Đề nghị của một linh mục dòng Đa Minh về chăm sóc mục vụ và kỷ luật bí tích cho người ly dị và tái hôn được nhiều người ủng hộ

Những phản hồi đang đổ xô về Rôma từ khắp nơi trên thế giới để trả lời cho các câu hỏi chuẩn bị cho kỳ họp thứ hai và cuối cùng của Thượng Hội Đồng về gia đình, theo dự trù sẽ được tiến hành từ 4 đến 25 tháng 10 sắp tới.

Một ấn tượng phổ biến – đôi khi được cố tình khuếch đại thêm – về các cuộc thảo luận trước Thượng Hội Đồng là sự phân cực giữa hai thái độ cực đoan: một bên, là những vị muốn giới thiệu những thay đổi triệt để trong đạo lý và thực hành của hôn nhân Công Giáo, nới lỏng tính chất bất khả phân ly của hôn nhân và cho phép cuộc hôn nhân thứ hai trong một số trường hợp nhất định; và một bên, là những vị cương quyết trừng phạt thậm chí là với vạ tuyệt thông tiền kết những tín hữu nào vi phạm tín điều bất khả phân ly về hôn nhân.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô, trong diễn từ bế mạc phiên họp trước của Thượng Hội Đồng, đã chỉ trích cả hai hình thức cực đoan này.

Rõ ràng là Đức Thánh Cha muốn Giáo Hội tìm ra và chấp nhận một “con đường thứ ba” trong đó hoàn toàn trung thành với những điều Chúa Giêsu đã truyền về hôn nhân, và đồng thời tỏ lòng thương xót đối với những người đã vi phạm nó trong những hoàn cảnh nhất định.

Nhà thần học dòng Đa Minh Thomas Michelet, của khoa thần học của trường Đại Học Fribourg, Thụy Sĩ đã đưa ra một “con đường thứ ba”, đang được nhiều người chấp nhận.

Tạp chí mà Cha Michelet xuất bản luận văn của ngài là một tạp chí có uy tín. Đó là tờ “Nova & Vetera” được thành lập vào năm 1926 bởi thần học gia Thomist Charles Journet, người sau này đã được Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI tấn phong Hồng Y vào năm 1965. Sau đó, tạp chí này được một nhà thần học và Hồng Y khác trực tiếp điều hành. Đó là Đức Hồng Y Georges Cottier, người Thụy Sĩ và cũng thuộc dòng Ða Minh. Kể từ năm 2002, “Nova & Vetera” đã có một phiên bản bằng tiếng Anh, và được xuất bản tại Hoa Kỳ.

Đề nghị của cha Michelet là thiết lập một “ordo paenitentium” (Nghi Thức Thống Hối) cho những ai thấy mình đang trong tình trạng xa cách lề luật Chúa – nhưng chưa thể dứt bỏ hoàn toàn tình trạng tội lỗi của mình – có thể thực hiện một cuộc hành trình hoán cải có thể kéo dài trong nhiều năm hoặc thậm chí cả đời, nhưng luôn luôn có một bối cảnh mang tính Giáo Hội, phụng vụ và bí tích đồng hành với họ trong cuộc “hành hương” này. Cần phải nói ngay rằng họ không được rước lễ – như đề nghị của Đức Hồng Y Walter Kasper – nhưng các hối nhân sẽ không thấy mình bị loại trừ khỏi đời sống bí tích, vì cuộc hành trình hoán cải tự nó sẽ là một nguồn ân sủng và bí tích.

Từ thế kỷ thứ Tư, một nghi thức thống hối phổ biến đã được áp dụng trong Giáo Hội theo đó những ai phạm vào những tội lỗi nghiêm trọng cần phải xưng thú tội lỗi mình với một Giám Mục hay vị đại diện của ngài. Hối nhân sẽ được giao việc đền tội được thực hiện trong một khoảng thời gian, chẳng hạn như đi hành hương, làm các việc thiện nguyện, phục vụ công ích, săn sóc người nghèo.. Khi đã làm xong việc đền tội, Đức Giám Mục bản quyền sẽ ban phép xá giải trước khi họ được đón nhận trở lại vào cộng đoàn. Đề nghị của cha Michelet phỏng theo hình thức thống hối này dưới một hình thức sáng tạo cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay.

Toàn văn bài viết của cha Michelet có thể đọc tại đây: http://chiesa.espresso.repubblica.it/articolo/1351041?eng=y

 

(Đặng Tự Do, VCN 02.05.2015)