Tổng hợp thông tin Hội Thánh Hoàn Vũ (27.03.2017)

 

1. Nhìn lại bốn năm đầu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô

Đức Giáo Hoàng không có nhiệm kỳ như các tổng thống Hoa Kỳ, dù thế, ký giả John Allen, nhân dịp kỷ niệm 4 năm lên ngôi giáo hoàng của Đức Phanxicô, cũng đã có cái nhìn trở lui đối với điều nhiều người gọi là “nhiệm kỳ 4 năm đầu” của ngài.


Ông thấy ngài có những thắng lợi rõ ràng, một số phán kết lẫn lộn và một số vấn đề chưa được giải quyết trọn vẹn.

Các thắng lợi rõ ràng

Các nhà lãnh đạo sẽ không thể thay đổi được gì nếu không ai biết họ là ai, thành thử thước đo tính hữu hiệu đầu tiên hẳn phải là luôn luôn kéo được sự chú ý của người ta. Về khía cạnh này, Đức Phanxicô được kể là rất thành công, vì đã kéo được sự chú ý của thế giới từ những ngày đầu tiên.

Cả ngày nay nữa, nếu Đức Phanxicô có phải chia sẻ tước hiệu nhân vật công cộng kéo được sự chú ý nhiều nhất của thế giới với Tổng Thống Donald Trump, thì ngài vẫn thuộc một câu lạc bộ hết sức ngoại hạng.

Bốn năm qua rồi, vẫn chưa có dấu hiệu chi là hiện tượng trên gia giảm. Sức lôi cuốn của ngài rất rõ ràng xét theo nhiều cách, từ việc theo dõi 9 trương mục twitter của ngài, hiện đã lên trên 30 triệu, đến các cuộc thăm dò ý kiến khắp thế giới, cho thấy Đức Phanxicô được xếp hạng hài lòng rất cao, ấy là chưa kể việc các phương tiện truyền thông đua nhau tường thuật hầu như mọi điều ngài nói và làm.

Thay đổi câu chuyện

Như Đức Giám Mục Phụ Tá của Los Angeles, Robert Barron, ưa nói, thiên tài của Đức Giáo Hoàng Phanxicô là ngài không thay đổi giáo huấn của Đạo Công Giáo, nhưng chắc chắn, ngài đã thay đổi câu chuyện về giáo huấn này.

Trước khi ngài được bầu làm giáo hoàng, cuộc bàn luận về Đạo Công Giáo phần lớn chú trọng tới những vấn đề gây nhiều tranh cãi như phá thai, ngừa thai, đồng tính và hôn nhân đồng phái, chưa kể tới việc giáo sĩ lạm dụng tình dục. Dù không một vấn đề nào trong các vấn đề này biến đi, nhưng Đức Phanxicô đã thành công trong việc nêu lên nhiều vấn đề có tính cách khẩn trương hơn như người nghèo, tị nạn và di dân, môi trường, và giải quyết tranh chấp.

Xét về bản chất, không có chi mới lạ cả, nhưng nhiều nhà quan sát nhận thấy Đức Phanxicô đã đem tới cho các vấn đề trên một nhấn mạnh và ưu tiên mới mẻ, khiến họ có một ấn tượng khác hẳn về Giáo Hội Công Giáo.

Đàng khác, phong thái cởi mở và không lưu ý mấy tới quy tắc của Đức Phanxicô đã lôi cuốn được rất nhiều bộ phận rộng lớn của thế giới trước đây vốn ngoảnh mặt khỏi Giáo Hội; nhờ thế, ít nhất, đã tạo được khả thể về một thế năng động truyền giảng tin mừng mới. Như Claire Giangravè từng tường thuật, mới đây, Đức Phanxicô còn được Tạp Chí Rolling Stone của Ý đăng hình ở ngoài bìa, cho thấy sức lôi cuốn của ngài đối với thế hệ thiên niên kỷ.

Các cuộc tông du

Cho đến nay, tông du đã trở thành một phần có tính tiêu chuẩn trong mô tả chức vụ của một vị giáo hoàng. Thực vậy, cho tới hôm nay, Đức Phanxicô đã thực hiện 17 cuộc tông du ra khỏi Vatican, đưa ngài tới 26 quốc gia, với một số cuộc tông du nữa đã được hoạch định cho năm 2017.

Đức Phanxicô còn được điền tích cực vào mọi ô hỏi ý kiến về một cuộc tông du thành công.

Cỡ đám đông ư? Ngay cuộc tông du đầu tiên của ngài ở Rio de Janeiro, tháng Bẩy năm 2013, để chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới, cũng đã thu hút được 3 triệu người. Ngài tăng số người ấy lên gần gấp đôi trong cuộc tông du Manila, Phi Luật Tân, vào hai năm sau, tức năm 2015.

Cỡ tường thuật của truyền thông ư? Sự hiện diện của Đức Giáo Hoàng kéo được sự lưu ý rất mạnh của giới truyền thông, bất kể ngài đi đâu, kể cả ở Hoa Kỳ, nơi, cuộc thăm viếng 6 ngày của ngài qua Washington, New York và Philadelphia hồi tháng Chín năm 2015 đã được tường thuật như một lễ nhậm chức kéo dài 1 tuần, và bài diễn văn của ngài trước Quốc Hội lưỡng viện được tường thuật như một Bài Diễn Văn Về Tình Trạng Liên Bang.

Còn về tác động ư? Dù không phải cuộc tông du nào cũng như nhau, nhưng cuộc tông du ngắn ngủi của ngài hồi tháng Mười Một năm 2015 tại Cộng Hòa Trung Phi đã được mọi người gán cho công trạng đã đem lại cho xứ sở này đủ lòng tin để tổ chức thành công cuộc tuyển cử và chuyển quyền hòa bình 3 tháng sau đó; nhờ thế hạn chế, nếu quả tình chưa chấm dứt được, điều vốn được coi là cuộc nội chiến đẫm máu nhất trên thế giới. Như Đức Tổng Giám Mục Dieudonné Nzapalainga sau này nhận định “Ngay giờ này đây, tại đất nước tôi, mọi người đều sẽ nói với ông cùng một điều như nhau. Bất kể họ là người Hồi Giáo, Thệ Phản, hay Công Giáo, mọi người! Họ đều sẽ nói: Đức Giáo Hoàng Phanxicô mang một luồng gió mát mới mẻ đến cho xứ sở chúng tôi và cho đời sống cá nhân của chúng tôi”.

Ngoại giao

Dù các vị giáo hoàng không phải là chính trị gia, nhưng các ngài là những nhà lãnh đạo tinh thần với những nguyên tắc có liên hệ với đời sống xã hội và chính trị. Trong trường hợp Đức Phanxicô, ngài đã chứng tỏ có năng khiếu đặc biệt trong việc làm cho các nguyên tắc này được lắng nghe thực sự.

Người ta còn nhớ hồi tháng Chín năm 2013, ngài dẫn đầu cuộc đề kháng tinh thần chống lại một dự án quân sự quốc tế do Tây Phương lãnh đạo nhằm can thiệp vào Syria, sau khi có lời tố cáo cho rằng chế độ của Tổng Thống Bashar al-Assad đã triển khai vũ khí hóa học đánh vào các khu do phe đối lập chiếm giữ quanh Damascus. Đức Phanxicô phát động một chiến dịch ngoại giao toàn diện chống lại việc mở rộng cuộc tranh chấp, và sau đó được Tổng Thống Nga, Vladimir Putin, ca ngợi là người có công dứt khoát trong việc chặn đứng cuộc tấn công đã được nhóm G8 thông qua.

Khi Hoa Kỳ và Cuba công bố việc tái tục các liên hệ ngoại giao vào cuối năm 2014, cả nhà lãnh đạo Cuba, Raul Castro, lẫn Tổng Thống Hoa Kỳ, Barack Obama, đều nhìn nhận vai trò lãnh đạo của Đức Phanxicô trong việc tạo bầu khí thuận lợi cho bước khai phá này. Cũng thế, nhiều nhà lãnh đạo thế giới, tụ tập nhau tại Paris dự hội nghị thượng đỉnh về thay đổi khí hậu do Liên Hiệp Quốc bảo trợ cuối năn 2015, đã thừa nhận vai trò cổ vũ tinh thần của Đức Phanxicô về việc bảo vệ môi trường giúp họ đạt được thỏa hiệp mạnh mẽ trong vấn đề này.

Dĩ nhiên, không phải cố gắng ngoại giao nào của ngài cũng thành công. Như các cố gắng tại Venezuela chẳng hạn. Ấy thế nhưng, điều chắc chắn là Đức Phanxicô đã gia tăng tính liên hệ của Vatican và của Giáo Hội đối với nền ngoại giao thế giới.

Các phán kết lẫn lộn

Niềm Vui Yêu Thương

Khi Đức Phanxicô khởi đầu diễn trình triệu tập hai Thượng Hội Đồng Giám Mục về Gia Đình vào năm 2014, ngài nói rằng ngài muốn có một kết quả sau cùng nói lên sự đồng thuận lớn lao giữa các giám mục và cộng đồng Giáo Hội về con đường hành động đúng sẽ được đưa ra. Nhưng, bất kể mọi điều khác có thể có, riêng việc “đồng thuận” thì dường như không có.

Thay vào đó, phán kết đưa ra trong văn kiện tháng Tư năm 2016 của Đức Phanxicô nhằm tổng kết hai Thượng Hội Đồng nói trên, tức tông huấn hậu thượng hội đồng Niềm Vui Yêu Thương, đã tạo ra cuộc tranh cãi gắt gao trong đời sống nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, với việc mở cửa nhằm cho phép người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ.

Nhiều người cho rằng biện pháp trên nói lên tình bác ái mục vụ đáng lẽ đã phải đưa ra từ lâu, và cũng có thể là việc phê chuẩn một điều vốn đã được âm thầm thực hành ở nhiều nơi trong Giáo Hội. Nhưng cũng có khá nhiều người coi nó như một việc đảo ngược giáo huấn của Giáo Hội một cách đáng lo ngại về cả phép hôn phối lẫn các bí tích nói chung, và hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc tranh cãi này giảm cường độ.

Sau khi văn kiện trên ra đời, các giám mục khác nhau trên thế giới bắt đầu ban hành các hướng dẫn hay đưa ra các lời tuyên bố về việc thi hành biện pháp này, và các dấu hiệu họ đưa ra hết sức chống chọi nhau. Vì Đức Phanxicô từng nói rõ ràng rằng ngài không có ý định đưa ra bất cứ lời tuyên bố nào có tính trói buộc về chủ đề này nữa, nên ít nhất vào lúc này, tính đa dạng về phương thức chắc chắn sẽ vẫn còn đó.

Dù người ta ca ngợi ngài đã tự chế một cách đáng lưu ý, không áp đặt quan điểm của ngài, bắt mọi người phải tuân theo, nhưng ai cũng phải công nhận trong việc chăm sóc mục vụ hôn nhân, ngài chưa thành công trong việc đem mọi người đến chỗ cùng chia sẻ viễn kiến của mình.

Nguồn hợp nhất

Một trong các mô tả cổ điển về vai trò của Đức Giáo Hoàng trong Giáo Hội Công Giáo là: ngài là nguồn của hợp nhất đối với toàn thể Giáo Hội. Đạo Công Giáo là một cộng đồng hết sức đa dạng gồm 1.3 tỷ người rải rác khắp thế giới, và để giữ cho cộng đồng này khỏi tan vỡ, người ta cần có một trung ương vững mạnh.

Tuy nhiên, trong bốn năm qua, đôi lúc Đức Phanxicô gieo hạt chia rẽ cũng nhiều như gieo tinh thần cùng chung chính nghĩa.

Đối với mỗi người Công Giáo được gợi hứng bởi viễn kiến xã hội và phong thái cải cách của ngài, thì thường lại có một người Công Giáo khác thấy ngài quá tự phát, quá khinh thường truyền thống và ước lệ, quá bồng bột, và, quá cấp tiến đối với phần lớn những người Công Giáo bảo thủ hơn. Sự ngứa ngáy khó chịu mà những sự kiện này tạo nên nơi một số giới đã trở nên không thể nào nhầm lẫn được, với các bích chương chống ngài tại Rôma mấy tháng trước đây cho thấy rõ.

Nói cho ngay, không vị giáo hoàng nào mà không gây tranh cãi. Mọi vị giáo hoàng, kể cả từ những ngày đầu, đều bị chỉ trích. Điều khác duy nhất là trong thời đại truyền thông xã hội này, thì các chỉ trích nghe lớn tiếng hơn và phát đi nhanh hơn mà thôi.

Tuy nhiên, nếu chỉ để mô tả mà thôi, thì công bằng mà nói, vì Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo linh hoạt và hiển hiện nhất, nên ngài vừa gợi hứng vừa làm thất kinh ở một mức sâu xa hơn cả. Điều ấy rất có thể chỉ là cái giá phải trả cho việc thi hành nhiệm vụ, nhưng cũng là một sự kiện sống hiện nay khi vị giáo hoàng không chỉ là tác nhân của sự hợp nhất, mà đồng thời cũng gần như là cái cột thu lôi.

Những việc chưa hoàn tất

Cải tổ tài chánh

Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng vào tháng Ba năm 2013, với một sứ mệnh cải tổ, và ngài bắt đầu với cuộc cải tổ toàn diện các cơ cấu tài chánh của Tòa Thánh, nhằm phát huy một bầu khí trong sáng và có trách nhiệm mới mẻ. Tuy nhiên, các cơ cấu này mau chóng bị vướng vào nhiều cuộc tranh chấp hành chánh nội bộ, và cho đến nay, chưa hoàn toàn thực hiện được các lời hứa hẹn lúc ban đầu.

Bốn năm qua đi, ba mảng chủ chốt sau uđây vẫn còn đang thiếu:

• Một báo cáo tài chánh đáng tin hàng năm vượt quá việc chỉ liệt kê thu nhập và mất mát, cho thấy bức tranh tổng thể về các tài sản Vatican hiện kiểm soát và các tài sản đã được sử dụng.
• Một cuộc thanh lý hàng năm có ý nghĩa, hoặc do một thanh lý viên ở bên ngoài hoặc do một chức vụ mới của Tòa Thánh gọi là Tổng Thánh Lý Viên tiến hành, một cuộc thanh lý nhằm qui kết trách nhiệm thực sự.
• Các vụ truy tố và kết án đối với các tội phạm tài chánh dưới luật lệ mới từng được ban hành dưới thời Đức Bênêđíctô XVI và Đức Phanxicô. Cho đến nay, ít nhất đã có 40 vụ như thế được gửi tới các công tố viên của Vatican, nhưng chưa có hình phạt nào đã được đưa ra, một điều mà các quan sát viên tin là cần thiết để thuyết phục mọi người rằng hệ thống quả có răng.

Các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục

Khởi đầu, Đức Phanxicô gây nhiều tin tưởng nơi các nạn nhân bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục và các người bênh vực họ vì ngài cam kết sẽ thi hành chính sách “tuyệt đối không dung túng” (zero tolerance) và xem ra ngài sẽ thi hành chính sách này khi lập ra Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo Vệ Vị Thành Niên do Đức Hồng Y Sean O’Malley của Boston cầm đầu.

Tuy nhiên, với thời gian qua đi, niềm tin trên bắt đầu lung lay. Một phần, do một vài biện pháp bị coi là không nhậy cảm đối với các nạn nhân bị lạm dụng, như bổ nhiệm một giám mục ở Chile từng có lịch sử bênh vực một linh mục nổi tiếng lạm dụng tình dục ở đấy. Một phần cũng do một số biện pháp cải tổ như đã hứa hẹn nhưng chậm đem ra thực hành, như guồng máy mới nhằm áp đặt kỷ luật lên các giám mục không xử lý đúng các đơn khiếu nại bị lạm dụng.

Mới đây, người sống sót duy nhất phục vụ trong tư cách thành viên hoạt động của ủy ban giáo hoàng chống lạm dụng, Marie Collins của Ái Nhĩ Lan, đã từ chức vì thất vọng đối với điều được bà mô tả như là kình chống của hệ thống hành chánh Giáo Triều trước việc làm của Ủy Ban.

Phụ nữ

Đức Phanxicô nhiều lần tuyên bố rằng ngài muốn thăng tiến vai trò phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, cả tại Vatican lẫn tại các hoạt trường khác nơi thẩm quyền được thừa hành và tài lãnh đạo được triển khai. Tuy nhiên, cho đến nay, ngài có một phương thức không cân xứng để làm cho việc này xẩy ra.

Thực vậy, cho tới nay, ngài vẫn chưa bổ nhiệm một phụ nữ nào lãnh đạo một cơ quan quan trọng của Tòa Thánh, và đã bỏ lỡ một số cơ hội khá hiển nhiên ở một số bộ phận khác. Khi ngài cho thiết lập Hội Đồng Kinh Tế, ra dấu lần đầu tiên rằng hàng ngũ giáo dân sẽ phục vụ như những người hoàn toàn bình đẳng với các Hồng Y trong cơ chế ra quyết định mới này, ngài cũng chỉ cử nhiệm các giáo dân nam giới mà thôi; một việc khiến nhiều người thắc mắc không biết có phải ngài không tìm được một nhà chuyên nghiệp nữ nào về tài chánh hay không.

Đức Phanxicô cũng đã loại bỏ ý niệm linh mục phụ nữ và nói chung tỏ ra hoài nghi đối với các mưu toan muốn “giáo sĩ hóa” phụ nữ.

Nhưng ngài chưa cho biết đâu là chiến lược phi giáo sĩ hóa phụ nữ hữu hiệu nhằm thăng tiến vai trò phụ nữ trong một Giáo Hội đã từ lâu vốn dành quyền lực cho bậc sống giáo sĩ. Phải chăng nay đã đến lúc, ngài nghĩ tới chuyện này.

 

2. Đức Thánh Cha có thể phong thánh cho Francisco và Jacinta

Họ sẽ là hai người trẻ không tử đạo được phong thánh.

Ngày 22, tháng 3, 2017: Theo báo Faro di Roma, chuyến hành hương của Đức Thánh Cha đến Fatima từ ngày 12 đến 14 tháng 5, để kỷ niệm Đệ Bách Chu Niên Đức Mẹ hiện ra tại Cova da Iria, có thể được ghi dấu bằng việc ngài phong thánh cho hai mục đồng Fatima là Jacinta và Francisco. Nhân dịp hành hương Năm Thánh 2000, Thánh Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho họ: Đây là lần đầu tiên có các trẻ em không tử đạo được phong thánh. Việc này sẻ khuyến khích cho có các nguyên nhân phong thánh cho các trẻ em khác qua đời “có mùi hương thánh thiện.”

Francisco Marto (1908-1919) đã qua đời vị bệnh cúm Tây Ban Nha ngày 4 tháng tư, 1919 – lúc chưa đầy 11 tuổi, và em gái là Jacinta (1910-1920), 10 tuổi, sau đó cũng qua đời vì cùng một chứng bệnh ngày 20 tháng hai, 2020. Từ khi có các vụ Mẹ hiện ra năm 1927, hai trẻ đã lần hạt cầu nguyện rất sốt sắng, và dâng những đau khổ và hy sinh hàng ngày cho hoà bình và việc trở lại của các tội nhân, theo sứ điệp của Mẹ Maria.

Nhưng trước khi phong thánh, có hai giai đoạn cần thiết: việc phê chuẩn của Đức Thánh Cha Phanxicô sắc lệnh của Bộ Phong Thánh minh chứng có một “phép lạ” do lời cầu bầu của hai chân phước trẻ tuổi, và sự chấp thuận của một mật hội thông thường các Hồng Y có thể được triệu tập sau Lễ Phục Sinh. Tòa Thánh không có ý định rút ngắn các giai đoạn.

The thức phong chân phước cho người chị họ Lucia dos Santos (22 tháng 3, 1907-13 tháng 2, 2005), đã trở thành một nữ tu Dòng Kín Carmêlô tại Coimbra, và qua đời lúc 98 tuổi, một vài ngày truớc trước khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đến Rôma, nhưng vẫn còn cần nhiều thời gian để cứu xét 15,000 văn kiện do Giáo Phận Coimbra chuyển tiếp. Linh mục thỉnh viên Romano Gambalunga, đã kêu gọi “sự kiên nhẫn”.

Vào năm 2000, việc phong chân phước cho các mục đồng đã là dịp để công bố “bí mật thứ ba”. Đức Hồng Y Tarcisio Bertone đã được Đức Hồng Y Joseph Ratzinger gửi đến gặp Sơ Lucia để chuẩn bị cho biến cố này. Ngài đã kể lại trong cuốn sách ngài viết “Người chứng kiến cuối cùng tại Fatima. Điều Sơ Lucia đã kể lại cho tôi.” Sách này đã được Đức Thánh Cha Benedict XVI đề bạt (NXB Bayard, 2008).

Và một khi trình thuật đã được nữ tu Camêlo xác nhận – “tất cả đã được phổ biến. Chính Đức Hồng Y Angelo Sodano, lúc đó là Bộ Trưởng Ngoại Giao, đã đọc nội dung của tài liệu này tại Fatima, ngày phong chân phước, trước sự hiện diện của Sơ Lucia.

Sau đó một tài liệu khác cũng đã được Đức Hồng Y Ratzinger xuất bản, kèm theo có bản sao những lá thư của Sơ Lucia, ngày 26 tháng 6, 2000.

Chúng ta cần nhớ rằng Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã cung hiến Đức Mẹ Đồng Trinh Fatima cho thế giới, và Đức Hồng Y Ratzinger đã chính thức công bố: “Chính Sơ Lucia đã xác nhận rằng hành động trọng thể và hoàn vũ của việc cung hiến phù hợp với điều Đức Mẹ mong muốn (“Sim, està feita, tal como Nossa Senhora a pediu, desde o dia 25 de Março de 1984”: “Đúng vậy. điều ấy đã được thi hành như Đức Mẹ đã yêu cầu ngày 25 tháng 3, 1984: lá thư ngày 8 tháng 11, 1989). Vì vậy tất cả mọi sự thảo luận, và thỉnh cầu mới đều vô căn cứ.”

Bùi Hữu Thư

3. Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ tại công viên Monza, Milan

Chiều ngày 25 tháng 3, lễ Thiên Thần Truyền Tin cho Đức Mẹ, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ cho 700 ngàn tín hữu tại công viên Monza, cách Milan 18 cây số về hướng bắc.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, cũng có Đức Hồng Y Scola, Tổng Giám Mục Milano, các Giám Mục phụ tá của ngài, các Giám Mục thuộc miền Lombardia và hàng trăm linh mục.

 

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta vừa nghe một lời loan báo quan trọng nhất trong lịch sử của chúng ta: đó là Lời Thiên Thần Truyền Tin cho Mẹ Maria (x. Lc 1:26-38) – một đoạn văn cô đọng, đầy sự sống, mà tôi muốn đọc dưới ánh sáng của một lời loan báo khác: là lời loan báo thánh Gioan Tẩy Giả chào đời (x. Lc 1:5-20). Hai lời loan báo theo sau nhau và hiệp nhất với nhau; hai lời loan báo khi đối chiếu với nhau, cho chúng ta thấy điều Thiên Chúa trao ban cho chúng ta nơi Con của Ngài.

Lời loan báo về Gioan Tẩy Giả diễn ra khi ông Dacaria, vị tư tế, đã sẵn sàng bắt đầu nghi lễ phụng vụ đi vào trong Đền Thờ, nơi cộng đoàn đang chờ đợi ở bên ngoài. Lời Truyền Tin về Chúa Giêsu, ngược lại, đã diễn ra ở một nơi xa xôi xứ Galilêa, ở một thành phố ngoại biên không có tiếng tăm nổi bật nào (x. Ga 1:46), trong một gia đình vô danh của một cô gái có tên là Maria.

Đó là một sự tương phản, không phải là chuyện nhỏ, vì nó cho thấy rằng Đền Thờ mới của Thiên Chúa, cuộc gặp gỡ mới giữa Thiên Chúa và dân Người sẽ diễn ra ở những nơi mà chúng ta thường không mong đợi, ở ngoài lề, ở những vùng ngoại biên. Ở đó, Thiên Chúa sẽ gặp gỡ dân Ngài, Thiên Chúa trở thành xác phàm ở đó để bước đi cùng với chúng ta từ cung lòng của Mẹ Người. Giờ đây, Ngài sẽ không còn ở một nơi chỉ được dành cho một thiểu số trong khi số đông phải đứng ngoài trông ngóng. Không có gì và không ai bị Ngài thờ ơ, không hoàn cảnh nào có thể tước đi sự hiện diện của Ngài: niềm vui Ơn Cứu Độ bắt đầu trong đời sống thường nhật của một cô gái Thành Nadarét.

Chính Thiên Chúa là Đấng đã chọn bước tiến này và chọn để đưa chính Ngài vào trong gia đình của chúng ta – như Ngài đã thực hiện với Mẹ Maria; vào trong những vật lộn hàng ngày của chúng ta, với những lo toan và khát vọng của chúng ta. Và thực tế là nơi những thành phố của chúng ta, các trường học và đại học của chúng ta, các quảng trường và bệnh viên của chúng ta lời loan báo tuyệt vời nhất chúng ta có thể nghe đã được viên mãn: “Mừng vui lên, Thiên Chúa ở cùng anh em!” Đó là một niềm vui tạo nên sức sống, niềm vui tạo nên hy vọng, niềm vui trở thành hiện thực trong cách thế chúng ta nhìn vào tương lai, qua thái độ chúng ta nhìn vào nhau. Đó là một niềm vui trở thành tình liên đới, lòng hiếu khách, và lòng thương cảm đối với mọi người.

Như Mẹ Maria, chúng ta cũng có thể không khỏi ngỡ ngàng. “Điều này xảy ra thế nào được” trong thời buổi đầy những suy đoán. Có những suy đoán về cuộc sống, về công việc, về gia đình. Có những suy đoán về người nghèo và về những người di dân; có những suy đoán về người trẻ và về tương lai của họ. Tất cả dường như bị giản lược thành những con số, trong khi lãng quên rằng đời sống thường nhật của quá nhiều gia đình đang vẩn đục với những bấp bênh và không an toàn. Trong khi nỗi sầu gõ cửa quá nhiều gia đình, trong khi quá nhiều người trẻ ngày càng trở nên bất mãn vì thiếu các cơ hội thật sự, những đồn đoán rộ lên khắp bốn phương trời.

Nhịp điệu chóng mặt quay cuồng quanh ta xem ra đang cướp khỏi chúng ta niềm hy vọng và niềm vui. Những áp lực và sự bất lực khi đối diện với quá nhiều hoàn cảnh dường như làm khô khéo tâm trí và biến chúng ta thành vô cảm khi đối diện với muôn vàn những thách đố. Và, nghịch lý thay, khi mọi sự đang được gia tốc để xây dựng – về lý thuyết – cho một xã hội tốt đẹp hơn, thì cuối cùng không ai còn chút thời gian nào cho bất cứ điều gì hay cho bất cứ ai. Chúng ta đánh mất thời gian cho gia đình, thời gian cho cộng đoàn, chúng ta đánh mất thời gian cho tình bạn, cho tình liên đới và ký ức.

Thật là tốt khi chúng ta tự hỏi chính bản thân mình: Làm sao để sống niềm vui Tin Mừng trong các thành phố của chúng ta ngày hôm nay? Liệu niềm hy vọng Kitô Giáo có khả thi không trong hoàn cảnh này, ở đây và vào lúc này đây?

Hai câu hỏi này chạm vào căn tính của chúng ta, đời sống của gia đình chúng ta, đất nước và thành phố của chúng ta. Chúng chạm đến đời sống của con cái chúng ta, đời sống của người trẻ chúng ta và chúng đòi hỏi về phía chúng ta một cách thế mới để xác định vị thế của chúng ta trong lịch sử. Nếu niềm vui và niềm hy vọng Kitô Giáo tiếp tục là khả thi thì chúng ta không thể dửng dưng trước quá nhiều những hoàn cảnh đau đớn, và tự coi mình đơn thuần chỉ là những khán giả đang nhìn lên trời hy vọng rằng “trời sẽ tạnh mưa”. Tất cả những điều đang xảy ra đòi hỏi chúng ta phải nhìn vào hiện tại bằng sự mạnh dạn, và bằng lòng can đảm của người biết rằng niềm vui ơn cứu độ hình thành trong đời sống hằng ngày của gia đình của một cô gái Nadarét.

Khi đối diện với sự bối rối của Mẹ Maria, khi đối diện với sự lúng túng của chúng ta, có ba chìa khoá mà Sứ Thần Chúa mang đến cho chúng ta để giúp chúng ta đón nhận sứ mạng đã được uỷ thác cho chúng ta.

Thứ nhất là gợi nhớ ký ức. Điều đầu tiên mà Sứ Thần làm là gợi nhớ ký ức, qua đó mở hiện tại của Mẹ Maria ra với toàn bộ lịch sử cứu độ. Ngài gợi nhớ lại lời hứa đã được thực hiện với Đavít như là hoa trái của Giao Ước với Giacóp. Mẹ Maria là nữ tử của Giao Ước. Chúng ta ngày nay cũng được mời gọi để nhớ, để nhìn vào quá khứ của chúng ta để không lãng quên chúng ta từ đâu đến, để không quên lãng tổ tiên của chúng ta, ông bà của chúng ta và tất cả mọi điều mà họ đã trải qua để đến nơi chúng ta đang ở hiện nay. Mảnh đất này và người dân của nó đã biết đến nỗi đau của hai cuộc thế chiến và đôi khi thấy rằng danh tiếng thu được về nền công nghiệp và văn minh của mình đã bị ô nhiễm bởi những tham vọng vô độ. Ký ức giúp chúng ta không ở lì trong tình trạng là tù nhân của bài diễn thuyết gieo rắc những đổ vỡ và chia rẽ như là cách thế duy nhất để giải quyết những mâu thuẫn. Gợi nhớ ký ức là phương dược tốt lành nhất cho tầm nhìn của chúng ta khi đối diện với những giải pháp ma thuật của chia rẽ và bất hoà.

Thứ hai là thuộc về Dân Thiên Chúa. Ký ức giúp cho Mẹ Maria biết trân trọng sự thuộc về Dân Thiên Chúa của Mẹ. Thật tốt nếu chúng ta nhớ rằng chúng ta là những thành viên của Dân Thiên Chúa! Người Milan, vâng, người Ambrosia, chắc chắn là một phần của Dân Chúa vĩ đại – một dân được tạo nên từ hàng ngàn diện mạo, lịch sử, nguồn gốc, một dân đa văn hoá và đa sắc tộc. Đây là một trong những sự phong phú của chúng ta. Đó là một dân được gọi để đón nhận những khác biệt, để hội nhập chúng với sự tôn trọng và sáng tạo và để vui mừng trước sự mới mẻ đến từ người khác; đó là một dân không sợ chấp nhận những giới hạn; đó là một dân không sợ trao ban lòng hiếu khách cho người đang cần vì dân ấy biết rằng Thiên Chúa đang hiện diện ở đó.

Thứ ba là không có gì là không thể. “Không có gì là không thể đối với Thiên Chúa” (Lc 1:37): đó đó kết thúc câu trả lời của Sứ Thần với Mẹ Maria. Khi chúng ta tin rằng mọi sự tùy thuộc vào khả năng của chúng ta, vào sức mạnh của chúng ta, vào những viễn kiến thiển cận của chúng ta, thì mọi sự xem ra là không thể. Nhưng nếu, ngược lại, chúng ta sẵn sàng để cho bản thân chúng ta được giúp đỡ, để cho bản thân chúng ta được dạy dỗ, mở bản thân mình ra cho ân sủng, thì lúc ấy những sự dường như không thể bắt đầu trở nên có thể. Những miền đất này biết rõ điều ấy, nên theo dòng lịch sử, đã tạo ra rất nhiều đặc sủng, rất nhiều những nhà truyền giáo, rất nhiều sự phong phú cho đời sống của Giáo Hội! Nhiều người khi vượt thắng chủ nghĩa bi quan không sinh hoa trái và mang tính chia rẽ, đã mở bản thân họ ra cho những sáng kiến của Thiên Chúa và trở thành những dấu chỉ của một mảnh đất sinh hoa trái không khép kín trong những ý tưởng của riêng mình, trong những giới hạn của mình và trong những khả năng hạn hẹp của mình nhưng mở ra đối với những người khác.

Như trong quá khứ, Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những đồng minh, Ngài vẫn tiếp tục tìm kiếm những người nam nữ biết tin, biết nhớ, biết cảm nhận mình là một phần của Dân Ngài để hợp tác với sự sáng tạo của Thần Khí. Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục đi đến những vùng ngoại ô và những thành thị của chúng ta. Ngài đặt mình ở mọi nơi để tìm kiếm những tâm hồn biết lắng nghe lời mời gọi của Ngài và biến nó thành hiện thực ở đây và bây giờ. Nói như Thánh Ambrose trong lời giảng của ngài về đoạn Kinh Thánh này, chúng ta có thể nói: Thiên Chúa vẫn đang tiếp tục tìm kiếm những tâm hồn giống như tâm hồn của Mẹ Maria, sẵn sàng để tin ngay cả trong những hoàn cảnh ngoại thường (x. Esposizione del Vangelo sec. Luca II: 17: PL 15, 1559). Xin Thiên Chúa làm cho niềm tin này và niềm hy vọng này tăng trưởng trong chúng ta.

 

4. ĐGH Phanxicô xin Chúa thứ tha sai sót, thất bại của Giáo Hội trong nạn diệt chủng ở Rwanda

Vatican City- Thứ Hai, ngày 20 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp Ông Paul Kagame, Tổng thống Cộng hòa Rwanda. Sau đó, Tổng thống đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh và Đức Tổng Giám Mục Paul R. Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao.

Trong cuộc họp với ĐTC, hai bên đã nhắc lại những quan hệ tốt đẹp giữa Vatican và Rwanda. Tòa Thánh cũng đánh giá cao Rwanda đã hồi phục và ổn định tình hình xã hội, chính trị và kinh tế.

Đồng thời Tòa Thánh cũng ghi nhận sự hợp tác giữa Nhà nước Rwanda và Giáo Hội địa phương trong công tác hòa giải dân tộc và củng cố hòa bình vì lợi ích chung.

Trong dịp này, Đức Giáo Hoàng cũng đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc của Ngài, của Tòa thánh và của Giáo Hội địa phương, trước nạn diệt chủng Tutsi vào năm 1994. Ngài bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân và với những người còn tiếp tục chịu đựng những hậu quả của các biến cố thảm khốc đó. Ngài lập lại cử chỉ của ĐGH Gioan Phaolô II trong năm Ân Xá 2000 là xin Chúa tha thứ những tội lỗi và những thất bại của Giáo Hội và các thành viên, trong đó có các linh mục, nam nữ tu sĩ, vì sợ hận thù và bạo lực, đã làm ngơ trước nạn diệt chủng người Tutsi. Như thế là phản lại sứ mệnh rao giảng tin mừng của mình.

Đức Thánh Cha cũng nói rằng những thất bại bại trong thời gian đó đã làm biến dạng khuôn mặt Giáo Hội. Nay với việc Giáo Hội khiêm tốn nhận những sai sót đó có thể góp phần vào việc thanh tẩy ký ức, đổi mới niềm tin, thúc đẩy tương lai hòa bình, chứng kiến khả năng chung sống khi nhân phẩm và lợi ích chung được đặt lên chính sách hàng đầu của quốc gia

Theo số liệu của Agenzia Fides vào thời điểm có nạn diệt chủng tại Rwanda vào năm 1994, có 248 nạn nhân của Giáo Hội điạ phương đã bị giết trong đó có 3 giám mục, 103 linh mục, còn lại các nam nữ tu sĩ thuộc nhiều dòng tu.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *