1. Cuộc chiến giành giật mạng sống cho bé Charlie Gard với những khúc quanh đầy bất ngờ
Báo chí tại Anh hôm thứ Năm 13 tháng Bẩy cho rằng bố mẹ của Charlie Gard có thể bị truy tố về tội “khinh mạn toà án” sau khi hai người nóng giận to tiếng với quan tòa và đùng đùng ra về bỏ ngang phiên tòa.
Hai tiếng đồng hồ điều trần tại tòa án với các câu hỏi được lặp đi lặp lại của Thẩm phán Nicholas Francis đã khiến cho bầu không khí càng lúc càng căng thẳng. Đến một lúc, mẹ của Charlie, là cô Connie Yates, đã mất bình tĩnh và hét vào mặt quan tòa Nicholas Francis:
“Chúng tôi đã nói nhiều lần rằng con chúng tôi không đau đớn gì cả. Nếu nó đau như mấy người nói, chúng tôi đã không có mặt ở đây chiến đấu với mấy người.”
Anh chồng Chris Gard, bực tức giằn mạnh cốc nước của mình xuống, và hai vợ chồng rời phòng xử án, vừa đi vừa chửi toáng lên.
Bé Charlie bị một dạng bệnh mitochondrial rất hiếm dẫn đến sự suy giảm cơ bắp và tổn thương não. Bất chấp lời cầu xin của Đức Thánh Cha Phanxicô, và của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, cũng như các nỗ lực ngoại giao trên thế giới nhằm tiếp tục các cuộc điều trị thử nghiệm cho bé Charlie Gard, một loạt các thẩm phán đã ủng hộ các chuyên gia tại bệnh viện Greater Ormond Street cho rằng việc điều trị cho bé Charlie sẽ không có kết quả mà chỉ gây thêm đau đớn cho đứa trẻ. Họ cho rằng đứa bé nên được “chết êm dịu”.
Nhiều người lo ngại rằng cha mẹ của cháu bé phen này sẽ rắc rối to vì tội “khinh mạn toà án”.
Tuy nhiên, hôm thứ Sáu, gió có vẻ đã đổi chiều, một thẩm phán Tòa án Tối cao ở Anh đã phán quyết rằng một chuyên gia người Mỹ được phép khám cho bé Charlie, và đưa ra ý kiến xem liệu đứa trẻ có nên được đưa sang Mỹ điều trị hay không.
Tiến sĩ Michio Hirano của Trung tâm Y tế Đại học Columbia, Hoa Kỳ sẽ kiểm tra Charlie Gard ngay tại Bệnh viện Greater Ormond Street ở London. Trước tòa, Tiến sĩ Hirano nói dựa vào kiến thức hiện tại của ông về vụ án, ông tin rằng có “từ 11% đến 56% cơ hội” liệu pháp của ông sẽ cải thiện tình trạng của cậu bé. Tiến sĩ Hirano cũng chứng thực rằng ông không thấy có chứng cứ gì là bé Charlie Gard đang đau đớn.
2. Đặc sứ của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi tôn trọng nhân phẩm của người cao niên
Cũng liên quan đến khía cạnh phò sinh, tại một cuộc họp trong tuần qua của Liên hiệp quốc về lão hoá, quan sát viên thường trực của Toà Thánh đã lên tiếng kêu gọi sự tôn trọng đối với những người cao niên.
Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza nói: “Khi dân số thế giới càng ngày càng trở nên già đi và con số người cao niên trên thế giới phát triển nhanh chóng, cả về số lượng thực tế và tỷ lệ phần trăm dân số thế giới, thì sự chú ý đến tuổi già và người cao niên phải được xem là một vấn đề quan trọng hơn. Cần phải xây dựng các biện pháp cụ thể và thực tế để bảo đảm rằng nhân quyền của người cao niên được bảo vệ và các nhu cầu của họ cần phải được giải quyết như là một ưu tiên hàng đầu”.
Đức Tổng Giám Mục than thở về nền văn hóa loại bỏ trong đó người già “bị bỏ rơi và bị lạm dụng. Bên cạnh đó xã hội không phân bổ những nguồn lực tài chính thích đáng cho việc chăm sóc họ, và ngày càng chấp nhận những biện pháp khác vào việc kết thúc sớm mạng sống của những người già để họ không trở thành gánh nặng cho xã hội”.
3. Các tín hữu Công Giáo Croatia lo ngại người Serb cản trở tiến tình tuyên thánh cho Chân Phước Hồng Y Aloysius Stepinac
Một ủy ban hỗn hợp Công Giáo và Chính Thống Giáo nhằm nghiên cứu cuộc đời của Chân Phước Hồng Y Aloysius Stepinac (1898-1960) đã tổ chức cuộc họp lần thứ sáu và cũng là cuộc họp cuối cùng của mình tại nhà trọ Sanctae Marthae trong hai ngày 12 và 13 tháng 7; mà không đi đến sự đồng thuận nào.
Diễn biến này khiến các tín hữu Công Giáo Croatia lo ngại rằng Chính Thống Giáo Nam Tư có thể gây cản trở cho tiến trình tuyên thánh cho vị Hồng Y được xem là anh hùng dân tộc Croatia.
Đức Hồng Y Stepinac sinh ngày 8 tháng 5 năm 1898. Ngài được thụ phong linh mục năm 1930. Chỉ một năm sau, ngài được bổ nhiệm làm trưởng ban nghi lễ Phụng Vụ của tổng giáo phận Zagreb và thành lập Caritas của tổng giáo phận này. Năm 1934, ngài được tấn phong Giám Mục Phó tổng giáo phận Zagreb. Khi Đức Tổng Giám Mục Antun Bauer qua đời vào tháng 12 năm 1937, Đức Cha Stepinac lên kế vị ngài.
Ngày 6 tháng Tư năm 1941, Đức Quốc Xã xâm lược Nam Tư và tách Croatia thành một quốc gia độc lập như trước khi bị sát nhập vào Nam Tư hồi tháng 12 năm 1918. Là con dân của tổ quốc Croatia, Đức Cha Stepinac hoan nghênh bước tiến này. Tuy nhiên, ngay sau đó, ngài không ngừng lên án tội ác của Đức Quốc Xã đối với người Do Thái và người Serb. Ngài được viện Yad Vashem của Do Thái vinh danh là người Công Chính Giữa Các Dân Nước vì đã tích cực giúp người Do Thái và những người khác trốn thoát khỏi tay Đức Quốc Xã. Năm 1943, ngay trước Vương Cung Thánh Đường Zagreb, ngài công khai lên án tội ác của chính quyền bù nhìn.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ Hai, cộng sản Nam Tư do Titô lãnh đạo lên nắm quyền và tái sát nhập Croatia vào liên bang Nam Tư như trước đây. Đức Cha Stepinac không ngừng lên án cộng sản trước diễn biến này và những hành vi tàn ác của cộng sản, đặc biệt là chiến dịch thủ tiêu các linh mục Công Giáo.
Đức Cha Stepinac bị cộng sản bắt ngày 18 tháng 9 năm 1946 và bị đưa ra tòa một tháng sau đó, cụ thể là vào ngày 30 tháng 9 năm 1946. Ngài bị cáo buộc tội phản quốc và trong âm mưu dành hậu thuẫn của người Chính Thống Giáo Serb, cộng sản cũng kết án ngài tội cưỡng bức cải đạo những người Chính Thống Giáo mà ngài cứu thoát trong thế chiến thứ hai. Ngài bị kết án 16 năm tù. Dưới áp lực quốc tế, sau 5 năm bị giam, ngài được về nhà nhưng bị quản thúc tại gia. Ngài được Đức Thánh Cha Piô thứ Mười Hai tấn phong Hồng Y vào năm 1952 nhưng không thể sang Rôma. Ngày 10 tháng Hai năm 1960, ngài qua đời trong tình trạng bị quản thúc.
Ngài được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tuyên phong chân phước vào năm 1988.
Những lo ngại về sự chậm trễ trong án tuyên thánh cho Đức Hồng Y Stepinac đã phát sinh tại Croatia sau khi Đức Thánh Cha Phanxicô đồng ý thành lập một ủy ban chung của Công Giáo và Chính thống Serbia, để điều tra các khiếu nại về cáo buộc cho rằng ngài đã cưỡng bức cải đạo những người Chính Thống Giáo.
4. Tuyên bố của ủy ban hỗn hợp Công Giáo và Chính Thống Giáo nhằm nghiên cứu cuộc đời của Chân Phước Hồng Y Aloysius Stepinac
Trong một tuyên bố chung được công bố hôm 13 tháng 7, các thành viên của ủy ban hỗn hợp Công Giáo và Chính Thống Giáo nhằm nghiên cứu cuộc đời của Chân Phước Hồng Y Aloysius Stepinac đã bày tỏ lòng biết ơn đối với “sự quảng đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, “bầu khí thân mật” và “tự do ngôn luận” trong các cuộc thảo luận của họ.
Ủy ban hỗn hợp được thành lập vào năm 2016 để nghiên cứu các vấn nạn liên quan đến cuộc đời Đức Hồng Y Stepinac trong và ngay sau Thế chiến Thứ II, cũng như các mối quan hệ của ngài với các nhóm dân tộc chủ nghĩa Croatia.
Đức Hồng Y được coi là một kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản. Ngài bị cộng sản Nam Tư kết án phản quốc trong một phiên tòa nhằm giằn mặt người dân Croatia và bị kết án 16 năm tù. Ngài cũng bị cộng sản Nam Tư cáo buộc là đã cưỡng bức cải đạo những người Chính Thống Giáo được ngài cứu thoát khỏi tay Quốc Xã Đức.
Ngài đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong Chân Phước năm 1998.
Cha Bernard Ardura, chủ tịch của Ủy ban Giáo hoàng về Khoa học Lịch sử, đã chủ trì các cuộc họp bao gồm phần lớn là các giám mục Công Giáo và Chính thống.
Tuyên bố của ủy ban thừa nhận những bất đồng không thể vượt qua được giữa các thành viên Chính Thống Giáo và Công Giáo. Các sự kiện, các quan điểm, những bài nói chuyện, những bài viết, và cả sự im lặng của Đức Hồng Y đã được giải thích theo nhiều cách khác nhau.
Ủy ban nhìn nhận rằng quyết định tuyên thánh cho Đức Hồng Y Stepinac giờ đây tùy thuộc hoàn toàn vào Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, bất kể ngài quyết định ra sao các thành viên cũng bày tỏ lòng biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô đã cho họ có cơ hội bày tỏ những suy nghĩ của mình một cách thẳng thắn.
5. Kitô hữu Ai Cập giảm bớt các hoạt động công cộng vì lý do an ninh
Các Kitô hữu Coptic ở Ai Cập đã thu hẹp các sự kiện công cộng sau khi được chính quyền cảnh báo về những cuộc tấn công do các nhóm cực đoan Hồi giáo hoạch định.
Các nhà lãnh đạo Kitô giáo đã sửa đổi các kế hoạch mục vụ mùa hè sau một cuộc họp với quân đội Ai Cập và các quan chức an ninh. Tại cuộc họp đó, các quan chức chính phủ đã thảo luận kế hoạch thiết lập an ninh tại các nhà thờ và các cơ sở khác trong các kỳ lễ lớn.
Phát ngôn viên của Công Giáo Coptic nói với thông tấn xã AsiaNews rằng các viên chức chính phủ “đã thông báo cho chúng tôi việc họ phát hiện ra các kế hoạch tấn công.”
Đứng trước những vấn đề nghiêm trọng như thế, các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã hoãn kế hoạch tổ chức các hội nghị và các chương trình mục vụ hè. Các buổi thờ phượng thường lệ sẽ được tổ chức như bình thường.
Giáo Hội Chính Thống Coptic đã có những điều chỉnh tương tự.
6. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Coptic bảo đảm 5% công việc của Giáo Hội được dành cho các Kitô hữu khuyết tật
Đức Thượng Phụ Tawadros II, là Thượng Phụ Chính Thống Giáo Coptic, đã hứa rằng 5% tất cả công việc của Giáo Hội sẽ được dành cho các Kitô hữu khuyết tật.
Chính sách mới này được áp dụng cho các trường học Coptic, các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và các tổ chức khác của Giáo Hội.
Do chính sách phân biệt đối xử với các tín hữu Kitô, tình trạng sinh sống của các Kitô hữu Coptic rất bấp bênh. Tình trạng của các Kitô hữu khuyết tật còn bi thảm hơn.
Chữ “Coptic” là tiếng Hy Lạp xưa có nghĩa là “Ai Cập”. Những người Coptic ngày nay là dòng dõi người Ai Cập đã được đề cập trong bài trích sách Xuất Hành khi ông Mosê đưa con cái Israel vượt qua Biển Đỏ. Trong tổng số 95 triệu dân Ai Cập ngày nay, họ chiếm 10%. 90% còn lại là những người ngoại bang, tức là những người Ả rập tràn vào Ai Cập theo cơn lũ của những cuộc thánh chiến Hồi Giáo do Muhammad gây ra.
Năm 1952, theo sau cuộc cách mạng Ai Cập nhằm xóa bỏ chế độ thực dân của Anh, người Coptic, đa số theo Chính Thống Giáo và Công Giáo bị coi là công dân hạng hai, và ở nhiều vùng nông thôn, họ bị đuổi tận giết tuyệt. Hàng mấy thập niên sau cuộc cách mạng 1952, người ta vẫn còn phải chứng kiến những cuộc di cư khổng lồ của người Coptic ra nước ngoài để tránh bị diệt chủng. Bên cạnh hơn 9 triệu người Coptic vẫn còn sống bên trong lãnh thổ Ai Cập còn có khoảng 2 triệu người Coptic sinh sống tại hải ngoại.
7. Chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Ấn Độ được dự kiến vào cuối năm 2017 hoặc có thể phải dời lại vào đầu năm 2018
Phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ấn Độ cho biết kế hoạch cho chuyến tông du Ấn Độ đang được ráo riết hoạch định.
Hôm 2 tháng 10 năm ngoái 2016, Đức Thánh Cha nói gần như chắc chắn ngài sẽ thực hiện chuyến tông du tới Ấn Độ và Bangladesh vào năm 2017 trong chuyến đi đến Châu Á từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 2 tháng 12.
Đức Giám Mục Theodore Mascarenhas, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Ấn Độ, nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng cuộc viếng thăm sẽ diễn ra, chậm nhất vào đầu năm tới, nếu sớm hơn thì càng hay. Các quan chức tại Vatican và tại New Delhi đang cố gắng tìm ra một thời biểu thích hợp cho chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng có thể đáp ứng được cả những yêu cầu của Đức Thánh Cha lẫn Thủ tướng Narendra Modi.”
Thủ tướng Narendra Modi, là một lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan, đã được bầu làm thủ tướng từ tháng 5 năm 2014 đến nay. Giáo Hội tại quốc gia này đã và đang trải qua một thời kỳ rất khó khăn dưới thời của Modi. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại quốc gia này cuối cùng có thực hiện được hay không vẫn còn là một điều không ai dám khẳng định.
8. Đức Thượng Phụ Babylon khuyên các tín hữu Kitô Iraq tị nạn hãy quay về Mosul
“Hãy trở về nhà trước khi những người khác chiếm lấy đất đai, nhà cửa của anh chị em,” nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Chanđê đã nói như trên trong lời kêu gọi các Kitô hữu tị nạn Iraq, sau khi Mosul được hoàn toàn giải phóng.
Diễn biến này đã xảy ra sau khi có những báo cáo từ thành phố Erbil cho thấy không có bao nhiêu những gia đình Iraq đang tị nạn tại thành phố này có ý hướng muốn quay về Mosul, ít nhất là trong tương lai gần.
Đức Hồng Y Louis Raphel Sako, là Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê nhận xét rằng: “Đây là lúc để lấy lại đất đai của bố mẹ chúng ta và tổ tiên của chúng ta, bản sắc, lịch sử và di sản của chúng. Tôi xin anh chị em đừng lãng phí thời gian chờ đợi, hãy nhanh chóng lấy lại quyền sở hữu đất đai của chúng ta trước khi những người khác chiếm mất.”
Trong khi thừa nhận rằng “con đường tiến đến việc tiêu diệt hoàn toàn quân khủng bố Hồi Giáo IS trong khu vực vẫn còn rất xa và đầy khó khăn;”, Đức Hồng Y nói “chúng ta vẫn có thể xây dựng lại những gì đã bị phá hủy để hướng đến một tương lai hòa bình, an ninh và ổn định.”
Trong tổng số 38,100,000 dân Iraq; người Hồi Giáo chiếm đến 99% dân số; trong đó 59% theo Hồi Giáo Shiite; 40% theo Hồi Giáo Sunni. Tuy nhiên, tại Mosul người Hồi Giáo Sunni chiếm đa số. Sau khi tổng thống Saddam Hussein, một người Hồi Giáo Sunni, bị Hoa Kỳ lật đổ vào tháng Tư năm 2003, người Hồi Giáo Sunni tại Mosul thường không coi chính quyền Baghdad, với đa số các thành viên theo Hồi Giáo Shiite là những người đại diện cho mình.
Theo ước lượng của lực lượng cảnh sát liên bang Iraq, là một trong các lực lượng tinh nhuệ tham chiến tại Mosul và đang điều hành việc vãn hồi an ninh tại thành phố này, ít nhất 15% dân số Mosul đã theo bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Một số lớn vẫn chưa bị bắt. Do đó, các tín hữu Kitô vẫn lo ngại chưa dám quay về cố hương.
9. Các nhà lãnh đạo người Kurd hứa tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các tín hữu Kitô trong vùng bình nguyên Ninivê
Chủ tịch khu vực tự trị Kurdistan Iraq, là ông Masud Barzani, đã hứa rằng nếu người Kurd giành được độc lập, chính phủ Kurd sẽ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các Kitô hữu sống trong vùng bình nguyên Nineveh.
Trong chuyến công du châu Âu để tìm kiếm sự ủng hộ cho nền độc lập của người Kurd, ông nói rằng châu Âu nên ủng hộ bước tiến này như một cách để chuộc lại “tất cả những lỗi lầm đối với người Kurd” trong chiến tranh thế giới thứ nhất.
Ông Barzani đã xây dựng kế hoạch trưng cầu dân ý ở Kurdistan như là bước đầu tiên để giành độc lập từ tay người Iraq.
Quân Kurd đã giúp Iraq giành lại được các lãnh thổ từ tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS. Tuy nhiên, Iraq có lẽ sẽ không để cho Erbil và vùng bình nguyên Niniveh được độc lập.
10. Giám Mục Anh than thở về việc chính phủ cắt giảm trợ giúp cho Giáo Hội trong việc bảo tồn các di tích lịch sử
Chủ tịch Uỷ ban Di sản của Hội đồng Giám mục Anh Quốc và Xứ Wales than phiền về việc chính phủ đã cắt giảm một khoản tiền đáng kể dành cho việc bảo tồn các nhà thờ được chính phủ liệt kê vào hàng di sản lịch sử quốc gia. Số tiền này thường được trích từ doanh thu của các hoạt động xổ số.
Trong thông cáo báo chí của Hội Đồng Giám Mục Anh và xứ Wales, Đức Tổng Giám mục George Stack của tổng giáo phận Cardiff nói: “Các nhà thờ bây giờ sẽ phải cạnh tranh với các viện bảo tàng và các điểm du lịch khác để kiếm ra các ngân khoản trùng tu. Đó là một viễn cảnh bất tương xứng thực sự giữa David và Goliath”
Thông cáo cũng lưu ý rằng các tiêu chuẩn được thông qua liên quan đến số nhà thờ được trợ cấp, số du khách và số tiền được thụ hưởng là đầy thiên vị; cụ thể là dành nhiều ưu tiên cho các nhà thờ Anh Giáo; trong khi một số lớn các nhà thờ Anh Giáo này không còn là nhà thờ nữa nhưng đã được dỡ bỏ các ghế băng để trở thành các cơ sở đa năng.
Đức Cha George Stack nói thêm: “Quốc gia chúng ta cần phải có các không gian thiêng liêng, nghĩa là không gian dành riêng cho việc thờ phượng, chứ không phải là thương mại, dịch vụ ăn uống hay giải trí. Những người có đức tin, và cả những người không có niềm tin tôn giáo đều có thể bước vào các nhà thờ Công Giáo và cảm nhận được một sự trầm lắng, thanh thản và sự thẩm mỹ. Đó là một lợi ích công cộng đang bị lãng quên.”
11. Các giám mục Phi Luật Tân nhấn mạnh rằng cuộc chiến chống bọn khủng bố Hồi Giáo IS tại Marawi không phải là một cuộc xung đột tôn giáo
Các Giám Mục Phi Luật Tân nói rằng cuộc chiến chống nhóm khủng bố IS Maute không phải là một cuộc chiến chống Hồi Giáo.
Tháng Năm vừa qua quân khủng bố Hồi Giáo IS đã tấn công vào thành phố Marawi, đốt cháy các nhà thờ Kitô Giáo, đập phá tượng Chúa và Đức Mẹ; và bắt các các tín hữu Kitô làm con tin. Tổng thống Roberto Duterte đã cố ý kéo dài cuộc chiến giải phóng thành phố Marawi, ban bố tình trạng thiết quân luật để thủ đắc thời cơ đàn áp các chính trị gia đối lập. Tình trạng nhập nhằng kéo dài và những câu chuyện dã man của khủng bố Hồi Giáo tạo ra một tình trạng căng thẳng giữa các tín hữu Kitô và những người Hồi Giáo.
Tuyên bố của các Giám Mục, đưa ra hôm 10 tháng 7, viết: “Chúng tôi tin rằng cuộc chiến tại Marawi không phải là cuộc chiến tôn giáo. Chúng ta đã nghe và đọc những câu chuyện thực sự tuyệt vời về cách thức những người Hồi giáo đã bảo vệ và giúp đỡ các Kitô hữu thoát khỏi cái chết gần kề”.
Các giám mục nói thêm:
“Ngay cả bây giờ các Kitô hữu cũng đang hỗ trợ hàng ngàn người Hồi giáo đã chạy thoát khỏi Marawi. Đây là những dấu hiệu không thể tranh cãi rằng cuộc chiến này không phải là cuộc chiến tranh tôn giáo.”
“Là các nhà lãnh đạo Công Giáo, cùng với các học giả Hồi giáo ở Mindanao, chúng tôi lên án một cách mạnh mẽ nhất nhóm Maute cực đoan bạo lực ở Marawi. Chúng tôi khẳng định rằng nhóm lãnh đạo và các thành viên IS hoàn toàn mâu thuẫn với các nguyên lý cơ bản của Hồi giáo khi bắt cóc, làm bị thương và giết hại những người vô tội.”
12. Quan chức Yemen xác nhận: linh mục Ấn Độ bị bắt cóc vẫn còn sống
Cha Tom Uzhunnalil, linh mục Ấn Độ bị bắt cóc ở Yemen vào tháng 3 năm 2016, vẫn còn sống, Ngoại trưởng Yemen đã tuyên bố như trên.
Ông Abdulmalik Abduljalil al Mekhlafi, Ngoại trưởng Yemen, nói rằng chính phủ của ông đang làm việc tích cực để giải phóng thích cho cha Tom từ những kẻ bắt cóc, là những tên được cho là có liên hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Tháng 5 vừa qua, một video do bọn bắt cóc đưa ra cho thấy cha Uzhunnalil cầu xin giúp đỡ, và ngài nói rằng ngài cần được chăm sóc y tế vì tình trạng sức khoẻ ngày càng suy sụp.
13. Các giám mục Venezuela đưa ra một “thông điệp khẩn cấp” về tình trạng đàn áp ngày càng gia tăng của Maduro
Các giám mục Venezuela đã công bố một “thông điệp khẩn cấp” hôm 12 tháng 7 trong đó các ngài lên án sự gia tăng đàn áp khốc liệt những người đối lập của Tổng thống Nicolás Maduro.
Các giám mục đã trích dẫn các bản án trái pháp luật trước tòa án quân sự, những cáo buộc rằng quân đội và cảnh sát nước này đã tra tấn, và giam cầm các tù nhân chính trị trong các cơ sở quân sự và nhà tù với các biện pháp an ninh tối đa.
Liên quan đến Quốc hội nước này, trong đó đảng đối lập chiếm đa số, và đã bị Maduro vô hiệu hóa, các vị giám mục đã bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về kế hoạch của chế độ muốn triệu tập một Quốc Hội lập hiến để soạn thảo một hiến pháp mới nhằm kéo dài chế độ độc tài Maduro.
14. Tờ Quan Sát Viên Rôma than phiền tổng thống Pháp không giúp đỡ người di cư
Một bài báo trên trang nhất của tờ Quan Sát Viên Rôma số ra ngày 14 tháng 7 đã chỉ trích Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vì không giúp gì thêm cho Italia trong việc giúp đỡ những người di dân Libya.
Tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết chỉ riêng ngày hôm trước, Italia đã giải cứu 4,100 người ngoài khơi bờ biển Libya. Trước gánh nặng chăm sóc cho người di cư của Italia, tờ báo than phiền rằng nước Pháp “chỉ đưa ra một tình đoàn kết trên đầu môi chót lưỡi”.
15. Đức Giáo Hoàng sẽ phong chân phước cho hai vị người Colombia
Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ phong chân phước cho hai vị tử đạo trong chuyến tông du tới Colombia.
Vị thứ nhất là Đức Cha Jesús Emilio Jaramillo Monsalve sinh năm 1916 và qua đời năm 1989 đã bị bắt cóc, bị tra tấn, và giết chết bởi các phiến quân Marxist-Leninist ELN, thường tự mệnh danh là Quân Giải phóng Quốc gia Colombia.
Vị thứ hai là cha Pedro Ramirez Ramos sinh năm 1899 và qua đời năm 1948. Ngài bị những người ủng hộ một ứng cử viên tổng thống ám sát.
Lễ phong chân phước sẽ diễn ra trong Thánh Lễ ngoài trời vào ngày 8 tháng 9 tại Villavicencio.
16. Sự hiện diện của Đức Thánh Cha sẽ kích hoạt một “cuộc cách mạng tình cảm” tại Chilê
Một linh mục người Chilê đang giúp tổ chức chuyến tông du lần thứ sáu của Đức Thánh Cha ở Chile và Peru vào tháng Giêng năm tới 2018 tin rằng sự hiện diện của Đức Thánh Cha tại quốc gia này sẽ gây ra một cuộc cách mạng tình cảm trong một xã hội bị xâu xé.
Cha Felipe Herrera Espaliat, người được giao nhiệm vụ tổ chức các khía cạnh truyền thông của chuyến tông du, nói: “Chúng tôi hy vọng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha sẽ là một cuộc cách mạng tình cảm, một cái ôm đằm thắm cho linh hồn bị thương tổn của Chilê.”
Cha Herrera nói thêm: “Chúng ta cần nhắc nhở nhau rằng tha nhân không phải là kẻ thù, ngay cả khi người ấy nghĩ khác chúng ta”.
Chuyến đi từ 15 đến 18 tháng Giêng của Đức Thánh Cha đến Chile sẽ bao gồm ba điểm dừng: thủ đô Santiago, thành phố Temuco, ở phía Nam; và sau đó là thành phố Iquique, ở phía Bắc.
Temuco là tâm điểm của một cuộc biểu tình kéo dài của người Mapuche. Một số người đã trở nên cực đoan, đốt cháy nhà thờ và tấn công các xe tải của các công ty lâm nghiệp.
Iquique, mặt khác, chỉ cách biên giới với Bolivia một khoảng cách bằng ném một hòn đá, và hai nước có một cuộc xung đột lâu đời về ranh giới trên biển. Tuy nhiên, theo cha Herrera, đây cũng là “thủ phủ của lòng đạo bình dân”. Đó cũng là một trong những điểm nhập cư ở Chile, của những người đến từ Colombia, Peru, Haiti, và Venezuela.