26 Tháng Tám Thánh Giuse Calasan (1556 -1648)
Ngày 26 tháng 8 Chân phước Gia-cô-bê Bê-va-nha Linh mục (1220-1301)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu
1 Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng : 2 “Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. 3 Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. 4 Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. 5 Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. 6 Họ ưa ngồi chỗ danh dự trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, 7 thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được người ta gọi là thầy.
8 “Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là thầy, vì anh em chỉ có một Thầy ; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. 9 Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. 10 Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người chỉ đạo, vì anh em chỉ có một vị chỉ đạo, là Đấng Ki-tô. 11 Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. 12 Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.”
Trong một tổ chức bất kỳ hay một đất nước nào, ắc phải có người đứng đầu và hiển nhiên tiếng nói của người lãnh đạo sẽ được mọi người tôn trọng và lắm khi nó trở thành tiếng nói của thần quyền. Cái gì làm nên tiếng nói này có giá trị như thế, thưa chính là chữ Tín trong cuộc đời lãnh đạo này.
Đối với học thuyết Khổng giáo, cụ thể trong tác phẩm “Luận ngữ”, điều quan trọng đối với Khổng tử là năm quy tắc bất biến: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Khổng Tử nói: “Vô tín nhi bất lập”, ý nói rằng, người mà không giữ chữ tín thì sao có chỗ sinh tồn, chỗ đứng trên thế gian này đây? Cũng có người nói, chữ tín là sinh mệnh thứ hai của con người. Câu nói này kỳ thực cũng rất có đạo lý. Thật vậy đã hứa thì phải giữ, đã nói thì phải làm, không như con vẹt, con két…
Tin mừng ngày hôm nay Chúa Giêsu cảnh tỉnh các môn đệ và những người Do Thái bấy giờ trước hiện trạng các kinh sư và người Phariseu nói mà không làm, từ đó Người đưa ra một kết luận đừng thần thánh hóa một ai, và ngay cả bản thân mình.
Thật thế theo truyền thống hội đường Do-thái, Luật gồm 613 điều răn trong đó 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm. Luật nhiều đến nổi không nhớ hết, như một đám rừng, với nhiều sợi dây luật chằng chịt. Đến nổi các kinh sư phải đeo những hột kinh, mà nơi những hột kinh này phải đựng các lời trọng yếu của luật, họ cột vào tay và trán để nhớ. Hay họ mặc nhưng tua áo thật dài, để nhắc nhớ mình thuộc đoàn dân thánh. Tất cả các biện pháp người do thái làm, cụ thể là các kinh sư làm điều là tốt, nhưng nó trở nên giả hình và xấu khi họ dùng các hình thức này như chiếc bình phong che đi tội lỗi của họ.
Bởi thế Chúa Giê su thấy được một nghịch lý đang diễn ra, đó là những người kinh sư và Phariseu có thể nói họ là những người chuyên viên về luật, họ có một chổ đứng trong đời sống chính trị và có uy tín trong dân, thế mà họ không giữ luật, mà còn đứng ra để xử luật. Chúa Giê su rất khôn khéo khi nói đến vấn đề này, Ngài không bảo đứng lên chống đối và hủy bỏ luật, mà Ngài bảo hãy làm theo luật mà họ dạy dỗ, còn họ làm gì thì đừng làm theo, vì họ nói mà không làm.
Từ đó chúng ta thấy được rằng Chúa Giêsu rất tôn trọng lề luật của tiền nhân, vì chính Chúa cũng đã nói: “Ta đến không phải đến bãi bỏ mà để kiện toàn” và Người đã cảnh giác các môn đệ đừng để ai thần thánh hóa mình cũng như thần thánh hóa một ai, ngoài trừ Thiên Chúa. Ngài nói rất rõ đừng để ai gọi là “Thầy” và cũng đừng gọi ai là “Cha” vì chỉ có một thầy và một cha, còn tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau.
Trong đời sống mỗi người chúng ta, lắm khi chúng ta đã thần thánh hóa một ai đó và chính bản thân mình. Khi chúng ta thần thánh hóa ai đó, chúng ta xem họ như thần như thánh, những gì họ nói và họ làm điều là đúng. Nhưng chúng ta vô tình không để ý, họ cũng có những thiếu xót, những yếu đuối của bản thân. Đâu có phải mọi lời nói và quyết định của họ lúc nào cũng đúng. Bởi thế trong mối tương quan của chúng ta hàng ngày, chúng ta phải biết phân định và nhận định đâu là điều tốt, đâu là điều xấu, vì chẳng ai chịu trách nhiệm thay chúng ta trước quyết định của mình. Đó là việc chúng ta khi nhận xét về một người, còn chúng ta đã bao lần tự thần thánh mình rồi, khi mọi lời nói và việc làm chúng ta mang màu độc tài.
Một ví dụ rất cụ thể trong đời sống giáo xứ chúng ta, đó là việc tương quan giữa ta với các cha xứ. Dù biết các cha là đại diện Chúa, đại diện Giáo hội để hướng dẫn chúng ta, nhưng chúng ta phải biết điều này đó là các ngài vẫn là một con người, các ngài cũng có những yếu đuối riêng mình. Từ đó các ngài cũng có những khuyến điểm, nhưng khổ nổi giáo dân chúng ta xem cha như thần như thánh, đòi hỏi các cha phải thế này thế nọ. Khi các ngài không đáp ứng được, dẫn tới thất vọng. Nhiều khi chúng ta cũng nghe nói hay ngay cả thân chúng ta, đó là chắc tôi “bỏ đạo” quá, vì lí do ông cha này như thế này, ông cha kia thế nọ hay đụng chạm trực tiếp đến chúng ta. Thưa việc giữ đạo hay không là quyền tự do của mỗi người chúng ta, đó là quyền chọn lựa của chúng ta. Nếu mỗi lần chúng ta có suy nghĩ đó cũng chính là lúc chúng ta đã thần thánh hóa mình, xem mình là trọng tâm.
Vậy chúng ta phải làm gì? Thưa trước tiên chúng ta phải làm tròn bổn phận của mình, luôn biết phân định nhận định trước mọi lời nói và hành động, không chỉ của người khác và ngay cả bản thân mình.
Lạy Chúa, ngoài Chúa ra không ai là đấng thánh. Xin cho chúng con luôn biết khiêm nhường để không thần thánh hóa mình và có cái nhìn khoa học hơn để không thần thánh một ai. Xin cho chúng con luôn biết cộng tác với nhau trong tinh thần phục vụ, để xin nước Chúa mau trị đến.