Bài hát và Suy niệm (23.07.2017 – Chúa Nhật Tuần XVI Thường Niên Năm A)

NL: CA LÊN ĐI

ĐC: THÁNH VỊNH  85

Tung hô Tin Mừng

DL: BÀI CA YÊU THƯƠNG

HL: CUỘC ĐỜI CÒN DÀI

KL: CON MUỐN CẤT CAO

Lời Chúa: Mt 13,24-43

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu   

24 Khi ấy, Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe dụ ngôn sau đây : “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. 26 Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. 27 Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng : ‘Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ?’ 28 Ông đáp : ‘Kẻ thù đã làm đó !’ Đầy tớ nói : ‘Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không ?’ 29 Ông đáp : ‘Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. 30 Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt : Hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi’.”

31 Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. 32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ rau lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời ngôn sứ đã nói : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

36 Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng : “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” 37 Người đáp : “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. 38 Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. 39 Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. 40 Vậy, như người ta gom cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. 41 Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, 42 rồi quăng chúng vào lò lửa ; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. 43 Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

Đề cao cảnh giác trước những cám dỗ

1. Ghi nhớ:

“Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất” (Mt 13, 24-26).

2. Suy niệm:

Đêm hôm đó, trời mưa gió, bão táp, khiến căn nhà của một người đàn bà góa, sống độc thân bị sập. Vì vậy bà ta phải sang nhà ông hàng xóm bên cạnh để xin trú ngụ qua đêm

– Ông ơi! Nhà tôi vừa bị gió giật đổ. Xin ông làm ơn cho tôi vào ngủ qua đêm.

Trong nhà có tiếng vọng ra.

– Người xưa nói: “Nam nữ thọ thọ bất thân” nay trong đêm khuya vắng, tôi còn trẻ, ở một mình. Nên tôi nghĩ bà hãy đi tìm nơi khác thì tốt hơn.

– Sao ông bất nhân thế? Người đàn bà trách! Ông có thể làm như Liễu hạ Huệ “Tọa hoài bất loạn” ôm ấp một người con gái cho cô ấy khỏi chết vì lạnh qua đêm mà vẫn không có tai tiếng gì!

Người đàn ông đáp:

– Ông Liễu hạ Huệ làm được, tôi đây thì không làm được như  vậy. Thế nên bà thông cảm. Tôi không cho bà vào nhà, thì tôi giữ được tiếng thơm. Chẳng phải tôi đã không làm như Liễu hạ Huệ mà tôi vẫn giữ được tiếng thơm như ông ấy sao?

Trong bản thân mỗi người chúng ta đều tồn tại hai thế lực song hành; đó là; Khuynh hướng hướng về điều thiện, đưa chúng ta đi lên và một khuynh hướng khác chiều về điều xấu, dìm chúng ta đi xuống. Cũng có thể ví; Trong con người chúng ta luôn tồn tại hai thái cực; Cái Con thuộc về Ma quỉ, nó cám dỗ, xúi dục chúng ta làm những điều bạy bạ, sai trái; như kiêu ngạo, tham lam, dâm ô, lừa đảo… Cái Người là hình ảnh của Thiên Chúa, hướng tâm hôn chúng ta về những điều tốt đẹp, cao thượng, trong sáng…

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su qua dụ ngôn này cho chúng ta biết kẻ thù của chúng ta  là Quỉ dữ luôn rình rập chờ thời cơ để làm cho chúng ta ra băng hoại, tha hóa, hư đốn. Chỉ cần phút chốc lơ là ngủ quên mất cảnh giác, là chúng ta sẽ bị sa vào bẫy lừa của chúng! Khiến chúng ta thành kẻ bất tuân, giống chúng phản nghịch, chống lại cùng Thiên Chúa.

Vì vậy, để đối phó chúng ta phải sống trong tinh thần yêu mến, kính sợ Thiên Chúa, đề cao cảnh giác trước những cám dỗ, và phải nhờ ơn  Chúa chúng ta mới có thể đứng vững và vượt qua những cám dỗ trên đường đời. Thật vậy, chỉ khi chúng ta có một tấm lòng kính mến và tôn thờ Thiên Chúa cách thiết tha hết lòng, thì những việc làm mất lòng, xúc pham đến Chúa sẽ làm cho tâm hôn chúng ta ray rứt bất an, như thế chúng ta mới có thái độ cương quyết “thà chết chẳng thà phạm tội mất lòng Thiên Chúa.” Với tâm tình như vậy thì chúng ta sẽ cố gắng trừ khử ngay những ý nghĩ xấu xa, những tư tưởng bất chính khi chúng vừa mới manh nha nhen nhúm trong tâm trí mình.

Nhưng Chúa biết con người thân phận yếu đuối mỏng dòn rất dễ quên tình Chúa mà sa ngã phạm tội, nên Ngài đã thiết lập Bí Tích cáo giải để phục hồi cho tội nhân được trở về làm con lại Thiên Chúa. Như vậy, chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha rất nhân từ giàu lòng xót thương, sẽ tha thứ hết mọi lỗi lầm  cho con người xúc phạm đến Ngài và  luôn tạo cơ hội và đợi chờ con cái sa ngã  sớm sám hối ăn năn trở về cùng Ngài mà được ơn cứu độ

3. Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, khi sinh ra chúng con, Chúa chỉ muốn làm những điều tốt đẹp cho chúng con mà thôi. Song vì chúng con quên đi tình Chúa, sống theo ý riêng, chạy theo những lạc thú, ảo ảnh, phù vân chóng qua trên đời, chúng con đã làm bao điều xúc phạm đến Chúa. Nay chúng con thành tâm sám hối,ăn năn. Xin Chúa thứ tha. Chúng con quyết từ nay sống tốt lành xứng danh là Kitô hữu. Amen.

4. Sống lời Chúa.

 Trong ơn Chúa: Mỗi ngày cố gắng sống tốt lành hơn.

Đaminh Trần Văn Chính

***

MỤC LỤC

 

 

1. Truyền giáo

2. Tốt và xấu

3. Nụ cười.

4. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do con người

5. Không gì là quá muộn

6. Tự do của con người – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

7. Diệt cỏ lùng bằng nhân đức

8. Như hạt giống tốt

9. Nước Trời được ví như…

10. Con người, không phải cỏ cây

 

***

1. Truyền giáo 

Hạt cải ở đây là một thứ hạt người ta quen dùng làm đồ gia vị. Nó tuy nhỏ nhưng lại có một sức sống dồi dào và mau lớn. Đôi khi nó có thể trở thành cây cao trên 2m, chim trời có thể đến đậu. Chúa muốn áp dụng ở đây một bài học: Giáo Hội Chúa khởi đầu rất nhỏ bé với mấy vị tông đồ vô danh tiểu tốt khác nào một hạt cải nhỏ bé. Nhưng rồi Giáo Hội ấy dần dần mở rộng, quy tụ muôn dân nước và bao trùm cả thế giới. Ngày nay chỗ nào cũng có bóng cây của Giáo Hội.

Mấy vị tông đồ như chúng ta đã biết chỉ là những ngu phủ quê mùa dốt nát, thế mà đã tạo nên nền văn minh Kitô giáo thay thế cho nền văn minh Hy Lạp và Lamã cổ xưa. Dưới bóng mát của Giáo Hội, có đủ mọi hạng người không phân biệt giàu nghèo, có đủ mọi dân tộc mọi màu da, không phân biệt ngôn ngữ và văn hoá. Cái mấu chốt của dụ ngôn nằm ở trong việc mở mang Nước Chúa, nằm ở trong sự tương phản giữa cái bé nhỏ lúc ban đầu và sự to lớn lúc phát triển. Tiếp đến là dụ ngôn nem bột. Nếu dụ ngôn hạt cải nói lên sự phát triển rộng rãi của Nước Trời thì dụ ngôn men bột nói đến sức biến đổi, thâm nhập của Tin Mừng Phúc Âm. Đúng thế, một dúm men có thể làm cho cả đấu bột dậy lên để bánh có hương vị thơm ngon thì cũng thế, giáo lý của Chúa sẽ thấm nhập và làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng đối với chúng ta thì hai dụ ngôn trên có ý nghĩa gì?

Theo tinh thần bác ái Công giáo, chúng ta không được nghĩ tới việc tiêu diệt, nhưng phải nghĩ đến việc hoán cải. Một chút men làm cho cả đấu bột dậy lên. Chúng ta cũng là men của Chúa, chúng ta phải ảnh hưởng đến gia đình và xã hội, phải làm cho môi trường chúng ta sống trở nên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên nếu men mà xấu thì thật là tai hại, nó sẽ làm cho bột bị chua và làm hỏng cả bánh. Bổn phận của chúng ta là phải đem tinh thần Phúc Âm vào mọi cơ cấu gia đình cũng như xã hội. Mỗi người chúng ta phải là men biến đổi thế giới trong môi trường sống của mình.

Người ta kể lại trong trận thế giới đại chiến lần thứ hai. Những binh sĩ người Anh bị quân đội Nhật bắt giữ. Họ phải làm việc khổ cực và bị đối xử tàn nhẫn. Lúc đầu những người Anh còn giữ được lòng cao thượng và tinh thần tương trợ. Nhưng dần dần vì miếng ăn, vì cực nhọc, họ đã trở nên hung dữ, đối xử với nhau theo luật rừng. Nhưng trong số đó có hai người Công giáo, với đức tin mạnh mẽ, với đức ái sâu xa, họ đã là men của Phúc Âm, là ánh sáng của Thiên Chúa. Họ đã yêu thương tất cả. Tình yêu đó không gì làm phai mờ được. Họ đã sống phần nào câu nói của một thi sĩ: Tôi đi tìm một tâm hồn mà không thấy. Tôi đi tìm Thiên Chúa mà cũng chẳng có tiếng trả lời. Tôi đi tìm người anh em và với người anh em đó, tôi đã thấy tất cả. Gương bác ái yêu thương của hai người Công giáo này đã cảm hoá được cả đám tù nhân. Để rồi họ đã yêu thương nhau, giúp đỡ nhau như anh em một nhà.

Để góp phần vào công cuộc truyền bá Phúc Âm, để góp phần vào việc làm cho Giáo Hội được lớn mạnh, thì mỗi người chúng ta phải là men của Phúc Âm, làm dậy lên vẻ bác ái và thánh thiện cho cả một thôn ấp, cho cả một khu phố, cho cả một phiên chợ, cho cả một lớp học, cho cả một công sở. Hãy là men của Chúa.  [Mục Lục]

2. Tốt và xấu 

Thế giới hôm nay vẫn còn là như một thửa ruộng, trong đó có cỏ lùng xen lẫn với lúa. Cái tốt xen lẫn với cái xấu. Chúng ta chỉ cần để ý một chút là có thể nhận ra trong giáo xứ, trong khu xóm, trong gia đình có những người tốt và những người xấu. Hơn nữa, cùng một con người, nhưng có lúc hành động tốt và có lúc hành động xấu.

Chọn cái tốt và làm điều tốt cũng như ghét cái xấu và tiêu diệt cái xấu, đó là bài học luân lý phổ thông nhất cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Bài học này nói thì dễ nhưng áp dụng vào thực hành lại chẳng dễ chút nào. Vì thế, chúng ta cần phải cố gắng liên tục, cố gắng không ngừng.

Tuy nhiên cái đích mà Chúa Giêsu nhắm tới không phải chỉ là những kẻ khô khan nguội lạnh mà còn là những người sốt sắng nóng nảy, bởi vì dụ ngôn trên kêu gọi sự nhẫn nại. Nhẫn nại với lịch sử, với người chung quanh và với chính bản thân mình. Đừng vội kết án như thể mọi sự đã xong xuôi, chẳng còn gì để mà nói, để mà trông chờ. Nó đã hư đã hỏng, chỉ còn việc nhổ lên và vất đi. Các nhãn hiệu tốt và xấu như được gắn chặt nơi mỗi con người một cách vĩnh viễn.

Nền tảng của sự nhẫn nại chính là tính chất của giai đoạn chúng ta đang sống. Giai đoạn hiện tại là một giao thời và sự hiện diện của Giáo Hội là một lời mời gọi chứ chưa phải là một lời kết án. Giai đoạn hiện tại còn là thời rao giảng Tin Mừng. Các môn đệ của Chúa được sai đi để đem đến ơn cứu độ. Nhưng đồng thời lòng ham muốn sai trái và tội lỗi vẫn còn được phép hoạt động. Sẽ tới một thời được gọi là mùa gặt, tức là cuộc phán xét trong ngày sau hết. Bấy giờ Chúa Giêsu sẽ đứng lên để làm công việc phải làm: phân định vĩnh viễn người lành kẻ dữ, người tốt kẻ xấu. Người lành thì sáng chói trong Nước Chúa còn kẻ dữ thì bị ném vào lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.

Nhẫn nại đi đôi với lạc quan và hy vọng. Dụ ngôn còn là một lời mơi gọi chúng ta phải biết nhìn về tương lai. Căn bệnh rồi sẽ khỏi, chiến tranh rồi sẽ hết, bất công không thể kéo dài một cách vĩnh viễn, kẻ phạm tội có thể hối cải và kẻ thất vọng sẽ tìm thấy chốn cậy trông.

Nhưng tin vào tương lai cũng là hoạt động cho niềm tin trở thành sự thật. Nhẫn nại không có nghĩa là khoanh tay ngồi im chờ đợi trong trạng thái thụ động. Người tín hữu tin ở sự chiến thắng của cái tốt, tin ở một tương lai tươi đẹp, tin ở công trình cứu chuộc của Thiên Chúa, cũng phải là người hành động một cách tích cực để huỷ diện cái xấu và làm phát sinh những cái tốt. [Mục Lục]

3. Nụ cười. 

Theo yêu cầu, một nhà đạo đức đã kể lại kinh nghiệm đời mình như sau:

– Giai đoạn đầu tiên, tôi được Thiên Chúa cầm tay, dẫn tới xứ sở của hoạt động và tôi đã ở lại đó nhiều năm. Tiếp đó, Ngài trở lại đưa tôi đến xứ sở của niềm đau, tại đây, trái tim tôi được thanh luyện khỏi mọi dính bén với của cải trần gian. Sau đó, Ngài dẫn tôi đến miền đất của cô đơn, ở đó mọi ti tiện nhỏ bé của bản thân đều bị thiêu rụi. Và rồi tôi có thể đi vào xứ sở của thinh lặng, trước mặt tôi, mầu nhiệm của sự sống và sự chết đều được bày tỏ.

Nghe thế, người ta liền hỏi:

– Phải chăng ngài đã đạt tới giai đoạn cuối cùng của cuộc tìm kiếm.

Nhà đạo đức trả lời:

– Chưa đâu, ngày nọ, Thiên Chúa nói với tôi: Lần này Ta đưa con vào thẳm cung của đền thánh để con được đi vào cõi lòng Ta.

Thế là tôi đã đến xứ sở của nụ cười.

Người Tây phương thường bảo: Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn vậy. Niềm vui phải chăng là nét chính yếu trên khuôn mặt của một vị thánh.

Cựu Ước đã nói: Thiên Chúa là Đấng làm hoan lạc tuổi xuân con. Sở dĩ như vậy vì Ngài là niềm vui. Đi vào cõi lòng của Ngài là tìm được nụ cười muôn thuở của Ngài. Nụ cười không chỉ là thể hiện của niềm vui, mà còn là một thách thức trong những hoàn cảnh bi đát. Đó là nụ cười của Sara giữa cảnh già nua con sẻ. Thực vậy, khi Thiên Chúa cho biết bà sẽ thụ thai, mặc dù tuổi đã cao, thì bà đã bật cười.

Thiên Chúa thường khơi dậy những nụ cười như thế, bởi vì tư tưởng và lối của Ngài là những nghịch lý đối với con người. Thực vậy, cả cuộc sống cùng với lời rao giảng cái chết và sự phục sinh của Ngài là một chuỗi những nghịch lý trước mắt thế gian. Đang khi người đời chạy theo tiền bạc, địa vị và danh vọng thì Ngài lại tuyên bố: Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó. Đang khi người đời thích gây bạo động và hận thù, thì Ngài lại truyền dạy: Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà. Đang khi người đời cho rằng cái chết là một bất hạnh tột cùng, thì Ngài lại dạy đó là khởi đầu của ơn phúc, là cửa ngõ dẫn vào sự sống.

Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cũng thấy được những điều nghịch lý về Nước Trời. Nhỏ bé như hạt cải nhưng khi mọc lên sẽ trở thành cây to. Ít ỏi như nhúm men nhưng sẽ làm dậy cả đấu bột. Cả hai hình ảnh này đều nói lên sức mạnh của Nước Trời Chúa Giêsu muốn thể hiện qua Giáo Hội của Ngài. Khởi đầu từ một nhóm người nhỏ bé, Giáo Hội dần dần quy tụ mọi dân nước trên thế giới. Xây dựng từ một đám dân chài dốt nát, Giáo Hội đã trở thành phổ quát. Và trải qua bao nhiêu bách hại, Giáo Hội ấy vẫn tiếp tục đứng vững.

Là con cái Giáo Hội, chúng ta được mời gọi đặt tất cả niềm tin tưởng vào Chúa. Tiến bước trong tình yêu quan phòng của Ngài luôn phù trợ chúng ta, dù trải qua gian nan thử thách, chúng ta luôn xác tín rằng: Với những ai yêu mến Chúa, thì Ngài sẽ làm cho mọi sự đều quy về sự thiện hảo. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta quả thực đang tìm được nụ cười muôn thuở của Thiên Chúa. [Mục Lục]

4. Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do con người 

(Suy niệm của Lm. Ignatiô Trần Ngà)

Một số người cứ thắc mắc: tại sao Chúa không quét sạch những phường tội lỗi và hung ác khỏi mặt đất nầy? Tại sao Thiên Chúa cứ để họ ung dung sống trong tội ác và tiếp tục gây ra chiến tranh, khủng bố, áp bức, bất công? Ai làm ác, ai gây rối, Chúa cứ việc quét sạch chúng đi là thế giới sẽ được hoà bình và mọi người sẽ được sống trong hạnh phúc. Đó chẳng phải là một giải pháp đơn giản để tái lập hoà bình ổn định cho thế giới đó sao?

Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau:

“Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

Qua dụ ngôn trên, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta biết rằng kẻ nghịch của Thiên Chúa là ma quỷ tìm cách gieo mầm giống xấu vào lòng dạ con người và từ mầm giống xấu xa ấy, sự dữ lan tràn khắp thế gian. “Người kia gieo giống tốt trong ruộng mình, nhưng khi mọi người đang ngủ thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa.”

Cỏ lùng trong ruộng mọc lên lấn lướt lúa non thế nào thì mầm giống xấu do ma quỷ gieo vào lòng người cũng bùng lên cách đáng sợ như thế.

Như những người tôi tớ, sau khi thấy cỏ lùng mọc lên lấn át lúa non, đã nài xin chủ ruộng cho đi nhổ cỏ để bảo vệ lúa, nhiều người trong chúng ta cũng ước mong Thiên Chúa dùng quyền lực của mình để quét sạch phường gian ác khỏi thế giới nầy, để nhân loại được sống trong hoà bình an lạc.

Nhưng làm như thế là ‘khủng bố’ kẻ gian ác, là tước đoạt tự do con người. Thiên Chúa nhân lành và cao cả nên Người không hề ‘khủng bố’ ai và Người cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Người đã thông ban cho loài người, vì nếu Thiên Chúa tước đoạt tự do con người, thì Người sẽ biến họ thành robot hoặc thành thú vật là loài không có tự do.

Con vật không có tự do để lựa chọn điều tốt hay tránh điều xấu, chúng chỉ thực hiện mệnh lệnh của bản năng và hoàn toàn bị bản năng khống chế.

Nơi con người, dù bản năng cũng mãnh liệt không khác chi nơi con vật, nhưng con người có thể dùng tự do của mình để khước từ những mệnh lệnh của bản năng, sống vượt lên bản năng cũng như những lôi cuốn đê hèn. Con người có thể tuyệt thực bên cạnh mâm cỗ thịnh soạn được dọn ra cho mình, nhưng thú vật không thể làm được điều đó vì bản năng sinh tồn đòi buộc chúng phải ăn khi đói.

Con người có thể tuyệt dục dù có thừa cơ hội để thực hiện bản năng truyền sinh; nhưng nơi con vật, bản năng truyền sinh hoàn toàn chế ngự chúng.

Khi con người biết dùng tự do của mình để chế ngự bản năng, làm chủ bản thân và thực hành điều thiện, thì con người trở nên cao cả và đáng kính. Nhưng khi con người để cho bản năng lấn lướt tự do, cam thân làm nô lệ cho bản năng hư hèn hoặc dùng tự do để chọn làm điều xấu, con người đánh mất phẩm giá cao cả của mình.

Nếu con người bị tước đoạt tự do, con người chẳng hơn gì người máy; người máy chỉ biết làm theo những gì mà nhà chế tạo đã cài đặt vào bộ nhớ của nó. Nếu con người không có tự do, con người chẳng hơn gì thú vật; thú vật chỉ biết hành động theo bản năng, theo thú tính mà chẳng có tự do để chọn làm điều tốt. Vì thế, Thiên Chúa không bao giờ tước đoạt tự do con người cho dù con người dùng tự do của mình để gây ra điều ác đối với đồng loại cũng như để phỉ báng Thiên Chúa là Đấng tạo dựng và thông ban tự do cho mình.

Nhưng nói thế không có nghĩa là Thiên Chúa làm ngơ để mặc loài người đi vào con đường lầm lạc. Thực ra, Người luôn dùng Tin Mừng và giáo huấn để soi sáng, để cảm hoá, để cảnh tỉnh con người và Người luôn kiên nhẫn, rất kiên nhẫn chờ đợi họ hồi tâm quay lại đường lành: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con tự do vì chỉ khi có tự do, chúng con mới thật sự là người, mới xứng đáng là hình ảnh của Chúa.

Chúa cũng không bao giờ tước đoạt tự do mà Chúa đã thông ban cho chúng con vì không muốn chúng con sống như người máy hay như thú vật.

Xin cho chúng con biết sử dụng tự do của mình mà tránh dữ làm lành để nhờ đó, chúng con làm cho mình trở thành người thật sự tự do, có phẩm chất cao đẹp và thánh thiện. [Mục Lục]

5. Không gì là quá muộn 

(Trích trong ‘Như Thầy Đã Yêu’ – Thiên Phúc)

Mục sư Martin Luther King, người đấu tranh giành tự do cho nô lệ da đen tại Hoa Kỳ bằng phương pháp bất bạo động đã kể lại một câu chuyện như sau:

Chúng tôi đã có dịp viếng thăm bang Kerela ở cực Nam Ấn Độ. Một buổi chiều cuối tuần, chúng toi đến bãi biển Cap-Comorin, thường được gọi là “nơi tận cùng của thế giới”, vì đây là mũi đất cuối cùng của lục địa Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương.

Trước mắt chúng toi là đại dương mênh mông, với các đợt sóng nhấp nhô. Nơi đây được gọi là “điểm hẹn” của ba biển cả: Ấn Độ dương, Biển Ả Rập và vịnh Bengal. Ngồi trên tảng đá nhô ra trên mặt nước, chúng tôi cảm thấy mình bị cuốn hút vào biển cả mênh mông. Trong khi các đợt sóng dồn dập vào mỏm đá, tạo nên một bản nhạc nhịp nhàng, thì về phía tây, chúng tôi nhìn thấy mặt trời đỏ chói đang dần dần đi vào biển cả. Khi mặt trời gần khuất, vợ tôi đánh động tôi và nói: “Xem kìa, Martin, thật là tuyệt vời, phải không?” Tôi đưa mắt nhìn chung quanh và kìa mặt trăng đang từ từ lên khỏi lòng biển trong khi mặt trời chậm chạp đi xuống biển sâu. Khi mặt trời lặn, bóng tối bao trùm mặt đất, nhưng từ phía đông, mặt trăng mọc lên, rực rỡ, chói sáng.

***

Khi ánh sáng mặt trời tắt dần và dìm chúng ta vào trong bóng tối dày dặc, có thể ví như thời điểm của cái ác và sự dữ lộng hành, biến chúng ta thành nạn nhân của thế lực đen tối. Nhưng hãy nhìn về phía đông, chúng ta sẽ thấy một ánh sáng rực rỡ huy hoàng ngay trong đêm tối. Và đêm đen lại sáng tỏ như ban ngày. Đó là lúc điều thiện và cái tốt đang vươn lên mạnh mẽ. Nếu đã có ánh sáng ban ngày hướng dẫn chúng ta lúc thuận buồm xuôi gió, thì cũng có ánh sáng ban đêm dẫn đưa chúng ta khi bão tố phong ba. Cả hai phải cùng tồn tại để đồng hành với chúng ta đến với nguồn sáng vĩnh cửu là Thiên Chúa.

Đức Giêsu, trong bài Tin Mừng hôm nay đã khẳng định lập trường của Thiên Chúa qua dụ ngôn “Cỏ lung và lúc tốt”. Đầy tớ muốn nhổ cỏ lùng đi, nhưng ông chủ lại bảo: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt” (Mt 13,30). Kể từ khi nguyên tổ nuối lấy trái cấm thì sự dữ và cái ác như con bạch tuộc vươn vòi đến mọi mặt của cuộc sống con người. Nó dai dẳng, ngoan cố, lì lợm, không dễ dàng buông tha nếu chúng ta không chống cự lại một cách mãnh liệt, dứt khoát. Chẳng thế mà Kinh thánh đã dùng biểu tượng con rắn để mô tả hành động xảo trá của sự dữ luôn gieo rắc bất hoà trong bản hòa tấu nhịp nhàng của đời sống con người.

Trong dụ ngôn Cỏ lùng, Đức Giêsu khẳng định về sự xuất hiện của cỏ lùng là do “kẻ thù đã gieo chúng vào ruộng lúa”.

Cho dù kẻ thù đó là Satan hay bởi chính sự lạm dụng tự do của con người, thì cỏ lùng luôn mang đến tai họa và chết chóc.

Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian, nhưng mùa gặt đến nó sẽ bị gom lại và đốt đi. Còn lúa tốt lại được cất vào kho lẫm.

Cho dù cứ để cỏ lùng và lúa tốt cùng lớn lên cho đến mùa gặt, nhưng không phải là để dung túng cho cái ác và để sự dữ lộng hành.

Thiên Chúa có chương trình hành động của Người: Trong hành trình của mỗi con người, vẫn có cỏ lùng mọc chung với lúa tốt, vẫn có cái ác sống chung với cái thiện, vẫn có bóng tối chen lẫn cùng ánh sáng. Đó là cuộc chiến đấu trường kỳ giữa sự lành và sự dữ. Trong lòng người tín hữu rễ cỏ lùng và lúa tốt vẫn đan xen lẫn nhau. Thánh Phaolo đã diễn tả chân lý ấy khi viết: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi cứ làm” (Rm 7,15). Người tín hữu hay bị cám dỗ ở trong tình trạng chưa là tội nhân mà cũng chưa muốn tìm về thánh thiện.

Khi chiến đấu chống lại sự dữ, chúng ta không chiến đấu đơn độc, có Chúa cùng chiến đấu với chúng ta, như một người Cha đầy yêu thương. Nhưng Người không can thiệp để tiêu diệt sự dữ một cách vũ bão, vì Người đã ban cho chúng ta sự tự do, và bởi chúng ta là những con người có trách nhiệm. Sự dữ nào cũng có phần cộng tác của con ngưồi, tội lỗi nào cũng mang dấu tay của những kẻ đồng lõa. Eva đã chẳng phạm tội nếu bà đừng đưa tay ra hái trái cấm. Để cứu lấy con người luôn luôn sa ngã, Thiên Chúa đã phải nhẫn nại, chờ đợi sự hoán cải tuy rất chậm chạp của họ.

Thiên Chúa yêu thương con người, và không hề quên sót một ai, cho dù họ là những tội nhân:

Nếu Thiên Chúa tỏ ra chậm chạp trong việc chống lại tội lỗi, là để chúng ta có thời gian mà sám hối canh tân.

Nếu chúng ta yếu đuối lầm lỗi, thì Người sẽ ban cho chúng ta sức mạnh để can đảm trỗi dậy sau những lần vấp ngã.

Nếu phải bước đi trong bóng đêm tối tăm vì mất niềm hy vọng, thì Người sẽ là ánh sáng dẫn đường để chúng ta đến với niềm tin.

Thiên Chúa khinh ghét tội lỗi nhưng lại yêu mến tội nhân, vì Người chờ đợi nơi họ lòng thống hối để được Người thứ tha (x. Rm 2,4). Thiên Chúa khoan dung, độ lượng không phải để dung túng cho các tội nhân, nhưng là để cho họ thời gian thức tỉnh mà quay trở về.

Chúa đã bao dung nhẫn nại với chúng ta. Lẽ nào chúng ta lại thiếu nhân hậu khoan dung với kẻ tội lỗi? Chúa đã yêu thương chúng ta, lẽ nào chúng ta không dùng tình yêu của Người mà hóan cải anh em? Lòng thương xót Chúa muốn kéo chúng ta vào quê hương vĩnh cửu. Nhưng không phải là một cuộc hành trình đơn độc. Trái lại, phải là một ngày hội thấm đẫm tình yêu, đầy ắp tiếng cười.

***

Lạy Chúa, dù tội lỗi có ngập tràn Chúa cũng không bao giờ thất vọng về chúng con. Với tình yêu thương xót của Chúa thì không có gì là quá muộn.

Xin cho chúng con luôn biết bắt đầu lại trong tin yêu và hy vọng nơi Chúa. Amen. [Mục Lục]

6. Tự do của con người – Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền 

Nét nổi trội nơi con người hơn muôn loài muôn vật chính là được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Và dấu hiệu của sự trổi vượt ấy chính là sự tự do giống như thần linh mà các tạo vật khác không thể có được. Chính nhờ sự tự do mà con người có khả năng làm chủ mình, đồng thời cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là điểm mạnh và cũng là yếu điểm của con người. Con người có thể sử dụng tự do để đi theo lề luật Thiên Chúa hay đi theo những đòi hỏi của tính xác thịt và theo ý riêng của mình.

Quả thực, con người hơn mọi tạo vật khác là có khả năng biết phân biệt điều thiện điều ác, biết chọn lựa điều nào nên làm hay không nên làm, và vì thế chỉ có con người mới phải nhận lãnh trách nhiệm về việc làm của mình. Có một chuyện ngụ ngôn kể rằng:

Một hôm Satan ra lệnh cho một người kia phải thi hành một trong ba điều nó yêu cầu, nếu không nó sẽ cướp linh hồn người đó. Ba điều đó là: giết cha, hành hạ người em, uống rượu. Người đó ngẫm nghĩ: giết cha, đánh đập người em là điều trái với đạo lý làm người, còn uống rượu thì dễ quá, ai mà không làm được. Thế là anh ta quyết định đi uống rượu. Lúc đầu anh ta còn làm chủ được, nhưng về sau không còn làm chủ được mình nữa, anh đã say lúy túy và kết quả đã diễn ra đúng như qủy mong đợi. Anh ta đã giết cha, hành hạ người em và còn làm nhiều điều tội lỗi khác.

Câu chuyện trên đây có lẽ không chỉ là chuyện ngụ ngôn mà là thực tế xảy ra hằng ngày trước mắt chúng ta. Tội ác luôn tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta. Rơi vào một hoàn cảnh nào đó, nếu không biết tự chủ bản năng, ai cũng có thể là một tên sát nhân. Thế nhưng câu chuyện này không chỉ nêu lên mặt trái của con người, nó còn nói lên nét cao qúy trong lòng con người nữa. Thật thì người đàn ông trong câu chuyện đã không lao vào tội ác như một phản ứng bình thường. Đạo lý và lẽ phải đã đến với anh ta trước tiên. Từ thâm sâu lòng mình, con người luôn hướng về điều thiện. Con thú cắn xé mồi rồi lăn ra ngủ yên, nhưng con người thì không như thế. Thử hỏi có kẻ sát nhân nào mà không cảm thấy bị cắn rứt trong lương tâm, có hành động xấu nào mà không dày vò lòng dạ con người? Con người sinh ra vốn hướng về điều thiện, nhưng ma qủy lại luôn lôi kéo con người vào sự dữ. Thực vậy, con người luôn bị giằng co giữa thiện và ác, giữa phúc và tội. Tại sao vậy?

Thưa, bởi vì Thiên Chúa đã tạo dựng mọi sự đều tốt đẹp, thế nhưng, ma quỷ lại gieo những điều xấu vào thế gian. Nó còn gieo điều gian ác vào trong chính tâm hồn con người. Hạt giống của sự dữ đó được ấp ủ, được nuông chiều nuôi nấng bởi tâm hồn thiếu cương quyết tránh xa sự dữ, thiếu tự chủ trước những tư tưởng bất chính nên hạt giống xấu luôn có cơ hội bùng phát và một khi có cơ hội nó sẽ triển nở làm cho con người ra băng hoại.

