15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
1. Ghi nhớ :
Người nói với các ông: “ Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16,15)
2.Suy niệm:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở mỗi người sứ vụ loan báo Tin Mừng là một trách nhiệm và bổn phận của người Kitô hữu, chứ không phải là tùy theo sở thích của ta. Thánh Phaolô nói: “Đối với tôi rao giảng Tin Mừng, không phải là lý do để tự hào, nhưng là một sự cần thiết buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1Cr 9,16).
Truyền giáo là làm chứng cho Chúa. Vậy để truyền giáo cách nào cho hữu hiệu? Trước hết mỗi Kitô hữu cần học hỏi để hiểu biết Kinh Thánh, hiểu về Thiên Chúa và tin yêu Ngài, nếu ta không tin Chúa làm sao có thể “ nói về Chúa” cách hữu hiệu được, hơn nữa người làm chứng cho Chúa phải sống tốt lành, từ trong tâm hồn mình mới có thể thuyết phục được mọi người. Trong thư chung của Hội Đồng Giám Mục VN gần đây đã kêu gọi các thành phần dân Chúa hãy nhiệt thành cộng tác đổi mới cách loan báo Tin Mừng cho phù hợp với thời đại này, hợp với “Phúc âm hóa trong Gia đình”, sao cho các gia đình có giờ kinh tối thêm phần suy niệm lời Chúa, để mọi thành viên trong gia đình nhờ lời cầu nguyện sống gắn kết hòa hợp với nhau. Sự hòa hợp này không chỉ duy trì trong gia đình mà còn được vun đắp trong tình liên đới giữa các Hội Đoàn trong giáo xứ.
Qua đó, các hội viên biết từ bỏ cái tôi để xóa đi mọi hận thù ghen ghét và biết liên kết trong tình huynh đệ. Ngoài ra, cần phải không ngừng bồi dưỡng và dạy giáo lý cho các em thiếu nhi và các anh chị em tân tòng trong giáo xứ, kết nối tình bằng hữu với anh chị em lương dân bằng cách chia sẻ với họ trong những ngày giỗ chạp, cưới xin, thăm hỏi nhau trong những ngày đầu xuân trong tình thân ái, nhờ đó Tin Mừng sẽ lan tỏa đến khắp nơi đến tận cùng và hiện thân trong Đức KiTô.
Tóm lại! Truyền giáo không dễ cũng chẳng khó. Khó – dễ tùy vào bản thân từng người. Hay nói chung để chuẩn bị cho việc truyền giáo, hay trở thành tay thợ gặt lành nghề trên cánh đồng truyền giáo, mỗi người tự rèn bản thân mình bằng một đời sống bằng sự cầu nguyện, học hỏi, sống hiệp thông chia sẻ với mọi người để có vốn kiến thức có thể giới thiệu Chúa đến với mọi người, và đặc biệt hơn hết chúng ta luôn luôn cậy trông vào ơn Chúa, hãy để Chúa Thánh Thần soi dẫn bước đường, giúp chúng ta ra đi loan báo Tin Mừng, là một cộng sự viên hay là một khí cụ của Ngài, dù chúng ta có thành công hay thất bại trong công việc truyền giáo thì việc làm của ta với một lòng tín thác váo Thiên Chúa, khi ta dấn thân thì vẫn là bước chân đẹp đi trên con đường của Chúa nơi trần gian này
“Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo Tin Mừng” ( Rm 10,15).
3. Sống lời Chúa:
Chúa nói “Tôi chính là Muc Tử nhân lành, Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho chiên” (Ga 10, 11).
Ta hiểu Chúa muốn và Ta cũng hãy như vậy.
4. Cầu nguyện:
Chúa nói “ Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít”. Chúa muốn chúng con là những tay thợ lành nghề. Xin Chúa ban cho chúng con lòng nhiệt thành, sự can đảm và thể hiện ngay chính đời sống chứng tá của con, để chúng con biết cộng tác với Giáo Hội trong sứ mạng truyền giáo tùy theo khả năng ơn Chúa trao đồng thời luôn theo gương Thánh Phao lô Tông Đồ trở lại mà Giáo Hội mừng kính hôm nay. Amen.
M.Liên