kinh Thánh, đặc biệt là Tân Ước, cho chúng ta thấy một chiều hướng “cúi xuống” như nét đặc biệt của Thần Khí đức Giêsu Kitô :

“Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.” (Lc 4, 18)

Các bạn trẻ thân mến,

Câu chuyện cuộc đời của các bạn chưa viết xong; câu chuyện đời của các bạn khác cũng chưa viết xong. Chúng ta không viết được kết luận câu chuyện của mình và nhất là chúng ta không bao giờ được quyền viết kết luận câu chuyện của người khác. Nhưng điều quan trọng, nếu có Chúa, chúng ta và mọi người đều có thể viết nên câu chuyện đẹp cho chính mình, câu chuyện cứu độ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *