Hãy lo cho sự sống đời sau (21.10.2024 – Thứ Hai Tuần XXIX Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Rm 4,20-25 (năm lẻ), Ep 2,1-10 (năm chẵn), Lc 12,13-21

Bài đọc 1: Rm 4,20-25

Điều đã viết cũng nói về cả chúng ta nữa : chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Thiên Chúa.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, ông Áp-ra-ham đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa hứa ; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa,  vì ông hoàn toàn xác tín rằng : điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.  Bởi thế, ông được kể là người công chính.

Nhưng khi viết ông được kể là người công chính, thì không phải chỉ nói về ông,  mà còn nói về cả chúng ta nữa : chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giê-su, Chúa chúng ta, sống lại từ cõi chết ;  Đức Giê-su chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca (Lc 12,13-21)

13 Khi ấy, có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng : “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” 14 Người đáp : “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh ?” 15 Và Người nói với họ : “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”

16 Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này : “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, 17 mới nghĩ bụng rằng : ‘Mình phải làm gì đây ? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu !’ 18 Rồi ông ta tự bảo : ‘Mình sẽ làm thế này : phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. 19 Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng : hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !’ 20 Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : ‘Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?’ 21 Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”

 

Hãy lo cho sự sống đời sau (21.10.2024)

Ghi nhớ:

“Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giầu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12, 21).

Suy niệm:

Ngày xưa, thánh Phi-lip-phê Nê-ri muốn thuyết phục Phan-xi-cô, một sinh viên học hành giỏi giang. Hôm đó Phan xi cô hớn hở báo tin cho ngài biết mình đang thành công trên con đường học vấn. Thánh nhân trả lời:

Hay lắm, cha mừng cho con. Nhưng rồi con sẽ làm gì?

Con sẽ làm một luật sư giỏi và sẽ đưa về cho thân chủ của con thắng lợi !

Rồi sao nữa?

Con sẽ có rất nhiều tiền.

Rồi sao nữa?

Con sẽ cưới vợ đẹp.

Rồi sao nữa?

Con sẽ sống trong hạnh phúc.

Rồi sao nữa?

Chàng sinh viên suy nghĩ một hồi rồi trả lời:

Rồi…rồi con cũng sẽ chết như bất cứ ai khác.

Rồi sao nữa?

……

Chàng thanh niên không trả lời mà trầm tư và u buồn bỏ đi. Tuy nhiên, câu hỏi đó cứ nhắc đi, nhắc lại mãi. Chàng ta bị ám ảnh bởi câu hỏi đó. Và để bảo đảm cho cái “rồi sao nữa”kia, cuối cùng chàng đã từ giã sự nghiệp trần gian và khoác áo tu trì.

Ca dao tục ngữ có câu: “Đồng tiền liền khúc ruột” hoặc “Có tiền mua tiên cũng được”. Như vậy, từ rất xa xưa con người ta đã cho rằng đồng tiền nói chung, hay của cải vật chất nói riêng là rất quan trọng đối với đời sống con người. Chính vì thế cho nên người ta đã dùng phần lớn thời gian và công sức ra để lao động kiếm tiền. Nhiều người gần như bỏ hết mọi nỗ lực “đầu tư”vào việc kiếm đồng tiền để rồi những bổ phận và trách nhiệm khác đã vô tình bỏ qua.

Chẳng hạn như bậc làm cha mẹ, chỉ lo kiếm tiền cung cấp cho con cái, họ cứ tưởng rằng hàng tháng, cho con cái một khoản tiền nào đó là xong bổn phận mà không để ý đến việc dạy dỗ, đồng hành với con, khiến cho chúng có cảm giác bị lãng quên, bị bỏ rơi và cũng chính bởi sự thiếu quan tâm săn sóc đó con trẻ có thể sa ngã, vướng vào những tệ nạn xã hội mà bậc cha mẹ chẳng hay. Để rồi khi phát hiện ra thì mọi việc đã trở nên quá muộn màng!

Bài Tin Mừng hôm nay, thuật lại câu chuyện, nhân có người đến nhờ Đức Giê-su làm trọng tài phân xử việc anh em trong nhà tranh chấp tài sản, thì Đức Giê-su đã có lời  cảnh tỉnh, qua dụ ngôn người phú hộ chỉ lo làm giầu và tích trữ của cải, để chúng ta biết rằng: Tiền bạc tuy cần thiết đấy, nhưng nó không phải là tất cả. Việc quan trọng nhất là phải lo làm giầu trước mặt Chúa: Đó là phải biết phụng thờ Chúa và giúp đỡ những người nghèo khó sống bên cạnh chúng ta.

Đức Giê-su chê người phú hộ là “đồ ngốc”. Thật vậy chỉ có kẻ khờ khạo mới hành động như thế, bởi vì sự sống đời này chóng qua, nay còn mai mất, thì việc lo cho sự sống đời này mà quên lo cho sự sống đời sau là một sai lầm nặng nề, bởi vì khi chết đi rồi thì con người ta sẽ không còn cơ hội để sửa sai nữa. Vậy hãy ghi khắc lời Kinh Thánh sau đây vào lòng: “Tiên vàn hãy lo tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho sau. (Lc 12, 31)

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, sự sống mai sau trên thiên quốc mới là cùng đích của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết khôn ngoan, sáng suốt để biết sử dụng những ân huệ Chúa ban, đó là sức khoẻ, thời gian và của cải đời này để mua lấy nước thiên đàng mai sau. Amen.

Sống lời Chúa:

Thờ phượng Chúa và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Hãy dùng của cải, tiền bạc thế gian mà mua lấy Nước Trời (23.10.2023)

Ghi nhớ;

“Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải hễ ai được dư giả, thì mạng sống người ấy nhờ của cải mà được bảo đảm đâu”. (Lc 12, 15).

Suy niệm:

Có một nhà ẩn sỹ nọ, lên trên núi tu trì, cuộc sống rất đạm bạc, khó nghèo. Phần lớn thời gian của thầy dành cho việc cầu nguyện, suy niệm Kinh Thánh và đi xuống núi làm việc bác ái. Vì thầy ở trên rừng cao, xa lánh thế gian nên chỗ ở của thầy rất vắng vẻ, có nhiều côn trùng và chuột bọ phá hoại. Vì thế một lần kia có bổn đạo lên thăm, thấy thế bèn tặng cho thầy một con chó và một con mèo rất đẹp. Thầy tỏ ra quý hai con vật này, chúng vừa đẹp lại vừa khôn. Giữ nhà, bắt chuột rất tốt. Nhưng kể từ khi có hai con vật trên thì cuộc sống của thầy có phần thay đổi, thầy phải mất thời gian để chăm sóc cho hai con vật, nào là phải kiếm thực phẩm cho chúng ăn, nào là tắm rửa vệ sinh cho chúng, làm chuồng để chúng không bị côn trùng đốt, chích, đi kiếm thuốc thang cho chúng mỗi khi chúng bị bệnh…Chính vì thế cho nên quỹ thời gian của thầy ít đi, nên cũng ít làm từ thiện, kinh kệ cũng không còn được như trước và tất nhiên thầy cũng không thể dốc hết tâm trí vào việc suy tư, suy niệm.

 Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Luca thuật lại sự việc: Có một người kia đến nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi”. Đức Giê-su nói với anh rằng: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?”. Có lẽ người thanh niên này bị người anh ruột hà hiếp lấy  hết phần gia tài của cha mẹ đã chết để lại cho họ (như chuyện người anh tham lam chiếm đoạt hết gia tài cha mẹ để lại, chỉ chia cho em mình cây khế trong chuyện cổ tích ngày xưa vậy). Vì vào thời đó danh tiếng Đức Giê-su rất nổi chính vì thế người này đã tìm đến để xin Đức Giê-su giải quyết việc riêng cho mình. Nhưng, nhân dịp này Thầy Giê-su đưa ra lời khuyên cho anh ta cũng như dân chúng và Ngài mượn câu chuyện nhà phú hộ kia chỉ biết vun vén cho phần xác mà không biết lo cho sự sống phần hồn để rồi khi chết đi của cải tiền bạc thì chẳng còn ý nghĩa gì… và Ngài gọi người này là “kẻ ngốc”. Đức Giê-su muốn cảnh tỉnh mọi người đừng để cho tiền bạc, của cải và sự mê đắm các thú vui bất chính làm cho chúng ta quên đi cái giá trị thực sự của cuộc sống đời này là: “Phải làm giầu  trước mặt Thiên Chúa”bằng việc thờ phượng Thiên Chúa và thực thi công bằng bác ái, yêu thương.

Lời Đức Giê-su đã cảnh báo cho mọi người cách đây đã hơn 2000 năm rồi nhưng tính thời sự của lời dậy này vẫn còn nguyên giá trị. Bằng chứng là mới đây, như thông tin báo đài đã đưa. Tạ Duy Khánh chỉ vì 50 triệu đồng đã nhẫn tâm giết chết cô gái người mẫu mới 17 tuổi rồi sau đó phân xác thành nhiều mảnh để phi tang! Một vụ việc khác xảy ra vào ngày 30 tháng 10 năm 2022, Tại xã Trung Hoà, Huyện Yên Mô. Tỉnh Hưng Yên. Ba cô con gái vì cho rằng mẹ chia gia tài cho mình chưa thoả đáng nên họ bàn bạc với nhau mua xăng lại nhà mẹ để doạ nạt, gây áp lực để qua đó mẹ phải làm theo ý muốn của họ. Nhưng các cô có ngờ đâu hành động dại dột đốt nhà mẹ đó đã dẫn đến một thảm án vô cùng thương tâm, đau đớn. Kết cục là gia tài đâu không thấy chỉ thấy ba con người phải ra đi vĩnh viễn trong đó có người mẹ mà đáng ra là phận con, các cô phải có bổn phận thảo hiếu, vâng lời!. Người con gái may mắn còn sống sót thì phải chịu cảnh hơn 22 năm tù giam. Phải chi con người ta đừng quá nặng lòng về tiền bạc thì đâu có xảy ra nhưng tấm bi kịch như vậy và rồi tự đẩy mình vào vòng lao lý, tù tội, thậm chí là án tử hình!

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Ngài đã dạy chúng con là hãy biết dùng của cải, tiền bạc mà mua lấy Nước Trời. Xin cho lòng chúng con luôn được thanh thoát trước tiền bạc, vật chất. Xin cho chúng con biết dùng những của cải Chúa ban như phương tiện giúp chúng con sử dụng để sinh ích lợi cho phần rỗi của chính mình và cho mọi người sống chung quanh. Amen.

Sống Lời Chúa:

Giúp đỡ những hoàn cảnh cơ nhỡ, thiếu thốn.

Đaminh. Trần Văn Chính.

Khôn ngoan khi sử dụng tiền của (17.10.2022)

Ngà 17.10: Lễ Nhớ Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo

“Những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?”

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ đúng đắn khi sử dụng của cải. Vì của cải có thể là nguyên nhân của sự tham lam ích kỷ và đổ vỡ; đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn ta đến được với sự sống hoặc phải hư vong đời đời.

Của cải là nhu cầu cần thiết trong cuộc sống. Không có tiền, chúng ta khó có thể đáp ứng nhu cầu căn bản như cơm ăn, áo mặc. Tuy nhiên, của cải là con dao hai lưỡi, nó có thể trở thành đầy tớ tốt cho những ai biết sử dụng và trở thành ông chủ xấu cho những kẻ thượng tôn, quỵ lụy vào nó.

Tiền bạc của cải là mối bận tâm lớn của con người, đặc biệt trong đời sống hiện nay, nhiều người sống với quan niệm “có tiền mua tiên cũng được” hay “có tiền là có quyền”. Nếu chỉ bận tâm về tiền bạc của cải sẽ rất nguy hiểm, ta cần có ý thức về những giá trị lớn hơn, cao hơn, bền vững hơn. Chúa Giêsu cảnh báo: “Không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.” Khi kể dụ ngôn ông phú hộ xây kho, với toan tính rất hợp lý, có vẻ chắc chắn và lâu dài, nhưng biết một mà không biết mười, Chúa đã đưa ra một câu hỏi: “Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” Thật vậy, kho tàng của chúng ta có đồ sộ đến thế nào thì cũng chẳng thể đảm bảo duy trì mạng sống được thêm một gang tay. Nó cũng chẳng đem lại cho chúng ta hạnh phúc thật và không bao giờ có chuyện hứa hẹn cho chúng ta sự sống vĩnh cửu. Cái chúng ta cần phải đảm bảo là sự sống đời đời.

Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình. Những gì ta phung phí, những gì ta lo tích trữ và khư khư giữ không chia sẻ rồi sẽ ở lại với thế gian khi ta xuống mồ, chỉ có những gì ta đã cho đi sẽ theo chúng ta đến trước mặt Vị Thẩm Phán Tối Cao, như lời Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Tham lam của cải cũng là nguyên nhân của sự đổ vỡ. Mở đầu bài Tin Mừng là việc có một người đến xin Chúa Giêsu xử kiện phân chia gia tài. Điều này có nghĩa là do tham lam của cải, vì ích kỷ muốn phần hơn mà anh em ruột đã kiện cáo nhau. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội để căn dặn mọi người: “Phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.” Vì khi tham lam người ta dễ đánh mất lương tri; đồng tiền làm mờ đôi mắt và che khuất lương tâm; giàu rồi thì muốn giàu thêm, lòng tham vô đáy… để rồi dẫn đến loại trừ nhau.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích cuộc đời. Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mất mát khờ dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại lại chính là lẽ khôn ngoan của Thiên Chúa.

Nguyện cho lời Chúa luôn soi sáng hướng dẫn chúng ta, để trong khi mưu cầu của cải vật chất, chúng ta biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời là công bằng, bác ái, liên đới chia sẻ, và đó chính là hành trang và kho tàng cho cuộc sống mai sau của chúng ta.

Joston

Tham lam của cải là nguyên nhân của sự đổ vỡ (19.10.2020)

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải có thái độ đúng đắn khi sử dụng của cải. Vì của cải có thể là nguyên nhân của sự tham lam ích kỷ và đổ vỡ. Đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn ta đến sự sống hoặc hư đi đời đời.

Tham lam của cải là nguyên nhân của sự đổ vỡ.

Mở đầu bài Tin Mừng là việc có một người đến xin Chúa Giêsu xử kiện phân chia gia tài. Điều này có nghĩa là do tham lam của cải, vì ích kỷ muốn phần hơn mà anh em ruột đã kiện cáo nhau.

Thế nhưng, dù được người ta xem như là một Rabbi có uy tín đến nhờ phân xử (x. Xh 2,14), nhưng Chúa Giêsu khẳng định sứ vụ của Người không phải là một vị vua hay quan toà kiểu trần thế. Người đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đưa họ vào vương quốc của tình yêu thương, chứ không phải chuyện tranh dành của cải vật chất. Người là vua tình yêu và xét xử lương tâm mọi người. Đặc biệt sẽ là Thẩm Phán xét xử nhân loại trong ngày họ đến toà phán xét để được sống hay hư đi đời đời, tuỳ thuộc vào việc họ biết chia sẻ trao ban hay là tham lam giữ lại của cải vật chất khi còn sống.

Chúa Giêsu đã nhân cơ hội người kia xin xử kiện để căn dặn mọi người: “ Hãy coi chừng và giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Vì khi tham lam người ta dễ đánh mất lương tri; đồng tiền làm mờ đôi mắt và che khuất lương tâm; giàu rồi thì muốn giàu thêm, lòng tham vô đáy… để rồi dẫn đến loại trừ nhau.

Sự việc anh em và thậm chí cha mẹ con cái kiện cáo nhau, đôi khi còn giết nhau xảy ra rất nhiều nơi trên thế giới và cả trên đất nước chúng ta, âu cũng vì tranh chấp một miếng đất thửa vườn, hay vài gian nhà, hoặc chút của hồi môn mà người ta không ngại chà đạp lên cả những truyền thống và tình thân thiêng liêng nhất của con người.

Lời Chúa Giêsu hôm nay đang cảnh tỉnh chúng ta: “ Hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải được dư giả, thì mạng sống nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.”

Giàu của cải không đảm bảo cho sự sống đời đời.

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể về một người giàu có an thân thoả mãn trên đống của cải lẫm này kho nọ, rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì ‘tay trắng hư không’ ra đi vào cõi diệt vong.

Thật vậy:

Khi chúng ta đi về nơi an nghỉ

Những gì thu góp chẳng còn chi

Sẽ mất hết những gì ta xài phí

Chỉ còn lại những gì đã cho đi.

Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.

Những gì ta xài phí, những gì ta lo tích trữ và bo bo giữ không chia sẻ rồi sẽ dừng lại khi ta xuống mồ, chỉ còn lại những gì ta đã cho đi theo chúng ta đến trước mặt Đấng Thẩm Phán Chí Công, như lời Chúa Giêsu kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.

Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con đang khi hưởng dùng những của cải đời này do Chúa ban, thì cũng biết sử dụng sao cho hợp ý Chúa và sinh lợi của cải thiêng liêng đời sau trong kho lẫm nước Chúa. Amen.

 Ngân Hàng Nước Trời (21.10.2019)

“Mình phải làm gì đây?” ( Lc 12, 17 )

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa nêu lên dụ ngôn nói về một nhà phú hộ giàu có về của cải vật chất đời này, nhưng rất tiếc ông ta lại quá nghèo nàn ngu ngốc, không chịu học hiểu cho biết kiến thức của Nước Trời để xử lý đồng tiền được hữu ích…. Ông đã nghĩ bụng : “ Mình phải làm gì đây?”, và rồi lại tự bảo mình lo tích trữ thêm cho dư giả,  rồi thỏa thích sống hưởng thụ lâu dài. Ông đâu ngờ thần chết đến bắt ông đi thật bất ngờ, tất cả của cải chẳng đem theo được gì ngoài hai bàn tay trắng. Thân cát bụi giờ lại trở về bụi cát mà thôi.

Chúa Giêsu có ý dạy chúng ta biết cách làm giàu bằng những việc nghĩa khí tốt lành, gửi gắm tiền của thế gian tích trữ vào “ Ngân hàng nước Trời” bằng những việc làm cụ thể như: Chia sẻ cho người nghèo đói bệnh tật…, tích cực đóng góp vào công cuộc truyền giáo của Hội Thánh và những nhu cầu cần thiết khi chủ chiên lên tiếng kêu mời…

Huynh Đoàn Đa Minh của chúng ta hằng năm ngoài những trách nhiệm buộc phải đóng góp như các khoản tiền: Niên liễm, giúp ơn gọi Đa Minh, việc bác ái nhà hưu dưỡng Vĩnh Lộc. Chúng ta mỗi thành viên tùy theo khả năng kinh tế của mình, sẽ ủng hộ thêm cho cánh đồng truyền giáo bao la của Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam ngày càng thêm phát triển hùng mạnh, để nước Chúa được mở mang, đem nhiều tâm hồn về cho Chúa.

Đó là những cách chúng ta gửi tiền của vào “ Ngân hàng nước Trời”, và sẽ được nhận lãi suất rất hậu hĩnh ngay cả đời này lẫn đời sau. Một người Đa Minh lớn tuổi trong Huynh Đoàn tâm sự: “Mỗi tháng con cái trong nhà cho được 5 triệu vào túi xài riêng, bà nghĩ mình được các con đã lo cho ăn no mặc ấm là đủ, nên tiền đó đem dâng hết vào Nhà Dòng, coi như của Chúa ban thì dâng lên kính Chúa…”, và Chúa đã ban cho bà sức khỏe thật tốt, đã ngoài tám mươi tuổi mà không mắc bệnh gì trầm trọng, hằng ngày tản bộ đi dự lễ đọc kinh rất sốt sắng. Ai đói nghèo mà bà biết là ra tay giúp đỡ liền ngay, vì con lớn bà làm có tiền nhiều luôn chiều theo ý mẹ trong công tác từ thiện, thật quý hóa thay.

Lạy Chúa! Xin cho chúng con hiểu được những Lời Chúa dạy bảo qua Tin Mừng, cụ thể trong câu chuyện dụ ngôn hôm nay…, đó là bài học cảnh tỉnh cho mỗi người chúng con. Xin cho chúng con biết dùng của cải Chúa ban trong đời này để mưu cầu lợi ích cho phần rỗi của chính mình và anh chị em chung quanh. Chúa đã mở tài khoản ngân hàng Nước Trời, xin cho chúng con luôn biết tích lũy và gửi của cải tinh thần vào đó, để ngày sau được hưởng hạnh phúc thiên thu. Amen.

BCT 

Của cải chưa hẳn có hạnh phúc bình an (22.10.2018)

Ghi nhớ:

Nhưng Thiên Chúa lại bảo Ông: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai”(Lc, 12, 20)

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể dụ ngôn nhà phú hộ, và muốn nói đến của cải đích thực là quê Trời, Người không hề lên án việc làm ăn ở đời này của chúng ta, Chúa muốn nói đến đừng tích trữ, vật chất thế gian. Nhưng kêu mời chúng ta tin tưởng và cầu xin Thiên Chúa. Chính Người sẽ giải thoát chúng ta khỏi những ưu tư nặng nhọc, bao khó khăn lo lắng của trần gian, đồng thời, Chúa cũng nói: “anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34). Chúng ta cũng đừng lo lắng gì hết, bởi vì con người dù có lo lắng đến đâu đi nữa, cũng chẳng có thể kéo dài cuộc đời của mình dù là chỉ thêm vài gang tấc. Bằng chứng là: “ngay tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi” (Mt 10,30). Sự lo lắng còn là thái độ của một người kém lòng tin. Nếu thực sự con người biết tin nơi Thiên Chúa thì chắc chắn với một niềm tin tưởng tuyệt đối, lòng tín thác vững vàng vào Thiên Chúa. Thì cuộc sống chúng ta luôn luôn vững tin, dù gặp chông gai, hốn khó hay nghèo khổ vẫn tin trong sự che chở quan phòng của Thiên Chúa.

Vì của cải trần gian chưa hẳn có hạnh phúc bình an, với đời sống con người,

Thế nên! khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta sẽ còn lại gì?

“Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua

đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90,4)

Nếu ta có tất cả mọi thứ trên đời này, mà sống một cuộc đời sao lãng, không biết cho đi hay sống hy sinh, quên đi lời Chúa dạy: “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Trời” thì sau này linh hồn ta sẽ đi đâu và về đâu? Vậy hãy sống làm sao đừng để một ngày kia nằm dưới đáy mồ, linh hồn ta không khỏi khóc than với lời ăn năn muộn màng nhất. Vì của cải vật chất, hay thanh danh trần thế, sẽ mai một đi, không thể làm cho họ sống dồi dào phong phú. Tuy vậy, đối với xã hội xưa và nay con người luôn được đánh giá qua phong cách, vẻ bề ngoài, áo quần lụa là, xe cộ, nhà cao tầng hay biệt thự v.v… giúp con người hưởng thụ theo ý mong muốn của mình, nên ta luôn bị cám dỗ bằng mọi cách. Họ có thể buông bỏ mối dây thiêng liêng đối với Chúa và với tha nhân để đi tìm cuộc sống dư dả, để thỏa mãn ước mơ và lòng ham muốn của mình. Từ đó mới có sự tranh giành, ganh tỵ , bất hòa, thù hận, chiến tranh v.v…. Lòng sân si từ đó bóp chết tình người càng xa lìa Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong sâu thẳm con người là khao khát sống trường sinh bất diệt trong Chúa. Chúng ta phải biết khơi mở cái khao khát ấy nơi bản thân và nơi mỗi người anh em xung quanh mình. Vì cái thanh danh, của cải, vật chất trần gian, chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc.

Lời Chúa hôm nay dạy ta thoát ra trong tầm nhìn hạn hẹp về việc thu tích của cải cho riêng mình, mà hãy sống mở rộng tầm nhìn biết tích góp kho tàng nơi Thiên Chúa, một kho tàng không bao giờ mốt mọt. Hơn nữa sự làm giàu sống tích lũy, qua Thiên Chúa, bằng cách sống yêu thương, chia sẻ của cải cho những người nghèo khổ, hay đau yếu bệnh tật, đang cần sự giúp đỡ của chúng ta. Cuộc sống trần gian, nếu ai ai cũng biết quan tâm xây dựng Nước Trời bằng sự sẻ chia, công bằng bác ái, chính là hành trang của chúng ta đang chuẩn bị cho tương lai mai này.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho Lời Chúa soi sáng vào sâu thẳm tâm hồn mỗi người chúng con, để ơn khôn ngoan của Chúa tuôn đổ xuống trên mọi người, hầu chúng ta nhận ra chân lý, biết tìm kiếm xây dựng Nước Trời qua anh em, qua đời sống công bằng bác ái,  để tìm kiếm của cải vĩnh cửu nước Trời mai sau. Amen.

Nhắm mắt xuôi tay ta còn lại gì? (23.10.2017)

1. Ghi nhớ:

Nhưng Thiên Chúa lại bảo Ông: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai” (Lc, 12, 20)

2. Suy niệm:

Dụ ngôn nhà phú hộ, Chúa Giêsu muốn nói đến của cải đích thực là quê Trời, thực sự không phải Đức Giêsu kêu gọi người ta sống vô tư lự, vô lo trong sự mưu sinh  nhu cầu của đời sống, nhưng Người kêu mời chúng ta tin tưởng và cầu xin từ tay Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi những ưu tư nặng nhọc, những khó khăn lo lắng của trần gian, và Chúa cũng nói: “anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy” (Mt 6,34).
Đừng lo lắng gì hết bởi vì con người dù có lo lắng đến đâu đi nữa, như Chúa Giêsu nói, cũng chẳng có thể kéo dài cuộc đời của mình dù là chỉ thêm vài gang tấc. Bằng chứng là: “ngay tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi”  (Mt 10,30). Đàng khác, lo lắng còn là thái độ của một người kém lòng tin. Nếu thực sự con người biết tin nơi Thiên Chúa thì chắc chắn với họ có một niềm tin tưởng tuyệt đối, lòng tín thác  vững vàng vào Thiên Chúa.

Thế nên! khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta sẽ còn lại gì?

“Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua

đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90,4).

Nếu ta có tất cả mọi thứ trên đời này, mà sống một cuộc đời không “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Trời” thì ta sẽ đi đâu và về đâu? Vậy ta hãy sống làm sao đừng để một ngày kia nằm dưới đáy mồ, linh hồn ta không khỏi khóc than với lời ăn năn muộn màng nhất. Vì của cải vật chất làm cho cuộc sống thêm dồi dào phong phú nên đối với xã hội xưa và nay, con người được đánh giá qua phong cách, vẻ bề ngoài, áo quần lụa là, xe cộ, nhà cao tầng hay biệt thự v.v…

Lời Chúa hôm nay dạy ta thoát ra trong tầm nhìn hạn hẹp về việc thu tích của cải cho riêng mình, mà hãy sống mở rộng tầm nhìn biết tích góp kho tàng nơi Thiên Chúa, một kho tàng không bao giờ mốt mọt. Chính tiền bạc, của cải giúp con người hưởng thụ theo ý mong muốn của mình, nên ta luôn bị cám dỗ bằng mọi cách. Con người ta có thể buông bỏ  mối dây thiêng liêng đối với Chúa và với tha nhân để đi tìm cuộc sống dư dả về tinh thần hay vật chất, và để thỏa mãn ước mơ và lòng ham muốn của mình. Từ đó mới có sự tranh giành, ganh tỵ , bất hòa, thù hận, chiến tranh v.v…. Lòng sân si từ đó bóp chết tình người càng xa lìa Thiên Chúa, chối từ Ngài. Tuy nhiên, trong sâu thẳm con người là khao khát sống trường sinh bất diệt trong Chúa. Chúng ta phải biết khơi mở cái khao khát ấy nơi bản thân và nơi mỗi người anh em xung quanh mình. Để từ đó tình yêu thương giữa người với người sẽ ngày càng lan tỏa, hướng tới một thế giới an hòa, hạnh phúc không những ở đời này và cả ở đời sau.

 Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Thế giới ngày càng phân biệt ranh giới giàu nghèo, một cách rõ rệt. Giữa một thế giới sang trọng, ăn chơi, xa hoa phù phiếm vẫn còn đó người phu quét đường lưng oằn xuống trên bãi rác hay những cụ già hàng ngày vẫn ngả nón xin từng miếng cơm manh áo cho cuộc sống mình. Xin Chúa cho chúng con thêm ơn khôn ngoan biết sẻ chia với tha nhân để tìm kiếm của cải vĩnh cửu nước Trời mai sau. Amen.

M.Liên

Chỉ là phù vân (17.10.2016)

1. Ghi nhớ:

Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai” (Lc 12, 20)

2. Suy niệm:

Ngẫm lại cuộc đời, con người có sinh có tử, ai ai cũng có người thân, ông bà, cha mẹ, anh em, láng giềng hay bạn bè…rồi cũng phải chết. Thế nên trong chúng ta dù sang hay hèn, giàu hay nghèo hay cả cuộc đời sống trong nhung lụa, ngay cả vua chúa cũng vậy, khi chết cũng chỉ nằm trong sáu tấm gỗ không hơn không kém, cho nên khi sống trên đời, phải sống sao cho tốt, cho xứng đáng là làm người, kẻo  chết không còn để lại gia tài thiêng liêng cho linh hồn mình về đời sau.

Chúng ta vẫn biết rằng, phận người hiếm ai sống trên 100 năm, rồi cũng nhắm mắt, xuôi tay, bỏ lại sau lưng tất cả cho trần thế tất cả chỉ là phù vân…phù vân nối tiếp phù vân. Thế nhưng, con người sinh ra ai ai cũng muốn tạo cho mình cái an toàn cá nhân bằng nghề nghiệp, giầu sang, danh vọng… Mọi người đều cho rằng: “có tiền mua tiên cũng được”. Do đó, người ta cố miệt mài vun vén cho mình xây dựng cái cơ ngơi dinh thự cho mình.

“Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm.

Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã”

Tuy nhiên đó cũng là lẽ thường của con người chúng ta, nhưng trong cái bình thường đó, nếu chúng ta biết xây dựng vun vén cho của cải đời sau của mình bằng cách sống cho đi như gương Mẹ Têrêsa Calcutta. Một lần, có một người đàn bà giàu có người Hindou đến thăm Mẹ. Bà ta nói với Mẹ:

  • Thưa Mẹ, con ước ao được chia sẻ với Mẹ và cộng tác với Mẹ trong các hoạt dộng từ thiện.
  • Tốt lắm. Mẹ đáp lại một cách vui vẻ

Rồi bà ta thú thực với Mẹ là bà ta có một điều rất khó bỏ, đó là tính khoe khoang, ưa làm dáng. Bà thích mặc những chiếc áo xari, những bộ đồ Ấn Độ lộng lẫy và đắt tiền. Hôm ấy, bà mặc bộ áo xari trị giá 65 đôla, trong khi chiếc áo xari của Mẹ Têrêsa đang mặc chỉ đáng giá 65 xu, chưa đầy một đôla. Như được ơn trên soi sáng, Mẹ Têrêsa bỗng nảy ra một tư tưởng hay. Mẹ đề nghị với bà ấy bắt đầu cộng tác với Mẹ về những bộ áo xari đó. Mẹ khiêm tốn đề nghị:

  • Từ nay trở đi, thay vì mua sắm những bộ aó xari trị giá 65 hoặc 100 đôla, thì bà chỉ nên mua những bộ rẻ tiền hơn, chừng 45 hoặc 50 đôla thôi. Số tiền còn lại, bà hãy mua những bộ áo xari đơn sơ khác dành cho người nghèo

Bà ấy vui vẻ hưởng ứng lời đề nghị của Mẹ, rồi dần dần bà đã biết dùng những bộ áo xari rẻ tiền hơn. Sau này, chính bà ấy đã thú nhận với Mẹ Têrêsa rằng:

  • Thưa Mẹ, từ ngày con bắt đầu từ bỏ những vẻ hào nhoáng vô ích bên ngoài đó, tâm hồn con cảm thấy được tự do hơn, nhẹ nhàng hơn. Con đã học biết và hiểu rõ hơn thế nào là cho đi, thế nào là chia sẻ. Và trong cách chia sẻ như thế, con phải thú nhận rằng chính con đã được lãnh nhận nhiều hơn những gì con đã cho đi và chiasẻ với anh em nghèo khó.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta một bài học rất khôn ngoan, đừng ngu dại dành thời gian, khả năng, tiền bạc, của cải cho riêng mình. Hãy đi tìm kho tàng nước Trời  tức là chúng ta đánh đổi dù thiệt thòi danh vọng, của cải ngay cả mạng sống mình, coi trọng tình người . Chẳng ai khi chết họ mang theo được danh vọng, tiền tài. Chỉ có tình yêu thương chia sẻ cùng tha nhân, biết sống quảng đại, mở rộng trái tim, cảm thông cùng mọi người. Bên cạnh thành phố mọi người sống xa hoa nhung lụa, vẫn còn…những cụ già oằn lưng từng ngày lượm lon bia xa xỉ, để kiếm bữa cơm manh áo hàng ngày. Những chia sẻ bằng yêu thương cho mọi người, sẽ theo ta mãi về đời sau và trở nên giàu có  trước  Thiên Chúa

3. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin cho chúng con nhận biết đời sống chỉ là phù vân để mọi người biết dùng thời giờ, khả năng, tiền bạc, biết chia sẻ cho nhau bằng cả trái tim và tấm lòng đến mọi người bằng tình yêu thương với tình mến Thiên Chúa và sống  hy sinh cho đi  tron vẹn cuộc đời nơi  trần gian này. Amen.

M.Liên

Đồ ngốc (19.10.2015)

1. Ghi nhớ:

Nhưng Thiên Chúa lại bảo Ông: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai” (Lc, 12, 20)

2. Suy niệm:

Thật sự, khi nhắm mắt xuôi tay chúng ta còn lại gì nhỉ?

“Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi!” (Tv 90,4)

Nếu ta có tất cả mọi thứ trên đời này, mà sống một cuộc đời không “Tiên vàn hãy tìm kiếm nước Trời” thì ta sẽ đi đâu và về đâu? Vậy ta hãy sống làm sao đừng để một ngày kia nằm dưới đáy mồ, linh hồn ta không khỏi khóc than với lời ăn năn muộn màng nhất. Vì của cải vật chất làm cho cuộc sống thêm dồi dào phong phú nên đối với xã hội xưa và nay, con người được đánh giá qua phong cách, vẻ bề ngoài, áo quần lụa là, xe cộ, nhà cao tầng hay biệt thự v.v…

Lời Chúa hôm nay dạy ta thoát ra trong tầm nhìn hạn hẹp về việc thu tích của cải cho riêng mình, mà hãy sống mở rộng tầm nhìn biết tích góp kho tàng nơi Thiên Chúa, một kho tàng không bao giờ mốt mọt. Chính tiền bạc, của cải giúp con người hưởng thụ theo ý mong muốn của mình, nên ta luôn bị cám dỗ bằng mọi cách. Con người ta có thể đạp đổ những mối dây thiêng liêng đối với Chúa và với tha nhân để đi tìm cuộc sống dư dả về tinh thần hay vật chất, và để thỏa mãn ước mơ và lòng ham muốn của mình. Từ đó mới có sự tranh giành , bất hòa, thù hận, chiến tranh v.v…. Lòng sân si từ đó bóp chết tình người càng xa lìa Thiên Chúa, chối từ Ngài.

Tuy nhiên , trong sâu thẳm con người là khao khát sống trường sinh bất diệt trong Chúa. Chúng ta phải biết khơi mở cái khao khát ấy nơi bản thân và nơi mỗi người anh em xung quanh mình. Để từ đó tình yêu thương giữa người với người sẽ ngày càng lan tỏa, hướng tới một thế giới an hòa, hạnh phúc không những ở đời này và cả ở đời sau.

3. Sống lời Chúa:

“Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa” (Mt, 6.33)

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Thế giới ngày càng phân biệt ranh giới giàu nghèo, một cách rõ rệt. Giữa một thế giới sang trọng, ăn chơi, xa hoa phù phiếm vẫn còn đó người phu quét đường lưng oằn xuống trên bãi rác hay những cụ già hàng ngày vẫn ngả nón xin từng miếng cơm manh áo cho cuộc sống mình. Xin Chúa cho chúng con thêm ơn khôn ngoan biết sẻ chia với tha nhân để tìm kiếm của cải vĩnh cửu nước Trời mai sau. Amen.

M.Liên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *