Thư tháng 08.2023 : “Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy”

Chúng ta chắc đã từng nghe câu nói nổi tiếng của triết gia J.P Sartre : “Tha nhân là địa ngục”. Triết gia phân tích mối tương quan của con người với nhau và thấy rằng hầu như luôn luôn đó là tương quan giữa chủ thể và đối tượng, khi người này là chủ thể thì người kia là đối tượng và ngược lại. Quá trình thay đổi vai trò chủ thể – đối tượng ấy chỉ ngưng lại khi mà một bên lấy sự thống trị làm niềm vui, và bên kia lấy làm vui khi bị thống trị…

Tuyên bố của J.P Sartre quả thật là sốc, nhưng không phải là không có một phần sự thật. Thiên hạ đâu đâu cũng khao khát tình yêu thương và vẫn không ngừng diễn tả đủ loại, đủ cách về tình yêu thương. Quả thật đây đó vẫn có bóng dáng thứ tình yêu bình đẳng và tự hiến, nhưng chắc chắn cũng có không ít thứ “tình yêu thống trị”, hoặc “tình yêu bị trị” mà triết gia đã nói tới. Nếu nhìn vào lịch sử nhân loại, chúng ta thấy cả thứ tình yêu nam nữ trong gia đình, cũng như thứ tương quan tình nghĩa trong xã hội và  tổ chức chính trị… đã bị chìm ngập biết bao nhiêu thế kỷ trong những thể chế bất bình đẳng : đa thê hoặc đa phu, chủ và tớ, hoặc vua quan và dân chúng… Quả thật trong các thứ tương quan con người với nhau, người ta luôn chao đảo giữa quyền lực và tình yêu.

Mặc dù ai đó, trong lý thuyết, có thể lý giải được mối tương quan giữa quyền lực và tình yêu, thì trong thực tế bi đát của cuộc sống, chẳng mấy khi con người có thể đạt tới được một tình yêu chân chính, bình đẳng và tự hiến. Con người không tìm được sự an toàn trong tương quan bình đẳng, nên thường nghiêng về một thứ quyền lực trong tình yêu. Con người cảm thấy bị đe doạ do nỗi xao xuyến sâu xa trong tâm hồn, nên không dám thực sự đi vào tương quan bình đẳng như một cuộc phiêu lưu. Con người luôn luôn, ngấm ngầm hoặc thẳng thắn, tìm cách để “nắm đằng chuôi” trong mọi mối tương quan…

Thực trạng ấy không phải chỉ bắt nguồn từ thứ “gian tà” chủ quan trong mỗi người, nhưng còn có gốc rễ nơi sự giới hạn căn bản chung của phận người, có gốc rễ nơi sự khiếm khuyết của phận người, khiếm khuyết khả năng sống trọn vẹn sự trung tín một cách vững bền ở cả hai phía… Cộng thêm với sự khiếm khuyết căn bản của cả hai phía, tôi và anh, con người còn phải sống trong một lịch sử bất định, sống với cảnh biến thiên vô cùng phức tạp của cuộc sống, sống trong những thách đố gay gắt của biết bao tình huống éo le,… Tất cả những yếu tố ấy bao vây tự do của con người; và chúng ta hiểu rằng thực sự khát vọng yêu thương sâu thẳm trong con người không dễ gì thực hiện được.

Con người khao khát yêu thương, khao khát được sống tình yêu chân thật. Đó không phải là thứ sở thích vụn vặt, không phải là một ước muốn xa xỉ, nhưng khao khát yêu thương là khao khát gắn liền với vận mạng căn bản của phận người. Không có tình nghĩa này, mọi tương quan của con người với nhau bị dìm trong nguyên lý cường bạo hoặc sòng phẳng, chứ không vươn lên được nguyên lý ân phúc; và khi đó mọi tương quan con người với nhau sẽ luôn chờ chực đổ vỡ khi gặp phải những biến động trong dòng đời…

Chúa Giêsu đã nói những lời tâm huyết nhất với các môn đệ thân yêu trước khi đi vào cuộc tử nạn, Ngài công bố một đẳng cấp mới của tình yêu cho các môn đệ, một đẳng cấp giúp con người đạt được khao khát sâu xa nhất của phận người :

“Thầy gọi anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,15)

Nếu con người với nhau không thể, hoặc khó có thể đạt được mức độ tình yêu chân thật nhất, bình đẳng và tự hiến, thì nay, nhờ vào tình yêu của Thầy Giêsu trong cuộc tử nạn, con người được chính Chúa trao ban tình yêu ấy. Thứ tình thương của Thầy Giêsu là thứ tình thương cao cả nhất :

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13)

Tình thương ấy không phải chỉ để người môn đệ vui vầy với nhau, nhưng là nguồn mạch để chuyển đổi toàn thể mọi tương quan tình nghĩa giữa con người với nhau, đó là thứ tình yêu duy nhất có khả năng cứu độ toàn thể vận mạng nhân sinh :

“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15,12).

Thật sự ra, ngôn ngữ con người không thể diễn đạt được trọn vẹn tình yêu của Chúa với con người. Cựu Ước thường diễn tả tình thương của Chúa đối với Dân của Ngài bằng hình ảnh vợ-chồng. Đó là thứ tình yêu được đặt nền trên giao ước, tạo nên tình trạng thuộc về nhau cả ở mức độ thể chất. Tin Mừng Gioan thì diễn tả tình thương giữa Thầy Giêsu và các môn đệ như tình bằng-hữu, thứ tình nghĩa này lại được xây dựng trên sự tự do, bình đẳng và đạt đến mức độ thông hiệp trong tinh thần:

“Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15,15).

Thầy Giêsu minh chứng đẳng cấp bạn hữu của người môn đệ là “vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết”. Đây là một chân trời mầu nhiệm, thâm sâu và vô biên, được mở ra cho người môn đệ và cho con người, con người được tham dự và sự phong phú vô biên của tình yêu Thiên Chúa. Chân trời này mặc dù chẳng bao giờ con người đạt được trọn vẹn, nhưng lại như không đặt ra một ranh giới nào… Quả thật ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho con người không phải chỉ là “giải thoát khỏi”, nhưng còn là “giải thoát nhằm”; nơi đây con người có quyền hy vọng nhiều hơn và nhiều hơn nữa để đạt tới được một tình thương trọn vẹn và trọn vẹn hơn nữa…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *