https://youtu.be/FjgsiResERw
1. Giáo phận Hải Phòng
Ngày 9-9-1659, với Đoản sắc Super Cathedram Principis, Đức Alexander VII (1655-1667) thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận: Đàng Ngoài và Đàng Trong. Vùng đất Hải Phòng, Hải Dương lúc này đã có những “cư sở”, giáo xứ quan trọng trong giáo phận tiên khởi Đàng Ngoài như Xứ Đoài, Xứ Bắc, Kẻ Sặt…
Năm 1679, Đức Innocens XI (1676-1689) chia giáo phận Đàng Ngoài làm hai: Đông Đàng Ngoài và Tây Đàng Ngoài, lấy sông Hồng và sông Lô làm ranh giới. Cha François Deydier Phan, thuộc Hội Thừa sai Paris, được đặt làm giám mục tiên khởi của giáo phận Đông Đàng Ngoài, lúc đó Toà giám mục thường ở Phố Hiến (tên một cảng nằm trên tả ngạn sông Hồng, do Nhà Lê mở vào cuối thế kỷ, phía Nam thị xã Hưng Yên ngày nay); sau đời Đức cha Deydier, Toà giám mục thường đặt ở vùng Bùi Chu, đôi khi ở Kẻ Sặt, Hải Dương.
Theo báo cáo của các cha dòng Tên gửi Đức cha J. de Bourges những nơi các ngài coi sóc (hiện nay nằm trong các giáo phận Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hoá) năm 1668-1707, có số giáo dân như sau: Đông và An Quảng 3.016; Bắc (Kẻ Noi) 990; Đoài 6.250.
Ngày 5-9-1848, Đức Piô IX (1848-1878) ban Chiếu thư chia tỉnh Nam Định và tỉnh Hưng Yên, lập thành giáo phận Trung, phần đất còn lại giữ tên cũ là giáo phận Đông, do Đức cha Jeronimo Hermosilla Liêm, O.P., giám mục tiên khởi người Tây Ban Nha, coi sóc. Ngày 6-11-1861, ngài tử đạo tại khu Năm Mẫu (Hải Dương). Trong thời Đức cha Liêm, giáo phận có diện tích đất rộng, lúc này giáo dân đã lên tới con số 45.000, ở rải rác trong 327 xứ, họ trên tổng số dân là 3 triệu người. Toà giám mục khi ở Nam Am, khi ở Kẻ Mốt (thuộc Bắc Ninh ngày nay). Giáo phận Đông đã có các trường Lý Đoán (Đại chủng viện) và La Tinh (Tiểu chủng viện) ở Đông Xuyên, Kẻ Mốt, Tử Nê.
Ngày 29-5-1883, Đức Lêô XIII (1878-1889) công bố Chiếu thư lập giáo phận Bắc, một phần tách từ giáo phận Đông, gồm các tỉnh Hải Dương (bấy giờ gồm cả Kiến An), Quảng Yên và Hải Ninh (tức Móng Cái), và vẫn giữ tên cũ là giáo phận Đông do Đức cha José Terrès Hiến coi sóc, Toà giám mục đặt ở Hải Dương. Hải Phòng khi ấy chưa là sở cha chính, nhưng năm 1880, cha chính Salvador Masso Tế đã xây nhà thờ lớn.
Năm 1890, Đức cha Hiến dời Toà giám mục ra Hải Phòng, còn sở cha chính chuyển sang Liễu Dinh một thời gian rồi đưa về Kẻ Sặt. Hàng giáo sĩ năm 1892 có Đức cha Hiến, 32 linh mục triều, 8 thừa sai, 2 cha dòng người Việt, 82 thầy giảng, 20 chủng sinh thần học, 20 chủng sinh triết, 20 tiểu chủng sinh, 281 học sinh trường thử và 41.120 giáo dân.
Ngày 3-12-1924, Toà Thánh đổi tên giáo phận Đông theo địa hạt hành chính, nơi đặt Toà giám mục, gọi là giáo phận Hải Phòng, Đức cha Francisco Ruiz de Azua Minh, O.P. (1919-1929) coi sóc.
Ngày 14-1-1953, cha Giuse Trương Cao Đại, O.P., nhận sắc chỉ của Toà Thánh làm giám mục Hải Phòng và thụ phong tại Hồng Kông. Sau khi về nước nhận giáo phận, ngài xây dựng giáo phận về cả vật chất lẫn tinh thần. Công việc đang thuận lợi thì Đức cha lại phải di cư vào Nam sau hiệp định Genève (1954).
Ngày 7-5-1955, Toà Thánh bổ nhiệm linh mục Phêrô Khuất Văn Tạo làm giám quản tông toà giáo phận Hải Phòng. Ngài được tấn phong giám mục tại nhà thờ Sơn Tây ngày 7-2-1956; ngày 28-4-1956, Đức tân giám mục chính thức nhận giáo phận Hải Phòng.
Ngày 24-11-1960, Toà Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, giáo phận Hải Phòng được nâng lên hàng chính toà thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Đức cha Phêrô Maria Khuất Văn Tạo được bổ nhiệm làm giám mục chính toà của giáo phận Hải Phòng. Đức cha đã cai quản giáo phận trong hơn 21 năm đầy gian khổ vì hầu hết các linh mục và giáo dân của giáo phận đã di cư vào Nam. Ngài mất ngày 18-8-1977. Hai năm sau (1979), giáo phận mới có Đức cha Giuse Maria Nguyễn Tùng Cương thụ phong giám mục 18-2-1979 lên thay, ngài nhận giáo phận 24-2-1979. Ngài đã trùng tu Toà giám mục, nhà thờ chính toà và kiến tạo hơn 100 nhà thờ xuống cấp ở các giáo xứ và họ đạo, đào tạo và truyền chức cho hơn 20 linh mục. Ngài qua đời ngày 10-3-1999. Trong thời gian giáo phận trống toà, Hội đồng Tư vấn Quản trị giáo phận, đứng đầu là linh mục niên trưởng Laurensô Phạm Hân Quynh. Linh mục Đa Minh Nguyễn Chấn Hưng làm Giám quản giáo phận cho đến ngày Đức Thánh Cha bổ nhiệm giám mục Giuse Vũ Văn Thiên làm giám mục chính toà, 26-11-2002.
2. Giáo phận Bắc Ninh
Bắc Ninh là cái nôi xứ Kinh Bắc xưa. Nhắc tới Bắc Ninh, chúng ta thường nghĩ ngay tới làn điệu dân ca Quan họ – di sản văn hóa dân gian Việt Nam và cũng là di sản văn hóa của nhân loại. Sông núi Bắc Ninh gắn liền với bao trang sử oai hùng dựng và giữ nước, như: Sóc Sơn gắn với sự tích Thánh Gióng; Lục Đầu Giang gắn với các chiến công hiển hách của nhà Trần; hay sông Như Nguyệt còn vang mãi bản tuyên ngôn bất hủ của Lý Thường Kiệt, “Nam quốc Sơn Hà, Nam đế cư“…
Trước khi được thành lập năm 1883, giáo phận Bắc Ninh là một phần của giáo phận Đông Đàng Ngoài. Năm 1924, giáo phận được đổi tên thành Giáo phận Bắc Ninh như ngày nay.
Trong lịch sử hơn 100 năm của mình, giáo phận Bắc Ninh đã trải qua biết bao cam go, thử thách, thậm chí phải đổ cả máu đào ra để làm chứng và bảo vệ Đức tin, với những tấm gương hy sinh lẫm liệt của cụ trùm Giuse Hoàng Lương Cảnh, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Tự,…. hay 100 vị đầu mục cùng chịu tử đạo 1 ngày. Máu của cha ông tổ tiên đổ ra đã không trở nên vô ích, mà làm cho hạt giống Tin Mừng được sinh hoa kết trái, và là nền móng vững chắc của giáo phận Bắc Ninh.
Cánh đồng truyền giáo của giáo phận Bắc Ninh hiện nay trải dài trên 24.600 km2, nằm trọn vẹn trên 5 tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc cùng một số huyện, xã của các tỉnh lân cận như Hà Nội, Tuyên Quang, Hưng Yên, Hải Dương, Lạng Sơn và Phú Thọ. Số tín hữu Công giáo hơn 131 ngàn người, sinh hoạt trong 81 giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt và 102 linh mục (cả triều và dòng).
3. Giáo phận Bùi Chu
Bùi Chu là mảnh đất được diễm phúc đón nhận hạt giống Tin Mừng đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 3/1533, khi giáo sĩ Inikhu, đặt bước chân truyền giáo lên vùng ven biển thuộc huyện Giao Thuỷ ngày nay. Sự kiện này đã ghi đậm một dấu mốc trong lịch sử của Giáo Hội Việt Nam. Bùi Chu còn thêm vào trang sử hào hùng của Giáo Hội Việt Nam với 44 vị thánh tử đạo Việt Nam đã được tuyên phong và khoảng 16.500 vị anh hùng đã can đảm chấp nhận cái chết vì Đức Tin.
Trước khi được tách ra từ giáo phận Đông Đàng Ngoài để thiết lập giáo phận Trung Đàng Ngoài (năm 1848), Toà giám mục giáo phận Đông thường được đặt tại Bùi Chu.
Giáo phận Bùi Chu ngày nay nằm gọn trong tỉnh Nam Ðịnh, bao gồm sáu huyện của tỉnh Nam Định và một số xã phường của thành phố Nam Ðịnh. Tuy là giáo phận nhỏ nhất Việt Nam, với diện tích khoảng 1.350 km2, nhưng giáo phận Bùi Chu lại có số lượng cũng như mật độ tín hữu khá cao gồm khoảng 398 ngàn người, chiếm 20,4% tổng dân số trên địa bàn giáo phận, với 13 giáo hạt và 176 giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu và 235 thành viên linh mục đoàn.
Có lẽ, ít nơi nào trên đất nước Việt Nam mà các thánh đường Công giáo lại tập trung với mật độ dày đặc như ở Bùi Chu, với vô vàn nhà thờ có kiến trúc đẹp và ấn tượng không thua kém gì những thánh đường bên Âu châu, nổi bật có Đền thánh Phú Nhai – một trong số ít các Vương cung thánh đường tại Việt Nam; Nhà thờ Chính tòa Bùi Chu là một trong những nhà thờ nổi tiếng và lâu năm nhất nhì Việt Nam. Nam Định cũng là vùng đất có bề dày văn hóa, tôn giáo với các đền chùa, miếu phủ: chùa Phổ Minh, chùa Cổ Lễ, phủ Dày… và các danh lam thắng cảnh, điểm du lịch nổi tiếng: bãi biển Thịnh Long, vườn quốc gia Xuân Thủy… Hãy tới với Bùi Chu trong kỳ đại hội Giới trẻ giáo tỉnh lần thứ 17, để cùng cảm nhận về đất và người nơi đây.
4. Tổng giáo phận Hà Nội
Lịch sử Tổng Giáo phận Hà Nội đã trải qua gần 400 năm hình thành và phát triển, với dấu mốc đầu tiên vào năm 1627, khi hai cha Marques và Ðắc Lộ bắt đầu tới truyền giáo tại đất Thăng Long. Năm 1679, giáo phận Tây Đàng Ngoài được tách ra từ giáo phận Đàng Ngoài, và từ ngày 24/11/1960, với quyết định của Tòa Thánh thành lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam, giáo phận tông tòa Hà Nội chính thức được nâng lên Tổng giáo phận chính tòa.
Tổng Giáo phận Hà Nội phần lớn nằm trên địa bàn thành phố Hà Nội và một phần trên địa bàn các tỉnh: Hà Nam, Nam Ðịnh và Hòa Bình, với diện tích khoảng 7.000 km2 có hơn 315 ngàn tín hữu, đang được coi sóc bởi Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Đức cha phụ tá Laurensô Chu Văn Minh.
Đến với Tổng giáo phận Hà Nội chúng ta được chứng kiến nhiều ngôi thánh đường cổ kính như: nhà thờ Lớn Hà Nội – công trình mang đậm nét đặc trưng của kiến trúc Gothic châu Âu, xây dựng 1883; trung tâm hành hương Sở Kiện – nơi có Vương cung thánh đường, nguyên là nhà thờ Chính tòa và là Tòa giám mục của giáo phận Đàng Ngoài, hiện còn lưu giữ nhiều chứng tích của các nhà thừa sai truyền giáo, các vị anh hùng tử đạo.
Hà Nội cũng nổi danh với những địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa của dân tộc, như: Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Chùa Một Cột, hoàng thành Thăng Long … cùng những công trình kiến trúc mới được xây dựng tạo cho Hà Thành một vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hiện đại.
5. Giáo phận Hưng Hóa
Giáo phận Hưng Hóa là giáo phận có diện tích lớn nhất trong 26 giáo phận ở Việt Nam, với tổng diện tích 54.352 km2, trải rộng trên 9 tỉnh tây bắc Việt Nam. Thành lập năm 1895 với tên gọi giáo phận Thượng Đàng Ngoài, hay còn gọi là giáo phận Đoài, đến ngày 03/12/1924, giáo phận được đổi tên là Hưng Hóa.
Hiện nay giáo phận Hưng Hóa có hơn 235 ngàn giáo dân, chiếm 3,9% dân số, phân bố trên 570 họ đạo thuộc 115 giáo xứ. Với nỗ lực làm cho giáo phận có được sức sống mới, các vị mục tử của giáo phận là Đức cha Gioan Maria Vũ Tất và Đức cha phụ tá Anphong Nguyễn Hữu Long luôn mời gọi toàn thể giáo dân, cộng đồng hợp tác tích cực, nỗ lực xây dựng ngôi nhà đức tin vững mạnh, một cộng đoàn phụng vụ sốt sắng, một cộng đoàn bác ái yêu thương, để tất cả làm nên sức sống mạnh mẽ, hăng say loan báo Tin mừng trên cánh đồng truyền giáo bao la.
Bên cạnh vẻ đẹp sáng ngời của đức tin với nhiều vị chứng nhân tử đạo, giáo phận Hưng Hóa còn khoác trên mình vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, với núi non trùng điệp, những rừng cây rậm rịt. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh với đỉnh Fanxipan huyền thoại, cao nguyên Bắc Hà mây sương phủ bốn mùa, cùng các di tích như Đền Hùng Phú Thọ mảnh đất tiên tổ của người Việt, thành cổ Sơn Tây…