Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Hc 36,1.4-5a.10-17 (năm lẻ), 1 Pr 1,10-16 (năm chẵn), Mc 10,32-45
Bài đọc 1 (năm chẵn): 1 Pr 1,18-25
Bài trích thư thứ nhất của thánh Phê-rô tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Ki-tô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa.
Nhờ vâng phục sự thật, anh em đã thanh luyện tâm hồn để thực thi tình huynh đệ chân thành. Anh em hãy tha thiết yêu mến nhau với tất cả tâm hồn. Vì anh em đã được tái sinh, không phải do hạt giống mục nát, mà do hạt giống bất diệt, nhờ Lời Thiên Chúa hằng sống và tồn tại mãi mãi, vì mọi phàm nhân đều như cỏ, và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ ; cỏ thì khô, hoa thì rụng ; Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời. Đó chính là Lời đã được loan báo cho anh em như một Tin Mừng.
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 10,32-45)
32 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình : 33 “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người, và sẽ nộp Người cho dân ngoại. 34 Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”
35 Hai người con ông Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an đến gần Đức Giê-su và nói : “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” 36 Người hỏi : “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì ?” 37 Các ông thưa : “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” 38 Đức Giê-su bảo : “Các anh không biết các anh xin gì ! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không ?” 39 Các ông đáp : “Thưa được.” Đức Giê-su bảo : “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống ; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. 40 Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”
41 Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an. 42 Đức Giê-su gọi các ông lại và nói : “Anh em biết : những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. 43 Nhưng giữa anh em thì không được như vậy : ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em ; 44 ai muốn làm đầu anh em, thì phải làm đầy tớ mọi người. 45 Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Hiền lành khiêm nhượng để yêu nhau (29.05.2024)
“Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”.
Đây là lần thứ ba Chúa Giê-su loan báo cho các môn đệ về cuộc thương khó và Phục Sinh của Người, nhưng chừng như các ông vẫn chưa hiểu nổi, nếu không nói là chưa hiểu đúng. Anh em con nhà Giêbêđê là Giacôbê và Gioan thì tranh thủ: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Các môn đệ khác tỏ ra bất bình ngay vì ai cũng muốn xin như thế mà chưa kịp mở lời thì có người đã “phỗng tay trên”. Thương cho Chúa Giê-su bởi không có người đồng cảm, hay đúng hơn, các ông theo Người, ở với Người bấy lâu nay, mà “đồng sàn, dị mộng”.
Chúa Giê-su lại phải kiên trì huấn luyện các ông, tỏ cho các ông biết về sứ vụ “tôi tớ của Thiên Chúa” nơi Người. “Tôi tớ của Thiên Chúa” là phải làm theo ý của Thiên Chúa, là: “làm tôi tớ của mọi người, vì yêu”. Đó là cách làm của một người làm lớn, lớn hơn tất cả những người lớn trong trần gian. Đó là cách làm của một Thiên Chúa, của một Con Thiên Chúa, đầy quyền năng, đầy phép tắc, đầy uy dũng.
Chúa Giê-su làm đảo lộn mọi ý nghĩ xoàng thường của chúng ta. Tại sao có những người vợ cứ buồn bực vì mang tâm trạng đầy tớ phục vụ chồng? Hoặc có những ông chồng lại cáu gắt vì phải cực khổ vất vả nuôi vợ nuôi con? Chẳng phải vì họ không yêu nhau, hoặc yêu nhau quá ít, yêu mình nhiều hơn đó sao? Tình yêu ấy thì rõ là tình yêu chưa đủ lớn, chưa trưởng thành! Lời Chúa mời gọi các gia đình “hiền lành khiêm nhượng để yêu nhau”, chỉ có hiền lành khiêm nhượng mới đủ sức mà yêu nhau, và cũng chỉ có hiền hành khiêm nhượng chấp nhận bé nhỏ cúi xuống phục vụ vì yêu, tình yêu mới trưởng thành được.
Lạy Chúa, xin cho từng người chúng con và tất cả các gia đình công giáo, biết học nơi Chúa Giê-su bài học hiền lành khiêm nhượng, để yêu Chúa, yêu nhau. Amen
BCT
Uống chén đau khổ của Chúa Ki-tô (26.05.2021)
Ngày 26.05: Lễ Nhớ Thánh Phi-líp-phê Nê-ri, linh mục
“Giờ đây chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp”. (Mc 10, 33)
Nghe nói Chúa Giê-su lên Giêrusalem, có người hiểu lầm rằng Người sẽ làm cuộc cách mạng vĩ đại, khôi phục lại giang san thế trần, giành lại tự do độc lập cho dân cho nước. Bởi thế mới có chuyện xin “thầy cho con tôi đứa ngồi bên hữu, đứa ngồi bên tả thầy”. Rồi sinh ra tỵ hiềm, ganh tức vì chuyện chạy chọt để tiến chức thăng quan… Hóa ra, lâu nay họ theo Chúa Giê-su vì địa vị chức quyền trần gian. Ước gì cũng với ý nghĩa ấy, họ lại hiểu về một Nước Thiên Chúa. Chúa Giê-su nói cho họ hiểu: “Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?”.Chén Thầy sắp uống là chén máu Thầy đổ ra để cứu chuộc nhân loại.
Chén Thầy sắp uống là cái chết tế lễ đền tội thay cho nhân loại. “Lạy Cha, xin cho Con khỏi uống chén này, nhưng không xin theo ý Con, một theo ý Cha mà thôi”. Và phép rửa Thầy sắp chịu là trào tuôn đến giọt máu nước cuối cùng của lòng xót thương để rửa sạch tội lỗi nhân trần! Ai theo Chúa Ki-tô, ai muốn được tìm một chỗ trong Nước của Thiên Chúa, cũng phải chấp nhận uống chén Chúa Ki-tô đã uống, nghĩa là phải từ bỏ mình đi, hiến thân mình vì yêu người, phục vụ người khác vì phần rỗi của họ.
Tạ ơn Chúa vì chén đắng trong đời sống gia đình chính là tình yêu hy hiến cho nhau được hạnh phúc. Người hiến dâng cả cuộc đời, cả mạng sống cho vợ cho chồng, cho con cái, cũng chính là người xây dựng một Nước Thiên Chúa ngay trong gia đình mình, trong mái ấm của mình. Và đó là tín hiệu vui mừng của cuộc sum họp gia đình mai sau trong Nước Thiên Chúa. Thật đẹp thay những cái chết vì yêu…mỗi ngày!
Lạy Chúa, năm nay Giáo Hội đặc biệt hướng về các gia đình trẻ để giúp lời cầu nguyện…, xin Chúa thương ban cho tất cả các gia đình chúng con biết ý thức hy hiến cho nhau, để tình yêu bền vững đến mai sau trong Nước Chúa. Amen.
BCT
Cầu xin theo ý riêng của mình (30.05.2018)
Kể truyện:
Anh Ba, một con người chân chất thật. Có một cuộc sống nghèo. Ngày ngày, vợ anh bán vé số khắp ngõ nhỏ; còn anh trên chiếc xe cọc cạch để chạy xe ôm.
Gia đình anh cũng sống bình lặng và hạnh phúc như bao gia đình trong xóm nghèo. Mỗi ngày với công việc sớm tối cũng đủ nuôi các con.
Trong xóm anh, người có đạo và không có đạo sống chung với nhau. Anh là người ngoại đạo.
Một hôm, vợ chồng anh tìm đến cha sở và xin gia nhập đạo Công Giáo.
Từ ngày gia đình anh theo Chúa, anh trở nên người con ngoan đạo, sốt sắng tham dự thánh lễ mỗi ngày.
Thế rồi, mơ ước của anh được thực hiện. Anh đến bên Cha Diệp, cầu xin Ngài ban cho gia đình anh được bình an và mạnh khỏe; một chiếc xe honda tốt hơn để chở khách.
Về nhà, anh mua vé số, và trúng đặc biệt. Từ đây, cuộc sống của bắt đầu thay đổi. Anh mua xe, anh mua đất, anh xây nhà. Hằng năm, cứ đến dịp giỗ Cha anh lại quay một con heo đến tạ ơn. Vợ anh không còn phải đi bán vé số nữa.
Tưởng chừng cuộc sống của gia đình sẽ mãi bình an và hạnh phúc từ đây.
Nhưng được vài năm, người ta thấy anh bán ruộng, bán nhà xây mua nhà lá. Rồi một đêm, bỗng qua ngày mới, mọi người không thấy gia đình anh ở xóm nữa. Hỏi ra mới biết gia đình anh đi trốn nợ. Vì ngày nào vợ chồng anh cũng mua vé số cầu may, còn chơi cả số đề. Vợ chồng anh cứ xin Chúa cho được trúng số mãi mà quên đi công việc làm ăn.
Suy niệm:
Mơ ước, đó là một điều chính đáng của mỗi con người mà được Chúa chúc phúc. Đó là những mơ ước chính đáng và thánh thiện.
Thiên Chúa luôn quan phòng chúng ta từng giây phút trong cuộc đời. Không có một người con nào đẹp lòng Thiên Chúa mà không trải qua những gian nan thử thách để vào hưởng vinh quanh Nước Trời.
Anh Ba đã được Chúa chúc phúc, không phải vì tấm vé số, nhưng đó là một cơ hội để anh Ba sống tốt hơn, đẹp lòng Chúa hơn, và để biết nhận ra thánh ý Thiên Chúa. Nhưng anh Ba đã không biết sống theo thánh ý Thiên Chúa.
Ông Gia-cô-bê và ông Gioan đều có mơ ước, mơ ước ấy nhiều người ai cũng muốn. Vì được ở bên cạnh Thiên Chúa, sống trong sự bình an và hạnh phúc đời đời.
Nhưng đó không phải là mơ ước chính đáng của hai ông, mà là những mơ ước tham vọng, quyền bính để có được chức quyền trong tay mà trị vì muôn dân. Hai ông nghĩ, đã đến lúc Nước Thiên Chúa được vinh quang, vì Thầy đã tiến về Giê-ru-sa-lem để làm vua. Giờ là lúc phải nghĩ đến quyền hành, nên hai ông đã xin với Thầy: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” (Mc 10, 37)
Mặc dầu các tông đồ đã theo Thầy ba năm trời, sống bên Thầy, nghe Thầy giảng dạy, nhìn thấy những điều Thầy mình phục vụ. Nhưng các ông vẫn không nhận ra điều Thầy Giê-su đến trong thế gian để làm gì. Nên sắp đến ngày Thầy ra đi, các ông tranh dành quyền bính, địa vị.
Chúa Giê-su biết điều đó, nên gọi các ông lại mà dạy bảo: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. “Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em.” (Mc 10, 42-43)
Thiên Chúa xuống trần gian chỉ để được phục vụ, phục vụ để cứu rỗi nhân loại đến nỗi phải hy sinh chính mạng sống làm gia cứu chuộc, mà nhân loại là chi mà Thiên Chúa đến phục vụ! Đó chính là Tình Yêu. “Vì Con Người đến, không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”
Con người chúng ta cũng vậy, khi cha mẹ chưa nằm xuống thì đã tranh dành của cải, vật chất, thậm chí còn tìm cách cho cha mẹ mau chết để hưởng gia tài. Trong khi chưa phụng dưỡng được gì cho cha mẹ.
Hãy noi theo gương Chúa Giê-su để phục vụ. Phục vụ không điều kiện, phục trong yêu thương, phục trong mọi tình huống – hoàn cảnh, phục vụ bất kể họ là ai, kể cả kẻ thù.
Truyện kể rằng: ở một làng nọ, có một đứa bé té xuống sông. Nhiều người ra cứu, nhưng vì họ không biết bơi. Có một người bơi giỏi, kêu họ ra để cứu đứa bé, nhưng ông ta bảo: không phải việc của tôi. Đến khi đứa bé chết nổi lên, và vớt lên bờ. Chính đứa bé ấy là con của ông ta.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết luôn phục vụ trong yêu thương, phục vụ trong bác ái tha thứ. Phục vụ tha nhân như phục vụ chính con, để con sống xứng đáng là con của Chúa ngay từ bây giờ. Amen./.
Ngồi bên tả hữu Chúa (25.05.2016)
Đức Giê-su và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người”.
Trong khung cảnh Thầy trò trên đường lên Giêrusalem hôm nay (đường đi chịu chết) làm các môn đệ kinh hoàng, những người theo sau cũng phải sợ, Thầy báo trước cuộc tử nạn kinh hoàng như vậy, mà hai anh em nhà Gioan lại mặc tình đòi ngay danh vọng, địa vị khi Thầy được vinh quang: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.”
Thật đau lòng cho Thầy, nói ra cuộc tử nạn khổ hình sắp đến mà môn đệ không đồng cảm xót xa, lại còn vội vã tính chuyện “xôi thịt”, trục lợi cho bản thân. Đã vậy, mười ông kia nghe thấy lại còn tức tối với hai anh em Gioan, vì ganh tị và muốn giành quyền, đấu tranh để làm đầu và được người khác phục vụ.
Thầy phải nén đau, gọi các ông mà ân cần chỉnh huấn: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” Nghe đến đây chắc các ông bị chưng hửng, mộng vàng tan mây như bong bóng xà phòng.
Ngày nay chúng con nghe vẫn khó quá, ai cũng muốn làm người điều hành, được người khác phục vụ, kính nể, nên chẳng dễ mấy ai muốn làm lớn theo kiểu của Thầy, lớn Tình Yêu. Kiểu lãnh đạo của Thầy là cúi xuống rửa chân cho người mình lãnh đạo. Thầy là Tình Yêu nên Thầy sẵn sàng cúi xuống, làm đầy tớ cho cả kẻ làm hại mình. Thầy không chỉ dạy trên môi, nhưng chính Thầy đã đến để phục vụ và hiến dâng cả mạng sống làm giá chuộc muôn người.
Con người hèn mọn chúng con thì lại thích lên cao, chứ bị đánh giá thấp là khó chịu lắm rồi, làm sao đủ tình yêu để cúi xuống với người anh em kể là yếu kém? Nhưng nếu chúng con gặp được Chúa, mở lòng đón Chúa vào trong con người thích “làm lớn theo kiểu thế gian” này, thì chính Chúa sẽ phục vụ, hiến dâng, sẽ làm đầy tớ mọi người trong con người của chúng con. “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20).
Chúa ơi! Ngày nay nếu thực sự sống trong Chúa như cành nho gắn chặt với thân cây nho, thì chúng con không chỉ được ngồi bên tả hay bên hữu Chúa, mà còn được “ở với, ở cùng, ở trong” Chúa nữa. Xin mở mắt con để con nhận ra và tận hưởng niềm hạnh phúc này, không phải mai sau, mà ngay trong cuộc sống hiện tại hôm nay. Amen.
Én Nhỏ