Theo giáo lý Kitô giáo, Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài, vì thế, khát vọng sâu thẳm nhất trong lòng ta chính là Thiên Chúa. Chọn tuân phục Chúa, chúng ta có được sự tự do đích thực, được bình an, hạnh phúc. Còn khi chúng ta bất tuân Thiên Chúa, là đánh mất ý nghĩa đời mình, là đặt cuộc sống mình dưới sự điều khiển của sự ác và sẽ bị buông mình trong hố sâu của tội lỗi, tựa như cánh diều chỉ có thể tự do bay bổng khi còn được ràng buộc với sợi dây, con người chỉ có thể được tự do sống trong hạnh phúc khi tự ràng buộc đời mình theo lề luật của Chúa mà thôi.

Tuy nhiên, vì bản tính con người đã bị thương tích do tội nguyên tổ trở nên yếu đuối, dễ sa vào những cám dỗ tội lỗi, như lời thánh Phaolô đã nói: “sự lành tôi muốn làm nhưng tôi lại không làm, còn sự dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm”. Đó chính là sự giới hạn của mình, chúng ta cần phải nhờ ơn Chúa qua việc cầu nguyện, năng lãnh nhận các bí tích để xin Thiên Chúa gia tăng ơn cần thiết mà biết làm điều lành tránh điều dữ, và gìn giữ ta trong ơn thánh của Người, mà trong giáo lý chúng ta gọi là ơn thánh hoá và ơn trợ giúp. Vì vậy, để gìn giữ vẻ đẹp linh hồn mình luôn là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, chúng ta cần thường xuyên cầu nguyện, siêng năng tham dự thánh lễ và nếu chúng ta lỡ phạm tội chúng ta cần can đảm đến với bí tích giải tội để được ơn tha thứ và qua đó, Chúa sẽ ban ơn soi sáng để chúng ta biết sống đúng với phẩm giá làm người của mình hơn.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn can đảm nói không với sự dữ, luôn kiên trường tránh xa những mưu chước cám dỗ của Sa-tan và luôn trung thành theo giáo huấn của Chúa, ngõ hầu chúng ta luôn trở thành con cái của Thiên Chúa, con cái của tự do không lệ thuộc bởi đam mê tội lỗi. Amen. [Mục Lục]

7. Diệt cỏ lùng bằng nhân đức 

(Suy niệm của Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền)

Một nhà hiền triết dẫn các học trò đến trên bãi cỏ hoang và hỏi các học trò: Làm thế nào để diệt trừ hết cỏ hoang này?

Một học trò thưa: “Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái xẻng thôi là xong hết ạ!”Nhà hiền triết khe khẽ gật đầu. Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: “Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay đấy ạ!”Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi một người khác. Người học trò thứ ba nó: “Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ đấy ạ!”. Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư anh ta nói: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cần nhổ được rễ lớn là xong hết!”. Các học trò đã lần lượt nói hết suy nghĩ của mình, nhà hiền triết mới nói: “Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là hãy trồng cấy mùa màng lên đấy. Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt”.

Đây là một câu chuyện thật ý nghĩa. Ý nghĩa vì nó rút cho chúng ta một bài học làm người thật giản dị. Muốn trở nên người tốt thì không phải chỉ bỏ tật xấu mà quan yếu là tập thói quen tốt mới có thể giảm dần tính xấu.

Con người chúng ta mặc dầu được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng lại được đặt giữa thế gian nên ma qủy cũng gieo vào hồn ta những cỏ dại là tính hư nết xấu. Có đôi lúc chúng ta ngủ mê trong đam mê nên để cỏ dại mọc kín tâm hồn chúng ta. Có đôi lúc chúng ta mải mê trong danh vọng nên để cho tính hư nết xấu, cùng thói kiêu căng giả hình phát triển mạnh mẽ nơi chúng ta.

Chúa Giêsu dùng dụ ngôn lúa và cỏ lùng như muốn nhắc nhở chúng ta sự phát triển rất nhanh của tính hư nết xấu trong con người chúng ta. Chỉ một chút thờ ơ thì cỏ lùng đã lấn lướt cây lúa. Cũng vậy, chỉ một chút mất cảnh giác cũng đủ chúng ta lây nhiễm biết bao thói đời xấu xa. Cỏ thì dễ mọc. Lúa thì phải chăm bón. Thói xấu thì dễ nhiễm, nhưng nhân đức phải tập luyện mới thành. Đó là nỗi khổ mà thánh Phaolô đã từng thốt lên: “việc lành tôi muốn làm mà tôi lại không làm. Việc dữ tôi không muốn làm mà tôi lại làm”. Đó là lý do mà có biết bao người đang hiền lành bổng dưng làm chuyện ác, đang sống tốt bỗng trở thành kẻ sát nhân. Đó cũng là mâu thuẫn tự nội tâm con người và vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng hôm nay Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng hay thất vọng. Hãy tin tưởng vào sức mạnh của ân sủng Chúa. Chính Chúa sẽ hoàn tất những điều tốt đẹp nơi chúng ta. Tựa như một cây cải nhỏ bé tưởng chừng như bị nuốt chửng giữa cỏ dại um tùm nhưng một lúc nào đó nó sẽ trở thành cây cao bóng cả. Hay việc tốt chúng ta làm tuy nhỏ bé như nắm men được ủ vào ba thúng bột, thế mà nó làm cho tất cả đều phải dạy men. Hãy kiên nhẫn rèn luyện nhân đức. Hãy kiên nhẫn sửa lại lỗi lầm bằng những việc cao thượng hơn hầu khống chế những tính hư nết xấu trong ta.

Cuộc sống con người có cái tốt, cái xấu. Nó có thể biến chúng ta thành thiên thần hay ác quỷ trong một khoảng cách rất gần. Điều quan yếu là chúng ta đừng bao giờ mất cảnh giác với lời mời gọi đi vào đường xấu. Hãy tỉnh thức kẻo sa vào cám dỗ. Hãy nói không với tội lỗi. Hãy tránh xa môi trường xấu để giữ mình khỏi quyến luyến tội lỗi.

Người xưa nói rằng: “biết mình yếu thì đừng ra gió”. Hãy tự biết sự yếu đuối của mình để phòng tránh những cám dỗ tội lỗi. Hãy nhìn nhận sự yếu đuối của mình để cậy dựa vào ân sủng Chúa. Hãy để cho Chúa dẫn dắt chúng ta đi trong ánh sáng Lời Chúa. Hãy rèn luyện các nhân đức tốt để đẩy lùi những thói xấu ra khỏi con người chúng ta. Hãy nuôi dưỡng những mầm sống lương thiện thay cho những ý đồ bất chính. Hãy làm cho tâm hồn mình trở thành miền đất màu mỡ cho Tin Mừng của Chúa được vươn lên thành những nhân đức cao đẹp.

Ước gì chúng ta hãy làm đẹp cuộc đời mình thành những cánh đồng lúa xanh tươi bằng những việc lành phúc đức. Xin đừng để tính lười biếng mà biến hồn ta thành nơi chất chứa những điều xấu xa. Xin cho chúng ta biết chiến thắng cỏ lùng bằng việc rèn luyện những nhân đức tốt thay cho những cái xấu làm mất vẻ đẹp cuộc đời chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa để hoàn thiện đời mình nên hoàn hảo như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn hảo. Amen. [Mục Lục]

8. Như hạt giống tốt 

(Suy niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)

Bài tin mừng Chúa nhật nầy gồm ba dụ ngôn về Nước Trời: Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:24-30), dụ ngôn hạt cải (13:31-32); dụ ngôn men trong bột (13:33); lý do dùng dụ ngôn (13:34-35) và giải thích dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:36-43). Ba dụ ngôn nầy có nhiều điểm chung: – Tất cả đều hướng về “ngày thu hoạch”, chứ không phải tình trạng hiện thời; – Phương thức làm là hạt giống/men được gieo vào trong một môi trường; – Các dụ ngôn nhấn mạnh kết quả mà hạt giống/men mang lại cho môi trường (cc. 30b.32.33).

Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (13:24-30)

Liên hệ với dụ ngôn trước, dụ ngôn nầy tiếp tục nói về Nước Trời bằng câu chuyện hạt giống. Khác với dụ ngôn trước, dụ ngôn nầy không nói về các loại đất trong đó các hạt giống được gieo vào, mà nói về hạt giống. Dụ ngôn trước nói về đất tốt (13,8.23) giúp cho hạt giống trổ sinh nhiều bông hạt. Dụ ngôn nầy đề cập đến hạt giống tốt (c. 24), không bị cỏ lùng làm chết đi, mà sẽ sinh nhiều hạt và được thu vào kho lẫm (c. 30). Điểm khác biệt nữa trong dụ ngôn nầy là sự can thiệp bởi các yếu tố bên ngoài: một đàng là kẻ thù gieo cỏ lùng vào ruộng lúa (c. 25); đàng khác là quyết định của chủ ruộng để cho lúa và cỏ lùng mọc chung với nhau cho đến ngày gặt, bởi ông biết phẩm tính của hạt giống (c. 30). Có thể phân chia bố cục của đoạn nầy như sau: – Khởi điểm về hạt giống tốt (c. 24); – Hạt giống lớn lên chung với cỏ lùng (cc. 25-26); – Lúa tốt được tách ra khỏi cỏ lùng trong mùa gặt (cc. 27-30)

Khởi điểm về hạt giống tốt (c. 24)

Matthêô dùng tĩnh từ kalos, “tốt” trong một số hình ảnh ẩn dụ như trái tốt (3,10; 7,19), công việc tốt (5,16), cây tốt (12,33), hạt giống tốt (13,24), hạt ngọc tốt (13,45), cá tốt (13,48). Các hình ảnh nầy đều nằm trong văn mạch của trình thuật về ngày cánh chung. Đến thời sau cùng, cây nào sinh trái tốt thì được giữ lại, cây nào không sinh trái hoặc sinh trái xấu sẽ bị chặt đi và vất vào lửa; cá tốt sẽ được bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì bị quăng ra ngoài. Cũng thế hạt giống tốt sẽ được cất vào kho lẫm, trong khi cỏ lùng sẽ bị gom góp lại thành bó và bị đốt đi.

Hạt giống lớn lên chung với cỏ lùng (cc. 25-26)

Trong đoạn nầy dưới hình thức trình bày, Matthêô nói đến sự xuất hiện của cỏ lùng và lớn lên chung của nó với hạt giống trong cùng một thửa ruộng. “Kẻ thù”, echthros, là người gieo cỏ lùng vào đó, cũng là ma quỉ, diabolos (c. 39), là kẻ đối nghịch với “ông chủ”, kyrios (c. 28). Kẻ thù gieo cỏ lùng lên trên hạt giống tốt nhằm phá hoại hạt giống tốt và ngăn cản hạt giống sinh trái.

Câu 25 mô tả các hành động liên tiếp và hoàn thành của kẻ thù: èlthen, “đã đến”, epespeiren, “đã gieo lên trên” và apèthen, “đã ra đi”. Các hành động diễn ra rất nhanh trong khung cảnh thoi gian là “lúc mọi người đang ngủ”, en tò katheudein. Matthêô thường mô tả một biến cố “sự dữ” diễn ra trong khi một người đang ngủ: Chúa Giêsu đang ngủ trên thuyền thì giông bão ập đến (8,24), trong khi các môn đệ đang ngủ, Chúa Giêsu chiến đấu với cám dỗ trong Vườn Cây Dầu, và người tội lỗi đang đến bắt Ngài (x. 26,40-45). Ở đây Matthêô chỉ nhắm mô tả sự kiện là ma qủi lợi dụng lúc người ta đang ngủ để gieo cỏ lùng vào.

Cỏ lùng được kẻ thù gieo vào giữa hạt giống tốt và lớn lên cùng hạt giống (c. 26). Trong 10,16 Matthêô nói đến việc chiên được sai đến giữa đàn sói. Trong cả hai trường hợp Matthêô đều cho thấy là hạt giống và chiên không bị biến dạng hay hư hỏng bởi việc sống chung nầy. Cỏ lùng và hạt giống tốt cùng lớn lên và chúng phát triển theo cách của chúng. Ở đây cả hai được mô tả là lớn lên cùng thời. Trong 13,30, có sự quyết định của gia chủ nữa, “Hãy để chúng cùng lớn lên”. Hạt giống tốt kết trái, cỏ lùng cũng phơi bày mình ra. Tỏ hiện, phainò, ở đây là tự phơi bày mình ra cho người khác thấy (x. 9,33; 24,30); khi còn là hạt, khó phân biệt được đâu là cỏ lùng và hạt giống.

Chủ đề chính của dụ ngôn là hạt giống. Chủ ruộng đã gieo hạt giống, speirò, vào ruộng của mình. Kẻ thù đến và gieo thêm cỏ lùng “giữa hạt giống”; động từ epi-speirò chỉ việc gieo lên trên. Cách mô tả nầy cho thấy mục đích xấu của kẻ thù. Tuy nhiên, hạt giống vẫn mọc lên và kết trái. Matthêo nói đến việc kết trái, karpos, như trong dụ ngôn trước (13,8). Việc kết trái chứng tỏ là hạt giống tốt, nên mới sinh trái tốt (7,18.20), và không bị ảnh hưởng bởi việc lớn lên chung với cỏ lùng.

Lúa tốt được tách ra khỏi cỏ lùng trong mùa gặt (cc. 27-30)

Đoạn nầy ở hình thức đối thoại giữa chủ ruộng và các tôi tớ. Các tôi tớ đặt các câu hỏi, và gia chủ trả lời và ra mệnh lệnh. Kẻ thù ra đi, các tôi tớ đến với gia chủ trình bày về sự hiện diện của hạt giống xấu trong ruộng (c. 27). “Người gieo hạt giống tốt” trong câu nhập đề, bây giờ được xác định chính là gia chủ, oikodespotès. Gia chủ nầy chính là hình ảnh của Thiên Chúa (20,1; 21,33); bởi đó kyrie cũng hiểu theo nghĩa nầy. Các tôi tớ đặt vấn đề về nguồn gốc hạt giống xấu giữa ruộng của ông chủ: “Ông đã chẳng gieo hạt giống tốt hay sao?” Câu trả lời chờ đợi khẳng định “Vâng, tôi đã gieo hạt giống tốt”. Câu hỏi tiếp theo về nguồn gốc cỏ lùng “Bởi đâu lại có cỏ lùng?” Trong Matthêô, khi đặt vấn đề về nguồn gốc một sự kiện, thường cho thấy sự kiện ấy vượt qua trí hiểu của con người, và cả sự bất lực của con người trong giải quyết vấn đề (13,27; 13,54.56; 15,33; 21,25). Bởi đó, ông chủ không để cho các tôi tớ làm theo cách suy nghĩ của họ là đi nhổ ngay cỏ lùng ra khỏi ruộng.

Chỉ gia chủ mới biết nguồn gốc của cỏ lùng, còn tôi tớ không biết điều nầy, nên họ phải chờ đến ngày gặt (c. 28). Ông gọi đó là kẻ thù của ông, vì cỏ lùng đã được gieo vào trong ruộng của ông. Chính ông quyết định thời hạn để cho cỏ lùng lớn lên chung với hạt giống, và khi nào thì chúng sẽ bị đốt trong lửa. Động từ syllegò, “thu góp” (cc. 28.29.30) được dùng đến 3 lần trong đoạn ngắn nầy. Các tôi tớ muốn thu góp ngay cỏ lùng (c.28), nhưng gia chủ lo ngại việc thu góp nầy sẽ ảnh hưởng đến hạt giống tốt (c. 29). Bởi đó ông để cỏ lùng mọc chung trong ruộng của ông cho đến ngày gặt (c. 30). “Mùa gặt” và “thời gian” gắn liền với nhau và mang ý nghĩa cánh chung. Chính “thời gian”, kaipos, xác định tính chất của mùa gặt. Đó là mùa gặt của thời cánh chung (8,29; 21,34). Chính đợi đến ngày cánh chung, mọi sự mới tỏ lộ ra và được giải quyết (13,47-50; 22,1-14; 25,31-46). Hạt giống tốt thì sinh hạt, còn cỏ lùng thì không; như thế ông chủ dùng nguyên tắc “xem quả thì biết cây” (7,18) để chỉ cho tôi tớ biết cách phân biệt và hành động trong ngày gặt. Cỏ lùng thì bó lại và đốt đi, còn lúa tốt cất vào trong kho lẫm của gia chủ (13,30b.40; 3, 12).

Thiên Chúa gieo hạt giống tốt xuống, và Ngài thu gặt hoa trái. Trên mảnh ruộng của Thiên Chúa ở trần gian, hạt giống tốt và cỏ lùng sống chung. Hạt giống tốt phải sinh hoa trái tốt, vì chỉ như thế nó mới được thu hoạch và cất vào kho lẫm của Thiên Chúa.

Dụ Ngôn Hạt Cải (13,31-32)

Lần nữa Chúa Giêsu nói về dụ ngôn một hạt giống khác. Đó là hạt cải. Dụ ngôn nầy được thuật lại trong Mc 4,30-32 và Lc 13,18-19. Hạt cải mọc dọc theo vùng Biển Galilêa. Chiều cao loại cây một năm nầy thay đổi từ 0,6096 m – 1,8288m. Lá mọc từ gốc mà lên. Đến mùa cây trổ sinh rất nhiều bông nhỏ màu vàng. Hạt cải dùng làm dầu, một thứ hương liệu (ABD 2,812).

Khác với dụ ngôn hạt giống tốt, dụ ngôn nầy nhấn mạnh đến kết quả cuối cùng của hạt cải, rất tương phản với tình trạng khởi đầu. Tính cách tương phản nầy được diễn tả bởi hai tính từ mikroteron, “nhỏ nhất” và meizon, “lớn nhất” (c.32). Sự tương phản nầy nhấn mạnh sự sống lớn mạnh và năng động của Nước Trời. Hạt cải lớn lên thành “cây”, devdron, nghĩa là nó có hình dáng và kích thước như một thân cây.

Hình ảnh ẩn dụ “chim trời đến ẩn náu trong cành của nó” lấy từ Cựu ước. Sách Đaniel 4 và Ezekiel 31 so sánh vua Aicập như một cây to lớn, “thân nó cao lớn hơn mọi cây cối trong cánh đồng, chồi lộc ra nhiều, cành lá vươn rộng” (Ezk 31,5), mà các chư hầu như chim trời tìm đến ẩn náu và làm tổ, “Trên cành cây, mọi giống chim trời đến làm tổ, dưới bóng lá cành, mọi dã thú nẩy nở sinh sôi, và dưới bóng nó, vô số dân tộc đến cư ngụ” (Ezk 31,6; Đaniel 4,9.18). Bởi đó, hình ảnh nầy được dùng trong dụ ngôn ám chỉ việc các dân tộc tìm đến Nước Trời vào thời cánh chung, để được cư ngụ và hưởng sự sống trong đó.

Cây cải của Nước Trời thay thế cây sự sống trong vườn Eđen, bởi Nước Trời ban sự sống cho mọi dân tộc và mọi người.

Dụ Ngôn Men Trong Bột (13,33)

Dụ ngôn nầy không dùng hình ảnh hạt giống nữa, mà một nhúm men, zymè. Giống như dụ ngôn trước, dụ ngôn nầy nói đến sự nhỏ bé lúc ban đầu và lớn mạnh vào lúc cuối. Tuy nhiên dụ ngôn nầy còn nhấn mạnh một khía cạnh khác. Đó là sự sống của Nước Trời làm biến đổi cả môi trường nơi men Nước Trời được bỏ vào.

Kết luận: Nước Trời là Chúa Giêsu Kitô. Ngài đến trần gian như hạt giống chịu chôn vùi trong lòng đất. Không để tỏ lộ công khai một dáng vẻ to lớn và huy hoàng nào; trái lại nhỏ bé và thầm lặng. Tuy nhiên Ngài đã làm dậy lên trần gian và khi đã hoàn thành sứ mạng, Ngài trở nên nơi ơn cứu độ duy nhất cho mọi người. [Mục Lục]

9. Nước Trời được ví như… 

(Suy niệm của Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)

Đoạn Tin Mừng dài hôm nay chỉ có một chủ đề duy nhất: qua một số hình ảnh dễ hiểu Nước Trời được phác lên những nét đặc thù mà, thoạt tiên xem ra rời rạc nhưng nhìn kĩ chúng bổ sung cho nhau cách hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên để hiểu sâu rộng hơn, tôi thiết nghĩ cần phải đầu tư đội chút suy nghĩ. Hai dụ ngôn đầu chẳng hạn, nhiều lần ta được giải thích: sức mạnh của Nước Trời được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé nhưng lại mọc thành cây lớn, như dúm men ít ỏi mà làm cho cả ba thúng bột dậy men, vì đó là sức mạnh của chân thiện mỹ, mà chân thiện mỹ thì không gì có thể cưỡng lại được. Điều này nếu có đúng thì chỉ trên suy luận lô-gic, thực tế cho thấy: ngay cả giữa các tu sĩ nhiều người còn nghi ngại về sức mạnh của gương mù gương xấu hơn là tin tưởng vào sức mạnh của gương lành hay nhân đức. Ngay cả một Giáo Hội rất tự hào về các chân lý mình sở đắc mà nhiều khi cũng còn run sợ, lép vế trước các thói đời, lạc thuyết… Sức mạnh vô địch của Nước Trời, theo Đức Giêsu, chắc phải hệ tại ở một điều gì khác lắm…

Dụ ngôn thứ ba thì Đức Giêsu kể, rồi lại được chính Người giải thích nhằm đáp ứng yêu cầu của các môn đệ. Nhiều người cho rằng dụ ngôn này nói về tình trạng chịu vậy của người lành phải sống chung với kẻ dữ chờ ngày phán xét; nếu quả thật là thế thì ý nghĩa của nó đi ngược hẳn lại, và triệt tiêu hai dụ ngôn trên. Chắc chắn không thể thế được! Hơn nữa nhiều người trong chúng ta vẫn hiểu là Đức Giêsu ví von Nước Trời giống như hạt cải, như nhúm men…, thậm chí nhiều cuốn Kinh Thánh còn đặt tiêu đề ‘dụ ngôn cỏ lùng’ dễ gây hiểu lầm (Nước Trời giống như cỏ lùng?). Thực ra các dụ ngôn đều là những câu chuyện, và ở đây Nước Trời được ví như ba hành động chứ không phải ba vật thể. Riêng dụ ngôn thứ ba (lúa tốt và cỏ lùng) Nước Trời được ví với thái độ của chủ ruộng: ông chấp nhận tình trạng sống chung tốt xấu vì một mục đích nào đó cao cả hơn. Nếu ta đọc cả ba dụ ngôn và hiểu ba hành động trong thế liên hoàn, có thể ý nghĩa sẽ hiện rõ hơn chăng? Tôi thử suy diễn:

Nước trời chính là lòng từ nhân của Thiên Chúa và thực tại trong đó lòng thương xót của Ngài ngự trị và hành động. Lòng nhân này chấp nhận, và thực tế còn như ‘mong’ cho có sự dữ, ‘đòi’ phải có sự tội trên trần gian này, mọi nơi và qua mọi thời đại (kể cả trong Hội Thánh, trong đời tu… và đương nhiên nơi từng tâm hồn…) Felix culpa là thế!; ‘Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt!’ Yếu đuối và tội lỗi không hề làm cho tình yêu thương xót này bị giảm sút hay thu hẹp lại. Thoạt nhìn lòng nhân ái có vẻ âm thầm và rất mực khiêm tốn, nhưng chính trước tội lỗi và sự dữ nó lại có cơ càng lớn mạnh và bùng nổ mạnh mẽ hơn. ‘Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải (nhỏ bé) người nọ lấy gieo trong ruộng mình…như nắm men vùi vào ba thúng bột…’ Và trong chính cái môi trường tội lỗi và thấp kém đó (thửa đất đen hay mấy thúng bột chai lì) lòng thương xót càng chứng tỏ được cái sức mạnh cải tạo và biến đổi vô địch của nó, ‘cho đến khi tất cả bột dậy men’.

Lấy trường hợp thầy thuốc chẳng hạn, một hình ảnh mà Đức Giêsu đã từng sử dụng để nói về chính mình. Nghề của thầy thuốc cần, và gần như đòi, phải có người đau yếu bệnh tật. Người ta không gởi bác sĩ tới nơi toàn người khỏe mạnh, lành lặn. Bệnh càng nhiều và con bệnh càng hiểm nghèo thì tay nghề của bác sĩ, không những không mai một, mà ngược lại còn phát huy và nổi danh hơn. Một bác sĩ được gởi tới bệnh viện chính là để chữa bệnh cho thật nhiều bệnh nhân, nhất là các ca bệnh nặng nhất… cho tới khi họ hoàn toàn bình phục có thể về nhà. Nước Trời của Đức Kitô là như thế đó và kế hoạch của Thiên Chúa là như vậy!

Cụ thể hơn, ta thử nhìn vào trường hợp cha sở họ Ars – thánh Gioan Vi-a-nê, một hình ảnh mà tôi đã nhiều lần chiêm ngắm trong sứ vụ linh mục của mình. Sứ mệnh mục tử tìm chiên lạc của ngài gần như đòi ngài phải được phái tới một họ đạo hẻo lánh, khô khan, nguội lạnh như cái họ đạo Ars thời đó. Và chính vì được gởi tới cái họ đạo tội lỗi bê tha này mà từ một linh mục tầm thường vô danh, Gio-an Ma-ri-a đã trở nên lừng danh thánh thiện; và vì ngài đã trung thành ở lại phục vụ chứ không trốn chạy (như ngài đã từng muốn làm) mà họ đạo Ars và cả vùng lân cận dần dần được cải hóa. Có như thế, Gioan Maria Vi-a-nê mới nối bước theo chân Thầy Giêsu, mới xứng danh là linh mục của Nước Trời – linh mục của Giêsu cứu độ, của Thiên Chúa nhân hậu và xót thương. Chính vì thế mà, nếu muốn trở thành một linh mục (hay Kitô hữu) của Nước Trời, tôi không thể khác hơn… là chấp nhận sống giữa một trần gian tội lỗi, để có nhiều người nhận ra rằng: ‘Nước Trời đang ở giữa anh em’.

Lạy Thiên Chúa là chủ của Nước Trời đang được thể hiện nơi trần gian, xin biến đổi con nên linh mục của Nước Trời, để con không phàn nàn kêu trách tội lỗi của người đời, không khó chịu, chán nản trước các lầm lỗi của chính mình, cũng như của các anh em con. Ngược lại xin cho con biết dâng lời cảm tạ vì nhờ đó con càng được đồng hành với lòng thương xót Chúa, được tiến bộ và lớn mạnh lên trong sức mạnh yêu thương, và được tham gia vào hiệu năng cải hóa và biến đổi mà chỉ có lòng thương xót thập giá mới có thể thực sự mang lại. Amen. [Mục Lục]

10. Con người, không phải cỏ cây 

(Suy niệm của John. W. Martens – Văn Hào, SDB chuyển ngữ)

Mt 13, 28: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi để gom cỏ lùng lại không?”

Dụ ngôn cỏ dại giữa ruộng lúa chỉ có trong tin mừng Matthêu. Đó là dụ ngôn về cánh chung, về ngày phán xét sau cùng. Đối với những người làm vườn, dụ ngôn gợi nhắc chúng ta nhớ lại những kinh nghiệm vườn tược. Kinh nghiệm cho thấy, ta có thể phân biệt giữa lúa tốt và cỏ dại. Nói thì dễ nhưng bắt tay vào làm thì rất khó, nhất là đối với những ai mới tập sự công việc ruộng rẫy. Ở đây chúng ta đặt ra một câu hỏi khác: Cỏ dại từ đâu mà ra?

Gia đình tôi đã mua một căn hộ 10 năm về trước, và chúng tôi đã chuyển đến căn hộ này vào mùa xuân. Tôi nhận thấy có một giống cỏ lạ trong vườn nhà mình. Khi loại cỏ này lớn lên vào mùa hè, tôi khám phá ra chúng không còn giống một loại cỏ dại nữa. Đó là loại rau ăn được, tên khoa học là Antium lappa. Rễ của nó màu trắng, dài đến 1 mét khi nó lớn và rất khó để nhổ lên. Rễ của giống cây này sẽ bị gãy và tự phân hủy, trước khi tôi có thể bứng nó đi. Tôi còn khám phá ra một điều thú vị về loại cây Antium lappa này. Nhiều người đã dùng nó như một vị thuốc để chữa bệnh. Đó cũng là một loại thảo mộc mà bông của nó có thể được dùng để dệt vải. Khi người ta lấy sợi bông này dính vào lông cừu, thì rất khó để gỡ ra. Đây là loại cỏ dại đối với tôi và gia đình, những đối với những người biết công năng của nó, thì nó chẳng còn là một loại cỏ dại nữa. Phân biệt cỏ dại với một loại thảo mộc hữu ích, tùy thuộc vào sự hiểu biết của từng người.

Trong dụ ngôn về lúa tốt và cỏ dại, dường như không có sự phân định ró ràng giữa hai thể loại này. Một bên là lúa, để làm ra cơm bánh, một bên là cỏ dại, tiếng Hy Lạp là Zizania, và tên khoa học nó thuộc chủng loại Lolium Temulentum. Các bản dịch cổ trong Kinh Thánh vẫn gọi là cỏ lùng, hay cỏ dại. Zizania trông khá giống cây lúa khi nó mới mọc lên, nhưng khi nó lớn lên, người ta dễ phân biệt nó với cây lúa. Dụ ngôn của Chúa Giê-Su khai sáng cho chúng ta thấy loại cỏ Zizania này cuối cùng không thể được sử dụng, không giống như loại cỏ bông, cây thuốc chúng ta nói ở trên. Khi người làm vườn phát hiện ra nó, nó sẽ bị đốn bỏ. Tuy vậy, để phân định lúa tốt với cỏ dại, phải chờ đợi ngày cánh chung, eschaton, khi nhũng người thợ gặt, là các thiên thần sẽ đến thu gom lúa tốt cho vào kho lẫm và gom đốt cỏ dại, như một cuộc phân định chung thẩm.

Đôi khi có một vài sinh viên hỏi tôi có phải dụ ngôn ám chỉ việc tiền định, tức là có một số người đã là lúa tốt, và một số khác đã là cỏ dại ngay từ lúc ban đầu. Vấn nạn đó chống lại gay gắt ý nghĩ ẩn dụ của dụ ngôn. Cây cỏ chỉ là cây cỏ, và con nguời vẫn là con người. Điểm nhấn của Chúa Giê-Su nơi dụ ngôn, là Ngài không chủ trương nói rằng có những người vốn xấu xa ngay từ ban đầu, từ căn rễ. Nhưng Giáo hội là một thân thể mầu nhiệm pha trộn cả những vị thánh và những tội nhân. Chúng ta không thể nói ai là những người biểu trưng cho lúa tốt, và ai là những cỏ dại, vì bản tính bất toàn của con người chúng ta. Những hiểu biết và những quyết định của chúng ta khi xét đoán người khác không thể nào chính xác, khi chúng ta muốn tiếm quyền Thiên Chúa trong công việc này.

Dương như trong dụ ngôn này, Giáo hội được khuyến mời hãy luôn có thái độ kiên nhẫn và khoan nhượng đối với những con người mà chúng ta dễ kết án.Tất cả chúng ta hợp thành một nhiệm thể. Chúng ta được dựng nên tốt lành theo họa ảnh của Thiên Chúa, nhưng ai cũng có khuynh hướng chiều theo tội lỗi. Không ai trong chúng ta trở thành lúa tốt nếu Chúa không trợ giúp. Chúng ta dễ có khuynh hướng sai lạc là muốn làm tinh sạch giáo hội bằng cách loại trừ những ai phạm tội không theo kiểu cách của chúng ta, hoặc không suy nghĩ giống như chúng ta. Khuynh hướng này cần phải được loại bỏ. Chúng ta phải kiên nhẫn để cho Thiên Chúa làm việc, khi chúng ta đang chuẩn bị cho ngày cánh chung sau cùng. Matthêu không hổ thẹn khi nói về Ngày Chung Thẩm (Ngày Chung Thẩm viết hoa). “Sẽ có nhiều người bị ném vào nơi khóc lóc nghiến răng, và một số nguời công chính sẽ sáng chói như ánh mặt trời trong vương quốc của Chúa Cha”. Trong khi Giáo Hội vẫn sử dụng quyền bính để thẩm xét những hành vi của con người như trong Mt 18, và những ai còn sống trong sự hiệp thông với Giáo hội, thì với sự hiểu biết hạn hẹp của chúng ta, chúng ta không thể kết luận ai là lúa tốt, ai là cỏ dại. Về điều này chúng ta cần phải nhấn thật mạnh một lần nữa, dụ ngôn với ý nghĩa ẩn dụ thì vẫn chỉ là ẩn dụ mà thôi. Chúng ta không phải là cây cỏ, nhưng chúng ta là những con người. Khác với cây cỏ, vì nó chỉ là cỏ cây, thế thôi. Chúng ta là con nguời, và chúng ta vẫn có thể lớn lên theo cách thức mà Chúa muốn chúng ta phải là, để phục vụ vương quốc với hoa trái mà chúng ta không bao giờ biết đến, và hoa trái đó ở ngay chính trong tâm hồn chúng ta. [Mục Lục]

 

Sưu tầm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *