Giới thiệu tổng quát Huynh đoàn Đa Minh (3/8)

Bài 03 :
TINH THẦN VÀ ÐOÀN SỦNG DÒNG ÐA MINH

1. Người giáo dân và ơn gọi Dòng Ba
2. Về Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh
3. Tinh thần và Đoàn sủng Đa Minh
4. Các phương tiện sống ơn gọi Đa Minh
5. Việc huấn luyện Giáo dân Đa Minh
6. Hệ thống tổ chức và điều hành
7. Chức năng Vị Linh Hướng
8. Phụ lục : Huynh đoàn trong Giáo xứ

I. KHÁI NIỆM

Ðoàn sủng của một Dòng là ơn linh hứng của Chúa Thánh Thần ban cho Ðấng sáng lập và được Giáo hội chấp thuận. Dòng Ða Minh có danh hiệu chính thức là Dòng Anh Em Thuyết Giáo. Ðiều đó diễn tả đoàn sủng của Dòng là việc giảng thuyết.

hddm_03.jpg

II. ĐOÀN SỦNG DÒNG ÐA MINH

Như trên đã nói, trong khi làm công tác hoán cải những người lạc giáo tại miền Nam nước Pháp, thánh Ða Minh ước mong thành lập một Dòng trong Giáo Hội hoàn toàn dấn thân vào việc giảng dạy đạo lý Tin mừng cho tha nhân để họ khỏi bị lôi kéo vào con đường lầm lạc. Nên biết, vào thời thánh Ða Minh, quyền giảng thuyết thuộc về các Giám mục. Ngay cả các đan sĩ và các linh mục cũng chưa được quyền này. Nguyện vọng của Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Hô-nô-ri-ô III chấp thuận ngày 22.12.1216 với lời châu phê cho phép thành lập Dòng với mục đích “chuyên tâm tìm hiểu Lời Chúa và loan truyền danh Ðức Ki-tô, Chúa chúng ta, khắp thế giới.”. Bản Hiến pháp đầu tiên của Dòng, được Tổng Hội lần thứ nhất họp ở Bologna năm 1220 khẳng định đoàn sủng của Dòng với những lời sau: “Dòng được thiết lập một cách đặc biệt nhằm để giảng thuyết và cứu độ các linh hồn. Vì thế, hết mọi hoạt động của chúng ta cần phải nhắm tới mục đích: Mưu ích cho linh hồn tha nhân”.

III. GIA ÐÌNH ÐA MINH THỂ HIỆN ƠN ÐOÀN SỦNG

Ngay từ lúc sinh thời, thánh Ða Minh đã thúc đẩy các nữ tu (lúc đó là các nữ đan sĩ) tham gia vào việc giảng thuyết, bằng cách thiết lập nơi giảng thuyết ngay tại đan viện của họ [Trung tâm thánh thuyết hay Thánh thuyết cuộc]. Nhờ lời cầu nguyện của họ mà việc giảng dạy của anh em linh mục đạt nhiều hiệu quả. Ngài cũng còn khơi dậy hay cổ võ giáo dân hợp tác vào việc này để nhiều linh hồn được trở về với Chúa. Bản Luật Sống đầu tiên của Dòng Ba (1285) đã khuyến khích hội viên hãy trở nên “một người nhiệt thành bảo vệ chân lý đức tin Công giáo, theo cách thức riêng của mình”. Như vậy, ngay từ thế kỷ thứ XIII, người giáo dân Ða Minh đã được khuyến khích trở thành nhà giảng thuyết theo cách thức riêng của mình, nghĩa là thực hành ơn gọi của một người đã được lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Luật Sống của người giáo dân hiện nay trong các số 1, 4, 5, 9, 11, 12 luôn lập lại điều đó.

Việc “giảng thuyết” không chỉ có nghĩa giảng dạy Lời Chúa trong thánh lễ nhưng còn mở rộng đến việc nghiên cứu, dạy dỗ, khuyên lơn, giảng giải, răn bảo . và sống chứng nhân giữa đời qua việc phục vụ mọi người trong tinh thần bác ái yêu thương để làm cho trần gian thấm nhuần tinh thần Tin Mừng.

IV. KẾT LUẬN

Nếu từ sau Công Ðồng Vatican II, Giáo hội muốn nhấn mạnh đến việc rao giảng Tin Mừng là nghĩa vụ của tất cả các Ki-tô hữu (thực hiện chức năng ngôn sứ) thì người giáo dân Ða Minh đã coi đó là nghĩa vụ của mình từ lâu, bởi vì họ là phần tử của một Dòng đã được lập ra để giảng thuyết và cứu rỗi các linh hồn. Ðó là con đường mà Thánh Ða Minh, theo gót các thánh tông đồ đã từng ôm ấp và thực hiện trong lịch sử Giáo Hội từ bảy thế kỷ qua. Ðó cũng là con đường mà người giáo dân Ða Minh cũng được mời gọi cố gắng thực hiện, bởi vì đây là đoàn sủng mà họ được tham gia.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *